Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo đã chấp nhận một thoả ước hoà bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài bốn tháng tại nước này.

Theo như kế hoạch, ông Gbagbo sẽ nhường một số quyền cho thủ tướng, người sẽ dẫn đầu một chính phủ liên hiệp mới.

Giới ngoại giao tại hội nghị thượng đỉnh nói chính quyền mới sẽ do ông Seydou Diarra lãnh đạo, người đã từng là thủ tướng từ năm 99 đến năm 2000 trong thời kỳ quân quản tại Bờ Biển Ngà.

Kế hoạch hoà bình này đạt được sau chín ngày đàm phán giữa các đảng phái chính trị và các nhóm phiến quân tại nước này.

Trong thỏa thuận đề ra, tất cả các đảng phái chính trị và các nhóm phiến quân sẽ tham gia vào một chính phủ hòa giải dân tộc mới, trong đó một thủ tướng mới sẽ nắm hầu hết quyền lực của chính phủ.

Các nhóm phiến quân sẽ bị buộc phải nộp tất cả vũ khí. Tiến trình hòa bình cũng kêu gọi sự thành lập một ủy ban giám sát quốc tế để bảo đảm thỏa thuận được tôn trọng.

Phóng viên Paul Welsh của BBC tại Paris nói đây là cơ hội đạt được hòa bình tốt nhất của Bờ biển Ngà kể từ khi cuộc nội chiến tại đây bắt đầu.

Những đại biểu tham dự hội nghị đã cố gắng tránh một cuộc lật đổ bằng vũ lực vì họ muốn duy trì sự ổn định lâu dài tại Phi châu.

Được biết lúc đầu, ông Gbagbo tỏ ra lưỡng lự về việc chấp nhận thỏa thuận này bởi vì nó sẽ làm giảm bớt quyền lực của ông.

Vào thứ Sáu vừa qua, ông Gbagbo kết thúc các buổi hội đàm chủ chốt với ông Chirac một cách tốt đẹp, thế nhưng nội dung hội đàm vẫn chưa được tiết lộ.

Lãnh đạo các nước láng giềng đang cố gắng gia tăng sức ép lên tổng thống Gbagbo, kêu gọi ông chấp thuận thỏa hiệp và đi đến kết thúc chiến tranh.

Pháp hiện đang có hơn 2000 quân tại Bờ biển Ngà Pháp, và hiện là chủ tọa các cuộc đàm phán nói họ tin rằng dự thảo hiệp ước sẽ được ký kết trong hai ngày hội nghị.(BBC)