Lễ Bế Giảng & Phát Thưởng

Trường Việt Ngữ Đắc Lộ CĐCG Nam Úc


Lễ Chào Cờ Việt Úc
Lúc 1 giờ chiều thứ bảy ngày 08/12/2007 gần 1,500 em học sinh cùng các phụ huynh và các giáo chức đã tề tưu về Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân thuộc Cộng Đồng Thiên Chúa Giáo Người Việt tại Nam Úc để tham dự Lễ Bế Giảng & Phát Thưởng niên học 2007 của trường Việt Ngữ Đắc Lộ.

Quan khách tham dự có ông Lê Văn Hiếu Phó Toàn Quyền tiểu bang Nam Úc kiêm Giám Đốc Văn Phòng Đa Văn Hóa và Sắc Tộc Sự Vụ.

Nghi Lễ chào quốc kỳ Việt Úc và phút mặc niệm các chiến sĩ, các giáo chức và các học sinh đã bỏ mình vì lý tưởng Tự Do Dân Chủ đã mở đầu cho chương trình Lễ Bế Giảng và Phát Thưởng hôm nay. Kế đến là diễn văn của Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng ngỏ lời chào mừng đến quan khách, quí phụ huynh, giáo chức và các em học sinh, tiếp theo là lời phát biểu của ông Lê Văn Hiếu phó toàn quyền tiểu bang Nam Úc. Sau lời phát biểu của vị Phó Toàn Quyền, các Thầy Cô Trưởng Chi Nhánh lên xướng danh các em học xuất sắc của chi nhánh được lãnh thưởng. Các em được lãnh thưởng xếp hàng theo thứ tự, từ lớp nhỏ cho đến lớp lớn. Phần thưởng được trao cho các em học sinh qua tay các vị Quan Khách.

Đặc biệt năm nay, ngoài ba phần thưởng Hạng Nhất, Nhì và Ba. Ban Giám Hiệu còn tặng thêm cho mỗi lớp một phần thưởng hạng thứ Tư về chuyên cần.

Lồng trong chương trình Phát Thưởng là những màn trình diễn văn nghệ giúp vui do các em lớp Vườn Trẻ và Các lớp Sơ Học trình diễn.

Trong niên học 2007, Ông Hiệu Trưởng đã trích ra một ngân khỏan để trao giải thưởng cho các em viết văn giỏi được gọi là giải Viết Văn Hiệu Trưởng. Các em đã thi đua viết các bài văn về cảm tưởng cũng như bình luận rất là xuất sắc, những bài văn này đã được Ông Hiệu Trưởng giữ làm tài liệu và có thể sẽ được đưa lên trang Web của trường Đắc Lộ khi trang Web của nhà trường được hòan chỉnh một ngày rất gần.

Nhân dịp này Ban Giám Hiệu đã tổ chức một bữa tiệc tất niên để khỏan đãi các giáo chức và người phối ngẫu. Buổi dạ tiệc được diễn ra trong bầu không khí thân mật và vui tươi với các màn trình diễn văn nghệ hát Karaoke “cây nhà lá vườn” do các giáo chức trình diễn, cùng với nhiều mục đố vui có thưởng.

Cũng trong bữa tiệc, Ban Giám Hiệu đã xướng danh và ghi công các vị giáo chức thâm niên đã công tác, giảng dạy giúp nhà trường từ 10 năm trở lên. Mỗi giáo viên thâm niên được Ban Giám Hiệu biếu một tấm Plaque kỷ niệm có huy hiệu của trường và lời ghi ơn cùng với một voucher.

Giáo chức có thâm niên giảng dạy tại trường Việt Ngữ Đắc Lộ lâu năm nhất là Cô Nguyễn Thị Mộng Cầm trưởng chi nhánh trung tâm Việt Ngữ Pooraka với 24 năm dài cộng tác, gắn bó liên tục với trường, đã giúp cho các con em người Việt sinh trưởng tại Úc khai tâm và nói rành rẽ tiếng Việt. Cô Mộng Cầm có rất nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn các em học sinh học tiếng Việt từ Vườn Trẻ đến lớp Vỡ Lòng và Mẫu Giáo. Hiện nay Cô Cầm đang làm trưởng chi nhánh, trung tâm Pooraka với sĩ số học sinh trên dưới 250 em. Chi nhánh mở từ lớp Vườn Trẻ đến lớp 7 vào mỗi sáng thứ Bảy từ 9 giờ đến 11 giờ 30.

Được biết trường Việt Ngữ Đắc Lộ là trường sắc tộc lớn nhất của tiểu bang Nam Úc với sĩ số học sinh gần 1,500 em. Trường chuyên dạy tiếng Việt từ lớp Vườn Trẻ đến lớp 12 trung học, thi Tú Tài chính mạch, học sinh chọn môn tiếng Việt là ngoại ngữ.

Trường có Đắc Lộ có 3 chi nhánh là Sailsbury, Pooraka và Woodville tọa lạc trên các vùng có đông người Việt định cư trong thành phố Adelaide thủ phủ của tiểu bang Nam Úc. Trường đang hoạt động rất mạnh và được Bộ Giáo Dục Nam Úc đánh giá là trường sắc tộc kiểu mẫu. Hàng năm các em học sinh thi Tú Tài chọn môn tiếng Việt là ngoại ngữ đậu rất cao, có em đã đạt điểm 20/20.

Cựu học sinh trường Đắc Lộ giờ đây có những em đã trở thành bác sĩ, kỹ sư và chuyên gia đang làm việc tại Úc Châu nói tiếng Việt rất thông thạo.

Ngày xưa, thuở còn ấu thơ, các em đã cắp sách đến trường Đắc Lộ khai tâm tiếng mẹ đẻ, từ thời kỳ nhà trường còn phôi thai, mới thành lập. Nay các em đó đã thành đạt, trở về cộng tác với trường, trở thành những thầy cô giáo xuất sắc dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ 3, con cháu người Úc gốc Việt.