NGÀY GẶP GỠ CÁC TÁC GỈA ĐỒNG XANH THƠ

Ngày 20-01-2008, Đồng Xanh Thơ tổ chức ngày họp mặt các thi sĩ Công Giáo tại Toà Giám Mục Phan thiết. Kỷ niệm một năm trang thơ Công Giáo ĐỒNG XANH THƠ lên trang web dunglac.org và cũng là dịp để các tác giả ĐXT có cơ hội gặp gỡ chia sẻ và trao đổi về văn học Công giáo.

Thành phần được mời tham dự bao gồm:Đức Ông Tổng Đại diện Giáo phận Phan thiết - nhà thơ Xuân Ly Băng. Lm Giám Đốc Chủng viện Nicolas. Lm Trăng Thập Tự. Lm Ns Sơn Ca Linh (Qui Nhơn).Lm Hồ sĩ Hữu nhà thờ Chính Tòa, Lm Lương Vĩnh Phú Quản lý TGM. Lm Nguyễn Kim Anh, Lm Hoàng Kim Tốt. Đại diện các Đại Chủng Sinh. Đại diện các Hội Dòng MTG Phan thiết, MTG Nha trang, MTG Qui nhơn, Khiết Tâm, Phaolô.Nhà thơ Lê Đình Bảng, Nhà thơ Phanxico, Nhà thơ Trần Vạn Giã, Nhà thơ Trầm Biệt Phương, Nhà thơ Cao Huy Hoàng, Nhà Dịch Thuật Nguyễn Uy Nam Sài gòn, Nguyễn Quốc Anh Đà lạt. Một số thi sĩ và sinh viên nhà thơ đã góp mặt trong Đồng xanh thơ năm 2007.

Các thuyết trình viên gồm: Lm Nhà thơ Trăng Thập Tự, Nhà thơ Lê đình Bảng và Lm Nhà thơ Thiên Cung.

Mở đầu, Đức Ông Xuân Ly Băng nói lên niềm vui của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, của Đức Ông và của những người đi trước làm công tác văn học Công giáo khi thấy có một lớp kế thừa biết trân quí Văn học Việt Nam và Văn Học Công Giáo. Ngày họp mặt các tác giả Đồng Xanh Thơ cho thấy một nỗ lực phục hồi và phát huy nền Văn học Công giáo thực sự cần thiết cho một thế hệ trẻ trong xã hội Việt nam hiện tại. Đức Ông chúc mừng Ngày Họp Mặt Các Tác Giả Đồng Xanh Thơ, chuyển lời chúc mừng đến Mạng Lưới Dũng lạc, và tuyên bố khai mạc.

Nghệ sỹ Kim Lệ ngâm thơ Xuân ly Băng.

Tiếp theo, Lm Võ Tá Khánh (Nhà thơ Trăng Thập Tự) trình bày đề tài: Nguồn Thi Hứng Công Giáo. Trên hành trình tâm linh, người ta nói đến ba con đường: thanh tẩy, quang minh(được soi sáng) và kết hiệp(hiệp nhất). Trong thơ đạo, ta cũng thấy ba nội dung tương ứng ba giai đoạn của hành trình tâm linh: Thơ giáo huấn(luân lý, thanh tẩy), thơ cầu nguyện và diễn giải Tin mừng(trình bày chân lý khách quan, được soi sáng) và thơ trữ tình(cảm nghiệm chủ quan, hiệp nhất). Tựa như ba bước từ thấp lên cao hoặc ba vòng từ ngoài vào trong. Đồng thời mỗi bước hay mỗi vòng ấy đều có cả thanh tẩy, quang minh và hiệp nhất. Trong thơ giáo huấn vẫn có thể bắt gặp bóng dáng của quang minh và kinh nghiệm hiệp nhất; khởi điểm diễn giải Tin mừng là quang minh nhưng vẫn có cả thanh tẩy và hiệp nhất, đồng thời trong trữ tình vẫn có cả chiều kích được soi sáng và nhu cầu được thanh tẩy. Vì thế có lắm bài thơ có thể xếp vào hai loại cùng một lúc. Bằng nhiều bài thơ minh hoạ ba nội dung thơ đạo, Trăng thập Tự nói đến đỉnh cao của thi sĩ là hành trình tiến vào bên trong. Con đường sáng tác tốt nhất để nâng cao chất lượng Kitô giáo cho tác phẩm là tiến vào bên trong cả về thanh tẩy, quang minh và hiệp nhất. Cả ba mặt đều liên đới và hỗ trợ nhau.

Say mê thánh Gioan Thánh Giá, Trăng thập Tự thường nói đến ngôn ngữ thần bí trong thi ca.

Nhạc sĩ Lưu văn Trung trình bày bài: Quỳ Hoa, phổ thơ Trăng Thập Tự

Nhà thơ Lê đình Bảng thuyết trình đề tài: Về thượng nguồn thi ca Công giáo Việt nam.

Hành trình hơn 40 năm (1965-2008), tôi đã gặp những bến và bờ, những tác giả-tác phẩm thi ca Công giáo.

- Thơ trong kinh nguyện:

+Thánh giáo kinh nguyện, mục lục nhựt khoá, toàn niên kinh nguyện.

+Tác giả-tác phẩm: Thầy giảng Phanxicô, Phạm trạch Thiện, Vũ đức Trinh, Vũ ngọc Bích, Đỗ minh Lý.

- Thơ trong ký ức: Dòng đời: Philipphê Bỉnh, Đặng Đức Tuấn, Nguyễn trường Tộ, Petrus Ký, Paulus Của, Nguyễn hữu Bài, Nguyễn Bá Tòng, Mai lão Bạng, Phúc Dân, Nguyễn ngọc Quang.

- Thơ Phúc âm diễn ca: Lữ y Đoan, Tống Viết Toại, Rerard Gagnon(Nhân), Mai Lâm, Trần đức Huân, Long Giang Tử, Nguyễn thế Thuấn, Nguyễn xuân Văn.

- Thơ Huấn ca: Phan văn Minh, Trần Lục, Hồ ngọc Cẩn, Trần văn Trang, Lê thiện Bá, Đoàn văn Hàm, Trần văn Thi.

- Thơ trong Thánh ca: Phsolô Qui, Phaolô Đạt, Hồ ngọc Cẩn, Nguyễn văn Thích, Nguyễn Văn Vinh, Hùng Lân, Hải Linh, Nguyễn khắc Xuyên, Duy Tân, Ngô duy Linh, Huyền Linh, Tiến Dũng, Hoài Đức, Hoài Chiên, Văn Thao, TRần đình Nam, Hoàng Ngô, Vinh Hạnh, Hoàng Kim, Viết Chung…

- Thơ kinh cầu nguyện: Hàn mặc Tử, Nguyễn văn Thích, Hồ Dzếnh, Bàng bá Lân, Phạm đình Tân, Đỗ Đình, Bùi Tuân, Nguyễn duy Diễn, Vũ đình Trác, Ngọc Minh, Trần thị Hoa, Lê minh Bình Dương.

Nếu tập hợp toàn bộ các tác phẩm thi ca sẽ có một tổng hợp vài trăm nghìn câu thơ đạo đủ thể loại có giá trị. Nhà thơ Đình Bảng mong ước các thi sĩ và mọi người cùng nhau tiếp tục làm giàu thêm kho tàng thi ca Công giáo Việt nam, tiếp bước những thi nhân đã khuất.

Nhạc sĩ Trần Anh Vũ trình bày bài: Kinh cầu Mẹ Ban Mê, phổ thơ Lê đình Bảng. Linh mục Lương Vĩnh Phú hát tặng bài: Thiên chức Linh mục, phỗ thơ Xuân ly Băng.

Thánh lễ đồng tế do Đức giám mục Phan thiết chủ tế. Sau đó chụp hình lưu niệm, dùng cơm trưa nghĩ trưa tại Toà giám mục.

Buổi chiều, Lm Giám đốc chủng viện Nicola-nhà thơ Thiên Cung trình bày đề tài: Thần học và thi ca. Tình trạng lẫn lộn giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ tín lý. Ngôn ngữ thần học học tín lý phải ngắn gọn rõ ràng khúc chiết và để được hiểu bằng lý trí. Còn ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ của trực giác được diễn tả qua những hình ảnh, biểu tượng so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, loại suy…để mà cảm nghiệm và trực giác chứ không để mà hiểu theo kiểu luận lý thông thường.Thần học vốn được định nghĩa như là những lời của con người nói “về” và nói “với” Thiên Chúa trên cơ sở Lời của Thiên Chúa nói “về” và nói “nói” với con người. Thi ca cũng vốn được coi như “tiếng lòng” hay “tiếng đàn lòng” của con người ngỏ lời “về” và “với” con người, với bản thân mình, với thiên nhiên và với Thiên Chúa vốn vẫn đang “thì thầm” khôn nguôi bên trong và cả bên ngoài con người.

Trong thi ca vấn đề quan trọng là “cảm nghiệm với” chứ không phải chỉ là “biết hay hiểu về”…Nếu người ta dùng ngôn ngữ thần học tín lý để “đọc” và “hiểu” các Thánh Vịnh, sách Diễm ca hay các sách Ngôn sứ Cựu ước thì cũng gần như đồng nghãi với việc người ta phải “giết chết chúng”.

Có một câu hỏi mà bao nhiêu lần tôi tự đặt ra cho mình: Tại sao nền văn chương nghệ thuật “đời” ở Việt nam phát triển như vũ bảo trong những thế kỷ qua, còn trong Giáo hội Công giáo Việt nam, khu vườn văn học nghệ thuật sao mà đìu hiu đến thế! Liệu phải chăng, ở Việt nam,người ta vẫn còn lẫn lộn giữa hai thứ ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thần học và vì thế bao giờ thi ca cũng dễ dàng bị “phán xét” qua lăng kính thần học khiến thi ca và nghệ thuật khó có đủ dưỡng khí để mà tồn tại và phát triển?

Các tác giả Đồng xanh thơ hoà âm bài “Cô gái mù bên ly cà phê trắng”, tác giả nhà thơ khiếm thị Vũ Thuỷ, phổ nhạc: nhạc sĩ Phạm Trung

Sau ba bài thuyết trình là phần trao đổi và góp ý về hướng đi tới của Đồng xanh thơ. Đề đạt nguyện vọng là mở giải thưởng thơ văn mỗi năm,khuyến khích các văn nghệ sĩ Công giáo sáng tác góp phần làm phong phú vườn hoa nghệ thuật nhà đạo. Đức Giám mục Phan thiết ủng hộ đề nghị này, Ngài vui vẻ đồng ý mở giải thưởng văn học về Đức Mẹ Tàpao năm 2008. Ngày 30.1.2008 sẽ họp Ban tổ chức tại Toà giám mục Phan thiết. Năm 2009, Giáo phận mừng 50 năm Đức Mẹ Tàpao (8.12.1959 Đức Cha Piquel làm phép tượng đài Đức Mẹ Tàpao).Hy vọng có nhiều thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ tham gia viết thơ –văn - nhạc về Đức Mẹ Tàpao, cùng góp phần làm phong phú nền văn chương Công Giáo Việt nam. Rất mong nhiều bạn trẻ, sinh viên, Chủng sinh, Nữ tu cùng tham gia vào giả thưởng văn học khởi đầu này.

Ngày họp mặt các tác giả Đồng Xanh Thơ kết thúc trong niềm vui và thao thức. Ban tổ chức trao tặng mỗi người 9 tập thơ đã đăng tải trên trang web: dunglac.org.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An