NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO (10)

CHƯƠNG VIII: QUYỀN SỞ HỮU VÀ CẦU NGUYỆN VÌ CÔNG LÝ (tiếp theo)

IV. CẦU NGUYỆN VÌ ĐỐI XỬ THIÊN LỆCH.

1. Ngày 03.12.2007, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài gòn, đã gởi Tâm Thư đến tín hữu công giáo Giáo phận cho biết việc Đức Hồng Y khiếu nại với Chánh quyền về đất đai của Chủng viện Thánh Giuse. Đức Tổng Giám mục viết: “… Năm 2004, qua cha Tổng đại diện của giáo phận, Đức Hồng Y nhắc lại với Chính quyền Thành phố lời đề nghị của giáo phận mong muốn được hoàn trả lại khu nhà đất 4.000m2 (1) (1) nói trên và Người đã không nhận một câu trả lời nào. Cách đây hai tuần, Uỷ ban nhân dân thành phố gửi cho Người một văn thư, trong đó xác định rằng việc Toà Tổng Giám Mục đòi lại khu nhà đất 11 Nguyễn Du là ‘không có cơ sở xem xét giải quyết’. Đức Hồng Y cũng được báo tin rằng Công ty Quản lý nhà quận I cho tiến hành đo vẽ xác định hiện trạng và lập hồ sơ kỹ thuật bán nhà cho các hộ gia đình sinh sống tại đây.”

2. Ngày 15.12.2007, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà nội, lên tiếng với chính quyền về đất Tòa Khâm Sứ (2) (2) cũ và xin dân Chúa cầu nguyện:

“… - Từ nhiều năm qua, sinh họat của Tổng Giáo phận bị giới hạn vì thiếu thốn cơ sở vật chất. Có những Thánh Lễ, người tham dự phải tràn ra đường phố.

- Hội đồng Giám mục Việt-Nam, tổ chức đứng đầu Giáo hội Công giáo tại Việt-Nam, chưa có một địa điểm để đặt trụ sở chính.

Từ nhiều năm nay, Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục đã nhiều lần đệ đơn lên Chính quyền các cấp xin giao lại Tòa Khâm sứ để Giáo hội có đủ phương tiện cần thiết cho những họat động tôn giáo tối thiểu. Đề nghị chính đáng của tôn giáo chưa được đáp ứng, trong khi đó Quận Hoàn Kiếm lại dùng Tòa Khâm sứ để kinh doanh buôn bán. Trước đây đã bán phở, nay lại mở ngân hàng. Và ngày 13.12.2007 vừa qua thêm kinh doanh giữ xe với quang cảnh thật hỗn độn.

Vì thế, xin anh chị em hãy tích cực cầu nguyện để những nơi tôn nghiêm của tôn giáo được tôn trọng, nhu cầu chính đáng của Giáo phận và của Hội đồng Giám mục được đáp ứng và những sinh họat tôn giáo được thuận lợi, góp phần xây dựng xã hội, đặc biệt khuôn mặt của thủ đô được tốt đẹp.”

Tín hữu Công giáo Việt-Nam, trong và ngoài nước, nhiều nơi đã đáp ứng lời kêu gọi của các Đức Giám mục trong việc yêu cầu Chánh quyền trả lại các cơ sở của Giáo hội, không những để Giáo hội có đủ phương tiện cần thiết cho những hoạt động tôn giáo tối thiểu mà còn vì sự công bằng xã hội. Riêng tại Hà nội, trước Tòa Khâm sứ cũ, những buổi cầu nguyện, bắt đầu đêm 18.12.2007, trong cái se lạnh của đợt gió mùa mới, hàng ngàn người đã thắp lên những ngọn nến cháy sáng trong tay, cùng nhau hát Kinh Hoà Bình, tiến bước ‘đem chân lý vào chốn lỗi lầm’. Đi đầu là Thánh Giá – biểu tượng của niềm tin và hy vọng -. Tiếp sau là đoàn người đông đảo, với nến sáng trong tay và lời hát thắm đượm yêu thương. Trời đông Hà Nội nhưng ai cũng thấy ấm áp bởi tình Chúa, tình người và những hy vọng vào hoà bình, công lý. Muôn tâm hồn như một. Các tín hữu Giáo phận đã đáp lời Vị Chủ Chăn, đã hướng về Tòa Khâm sứ cũ để cầu nguyện trong tinh thần:

Tiến lên với ngọn nến sáng trong tay.

Tiến lên với lời thánh ca tha thiết trên môi miệng

Tiến lên trong lối đi rực ánh đèn mầu đón Chúa Giánh Sinh.

Tiến lên trong trật tự, trang nghiêm và an bình.

Không một khẩu hiệu nào được hô lên.

Không một cánh tay nào được vung lên.

Không một người nào chen lấn xô đẩy.

(VietCatholic News 18/12/2007)

Sáng 20.12.2007, khoảng 4.000 người đến cầu nguyện ở khu vực Tòa Tổng Giám mục và Tòa Khâm sứ cũ, bắt đầu từ lúc 8 giờ 30. Bất ngờ một nhóm cùng nhau khiêng Tượng Đức Mẹ Sầu Bi (PIETA). Tại sao Đức Mẹ Sầu Bi? Vì, ở Việt-Nam, nơi nào là không có đau khổ và gần đây, ngày 30.01.2007, Đức Mẹ Sầu Bi, đặt tại núi Gò (Đồng Đinh), nằm trên triều sông Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình. bị đập vỡ mặt, đầu gần đứt hết, chỉ còn một ít bêtông dính vào cốt thép nơi phần cổ… Đây là một tác phẩm của nghệ sĩ Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (Michel-Ange) mà bản chính được kính tại Saint-Pierre-de-Rome, diễn tả xác Chúa Giêsu, nằm trong đôi cánh tay của người Mẹ Sầu Bi, sau khi được nhổ đinh từ Thánh Giá xuống, được điêu khắc trên đá hoa trắng.

Sau Thánh Lễ phong chức, 18 tân Linh mục đến trước Đức Mẹ Sầu Bi, cùng với gia đình và giáo dân, để Tạ Ơn trong ng ày 20.12.2007.

Sáng Chúa Nhật ngày 30.12.2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Tòa Tổng Giám mục để gặp và trao đổi với Đức Tổng Giám mục Ngô quang Kiệt về những gì đang xảy ra xung quanh vụ việc Toà Khâm Sứ trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó, Đức Tổng Giám Mục và Thủ tướng đã sang quan sát Toà Khâm Sứ cũ và nghe giải thích của Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt. Thủ tướng cũng thấy những người đang cầu nguyện và ký tên vào kiến nghị yêu cầu trả nhà đất Toà Khâm Sứ… Điều chắc chắn là cuộc cầu nguyện và hát ‘Kinh Hòa Bình’ không là một hành vi phạm pháp vì chẳng lẽ Thủ tướng lại đến thăm viếng một nơi đang xảy ra những diễn tiến bất hợp pháp, hỡi những ai đã lên án ?

Cuộc ‘cầu nguyện đông ngươi’ vẫn tiếp diễn đi vào Năm Mới 2008…

Ngày 25.01.2008, lúc 9 giờ, một loạt cồng chiêng âm vang dạo đầu, rồi một đợt trống nổi dồn dập, và, sau đó, là tiếng kèn đầy khí thế với bài: Tiếng nhạc oai hùng, vang lên khắp cõi trời Việt Nam… Đó là đoàn cồng chiêng của Mường Riệc, đội trống Nội Hồ, Thạch Bích và đoàn kèn đồng của Thượng Thụy và Hàm Long. Cả ba khối đều mặc đồng phục trông thật đẹp mắt. Phía sau là cả một đoàn người đông đảo gồm các linh mục tu sĩ và giáo dân về đây từ nhiều tỉnh thành trong ngoài giáo phận, để dự Thánh Lễ mừng Đức Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm đình Tụng, nhân kỷ niệm 90 tuổi, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục, 15 năm Hồng y, tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội..

Khoảng 11 giờ 30, Thánh lễ chấm dứt, đoàn người rước trở lại khu vực Toà Khâm Sứ cũ, dưới mưa, trong tiếng kèn, trống cùng và lời hát. Tới nơi, một chị người Mường trèo lên hàng rào, để và dâng hoa Đức Mẹ Sầu Bi. Lập tức hơn một chục bảo vệ bắt chị. Mấy nữ công an hình sự chìm hung hăng khống chế nặng tay với chị. Khi đó, Luật sư Lê quốc Quân, tay cầm máy quay phim leo rào vào quay cảnh đuổi bắt. Lập tức các công an buông chị phụ nữ để quay về bắt giữ anh Quân. Họ lôi anh về phía quán phở. Nơi đó, có ngôi nhà nhỏ và một lối đi nhỏ. Họ tống anh vào đó và đánh anh. Vài linh mục và giáo dân chạy vào lối đi nhỏ bên trong quán phở để yêu cầu bảo vệ bên trong thả anh Quân: “Các anh không cho người ta cắm hoa, thì thả người ta ra. Không được giữ người. Không được đánh người!”.

Một anh bảo vệ đứng bên trong cửa cứ làm thinh. Giáo dân bắt đầu đập cánh cửa sắt nhỏ. Nhưng nó quá vững. Tức thì, một người chạy ra về Tòa Khâm sứ cũ dùng micro kêu gọi can thiệp: “Xin cộng đoàn chúng ta dừng đọc kinh. Yêu cầu các nhân viên bên trong thả người của chúng tôi ra. Phản đối hành vi bắt giữ người. Phản đối hành vi đánh người.” Mọi người trả lời: “Phản đối.” và lời kêu gọi được nhắc lại nhiều lần. Vẫn không thấy anh Quân và các nhân viên bảo về trở lại ra sân, cả cộng đoàn đứng bên hàng rào sắt bắt đầu lay hàng rào. Hàng rào đung đưa dữ dội và sớm bị đổ sập, nhiều người vào giải cứu anh Quân và bảo vệ chị phụ nữ.

Cộng đoàn tràn vào sân tiến đến chỗ tượng Đức Mẹ và cầu nguyện. Các đoàn kèn trống cũng vào được và mau chóng nhập đội hình và “tiếng nhạc oai hùng, vang lên khắp cõi trời Việt Nam…” lại tiếp tục. Khi ấy, một nhóm giáo dân khiêng đến một cây thánh giá sắt khá lớn và, trong nháy mắt Thánh Giá đã được dựng lên, không phải chỉ bằng gạch đá bê tông cốt thép mà trước nhất và trên hết là bằng niềm Tin.

Lúc 22 giờ, giáo dân, bắt đầu canh thức và cầu nguyện tại sân Toà Khâm Sư cũ, hướng về Mẹ Sầu Bi và Thánh Giá. Công an đến đòi giải tán, nhưng giáo dân và nam nữ tu sĩ phản đối. Về khuya, một nhóm sinh viên công giáo đến cùng cầu nguyện. Đến 6 giờ 30 sáng 26.01.2008, các giáo dân ra về bình an, một nhóm khác vừa đến để tiếp cầu nguyện.

Ngày 26.01.2008, qua công văn số 673/UBNH-VX, Bà Ngô thị Thanh Hằng, phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà nội ký, về việc phối hợp giải quyết tình hình vi phạm pháp luật của một số giáo sỹ và giáo dân tại số 42 phố Nhà Chung (Trụ sở VHTT và Nhà Văn hóa quận Hoàn Kiếm) cho Tòa Tổng Giám mục Hà nội và Hội đồng Giám mục Việt-Nam. Trong đó, bà phó Chủ tịch cũng tố cáo các mạng điện tử của Giáo hội đã đưa nhiều tin, bài, ảnh về việc này, xuyên tạc sự thật. Tiếp theo, bà Hằng cho thời hạn cuối cùng là 17 giờ ngày 27.01.2008 để thu dọn sạch sân Tòa Khâm sứ cũ và yêu cầu Đức Tổng Giám mục Hà nội báo cáo Ủy ban Nhân dân bằng văn bản lúc 18 giờ cùng ngày. Bà còn viết thêm rằng để thực hiện chính sách của Nhà nước về cải tạo nhà cửa, ngày 24/11/1961, Linh mục Nguyễn Tùng Cương (3)(3) (đại diện quản lý) đã bàn giao cơ sở nhà đất 40a (nay là số nhà 42) Nhà Chung qua Nhà nước thống nhất quản lý… Bức thư của Bà phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà nội chứa đựng những điều không đúng đã được Cha Lê trọng Cung, Chánh Văn Phòng Tòa Tổng Giám mục Hà nội, trả lời điểm một. Đài truyền hình Hà nội và hai báo An ninh Thủ đô và Hà nội mới cũng đã có những tuyên truyền xuyên tạc nội dung y như công văn số 673/UBNH-VX của phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà nội. Cha Lê trọng Cung cũng có những lời phản bác qua Đơn Khiếu nại đề ngày 28.01.2008.

Hai ngày 27 (ultimatum lúc 17 giờ) và 29.01.2008 (khoảng 22 giờ), điểm nóng Tòa Khâm sứ cũ có những lúc đã đến độ sôi 100. Người Việt-Nam, nói chung, và người Việt-Nam Công giáo, nói riêng, đã theo dõi sát diễn tiến thời sự tại Tòa Khâm sứ cũ, qua Internet. Những dòng chữ hay hình ảnh không những khiến người xem chỉ nhìn thấy những người đang cầu nguyện, mà còn nghĩ đến những ‘dân oan’ khác tại trụ sở Tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội cũng như bao nhiêu người nghèo khổ trên toàn Việt-Nam. Người ta còn thấy các công an và, nhất là các thu hình viên mà ống kính mở lớn đang hướng về. Cái lạnh thấu xương hòa lẫn với những giọt mưa cùng sương rơi chưa làm họ sờn lòng thì họ quan tâm chi cho sự đe đọa của những ống kính đó. Mắt họ hướng về Chúa Giêsu và Mẹ Maria, với tất cả Đức Tin, để khẩn cầu vì Công Lý cho toàn nước Việt:

Tiếng chuông não nùng, Việt-Nam nguyện cầu.

Tiếng chuông ngân trầm, Việt-Nam buồn thảm.

Tiếng chuông vang lừng, Việt-Nam khởi hoàn.

Tiếng chuông thanh thót, Việt-Nam hy vọng.

Con có một tổ quốc: Việt-Nam,

Quê hương yêu quí ngàn đời,

Con hãnh diện, con vui sướng.

Con yêu non sông gấm vóc,

Con yêu lịch sử vẻ vang,

Con yêu đồng bào cần mẫn,

Con yêu chiến sĩ hào hùng.

Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.

Núi cao cao, xương chất cao hơn.

Đất tuy hẹp nhưng chí lớn.

Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.

Con phục vụ hết tâm hồn,

Con trung thành hết nhiệt huyết,

Con bảo vệ bằng xương máu,

Con xây dựng bằng tim óc.

Vui niềm vui của đồng bào,

Buồn nỗi buồn của dân tộc.

Một nước Việt-Nam,

Một dân tộc Việt-Nam,

Một tâm hồn Việt-Nam,

Một văn hoá Việt-Nam,

Một truyền thống Việt-Nam,

Là người Công giáo Việt-Nam,

Con phải yêu tổ quốc gấp bội.

Chúa dạy con, Hội thánh bảo con,

Cha mong dòng máu ái quốc,

Sôi trào trong huyết quản con.

(Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận)

Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà nội chọn ngày 27.01.2008 là một điều không hay cho họ vì nhằm vào ngày Chúa nhật tức ngày của Chúa, là ngày mọi người Công giáo phải đi dâng Thánh Lễ, để đi nghe lời Chúa qua hai bài Thánh Thư, Đáp Ca và bài Phúc Âm. Chúng ta thấy gì trong bài Đọc I, ngày Chúa nhật thứ 3 Thường niên năm A?

Tiên tri I-sai-a đã nói:

“… Dân đang lần bước giữa tối tăm

đã thấy một ánh sáng huy hoàng;

đám người sống trong vùng bóng tối,

nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi…

Đáp ca Thánh vịnh 26

Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,

tôi còn sợ người nào ?

Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,

tôi khiếp gì ai nữa ?

Đ. Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi…

Trong bài Đọc II, Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở Kitô hữu: “… Anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau… thuộc về Đức Ki-tô, đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em…”. Trong giờ phút bị đe dọa, 3.000 Kitô hữu chỉ biết hướng về Thánh Giá và cầu nguyện.

Bài Tin Mừng đã nhắc đến Thánh Gioan Tiền Hô bị bắt vì đã trình bày sự thật, bảo vệ sự thật làm cho họ thêm Đức Tin để sẵn sàng noi gương Thánh Gioan tử vì đạo. Họ đã hát đi hát lại câu ‘chết bên Mẹ con sợ chi, con ngại chi’.

Ngày 29.01.2008, Công An Hà nội cho biết Công An Quận Hoàn Kiếm ra Quyết định khởi tố số 60/CAHK ngày 26.01.2008 về hình sự ‘Hủy hoại tài sản, Gây rối trật tự công cộng và Chống người thi hành công vụ’ xảy ra tại nơi trước đây là Tòa Khâm Sứ. Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà nội cho biết: nếu có phải đi tù, thì chính Đức Cha phải đi vì Đức Cha đã yêu cầu họ cầu nguyện cho việc đòi trả Tòa Khâm sứ cũ.

Lúc 16 giờ ngày 29.01.2008, Toà Tổng Giám Mục Hà Nội đã sang chúc tết Ủy ban Nhân dân TP. Hà nội. Sau khi trao đổi lời chúc Năm Mới, Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà nội nói vì sự an ninh trật tự của thành phố Bà xin Toà Tổng Giám mục cho chấm dứt các sự việc đang diễn ra tại Toà Khâm Sứ. Bà cũng đề nghị Toà Giám Mục tôn trọng kỷ cương và cùng chính quyền đối thoại để giải quyết vấn đề.

Đức Tổng Giám Mục đáp lời rằng phải tôn trọng trật tự kỷ cương nhưng khi con nó khóc thì cha mẹ cũng phải xem đến. Hơn nữa, đối thoại phải bắt đầu bằng việc tôn trọng sự thật, chấm dứt vu cáo và xuyên tạc Tòa Giám Mục. Đối thọai phải dựa trên căn bản thực tế và pháp lý. Không nên mệnh lệnh cửa quyền, duy ý chí. Phải biết lắng nghe nhau chứ không phải chỉ có một bên nói. Không thể nào quy trách nhiệm cho một bên, chỉ có nhìn phía mình mà không nhìn phía bên kia thì không thể đối thoại được. Khi Bà Phó Chủ tịch đề cập đến chuyện đổi mới, Đức Tổng Giám Mục cũng nói: phải đổi mới và đổi mới bên ngoài thôi thì chưa được, quan trọng hơn là phải đổi mới con người từ bên trong, từ trong cái đầu, trong tư tưởng.

Ngày 31.01.2008, một bản tin của thông tấn Đức DPA cho biết các viên chức Nhà Nước Việt-Nam khi họp vào ngày hôm qua với các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo ở Hà Nội đã nói rằng họ sẽ hoàn trả Tòa Khâm Sứ cũ cho Giáo hội nếu chịu ngưng biểu tình nơi này suốt mấy tuần qua. Thứ Trưởng Công An Nguyễn Văn Hưởng đã hứa sẽ giải quyết vấn đề từng bước, kết thúc là sẽ bàn giao đất này cho Giáo hội Công giáo.

Trong thư đề ngày 01.02.2008 gửi đến giáo sĩ và giáo dân Hà nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô quang Kiệt viết (đại ý): Hơn bốn mươi ngày qua chúng ta đã sống một lễ Hiện Xuống mới. Mọi người đồng tâm nhất trí với nhau, chuyên tâm cầu nguyện và hăng hái rao giảng Tin mừng hòa bình, bất chấp những khó khăn gian khổ, tạo nên một bầu khí hiệp thông rộng lớn không chỉ trong Tổng Giáo phận mà còn khắp nơi trên thế giới. Chưa bao giờ lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội dâng cao như thế. Chưa bao giờ tình cảm gắn bó giữa chủ chăn và đoàn chiên chặt chẽ đến thế. Chưa bao giờ tình bác ái huynh đệ chan hòa nồng nàn đến thế. Chưa bao giờ lời cầu nguyện chung cho lợi ích của Giáo hội tha thiết đến thế. Thật là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho chúng ta. Tôi không ngừng tạ ơn Chúa và cám ơn anh chị em về hồng ân cao quí này.

Nhờ lời cầu nguyện tha thiết của anh chị em, công việc đã có kết quả (đóng cửa quán phở), giáo dân tháo gỡ lều bạt và cung nghinh thánh giá về... Hãy cầu nguyện kiên trì. Hãy cầu nguyện tha thiết. Tôi luôn ở bên anh chị em và mọi người (cả Đức Thánh Cha Bênêđictô và Tòa Thánh) ở mọi nơi cũng luôn ở bên chúng ta.

Cùng ngày 01.02.2008, hãng tin AsiaNews cho biết, theo nguồn tin từ Giáo hội Công giáo Việt-Nam, nhà cầm quyền đã quyết định để cho người Công Giáo sử dụng cơ sở nói trên mà theo nguyên văn bài báo AsiaNews là ‘để tỏ thiện chí và sự kính trọng của nhà cầm quyền đối với đức Thánh Cha’.

Sau đó, thư của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (4)(4) viết bằng tiếng Pháp, gửi Đức Cha Ngô Quang Kiệt, được công bố. Theo đó, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, bày tỏ sự khâm phục đối với giáo dân Hà Nội và những cuộc biểu dương ôn hòa của họ, đồng thời Ngài cũng bày tỏ mối quan ngại về cuộc biểu dương có thể vượt khỏi sự kiểm soát. Vì lý do này Đức Hồng Y thúc giục mọi người trở về tình trạng bình thường. Vì thế, nhân danh Đức Thánh Cha, người thường xuyên được báo cáo về những diễn biến đang xảy ra, Đức Hồng Y xin Đức Cha vui lòng can thiệp, để tránh được những hành động có thể gây mất trật tự công và để có thể tái lập cuộc đối thoại với giới Cầm Quyền hầu tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề tế nhị này. Đức Hồng Y đoan chắc rằng Tòa Thánh, như vẫn làm từ trước tới nay, sẽ luôn chuyển đạt những nguyện vọng chính đáng của người công giáo Việt-Nam lên Chính Phủ nước của Đức Cha.

Những ai đã chân thành cầu nguyện dưới Thánh Giá và bên Mẹ Sầu Bi thật xứng đáng đón nhận sự khâm phục từ Đức Hồng Y Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Thiên Chúa đã sai Tổng lãnh Thiên Thần đến che chở đồng bào để ‘người ta’đã đến và phải đi hôm 27 và 29.01.2008. Ngoài ra, Bài Tin Mừng đọc trong Thánh Lễ ngày Chúa Nhật 03.02.2008 là niềm an ủi cho những ai biết nghe lời Đức Kitô. Tám Mối Phúc Thật không những là một thách đố, nhưng còn đem lại niềm hy vọng và sức sống cho Kitô hữu chúng ta.

Chúng ta hãy cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa, Người đã lảm những điều kỳ diệu nơi Dân Người.

Như vậy, đến nay, ngày 04.01.2008, vấn đề Tòa Khâm sứ cũ đang trong hy vọng… trong khi còn nhiều vụ ‘đòi đất đai’ khác, như tại Giáo xứ Thái Hà.

3. Lợi dụng lúc cuối tuần, chiều thứ Bảy ngày 05.01.2008, Xí nghiệp May Chiến Thắng, xây trên đất của Giáo xứ Thái Hà, lén lút xây tường bao phía đường Hoàng Cầu. Phường Quang Trung. Giáo dân phản đối đã được chánh quyền cam kết là sẽ không cho việc xây dựng không phép đó tiếp tục. Nhưng đến sáng Chủ nhật 05.01.2008, khi thấy công an, dân phòng và cảnh sát 113 kéo đến, người dân sang khu Thảm Len của xí nghiệp thì mới thấy nhân viên an ninh, thanh tra xây dựng và cả một viên chức phường Quang Trung đang chỉ đạo công nhân sắp xếp, dựng thêm hàng rào bằng lưới B40 và giây thép gai cho xí nghiệp May Chiến Thắng. Họ phải giằng co với những người lớn tuổi, để vừa bảo đảm an toàn cho họ, mà cũng để công nhân xây dựng rảnh tay dựng hàng rào. Sau đó, việc dựng hàng rào được tạm ngưng, và các cụ ông cụ bà cũng tạm dừng phản đối, dù vẫn bảo nhau cắt cử người trông chừng.

Năm 1954, dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà chỉ còn lại một vài linh mục như cha Vũ Ngọc Bích, cha Denis Paquette, cha Thomas Côté cùng vài tu sĩ khác. Hai linh mục người Pháp bị trục xuất vào những năm 1958 và 1959, chỉ còn lại một mình linh mục Vũ Ngọc Bích ra sức kiên trì cầm cự. Mảnh đất của dòng từ 61.455 m2, bị trưng dụng lần hồi chỉ còn lại 2.700 m2 bây giờ. Nhà Nước lập bệnh viện Đống Đa và dùng những phần đất còn lại cho các doanh nghiệp quốc doanh sử dụng.

Từ nhiều năm nay, giáo xứ Thái Hà nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính quyền trả lại đất đai của giáo hội theo tinh thần nghị định số 379/Ttg ngày 23.07.1993, nói rằng những nơi thờ phượng phải trả lại cho nguyên chủ, nếu mục tiêu khi trưng dụng không còn đúng nữa.

Nhà dòng đồng ý: bệnh viện Đống Đa phục vụ dân sinh là đúng, nhưng xí nghiệp May Chiến Thắng là sai. Xí nghiệp này thua lỗ, đã bán toàn bộ cho công ty Phuớc Điền có trụ sở ở Sàigòn, và cho một quan chức cao cấp. Chính quyền địa phương nhiều lần đánh tiếng cho rằng đất dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà đã được cố linh mục Vũ Ngọc Bích hiến tặng Nhà Nước, nhưng không có văn bản làm bằng chứng.

Trả lời cuộc phỏng vấn của Radio France Internationale, ngày 01.02.2008, Cha Phêrô Nguyễn văn Khải cho biết đất đai bị xâm chiếm từ năm 1961. Nhà Nước đã hứa ba lần sẽ có phiên họp giữa Giáo xứ Thái Hà với đại điện Thủ tướng và Công ty May Chiến Thắng mà lần thứ ba đã trôi qua ba tuần, nhưng chưa thấy gì xảy ra.

V. CĂN BẢN PHÁP LÝ.

1. Các văn bản.

- Điều 70 Hiến Pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt-Nam, ngày 15.04.1992, qui định: «… Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ…”

- Hướng Dẫn số 500 HD/TGCP, ngày 04.12.1993 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị 379/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23.07.1993, về hoạt động tôn giáo nêu rõ: “Nơi thờ tự của các tôn giáo cho mượn có thời hạn nay đã hết hạn thì phải trả lại. Nếu còn nhu cầu sử dụng phải thỏa thuận với Giáo hội. Nếu chưa hết hạn mà sử dụng không đúng mục đích thì phải trả lại... Không để dân lấn chiếm nơi thờ tự. Ở những nơi do tồn tại của quá khứ, nơi thờ tự có dân đang ở thì Chính quyền địa phương phải có kế hoạch giải tỏa trong một thời gian nhất định.”

- Thông tư 01/1999/TT-TGCP ngày 16.06.1999 của Ban tôn giáo Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số điều trong Nghị Định số 26/1999/NĐ-CP, ngày 19.04.1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo, nhấn mạnh: “Không để cơ sở thờ tự bị lấn chiếm. Nhà nước bảo hộ cơ sở thờ tự tôn giáo.”

- Điều 26 Pháp Lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, ngày 18.06.2004, viết: “Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó.”

- Nghị Định Số 26/1999/ND-CP nhấn mạnh rằng: “Không để cơ sở thờ tự bị lấn chiếm. Nhà nước bảo hộ cơ sở thờ tự tôn giáo.”

- Điều 26 Quy Định Số 21/2004-PL-UBTVQH11 của ngày 18.06.2004 có liên quan tới Tín Ngưỡng Tôn Giáo và Các Tổ Chức Tôn Giáo: “Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó”.

Mặc cho lời yêu cầu liên tiếp của Hội đồng Giám mục Công giáo Việt-Nam cũng như từng Giám mục trong việc kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trao trả lại hết tất cả các tài sản của Giáo Hội đã bị tịch thu, mà cụ thể hơn nữa là các tài sản đã được nêu rõ ra ở trên, chính quyền Việt Nam cho tới nay vẫn chưa đã động gì cả.

2. Lời tuyên bố của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt-Nam.

Ngày 23.01.2007, hai hôm trước buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đức Giáo Hồng Bênêđictô 16, trong bài ‘Việt Nam trong nỗ lực cải thiện các quan hệ với Vatican’, Gia Minh, phóng viên đài Á châu Tự do (RFA) phỏng vấn ông Nguyễn Thế Danh, phó Ban Tôn giáo Chính phủ Việt-Nam, đã hỏi:

- Đối với Giáo hội công giáo thì có nhiều cơ sở được mượn từ năm 1975, nay người ta muốn trả lại thì nay được giải quyết thế nào?

và ông Nguyễn Thế Danh: đã trả lời:

- Việt-Nam trải qua chiến tranh rất lâu nên có nhiều tồn tại. Về cơ sở tôn giáo thì không riêng gì của công giáo,chúng tôi có chính sách như luật đất đai, trong đó nói rằng chính quyền các cấp chủ yếu là Ủy ban Nhân dân UBND tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo, quỹ đất địa phương và nhu cầu sinh hoạt tôn giáo để xem xét cấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo để phục vụ cho mục đích sử dụng tôn giáo lâu dài mà không thu tiền sử dụng đất.

Nghĩa là nhà nước Việt Nam căn cứ vào nhu cầu thực tế của sinh hoạt tôn giáo và quỹ đất địa phương đáp ứng tối đa có thể được trong phạm vi của mình cho đất xây dựng cơ sở thờ tự đáp ứng nhu cầu của nhân dân không phụ thuộc vào trước – sau; không lệ thuộc vào sức ép, vào quá khứ nào.

Chỉ theo nhu cầu thực tế của của người dân. Còn những nơi mượn có giấy tờ thì phải trả lại; đó là mặt đạo lý chứ không riêng gì về tôn giáo đâu.


Nhưng khi trả lời phỏng vấn của đài BBC ngày 03.01.2008, ông Nguyễn thế Doanh, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đưa ra một cách xác định phạm vi vấn đề và việc dùng từ cho các bên liên quan: “Thực ra là không có vấn đề trả lại, tức là ‘của anh hay của tôi’ nên về phía các tôn giáo hay dùng từ ‘trả lại’ tạo sự không thông cảm được với nhau. Không có chuyện đòi lại, trả lại.”

Như vậy, ông Trưởng Ban Tôn giáo nên xem lại Hướng Dẫn số 500 HD/TGCP, ngày 04.12.1993 của Ban Tôn giáo Chính phủ. Trong đó ông sẽ thấy chính Ban Tôn giáo đã dùng từ ‘trả lại’, chứ không phải các tôn giáo.

Hà Minh Thảo

Chú thích

(1) Trước năm 1975, Hội Đồng Quản Trị Giáo Phận Công Giáo đã để cho các linh mục người Pháp thuộc Hội thừa sai Paris (MEP) sử dụng. Năm 1976, khi các Cha bị trục xuất, Chánh quyền thành phố lúc đó đã trưng thu khu đất ấy mà không có sự bàn bạc và trao đổi trước với Toà Tổng Giám Mục. Có lẽ Chính quyền đã hiểu lầm rằng đây là tài sản của các linh mục MEP, trong khi đó là tài sản của Giáo phận chúng ta. Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã từng khiếu nại với Chính quyền về vấn đề này nhưng không nhận được câu trả lời nào.

(2) Đức Khâm sứ tại Việt-Nam.

Trong phiên họp tại Phát diệm (Giáo phận Thanh thành lập năm 1901 và đổi tên Phát diệm năm 1924) với 11 Đức Cha từ 04 đến 09.02.1923 và tại Sài gòn với 7 Đức Cha ngày 20.06.1923 dưới sự chủ tọa của Đức Cha Henri Lecroat, sj, Thanh tra Tông tòa (Visiteur Apostolique, tiếng Pháp; Apostolic Visitor, tiếng Anh), các Đại diện Tông tòa Đông Dương đề nghị Bộ Truyền giáo đổi tên những Giáo phận để mang tên các thành phố có Tòa Giám mục.

Năm 1922, Thượng thư Bộ Lại Nguyễn hữu Bài, thành viên phái đoàn vua Khải Định sang Pháp, đã sang Rôma yết kiến Đức Thánh Cha Piô XI để thỉnh cầu Người bổ nhiệm Đức Khâm sứ tại Việt-Nam và phong chức Đức Cha cho các Linh mục bản quốc.

Ngày 25.05.1925, Đức Thánh Cha Piô XI cử Đức Cha Constantin Ayuti, Tổng Giám mục hiệu tòa Phasis, làm Khâm sứ Tòa Thánh đầu tiên tại Đông Dương (Việt-Nam, Laos, và Cambodge), Đại diện Tòa Thánh để liên lạc giữa Rôma và các Giáo phận truyền giáo tại Việt-Nam, Cam bốt và Ai lao, đặt Tòa Khâm sứ tại Huế. Đức Cha qua đời năm 1928. Đức Cha Victor Colombanus Dreyer, O.F.M., Tổng Giám mục hiệu tòa Adulis, đảm nhận Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương từ ngày 24.11.1928 và hưu ngày 19.11.1936. Đức Cha Antonin-Fernand Drapier, O.P., Tổng Giám mục hiệu tòa Neocaesarea in Ponto, tiếp nối nhiệm vụ ngày 19.11.1928 đến ngày 18.10.1950, nghỉ hưu.

Ngày 18.10.1951, Đức Cha John Dooley S.S.C.M.E., Tổng Giám mục hiệu tòa Macra, nhận trách nhiệm Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương và dời Tòa Khâm sứ từ Huế ra Hà nội. Năm 1959, Đức Khâm sứ bị đưa đi khỏi Hà Nội trong một cơn bệnh nguy kịch. Vài tuần sau, các nhân viên Toà Khâm sứ bị trục xuất. Từ năm 1959, chính quyền thành phố Hà Nội lấy Toà Khâm sứ bị dùng vào các việc khác nhau. Đức Khâm sứ J. Dooley chấm dứt nhiệm vụ ngày 15.09.1959.

Sau Hiệp định Genève, vì Đức Khâm sứ không liên lạc được với các quốc gia thuộc quyền khác, nên, ngày 15.02.1956, Tòa Thánh cử Đức Cha Giuseppe Caprio làm Thanh Tra Tông tòa tại Sài gòn để liên lạc được Miền Nam Việt-Nam, Laos, và Cambodge. Ngày 13.03.1957, vị Thanh Tra Tông tòa ở Sài gòn được nâng lên hàng Đại lý Khâm sứ (Régent Apostolique). Năm 1959, khi Đức Khâm sứ John Dooley rời Hà nội, Tòa Thánh liền thiết lập Tòa Khâm sứ tại Sài gòn với Đức tân Khâm sứ Mario Brini. Đức Cha chỉ được thăng Tổng Giám mục hiệu tòa Alziza ngày 14.10.1961. Đức Khâm sứ Mario Brini đã góp công lớn trong việc thiết lập ‘Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt-Nam’ ngày 24.11.1960. Ngày 14.10.1961, Đức Cha rời Việt-Nam đến Ai cập để nhận chức Sứ thần Tòa Thánh.

Đức Cha Salvatore Asta được Đức Thánh Cha Gioan XXIII làm Tổng Giám mục hiệu tòa Aureliopolis in Lydia kiêm Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương, ngày 13.10.1962. Đức Cha đã rời Việt-Nam năm 1964 để nhận nhiệm vụ Sứ thần Tòa Thánh tại Iran.

Ngày 17.06.1964, vị Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương được đổi thành Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam và Đức Cha Angelo Palmas vào nhiệm vụ Tổng Giám mục hiệu tòa Vibiana và Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài gòn. Hình ảnh Đức Cha được ghi nhận là một Giáo sĩ niềm nở với mọi người Việt, lương cũng như giáo. Trong biến cố đau thương Tết Mậu thân 1968, Đức Cha đã lê gót khắp nơi để thăm viếng, uỷ lạo các nạn nhân, kể cả các chiến binh miền Bắc trong các trại giam. Đức Cha đã rời Việt-Nam ngày 19.04.1969, với những lời cám ơn nồng nhiệt của Chánh phủ và người dân Việt, để đi nhận chức Sứ thần Tòa Thánh tại Colombia.

Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam cuối cùng, cho đến hiện nay, là Đức Cha Henri Lemaỵtre được Đức Thánh Cha Phaolô VI cử vào chức vụ Tổng Giám mục hiệu tòa Tongres kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam và Cambodge, thường trú tại Sài gòn. Đức Cha đã đồng hành trong sự khó khăn như bao người dân miền Nam, sau ngày 30.04.1975. Bất chấp sự hành hung của nhóm linh mục và giáo dân ‘yêu nước’, Đức Khâm Sứ đã hoàụn thành nhiệm vụ đại diện Đức Giáo Hoàng bên cạnh Hội đồng Giám Mục Việt-Nam, trước khi chánh quyền đã yêu cầu Đức Cha rời khỏi Việt-Nam, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican. Ngày 19.12.1975, Đức Cha nhận chức Sứ thần Tòa Thánh tại Uganda.

Tóm lại, trong ngành ngoại giao, có hai chức vụ chính là:

- Khâm sứ Tòa Thánh (Délégué Apostolique, tiếng Pháp và Apostolic Delegate, tiếng Anh), cũng thuộc ngoại giao đoàn, chỉ là đại diện Đức Giáo Hoàng bên cạnh Hội đồng Giám Mục quốc gia sở tại. Chử ‘Khâm mạng’ hay ‘Khâm sai’ cũng đồng nghĩa như Khâm sứ Tòa Thánh.

Chúng ta sẽ không tìm thấy các Đức Cha Henri Lecroat và Giuseppe Caprio trong danh sách các vị Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương hay Việt-Nam.

- Sứ thần Tòa Thánh (Nonce Apostolique, tiếng Pháp và Apostolic Noncio, tiếng Anh) là đại diện Đức Giáo Hoàng bên cạnh Hội đồng Giám Mục quốc gia và Chính quyền quốc gia sở tại, là Đại sứ Tòa Thánh và thường là Niên trưởng ngoại giao đoàn.

(3) Cha Nguyễn Tùng Cương được phong Giám mục Giáo phận Hải phòng (1979-1999), an nghỉ trong Chú ngày 10.03.1999. Chánh quyền Hà nội khơng trưng được bằng chứng về sự hiến đất này.

(4) Quốc Vụ Khanh (Secrétaire d’État, tiếng Pháp, và Secretary of State, tiếng Anh), đồng vị với Thủ tướng tại các quốc gia khác và đại diện Đức Thánh Cha trong quan hệ với các quốc gia và những vấn đề thuộc luật quốc tế. Nhưng:

- Secretary of State là Bộ trưởng Ngoại giao tại Hoa kỳ;

- Secrétaire d’Eùtat chỉ là Bộ trưởng, làm việc dưới quyền một Tổng trưởng (Ministre).

Tòa Thánh (Saint Siège, tiếng Pháp, và Holy See, tiếng Anh).