CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Lớn lên trong dòng Nước Hằng Sống

Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa ông bà anh chị em, cộng đoàn chúng ta đang tiến vào trung tâm điểm của Mùa Chay và các anh chị em Dự Tòng trên khắp thế giới đang có những ngày chuẩn bị gấp rút để tiến về Giếng Rửa Tội, tiến vào cuộc Tái Sinh thiêng liêng quan trọng nhất của cuộc đời sẽ được thực hiện trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Trong ý nghĩa ấy, phụng vụ Chúa Nhật III Mùa Chay, với sứ điệp Lời Chúa mang trọng tâm “Nước Hằng Sống” đang gọi mời dân Chúa khắp nơi hãy biến đức tin thành một cuộc “hội ngộ” với chính Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, biến việc sống đạo của mỗi người thành cuộc “gặp gỡ Đức Kitô” là “Đường, Chân lý và Sự sống” đích thật. Thánh lễ hôm nay cũng là một cơ hội để chúng ta một lần nữa đặt niềm tin vào Thiên Chúa, quay trở về với Thiên Chúa và tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng đang hiện diện trong Thánh lễ nầy để ban chính sự sống thần linh cho ta.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng dáng cử hành Thánh lễ.

Giảng Lời Chúa:

Sống trên đời ai mà đã không một lần vật lộn với những cơn khát: khát nước, khát tình, khát tiền, khát thành công, khát hạnh phúc, khát bình an, khát yên lặng, khát cảm thông, khát gần gũi, khát sống, khát yêu, khát thù khát hận...Chính vì thế, nhà thơ Đình bảng đã nói lên nổi khát đó qua những câu thơ:

Hồn tôi một cánh đồng không
Lạy trời mưa xuống thành sông, thành ngòi...
Lạy trời mưa suốt đêm nay
Hồn tôi là những luống cày khô khan...

(Lời buồn thánh.Lê Đình bảng, Hành Hương, thơ. 2006)

Hay:
Tôi khô khát tựa trẻ thơ đòi sửa
Chiều đăm đăm trông khói núi lên trời
Nên van Ngài làm mưa móc tuôn rơi
Và phủ sóng lên đời tôi nhật thực...

(Xin trời mưa xuống. Lê Đình bảng, Hành Hương, thơ. 2006)

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cũng muốn nói với chúng ta về những cơn khát. Đặc biệt, qua biến cố “cơn khát nước điên cuồng” của Ít-ra-en trong hoang mạc, và cuộc đàm thoại về Nước Hằng sống giữa Chúa Giêsu và người thiếu phụ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp, Lời Chúa đã đưa chúng ta và các anh chị dự tòng đi vào các chiều kích sâu xa của cuộc hành trình đức tin mà bí tích Rửa tội chính là cửa ngỏ đầu tiên. Chúng ta hãy để Lời Chúa soi lòng mở trí chúng ta.

1. Cuộc đời và những cơn khát:

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “nước” được nhiều lần nhắc đến: Ngay từ buổi khai thiên lập địa, nước đã có mặt trong công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Nước chảy nơi vườn Eden để biến nơi đây thành địa đàng trần gian. Nước dâng cao thành Hồng thủy để thanh tẩy địa cầu. Nước Biển Đỏ và sông Gio-đan dựng đứng như tường thành để dân Ít-ra-en đi bộ tiến vào Hứa đại. Nước làm cho muôn vật sinh sôi nẩy nở. Và người công chính được ví như cây dừa mọc bên bờ suối nước, trổ sinh hoa trái tốt lành. Trong khi đó, sứ ngôn Ê-dê-ki-en đã loan báo, vào thời Cứu Thế, nước sẽ chảy ra từ bên phải đền thờ để chữa lành và cứu sống muôn người...

Tuy nhiên, dụng ý của trích đoạn sách Xuất Hành được công bố nơi bài đọc 1 hôm nay, khi nhắc đến biến cố “khát nước” của dân Ít-ra-en trong hoang địa là muốn nhắc nhở chúng ta về những “cơn khát của thời đại hôm nay” và thái độ ứng xử của đức tin trước những cơn khát nầy.

Thật vậy, ngày hôm nay nhân loại cũng đang bị dày vò bởi nhiều cơn khát cháy bỏng: khát tiền, khát tình, khát hưởng thụ, khát tự do, khát cơm no áo ấm, khát danh vọng chức quyền, khát thành công, khát quyền lực, cũng không loại trừ những cơn khát hận thù, khát đam mê và dục vọng... Và để thỏa mãn những cơn khát đó, đã có không biết bao nhiêu những “mời chào, những giải pháp, những đề nghị”. Biết bao nhiêu người bỏ mạng trên Biển Đông khi khao khát đi tìm một “chân trời đất hứa tự do”; cũng không ít người chôn thây nơi rừng thiêng núi thẳm vì khao khát tìm vàng hay tìm trầm. Các phương tiện truyền thông hôm nay cũng đã báo động khi có không ít cô gái Việt nam vì khát khao một thiên đàng hạnh phúc nên chấp nhận xa quê lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc, để cuối cùng ôm phận bạc lỡ làng…Ngày xưa, dân Ít-ra-en khi phải đối diện với cơn khát nước điên cuồng nơi hoang mạc, đã liều quay lưng chống đối Mô-sê, nghi ngờ sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa, quên hết bao nhiêu ơn lành và kỳ công Chúa đã thực hiện trong biến cố Vượt Qua khai mạc cuộc Xuất Hành. Họ quên cả “chiếc gậy của Mô-sê” đã từng dương ra trên biển Đỏ để họ tiến bước ráo chân giữa hai bờ tường nước dựng. Quên cả manna, quên luôn chim cút, quên cột mây che mát, cột lửa dẫn đường, quên hết Thập điều trên núi Sinai…Ngày nay, trước những cơn khát của cuộc đời, chúng ta cũng đã bao lần dẹp Thiên Chúa sang một bên, hay chí ít, cũng hồ nghi về sự hiện hữu của Ngài, quên mình là Kitô hữu, quên dòng nước rửa tội, quên Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, quên các giới răn và các thực hành luân lý Kitô giáo, quên hết những lời dạy của tin mừng…

2.Khi “chiếc gậyThánh Thần” can thiệp:

Nhưng Thiên Chúa lại chứng tỏ quyền năng bằng lòng tha thứ; và Ngài lại một lần nữa ra tay. Chiếc gậy của Mô-sê có dịp được dương ra để đập vào tảng đá cho mạch nước tuôn trào. Trên “từng cây số của chiều dài lịch sử nhân loại”, Thiên Chúa nào chịu thua sự cứng lòng và yếu đuối của loài người ! Kể từ những giọt máu và nước từ trái tim của Con một tuôn ra trên đồi Sọ, chiếc gậy Thánh thần đã dương ra trên khắp địa cầu để đập vào muôn vạn trái tim chai cứng, khô khan làm vọt lên dòng nước của ơn cứu độ, của tái tạo, của phục sinh. Ngay trong hoang mạc của tối tăm và sự chết trên đỉnh đồi Can-vê chiều thứ Sáu, dòng nước đó đó đã chạm đén trái tim của người trộm bên hữu để trong anh bừng lên niềm hy vọng đi vào hạnh phúc vĩnh hằng. Người phụ nữ Samari trong Tin mừng hôm nay đang khát tình với năm người đàn ông không chính thức, đang khao khát một niềm tin đúng nghĩa để thờ phượng Thiên Chúa, một khi được gặp gỡ Đấng là Đường, là Sự thật và Sự sống đã hân hoan trở nên một con người mới. Rồi tiếp nối những Maria Bêtania ngồi bên chân Chúa, Giakê cố nhìn Chúa trên cành cây sung hay Lê-vi nghe tiếng Chúa ngay nơi bàn thu thuế, người thiếu phụ ngoại tình đứng nhìn Chúa im lặng vẽ hình trên cát...tất cả đã đứng lên và làm lại cuộc đời trong niềm vui của một cuộc phục sinh, của một đời sống mới... Cứ thế, suốt hai ngàn năm nay, hàng hàng lớp lớp con người đã được chiếc gậy Thánh Thần chạm đến để tuôn đổ hồng ân, để nhận được dòng nước hằng sống tái sinh qua bí tích Rửa tội và được nuôi dưỡng lớn lên nhờThánh Thể. Đúng như lời Đức Kitô đã nới với người thiếu phụ Samari trong Tin mừng hôm nay: “và nước tôi cho sẽ sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

3. Tắm gội trong dòng nước hằng sống

Như vậy điều quan trọng còn lại hôm nay chính là hãy mở lòng ra, hãy đến và hãy gặp. Chính người thiếu phụ Samari hôm nay đã chịu mở lòng ra đối thoại với Chúa, đã chấp nhận để Chúa truy vấn và đã để Lời Chúa xuyên thấu cõi lòng. Và từ đó lại một mạch nước hằng sống đã tuôn trào nơi trái tim tưởng đâu đã cằn khô nơi chị, biến chị trở thành chứng nhân, thành tông đồ để rao giảng đơn sơ chỉ một tin Mừng: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao ?” . Quả thật, đức tin luôn là một cuộc khao khát vươn tới, là một sự khó nghèo để được lấp đầy, một niềm trông cậy để được đáp trả. Bởi vì Đức Kitô không bao giờ khước từ những ai đến cùng Ngài; lại càng không phải là kẻ dồn ta vào bước đường cùng để xô ta xuống vực thẳm. Hãy tự nhiên và bộc trực như người thiếu phụ Samari hôm nay, hay cứ huyên náo lăng xăng tiếp Chúa như cô Matta Bêtania, yên lặng nghe Chúa như cô Maria, tò mò trèo lên cây để được thấy Chúa như Giakê, đứng ngay lên bỏ tất cả theo Chúa như Matthêô, cả khi bất đắc dĩ vác đỡ thập giá như Simêon…Điều quan trọng là hãy đến, hãy tiếp cận, hãy gặp gỡ. Chúa nào có xa đâu.

Như vậy Mùa Chay phải chăng là Mùa để chúng ta mở rộng cõi lòng tập luyện sống niềm tin tích cực, sống cuộc gặp gỡ Đức Kitô, sống đối diện với cái tôi đích thực của mình để tìm gặp một sức sống mới, một nguồn nước mới. Chúng ta hãy bước ra khỏi cái ảo tưởng cho rằng: mình sống đạo như thế đủ rồi, đức tin như thế là tạm ổn. Hãy tỉnh táo. Coi chừng chúng ta đang trong “cơn thiếu nước trầm trọng”, đang trong thế “quay lưng lại với Thiên Chúa”. Hãy mạnh dạn quay lại ngõ lời với Đức Kitô như người thiéu phụ Samari: “Xin ban cho con thứ nước ấy”, và hãy để chiếc gậy Thánh Thần đập vào cõi lòng, vào tim óc và cuộc sống. Đó là chiếc gậy của tòa Giải tội, của Thánh Lễ, của việc cầu nguyện, của Tin mừng, của ăn chay và làm phúc, của tha thứ hòa giải với anh chị em xung quanh, của việc thực hành liêm khiết, thủy chung trong đời sống gia đình, trong sáng, trách nhiệm nơi công sở…Hãy để dòng nước của nhiệm tích Rửa tội vọt lên trong cuộc đời, hãy để dòng nước của Thánh Linh tuôn trào trong tim óc. Chắc chắn, chúng ta sẽ lớn dần lên trong tin yêu và niềm vui hạnh phúc thánh thiêng như cảm nghiệm của nhà thơ Đình bảng:

Cảm ơn Chúa đã cho tôi tắm gội
Lớn dần lên trong hương sắc của Người
Này lại ngày hoa trái cứ sinh sôi
Mỗi gieo vãi là một lần đẫy hạt
..
(Giữa bao la đất trời. Lê Đình bảng, Hành Hương, thơ. 2006)

Dòng nước đó chính là Đức Kitô đang có ở đây. Hãy hướng về Ngài. Hãy gặp gỡ Ngài.