Trong lời nói đầu bàn về tôn chỉ và chủ trương của tờ Công giáo và Dân tộc (CGDT), ông Trương Bá Cần viết:

“Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển tại Việt Nam, quan hệ giữa Công giáo và Dân tộc thường khá phức tạp, nhiều khi gay go. Mối quan hệ này được dự liệu sẽ khó khăn hơn khi những người Cộng sản lãnh đạo đất nước. Trong bối cảnh đó, tờ CGvDT muốn là một nổ lực đóng góp khiêm tốn cho công việc giải quyết vấn đề chung, như một bước đi trên chặng đường hành hương cùng anh em đồng đạo tìm về Dân tộc”

Ngay trong lời nói đầu này ông Trương Bá Cần đã để lộ dã tâm mà ông theo đuổi từ khi cho ra đời tờ CGDT cho đến nay: đồng hóa cộng sản với dân tộc, với đất nước và thúc đẩy người Công Giáo “hành hương” nhưng không phải tiến về quê Trời nhưng là đi theo con đường cộng sản lỗi thời.

Trước khi là người Công Giáo, anh chị em tín hữu trên đất nước chúng ta đã là người Việt Nam với một tình tự dân tộc đầy lòng yêu mến và trong những giờ phút đau thương của lịch sử đã không hề tiếc máu xương để bảo vệ. Người Công Giáo không hề có lấn cấn gì trong quan hệ với dân tộc. Nếu có lấn cấn là lấn cấn với những người cộng sản, những người luôn đem lòng nghi kỵ và dùng nhiều thủ đoạn để bách hại họ, những người đã làm tổn thương tình tự dân tộc trong lòng họ với chiến tranh kinh hoàng, những vụ buôn bán đất đai cho Trung cộng, và một xã hội tan nát luân thường đạo lý.

Để thực hiện dã tâm này hai chủ trương nổi bật mà CGDT đã theo đuổi trong suốt 33 năm qua là: thứ nhất, không bỏ lỡ bất cứ dịp nào để đề cao đảng cầm quyền; thứ hai: không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào (đôi khi còn khiên cưỡng hay xuyên tạc hầu tạo ra cơ hội) để bôi nhọ cơ cấu Giáo Hội như một cơ chế lỗi thời, bảo thủ, mù quáng, và tội lỗi. Chính vì hai chủ trương này, tờ CGDT sẽ không bao giờ và chẳng bao giờ làm cho người Công Giáo dễ thở hơn trong đất nước do người cộng sản lãnh đạo vì lẽ đơn giản là người cộng sản càng nghi kỵ người Công Giáo và ngược lại người Công Giáo cũng nghi ngờ lại họ.

Đây là những cáo buộc rất nặng nề mà nếu chúng tôi không đưa ra được bằng cớ, chúng tôi thật sự không dám nói.

Không bỏ lỡ bất cứ dịp nào để mù quáng tung hô đảng cầm quyền

Hãy thử đọc bài “Cánh tả” đăng trên Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 1043, trang 2

“Kết quả bầu cử tại các nước cựu cộng sản trong những năm gần đây cho thấy một thực tế: ngay tại những nơi các Đảng Cộng sản đã từng cầm quyền trong thế độc đảng, rồi đã bị mất chính quyền, thậm chí bị lật đổ, những nơi đó nhân dân lại đang bỏ phiếu trở lại cho những người cộng sản”

Bài báo được viết ra vào tháng Hai năm 1996, khoảng 4 năm sau cuộc cách mạng long trời lở đất ở các nước Đông Âu quét sạch hoàn toàn chế độ cộng sản. Những năm sau đó, người dân Đông Âu đứng trước những thách đố lớn lao khi phá hủy một hệ thống chế độ đã tồn tại mấy chục năm và bắt đầu lại từ đầu để xây dựng một chế độ dân chủ mà hầu hết trong số họ chưa hề kinh qua. Thật vậy, đa số trong họ sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản, chưa một ngày nào biết dân chủ là gì. Lẽ dĩ nhiên, không ít người hoang mang trước xã hội mới. Cũng không ít những người hoài niệm về xã hội cũ mà họ đã từng một thời gắn bó kinh tế, quyền hành. Những loại người đó, chế độ mới không bắt họ đi học tập cải tạo, không đầy ải họ trong những “gulag”. Họ vẫn còn đó, tự do “vote” và tự do xuyên tạc trong khi nhiều thành phần trong dân chúng giờ đây chăm lo vào chuyện làm giàu từ những cơ may không mơ thấy nổi đến mức không thiết tha gì đến chính trị. Các Hội Đồng Giám Mục ở các nước Đông Âu đã phải thúc giục người giáo dân đi bầu là vì vậy.

Một nửa sự thật không phải là sự thật. Nhưng báo CGDT vẫn bám riết vào cái nửa sự thật đó trong mưu toan thuyết phục độc giả hãy chờ xem cuối cùng cộng sản cũng sẽ lại thắng oanh liệt. Trong cơn mê sảng của giấc mộng quật khởi từ đống tro tàn, báo của ông Cần viết:

“Con người vốn hay mau quên? Có lẽ không nên đơn giản hoá con người đến thế. Những cử tri vừa qua cầm lá phiếu chọn những người cộng sản hẳn cũng là những người đã sống, thậm chí đã làm nên những biến cố quan trọng nhất thế kỷ. Quá khứ hãy còn nóng hổi trong tâm trí con người. Nếu không phải là hận thù, thì con người cũng dễ gì nhanh chóng xoá nhòa những ngày tháng thiếu tự do, thiếu hạnh phúc?

Thế thì phải chăng có thể đi đến một kết luận: con người khát khao lý tưởng, và cho dù đã có ít nhất một lần lý tưởng đó bị lạm dụng, thì có thể nào vì thế mà không có những thử nghiệm khác, để sống cho lý tưởng. Điều khác trước đó là nhân dân các nước cựu cộng sản đã đặt được những điều kiện khắt khe hơn cho những người cộng sản trong cuộc thử nghiệm mới này. Và đó cũng vừa là một kinh nghiệm, vừa là một thách đố cho những người cộng sản”


Ông bạo đến mức bất chấp thực tế phũ phàng của cuộc cách mạng nhung tại Đông Âu chỉ vài năm trước, ông vẫn cố coi chế độ cộng sản ấy là “lý tưởng”, là điều con người “đang khao khát”, là đường, là sự thật, là điều duy nhất thỏa mãn được khát khao của quần chúng nhân dân. Tôi bảo đảm nếu ông cứ tới Đông Âu, Rumani, chẳng hạn, nói ra những điều đó ông sẽ bị ăn đòn.

Bây giờ đã là 13 năm sau, “giấc mộng đẹp” của ông cũng không thành sự thật. Thực tế tại Đông Âu ngày nay là một cái tát vào mặt những người ôm mộng đẹp xã hội chủ nghĩa. Nói không đâu xa. Ở đất nước Việt Nam nếu bây giờ ông hô hào thực hiện đúng lý tưởng cộng sản của Karl Mark, biết bao người sẽ phản đối ngay.

Đểu hơn nữa, ông sợ người ta hoài nghi cái lý tưởng đó nên còn cẩn thận lôi cả Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Léon XIII vào:

“Như Đức Gioan-Phaolô II, con người được thế giới tư bản coi là tác giả chính của sự sụp đổ của các chế độ cộng sản Đông Âu, đã nói trong bài trả lời phỏng vấn hồi cuối năm 1993: ‘… Quả thực là, như Đức Léon XIII đã nói: cũng có những ‘hạt mầm chân lý’ trong chương trình xã hội chủ nghĩa. Điều hiển nhiên là không nên phá hủy, không nên để mất những hạt mầm đó’”

Không ai chối cãi những “hạt mầm chân lý” ấy nhưng chính các ông theo lương tâm của mình cũng biết rõ là những “hạt mầm chân lý” ấy vô cùng “hiếm hoi” và “bé nhỏ” đến mức không thể biện minh cho cái giá mà nhân loại phải trả vì đại họa cộng sản.

Không bỏ cơ hội và chủ động tạo ra cơ hội để bôi nhọ cơ cấu Giáo Hội như một cơ chế lỗi thời, bảo thủ, mù quáng, và tội lỗi.

Trong buổi phát thanh sáng 19/01/1996, đài phát thanh Veritas do Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài điều hành cho biết như sau:

“Trong 12 số liên tục, Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc đã lên tiếng bênh vực cho Đức Cha Gaillot, giám mục giáo phận Evreux (Pháp), dĩ nhiên với luận điệu công kích Giáo hội ra điều như trong Giáo hội không có dân chủ, không có tự do phát biểu, ra điều như Giáo hội bách hại một số người. Nhiều người có thể hoang mang và bị lung lạc vì những bài báo ấy. Thật ra, một giọng điệu như thế không có gì đáng làm chúng ta phải ngạc nhiên. Thời Cựu ước, có những tiên tri cung đình chuyên hụ họa cho các vua thay vì nói Lời của Chúa. Ngày nay cũng không thiếu những tiên tri như thế: thay vì nói Lời Chúa, lên tiếng tố cáo những bất công đầy dẫy trong một chế độ độc tài thì người ta lại chỉ làm tiên tri để công kích và chỉ trích Giáo hội của mình.”

Bài phát thanh của Veritas đưa ra là nhằm phê phán loạt bài của CGDT nói đến nhóm “Nous sommes l’Eglise”, một nhóm mà có lẽ đa số quý vị đang đọc bài này chẳng biết gì về họ. Nhóm đó chỉ mới phát sinh vào cuối năm 1995 nhưng ông Cần đã lập tức quảng cáo “hết ga” để đầu tháng Giêng 1996, Veritas đã phải lên tiếng. Người ta thấy rõ ngay là ông Cần rình chờ hễ có một nhóm nào nổi lên chống báng Giáo Hội là ông ta quảng cáo hết sức rầm rộ.

Trong số báo kép 1044-1045, ông Cần trịnh trọng cho đăng tuyên ngôn của nhóm “Nous sommes l’Eglise”.

“Theo ‘Bản thỉnh cầu của Dân Chúa’ (được dịch ra tiếng Pháp, bản gốc bằng tiếng Đức) hiện đang được phổ biến rộng rãi tại nhiều nước châu Âu để lấy chữ ký, Phong trào ‘Chúng tôi là Giáo hội’ đang đưa ra ‘Những mục tiêu và những đòi hỏi’ có nội dung chủ yếu là:

1. Xây dựng một Giáo hội huynh đệ trong đó mọi tín hữu đều bình đẳng; bãi bỏ việc phân biệt giáo sĩ và giáo dân vì sự phân biệt đó loại trừ việc nhìn nhận những người có khả năng thật sự. Các Giáo hội địa phương phải có quyền tham gia vào việc chọn lựa giám mục của mình. Chỉ những người nào có được sự tín nhiệm của giáo dân mới được làm giám mục.

2. Bình đẳng hoàn toàn cho phụ nữ, cụ thể phụ nữ có quyền tham gia vào các tranh luận cũng như các quyết định ở mọi cấp của Giáo hội, phụ nữ được lãnh nhận chức vụ phó tế thường trực, được chịu chức linh mục và được tham gia vào việc lãnh đạo của Giáo hội. Việc loại trừ phụ nữ khỏi các chức vụ này không có cơ sở Kinh Thánh.

3. Tự do lựa chọn giữa đời sống độc thân hay có gia đình đối với chức vụ linh mục, bởi Kinh Thánh và tín lý chưa bao giờ đặt mâu thuẫn giữa chức vụ linh mục và đời sống hôn nhân. Đây chỉ là một sáng kiến riêng của Giáo hội Rôma.

4. Đánh giá một cách tích cực vấn đề tình dục, trong đó phải nhìn nhận con người có khả năng lãnh trách nhiệm trong vấn đề hạn chế sinh sản, bãi bỏ việc coi chuyện điều hoà sinh sản là phá thai…

5. Tin Mừng chứ không phải sự đe dọa: Thỉnh cầu Giáo hội có thái độ liên đới và nâng đỡ những người gặp khó khăn chứ không phải thái độ vị lề luật hẹp hòi, có thái độ bao dung và hoà giải – chứ không phải thái độ khắt khe lạnh lùng – với những người đang trong tình cảnh khốn quẫn nhằm giúp họ làm lại cuộc đời (những người ly dị, những linh mục có gia đình bị treo chén…)”


Việc cho đăng và quảng cáo rầm rộ cho tuyên ngôn này cũng đã đủ để cho thấy lập trường chống báng Giáo Hội của ông Cần. Để cho thấy nhóm “Nous sommes l’Eglise” này đang làm nghiêng ngả Giáo Hội La Mã, ông Cần còn cẩn thận ghi rằng “Tại Áo, hơn 500.000 người (tức khoảng 15% dân số ) đã ký tên vào kiến nghị”.

Niên giám Tòa Thánh trong năm 1996 ghi nhận tại 12 giáo phận của Giáo Hội Áo có 4,976,000 người Công Giáo. Trong số đó, số người lớn là 2,345,000 người. Con số 500,000, do đó, là một con số rất lớn, là một biến cố chấn động. Tuy nhiên, chúng tôi đã thử dò hỏi những đồng nghiệp ở các nước khác nhau chỉ có duy nhất một chị ở Anh biết về cái tổ chức rất “mini” này.

Trước những nhận xét hết sức xác đáng của đài phát thanh Veritas, cố nhiên ông Cần phản ứng rất quyết liệt:

“Và chúng tôi không tin rằng những suy nghĩ của chúng tôi, in trên giấy trắng mực đen chứ không phải lời nói gió bay, lại có thể làm ‘nhiều người có thể hoang mang và bị lung lạc’ như Đài Veritas lo lắng, ngoại trừ, nhìn dưới một góc độ nào đó, Veritas đang ‘suy bụng ta ra bụng người’ mà coi thường người công giáo ở trong nước!

Điều thứ hai chúng tôi cũng không dám nhận đó là chiếc mũ ‘tiên tri cung đình’ mà Đài Veritas có ‘nhã ý’ đội cho chúng tôi. Trong trường hợp của Đức Cha Gaillot, chiếc mũ ‘tiên tri cung đình’ ấy có lẽ phù hợp với Đài Veritas hơn là Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc. ‘Cung đình’ Vatican hẳn phải thích thú với sự ‘hụ họa’ của Đài Veritas hơn là lối suy nghĩ của Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc.”
(Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, 1042, 28/1/1996, trang 2)

Nếu như đài Veritas “phang trước” mà CGDT “phang lại” thì cũng có cái logic nào đó. Nhưng để thấy rõ, tính chất hung hăng đánh phá Giáo Hội của ông Trương Bá Cần tưởng cũng nên trích đăng ở đây một bài khác khi ông Cần vô cớ tấn công đài Vatican:

“Những ngày cuối năm 1995, Đài Vatican có phát một bản ‘Tổng kết sinh hoạt Giáo hội Việt Nam trong năm sắp kết thúc’. Bài tổng kết này khá dài: 4 trang đánh máy đặc chữ. Đọc xong, cảm giác đầu tiên của tôi là Giáo hội Việt Nam hình như chỉ còn các giám mục, linh mục và tu sĩ. Chẳng thấy giáo dân ở đâu. Của đáng tội, cũng có giáo dân đấy nhưng chỉ được nhắc đến đúng một lần khi nói về đám tang của một vị tổng giám mục.

Và toàn bộ sinh hoạt của cái ‘Giáo hội Việt Nam’ của Đài Vatican xem ra chỉ quanh quẩn trong các cuộc thương lượng của Tòa Thánh Vatican với Nhà nước hay giữa Hội đồng Giám mục Việt Nam với chính quyền ! Còn sức sống Đức tin phong phú và đa dạng của người giáo dân trong một xã hội đang thay đổi với biết bao vấn đề thách đố, khó khăn nhưng cũng đầy sáng kiến thì xem ra không phải là ‘sinh hoạt của Giáo hội Công giáo Việt Nam’. Hay Đài Vatican chỉ muốn tổng kết những gì mình muốn tổng kết? Nghĩa là tổng kết sinh hoạt của một Giáo hội địa phương theo tương quan quyền lực trần thế hơn là theo tiêu chuẩn làm chứng cho Tin mừng?”


Và đây là tiêu chuẩn làm chứng cho Tin mừng của ông Cần được nêu lên ngay sau đoạn đó:

“Tôi có một người bạn nhà báo là linh mục Dòng Tên. Năm 1988, ông đi thăm Việt Nam về và có viết một bài báo dài về sự sống động của Giáo hội Việt Nam. Năm 1992, gặp lại ông trong Đại hội Quốc tế của Hiệp hội Báo chí Công giáo Thế giới tại Braxin, ông tâm sự cho biết sau khi bài báo ấy được đăng lên, vị Bề trên của ông đã kêu ông lên và ‘quở’, đại ý: Tại sao trong khi phần lớn các tờ báo khác cho rằng Giáo hội Việt Nam bị bách hại, người Việt Nam công giáo không được hưởng tự do tôn giáo thì cha lại mô tả đời sống đức tin ở Việt Nam tốt đẹp như vậy ? Ôi, ‘Qui est l’Eglise ?’ (Giáo hội là ai?) !” (Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, 1040, 14/1/1996, trang 2)

Có lẽ xin miễn phê bình những người có chút lương tri cũng đủ thấy ông Cần xạo đến cỡ nào.

Một linh mục ở Sàigòn nói với chúng tôi một nhận xét rất xác thực mà chúng tôi xin dùng thay lời kết: “Manh tâm của CGDT là dựng lên một Giáo Hội Công Giáo giả với tất cả những xấu xa, bất công, đồi bại, hủ lậu, bảo thủ và tội lỗi. Rồi nó đánh Giáo Hội đó để quảng cáo cho cái thiên đường mù xã hội chủ nghĩa với đầy dẫy những tất cả những xấu xa, bất công, đồi bại, hủ lậu, bảo thủ và tội lỗi rất thật”.