HÀ NỘI - Đúng theo như những dự đoán từ trước thì quả thực sáng nay ngày 12/4/2008, Báo Hà Nội Mới lại đưa thông tin thiếu trung thực và không có cơ sở về sự kiện giáo dân giáo xứ Thái Hà cầu nguyện đòi đất của mình.

Xin mời qúi độc giả đọc bài của báo HàNộiMới đưa tin về giáo dân Thái Hà cầu nguyện để tự đánh giá về tờ báo này, và cũng biết được hướng tuyên truyền của chính quyền Hà nội cố ý xuyên tạc với những dẫn chứng thiếu trung thực và không có cơ sở của bài Báo Hà Nội Mới số phát hành sáng nay 12/4/2008 với đầu đề "Về việc đòi quyền sử dụng đất của Nhà thờ Thái Hà: Sự đòi hỏi trái pháp luật" và nội dung như sau:



(HNM) - Như báo Hànộimới đã đưa tin, thời gian vừa qua, đặc biệt trong các ngày từ 27-3 đến 7-4-2008, một số dân các nơi kéo đến tụ tập, tự ý dựng lều bạt, dựng bàn thờ, tượng Thánh và cầu nguyện suốt ngày đêm tại khu vực tường rào của Công ty May Chiến Thắng, quận Đống Đa.

Đến chiều 11-4-2008, những lều, bạt vẫn chưa được tháo dỡ
Mặc dù đã được các cấp chính quyền, nhân dân sở tại vận động, thuyết phục, nhưng số dân nói trên vẫn khăng khăng nói rằng chỉ chấp nhận dỡ lều và thôi cầu nguyện khi đã đòi lại được phần đất mà họ cho rằng đó là đất của nhà thờ Thái Hà. Vậy sự thật về nguồn gốc của khu đất đó như thế nào?

Không có cơ sở pháp lý để giao lại đất

Theo đơn trình bày ngày 16-5-2007 của linh mục Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Đinh Đức Tiến, Nguyễn Văn Khải, Trịnh Ngọc Hiên và ông Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà Nội thì nhà thờ Thái Hà còn có tên gọi khác là nhà thờ Nam Đồng, mang Bằng khoán điền thổ số 42, khu Thái Hà, thuộc sở hữu của dòng Chúa cứu thế Việt Nam có địa chỉ tại 180/2 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội. Trong đơn còn nêu: Năm 1961, nhiều diện tích đất của dòng Chúa cứu thế Việt Nam tại nhà thờ Nam Đồng đã bị cơ quan quản lý với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có khu nhà đất do Xí nghiệp Thảm len Đống Đa sử dụng, nay là Công ty May Chiến Thắng đang sử dụng. Nay đề nghị trả lại diện tích trên để dòng Chúa cứu thế nhà thờ Nam Đồng sử dụng…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khu đất nhà thờ Nam Đồng (nay là nhà thờ Thái Hà) số cũ là 116 Nam Đồng, trước đây của dòng Chúa cứu thế, do linh mục Vũ Ngọc Bích là người quản lý. Ngày 24-10-1961, linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký biên bản “Hội nghị bàn giao nhà thống nhất quản lý vào Nhà nước” bàn giao toàn bộ nhà đất của dòng Chúa cứu thế quản lý tại số 116 Nam Đồng (trừ nhà thờ) gồm 3.905m2 nhà chính, 945m2 nhà phụ trên diện tích khoảng 60.000m2 đất giao sang Nhà nước quản lý. Như vậy có thể khẳng định, khu nhà đất tại 116 Nam Đồng (trừ nhà thờ), trước đây của dòng Chúa cứu thế tại Hà Nội đã được Nhà nước thống nhất quản lý.

Tháng 1-2007, linh mục Trịnh Ngọc Hiên có đơn khiếu nại đòi quyền sử dụng đất của nhà thờ Thái Hà trước đây, nay do Công ty May Chiến Thắng đang quản lý sử dụng. Ngày 7-5-2007, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất đã có văn bản trả lời ông Trịnh Ngọc Hiên - linh mục chính xứ Thái Hà về việc xin giao lại diện tích nhà đất do Công ty May Chiến Thắng đang quản lý sử dụng. Căn cứ vào hồ sơ lưu trữ và kết luận liên ngành ngày 3-5-2007, căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 181 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, căn cứ vào Nghị quyết số 23 ngày 26-11-2003 của Quốc hội về nhà đất do Nhà nước quản lý và chính sách cải tạo nhà XHCN trước ngày 1-7-1991 “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất” thì việc linh mục Trịnh Ngọc Hiên có đơn xin được giao lại khu đất do Công ty May Chiến Thắng đang quản lý sử dụng là không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Và như thế, việc các giáo dân đang tự ý dựng lều lán, tụ tập đông người để đòi đất tại Công ty May Chiến Thắng là vi phạm pháp luật.

Luật pháp phải được thực thi

Những ngày vừa qua với nhân dân của 2 phường Ô Chợ Dừa và Quang Trung, quận Đống Đa, nhất là dân sống quanh khu vực tường rào của Công ty May Chiến Thắng thực sự là những ngày cơ cực. Có những ngày dân tứ xứ kéo về nói là giáo dân của nhà thờ Thái Hà đông đến mức người già không còn đường để đi tập thể dục, trẻ con mất lối đến trường, không chỉ tụ tập đông người, họ còn dùng trống loại to, loa phóng thanh cầu nguyện suốt ngày đêm, khiến người dân nơi đây ăn không ngon, ngủ không yên, đã có nhiều gia đình không chịu nổi cảnh ầm ĩ, hỗn loạn đã phải đi thuê nhà nơi khác để ở tạm. Theo phản ánh của các hộ dân cư thuộc tổ dân phố số 9, 84, 88, 89 và 91 phường Ô Chợ Dừa và một số tổ dân phố phường Quang Trung, từ ngày 5-1-2008, sau khi đi lễ tại nhà thờ Thái Hà, nhiều người đã kéo sang đường thuộc tổ dân phố 84 (Ô Chợ Dừa), đập đổ tường rào ngăn giữa đường đi của tổ dân phố và khu đất của một xí nghiệp đang quản lý; tự động dựng lều trên đường đi, treo ảnh Thánh, thắp nến, đọc kinh cầu nguyện suốt đêm. Gần đây nhất, ngày 6-4-2008, những người lấn chiếm đất công đã thay các lều bạt cũ bằng những lều to hơn, kiên cố hơn. Trước những hành vi vi phạm pháp luật nói trên, các hộ dân sinh sống tại đây đã có đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền cần có biện pháp kiên quyết chấm dứt những hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu các giáo dân phải tự giác dỡ bỏ lều bạt, cầu nguyện trong nhà thờ theo đúng quy định của luật pháp, trả lại sự bình yên cho cộng đồng dân cư của 2 phường.

Được biết, ngày 2-4-2008, UBND quận Đống Đa đã cử đại diện các ngành, đoàn thể và nhân dân các phường đến nhà thờ Thái Hà, làm việc với linh mục Nguyễn Văn Thật và linh mục Nguyễn Văn Phượng, chuyển công văn của UBND quận về việc vi phạm trật tự xây dựng tại Giáo xứ Thái Hà. UBND quận đã yêu cầu linh mục Vũ Khởi Phụng vận động giáo dân dỡ ngay các lều, quán, bàn thờ, trả lại phần đất đang chiếm dụng, di chuyển các tượng, ảnh, Thánh giá về trong khuôn viên nhà thờ.

Sáng 11-4-2008, UBND quận Đống Đa lại tiếp tục cử người đến vận động những giáo dân đang tụ tập phía sau Công ty May Chiến Thắng phải nhanh chóng thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của quận (Quyết định số 13431 ngày 6-4-2008) và thông báo của phường Ô Chợ Dừa (Thông báo 106, chấm dứt ngay các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, trật tự trị an, dỡ bỏ ngay các lều dựng lên trái phép, các ảnh, tượng Thánh trả lại diện tích hè đường đã chiếm dụng…

Thế nhưng để đáp lại sự kiên trì, mềm mỏng của chính quyền địa phương, cứ mỗi lần có đoàn đại biểu của phường, quận tới vận động, số giáo dân đang túc trực tại khu vực đang lấn chiếm lại gọi điện thoại, kêu gọi giáo dân từ các nơi kéo về để gây sức ép với chính quyền. Thậm chí, trưa ngày 7-4-2008, do có sự xúi giục, kích động của các phần tử xấu, hàng trăm giáo dân từ các nơi đã đổ về cổng sau Công ty May Chiến Thắng để chuẩn bị chống lại thời hạn theo Thông báo của UBND phường Ô Chợ Dừa yêu cầu phải dỡ bỏ các lều lán trước 12 giờ cùng ngày, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đã không có sự xô xát nào xảy ra trưa ngày 7-4 như sự mong đợi của những kẻ thiếu thiện chí. Nhưng như thế không có nghĩa là các lều bạt đang được dựng trái phép ở đây và sự vi phạm pháp luật của những người cố tình hoặc bị lôi kéo đi “đòi đất” sẽ kéo dài mãi, bởi chúng ta đã có Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Xây dựng; Luật Đất đai; Pháp lệnh Tôn giáo… và pháp luật luôn phải được tôn trọng và thực thi một cách nghiêm chỉnh.

(Nguồn: Báo Hà Nội Mới, ngày12/04/2008 08:18), Nhóm phóng viên Nội chính