Chúa nhật, 13/4/2008

GIỜ THÁNH NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO CÁC ƠN GỌI

I. KHAI MẠC

1. Đặt Mình Thánh Chúa. Hát kính thờ Thánh Thể.

2. Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hết lòng thờ lạy Chúa, cảm tạ và tôn vinh Chúa. Giờ phút này, chúng con tin Chúa đang hiện diện giữa cộng đoàn chúng con, để yêu thương và mời gọi chúng con đến với Chúa, không phải vì Chúa mà chính là vì chúng con, bởi lẽ Chúa muốn qui tụ, trao ban tình yêu và sức mạnh của Chúa cho chúng con, và hơn thế nữa, để mời gọi chúng con bước theo Chúa. Xin Chúa thương thanh tẩy chúng con.

3. Tâm tình sám hối

Lạy Chúa, Chúa là Mục Tử tốt lành đã hy sinh chính mình để đem lại sự sống cho đàn chiên. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/ Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa, Chúa là Mục Tử quy tụ các chiên tản mác khắp nơi về một đàn chiên duy nhất. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/ Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa, Chúa là Mục Tử dẫn dắt đàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/ Xin Chúa thương xót chúng con.

4. Hát: Lắng nghe Lời Chúa

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA – SUY NIỆM.

5. Công bố Tin Mừng

Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo Thánh Gioan (10,9-11)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói rằng: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.

6. Suy niệm

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã ghi lời xác quyết của Chúa Giêsu: “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”. Lời xác quyết này có nghĩa là chỉ một mình Người là trung gian duy nhất, nhờ đó con người có thể đạt đến hạnh phúc chân thật. Người là cửa duy nhất mà qua đó đàn chiên có thể bước vào nơi trú ẩn vững chắc. Chỉ mình Người là Trung Gian duy nhất của ơn cứu độ, là Vị Thầy duy nhất nắm trọn vẹn chân lý, là người Hướng Đạo duy nhất dẫn đưa con người đến quê hương vĩnh cửu. Là Con Thiên Chúa trở nên người phàm, Người được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, qui tụ mọi con chiên. Người biết tên từng con chiên như Cha Người biết Người (x. Cv 4,12; Ga 10,14-15).

Khi xác quyết mình là cửa chuồng chiên, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6b). Vì thế, mọi con chiên phải đi qua cửa duy nhất là Chúa Giêsu. Đi qua Người, đàn chiên mới có tự do, được sống và sống dồi dào.

Ai qua cửa ấy, nghĩa là tin nhận Đức Kitô, sống theo giáo huấn của Người. Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên đích thực, Người được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta của ăn thần linh chính là Bánh và Nước hằng sống. Người là Đấng duy nhất dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời. Chúng ta hãy lắng nghe lời Người mạc khải: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”. Là Mục Tử, Người đã đi trước dọn đường cho chúng ta, chúng ta hãy ngoan ngoãn bước theo Người, vì “Người là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), ai theo Người thì không sợ hư mất.

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiến tế mạng sống vì chúng ta và cho chúng ta, để chúng ta là những người đã đặt niềm tin vào Chúa và cũng như những người chưa tin Chúa được quy tụ thành một đàn chiên duy nhất chung quanh Người, trong Nước Cha Người. Chúng ta hãy tiếp tục sống chứng nhân của Người ở trần gian để cánh cửa luôn luôn rộng mở tiếp đón nhiều người theo.

7. Hát: Chúa là Mục tử

8. Suy niệm

Mục Tử nhân lành sống tận tâm tận lực chăm sóc, lo lắng cho từng con chiên một. Vị Mục Tử dành tất cả cho đàn chiên. Chúa Giêsu là Đấng chăn chiên lành duy nhất và chân thật, không tiếc gì với đàn chiên, ngay cả mạng sống mình. Người là Mục Tử hoàn hảo nhất, vì Người để mắt chăm sóc từng con chiên, không muốn và không để bất cứ con chiên nào phải lạc xa đàn. Người đến không mang lại lợi ích gì cho Người mà để cho đàn chiên được sống và sống dồi dào.

Người là Mục Tử giàu lòng thương xót, không bao giờ ruồng rẫy chúng vì tội lỗi xúc phạm, không bao giờ mỏi mệt vì chúng thất tín, không bao giờ chối từ ơn tha thứ, nhưng luôn luôn sẵn sàng quên bất cứ điều xúc phạm nào, trao trả ân sủng cho tội nhân, “Người không bẻ gẫy cây lau bị dập”. Nơi Người chỉ có sự dịu dàng và hay thương xót, chậm giận và giàu lòng từ bi. Người đã yêu thương với tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu (x. Ga 15,13). Quả thực, chính nơi mầu nhiệm khổ nạn mà cao điểm là cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện chức năng mục tử của Người ở mức độ trọn vẹn nhất. Chúa Giêsu đã khắc họa chân dung người mục tử đích thực với nỗi niềm và thao thức duy nhất là “cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào”. Cũng chính nơi thập giá, Chúa Giêsu đã mở cửa Nước Trời cho chúng ta.

Người đã yêu thương chúng ta như thế đó ! Vậy chúng ta phải đáp trả lại tình yêu cho Người thế nào cho cân xứng ? Chúng ta hãy theo và học mẫu tình yêu mà Chúa Giêsu đã dạy “các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34), “không có tình yêu nào trọng cho bằng tình yêu hiến mạng sống mình vì người yêu” (Ga 15,13). Chính Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu đó, Người yêu thương chúng ta như bạn hữu (Ga 15,13-15), Người đến để phục vụ và hiến thân cho chúng ta (Mt 20,28). Người yêu chúng ta không chỉ ban cho mẫu gương để chúng ta bắt chước (Ga 13,14), nhưng còn thông ban cho chúng ta chính tình yêu Người có (Ga 15,3) và sự bình an của Người (Ga 14,27). Tất cả tình yêu Người có từ Cha Người, Người chuyển thông hết cho chúng ta, để nhờ đó chúng ta có thể tham dự vào tình thương của Thiên Chúa Cha (Ga 14,23).

Được trở nên Kitô hữu chúng ta là những con người hạnh phúc nhất trên cõi đời này, vì chúng ta đã có Chúa Giêsu là vị Mục tử nhân lành tuyệt vời nhất ! Chúng ta không được sống cho chính mình mà phải cho người khác. Chúng ta không nên chỉ sống với những cái gì mình có, với những người nào mình yêu thích mà phải sống với những cái gì, người mình không thích nữa. Chúng ta phải cố gắng sống với một thao thức làm thăng tiến và phát triển cộng đoàn nơi chúng ta đang sống, đang phục vụ. Chúng ta phải sống với tinh thần tự hiến hơn là vì bắt buộc, cưỡng chế. Hãy làm với tinh thần tự hiến vì tình yêu hơn là làm vì bổn phận hay bắt buộc. Có như thế, chúng ta đã phần nào đi vào cuộc sống tương quan thân mật với mục tử nhân lành của chúng ta.

9. Lời khẩn cầu và ca ngợi.

Chúng ta cùng cảm tạ và ca ngợi Chúa Giêsu:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống giữa bóng đêm tội lỗi, nhưng Chúa mở mắt cho chúng con được nhìn thấy ánh sáng.

Đ/ Vì ân huệ này, chúng con ca ngợi Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã làm ô danh Chúa, nhưng Chúa đã rộng tình thứ tha. Đ/
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã không giữ lời thề với Chúa, nhưng Chúa đã tái lập giao ước với chúng con. Đ/
Lạy Chúa Giêsu, chúng con gây chia rẽ, chúng con sống bất hòa, nhưng Chúa đã liên kết chúng con trong gia đình Giáo Hội. Đ/
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã chết vì phạm tội, nhưng Chúa đã chết để chúng con được sống muôn đời. Đ/

10. Tin Mừng

Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Matthêô (9,36-38)

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

11. Suy niệm 3

Trong bầu khí canh tân của Công Đồng Vaticanô II, với ý thức “trở về nguồn”, năm 1964, Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi, vì lẽ ơn gọi liên quan đến tất cả các kitô hữu và, do bí tích rửa tội, mọi người đều được gọi nên thánh. Từ đó đến nay, hằng năm vào chúa nhật Chúa chiên lành, ý thức này càng nhắc nhở chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe vài tâm tình của đức thánh cha Bênêđictô trong Sứ điệp lần thứ 45 năm nay:

Tôi đã chọn đề tài “Ơn gọi phục vụ Giáo-Hội–truyền-giáo” cho Ngày Thế Giới cầu cho các ơn gọi sẽ được cử hành ngày 13/4/2008. Chúa Giêsu phục sinh đã ủy thác cho các Tông Đồ mệnh lệnh: “Vậy các con hãy đi giảng dạy tất các các dân nước, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19), và Ngài hứa với họ: “Này đây Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Giáo Hội là thừa sai trong toàn bộ và trong mỗi phần tử của mình. Nếu, do bí tích Rửa tội và Thêm sức, mỗi tín hữu Kitô được kêu gọi làm chứng tá và rao giảng Tin Mừng, thì chiều kích truyền giáo càng được gắn liền với ơn gọi Linh Mục một cách đặc biệt và thâm sâu hơn. …

Chúa động lòng thương đối với dân chúng, vì trong khi rảo quanh các thành thị và làng mạc, Ngài gặp thấy những đám đông mệt mỏi và kiệt lực, “như những chiên không có người chăn” (x. Mt 9,36). Từ cái nhìn yêu thương ấy nảy sinh lời Chúa mời gọi các môn đệ: “Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt để Người sai thợ đến trong mùa gặt của Người” (Mt 9,38), và Ngài sai Nhóm 12 trước tiên đến 'với các chiên lạc Nhà Israel', với những lời dặn dò kỹ lưỡng. Nếu chúng ta dừng lại để suy niệm về trang này của Tin Mừng theo thánh Mathêu, thường được gọi là ”diễn văn truyền giáo”, chúng ta nhận thấy tất cả các khía cạnh nói lên đặc tính hoạt động truyền giáo của một cộng đồng Kitô, muốn trung thành với mẫu gương và giáo huấn của Chúa Giêsu. Việc đáp lại tiếng gọi của Chúa bao hàm sự đương đầu, một cách thận trọng và đơn sơ, với mọi nguy hiểm và cả những cuộc bách hại nữa, vì “một môn đệ không cao trọng hơn Thầy, một đầy tớ không trọng hơn chủ” (Mt 10,24). Được nên một với Thầy, các môn đệ không còn đơn độc trong khi rao giảng Nước Trời, vì chính Chúa Giêsu hành động trong họ: “Ai đón nhận các con là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Và ngoài ra, trong tư cách là những chứng nhân đích thực, ”có quyền năng từ trên cao” (Lc 24,49), họ rao giảng cho mọi dân ”sự hoán cải và sự tha thứ tội lỗi” (Lc 24,47).

Ngoài ra, để Giáo Hội có thể tiếp tục thi hành sứ mạng Chúa Kitô đã giao phó và không thiếu các nhà truyền giảng Tin Mừng mà thế giới đang cần, điều cần thiết là, trong các cộng đồng Kitô, cần phải liên tục giáo dục đức tin cho các trẻ em và người lớn, cần duy trì ý thức sinh động về trách nhiệm truyền giáo nơi các tín hữu và về sự liên đới với các dân tộc trên thế giới. Hồng ân đức tin mời gọi tất cả các tín hữu Kitô cộng tác vào công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Cần nuôi dưỡng ý thức ấy bằng việc giảng thuyết và huấn giáo, phụng vụ và huấn luyện liên tục về cầu nguyện; ý thức ấy cũng tăng trưởng nhờ thực thi việc đón tiếp, bác ái và tháp tùng thiêng liêng, cũng như bằng một dự án mục vụ, trong đó có phần quan tâm đến các ơn gọi.

Ơn gọi linh mục thừa tác và đời sống thánh hiến chỉ triển nở trong một thửa đất được vun trồng kỹ lưỡng về mặt thiêng liêng. Thực vậy, những cộng đồng Kitô nào sống khẩn trương chiều kích truyền giáo trong mầu nhiệm Giáo Hội, sẽ không bao giờ co cụm vào mình. Sứ vụ truyền giáo, như chứng tá về tình yêu của Chúa, đặc biệt trở nên hữu hiệu khi được chia sẻ trong cộng đồng, “để cho thế gian tin” (x. Ga 17,21). Ơn gọi là hồng ân mà Giáo Hội hằng ngày phải cầu xin Chúa Thánh Linh. Giống như thuở ban đầu, quây quần quanh Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông Đồ, Cộng đồng Giáo Hội đang học hỏi nơi Mẹ cách thức cầu xin Chúa cho có thêm nhiều tông đồ mới, biết sống nơi mình niềm tin và tình yêu cần thiết cho sứ vụ truyền giáo.

Trong lúc tôi gửi những suy tư này đến tất cả các cộng đồng Giáo Hội, để họ đón nhận làm của mình và nhất là gợi hứng từ đó để cầu nguyện, tôi khích lệ sự dấn thân của tất cả những người đang hoạt động trong tin tưởng và quảng đại để phục vụ ơn gọi và tôi thành tâm gửi Phép lành đặc biệt của tôi đến các nhà đào tạo, các giáo lý viên và tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đang tiến bước trong hành trình ơn gọi.

12. Đọc chung kinh cầu cho các ơn gọi.

Lạy Chúa Giêsu là Vị Mục Tử đích thực – là Đấng chăn dắt các tâm hồn – Chúa đã chọn các Tông Đồ theo nghề chài lưới người – và không ngừng lôi cuốn các bạn trẻ – có tâm hồn sốt sắng và quảng đại –, để biến họ nên môn đệ Chúa – và thừa tác viên của Hội Thánh –; xin rèn luyện con người họ – biết chia sẻ nỗi khát khao của Chúa – trong sứ vụ cứu độ phổ quát mà Chúa đã hoàn tất – qua cái chết hồng phúc trên thập giá – và hằng ngày tái diễn nơi Hy Tế Bàn Thờ.

Lạy Chúa là Vị Thượng Tế hằng sống – để chuyển cầu cho nhân loại chúng con –, xin mở ra cho người trẻ chân trời của thế giới hôm nay – nơi đang vang lên lời cầu nguyện chân thành của biết bao anh chị em – để họ được ánh sáng chân lý soi dẫn – và có tâm hồn nồng cháy lửa mến yêu – mà quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi – tiếp nối sứ vụ cứu thế và xây dựng Hội Thánh – là Thân Thể huyền nhiệm của Chúa –; xin cho họ trở nên "muối đất và ánh sáng trần gian" – làm dấu chỉ Nước Thiên Chúa hiện diện ngay ở đời này – hầu tôn vinh Danh Chúa và hướng tới lợi ích mọi người.

Lạy Chúa, xin cho lời đáp trả ơn gọi – cũng trải rộng đến các phụ nữ – có tâm hồn thanh khiết và đầy sức sống – để họ biết khao khát đời sống trọn lành theo Phúc Âm – và thực hiện tinh thần phục vụ Hội Thánh – một cách cụ thể nơi các anh em mình – là những con người cần đến sự trợ giúp và đức ái của họ –. Chúng con cầu xin – vì Chúa hằng sống và hiển trị đến muôn thuở muôn đời – Amen.

III. KẾT THÚC

13. Hát: Này con là Đá. Lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng.
14. Hát: Đây nhiệm tích. Lời nguyện và phép lành MTC.
15. Hát kết thúc: Xin vâng.