Vai trò trung gian của triết học giữa thần học và khoa học tự nhiên

Ngày nay những cuộc tranh luận sôi nổi về sự mâu thuẫn giữa thuyết tiến hóa và công trình sáng tạo vũ trụ, của một bên là các nhà khoa học tự nhiên và một bên khác là các nhà thần học. Những nhà khoa học tự nhiên cho rằng sự hình thành của vũ trụ là thuần tuý do khả năng tiến hóa nội tại của vật chất, chứ không do một quyền lực ngoại tại, tức họ chối bỏ thuyết sáng tạo. Ngược lại, các nhà thần học lại bênh vực thuyết sáng tạo một cách đầy xác tín. Trong khi đó, triết học hoàn toàn giữ thái dộ im lặng.

Sự sáng tạo dưới con mắt danh họa Michelangelo
Chắc hẳn không ai còn quá ngạc nhiên về điều đó, vì ở đây đề cập đến một vấn đề hết sức thực tiễn, nhưng các chiều hướng thuộc lãnh vực triết học thời đại ngày nay, như: Hiện tượng học, Nhân vị chủ nghĩa, Hiện sinh chủ nghĩa, Triết học phân tích, v.v… lại không còn sử dụng đường lối duy thực nữa. Trong khi đó, ngược lại, triết học tự nhiên và siêu hình học truyền thống, đặc biệt nhất là triết học theo khuynh hướng Aristote-Tôma, lại chứng minh cho thấy vai trò rất cần thiết và rất thích hợp của chúng trong việc can thiệp vào những cuộc tranh cãi hiện nay. Việc triết học tự nhiên và siêu hình học truyền thống có thể làm trung gian cho những cuộc tranh cãi đối kháng như thế, chúng ta có thể nêu lên những điểm sau đây:

Thứ nhất: Trước hết cần phải xác định rõ ràng rằng thuyết tiến hóa và khoa thần học hành động trên rất nhiều lãnh vực không hề mâu thẫn đối kháng nhau. Thật vậy, thuyết tiến hóa giả thiết rằng khởi đầu vũ trụ là vật chất nguyên sơ, và từ vật chất nguyên sơ đó sản sinh ra tất cả các loại sinh vật, mà ngày nay chúng ta tìm gặp được trong các cây cối, súc vật và người, nghĩa là vật chất nguyên sơ đó tự «biến hóa» từ từ thành các sinh vật. Còn thuyết sáng tạo cũng đề cập đến chính vật chất nguyên sơ đó và thế giới, tức cosmos, vũ trụ, một vũ trụ bao gồm tất cả mọi sinh vật, chứ không hề đối nghịch hay mâu thuẫn với bất cứ cái gì.

Nhưng chỉ khác ở chỗ: Thuyết sáng tạo của thần học khẳng định rằng vật chất nguyên sơ sản sinh ra các loại sinh vật và các loại sinh vật đó luôn phát triển không ngừng một cách tự nhiên theo một định luật đã được ấn định cho giới loại của mình. Tuy nhiên, sự sản sinh đó không do sức mạnh nội tại tự nhiên của vật chất xét như là vật chất - như thuyết tiến hóa chủ trương - nhưng là do sức mạnh ngoại tại tác động; nói rõ hơn, vật chất nguyên sơ sản sinh ra các động-thực vật cũng như sự phát triển của chúng là do quyền năng của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã dựng nên chính vật chất nguyên sơ và thiết đặt định luật sản sinh và phát triển «tự nhiên» đó trong vật chất.

Thứ hai: Kể từ Aristote, truyền thống phân biệt giữa sự sản sinh hay sự nẩy sinh ra (tiếng Hy-lạp: Genesis, tiếng La-tinh: generatio) của những sự vật trong vũ trụ vật chất, tức những sự vật luôn được sản sinh ra từ vật chất đã tiền hữu – cũng như nơi những hữu thể sống động qua những nguyên tắc sự sống, nghĩa là nguyên nhân mô thể hay nguyên nhân mục đích – và sự «bước-vào-cõi-hữu» (das Ins-Sein-treten) của vật chất, hay của những nguyên tắc sự sống vừa nói trên, và cuối cùng là của toàn diện thiên nhiên, của thế giới, của chính cosmos. Aristote dạy rằng chính nguyên nhân bản thể của sự vật thiên nhiên, cũng như toàn thể thiên nhiên thì «vô sinh» (ageneton); nghĩa là nó bắt đầu hiện hữu và ngừng hiện hữu «mà không có sự sản sinh và sự tiêu tan đi». Phù hợp với sự bước-vào-cõi-hữu «vô sinh» này, là ý niệm về «sự sáng tạo» (tiếng Hy-lạp: ktisis; tiếng La-tinh: creatio) trong thần học về hạn từ «cha», một sự sáng tạo phát xuất từ «hư không», mà thánh Augustinô gọi là «creatio ex nihilo», tức một sự sáng tạo không bắt đầu từ vật chất tiền hữu, nghĩa là vật chất đã có sẵn. Vì thế, trong khi khoa học tự nhiên, cùng với thuyết tiến hóa, dựa vào diễn tiến sự sản sinh của vũ trụ hay của thiên nhiên, thì khoa thần học, cùng với sự trình thuật của Kinh Thánh, lại dựa vào sự sáng tạo vũ trụ - bao gồm toàn thể thiên nhiên – từ hư không.

Thứ ba: Hai môn khoa học đó thực sự mâu thuẫn đối kháng nhau, nếu như chúng vượt lên trên giới hạn của mình, như ngày nay đã xảy ra trong những cuộc tranh luận. Đó là: Với lý thuyết tiến hóa, khoa học tự nhiên coi vật chất như là một thực tại tiền hữu, tự tại và hội đủ mọi năng lực trong mình, bao gồm cả việc sản sinh ra sự sống; Nói cách khác, vật chất tự hữu, tức đời đời đã có vật chất và vật chất chứa đựng trong mình tất cả mọi năng lực đối kháng một cách nội tại, và chính những năng lực đối kháng đó làm sản sinh ra không ngừng mọi sinh vật. Còn về phía khuynh hướng thần học ngày nay cho rằng ý niệm tạo dựng cũng dựa theo tiến trình sự sản sinh trong vũ trụ từ vật chất như thuyết tiến hóa. Nhưng thần học lại chủ trương rằng tiến trình sản sinh đó qua kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa Tạo Hóa, một điều mà khoa học tự nhiên luôn bác bỏ. Nói cách khác, theo thuyết sáng tạo của thần học thì sự hiện hữu của vật chất chịu tác động bởi phạm trù thời gian, tức: tự bản chất, vật chất không tự hữu và cũng không hiện hữu bất tận, nhưng đã được bắt đầu và sẽ phải chấm tận, nghĩa là hữu hạn. Nhưng cái chi hữu hạn, tức đã được bắt đầu và phải chấm tận, thì tùy thuộc vào cái vô hạn, hay nguyên lý đệ nhất, và thần học gọi là Đấng Tạo Hóa hay Thiên Chúa.

Thứ bốn: Ở đây người ta có thể tóm tắt quan điểm của triết học tự nhiên như sau: Trong sự sử dụng ý niệm về vật chất như đã được đề cập đến ở trên, hoa học tự nhiên không còn ý thức được nguồn gốc thuộc triết học tự nhiên của ý niệm đó. Nói cách khác, vật chất không thể đơn thuần được coi như là một thiên nhiên tiền hữu, tự hữu và là nguyên nhân hiện hữu đúng nghĩa, nhưng là một nguyên nhân theo kiểu loại suy, được tiềm ẩn trong những sự vật thiên nhiên, hay nói đúng hơn là một «điểm xuất phát» (theo Aristote và Tôma Aquinô: vật chất được biểu tượng bằng hình ảnh «mẹ đất») của những sự vật sản sinh, và từ nguyên nhân đó các sự vật thiên nhiên tự phát triển. Điều đó muốn khẳng định rằng giữa những cái xác định hiện hữu cái bất khả xác định. Như thế, đã quá rõ là tiến trình sự tạo hình của những sự vật tự phát triển phải được qui ghép cho những nguyên nhân mô thể, nguyên nhân tác động hay nguyên nhân mục đích, là những nguyên nhân phân biệt nhau bởi chất thể. Những nguyên nhân đó biểu hiện nơi các sinh vật sản sinh như những năng lực sự sống hay nguyên tắc sự sống, là những năng lực không thể qui định hay gán ghép cho vật chất được. Nếu thế, thuyết tiến hóa – mà phẩm chất và giá trị của nó vốn hoàn toàn tuỳ thuộc vào tiến trình hay diễn biến thuộc phạm vi vật chất (vật lý và hoá học) – phải nhường chỗ cho suy tư triết học tự nhiên vốn vượt lên trên những năng lực sự sống hay nguyên tắc sự sống thuộc phạm vi vật chất trong các sự kiện của thiên nhiên.

Thứ năm: Cả khoa thần học cũng xem ra vượt khỏi lãnh vực mang tính cách thần học của mình (tức lãnh vực liên quan tới sự cứu rỗi nhân loại qua Đức Giêsu Kitô), nếu thần học qui ghép những tiến trình phát triển đều đặn nhịp nhàng của thiên nhiên, tức những tiến trình có thể lý giải được nhờ vào những năng lực sự sống nội tại của thiên nhiên hay các nguyên nhân – mô thể, tác động và mục đích - cho một «kế hoạch khôn ngoan» của Thiên Chúa và như thế có thể nói là thần học thay thế những nguyên nhân đó bằng một sự tác động trực tiếp của Thiên Chúa. Hơn nữa, người ta sẽ khó lòng tránh khỏi thuyết phiếm thần (Pantheismus). Khoa triết học tự nhiên truyền thống và siêu hình học đã phân biệt rõ ràng giữa nguyên nhân mục đích đệ nhất thuộc về Thiên Chúa và nguyên nhân mục đích đệ nhị thuộc nội tại thiên nhiên. Người ta có thể đọc được dẫn chứng thứ năm về Thiên Chúa nơi thánh Tôma như sau:

Ông theo dõi sự hữu dụng trong những sự vật thiên nhiên - khả tri đối với trí năng con người – trước hết trên những nguyên nhân mục đích nội tại. Nhưng vì những nguyên nhân mục đích đó vượt ra khỏi phạm trù nhận thức của trí năng và lý trí con người (sine ratione), nên tất nhiên phải kết luận rằng đó chính là nguyên nhân mục đích đệ nhất và siêu việt. Nơi sự kết thúc này, những nguyên nhân mục đích nội tại thứ hai, những nguyên tắc sự sống, không bị thay đổi thành những sự vật thiên nhiên. Aristote (De generatione animanlium) so sánh cách khéo léo chính thiên nhiên với một «kỹ thuật gia», nghĩa là một người thiết kế các chương trình và kế hoạch, nhưng dĩ nhiên chỉ một cách loại suy hay tương tự mà thôi, bởi vì thiên nhiên «dàn dựng kế hoạch» theo định luật nội tại trong chúng một cách «bản năng», chứ không sử dụng tới trí năng như con người. Trái lại, khi so sánh Thiên Chúa với một kỹ thuật gia nhân loại trong các kế hoạch thì mang nhiều tính chất tương tự, vì cả Thiên Chúa lẫn con người đều hành động theo trí năng.

Thứ sáu: Nhìn về phương diện siêu hình học, người ta thấy rằng sự tiến hóa và sự tạo dựng không mâu thuẫn nhau, vì thiên nhiên luôn vẫn tự phát triển không ngừng một cách tuần tự và đều đặn theo từng giai đoạn trong các thực tại của mình. Ở đây, những sự chuyển biến xảy ra từ sự bất định của chất thể, mà những năng lực mô thể của chúng đưa tới những kiểu thay đổi mới khác.

Nhìn theo lịch sử trái đất, những năng lực mô thể như thế trong những khoảnh khắc nhất định đã xảy ra một cách gián đoạn nơi các sinh vật: cây cối, động vật và người. Sự xuất hiện của chúng chỉ có thể được lý giải nhờ vào sự tạo dựng bởi một nguyên nhân siêu việt, và tôn giáo gọi nguyên nhân siêu việt đó là Thiên Chúa.

Nơi con người, sự tạo dựng đó vẫn tiếp tục xảy ra cho tới hôm nay; nói rõ hơn, trong mỗi bào thai con người đều có nguyên tắc thiêng liêng của sự sống. Chính Aristote đã dạy - điều mà sau đó Tôma Aquinô đã tiếp thu - là trí năng và hồn thiêng con người được «phú bẩm từ bên ngoài» vào trong bào thai.

Nói tóm lại, tự bản chất, vật chất vốn chứa đựng trong mình tính chất bị bào mòn và hư hoại, tức chịu ảnh hưởng tác động của phạm trù thời gian chi phối. Nếu vậy, vật chất không thể tự hữu và có khả năng trường cửu được, nhưng nó phải được bắt nguồn và thành hình bởi một quyền lực vô biên ngoại tại khác. Quyền lực vô biên đó thần học gọi là Thiên Chúa Tạo Hóa. Dĩ nhiên Thiên Chúa không trực tiếp dựng nên các sự vật thiên nhiên; nói cách khác, Thiên Chúa không trồng các cây cối như một thợ làm vườn, Người cũng không trực tiếp dựng nên các thứ súc vật trên mặt đất như một thợ gốm. Nhưng Thiên Chúa chỉ thiết đặt các nguyên lý trong vật chất thiên nhiên mà Người đã dựng nên và Người để cho các nguyên lý đó phát triển nhịp nhàng theo những định luật nội tại của chúng.

Đó cũng chính là nội dung ý nghĩa của Kinh Thánh khi tường thuật về công cuộc tạo dựng vũ trụ vật chất và muôn loài trong đó. Nói cách khác, qua sự tường thuật về công cuộc sáng tạo vũ trụ, Kinh Thánh chỉ muốn khẳng định một điều duy nhất là tất cả mọi thụ tạo – vũ trụ, con người và các sinh vật khác – đều do Thiên Chúa Tạo Hóa dựng nên và tất cả luôn nằm dưới sự cai quản và bảo vệ đầy uy quyền vô biên của Người.

_________________

Sách tham khảo:

Horst Seidl: “Evolution und Naturfinalität“. Olms-Verlag