BÀI GIÁO LÝ II CỦA ĐTC BÊNÊĐICTÔ VỀ THÁNH PHAOLÔ

NHÃN QUAN MỚI CỦA THÁNH PHAOLÔ

Buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 8 tháng 11, 2006, Đức Thánh Cha Benedictô XVI nói:

Anh chị em thân mến:

Trong bài giáo lý trước cách đây hai tuần, tôi đã cố gắng phác hoạ những nét chính yếu về tiểu sử Thánh Tông Đồ Phaolô. Chúng ta đã thấy cuộc gặp gỡ với Đức Kitô của ngài trên đường đi Đamascô đã thực sự cách mạng hóa đời sống của ngài thế nào. Đức Kitô đã trở nên lý do của sự sống còn của ngài và động cơ thâm sâu của tất cả các công việc tông đồ của ngài.

Trong những thư của ngài, sau danh xưng Thiên Chúa, xuất hiện hơn 500 lần, thì danh xưng được nhắc tới thường xuyên nhất là Đức Kitô (380 lần). Do đó, điều quan trọng là chúng ta nhận ra rằng Đức Chúa Giêsu Kitô có thể ảnh hưởng cách sâu đậm thế nào đến đời sống của một người, và như thế, cũng ảnh hưởng đến đời sống chúng ta. Thực ra, lịch sử cứu độ đạt đến cao điểm nơi Đức Chúa Giêsu Kitô, và do đó Người là điểm phân biệt thật sự trong việc đối thoại với các tôn giáo khác.

Khi nhìn vào thánh Phaolô, chúng ta có thể đưa ra câu hỏi căn bản: Việc gặp gỡ của một con người với Đức Kitô xảy ra thế nào? Mối liên hệ phát xuất từ cuộc gặp gỡ ấy gồm những gì? Câu trả lời của Thánh Phaolô có thể được hiểu trong hai giai đoạn.

Trước hết, Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu giá trị căn bản và không thể thay thế được của Đức Tin. Ngài viết trong Thư gởi tín hữu Roma: “Thật vậy, chúng tôi tin rằng, người ta được nên công chính nhờ Đức Tin, chứ không phải vì làm theo Lề Luật” (3: 28).

Đây là điều ngài viết trong Thư gởi tín hữu Galatê: “Người ta được nên công chính không nhờ làm theo Lề Luật, nhưng nhờ Đức Tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô; nên ngay cả chúng ta cũng phải tin vào Ðức Chúa Giêsu Kitô, để được nên công chính nhờ đức tin vào Ðức Kitô, và không phải nhờ làm theo Lề Luật; vì không ai sẽ được nên công chính vì làm theo Lề Luật.” (2:16)

“Được nên công chính” nghĩa là được làm thành chính trực, được sự công minh đầy thương xót của Thiên Chúa chấp nhận để được đi vào sự hiệp thông với Ngài, và nhờ đó có khả năng thiết lập một mối liên hệ đích thực hơn nhiều với tất cả anh em chúng ta: và điều này xảy ra dựa trên việc [Thiên Chúa] hoàn toàn tha thứ các tội lỗi của chúng ta.

Thánh Phaolô công bố thật rõ ràng rằng điều kiện này của đời sống không tùy thuộc vào những việc lành chúng ta có thể làm, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa: Chúng ta “được trở nên công chính nhờ ân sủng của Thiên Chúa như một ân huệ, nhờ ơn cứu độ trong Đức Chúa Kitô Giêsu” (Rom 3:24). Bằng những lời này, Thánh Phaolô diễn tả nội dung cơ bản của sự trở lại của ngài, chiều hướng mới của đời sống ngài là hiệu quả của cuộc gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh của ngài.

Trước khi trở lại, Thánh Phaolô không phải là một con người xa lạ gì với Thên Chúa hay Lề Luật của Ngài. Trái lại, ngài là một ngươi trung thành tuân giữ Lề Luật đến độ cuồng tín. Tuy nhiên, trong ánh sáng của cuộc gặp gỡ Đức Kitô, ngài đã hiểu rằng với sự [cuồng tín] này ngài đã chỉ tìm cách gầy dựng cho mình, cùng sự công chính riêng của mình, và với tất cả sự công chính này ngài đã chỉ sống cho chính mình.

Ngài đã ý thức rằng ngài tuyệt đối cần một hướng đi mới cho cuộc đời mình. Và chúng ta thấy hướng mới này được diễn tả bằng chính lời ngài: “Đời sống mà hiện nay tôi đang sống trong xác phàm, là sống trong Đức Tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu tôi và đã hiến chính Mình Người cho tôi” (Gal 2: 20).

Cho nên, Thánh Phaolô không còn sống cho chính mình, hay cho sự công chính của mình nữa. Ngài sống cho Đức Kitô và với Đức Kitô: bằng cách hiến chính mình, ngài không còn tìm kiếm hay gầy dựng cho chính mình nữa. Đó là sự công chính mới, hướng đi mới mà Chúa đã ban cho chúng ta qua Đức Tin.

Trước Thánh Giá của Đức Kitô, là cách diễn tả cực đoan nhất của sự hiến mình của Người, thì không ai có thể tự hào về mình, về sự công chính do mình tạo ra, cho chính mình! Nơi khác đi, khi nhắc lại lời ngôn sứ Giêremia, Thánh Phaolô giải thích tư tưởng ấy của ngài: “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1 Cor 1: 31; Ger 9:22…); hoặc: “Không đời nào tôi hãnh diện, ngoại trừ về thập giá Ðức Chúa Giêsu Kitô của chúng ta! Nhờ thập giá đó mà thế gian đã bị đóng đinh đối với tôi, và tôi đối với thế gian.” (Gal 6:14).

Khi suy niệm về ý nghĩa của sự công chính hóa là gì, không bằng những việc làm nhưng bằng Đức Tin, chúng ta đi tới yếu tố thứ hai định nghĩa căn tính Kitô hữu được Thánh Phaolô diễn tả trong chính đời sống của ngài.

Căn tính Kitô hữu này bao gồm cách chính xác hai yếu tố: việc tránh tự mình tìm kiếm chính mình, nhưng thay vào đó nhận lấy chính mình từ Đức Kitô và hiến dâng chính mình cùng với Đức Kitô, và như thế chúng ta đích thân tham gia vào sự sống của chính Đức Kitô đến nỗi hầu như được đồng hóa với Người, và chia sẻ cả sự chết cũng như sự sống của Người. Đây là điều Thánh Phaolô viết trong Thư gởi tín hữu Roma: “Tất cả chúng ta… đã được chịu Phép Rửa trong cái chết của Người… chúng ta đã cùng được mai táng với Người… chúng ta đã được kết hợp với Người… Vậy anh em cũng phải coi mình như đã chết với tội lỗi, và lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Chúa Kitô Giêsu” (Rom 6:3,4,5,11).

Chính những lời cuối cùng này có tính chất triệu chứng: thực ra, đối với Thánh Phaolô, nói rằng các Kitô hữu được chịu Phép Rửa hoặc là tin hữu thì chưa đủ; mà điều quan trọng là phải nói rằng họ đang sống “trong Đức Chúa Giêsu Kitô” (x. Rom 8: 1, 2, 39; 12: 5; 16: 3, 7, 10; 1 Cor 1: 2, 3 vv… ).

Trong lúc khác đảo lộn từ ngữ lại và viết rằng “Đức Kitô ở trong chúng ta/anh chị em” (Rom 8:10; 2 Cor 13:5) hay “trong tôi”(Gal 2:20).

Sự đồng hoá cách hỗ tương giữa Đức Kitô và Kitô hữu, một đặc điểm của giáo huấn của Thánh Phaolô, làm cho bài giảng của ngài về Đức Tin được hoàn hảo.

Trên thực tế, mặc dầu Đức Tin kết hợp chúng ta mật thiết với Đức Kitô, Đức Tin cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa chúng ta và Người; nhưng theo Thánh Phaolô, đời sống Kitô hữu cũng có một yêu tố chúng ta cỏ thể gọi là “mầu nhiệm,” vì nó đòi hỏi một sự gắn bó chặt chẽ của chúng ta với Đức Kitô và của Đức Kitô với chúng ta. Theo nghĩa này, Thánh Tông Đồ đi xa hơn nữa đến nỗi diễn tả những đau khổ của chúng ta như là “những đau khổ của Đức Kitô” trong chúng ta (2 Cor 1:5), để chúng ta có thể “luôn [mang] trong thân xác sự chết của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng có thể được bày tỏ trong thân xác của chúng ta” (2 Cor 4:10).

Chúng ta phải thích ứng tất cả những điều này vào đời sống thường nhật của mình theo gương Thánh Phaolô, là người luôn sống với trình độ linh đạo cao này. Ngoài ra, Đức Tin phải luôn bày tỏ đức khiêm nhường trước Nhan Thiên Chúa, thật sự là thờ phượng và ngợi khen Ngài.

Quả thật, chính nhờ Thiên Chúa và chỉ nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta được làm Kitô hữu. Vì không có gì và không có ai có thể thay thế được Ngài, cho nên điều cần thiết là chúng ta không được tôn thờ bất cứ điều gì hay bất cứ ai ngoài Ngài. Không được để cho ngẫu tượng nào làm ô uế vũ trụ tinh thần của chúng ta, nếu không, thì thay vì vui hưởng sự tự do đã dành được, chúng ta sẽ lại rơi vào một hình thức nô lệ nhục nhã.

Hơn nữa, sự tùy thuộc triệt để của chúng ta vào Đức Kitô và sự kiện “chúng ta ở trong Người” phải làm thấm nhuần trong chúng ta một thái độ hoàn toàn tín thác và niềm vui vĩ đại. Tóm lại, thực ra chúng ta phải kêu lên với Thánh Phaolô: “Nếu Thiên Chúa về phe chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta được?” (Rom 8:31). Câu trả lời là không có gì và không ai “sẽ có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rom 8:39). Do đó, đời sống Kitô hữu chúng ta được dựa trên tảng đá vững chắc và an toàn nhất mà sức người có thể tưởng tượng được. Và từ đó chúng ta rút ra tất cả nghị lực của mình, hoàn toàn đúng như Thánh Tông Đô đã viết: “Tôi có thể làm được tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Phil 4:13).

Do đó, chúng ta hãy trực diện đời sống của chúng ta với những nỗi vui buồn của nó nhờ được nâng đỡ bởi những cảm tình nồng nhiệt này mà Thánh Phaolô đã ban tặng cho chúng ta. Qua việc có kinh nghiệm về những điều này, chúng ta sẽ nhận ra điều mà chính Thánh Tông Đồ đã viết là sự thật như thế nào: “Cha biết cha đã tin vào ai, và xác tín rằng, Người có thể bảo toàn vật ký thác của cha cho đến Ngày đó” (2 Tim 1:12), ngày chúng ta chắc chắn được gặp Đức Kitô, Vị Thẩm Phán, Đấng Cứu Độ thế gian và chúng ta.

Phaolô Phạm Xuân Khôi