Viết Về Người Mẹ La Mã, Bến Tre

Theo tin tức và hình ảnh đã được đăng tải trên Vietcatholic News trong những ngày qua, thì tại Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Sài Gòn đã khai mạc Tuần Chín Ngày Kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, một tấm ảnh được rước từ họ đạo có tên gọi là La Mã, ở Bến Tre. Theo tôi được biết là đã có rất đông giáo dân tại Sài Gòn và nhiều nơi khác đã đến để tôn kính ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp Bồng Chúa Hài Đồng trong suốt tuần Cửu Nhật…

Xin phép tác giả bài viết là Maria Vũ Loan cho tôi được trích lại môt vài đoạn ngắn trong bài viết về ‘Bức Ảnh Lạ’ nầy để bắt đầu một bài viết đóng góp cho những ai muốn suy tư thêm về Bức Ảnh Lạ nầy mà tôi đã là một trong những người đầu tiên đã được hưởng “Ơn” từ Ảnh Lạ nầy.

Hai tháng sau, ngày mùng 7 tháng 10 năm 1950, chiến sự lại diễn ra ngay trong khu vực Bầu Dơi, lửa đạn bắn ra tơi bời khiến dân làng phải chạy trốn. Ông Trùm Hạt cùng người con út không kịp chạy phải núp dưới tủ thờ cho qua cơn sóng gió. Lúc im tiếng súng, căn nhà ông đã bị tan nát vì súng đạn, chỉ trừ nơi tủ thờ ông núp là còn nguyên vẹn, nhìn lên ảnh Đức Mẹ để tạ ơn thì ôi lạ lùng xiết bao! Bức ảnh mờ phai mục nát trước kia, sao đã sáng rõ mọi nét, tốt tươi mọi màu sắc từ lúc nào? Ông Trùm cảm động vô cùng. Với tâm hồn đơn sơ và thành tín của một ông già đạo đức nơi thôn dã, ông tin ngay là một phép lạ của Đức Mẹ: Đức Mẹ chẳng những đã cứu thoát hai cha con ông trong lúc nguy khốn cực điểm, lại còn hiển linh trên bức ảnh phai mờ mà xưa nay ông vẫn tôn kính và hết niềm cậy tin”

Trích bản tin từ Vietcatholic, ngày 16.6.2008 của tác giả Maria Vũ Loan.

http://www.vietcatholic.net/News/Html/55833.htm

Tôi được sinh ra trong thời chinh chiến của thập niên 50 tại họ đạo Thủ Ngữ, thuộc Giáo Phận Mỹ Tho ngày nay; lúc đó chiến sự đang xảy ra tại họ đạo Bầu Dơi, thuộc Giáo Phận Vĩnh Long ngày nay như bài đã được viết...

Tôi không nhớ rõ cho lắm là sau năm 1950 khoảng từ 2 đến 3 năm, trong toàn vùng hay làng của chúng tôi bị một chứng bệnh truyền nhiễm là ‘Đậu Mùa’ còn được gọi là 'Bệnh Trái Trời' đã cướp đi rất nhiều mạng sống của nhiều người, nhất là đối với trẻ em vì kháng thể yếu. Vi trùng của chứng bệnh nầy lây rất nhanh. Nếu gia đình nào có ai bi bệnh nầy mà qua đời là phải tìm cách chôn thật nhanh nếu không di trùng sẽ lan nhanh đến người khác. Bệnh Đậu Mùa nầy đã cướp đi 5 người anh hoặc em trai của tôi.

Số phận của tôi cũng không tránh khỏi ‘Virus’ của bênh Đậu Mùa nầy đã lây từ những người trong gia đình… Cha mẹ tôi cũng nghĩ là số phận của tôi cũng sẽ giống như là các anh em trong gia đình, cho nên đã chuẩn bị cho tôi một cái ‘Hòm Nhỏ’ mà ngưởi miền Nam chúng tôi thường gọi đó là cái ‘Quách’ để chôn những em bé… Cha tôi và các cậu trong gia đình bèn cưa một tấm ván nhỏ trong nhà và đóng một cái ‘Quách’ sẵn sàng để đưa tiễn tôi lên đường bất cứ lúc nào mà Chúa Gọi qua Virus Cực Mạnh của thời đó với phương tiện y khoa chưa được tiến bộ và thuốc men đâu có như ngày nay.

Trong lúc đó, một người mợ dâu ở họ đạo Kinh Điều-Quới Sơn ‘mách bảo’ cho cha mẹ tôi là… “Bên họ đạo La Mã Bến Tre có Ảnh Đức Mẹ linh lắm anh chị thử đưa thằng….. sang đó khẩn cầu Đức Mẹ coi thế nào…” Các cậu và cha tôi thì ‘Bàn Ra’: “Thôi đừng có đưa nó đi đâu cả, chắc nó cũng theo số phận của mấy đứa kia…”

Riêng mẹ thì nghĩ rằng… ‘Còn nước còn tát…’ Bà đề nghị với ông chồng là nên đưa tôi sang Nhà Thờ La Mã để dâng cho Đức Mẹ bên đó và ông đã chìu ý của bà. Với chiếc xuồng ‘Ba Lá’ ông bà đã ‘Bơi Xuồng’ đưa tôi từ nhà thờ Thủ Ngữ xuôi theo con ‘Nước Ròng của ‘Vàm Kỳ Hôn’ qua ‘Cửu Long Giang - Bến Tre’ và không biết bao lâu 2 ông bà đã “Bơi Xuồng” đến được Nhà Thờ Đức Mẹ La Mã…??? Lúc đó cả thân hình của tôi được quấn chặt như đòn bánh tét bằng vải mùng hay băng vải của thời bấy giờ. Ngay cả 2 cánh tay cũng được bó chặt luôn xuôi theo thân mình. Lý do là chứng bệnh nầy gây ngứa ngáy rất là khó chịu trên thân mình nên người bệnh cứ phải gãy những nơi bị ngứa có thể bị nhiều sẹo trên mặt hay bất cứ nơi nào… chỉ trừ lỗ mũi thì chừa ra để cho tôi thở. Một miếng lá chuối non ‘thật mỏng’ để trên lỗ mũi. Nếu tờ lá chuối còn nhấp nhô là biết tôi còn thở nghĩa là tôi ‘chưa chết’.

Đến Nhà Thờ Đức Mẹ La Mã, Bên Tre, bà đã đặt tôi trên bàn thờ thô sơ trong ngôi nhà thờ đầu tiên, nhưng chắc chắn là sau ngày 20.6.1951 như bài viết của Maria Vũ Loan; ”Ngày 20 tháng 6 năm 1951, họ La Mã khánh thành ngôi nhà thờ mới, tuy cũng lợp lá sơ sài, nhưng khang trang rộng rãi hơn trước. Ngày 15 tháng 8 năm 1951, nhân dịp mừng lễ Đúc Mẹ Mông Triệu lần đầu tiên, kể từ khi Đức Giáo Hoàng Piô 12 ban sắc lệnh phải tin về tín điều Mẹ Lên Trời cả hồn cả xác…”

Mẹ tôi đã khấn nguyện như sau: “Lạy Đức Mẹ, đây là đứa con độc nhất còn sót lại trong 6 đứa con trai. Nếu Đức Mẹ cứu nó thì con sẽ dâng nó cho Đức Mẹ. Nó sẽ không thuộc về con nữa… mà sẽ thuộc về Đức Mẹ…”

Sau khi khấn nguyện cùng Đức Mẹ La Mã, Bến Tre xong, ông bà lại xuôi dòng ‘Cửu Long Giang’ về lại họ đạo Thủ Ngữ. Mẹ tôi đã không quên ‘Chuộc’ một Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Họ Đạo La Mã, Bến Tre đem về như là Đấng Hộ Phù - Bổn Mạng của tôi. Về đến nhà, các cậu tôi đến xem tình hình sức khoẻ của tôi như thế nào… Tôi vẫn bị cột chặt như đòn bánh tét và tờ lá chuối non vẫn nhịp nhàng theo hơi thở….. rồi thời gian dần trôi qua… chiếc ‘Quách’ đã đóng sẵn cho tôi đã được ‘bửa ra’ dùng làm củi chụm….

Thời gian thắm thoát…. Mẹ tôi luôn sợ tôi sẽ ‘Chết Yểu’ như những anh em của tôi, vì bà cũng tin rằng bà ‘Không Có Số Nuôi Con Trai’, cho nên lúc còn nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình nghèo cũng một phần, tôi được gửi đi xa để ăn nhờ ở đậu và học nữa… Bà đã không ngừng nhắc nhở tôi là ‘Con Khẩn - Con Cầu’. Bốn chữ nầy nó đã không ngừng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong quãng đời thơ ấu và cho đến một lúc nào đó tôi đã thực hiện ước muốn của người Mẹ nầy…

Bức Ảnh mà tôi cho đăng kèm trong bài viết nầy chính là Bức Ảnh mà mẹ tôi đã ‘Chuộc’ cách nay phải trên 50 năm theo như lịch sử của Bức Ảnh Nguyên Thủy như chúng ta đã được đọc trong lịch sử của Bức Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bức Ảnh mà bà ‘Chuộc’ đem về thì hình mầu đen có ghi hàng chữ tắt là Đ. M. H. C. G – Họ La Mã Bến Tre. Bức Ảnh Mẹ Maria mầu đen nầy, nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy trên đầu của Mẹ có đội mũ ‘triều thiên’. Như vậy thì Bức Ảnh mà mẹ tôi đã Chuộc chứng minh là biến cố tôi được bà kể lại là….”Tôi được quấn tròn như đòn bánh tét để nằm trên bàn thờ Đức Mẹ…” Sự kiện nầy đã diễn ra SAU biến cố đã được thuật lại như bài đã trích đăng:

“…Cha Phêrô Dự đang sắp giảng, ngài nhìn lên bức ảnh cầu nguyện thì ôi! lạ lùng thay! ngài thấy trong bức ảnh một mũ triều thiên hiện thêm ra trên đầu Đức Mẹ. Ngài nhớ rõ bức ảnh trước đây không có triều thiên. Ngài quay ra chỉ cho bổn đạo thấy sự thay đổi lạ lùng ấy. Hàng ngàn người có mặt ở nhà thờ đều cảm động. Ngày 12 tháng 1 năm 1952 Đức Cha Ngô Đình Thục đến viếng họ La Mã. Sau khi ở nhà thờ về, ngài hỏi cha Dự:

- Ủa! Sao trên đầu Đức Mẹ lại có cái triều thiên từ bao giờ? Lần trước tôi có thấy đâu?

Bấy giờ cha Dự mới kể cho ngài nghe câu chuyện xẩy ra hôm 15 tháng 8 năm 1951. Hiên nay nhiều người còn giữ được hình chụp bức ảnh trước ngày 15 tháng 8 năm 1951, nghĩa là khi chưa có mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ. Đó là tang chứng rất rõ ràng
.


Vậy Bức Ảnh mà Quý Vị đã nhìn thấy trong hình mà mẹ tôi đã Chuộc chắc chắn là phải sau biến cố ngày 15.8.1951.

Tôi muốn kết thúc bài viết nầy với một câu chuyện đã xảy ra trong gia đình mà theo tôi nghĩ chính Người Mẹ La Mã, Bến Tre nầy đã cứu cha mẹ và gia đình chúng tôi trong một đêm khói lửa của thời chiến tranh.

Vào khoảng năm 1966-1968 lúc đó tôi đang học Tiểu Chủng Viện Gioan 23 Mỹ Tho. Tháng hè các chủng sinh về nghỉ hè ở gia đình. Tôi và các bạn chủng sinh cùng họ đạo Thủ Ngữ về quê của mình…

Bức Ảnh M.H.C.G Họ La Mã, Bến Tre được gia đình chúng tôi trân quý trên 50 năm nay. Bức Ảnh nầy được treo trên cây cột ở gian nhà giữa gần Bàn Thờ Chính tượng Thánh Gia…

Một đêm nọ… Quân Đội Quốc Gia và Mặt Trận GP.MN giao tranh dữ dội ở phía bên kia con rạch và bên nầy con rạch trước cửa nhà chúng tôi… Súng bắn xối xả. Lúc đó tôi còn bé bỏng ‘ngây thơ’ nghe súng nổ giòn như bắp, tôi lấy cái gối bịt tai ngủ tiếp. Lúc đó tôi đang nằm chung giường với cha của tôi. Mẹ tôi ngủ với đứa cháu ngoại khoảng 2, 3 tuổi gì đó… Bà nói cha của tôi kéo tôi xuống đất để tránh đạn. Tôi bị cha tôi kéo tuột xuống đất trong lúc đạn bay ào ào trên mái nhà và trong nhà…

Mẹ Hằng Cứu Giúp, La Mã, Bến Tre
Tôi ôm cây cột có Ảnh Đ.M.H.C.G để ‘Né’ đạn, bên cạnh đó có cha tôi và phia buồng trong mẹ tôi và đứa cháu ngoại. Chúng tôi nghe tiếng rên của cha tôi và tiếng ầm lớn của cái ‘mái đầm’ chứa 100 lít nước mưa bị đạn xuyên bể nước chảy vào nhà xối xả… Lúc êm tiếng súng giữa 2 bên giao chiến… Chúng tôi khám phá ra… 2 viên đạn đã ghim vào cây cột vuông nhỏ có treo Ảnh Đ.M.H.C.G nầy: 1 viên ở phiá trên đầu cây cột gần nóc nhà trên Ảnh Mẹ, còn 1 viên gần sát chỗ tôi nằm dưới Ảnh Mẹ - vết tích cây cột nầy vẫn còn tồn tại trong căn nhà ‘Truyền Thống’ của gia đình chúng tôi - Một con ‘Chuột Nhắt’ bị đạn xuyên qua bể đầu văng óc chết nằm giữa chỗ cha tôi và tôi đang nằm. Chúng tôi nghĩ là con chuột 'Nhỏ Bé' nầy đã 'Lãnh Đạn' thay cho những người trong nhà 'Đêm Lịch Sử' ấy. Riêng Cha của tôi thì bị một vài miếng miễng đạn nhỏ xuyên qua ống quyển, ông được xuồng chở ra bệnh viện xã để chích thuốc và lấy miễng đạn ra. Ở trong ‘Mái Đầm’ chứa nước mưa, 2 viên đạn đã tìm thấy trong đó. Mẹ tôi và đứa cháu nằm không xa cái mái đầm nầy được bình an vô sự, nhưng cả 2 ướt như chuột.

Chuyện thật sự đã xảy ra cho gia đình của chúng tôi đã trải qua hơn 4 thập niên rồi, hôm nay nhân dịp Tuần Cửu Nhật Kính Ảnh Đ.M.H.C.G La Mã, Bến Tre, tôi xin được viết lại ‘Ơn Lạ’ mà chính gia đình chúng tôi đã nhận lãnh qua sự Che Chở của Mẹ Maria và cách riêng cá nhân tôi đã cảm nghiệm được ơn Mẹ đã ‘Cứu Tử’ bệnh nan y mà thời đó các thầy thuốc Đông-Y đã bó tay “Thập Tử Nhất Sinh”. Họ cũng đã khuyên cha mẹ tôi là đem tôi về nhà đi…chỉ có ‘Trời Cứu Thôi’.

Cách nay gần 13 năm, mẹ tôi với tuổi gần 80 đã lên đường sang Úc đoàn tụ với gia đình của các chị và các cháu. Ước ao của tôi là được lo cho bà trong giây phút cuối đời qua thiên chức linh mục của đứa con mà bà đã dâng cho Mẹ La Mã, Bến Tre. Trên chiếc xe lăn được đẩy ra từ trong phi trường, hành lý xách tay của bà không thấy có gì đáng kể, nhưng có một điều mà tôi cảm thấy xúc động nhất là Bức Ảnh Bổn Mạng của tôi - Đ.M.H.C.G - Họ La Mã, Bến Tre đang được bà cuộn tròn cầm trong đôi tay xương xẩu của bà thật chặt như không muốn bị thất lạc. Trước khi rời Việt Nam, bà có hỏi là cần bà đem món đồ gì sang cho tôi. Tôi chỉ xin mẹ là lấy Bức Ảnh nầy… Bức Ảnh đã được đóng khung lại sau khi đã đến Perth và từ đó, mỗi lần tôi được thuyên chuyển đến bất cứ giáo xứ hay nhà xứ nào thì Ảnh Người Mẹ nầy luôn đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường của cuộc đời Linh mục dù có thăng trầm, Đ.M.H.C.G - Họ Đạo La Mã, Bến Tre - vẫn hiện diện bên tôi mãi mãi.

Vào Mùa Xuân Dân Tộc 2008, với sự hướng dẫn và giúp đỡ của 2 học trò cũ, đang sinh sống trong tỉnh Bến Tre…. tôi đã đi ‘Honda ôm’ đến được Ngôi Nhà Thờ La Mã, Bên Tre theo ước nguyện mà trước đây hơn 50 năm song thân đã ẵm tôi đặt trên bàn thờ của Mẹ. Hôm ấy, tôi đứng lặng yên nhìn Ảnh Mẹ Hiền - Bổn Mạng - Vị Cứu Tinh - của tôi hơn 50 của cuộc đời đã qua và cho đến hôm nay là của Mẹ ban, vì Mẹ đã tiếp tục ban hơi thở. Xung quanh ngôi nhà thờ còn đang được sửa chữa trùng tu nên còn ngỗn ngang gạch đá, ximăng và công nhân đang thi công. Trong chính cái ồn ào đó tôi đã cảm tạ Mẹ và xin ‘nhỏng nhẽo’ với Mẹ thật nhiều, vì biết rằng những điều tôi khẩn xin Mẹ, đều nằm trong bàn tay của Từ Mẫu Hằng Cứu Giúp, Bến Tre.

Hôm nay, ngồi viết lại chứng tích của cá nhân và gia đình để phần nào đóng góp cho những ai biết về Ảnh Mẹ và Họ Đạo La Mã, Bến Tre. Cùng đồng hành với những Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế đang coi sóc họ đạo lịch sử nầy, các Ngài đang tiếp tay những Linh Mục Tiền Nhiệm trùng tu lại Họ Đạo La Mã nầy. Chúng ta hãy cùng giáo dân của Họ Đạo nầy trùng tu lại Địa Danh nầy - Kẻ Của Người Công - nên xứng đáng hơn để cho những ai chưa biết được về Lịch Sử của Địa Danh và ‘Ảnh Lạ’ nầy được đến đây Hành Hương và Cầu Nguyện với Mẹ La Mã, Bến Tre. Đặc biệt là đối với những ai đã nhận được ‘Ơn Lạ’ từ Mẹ Hằng Cứu Giúp, La Mã Bến Tre.

Kỷ Niệm Tuần Cửu Nhật

Kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Họ La Mã, Bến Tre.

18.6.2008

Giáo Xứ Thánh Gia, Maddington

Perth, Úc Châu

Ghi Chú:

Trong bài viết, có một vài danh từ được dùng theo cách nói hay viết của người miền Nam sống ở vùng ‘Đồng Bằng Sông Củu Long’ với cái mộc mạc của ngôn từ. Xin quý độc giả cảm thông.