Nước Trời giống như…

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật cách đây ba tuần lễ, chúng ta nghe Đức Giê-su tạ ơn Thiên Chúa Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Và người thực hiện công việc này chính là Đức Giê-su. Rồi trong các bài Tin Mừng hai Chúa nhật tiếp theo, để nói cho dân chúng về mầu nhiệm Nước Trời, Đức Giê-su đã dùng những hình ảnh quen thuộc đối với thính giả của Ngài như hình ảnh người nông phu đi gieo hạt giống, hình ảnh cỏ lùng mọc chung với lúa tốt trong ruộng. Trong đoạn Tin Mừng ngắn hôm nay, ta vừa thấy Đức Giê-su sử dụng hai hình ảnh: người gặp được kho báu, và người đi tìm ngọc đẹp. Họ giống nhau ở một điểm, đó là sau khi khám phá ra kho báu hay ngọc đẹp, thì cả hai đều đi bán tất cả những gì mình có để tậu cho được kho báu hay viên ngọc. Riêng người thương gia muốn sở hữu viên ngọc quý, thì trước đó đã phải ra công gắng sức đi tìm. Như vậy, điều Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta, đó là muốn vào Nước Trời, muốn được hưởng hạnh phúc Nước Trời, phải chấp nhận trả giá, phải dày công kiếm tìm, phải đành lòng bán hết. Các dụ ngôn chỉ là những ví dụ cụ thể để minh hoạ nguyên tắc đã được Đức Giê-su khẳng định trong bài giảng trên núi. Người nói: "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ cho thêm” (Mt 6,33).

Tìm kiếm là khuynh hướng tự nhiên của con người

Hôm nay tôi xin mời anh chị em chúng ta cùng nhau dừng lại ở cụm từ đi tìm ngọc đẹp của bài dụ ngôn. Ngọc đẹp hay kho báu tượng trưng cho một cái gì cao quý mà tự nhiên con người hướng tới kiếm tìm. Tìm một căn hộ vừa túi tiền, tìm một chỗ học cho con, tìm một công việc hợp với khả năng, có thu nhập khá… Chỉ cách đây mấy hôm báo chí kể chuyện các thầy cô chen nhau đến có người ngất xỉu chỉ vì muốn ở trong số người được nộp hồ sơ thi tuyển giáo viên theo chủ trương mới của Sở Giáo Dục Thành phố. Tìm cách vươn lên là chuyện bình thường, thế nhưng có biết bao người mày mò suốt cả cuộc đời để cuối cùng vỡ mộng. Tôi xin ghi lại đây một ví dụ có tính thời sự, đó là kinh nghiệm đi tìm của Nguyễn Khải.

Đi tìm rồi vỡ mộng

Nguyễn Khải là một nhà văn nổi tiếng chết cách đây không lâu. Ông tin vào chủ nghĩa cộng sản và qua nhiều tác phẩm của ông, ta dễ dàng nhận ra lập trường chống tôn giáo khá rõ. Ông là một trong những nhà văn được chế độ ưu ái, bằng cớ là cách đây 8 năm, ở vào tuổi 70, thì ông đã được giải thưởng văn học cao nhất: giải thưởng Hồ Chí Minh. Là một con người, ông đi tìm cái chân thiện mỹ; là một nhà văn, ông ghi lại cho quần chúng kinh nghiệm tìm kiếm của mình. Thế thì trong thời gian gần đây, ta có thể đọc trên mạng điện toán toàn cầu tập tuỳ bút mang tựa đề “Đi tìm cái tôi đã mất.” Tôi xin đọc mấy đoạn trích: “... dành cả một thời thanh xuân để tin vào những lời tiên tri ấy (của đảng CS), về già nhìn lại cái tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham, chẳng có một chút giá trị gì !”

“... cách tổ chức xã hội của giai cấp tư sản dẫu có xấu xa đến tận đâu cũng vẫn tạo được môi trường tự do và dân chủ hơn, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển tài năng của mọi cá nhân và của cả cộng đồng.”

“... tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất, cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ đến mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết; tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân.”

“… sau Điện biên Phủ, một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản một đời chắt chiu của họ đã bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn, vì từ nay họ chỉ được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, của một đường lối nếu họ không muốn dẫm vào vết chân của nhóm Nhân văn Giai phẩm”.


“... một dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, đi đứng lom rom như một kẻ bại trận. Quả dân tộc Việt nam đã thắng lớn trong chiến tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến vậy !”

“... các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của đảng, của chính phủ, của quốc hội, tất cả đều dùng các từ rất mơ hồ, ít cá tính và ít trách nhiệm nhất. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy... Nói dối lem lẻm, nói dối lỳ lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết; nói để mà nói... ”

Những lời tự bạch của Nguyễn Khải trên đây có thể được xem như một lời tâm sự, hay một lời thú nhận: con đường ông đã đi, chủ nghĩa ông đã theo, chỉ dần đến ngõ cụt. Những tưởng đã tìm được viên ngọc quý, ai ngờ đó chỉ là hàng mã. Một cuộc tìm kiếm kết thúc bằng thất bại. Nhưng Nguyễn Khải đã có công không nhỏ khi ghi lại kinh nghiệm của mình, cảm nghiệm của mình bằng giấy trắng mực đen.

Tìm cái đã mất hay cái chưa được

Bây giờ tôi xin đưa ra một ví dụ nữa về những người đi tìm, vẫn là qua một câu chuyện thời sự. Đây là câu chuyện liên quan đến các bạn trẻ Việt nam tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008: Ít nhiều trong anh chị em đã có thể theo dõi một biến cố lớn trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo vừa diễn ra vào trung tuần tháng 7 này tại Úc Châu còn gọi là Châu Đại Dương. Trong tổng số trên 300.000 người tham dự thì non 1/10 là người Việt, và trong số trên dưới 3.000 người Việt thì quãng 600 đến từ Việt Nam, số còn lại đến từ Mỹ Châu và Âu Châu, và dĩ nhiên đông nhất là người Việt định cư tại Úc. Khi theo dõi tin tức qua Thông tấn xã Công Giáo Việt Nam trên mạng lưới điện toán, trong đêm giao lưu văn nghệ giữa các bạn trẻ Việt Nam, điều đập vào mắt tôi là một rừng cờ vàng ba sọc đỏ. Họ đã dựng lại cảnh vượt biên, cảnh gia đình làm việc quần quật để giới trẻ được ăn học. Và khi họ tung lá cờ vàng, ta hiểu ra rằng các bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài đã được cha mẹ nói cho nghe về quê hương, về đất nước, nơi đó, giữa muôn vàn khó khăn của thời chiến, đã có tự do và dân chủ, công bình và nhân ái. Và hôm nay khi tung lá cờ vàng, hẳn là các bạn trẻ Việt Nam muốn tìm lại một quê hương đã mất, và cũng muốn tìm đến một tương lai cho dân tộc, hướng đến một xã hội tự do và dân chủ, công bằng và nhân ái. Tóm lại lá cờ vàng ba sọc đỏ mà các bạn trẻ Việt Nam đã hãnh diện tung lên trong lòng Đại Hội là một biểu tượng của những con người Việt Nam đang tìm kiếm một tương lai cho quê hương mình, cho dân tộc mình.

Trả giá để tìm cho được ngọc quý

Ví dụ cuối cùng tôi nêu lên hôm nay là sự kiện ngày 22-07 vừa qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watchs thông báo là giải thưởng nhân quyền Hellmann / Hammett 2008 đã được trao cho 8 nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam trong đó có những tên đã trở thành quen thuộc như cha Nguyễn Văn Lý, nhà khoa học Nguyễn Xuân Tụ tức Hà Sỹ Phu, bác sĩ trẻ Phạm Hồng Sơn. Đặc biệt trong số này là người trẻ nhất, luật sư Lê Thị Công Nhân, một tín hữu Tin Lành mới ngoài 30 tuổi. Thay vì chấp nhận được trả tự do với điều kiện phải sang Mỹ tỵ nạn, thì cô đã quyết định ở lại Việt Nam, tiếp tục ngồi tù để tranh đấu cho tự do, dân chủ.

Kết luận

Tôi vừa đưa ra mấy ví dụ của những người đi tìm ngọc quý. Có người đã thất bại và ghi lại kinh nghiệm cho hậu thế. Có người tiếp tục đi tìm, và can đảm trả giá. Đến lượt chúng ta, liệu chúng ta có quá dễ dàng an phận với những gì đang có hay chăng ? Liệu chúng ta có hướng về một xã hội thực sự tự do, dân chủ, công bình và nhân ái không ? Liệu chúng ta đã làm gì để thể hiện khát vọng tìm ngọc quý ? Nếu xây dựng xã hội trần thế hôm nay là điều kiện để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu mai sau thì chắc chắn mỗi người trong chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều. Xin Thiên Chúa nâng đỡ sức yếu hèn của chúng ta.

Nhà thờ Phan-xi-cô Đa-kao,

Chúa nhật 27-07-2008