Roma (Chiesa) – Mấy ngày trước đây, một cuốn sách mới xuất bản tại Hoa kỳ chắc sẽ được thảo luận rộng rãi, nhất là trong thời gian gần đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Tác giả cuốn sách này là Charles J. Chaput, tổng giám mục giáo phận Denver.

Đức giám mục Chaput, 64 tuổi, xuất thân từ một gia đình nông dân ở Kansas, là thành viên của bộ tộc người Mỹ da đỏ thuộc Prairie Band Potawatomi. Ngài là tu sĩ dòng thánh Phanxicô. Trước khi đến Denver, ngài cai quản giáo phận Rapid City ở South Dakota. Ngài nằm trong số ứng tuyển viên của hai tổng giáo phận hàng đầu hiện đang chờ đợi tổng giám mục mới: đó là New York và Chicago.

Nguyên nhan đề của cuốn sách cũng đã gợi lên nội dung của nó: "Render Unto Caesar. Serving the Nation by Living Our Catholic Beliefs in Political Life." (Trả lại cho Xê-gia, Phục vụ Tổ quốc bằng cách sống đức tin Công giáo trong sinh hoạt chính trị). Đúng vậy, phải trả cho Xê-gia những gì của ông ấy. Nhưng người ta phải phục vụ đất nước bằng cách sống niềm tin Công giáo trong các sinh hoạt chính trị Chaput quyết tâm chống lại trào lưu văn hóa đang thắng thế hiện nay trong giới truyền thông, trong các đại học đường, trong các hoạt động chính trị, một trào lưu muốn đẩy đức tin ra khỏi sân khấu công cộng.

.
ĐGM Charles J. Chaput
Nhưng đồng thời ngài cũng đề xuất một thách thức cho cả cộng đồng Công giáo Mỹ. Tại Hoa kỳ có 69 triệu người Công giáo, tức là một phần tư dân số. Hơn 150 nghị viên tuyên bố mình là người Công giáo. Tại Thượng viện, cứ 4 vị dân cử thì có 1 người theo Công giáo. Ở Tối cao Pháp viện, người Công giáo chiếm đa số. Nhưng, tác giả cuốn sách nêu lên câu hỏi: họ có làm gì cho khác biệt?

Trong số các giám mục Hoa kỳ, Chaput là một trong những vị giữ lập trường kiên quyết và rõ rệt nhất về vấn đề phá thai, về án tử hình, về vấn đề di dân. Về chuyện gây nhiều tranh cãi là có nên để cho các chính trị gia Công giáo “phò lựa chọn (pro-choice)” được rước Mình thánh Chúa hay không, ngài duy trì quan điểm rằng những ai không tuân giữ giáo huấn của giáo hội thì không còn hiệp thông trong đức tin với giáo hội nữa. Họ tự mình tách ra khỏi cộng đồng tín hữu. Và vì lý do đó, nếu họ lên rước lễ, họ phạm vào tội bất trung.

Tại Hoa kỳ, điều gây tranh cãi này vẫn còn đang ở cao độ. Sự việc gần đây nhất xảy ra vào cuối tháng tư vừa qua, trong thánh lễ do Đức thánh cha cử hành khi ngài thăm viếng Wasghinton và New York, các chính trị gia Công giáo “phò chọn lựa” Nancy Pelosi, John Kerry, Ted Kennedy, và Rudolph Giuliani đã lên rước Mình thánh Chúa.

Nhưng cuốn sách của Chaput còn đi xa hơn thế. Nó thúc giục người Công giáo sống trọn vẹn đức tin của mình, không thỏa hiệp. Ngài viết: Nếu người Công giáo Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng về đức tin, về sứ vụ và về lãnh đạo, nhiệm vụ lướt thắng cuộc khủng hoảng đó thuộc về mọi người, cả giáo dân cũng như các giám mục.

Và nhiệm vụ này có ảnh hưởng tác động đến toàn thế giới. Người Công giáo Mỹ không thể khoan nhượng nếu Hoa kỳ đem gieo rắc bạo lực, lòng tham và sự khinh thị sinh mạng con người. Họ phải tích cực hoạt động để đem quốc gia mình trở lại làm ngọn hải đăng soi sáng văn minh, hài hòa tôn giáo, tự do, và tôn trọng con người.

Tác phẩm này của Chaput cũng đã khơi động mối quan tâm mạnh mẽ tại Rome. Trong cùng ngày, khi cuốn sách được bày bán tại các tiệm, tức là ngày 12 tháng 8, báo “Người quan sát Roma (L'Osservatore Romano)” đã có một bài điểm sách tỉ mỉ do Robert Imbelli viết. Ông là linh mục thuộc tổng giáo phận New York và là giáo sư thần học tại trường đại học Boston.

Nguồn: Sandro Magister/Chiesa