Phiếm luận: Nét dẹp di dân
— Hết Olympics rồi, tự nhiên thấy đời nó nhàn nhạt làm sao ấy?— Chuyện, cũng tốn bạc tỷ người ta mới tổ chức được Thế Vận Hội vĩ đại tới cỡ như vậy. Nhưng hết Olympics rồi thì tuần này ở Úc mình lại có khác.
— Cái khác là cái gì?
— Ơ hay, có theo dõi tin tức báo chí hay không mà cứ ngớ ngẩn như là cả đẫn như thế kia. Tuần này là tuần của Di Dân và Tỵ Nạn ở Úc mình đấy.
— Thế à… Nào có biết chi đâu.
— Đến là khổ, bác thì tỵ nạn qua Úc cả chục năm nay rồi. Giờ nhà thờ người ta tổ chức tuần lễ của Di Dân và Tỵ Nạn tại Úc thì cư đờ đẫn như gái mới về nhà chồng.
— Ông là cái tật cứ hay nói quá nhời…
— Chứ không phải…
— Mà nè, Olympics thì người ta cứ bốn năm tổ chức một lần đề cao tinh thần thể thao. Còn ở nước Úc mình, ở đâu chui ra mà lại có cái tuần lễ của Di Dân và Tỵ Nạn ở đây?
— Ơ hay, bác nói nghe đến là hay nhỉ, nếu không có di dân và tỵ nạn thì làm chi có cái nước Úc này...
...
Biết tôi hay bay qua Đài Loan tìm hiểu về hiện tượng Cô Dâu và Công Nhân Việt Nam tại Đài Loan, có một số người hay đặt câu hỏi, qua đó phản ảnh não trạng của dòng tư tưởng, “Ờ! Thì đó cũng chỉ là hiện tượng ùn ùn bỏ xứ ra đi, kéo nhau sang nước người ta làm ăn mà thôi”. Bỗng dưng tôi nhớ lại thời còn trong trại tỵ nạn Mã Lai, chính tôi cũng đã từng bị phái đoàn Mỹ dộng con mộc xù to tướng qua một lần phỏng vấn, bởi tôi mười tám tuổi hồi đó đã bị phái đoàn Mỹ xếp vào diện tỵ nạn kinh tế. Trong con mắt của người đại diện phái đoàn Hoa Kỳ, tôi hồi đó cũng chỉ là một thành phần lợi dụng cơ hội bỏ xứ ra đi tìm kiếm miếng cơm manh áo.
Hồi xưa của phong trào thuyền nhân vượt biển và bây giờ của hiện tượng cô dâu và công nhân tại Đài Loan đối với một số người cũng chỉ là những câu chuyện của di dân.
Di dân trong Kinh ThánhTừ những ngày đầu tiên trong dòng lịch sử Kinh Thánh, tổ phụ Abraham người của thành nước Ur, Chalcedon, thuộc về vùng đất Iran của ngày hôm nay đã từ bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, lên đường di dân sang Canaan (Palestine ngày nay), theo lời kêu gọi của Giavê Thiên Chúa. Dòng lịch sử Cựu Ước tiếp nối với câu chuyện 10 người con lớn của Giacóp bán người em thứ mười một tên Giuse sang bên Ai Cập. Cuối cùng, bởi thiên tai đói kém tại đất Canaan, cả nhà Giacóp lại di dân sang Ai Cập. Để rồi cuối cùng, cũng lại chính Thiên Chúa, qua bàn tay đại ngôn sứ Môisen lại dẫn di dân Do Thái quay về lại vùng đất Canaan.
Sang tới thời kỳ Tân Ước, chính Gia đình Thánh Gia cũng đã có một thời di dân lưu lạc bên đất Ai Cập. Thời đó, bởi vua Hêrôđê đe dọa, ngay trong đêm sứ thần Thiên Chúa hiện ra báo tin cho thánh Giuse. Thế là ngay trong đêm, thánh Giuse ngồi bật dậy, mang Đức Mẹ và Hài Nhi còn đỏ hoe hoe nhắm đất Ai Cập trực chỉ.
Thời của Tông đồ Công vụ, cũng bởi sát thủ một thời Phaolô, đặc biệt sau cái chết loang lổ máu đào của thầy Phó Tế Stephanô, nhiều người tín hữu đã phải di dân lên phương Bắc, tái định cư tại phố Damascus và phố Antioch của quốc gia lân bang Syria.
Di dân và Nhân Chủng HọcĐó là nói chuyện Kinh Thánh, còn chuyện khoa học, đặc biệt là chuyện nhân chủng học, thì thuyết con người bắt nguồn từ vùng Ethiopia, Đông Phi vẫn còn là một thuyết đứng vững cho tới ngày hôm nay. Bởi điều kiện khí hậu thay đổi bất ngờ, vượn đứng lên trên đôi chân. Thêm khoảng ba triệu năm năm nữa trôi qua, vượn đứng lên thành người. Ngày hôm nay, nếu độc giả có dịp ghé viện Bảo Tàng Field Museum của Chicago, Hoa Kỳ, người ta vẫn thấy bộ xương Lucy, thủy tổ dẫn tới hai họ: Homo Sapiens (người) và Homo Erectus (khỉ) vẫn còn nằm sừng sững như một chứng cớ về nguồn gốc của con người. Dựa vào Carbon 14, người ta đo được tuổi của “cô” vượn Lucy là hơn 3 triệu năm. Rồi từ nguồn gốc Homo Sapiens, người tiền sử bắt đầu bỏ đất Ethiopia di dân đi lên phiá Bắc. Nhóm đi lên phía Bắc tạo ra người Neanderthal. Neanderthal tuyệt chủng chết đi. Lại thêm một nhóm khác từ dưới Phi Châu đi lên, hóa ra tổ tiên người Châu Âu hiện thời. Một nhóm khác di dân về hướng Đông, rẽ lên hướng Bắc tạo ra sắc dân Viễn Đông. Nhóm khác nữa tiếp tục đi thẳng tới, hóa ra tổ tiên của người gốc Mã Lai. Từ gốc Mã Lai lại sinh ra thêm thổ dân người quần đảo Thái Bình Dương. Đặc biệt nhất, một nhóm từ Mã Lai và từ quần đảo Nam Dương di dân đi sang Úc Châu, tạo ra người Thổ Dân Úc Châu của ngày hôm nay.
Thế là chỉ với những bước chân của người di dân, từ một sắc dân Phi Châu trơ trọi, giờ này trên trái đất tự nhiên nở rộ với nhiều sắc dân với những nét độc đáo.
Di dân và Lịch sử Việt Nam và Lịch Sử ÚcRời bỏ chuyện khoa học thế giới, chúng ta đi vào trong dòng lịch sử Việt Nam, độc giả cũng sẽ nhận ra người Việt Nam cũng đã từng là người di dân. Từ thời đầu tiên, khi bộ tộc Lạc Việt, một tộc Lạc trong Bách Việt đã từng định cư quanh vùng Dương Tử Giang của Trung Hoa, quyết định tách ra, một mình đi xuống phương Nam. Thoạt tiên tộc Lạc Việt đóng đô ở Phong Châu (Huyện Bạch Lạc, tỉnh Vĩnh Yên) vào thời Hùng Vương, rồi là Mê Linh (Huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên) vào thời Hai Bà Trưng, rồi tới tháng 7 năm 1010, Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư về thủ đô Thăng Long khai lập thời kỳ tự chủ của nước Việt Nam.
Tới thời của Trần Anh Tôn, nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân của Chiêm Thành để đổi lấy hai châu, Châu Ô và Châu Lý. Bờ cõi phương Nam mở ra, bước chân di dân của người Việt Nam rộn ràng bước tới. Cuối cùng, khi Chúa Nguyễn Hoàng kéo vào miền Nam, cả một giải đất mênh mông phương Nam mở rộng đón chào bước chân di dân.
Bàn về lịch sử của mảnh đất Úc Châu, độc giả cũng lại gặp gỡ chuyện di dân. Từ những ngày đầu tiên cách đây vào hơn 30 ngàn năm, khi những người di dân đầu tiên từ Nam Dương và Papua New Guinea đổ bộ lên đất Úc, cho tới khi Captain James Cook nhìn thấy bờ biển phía Đông năm 1770, dẫn tới tới năm 1901, khi nước Úc thống nhất trở thành Commonwealth of Australia, đất nước này cũng đã được sáng lập bởi những bước chân di dân. Nào là bước chân thổ dân Úc Châu, nối tiếp là bước chân của người Ái Nhỉ Lan, rồi là người Trung Hoa với cơn sốt đào vàng Balarat, theo sau là người Hy Lạp, Do Thái, Hòa Lan, mới đây là Ấn Độ, Việt Nam, và Sudan. Cứ thế, đất nước Úc Châu non trẻ cứ tiếp tục vươn vai trưởng thành với những bước chân di dân. Bởi những bước chân di dân rộn ràng, mặc dầu là một quốc gia sinh sau đẻ muộn, nhưng ngày hôm nay, Úc Châu là một trong Bát Quốc (G8) có tiếng nói chính trị và thế lực kinh tế mà thế giới phải chú ý tới.
Chuyện di dân do đó không phải là một câu chuyện mới. Bởi có di dân mới có những thay đổi. Từ những thay đổi này, cuộc sống gạn lọc những tinh hóa, giữ lại những nét đẹp. Bởi thế, cuộc sống thế giới ngày càng thêm đẹp với những nét di dân.
...
— Giờ bác đã rõ chửa?
— Rõ cái gì?
— Thì cũng bởi di dân, trần gian mới nẩy sinh ra những cái mới cái đẹp. Đó là lý do tại sao nhà thờ của mình tổ chức tuần lễ từ 25 tới ngày 31 tháng 8 là tuần của Di Dân và Tỵ Nạn để vinh danh những bước chân di dân và tỵ nạn.
— Ừ, thì cũng tạm được. Nhìn cái mặt ngớ ngẩn như thế kia mà cũng khí là hay chuyện nhỉ…
www.nguyentrungtay.com