CHUYỆN BÉ XÉ RA TO!!!

Mấy ngày nay, qua các phương tiện truyền thông một chiều của Nhà nước, ai cũng thấy vấn đề Thái Hà từ vấn đề khiếu kiện đất đai bình thường bỗng chốc trở thành một vấn đề đại sự lôi kéo sự quan tâm của các giới, các ngành… khiến cho báo chí quốc tế cũng nhảy vào cuộc. Chuyện đang bé tí, qua sự tô vẽ của giới chức Hà Nội, bỗng nhiên trở thành chuyện lớn. Từ vấn đề dân sự - chuyện khiếu kiện đất đai bình thường, chuyển sang chuyện hình sự và qua tin tức báo đài hôm qua (29/8/2008), bỗng nhiên được nhà nước “chính trị hoá” khi coi việc khiếu kiện đất đai này có sự nhúng tay của các thế lực nước ngoài.

Đâu là nguyên nhân?

Ai cũng biết kể từ năm 1996 (cách đây 12 năm), Nhà thờ Thái Hà đã chính thức làm đơn đề nghị chính quyền trao trả lại cho họ quyền sử dụng đất đai và quyền sở hữu tài sản trên đất thuộc khu vực đang tranh chấp này. Tuy nhiên, không hiểu sao chính quyền đã im lặng mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào.

Theo giải trình của các linh mục Nhà thờ Thái Hà, cuối năm 2006, đầu năm 2007 phát hiện công ty Cổ phần may Chiến Thắng bán khu đất cho công ty Phước Điền - một công ty kinh doanh bất động sản, giáo dân giáo xứ Thái Hà tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan công quyền.Tuy nhiên, thay vì nhận được một lời giải thích đầy đủ, chính quyền đã cố tình đứng về phía công ty May Chiến Thắng để giúp công ty này hợp pháp hoá việc mua bán trái phép trên. Chính sự việc này đã làm cho ly nước vốn đã rất đầy đã tràn ly. Các giáo dân đã ngày đêm canh gác khu đất để yêu cầu chính quyền giải quyết vụ khiếu nại 12 năm một cách thoả đáng. Sau nhiều tháng kiên trì cầu nguyện, Nhà nước cũng đã bắt đầu lưu tâm tới việc giải quyết vấn đề dựa trên những bằng chứng mà bấy lâu Nhà nước dựa vào đó để không giải quyết vấn đề đất đai của giáo xứ Thái Hà. Ai cũng tưởng Nhà Nước đã bắt đầu lưu tâm giải quyết vấn đề dân sự này dựa trên những cơ sở pháp lý mà đôi bên đã đưa ra. Tuy nhiên, ngay chiều ngày 27/8, Công an quận Đống Đa đã bắt đầu khởi tố vụ án, mà theo những người hiểu biết thì đây là một “vụ án kỳ cục”, nhỏ tí với tang chứng là dỡ một đoạn tường rào dài khoảng 6 mét. Điều đáng nói là, ngay sáng sớm ngày hôm sau 28/8/2008, sau khi áp chế những người có giấy triệu tập không được (về mặt thủ tục hành chính, theo qui định của pháp luật, phải sau ba lần triệu tập mà đương sự không tới, thì mới được áp giải), Viện kiểm soát nhân dân Quận Đống Đa đã chính thức ra quyết định khởi tố bị can và bắt giữ hai giáo dân của giáo xứ Thái Hà, đồng thời áp giải tức khắc hai giáo dân mới chỉ có giấy triệu tập lần đầu khác. Chính sự kiện này khiến người giáo dân bức xúc và kéo lên cầu nguyện tại cổng trụ sở Công an quận Đống Đa. Họ muốn chính quyền phải giải thích một cách công minh việc bắt giữ người như thế đã đúng các qui định của Pháp luật chưa và yêu cầu thả những người chỉ mới có giấy triệu tập lần đầu mà chính quyền đã tới cưỡng chế, áp giải.

Sự kiện từ bé tí đã trở nên nóng bỏng hơn, khi chính quyền đưa cảnh sát cơ động tới giải tán những người giáo dân đang cầu nguyện ôn hoà tại trước trụ sở Công an quận Đống Đa. Theo nhiều nhân chứng, thì cảnh sát cơ động đã dùng dùi cui điện đánh ngã một linh mục và làm rách áo một linh mục khác. Trong khi đó, nhiều giáo dân đã bị đánh trọng thương, nhiều người bị ngất và bị dẫm đạp bằng giầy đinh một cách không thương tiếc. Sự kiện đó đã gây bàng hoàng, phẫn nộ đối với những người dân sống trong khu vực và những người dân lưu thông trên đường Thái Hà.

Những người am hiểu tình hình thì cho rằng mọi tội lỗi gây nên tình trạng bi thương này là do mấy ông ở Công an Quận Đống Đa đã không tôn trọng pháp luật khi bắt người vô tội dựa theo một “thứ luật rừng”. Sâu xa của vấn đề thì lại nằm ở chỗ các vị lãnh đạo quận đã “nhúng tay quá sâu” vào việc chia chác khu đất này. Ai cũng biết khu đất này đã bị thu hồi. Công văn số 4213/UBND-NNĐC ngày 2 tháng 7 năm 2008 của UBND thành phố Hà Nội thì cho biết lý do thu hồi là vì Công ty May Chiến Thắng đã vi phạm luật đất đai. Việc khu đất bị thu hồi thì tự nó là sự thú nhận rằng việc Nhà nước lấy khu đất này để giao cho Công ty May Chiến Thắng là bất hợp pháp. Hơn nữa, trong việc Công ty May Chiến Thắng bán khu đất cho Công ty Phước Điền thì chắc chắn các quan chức quận Đống Đa và Sở Tài nguyên Môi trường cũng được chia chác một phần không nhỏ. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, quận Đống Đa đang tìm cách hợp pháp hoá khu đất này bằng cách biến nó thành đất sử dụng vào mục đích công cộng, sau đó sẽ chuyển đổi công năng sử dụng thành đất tư nhân theo một bản đồ qui hoạch đã được dự liệu. Nếu nguồn tin này chính xác nó sẽ giải thích tại sao, chính quyền quận Đống Đa đã phải cố tình sử dụng “luật rừng” là như vậy.

Cũng theo phân tích của những người am hiểu tình hình, vấn đề đất Thái Hà trở nên nóng bỏng một phần do phía Nhà thờ quyết tâm đến cùng trong việc bảo vệ chân lý và sự thật. Phía chính quyền bắt đầu đuối lý sau khi đã chưng ra tất cả những chứng cớ có được nhưng bị Nhà thờ phản bác. Quả thật, có một sự mâu thuẫn hết sức vô lý trong các chứng từ mà UBND thành phố Hà Nội đưa ra mà ai cũng có thể thấy được. Đó là cả bốn văn bản mà Nhà nước cho rằng “linh mục Bích đã ký giấy bàn giao” thì lại được ký vào bốn thời điểm khác nhau. Các văn bản này không có con dấu của Nhà thờ. Giả sử đây thực sự là giấy bàn giao thì phải có bên giao, bên nhận. Những văn bản này hoàn toàn chỉ có chữ ký của một mình linh mục Vũ Ngọc Bích. Không có chữ ký của người đại diện nhận bàn giao. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần phải có giấy uỷ quyền của chủ sở hữu thật là Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà

Trong số các chứng cớ mà UBND thành phố Hà Nội đưa ra cho Nhà thờ Thái Hà thiếu một văn bản quan trọng, hợp pháp, hợp lý để giải quyết tận gốc vấn đề đó là Quyết định 76/QL-NĐ - quyết định giao khu đất cho Xí nghiệp Dệt Thảm len, ký ngày 30 tháng 1 năm 1961 (tức là UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định giao đất cho Xí nghiệp dệt Thảm len trước ngày mà được nhà nước cho rằng cha Bích đã ký giấy bàn giao 10 tháng) thì không hiểu sao lại không được UBND đưa ra và coi là bằng chứng. Có lẽ nhà nước hiểu rõ rằng khi đưa Quyết định 76 ra thì tất cả những văn bản cho rằng cha Vũ Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao (10 tháng sau đó) trở nên vô nghĩa.

Bên cạnh những nguyên nhân này, thì vấn đề truyền thông đã góp phần làm cho chuyện bé như con kiến trở thành vấn đề lớn như hiện nay. Nếu phải qui trách nhiệm thì trước hết Nhà nước phải qui trách nhiệm cho các cơ quan truyền thông báo chí trong nước mà đứng đằng sau là UBND quận Đống Đa và thành phố Hà Nội - cơ quan chủ quản của Báo Hà Nội Mới. Chính việc tô vẽ, dựng chuyện, vu khống trắng trợn bất chấp đạo lý, lương tâm đã xúc phạm một cách nặng nề tới giới tu sĩ và giáo dân Giáo Hội Công giáo khiến cho giới công giáo bị tổn thương nặng nề. Hình ảnh Đài Truyền Hình Hà Nội tô vẽ, dựng hiện trường giả khiến giáo dân bất bình và người giáo dân hiểu rằng chính quyền đang cố tình dùng thông tin để đàn áp người dân vô tội. Sự vu khống ấy đã tạo nên một sự lôi cuốn rất lớn trong giới giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân không chỉ ở Hà Nội mà cả các tỉnh thành trong cả nước. Ai cũng biết mấy ngày nay, các linh mục tại Hà Nội đều đã lên tiếng hiệp thông bằng cách trở về Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để dâng thánh lễ cầu Nguyện cho giáo xứ Thái Hà.

Vậy đâu là lối ra cho những sự kiện nóng bỏng này?

Chắc chắn sẽ không thể giải quyết vấn đề cách tốt nhất nếu như không đưa vụ việc trở về điểm xuất phát của nó, tức là một vụ khiếu nại đất đai bình thường. Nói cách khác, cần thiết phải đơn giản hoá mọi chuyện, không nên chuyện bé xé ra to. Phía Nhà nước nếu thật sự thấy Nhà thờ có lý thì hãy cùng nhau đối thoại dựa trên những chứng cứ pháp lý này. Không nên qui trách nhiệm cho bên nhà thờ. Đồng thời, Nhà nước cũng cần phải dừng ngay các cáo buộc vô căn cứ trên các phương tiện truyền thông báo chí để cùng nhau đưa vấn đề về với bản chất thật của nó cách đây 12 năm là một vụ khiếu kiện đất đai bình thường. Không nên chính trị hoá vấn đề, bởi vì, theo các linh mục, tu sĩ và giáo dân nhà thờ Thái Hà, chỉ cần Nhà nước giao lại khu đất này cho Nhà thờ thì mọi chuyện sẽ giải quyết ổn thoả.

Theo một số người am hiểu tình hình, sở dĩ Nhà nước không chấp nhận những kiến nghị của Nhà thờ vì họ sợ rằng vụ việc Thái Hà sẽ là khởi điểm cho một cuộc đòi lại các cơ sở tôn giáo mà nhà nước đã chiếm dụng trước đây. Đây là một sự sợ hãi thiếu căn cứ, bởi mỗi vụ việc nó có những tình tiết và những hoàn cảnh khác nhau hoặc nếu có thì Nhà nước cũng nên cứu xét giải quyết từng trường hợp một cách hợp pháp để người dân thêm tin tưởng vào đường lối xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN.

Riêng với vụ việc Thái Hà, một số người cũng đã đưa ra đề nghị rằng Nhà nước đã quyết định thu hồi khu đất từ Công ty may Chiến Thắng thì việc giao lại khu đất cho Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà cũng là hợp lý, hợp tình, hợp lẽ công bằng và hợp lòng dân. Ví dụ: “Sau khi xét thấy nguyện vọng của Nhà thờ Thái Hà là chính đáng, UBND thành phố ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất hiện Cổ phần may Chiến thắng đang sử dụng, giao qua cho nhà thờ Thái Hà sử dụng vào mục đích tôn giáo” .

Chuyện dễ vậy mà sao lại cứ cố tình xé ra to! Đừng xé to thêm nữa kẻo người dân thêm khổ.

Hà Nội ngày 30 tháng 08 năm 2008