Thánh Phan Đắc Hòa với những khoảng lặng trong đời

Mừng Lễ kính 168 năm Thánh Phan Đắc Hoà Tử Đạo (12.12.1840 – 12.12.2008)

Thánh nhân: Simon Phan Đắc Hoà
Đã từng theo ơn gọi tu trì sau trở ra làm Lương y và lập gia đình.
Năm sinh: 1774
Tử Đạo: 12.12.1840
Hưởng dương: 66 tuổi
Nơi sinh: Làng Mai Vĩnh, xã Mông Thôn, Thừa Thiên Huế
(x.Uống Nước Nhớ Nguồn trang 394)
Năm 1786 chuyển tới: Làng Lượng Kim và làng Nhu Lý sống, theo Đạo
Giáo xứ quê hương: Giáo họ Nhu Lý, Giáo phận Huế (gần Cửa Việt) (Cách Toà Giám mục Hà Nội khoảng 647km)
Địa chỉ Giáo xứ: Làng Nhu Lý, xã Triệu An,
huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (địa chỉ xã chưa được xác định chính xác, xin đón đọc Hành Hương Theo Tiếng Yêu Thương của Teresa Avila Thùy Chi)
An táng: Giáo xứ quê nhà - làng Nhu Lý
Hiển thánh: 19.6.1988 đời Đức Giáo Hoàng Jonh Paul II.

Thánh tích: Cuộc đời của Thánh Simon Hòa luôn nêu cao đức tin và có sức thuyết phục làm cho những ai từng gặp ngài sẽ trở nên tốt hơn vì ngài đã trở thành một công dân lương thiện, một người cha đức độ, một tông đồ nhiệt thành trong thời kỳ bách hại đạo gắt gao. Ngài là thánh nhân trong Tình yêu của Thiên Chúa:

- Hình ảnh của một chứng nhân Tình yêu đích thực, một Kitô hữu đích thực;
- Âm thanh của lời cầu nguyện đó là những khoảng trống thinh lặng trong cuộc đời của ngài;
- Tiếng nói trung tín của người tín hữu luôn ý thức mình là Kitô hữu sau mỗi lần bước ra khỏi khoảng lặng.

Quảng Trị (1830–1840) Tư liệu LM Joseph Đào Quang Toản (Toulous - Pháp)
Trước khi tôi viết bài về Thánh Phan Đắc Hoà với Những Khoảng Lặng Trong Đời, tôi đã có một buổi chiều ngày 11.12.2008 trong tuần kính thánh Hòa để tới thăm cháu trai Gia Bảo mới 3 tuổi bị bỏng nước sôi ở vai trái, bỏng độ 3 diện tích bỏng là 6% vừa được phẫu thuật ghép da tại Viện Bỏng Quốc Gia. Tội nghiệp cháu bé, vết thương bỏng đau rát làm cháu kêu khóc suốt. Ngay hôm nhận được tin, tôi đã dâng lời cầu nguyện và lời cầu nguyện ấy đã được thánh Phan Đắc Hoà phù giúp, tôi tin như vậy.

Điều tôi tin, đó là tôi thấy sự cương quyết của gia đình yêu cầu chuyển viện cho cháu Bảo từ Bệnh Viện Đa khoa Saint Paul Hà Nội sang Viện Bỏng QG. Tôi lắng nghe chị Hoa, mẹ của cháu Bảo, kể cho tôi biết: “Gia đình không hề nghĩ tới Viện Bỏng QG cho đến sáng hôm sau, có một bác trung niên tới thăm người nhà đang cấp cứu tại Bệnh viện St.Paul khuyên gia đình nên chuyển viện cho cháu tới Viện Bỏng QG”. Sau hậu phẫu 2-3 ngày, cháu Bảo sẽ không còn thấy đau rát nữa vì việc ghép da được chỉ định nhằm giúp cho vết bỏng được bảo vệ, tránh vi khuẩn xâm nhập, vết thương dễ hồi phục hơn. Tôi thầm cảm ơn thánh Hòa vì gia đình tôi là bên lương và chỉ có mình tôi là người Công giáo.

Nhờ sự chia sẻ và giải thích của các cha giáo sư sử học, tôi đã được tìm hiểu hạnh thánh Phan Đắc Hoà trong năm ngày (6-11.12.2008), ơn Thiên Chúa ban và thánh Hòa trợ giúp tôi, tôi đã thấy hình ảnh của một chứng nhân Tình yêu đích thực, một Kitô hữu đích thực; tôi đã thấy những khoảng trống thinh lặng cầu nguyện trong cuộc đời của thánh Hoà; tôi đã thấy một tín hữu luôn ý thức mình trung tín sau mỗi lần bước ra khỏi khoảng lặng.

TÌNH YÊU THÚC ĐẨY NHỮNG VIỆC LÀM

Thánh Phan Đắc Hoà sinh năm 1774 trong một gia đình Nho giáo ở làng Mai Vĩnh, một làng ngoại giáo trong xã Mông Thôn thuộc tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là Công thần Lại Bộ Thượng Thư Phan Đắc Thục (ngày nay chức quan Thượng Thư có thể được coi tương đương với chức Bộ trưởng), thân mẫu tên là Đóa chịu làm vợ lẽ và có hai người con một nam và một nữ với quan thượng thư. Cụ Phan Đắc Thục qua đời khi cậu Hòa 12 tuổi. Cuộc sống gia đình bắt đầu có những thay đổi, bà Đóa đưa hai chị em tới làng Nhu Lý sinh sống. Đây là làng Công giáo toàn tòng và có gia đình Công giáo ông Tảo tốt bụng đã giúp đỡ mẹ con cậu Hòa. Ít lâu sau, bà và các con đã trở lại đạo.

Ngay từ những ngày trở lại đạo, ông Tảo đã cho cậu Hòa vào nhà Đức Chúa Trời ở với cha Nhân mấy năm rồi vào học Chủng viện An Ninh. Thầy Hòa học trong Chủng Viện hơn mười năm nhưng vẫn chưa được chọn lên chức Linh mục vì hoàn cảnh gia đình, bề trên cho biết thầy là con vợ lẽ và như vậy thì có thể rất khó khăn bền đỗ ơn gọi. Thầy Hòa trở về gia đình khi đã 30 tuổi, sau những ngày tĩnh tâm cầu nguyện thầy đã quyết định đến ở nhà ông lang Phương để vừa giúp việc, vừa học nghề thuốc. Ai cũng yêu quý thầy, một thanh niên trẻ, có học, lịch sự và thương người. Một thời gian giúp việc cho ông lang Phương, thầy Hòa đã được gia đình ông lang Phương gả con gái tên là Yêm, thiếu nữ 18 tuổi.

Tình yêu trong cuộc sống hạnh phúc của hai ông bà đã sinh ra 12 người con mà sau này có ba cô con gái đều dâng mình vào dòng Mến Thánh Giá. Vợ chồng ông bà Hòa tiếp nối nghề thuốc truyền thống của gia đình. Người dân trong làng gọi thầy Hòa rất kính trọng là ông lang Hòa và những ai đã từng quen biết ông lang Hòa từ bé thì vẫn gọi ông là thầy Hòa. Với đời sống đạo đức và là người có thế giá trong làng, thầy được cử làm thủ chỉ làng Nhu Lý, kiêm trùm họ đạo và chánh trương hàng xứ. Thầy là người giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần cho giáo dân trong làng, cách đặc biệt với Cộng đoàn Dòng Mến Thánh Giá Nhu Lý mới thành lập đầu thế kỷ XIX (1805). Nhà dòng Nhu Lý là địa chỉ tạm trú thường xuyên của các cha Thừa Sai tới truyền giáo trong làng và các vùng phụ cận. Nhưng tình hình chung tại đây vào những năm 1830-1840 rất khó khăn vì vua Minh Mệnh bách hại người Công giáo không thương xót, chính tay vua đã ký gần 150 bản án tử đạo. Trong số 117 vị tử đạo tại Việt Nam đã được Giáo Hội tôn phong hiển thánh thì tới 58 vị chịu chết dưới triều đại vua Minh Mệnh.

Vào năm 1831, linh mục thừa sai trẻ 32 tuổi, cha Gilles Joseph Louis Delamotte (tên Việt: Y), mới từ Pháp đến Quảng Trị. Ngài ở tại Chủng viện An Ninh học tiếng Việt vài tháng trời, sau đó sang định cư bên làng Nhu Lý, ở nhà dòng các chị Mến Thánh Giá. Ngài là một trong những thừa sai hằng lưu tâm củng cố và xây dựng các cộng đoàn nữ tu. Sự hiện diện thường trực của ngài như vậy thực là một may mắn lớn cho giáo dân và các nữ tu ở cộng đoàn Nhu Lý. Tại đây, khi ngài đến vào quãng năm 1831-1832, giữa các nữ tu có một chị nữ tu trẻ tuổi tên Maria Mađalêna Nguyễn Thị Hậu là cháu thiêng liêng của thầy Hòa, chị được chỉ định để săn sóc cha Delamotte. Bên cạnh chị, cha còn một người học trò giúp việc thư ký cho cha tên là chú Điền, con trai của ông Gioan Baotixita Trang. Chú đã là người Nhà Đức Chúa Trời, quãng 15 tuổi. Người nữ tu trẻ sẽ được ơn phúc tử đạo sau này.

Ban đầu, cha đáng kính Delamotte sống khá bình yên tại Nhu Lý cho đến khi chiếu chỉ Minh Mệnh cấm đạo được ban ra vào ngày 06.1.1833. Lúc đó, ngài liền lo chuẩn bị các giáo hữu Nhu Lý đương đầu với cơn bách đạo có thể xảy đến lúc nào không hay. Ngài viết thư về Pháp kể chuyện cho cha mẹ ngài rằng: “Dù con mới chỉ tập sự nói tiếng ở đây (vì con mới học được 8 tháng thôi), con đã cắt nghĩa cho giáo dân, theo khả năng con có thể, về ân sủng và việc cao cả trong sự tử đạo. Con sai một thầy giảng và một quí chức bậc nhất trong xứ đạo đến nhà các giáo dân mà giải thích cho họ những điều ấy và thế nào là trọng tội chối đạo và chối bỏ Chúa Giêsu…”.

Với một thừa sai như vậy, chị Maria Mađalêna Hậu cũng như các chị nữ tu Mến Thánh Giá tại Nhu Lý và giáo dân làng Nhu Lý đương nhiên được nghe ngài chỉ bảo và được ngài hướng dẫn nhiều trong đời sống đạo và đời tu trì.

Thời gian sau đó, cha đáng kính Delamotte phải bỏ Nhu Lý lánh nạn bên Dương Sơn, rồi Nhu Lâm, sau cùng thì trở lại Nhu Lý. Trở lại Nhu Lý, lòng nhiệt thành của ngài không thể để ngài im lặng mà không làm việc mở mang Nước Chúa. Riêng trong năm 1835, ngài đã giải tội được 1.136 lần, cho rước lễ 1.068 lần. Với một sinh hoạt như vậy, đương nhiên nhiều người biết đến ngài, kể cả các kẻ bên lương trong vùng ấy.

Chính vào thời kỳ gay cấn này, thầy Hoà đã viết cho Đức cha Cuenot đang ở Qui Nhơn, ngày 20.10. 1839, những lời sau: “… Từ chiếu chỉ cấm đạo ngày 28 tháng Tám âm lịch, dân làng làm con bận tâm lắm và gây cho con trăm ngàn chuyện phức tạp; chỉ có duy ông lý trưởng là thuận tình giúp đỡ con !… Điều khiến con buồn phiền luôn là nghĩ rằng khi con bị bắt và con không còn có thể lo cho Cha ấy nữa (tức cha Delamotte), thì tất cả mọi người sẽ bỏ rơi ngài. Đó là chuyện quá chắc chắn. Tuy vậy, con không thể nào bắt chước thiên hạ mà lại không bất tòng phục Thiên Chúa, nếu con bỏ rơi Cha ấy…”.

Năm 1839, vì tình hình trở nên hoàn toàn bất an cho cha đáng kính. Thầy Hoà phải tính đến chuyện đem cha đi trốn sang nơi khác. Như mọi lần, thầy biết, cha đáng kính Delamotte trở lại Nhu Lý, sống ẩn kín trong nhà dòng Mến Thánh Giá tại đây, nhưng khó có thể ở lâu dài hơn được. Vì nghề nghiệp lương y của mình, thầy đã sắp đặt đưa cha sang làng An Ninh không xa Nhu Lý lắm về phía Bắc, bằng đường sông vào ban đêm. Nhưng khi đò đang trên đường đi thì bị quan quân chận xét, cha Delamotte nhẩy lên bờ chạy trốn mà bị kẻ ngoại giáo chận bắt giữ. Đêm đó là đêm ngày 12 rạng 13 tháng Tư năm 1839. (Khi cha Delamotte bị bắt, chú Điền đang ở nhà mình đã trốn đi được. Quan không bắt được chú nên đã khiến bắt thân phụ của chú thay vào chỗ của chú, tức ông Gioan Baotixita Trang mà tên trên giấy tờ là Nguyễn Công Nghiêm. Ông Trang từ trần trong nhà tù Trấn Phủ ngày 30.9.1840). Sau một thời gian tạm giam tại Quảng Trị, những kẻ bị bắt đêm đó được giải về giam trong ngục Trấn Phủ tại kinh đô Huế. Trong thời gian ở nhà tù Quảng Trị, Thầy Hòa chỉ phải đeo gông tre nhẹ và được mọi người kính trọng, được tự do đi lại.

Những ngày giam cầm ở Trấn Phủ, cha đánh kính luôn tìm dịp viết thư cho Đức cha Cuenot. Trong một thư kia, cha đã viết về tinh thần bảo vệ và sống đạo của chị Hậu khi con thuyền bị chận bắt, chị Hậu đã mau mắn ném rất nhiều đồ đạo đem theo xuống nước. Cha đáng kính Delamotte làm chứng trong lá thư của ngài gửi Đức cha Cuenot: “Đồ đạo mà người ta lấy của con thì chỉ có cái túi nhỏ để đem Của Ăn Đàng cho người bệnh… Khi người ta chận bắt con thuyền thì hình như dì Hậu đã ném xuống sông rất nhiều thứ: kinh nguyện, sách vở, thư từ, giấy má, dao cạo râu của con, vân vân; hình như dì cũng quăng cả cái hộp đựng các Dầu Thánh của con nữa. Con còn thích dì ấy ném đi như thế hơn là để rơi vào tay đám quan lại kẻo bị xúc phạm, gây cớ ra muôn điều vu khống mỉa mai chống đạo, và ép con cả hằng nghìn thứ tra vấn rất phiền phức, và có thể còn tra khảo con bằng những cực hình để tìm cho ra được những vu oan và những sự chẳng hề có…”.

Trong hai tháng bị giam ở Quảng Trị các con của thầy Hòa đều đến thăm, thầy ân cần khuyên:

- "Cha rất vui mừng tuân theo thánh ý Chúa, các con đừng buồn. Mọi đứa phải vâng lời mẹ dạy, săn sóc cửa nhà tử tế vì cha không thể lo lắng gì hơn được nữa".

Về nhà tù ở trấn phủ tại Huế, Thầy Hòa vẫn vui vẻ dọn mình lãnh triều thiên tử đạo. Có người học trò đến thăm, thầy tâm sự:

- "Con đến thăm lần này đủ rồi, đừng đến nữa kẻo lính bắt, các con không chịu được các hình khổ. Sáng chiều con hãy đọc kinh và xin Chúa cho thầy được chịu chém vì đạo thánh Chúa. Khi đầu thầy rơi xuống rồi thì trò hãy năng đến thăm viếng an ủi bà và các con cái thầy. Các trò, thầy cũng coi như con và sẽ theo để phù giúp trên đường đời gian nan".

Thầy Hòa luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho mọi người cùng bị giam, thày giúp họ mạnh sức xưng đạo và vui lòng chịu khổ vì Chúa. Các quan cũng đến nói thầy chối đạo để được về với vợ con, thầy thẳng thắn trả lời:

- "Dầu tôi phải mất vợ mất con mất hết của cải và cả sự sống nữa, tôi cũng không bao giờ bỏ Chúa tôi thờ".

Khi người vợ tới thăm, thầy thương vợ nhiều bao nhiêu thì lại càng nghĩ tới các con bấy nhiêu, thầy dặn dò kỹ với vợ:

- "Mình hãy can đảm đừng buồn sầu vì số phận tôi phải chịu. Cái chết của tôi làm vinh danh Chúa. Hãy xem việc gì đã xảy ra cho ông ký Ðạo bị giam tù chết vì bệnh thổ tả chẳng được lợi ích gì. Mình hãy thay tôi khuyên bảo con chúng ta biết tuân theo thánh ý Chúa. Việc tương lai của chúng, tôi đã ghi trong tờ di chúc. Còn về phần các học trò của tôi hãy coi chúng như con vậy. Tôi đã chỉ dạy cho ông lang Khiêm nhưng chưa giúp gì cho trò Thiện, vậy hãy tỏ tình thân ái và sau khi tôi chết đưa áo tang, giầy và khăn tang nếu bố của nó đồng ý, nếu bố nó không chịu thì thôi".

Đó là lần gặp cuối với vợ, và thầy Hòa đã sẵn sàng chờ đợi phúc tử đạo.

Mãi đến ngày 01.8. 1840, cha đáng kính Delamotte mới có thể lén biên thư từ trong tù ra Đức cha Cuenot: “Kính thưa Đức cha, cách đây 4 hôm, con đã nhận được hai lá thư tháng Ba và tháng Năm của Đức cha. Từ lúc con bị bắt, mỗi ngày con đều sẵn sàng viết cho Đức cha thật dài, mà chẳng thể được, bởi vì con luôn luôn bị canh giữ, trông chừng sát bên, chẳng khi nào được ở một mình, rồi con cũng chẳng có giấy… Con được vui và được an ủi vì thấy mọi người của con đều mạnh mẽ, can đảm, vững vàng và không thể lay chuyển được, tất cả đều nhất quyết chịu chết. Đức cha hẳn đã biết rằng nay họ gồm 7 người, là thầy Hoà, chị Hậu, thầy Phê, Vững, bị bắt cùng với con; sau đó người ta bắt ông xã Duyên và ông xã Trang người Nhu Lý và một ông người An Do. Con chưa biết nhiều về ông bị bắt sau này, nhưng cũng là một chuyện ấy thôi; ông ta cũng vững lòng không chịu quá khóa. Con tin rằng hai phụ nữ là những người cứng rắn nhất. Tất cả chúng con hiện ở Huế, trong nhà giam Trấn Phủ. Nhà giam này chia ra làm ba khu: thầy Hoà, ông xã Duyên và chị Hậu ở khu đông; thầy Phê, ông xã Trang và Vững ở khu giữa; con ở khu tây và người ta để ông người An Do với con…”

Sau khi viết lá thư này, cha Delamotte đã chết trong tù Trấn Phủ ngày 03.10.1840, do ốm bệnh cùng với vết thương bị lính đánh vào đầu hôm bị bắt. Tuy nhiên, cái chết của ngài cũng còn là một gương sáng và một động lực mạnh mẽ giúp các giáo hữu thêm kiên cường trong cơn thử thách. Riêng đối với chị Hậu, cha đáng kính Delamotte, quả thực, đã là người mà Thiên Chúa sai đến để làm chị trưởng thành hơn trong ơn gọi tu trì và ơn phúc tử đạo.

Hơn hai tháng sau đó, ngày 12 tháng Chạp năm 1840, tức ngày 12-12-1840, quan lãnh binh và quan bộ dẫn 30 lính đến đem thầy Hòa đi xử. Quan bộ cỡi ngựa đi đầu rồi đến quan giám sát, thầy Hòa đeo gông vắn đi giữa 4 tên lính cầm gươm sẵn sàng và ở giữa hai hàng lính, trước mặt thầy một tên lính cầm bản ghi án. Một tên khác đi sau cầm gươm dùng để chém. Khi thầy Hòa ra khỏi cửa thành có ba tiếng trống và quan tuyên đọc bản án. Khi đoàn người đến chợ An Hòa thuộc họ Ðốc Sơ (nay là xã Hương Sơ, thành phố Huế), quan giám sát truyền lệnh dừng lạị Ông Quán trải hai tấm chiếu xuống đất và một tấm vải trắng để Thầy Hòa quì lên trên. Từ khi bước ra khỏi tù, khuôn mặt Thầy Hòa vẫn điềm nhiên và chiếu rạng vui tươi. Vì được báo trước, cha Ngôn sẽ đứng đàng sau ông quan để ban phép giải tội cho thầy Hòa. Lúc ấy thầy Hòa biết chắc có cha Ngôn liền quì xuống thống hối để đón nhận phép giải tội trong khi quan ra lệnh cởi gông và trói tay sau lưng.

Quan giám sát đọc lại bản án viết trên thẻ gỗ và ra lệnh sau tiếng trống thứ ba thì chém đầu. Thế nhưng mới tiếng trống thứ nhất, lý hình đã chém đầu thầy gần rơi khỏi cổ. Chúng lấy gươm cắt đứt đầu khỏi cổ và tung lên trời cho mọi người xem thấy. Ðầu rơi xuống đất ngay chỗ xác ngài. Sau đó các quan và lính rút lui còn lại một mình quan đội canh cái đầu. Sau quan đội giao cho làng Ðức Sơ ngoại đạo để bêu đầu đủ ba ngày. Mọi việc hoàn tất vào lúc quá nửa trưa. Các người lo việc an táng lấy vải cuốn xác giữ lấy chờ khi lấy được đầu sẽ mang về chôn ở Nhu Lý.

Một ngày cuối năm, ngày 28 tháng Chạp năm 1840, hai nữ tù nhân can đảm là chị Hậu và bà Vững bị đưa đến chốn lưu đày. Nơi này, theo lời Đức cha Lefebvre Ngãi, gọi là Đồn Điền, “vùng núi non”, “một nơi mà nước thì xấu, khí trời thì độc, khiến những ai sống ở đó một thời gian thì sẽ xuống mồ ngay”. Nhưng may thay, ông quan trông coi nơi này lại là người Công giáo. Đức cha Cuenot trong thư gửi về Thánh bộ Truyền Giáo ngày 22.12.1842 cho biết thêm là ông quan có đạo ấy, mấy hôm sau, đã cho dẫn chị Hậu cùng bà Vững về một làng người Công giáo quen gọi là Đá Hàn, vào ngày 02.1.1841. Giáo hữu Đá Hàn đem hai người về Phủ Cam, cạnh kinh đô. Chị Hậu và bà Vững chỉ sống tại nơi bị phát lưu tối đa là 5 ngày.

Về Phủ Cam, chị Hậu được tiếp đón trong nhà các nữ tu Mến Thánh Giá tại đây. “Tuy nhiên, Maria Mađalêna Hậu đã mang trong người mình chất độc hại sẽ làm cho chị phải chết. Lui ẩn vào một căn nhà Công giáo, chị liền bị đau đớn quằn quại trong bụng dạ và một cơn bệnh hiểm nghèo khiến phải lo sợ cho tính mạng của chị. Chị đã nhận lãnh các bí tích cuối cùng với tâm tình sốt mến và đạo đức khiến tất cả mọi người chứng kiến phải khâm phục. Sau cùng, vào tháng Giêng vừa qua, chị đã đưa linh hồn mình về với Chúa và xứng đáng lên trời lãnh nhận triều thiên dành cho những kiệt sĩ anh hùng đức tin”.

Đó là chứng từ của Đức cha Lefebvre Ngãi trong lá thư ngài viết về Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris ngày 25.5.1841, bốn tháng sau khi chị Hậu qua đời.

Năm 1857 cha Gilles Joseph Louis Delamotte được tôn lên là Đấng Đáng Kính.

THEO TIẾNG YÊU THƯƠNG

Những ngày cuối năm 2000, khi tôi vẫn chưa được gia nhập Hội Thánh, khi đó tôi mới “chập chững” sử dụng máy vi tính và Internet. Việc làm mà tôi rất yêu thích đó là tìm hiểu về các thánh, tôi tìm hiểu các thánh tây qua tên của các ngài được kính mỗi ngày và tôi luôn thắc mắc về các thánh Việt Nam vì tôi chỉ được nghe tên của các ngài vào mỗi Chúa nhật khi người phục vụ nhà thờ đọc lịch Công giáo.

Một hôm, tôi thấy Website “Simon Hoa Dalat” thì say sưa đọc bài trên trang web. Nhưng việc “đánh vần” tên website là cả một vấn đề vì khi đó tôi mới “bập bẹ” biết ngôn ngữ của Công giáo; tôi suy luận: “Simon” là thánh Simon Tông đồ, còn “Hoa Dalat” thì đơn giản là Hoa Đà Lạt vì Đà Lạt là xứ sở của các loài hoa tuyệt đẹp. Và phải một thời gian hơn một năm sau, tôi mới biết là mình nhầm to! Đó là khi tôi tha thiết muốn tìm hiểu về các thánh Tử Đạo Việt Nam, và tôi đã được cha xứ cho mượn sách để đọc hạnh các thánh, trong số các thánh có thánh Simon Phan Đắc Hòa, gọi tắt là thánh Simon Hòa. Những điều này không được dạy khi học Giáo lý và đối với tân tòng thì phải tự tìm hiểu. Tôi hiểu, vậy là Hội Ái Hữu đã nhận thánh Simon Hòa làm thánh Bổn mạng. Và tôi đã là độc giả thường xuyên của www.simonhoadalat.com.

Nhiều năm liên tiếp kể từ ngày tôi trở lại Đạo, từ năm 2002 đến nay tôi luôn gặp nhiều thử thách sống Đạo và không phải dễ dàng để có thể tự mình vượt qua. Một lần vào hè năm 2004, tôi gặp khủng hoảng tinh thần, tôi đã đi đến thành phố Huế mong được tới nhìn Nhà thờ Phú Bài, ngôi nhà thờ cổ, đổ nát như chính tâm hồn tôi đang điêu tàn. Đứng trước sân Nhà thờ, tôi lặng người đi khi thấy những hình ảnh về các thánh Tử đạo của Giáo phận Huế trong tâm trí tôi, có lời an ủi tôi khi tôi hiểu là mình đã là Kitô hữu, đang sống Đạo và tiếp tục trở thành Kitô hữu đích thực.

Trở về Hà Nội, tôi cầu nguyện xin Chúa và các thánh để được tìm hiểu về các thánh Tử Đạo Việt Nam như lòng mình ao ước.

Khi chuẩn bị viết về thánh Hòa, thì có hai việc khó nhất với tôi đó là:

- Tìm địa chỉ giáo xứ làng Nhu Lý vì theo sử liệu thì trong cuộc Văn Thân tàn sát năm 1885 và trước đó, từ suốt năm mươi năm làng Nhu Lý và Bố Liêu hoàn toàn thiệt mạng, giáo dân và các nữ tu dòng Mến Thánh Giá bị tàn sát, chôn sống, thiêu sống và lưu dày. Sau thời kỳ Văn Thân không còn tên làng nữa. Nhưng ơn thánh Hòa phù giúp, vào phút cuối ngày tôi đã được nhận một bản đồ Quảng Trị của những năm 1830–1840 từ cha Toản, nhờ vậy mà tôi đã xác định được địa chỉ làng Nhu Lý giúp cho việc hành hương của bạn đọc.

- Tìm phương châm sống đạo của thánh Hòa. Trong Uống Nước Nhớ Nguồn, tít về cuộc đời thánh Hòa được ghi là “Gương mẫu người tân tòng”, tôi thấy mâu thuẫn vì ngài được Rửa tội khi còn là cậu bé 12-13 tuổi; cuộc đời thánh Hòa đã có 44 năm là Kitô hữu; suốt thời gian hơn 10 năm trong Chủng viện An Ninh là thời gian khẳng định ngài qua thời kỳ “tân tòng” rồi! Tuy nhiên ngài sẽ vẫn luôn nhớ về tuổi thơ của mình. Tôi cầu nguyện xin thánh Hoà, nếu ý cầu nguyện đẹp ý ngài, xin ngài cho tôi biết điều gì đã dẫn đưa ngài trên con đường theo Chúa. Tôi đã nhận được câu trả lời, đó là: “Tình yêu thúc đảy những việc làm vì Chúa”.

Lúc này đây, trong tâm trí tôi có hình ảnh thánh Simon Phan Đắc Hòa với phong thái điềm đạm lại mạnh mẽ, ân cần trong yêu thương từ trái tim nhân hậu của một người chồng, một người cha, một người thầy thuốc.