TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM !

Nỗi mặc cảm thua kém của người dân một nước chậm tiến luôn đeo đuổi những ai có dịp ra nước ngoài. Nhìn người ta tự tin, thoải mái, vững vàng trong đi đứng, mạnh dạn trong giao tiếp, tự trọng trong ứng xử nhiều khi thấy thèm thuồng.

Mấy hôm nay báo chí ( Bao Tiền Phong ngày 17.12.2008 ) lại đăng tải một nguồn tin từ Báo cáo phát triển Việt Nam của tổ chức Ngân Hàng Thế giới ( WB )… Nếu đây là một nguồn tin đáng tin cậy, những con số quái ác này càng đẩy người dân ta đến mặc cảm nhiều hơn. 158 năm mới theo kịp Singapore, 95 năm mới kịp Thái Lan và 51 năm mới kịp Indonesia, một con số quá dài, không biết trong khi mình chạy người ta có chạy thêm và tăng tốc hơn nữa không ? Mà nếu người ta có chạy với tốc dộ cao hơn thì minh chạy đến bao giờ mới vói tới được người ta ? Thua kém vẫn mãi là kém thua !

Nhớ lại những ngày thập niên sáu mươi bẩy muơi, lớp trẻ chúng tôi ở Sài-gòn tuy đau khổ vì chiến tranh, nhưng không bao giờ mặc cảm trước các nước trong vùng Đông Á. Chúng tôi mạnh dạn và tự tin khi gặp gỡ những người dân Philippines, chẳng ngại ngùng khi đối diện với Thái Lan, chẳng lúng túng khi giao tiếp vơi Hàn Quốc, thậm chí chúng tôi còn hãnh diện với một “Sài-gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông”, hãnh diện thật sự chứ không phải thứ hãnh diện hão.

Bây giờ, đến Manila của Philippines, thành phố gần gũi chúng ta, nhìn đoàn xe metro quá đơn giản của người mà lòng xót xa tự hỏi đến bao giờ ta mới có. Đến Singapore càng làm mặc cảm to thêm... Thế đấy, đang khi ta huênh hoang tự kiêu với hàng trăm khẩu hiệu rỗng tuếch, tự ru ngủ mình và mặc sức phá hoại, thì người ta bình tĩnh nắm thời cơ vững vàng đi lên, giật mình thì đã quá muộn.

Cứ nhìn đoàn người lo âu xếp hàng từ sớm, nghiêm trang tuân thủ các hướng dẫn của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sài-gòn, cố gắng để làm sao có cái chiếu khán nhập cảnh thì đủ thấy ta thua kém chừng nào, cái tự hào hiên ngang biến đâu mất sạch. Giả dụ mình không chậm tiến, mình không bê bối, làm gì mà phải mang nỗi u buồn này.

Có một lần đến Hoa Kỳ, cùng đi với gia đình em tôi, nhưng khi đến bàn làm thủ tục nhập cảnh, tôi phải tách ra vì tôi mang hộ chiếu Việt Nam, còn gia đình em tôi mang hộ chiếu Úc, tôi bị kiểm soát chiếu khán, gia đình em tôi không cần chiếu khán. Trên đơn xin chiếu khán của tôi vẫn ghi hàng chữ với nội dung quái ác: Chiếu khán này được cấp, nhưng không có giá trị, việc nhập cảnh tùy thuộc vào nhân viên thị thực nhập cảnh. Đã đến Hoa Kỳ lần thứ ba, nhưng tôi vẫn bị nhân viên nhập cảnh hoạnh họe đôi điều trước khi đóng dấu nhập cảnh, nhìn chung quanh chẳng ai bị như mình.

Hôm qua đọc báo, lại một nỗi buồn và tủi nhục bị rao lên, phi công Việt Nam, tiếp viên Việt Nam, dính dáng đến một vụ ăn cắp mỹ phẩm tại Nhật, mà chính sinh viên Việt Nam là chủ mưu ( báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ sáu 19.12.2008 ). Nỗi đau cán bộ ăn cắp hàng siêu thị ở Singapore chưa xong, thì cái nỗi đau Tham Tán Sứ Quán Việt Nam ở Châu Phi buôn lậu sừng tê giác ập đến, vụ án Đại Lộ Đông Tây đang là mối nhục lớn trước con mắt của dân Nhật. Trách sao người ta không coi thường mình ?

Nói mãi cũng nhàm, chuyện buồn chẳng phải riêng mình, rồi cứ cắm đầu cúi mặt mãi sao ?

Thế rồi, vừa qua tôi có dịp đi công việc ở Roma, khi trở về, sau khi làm thủ tục đăng ký chuyến bay và cân hành lý xong, cô nhân viên người Ý của hãng Air France trao lại thẻ lên máy bay và hộ chiếu cho tôi, nhoẻn miệng cuời rất tươi, nhìn tôi mặc y phục Giáo Sĩ, mang hộ chiếu Việt Nam, cô đứng lên hơi nghiêng mình và nói với tôi: “Tôi kính phục Đức Hồng Y Thuận”. Quá bất ngờ, tôi ấp úng câu cám ơn không ra lời. Bước đi rồi, tôi vẫn còn bàng hoàng như ở trong mơ.

Khi vào máy bay, mọi người đã ổn định xong chỗ ngồi, không hiểu sao chuyến bay chậm lại một giờ, các tiếp viên rảnh rỗi. Bỗng một cô tiếp viên đến bên tôi hỏi thăm: “Có phải ông là Linh Mục Việt Nam ?” Tôi nghĩ bụng, lại một chuyện gì rắc rôi nữa đây, nhưng không thể làm khác, tôi trả lời xác nhận.

Cô tiếp viên hỏi tiếp: “Thế ông có biết chuyện Thái Hà ?” Dĩ nhiên là tôi gật đầu. Trao đổi một chút trong bầu khí thân thiện, cô chào tôi rồi đi. Nhưng chỉ ít phút sau cô trở lại, mời tôi ra khoang sau máy bay, nơi các tiếp viên chuẩn bị các bữa ăn, nơi đó đã có năm tiếp viên ngồi đợi, họ xin tôi nói về Thái Hà cho họ nghe, vắn tắt vài lời, họ tỏ ra rất cảm thông và nể phục chúng ta. Tôi trở về ghế ngồi, lòng vui mừng khó tả. Chuyến bay đó, tôi được săn sóc đặc biệt, tuy ngồi ghế hạng thường, nhưng tôi được phục vụ như hạng thương nhân, dĩ nhiên ghế vẫn nhỏ, nhưng thức ăn nước uống thì... không nhỏ !

Một vị Thánh đã làm thay đổi cái nhìn về một dân tộc mà ngài thuộc về, một “hành vi Thánh” có khả năng thuyết phục người khác. Đức Hồng Y Thuận đã làm cho người ta kính phục các Giáo Sĩ của dân tộc Việt Nam, tầm thường và nhỏ bé như tôi mà cũng được lây hương thơm thánh thiện. Một “hành vi thánh”, dám sống chết cho sự thật đã làm cho thế giới bị thu hút và ngưỡng vọng. Chẳng ai ngưỡng vọng sự nhát đảm, luồn cúi, và đê hèn.

Xin hết lòng cảm tạ Đức Hồng Y kính mến của dân tộc và của Giáo Hội Việt Nam, xin tri ân anh chị em Thái Hà với niềm cảm phục hiệp thông, đã cho tôi tìm lại được niềm tự hào mình là người Việt Nam.

Chúa Cứu Thế sẽ đến trong vinh quang nhưng đã khởi đi từ cuộc hạ sinh thẳm sâu khiêm tốn, xin chúc lành cho chúng con.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, thứ bảy 20.12.2008