Một mùa Giáng Sinh nữa lại đến trên quê hương Việt Nam. Được sự trợ giúp của quí độc giả Vietcatholic, ông già Noel của nhóm Bông Hồng Xanh lại cất bước lên đường về miền Cần Thơ sông nước và được lái taxi đến bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn để chia quà cho các cháu thiếu nhi, chia vui với người già và an ủi gia đình bất hạnh.

Thăm giáo xứ An Thạnh

Chiếc xe “Mẹc” 16 chỗ ngồi đưa chúng tôi hướng về miền tây. Đi được 100 km, tôi bứt đầu vò tai nhớ ra đã để quên bộ râu ở nhà. Nếu không có râu, ông già Noel của chúng tôi chỉ là chàng thanh niên mặc áo đỏ mà thôi; nhưng anh tài xế trẻ đã trấn an khi hứa cho chúng tôi vào trung tâm thương mại Cái Khế để mua râu.

Phà Cần Thơ sạch đẹp, chúng tôi giảm stress khi phóng tầm mắt ngắm cảnh sông nước. Sau mấy giờ đồng hồ, đi qua 170 km, chúng tôi đến trung tâm thành phố Cần Thơ, nơi có những con đường cũng náo nhiệt như ở Sài Gòn, rồi đi thẳng vào nhà thờ An Thạnh.

Cha xứ có dáng người cao to (tôi nghĩ vui, là linh mục thì có cần dáng cao, đẹp tướng không nhỉ, hay chỉ cần vui vẻ và phục vụ tốt là đủ) tiếp đón chúng tôi vui vẻ. Cha dành cho chúng tôi hai phòng. Phòng khách của cha đơn sơ nhưng quang cảnh giáo xứ chuẩn bị đón Giáng Sinh thì thật là “hoành tráng”. Cha khuyên chúng tôi nghỉ ngơi một chút trước khi sinh hoạt với một số thiếu nhi nhà nghèo ở đây.

Giáo xứ An Thạnh chỉ có hơn 1500 giáo dân nhưng sinh hoạt của các đoàn thể thật phong phú. Thật bất ngờ khi tôi được biết cha chánh xứ Phanxicô Xavier Phan Văn Triêm lại là linh mục trưởng Ban Bác Ái của giáo phận - dù cha không hề nói với chúng tôi điều đó – thế nên các kế hoạch bác ái trong giáo xứ rất sinh động, liên kết với nhiều nơi.

Thiếu nhi ở đây trông rất ngoan. Từ khi Nhà Nước cứ nhắc nhở “mỗi gia đình chỉ có hai con” thế nên trẻ con vắng vẻ hẳn đi, mà vùng thôn quê cũng chẳng giàu lên nhiều chút nào. Trước đây, nơi này là vùng ven thành phố, nay đang được đô thị hóa, còn khá nhiều người đi bán vé số và chạy xe ôm. Khi được phát quà, các cháu thích chọn áo trắng hơn là áo pull nhiều màu vì vừa mặc đi lễ vừa mặc đi học.

Chiều thứ bảy nhà thờ có đông người dự lễ, ai cũng ăn mặc lịch sự. Giọng nói của ai cũng dễ nghe, chắc là nhờ “gạo trắng nước trong”! Cũng chiều hôm đó, mấy vị trong giáo xứ dẫn chúng tôi đến thăm một gia đình sống trên ghe, có một cháu bé mà nỗi bất hạnh vừa ập đến trên cuộc đời.

Một cháu bé bất hạnh

Đi vòng qua sau lưng nhà thờ An Thạnh là con sông Hậu Giang chạy dài, có chợ Tầm Vu ở ven sông. Một chiếc ghe nhỏ neo ở đó là của một gia đình đông con, mà cậu bé 6 tuổi đã trở thành người tàn tật sau một tai nạn.

Tai nạn xảy ra lúc 14 giờ 15 ngày 20/8/2008 trên đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều; khi cháu Tô Thanh Phương cùng hai anh trai của mình đem số cua mò được ra chợ bán, vừa đi đến địa điểm trên thì một hố ga nổ làm em bị hất văng khỏi mặt đất, lọt xuống hố ga, bàn tay trái bị đứt gần lìa. Thế là em trở thành người tàn tật. Tội nghiệp hơn nữa là khi thời điểm chúng tôi đến, bàn tay còn lại của em cũng không nắm được đồ vật, giọng nói của em ngọng ngịu và đôi chân phải đi khập khiễng.

Tiếp xúc với cha mẹ của cháu Phương, chúng tôi thấy nguyện vọng của họ là mong mua được miếng đất để lên bờ, làm cái túp lều nhỏ cũng được, không cần xây cất. Miếng đất ở đây giá gần 3.000 USD. Một nguyện vọng chính đáng nhưng vào thời điểm này chúng tôi không dám gửi email riêng cho quí ân nhân mà thầm mong trong lòng: nếu có 50 vị hảo tâm, chỉ cần mỗi vị giúp chúng tôi 50 USD và chúng tôi xuất quĩ 400 USD là có thể thực hiện công trình này.

Còn bây giờ, cho gia đình một túi quà và một số tiền thì chẳng thể làm tốt hơn cho cuộc đời cậu bé bất hạnh đó. Trước đây, mẹ tôi có khuyên rằng, đối với người nghèo, đừng hứa hẹn gì cả, khi nào có tiền thì giúp ngay mà thôi, thế nên chúng tôi từ giã gia đình này mà tôi không hề nói gì về những ý định của mình.

Chia quà ở nhà thờ Trường Long

Sáng sớm ngày Chúa nhật, chúng tôi ra chợ nổi Cái Răng. Đến Cần Thơ mà không dạo quanh chợ nổi thì thiếu xót biết bao! Mỗi ghe là một món hàng, ghe nào có nhiều thứ thì người ta xâu những thứ đó lên một cây tre để người khác biết mà áp ghe đến gần trao đổi, mua bán. Nào là ghe quýt, ghe bưởi, bí ngô, hành tỏi…trông đẹp mắt và tạo thành nét riêng trên vùng sông nước này. Chúng tôi mừng húm khi nhìn thấy ghe bán bánh mì thịt nhưng không thể mua cà phê khi nhìn thấy ghe bán thức uống vì ghe dừng lại khá khó khăn, không như xe gắn máy trên đất liền.

Từ nhỏ đến lớn sống ở Sài Gòn nên được đi ghe trên chợ nổi, các bạn trẻ thích quá, tánh tình ai có vẻ “chảnh” thì khiêm tốn hơn vì thấy mình nhỏ bé trên chiếc ghe luôn chòng chành trước sức mạnh của nước.

Nhìn ra một góc chợ nổi có Đại Chủng Viện Thánh Quý. Nhờ nói năng lễ phép và ngọt ngào nên anh bảo vệ cho chúng tôi vào “tham quan”. Tôi định bụng nếu anh ta khó tánh quá thì tôi sẽ nói dối là có quen với cháu của cha giám đốc. Cái tội “nói dối trong ứng xử” chắc là chỉ đền tội vài ngày!

Nơi đào tạo những chàng trai trẻ trở thành linh mục của vùng sông nước này có không gian thoáng đãng, thanh tịnh nhưng đầy ắp sự lao nhọc trong học tập vì tương lai của Giáo hội; chỉ cách một con đường là mấp mé bờ sông, nơi những chiếc ghe, mái chèo của người dân cũng đang tần tảo kiếm sống một cách lương thiện.

Sau đó chúng tôi lên chiếc ghe du lịch đậu ở gần nhà hưu dưỡng các linh mục để lên đò vào ấp Trường Thọ, xã Trường Long, huyện Phong Điền với quãng đường 20 km. Dọc con sông, chúng tôi gặp khá nhiều ghe nhỏ lưới cá theo kiểu “thủ công”, có cả ghe cào cá. Ai cũng có vẻ vui khi nhìn thấy ông già Noel, chúng tôi trao gói bánh và kẹo cho những đứa bé theo ghe cha mẹ buôn bán trên sông, nhiều khách du lịch nước ngoài vẫy tay chào, quay phim đoàn chúng tôi.

Có một anh bác sĩ để tóc đầu đinh, mặc cái áo pull vàng, được cha xứ “đặc cách” đi với đoàn chúng tôi. Dù mới quen anh đã làm chúng tôi cười bể bụng khi kể chuyện về tên địa danh vùng này nào là Cái Chanh, Cái Tắc, Cái Khế. Anh nói rằng, sở dĩ người ta gọi là Cái Răng, Cái Mơn là vì ngày xưa, nơi này hoang vu, có nhiều thú dữ. Có một gia đình kia, người vợ đi kiếm củi dọc bờ sông bị một con cá sấu tấn công rồi ăn thịt. Người chồng đau đớn uất hận đi tìm cá sấu để trả thù. Cầm con dao bén dài, gặp con cá sấu nào anh cũng chém thành nhiều mảnh, cá sấu chết nhe răng ra, nhiều cái đầu trôi dạt vào vùng này nên có địa danh là Cái Răng. Còn phần mông và đuôi cá sấu trôi đi xa hơn tạo thành địa danh Cái Mơn vì người địa phương đọc trại “cái mông” thành “cái mơn”!!

Đáp lễ câu chuyện huyền thoại đó, chúng tôi cũng “tự hào” vì đã từng đến Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước, Cần Thơ, nhưng muốn đến những vùng đó thì chúng tôi “cần tiền”! Đang cười ngặt ngoẻo thì bên bờ sông chúng tôi nhìn thấy một tháp chuông nhà thờ. Anh bác sĩ nói:

- Đó là nhà thờ Rau Răm.
- Rau răm để ăn với hột vịt lộn đó hả?
- Chính xác! Chỉ tiếc rằng không hiểu vì sao lại có tên là nhà thờ Rau Răm.

Nhà thờ Trường Long cao, to rộng đẹp. Các em thiếu nhi từ nhiều ngõ ngách đổ về. Còn người lớn thì chờ ở trước cửa nhà cha từ bao giờ. Chúng tôi và những vị thuộc giáo xứ An Thạnh chia làm hai tốp để phát quà cho trẻ em và phát tiền cho người lớn, còn ông già Noel thì chạy qua chạy lại.

Cha sở nhà thờ Trường Long trông phúc hậu, cha mặc cái áo sơ mi trắng và cái quần đen trông rất “Nam bộ”. Cha và hai ông “biện”(ông trùm xứ đạo) xin mấy cái áo pull để cho các cháu vắng mặt.

Khi nắng lên cao, cả người lớn lẫn trẻ con đều ra về vui vẻ.

Lời cảm ơn của ông già Noel

Được sự yêu thương của Đức Maria, chúng tôi đã nhận được quà của quí vị dành cho trẻ em vùng sâu vùng xa. Mỗi người cho một cách, này nhé, anh John Hiền gửi sớm từ ngày lễ các thánh; chúng tôi không biết một tí gì về anh, chỉ đoán non đoán già hình như “anh” là linh mục hay tu sĩ gì đó. Có một người, cách đây mấy năm tự xưng là “gã lãng du phương bắc”. Đọc từ “gã” thì tôi đoán chắc là phải có vợ và bốn năm con, còn từ “lãng du” là lãng mạn và phiêu du thì chắc là không “chung thủy”nên chúng tôi cũng không mặn mà lắm. Đùng một cái, tình cờ tôi được biết rằng “gã’ này chính là một vị linh mục nhân từ, hằng năm giúp nhóm Bông Hồng Xanh. Ui cha, xúc động quá, chắc là cả nhóm sẽ xin phép Chúa cho phép “tương tư” gã lãng du phương bắc này hai lần trong năm quá ! Còn linh mục “quiet man” thì đã đổi sang nhà thờ mới và trở thành “busy man” mà vẫn cho quà.

Ông xin chân thành cảm ơn:

Anh John Hiền 300 USD
LM Joseph Nguyễn Kim Long 300 USD
LM Nguyễn Duy Hùng 200 USD
Bạn Nguyễn Kim Anh 200 USD
Cô Lý Mỹ Hạnh 150 USD
Bạn Mỹ Linh (USA, trước ở Gx Vinh Sơn) 2.000.000 VND


Sau “show” thứ nhất, ông thực hiện “show” thứ hai với 300 phần quà tại bệnh viện Nhi Đồng 1 Sài Gòn. Mời quí vị cùng xem hình ảnh nhé!

KÍNH CHÚC
CHA GIÁM ĐỐC VIETCATHOLIC
QUÍ ANH CHỊ BAN BIÊN TẬP
QUÍ CHA VÀ QUÍ ÂN NHÂN
CÙNG QUÍ VỊ ĐỘC GIẢ
MÙA GIÁNG SINH AN LÀNH - MỘT NĂM MỚI HẠNH PHÚC