HIỆP THÔNG NHÂN VỊ và QUẢN LÝ TẠO VẬT (2):



Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa

Ghi chú mào đầu

“Sự thật về con người—điều mà nhân loại hôm nay thấy thực sự khó hiểu—đó là: chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh và giống hệt như Thiên Chúa; và chỉ nguyên sự kiện này thôi, chưa cần nói đến bất kỳ điều gì khác, cũng đủ cho thấy phẩm giá bất khả tha hóa của mỗi hữu thể nhân loại…Hãy nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để thấy chúng ta thực sự là ai trong ánh mắt của Thiên Chúa.” Đây là lời Đức Thánh Cha (ĐTC) Gioan Phaolô II nhắn nhủ các bạn trẻ trong kỳ Đại Hội Giới Trẻ Quốc Tế tại Manila năm 1995. Khi nói như thế, chắc hẳn ĐTC đã nhìn thấy trước viễn ảnh nhân loại đang cuốn hút vào trong trào lưu trần tục và nhân bản không Thiên Chúa. Chính ĐTC Bênêđictô XVI, trong những ngày chuẩn bị Giáng Sinh vừa qua đã lên tiếng cảnh báo về nếp sống buông thả theo chiều hướng tiêu thụ duy khoái lạc đang rất thịnh hành hiện nay (x. ĐTC Bênêđictô XVI: Lễ Giáng Sinh là một dịp để suy niệm về ý nghĩa và giá trị của cuộc đời chúng ta VietCatholic News (18 Dec 2008 01:24). Con người như không còn muốn sống như con người nữa, bởi vì đã cố tình quên đi bản chất căn cốt của mình là được “tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.”

CHƯƠNG MỘT

CON NGƯỜI ĐƯỢC TẠO DỰNG THEO HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA


6. Như lời chứng của Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền minh xác, sự thật về việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa nằm ở chính trọng tâm của mạc khải Kitô giáo. Sự thật này được nhìn nhận, và các Giáo phụ cũng như các thần học gia lỗi lạc đã khai triển hàm ý bao quát của nó. Như ta sẽ ghi nhận sau đây, mặc dù một số tư tưởng gia thời mới và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đã nêu lên những thách đố về sự thật này, tuy nhiên các học giả kinh thánh và các thần học gia ngày nay đang về phe với Huấn Quyền để tái lập và xác nhận học thuyết về ‘imago Dei’ (hình ảnh Thiên Chúa).

I. ‘Imago Dei’ trong Thánh Kinh và Thánh Truyền

7. Phần lớn các nhà chú giải ngày nay, cho dù có một vài ngoại lệ, đều xác nhận rằng chủ đề ‘imago Dei’ là trọng tâm của mạc khải kinh thánh (x. Gen 1:26f; 5:1-3; 9:6). Chủ đề này được coi như chìa khóa để có được sự thấu hiểu về bản tính con người theo Thánh Kinh, cũng như để đạt được các xác nhận về khoa nhân học kinh thánh trong cả Cựu Ưóc lẫn Tân Ước. Với Thánh Kinh, ‘imago Dei’ được coi gần như là một định nghĩa về con người: không thể hiểu mầu nhiệm con người tách rời khỏi mầu nhiệm Thiên Chúa.

8. Lối hiểu của Cựu Ước về con người được tạo dựng theo ‘imago Dei’ phần nào phản ảnh tư tưởng Cận Đông cổ về đức vua vốn được coi như hình ảnh Thiên Chúa trên cõi trần ai. Tuy nhiên, lối hiểu theo Thánh Kinh lại có nét đặc biệt là dùng khái niệm hình ảnh Thiên Chúa để bao quát tất cả mọi người. Một điểm đối lập khác nữa với tư tưởng Cận Đông cổ là Thánh Kinh cho thấy trước tiên, con người không được điều hướng để làm việc thờ phượng các thần linh, mà là để vun trồng trái đất (x. Gen 2:15). Khi nối kết việc phượng tự với việc vun trồng, Thánh Kinh đã thừa nhận rằng sinh hoạt của con người sáu ngày trong tuần là để quy hướng về ngày Sabbath, là ngày của phúc lành và thánh hóa.

9. Hai chủ đề hội lại với nhau để hình thành nhãn quan kinh thánh. Trước hết, toàn thể nhân loại được coi như tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Nhãn quan này loại trừ lối giải thích giới hạn ‘imago Dei’ vào trong một hay hai khía cạnh nơi bản chất con người, (tỉ như dáng thẳng đứng hay trí năng) hoặc vào một hay hai phẩm chất hoặc chức năng của con người, (tỉ như bản chất phái tính, hoặc việc thống lĩnh mặt đất). Không rơi vào chủ nghĩa nhất nguyên hay nhị nguyên, Thánh Kinh trình bầy một cái nhìn về con người trong đó khía cạnh tâm linh được coi như một trong các chiều kích nơi con người, bên cạnh chiều kích thể lý, xã hội và lịch sử.

10. Tiếp đến, trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế cho thấy rõ rằng con người không hề được tạo dựng như một cá nhân cô độc: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (Gen 1:27). Thiên Chúa đặt hai con người đầu tiên trong mối tương quan với nhau, mỗi người có kẻ đối ngẫu khác phái. Thánh Kinh xác nhận rằng con người sống trong mối giao hảo với nhau, với Thiên Chúa, với thế giới, và với chính bản thân mình. Theo quan niệm này, con người không hề là một cá nhân đơn độc, mà là một nhân vị--một hữu thể tự trong bản chất đã mang tính tương giao. Không hề bao hàm một chủ nghĩa duy hoạt rồi ra sẽ phủ nhận thực trạng hữu thể thường hằng của mình, tính tương giao căn cơ này nơi ‘imago Dei’ tự hình thành cái cơ cấu hữu thể học, cũng như dựng thành cái nền tảng cho việc thực thi sự tự do và trách nhiệm của mình.

11. Theo Tân Ước, hình ảnh được tạo dựng mà Cựu Ước đã xác nhận thì phải được hoàn tất trong ‘imago Christi’ (hình ảnh Chúa Kitô). Trong việc Tân Ước khai triển chủ đề này, có hai yếu tố bỗng nẩy sinh, đó là (1) tính chất Kitô học và Tam Vị của ‘imago Dei’ và (2) vai trò trung gian bí tích trong việc hình thành ‘imago Christi.’

12. Do bởi Chúa Kitô chính là hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa (2 Cor 4:4; Col 1:15; Heb 1:3), vì thế con người phải đồng hình đồng dạng với Ngài (Rom 8:29) để có thể trở thành con của Cha qua quyền năng Thánh Thần (Rom 8:23). Quả vậy, để “trở thành” hình ảnh Thiên Chúa, con người cần phải tích cực tham dự vào cuộc biến cải của Ngài theo cách thức hình ảnh Chúa Con (Col 3:10) là đấng biểu tỏ bản chất của mình qua dòng lịch sử từ cuộc nhập thể cho đến bước vinh quang. Theo cách thức mà Chúa Con đã vạch ra, thì hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi người được cấu thành qua chính bước đi lịch sử của mình từ cuộc tạo dựng, qua việc cải hoá khỏi tội lỗi, đi tới ơn Cứu Độ và viên thành. Cũng như Chúa Kitô đã biểu lộ quyền của Chúa trên tội lỗi và sự chết qua việc Ngài chịu khổ nạn và phục sinh, thế nên mỗi người cần đạt được quyền của Chúa qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần—không chỉ thống trị trái đất và loài vật (như Cựu Ước xác nhận)—mà chính yếu là vượt thắng tội lỗi và sự chết.

13. Theo Tân Ước, sự biến cải thành hình ảnh Thiên Chúa nói trên được hoàn tất qua các Bí Tích, trước hết như hiệu quả của sứ điệp Chúa Kitô sáng soi (2Cor 3:18-4:6) và của Phép Rửa (1Cor 12:13). Sự hiệp thông với Chúa Kitô chính là kết quả của niềm tin vào Ngài, và Phép Rửa qua đó ta chết đi cho con người cũ nhờ Chúa Kitô (Gal 3:26-28) để mặc vào con người mới (Gal 3: 27; Rom 13:14). Bí Tích Cáo Giải, Thánh Thể, và các Bí Tích khác cùng xác nhận và kiện cường chúng ta trong sự biến cải triệt để này theo phương cách cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Chúa Kitô. Do được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được kiện toàn trong hình ảnh Chúa Kitô do quyền uy Chúa Thánh Thần nơi các Bí Tích, cho nên chúng ta đều được Chúa Cha yêu thương ôm ấp.

14. Quan điểm kinh thánh về hình ảnh Thiên Chúa tiếp tục chiếm cứ một vị trí nổi bật sau này, mãi cho đến buổi hừng đông của tư tưởng thời mới. Có thể tìm thấy chỉ dấu về vị trí trọng tâm của chủ đề nơi các Kitô hữu tiên khởi khi họ nỗ lực giải thích việc Thánh Kinh cấm đoán các biểu trưng nghệ thuật về Thiên Chúa (x. Ex 20:2f; Dt 27:15) dưới ánh sáng cuộc nhập thể, bởi lẽ mầu nhiệm nhập thể minh chứng tính khả hữu của việc biểu tỏ Thiên-Chúa-làm-người trong thực tế nhân bản và lịch sử. Việc bảo vệ biểu trưng nghệ thuật về Ngôi Lời Nhập Thể và về các biến cố cứu độ trong cuộc tranh chấp đả phá thánh tượng thời thế kỷ thứ 7 và thứ 8 được đặt trên căn bản một hiểu biết sâu xa về ngôi hiệp, theo đó, trong “hình ảnh,” cái thuộc về Thiên Chúa không thể tách khỏi cái thuộc về loài người.

15. Nền thần học thời giáo phụ và thời trung cổ có một số điểm tách rời khỏi khoa nhân học kinh thánh nhưng lại khai triển một số điểm khác dựa trên khoa nhân học này. Tỉ dụ như phần lớn các vị đại diện cho Thánh Truyền không hoàn toàn ủng hộ quan điểm kinh thánh vốn coi hình ảnh là toàn thể con người. Một bước khai triển đầy ý nghĩa về trình thuật thánh kinh chính là phân biệt hình ảnh với sự tương đồng. Theo Thánh Hiêrônimô, người khai sáng lập trường này, thì “hình ảnh” chính là “methexis” (sự thông phần hữu thể học), còn “tương đồng” (mimesis) chính là một biến cải luân lý (Adv. Haer.V, 6, 1; V, 8, 1; V, 16, 2). Theo Tertullianô, Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và thổi hơi sự sống vào làm cho nó giống như (= tương đồng) với Ngài. Trong khi hình ảnh không bao giờ huỷ hoại được thì sự “giống như Chúa” (hoặc “tương đồng” với Ngài) có thể bị tội lỗi làm tan biến mất (Bapt. 5, 6. 7). Thánh Augustinô không hề chủ trương sự phân biệt này, nhưng ngài lại trình bầy một quan điểm về ‘imago Dei’ mang tính chất nhân vị, tâm lý và hiện sinh hơn. Theo ngài, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người mang một cấu trúc Tam Vị, phản ảnh cái thế ‘tam tài’ nơi phần hồn của con người (tinh thần, ý thức tự kỷ, và tình yêu) hoặc ba khía cạnh của tâm thần (ký ức, trí thông minh, và ý chí). Theo thánh Augustinô, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người hướng dẫn con người tìm về với Thiên Chúa qua kinh nguyện, tri thức và tình yêu (Tự Thú I, 1, 1).

16. Với Thánh Tôma Aquinô, ‘imago Dei’ mang một tính chất lịch sử, bởi vì nó trải qua ba giai đoạn: imago creationis (naturae), imago recreationis (gratiae), imago similitudinis (gratiae)--hình ảnh tạo dựng (bản tính), hình ảnh tái tạo (ơn sủng) và hình ảnh tương đồng (vinh quang) (S.Th. I q. 93 a. 4). Với Aquinas, ‘imago Dei’ chính là căn bản của việc thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Hình ảnh Thiên Chúa được thể hiện chính yếu trong hành vi chiêm ngưỡng của trí năng (S.Th. I q. 93 a. 4 và 7). Quan niệm này rõ ràng khác với quan niệm của thánh Bonaventura là người cho rằng hình ảnh được thể hiện chính yếu qua ý chí, trong hành vi tôn giáo của con người (Sent. II d. 16a. 2 q. 3). Cũng trong một nhãn quan thần bí tương tự, nhưng còn táo bạo hơn nữa, Meister Echkart đã linh hóa ‘imago Dei’ khi đặt nó ở chóp đỉnh của linh hồn, hoàn toàn thoát khỏi thể xác (Quint. I, 5, 5-7; V, 6. 9s).

17. Các cuộc tranh cãi trong thời cải cách chứng tỏ rằng nền thần học về ‘imago Dei’ vẫn giữ vững tầm mức quan trọng cho cả phía Tin Lành lẫn Công Giáo. Các nhà Cải Cách tố cáo phía Công Giáo là đã giản lược hình ảnh Thiên Chúa vào một thứ ‘imago naturae’ tức là một quan niệm tĩnh về bản tính con người, cũng như đã cổ võ cho tội nhân có thái độ ‘bình chân như vại’ trước mặt Chúa. Ngược lại, phía Công Giáo thì chỉ trích các nhà Cải Cách là đã chối bỏ thực tại hữu thể học của hình ảnh Thiên Chúa và giản lược nó trở thành một thứ tương giao thuần túy. Thêm nữa, phía Tin Lành luôn nhấn mạnh rằng hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội lỗi làm băng hoại, trong khi các thần học gia Công Giáo thì coi tội lỗi như làm tổn thương hình ảnh Thiên Chúa nơi con người.

Source: Communion and Stewardship: Human Persons Created in the Image of God, by International Theological Commission, www.catholicculture.org