Hiệp Thông Nhân Vị Và Quản Lý Tạo Vật (6)



III. Ngôi Vị và Cộng Đồng

40. Các nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa chính là các hữu thể có xác thân, và căn tính nam và nữ đòi hỏi con người dấn thân vào cuộc hiệp thông đặc biệt với nhau. Như ĐTC Gioan Phaolô II đã dậy, ý nghĩa hôn phối của thân xác được thể hiện trong sự thân mật, và tình yêu nhân loại được phản chiếu qua cuộc thông hiệp của Tam Vị mà tình yêu hỗ tương giữa các Ngài được thấy lan tỏa trong công trình tạo dựng và cứu chuộc. Chân lý này nằm ở ngay trọng tâm khoa nhân học Kitô giáo. Hữu thể con người được tạo dựng theo ‘imago Dei,’ rõ ràng xét như những ngôi vị có khả năng yêu thương và hiểu biết, vừa mang tính cá nhân vừa mang tính liên cá nhân. Chính do yếu tính của ‘imago Dei’mà con người trở thành những hữu thể xã hội và có tính tương giao với nhau, giữa một gia đình nhân loại, mang mối dây hiệp nhất được thể hiện và hình tượng hóa trong Hội Thánh.

41. Nói đến nhân vị là nói đến cả căn tính bất khả giản lược và nội tại tính cấu thành cá thể biệt loại, lẫn mối tương giao căn bản với các nhân vị khác vốn là nền tảng của cộng đồng nhân loại. Trong bối cảnh Kitô giáo, căn tính cá nhân này—vốn hướng mở về tha nhân—đuợc xây dựng chính yếu trên Ngôi Vị của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa không hề là một hữu thể cô độc, mà là một hiệp thông của Ba Ngôi Vị. Dựa trên bản tính Thiên Chúa, căn tính của Chúa Cha chính là Phụ tính của Ngài, mối tương giao của Ngài với Chúa Con và Chúa Thánh Thần; căn tính của Chúa Con chính là mối tương giao Ngài có với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; căn tính của Chúa Thánh Thần chính là mối tương quan Ngài có với Chúa Cha và Chúa Con. Mạc khải Kitô giáo đã đưa đến việc phát biểu khái niệm ngôi vị và đặt cho nó một ý nghĩa thần linh, Kitô học và Tam Vị. Quả vậy, không ai cô độc lẻ loi giữa vũ trụ cả, mà luôn được tạo thành cùng với tha nhân, để cùng với họ xây dựng nên một cộng đồng.

42. Kết quả là hữu thể cá biệt cũng là hữu thể xã hội. Hữu thể con người chỉ thực sự là con người khi nó hiện thực hóa cái yếu tố xã hội căn cốt này, xét như một nhân vị giữa lòng một cộng thể gia đình, tôn giáo, dân sự, chức nghiệp, cũng như các cộng thể khác vốn cùng nhau tạo thành xã hội con người. Trong khi xác nhận tính cách xã hội làm nền tảng cho hiện hữu con người, văn minh Kitô giáo đã thừa nhận giá trị tuyệt đối của nhân vị con người cũng như tầm quan trọng của các quyền cá nhân và tính đa nguyên của văn hóa. Trong trật tự tạo vật, luôn luôn có một mối căng thẳng giữa cá nhân và các đòi hỏi của đời sống xã hội. Tuy nhiên, nơi Ba Ngôi, ta thấy đuợc mối hài hòa tuyệt hảo giữa các Ngôi Vị khi cùng chia sẻ sự hiệp thông đời sống duy nhất của Thiên Chúa.

43. Mỗi cá nhân con người cũng như toàn thể cộng đồng nhân loại đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Trong duy nhất tính nguyên thủy của nó—mà Ađam là biểu tựợng—nhân loại đuợc tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuận theo ý định của Thiên Chúa, nhân loại trải qua những bước thăng trầm suốt dòng lịch sử của mình, trên đường đi tới một hiệp thông toàn hảo, cũng do thánh ý Thiên Chúa an bài, nhưng cần phải được thực hiện trọn vẹn. Theo ý nghĩa này, hữu thể con người chia sẻ tình liên đới của một duy nhất tính, một mặt đã hiện hữu, mặt khác lại còn phải hướng tới. Tuy cùng chia sẻ một bản tính nhân loại được tạo dựng và cùng tuyên xưng một Thiên Chúa Ba Ngôi hằng ngự trị nơi ta, thế nhưng ta vẫn bị tội lỗi xâu xé và hằng trông mong cuộc trở lại vinh thắng của Chúa Kitô, Đấng sẽ phục hồi và tái tạo sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn, qua công trình sau cùng là cứu chuộc tạo vật (x. Rom 8:18-19). Sự hiệp nhất này của gia đình nhân loại cần phải được thể hiện một cách cánh chung. Hội Thánh là bí tích cứu độ và vương quốc của Thiên Chúa: là Công giáo, Hội Thánh quy tụ mọi người lại với nhau dù khác biệt chủng tộc và văn hóa; là duy nhất, Hội Thánh đi tiên phong trong việc hiệp nhất toàn thể cộng đồng nhân loại theo Thánh Ý Chúa; là thánh thiện, Hội Thánh đuợc Chúa Thánh Thần thánh hóa và dùng các bí tích để thánh hóa mọi người; là tông truyền, Hội Thánh tiếp nối sứ mệnh của những người đã được Chúa Kitô tuyển chọn để dần dần hoàn tất sự hiệp nhất toàn thể nhân loại cũng như hoàn thành kế hoạch tạo dựng và cứu chuộc đúng theo Thánh Ý Chúa.

IV. Tội Lỗi và Cứu Độ

44. Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là những nhân vị được cấu tạo theo cách thức là có khả năng cưu mang lấy sự hiệp thông này một cách tự do. Tự do chính là món quà đến từ Thiên Chúa, nhờ đó, con người có thể chọn lựa sự hiệp thông mà Chúa Ba Ngôi trao tặng cho mình như là sự thiện hảo tối hậu. Nhưng nếu có tự do thì cũng có thất bại của tự do. Thay vì ôm ẵm sự thiện hảo tối hậu là thông phần đời sống Thiên Chúa, con người có thể--và thực sự đã—quay lưng lại, để thụ hưởng những thứ thiện hảo nhất thời, có khi chỉ là thiện hảo tưởng tượng. Tội lỗi chính là sự thất bại của tự do, chính là quay lưng chối từ lời mời gọi thông hiệp của Thiên Chúa.

45. Nhìn trong bối cảnh ‘imago Dei,’ vốn tự cơ cấu hữu thể học của nó đã mang tính chất căn cốt là đối thoại hoặc tương giao, thì tội lỗi—xét như một gẫy đổ trong tương quan với Thiên Chúa—chính là sự méo mó tạo ra cho ‘imago Dei.’ Ta có thể thấy đuợc các chiều kích của tội lỗi nếu nhìn trong ánh sáng các chiều kích của ‘imago Dei’ vốn bị tội lỗi làm phương hại. Tính chất xa rời Thiên Chúa một cách căn bản này cũng làm băng hoại mối tương giao với người khác (x. 1 Jn 3:17), và thực sự tạo ra nơi con người sự phân hóa xác và hồn, trí năng và ý chí, lý trí và tình cảm (Rom 7:14f). Nó còn ảnh hưởng đến sự hiện hữu thể lý, đem lại khổ đau, bệnh tật và sự chết. Thêm nữa, y như ‘imago Dei,’ tội lỗi cũng mang theo một chiều kích lịch sử. Chứng từ của Thánh Kinh cho ta thấy một nhãn quan về lịch sử tội lỗi, gây ra do việc từ chối lời mời thông hiệp của Thiên Chúa ngay từ buổi hừng đông của lịch sử nhân loại. Sau cùng, tội lỗi còn ảnh hưởng đến chiều kích xã hội của ‘imago Dei,’ khiến ta dễ phân biệt được các ý hệ và cơ cấu vốn là biểu lộ khách quan của tội lỗi và ngăn chận con người thể hiện hình ảnh Thiên Chúa.

46. Các nhà chú giải Kinh thánh Công giáo và Tin Lành ngày nay đều đồng ý rằng ‘imago Dei’ không bao giờ có thể bị tội lỗi hoàn toàn tiêu hủy được, bởi lẽ chính nó định tính cho cả cơ cấu bản tính nhân loại. Phần mình, truyền thống Công giáo luôn luôn nhấn mạnh rằng, cho dù có bị bóp méo hay làm băng hoại, ‘imago Dei’ không bao giờ có thể bị tội lỗi tiêu hủy được. Cơ cấu mang tính đối thoại hoặc tính tương giao của ‘imago Dei’ không bao giờ mất được, nhưng duới chế độ tội lỗi, bước đường đi tới việc thể hiện mang tính Kitô học đã bị chận lại. Hơn nữa, cho dù lịch sử tính có bị tội lỗi gây ảnh hưởng, cơ cấu hữu thể học của ‘imago Dei’ vẫn nguyên tuyền trước các hành vi tác yêu tác quái của tội lỗi. Trong bối cảnh này, như nhiều Giáo Phụ đã xác nhận khi phi bác các lập luận của phái Ngộ Đạo và Manikê, tự do—vốn định tính cho hành vi nhân linh và là nền tảng cơ cấu hữu thể học của ‘imago Dei,’—không thể bị triệt tiêu, ngay cả khi tình huống trong đó tự do được hành xử có bị tác động phần nào bởi hậu quả của tội lỗi. Sau hết, ngược lại với quan điểm cho rằng ‘imago Dei’ hoàn toàn bị tội lỗi làm băng hoại, truyền thống Công giáo luôn nhấn mạnh rằng ân sủng và ơn cứu độ chỉ là ảo tưởng nếu nó thực sự không biến cải được thực tại hiện hữu của bản tính con người, cho dù trĩu nặng tội lỗi đến đâu.

47. Hiểu trong bối cảnh thần học về ‘imago Dei,’ cứu độ chính là việc phục hồi lại hình ảnh Thiên Chúa qua Chúa Kitô, vốn là hình ảnh tuyệt hảo của Chúa Cha. Qua cuộc khổ nạn, cái chết, và phục sinh đem lại ơn cứu độ, Chúa Kitô khiến ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài qua việc ta thông phần vào mầu nhiệm Vượt Qua, để rồi tái tạo ‘imago Dei’ lại trong chiều hướng hiệp thông đời sống của Chúa Ba Ngôi. Trong bối cảnh này, cứu độ không là gì khác ngoài việc biến đổi và chu toàn đời sống cá nhân con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và nay được tái định hướng về việc thông phần thực sự vào đời sống Thiên Chúa, qua ân sủng cuộc nhập thể và ngự trị của Chúa Thánh Thần. Truyền thống Công giáo thật đúng khi nói đến việc hiện thể hóa nhân vị. Bị tội lỗi làm tổn thương đức ái, con người không thể hoàn tất được việc thể hiển chính mình nếu không có tình yêu tuyệt đối và từ ái của Thiên Chúa biểu lộ qua Chúa Giêsu Kitô. Nhờ cuộc biến đổi mang tính cứu độ này, qua Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, mọi sự trong vũ trụ cũng sẽ được biến đổi để rồi có thể chia sẻ vinh quang Thiên Chúa (Rom 8: 21).

48. Theo truyền thống thần học, con người bị tội lỗi làm xiểng liểng nên luôn cần được cứu độ, thế nhưng nó vẫn có niềm ao ước tự nhiên là được nhìn ngắm Chúa—capax Dei—điều này, xét như là hình ảnh Thiên Chúa, tạo thành một năng động tính hướng về Thiên Chúa. Tuy tội lỗi không thể tiêu hủy được, nhưng xu hướng này cũng không thể trở thành hiện thực nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Có nghĩa là tuy gặp phải nhiều trở ngại khi hướng vọng về Chúa, nhưng con người vẫn có khả năng nhận lãnh tác động cứu độ của Ngài. Các định thức truyền thống này vừa xác nhận rằng xu hướng con người hướng ngả về Thiên Chúa thì bất khả hủy hoại, lại vừa cho thấy ơn cứu độ thực sự thiết yếu. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người được truyền khiến—một cách tự nhiên—tiến đến sự vui hưởng tình yêu Thiên Chúa, thế nhưng chỉ duy ân sủng Thiên Chúa mới làm cho sự tự do thong dong hướng đến tình yêu này trở thành khả hữu và kiến hiệu. Như thế, ân sủng không chỉ là một thứ thuốc chữa trị tội lỗi, mà còn là một biến đổi đầy phẩm chất của tự do con người, thứ tự do mà Chúa Kitô làm thành khả hữu, và thứ tự do như được giải phóng để trọn vẹn hướng về sự Thiện Hảo.

49. Thực tại tội lỗi cá nhân cho thấy rằng hình ảnh Thiên Chúa không hề hướng mở về Thiên Chúa theo kiếu tất yếu và không hàm hồ, mà có thể lại khép kín vào chính nơi mình. Cứu độ là dùng thập giá để giải thoát con người ra khỏi cái xu hướng tự xưng tụng này. Khởi sự từ cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Kitô, mầu nhiệm vượt qua khiến cho mỗi người có thể thông phần vào cái chết cho tội lỗi, ngõ hầu tiến đến sự sống trong Chúa Kitô. Thập gía không hề là sự hủy hoại cho con người, mà là bước đường đưa đến nguồn sống mới.

50. Với con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, thì các hiệu quả của cứu độ có thể thủ đắc được qua ân sủng của Chúa Kitô, là Đấng—như một Ađam mới—trở thành đầu của một nhân loại mới và tạo dựng cho con người một tình huống cứu độ mới qua cái chết hy sinh vì tội nhân và qua sự phục sinh của Ngài (x. 1 Cor 15:47-49; 2 Cor 5:2; Rom 5:6ff). Như thế, con người trở thành một tạo vật mới (2 Cor 5:17) có khả năng sống một đời sống tự do mới, tự do thoát khỏi tội lỗi, và tự do hướng về đời sống.

51. Con người được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi lề luật, và khỏi đau khổ cũng như sự chết. Trước hết, cứu độ là giải phóng khỏi tội lỗi, để giao hòa với Thiên Chúa, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, cho dù phải liên tục phấn đấu chống lại tội lỗi (x. Eph 6:10-20). Hơn nữa, cứu độ không phải là giải phóng khỏi luật lệ mà là khỏi bất kỳ một chế độ duy luật nào chống lại Thánh Thần (2 Cor 3:6) và đi ngược lại tác động của tình yêu (Rom 13:10). Cứu độ đem lại sự giải phóng khỏi đau khổ và sự chết, trong ý nghĩa mới là sự thông phần mang tính cứu độ qua cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Con. Tiếp đến, theo niềm tin Kitô giáo, giải phóng khỏi tội lỗi là để được thong dong hướng về Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần; giải phóng khỏi lề luật để được tự do yêu mến chân thực; giải phóng khỏi sự chết là để tự do sống đời mới trong Thiên Chúa. Sự thong dong này có thể có được là nhờ Chúa Giêsu Kitô, Ngài là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, Đấng khôi phục lại hình ảnh Thiên Chúa nơi con người.

V. Imago Dei (hình ảnh Thiên Chúa) và Imago Christi (hình ảnh Chúa Kitô)

52. “Thực vậy, chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời mặc xác phàm mà mầu nhiệm con người mới thực sự được soi tỏ. Bởi lẽ Ađam, con người thứ nhất, là hình bóng của nhân vật phải đến, tức là Chúa Giêsu. Ngay giữa nguồn mạc khải về Chúa Cha và tình yêu Ngài, Chúa Kitô, vốn là Ađam mới, đã mạc khải trọn vẹn con người cho chính nó, và đã soi sáng cho tiếng gọi cao cả nhất của nó. Chính vì vậy mà tất cả mọi chân lý ta đã đề cập đến đều phải tìm thấy nơi Chúa Kitô nguồn mạch và hiện thân toàn hảo nhất” (GS 22). Đoạn văn thời danh này trích từ Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay thực sự thích hợp để kết luận cho bản tóm tắt các yếu tố chính yếu trong nền thần học về ‘imago Dei.’ Bởi vì chính Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải cho con người trọn vẹn hữu thể của nó, trong bản chất nguyên thủy, trong định mệnh sau cùng, và trong thực tại hiện thời của nó.

53. Nguồn gốc con người phải được tìm thấy nơi Chúa Kitô: bởi vì nó được tạo dựng “nhờ Ngài và trong Ngài” (Col 1:16), “là Ngôi Lời, cũng là sự sống…và ánh sáng của mỗi một con người đến trong trần gian này” (Jn 1:3-4, 9). Cho dù nói rằng con người được tạo dựng từ hư vô (ex nihilo) thì thật đúng, tuy nhiên, ta vẫn có thể bảo rằng con người được tạo dựng từ sư sung mãn (ex plenitudine) của Chúa Kitô, Ngài vừa là tạo hóa, vừa là trung gian, lại vừa là cùng đích của con người. Chúa Cha đã định liệu cho ta làm con cái Ngài, và “nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài là trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rom 8:29). Như thế, ý nghĩa của câu “được tạo dựng theo ‘imago Dei’” chẳng là gì khác ngoài ý nghĩa đã được mạc khải trong ‘imago Christi’. Nơi Ngài, ta nhìn thấy toàn thể sự thụ nhận từ Chúa Cha vốn phải là nét đặc trưng của hiện hữu con người. Cũng nơi Ngài, ta thấy được sự hướng mở về phía tha nhân trong thái độ phục vụ vốn phải là nét đặc trưng của mối tương giao ta có với các anh chị em trong Chúa Kitô. Và cũng chính nơi Ngài, ta cảm được lòng ưu ái và tình yêu thương tha nhân, điều mà Chúa Kitô—với tư cách là hình ảnh Chúa Cha—đã biểu lộ cho ta.

54. Nếu mọi khởi điểm của con người phải được tìm thấy nơi Chúa Kitô, thì cứu cánh của nó cũng vậy. Con người hướng ngả về vương quốc Chúa Kitô như là tương lai tuyệt đối, định mệnh sau cùng của hiện hữu con người. Bởi vì “mọi sự được tạo dựng nhờ Ngài và cho ngài” (Col 1:16), nên chúng tìm được hướng đi và định mệnh nơi Ngài. Chúa Kitô phải là sự sung mãn của con người, điều này chính là ý muốn của Thiên Chúa và được thể hiện vào thời cánh chung. Trong khi chờ Chúa Thánh Thần chu toàn việc thâu tóm tối hậu toàn thể nhân loại về với Chúa Kitô khi kẻ chết sống lại, thì con người đã chia sẻ việc trở nên tương đồng với Chúa Kitô ngay ở nơi đây, trong thời gian và lịch sử. Qua cuộc Nhập Thể, Phục Sinh và ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cái gọi là cánh chung đã có đây rồi; nó được khai mở, giới thiệu cho nhân loại, và cả sự thành toàn sau cùng của nó cũng đã được tiên liệu. Chúa Thánh Thần làm việc một cách nhiệm mầu nơi mọi người thành tâm thiện chí, trong xã hội và trên toàn thế giới, để biến cải và thần hóa con người. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần còn làm việc qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể vốn là hình ảnh tiên báo bữa đại tiêc trên trời, là thông hiệp trọn vẹn trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

55. Nằm ở giữa nguồn cội và tương lai tuyệt đối của con người chính là tình huống hiện sinh của nhân loại mà ý nghĩa tròn đầy của nó cũng chỉ có thể được tìm thấy nơi Chúa Kitô mà thôi. Ta đã thấy rằng chính Chúa Kitô—qua cuộc nhập thể, tử nạn và phục sinh—đã phục hồi lại nguyên trạng hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Col 1:20). Dù cuộc sống trĩu nặng tội lỗi, con người vẫn nhận được ơn tha thứ, và nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần, con người biết rằng mình được cứu độ và công chính hóa nhờ Chúa Kitô. Con người tăng triển trong việc nên giống Chúa Kitô và hợp tác với Chúa Thánh Thần là Đấng—qua các bí tích—tác tạo con người theo hình ảnh Chúa Kitô. Như thế, cuộc sống hằng ngày của con người phải là một nỗ lực làm cho mình ngày càng trở nên phù hợp hơn với hình ảnh của Chúa Kitô, và phấn đấu để dành chiến thắng cuối cùng cho Ngài trên trần gian.

(còn tiếp)