GIÁO XỨ THÁI HÀ THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO LUẬT SƯ LÊ TRẦN LUẬT VÀ CÁC CỘNG SỰ

Những ngày qua, tin về Luật sư Lê Trần Luật và cộng sự tại Văn phòng Luật sư Pháp Quyền bị sách nhiễu, ngăn cản đã gây nên tâm trạng bức xúc nơi rất nhiều giáo dân khắp mọi miền đất nước.

Nhiều lá thư đã được gửi đến cho luật sư bày tỏ tâm tình yêu mến, kính trọng, đề cao những đóng góp, sự can đảm của vị luật sư trẻ tuổi này. Nhiều người đã không kìm nén được sự căm phẫn khi chứng kiến ông cùng các cộng sự bị chính quyền sách nhiễu, cưỡng chế, tịch thu máy tính cách bất hợp pháp, ngăn cản không cho ông ra Hà Nội tiếp tục cùng các giáo dân Thái Hà đi tìm công lý.

Đối với các giáo dân thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, cách riêng đối với giáo dân giáo xứ Thái Hà, luật sư Lê Trần Luật, dù không phải người Công giáo, nhưng mọi người vẫn coi ông là một người đồng đạo, một người bạn, một vị ân nhân. Vì thế, những gì đang xảy ra cho ông và các cộng sự tại Văn Phòng luật sư Pháp Quyền, đối với các giáo dân Thái Hà, họ coi đó cũng là những biến cố xảy ra cho chính mình vậy.

Trong một lá thư gửi luật sư Lê Trần Luật, Peace Thái Hà, đã viết những dòng này:

“Thưa Chú, tuy Con còn nhỏ tuổi thế nhưng không vì thế mà Con không biết nhận thức và nhìn ra đâu là cái xấu và cái tốt của cuộc sống này. Con tin rằng với tất cả những việc làm sai trái của chính sách và chính quyền Cộng Sản Việt Nam không thể nào qua mắt được tiếng nói lương tâm và sự nhận thức của mọi người. chẳng ai lại ăn không ở rảnh để đi tranh đấu đòi tự do và quyền lợi của mình nếu như họ đã có được những quyền tối thiểu đó.

Mấy ngày nay theo dõi tình hình Các Cô Chú bị nhà nước theo dõi và khủng bố, Con rất bất bình vì hành động của người có chức có quyền mà hành xử ngang ngược như vậy.

Hôm nay vì họ sợ Chú ra Thái Hà giúp Các Bà, các Bác lấy lại Công Lý mà bị Công An bắt ngồi chơi hết một ngày như vậy, đúng là họ ở không quen rồi ăn cắp giờ làm việc chơi quen rồi, nên không biết quý trọng giờ giấc. Cứ qua những cái nhỏ như vậy thôi cũng đủ hiểu họ đã sống thế nào trên tiền thuế của dân chúng.

Chúng Con rất cảm phục Chú và những cộng tác viên của Chú. Con muốn nói nhiều lắm, nhưng Con sợ mất giờ của Chú và các Cô Chú khác.

Con chỉ xin nói lên, các Cô Chú hãy can đảm lên, dù Cô Chú gặp những thử thách bị bắt, bị hành hạ có thể họ dùng mưu mô để giết hại các cô chú, thế nhưng hình ảnh và tiếng nói từ lương tâm của Cô Chú luôn còn lại mãi với đời. Tin rằng mai này con cái của chúng con cũng sẽ được nghe đến tên của Cô Chú, những người đã can đảm nói lên tiếng nói của chính nghĩa và lẽ phải.

Con hứa cầu nguyện cho Cô Chú thật nhiều. Cầu chúc Cô Chú nhiều sức khỏe, khôn ngoan va can đảm.”

Một lá thư khác gửi từ Hà Nội của một cụ bà 71 tuổi, trong ngày xử án giáo dân Thái Hà, bà đã tìm mọi cách tiếp cận luật sư, ôm hôn ông để tỏ lòng kính trọng và yêu mến. Hôm nay, bà tả lại trong tiếng nấc nghẹn ngào:

“Buổi chiều hôm đó, sau khi xử, đoàn giáo dân đông đảo khoảng bốn năm trăm người, hiên ngang với cành thiên tuế trong tay tiến về xứ Thái Hà. Trên đường từ UBND phường Ô Chợ Dừa về giáo xứ Thái Hà khoảng ba cây số, chúng tôi đã đồng thanh hô vang: “Hoan hô Luật sư! Chúng tôi yêu mến anh …” Rất nhiều giáo dân mang hoa tặng anh, nhiều vòng tay ôm anh mà tôi già yếu không thể đến bên anh lúc đó được. Mãi đến khi giáo dân về tới nhà thờ Thái Hà, mọi người tiếp tục hô vang: “Hoan hô Luật sư! Chúng tôi yêu mến anh”, thì trong số đó có tôi – một bà già không cầm được nước mắt vì xúc động, vì yêu mến. Tôi đã len lỏi đến gần anh, đã ôm anh. Tôi đã ôm anh khi anh đã vào trong nhà khách Thái Hà hôm đó đấy.

Chúng tôi, với lòng tin vào Chúa, vào Mẹ Maria, Mẹ Công lý ở trên trời luôn cầu nguyện cho anh. Chúa và Đức Mẹ đã chọn anh, chọn cho 8 giáo dân Thái Hà một vị luật sư tốt lành, dũng cảm ở thế gian để bào chữa cho 8 giáo dân oan. Anh đã dũng cảm đứng về phía công lý mà bảo vệ công lý cho 8 giáo dân, 8 bị can “bị vu oan giá họa” của Thái Hà – một sự hy sinh, một hành động dũng cảm đáng kính trọng mà hiện nay không có nhiều luật sư như anh.

Nay nghe tin chính quyền đã khám xét, đã tịch thu những tài liệu, máy tính và những phương tiện làm việc của Văn phòng Luật sư tại Gò Vấp, Sài Gòn, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và bức xúc trước những việc làm sai pháp luật của chính quyền Sài Gòn. Chúng tôi xin chia sẻ với Luật sư và gia đình những “bất công” đang phải gánh chịu.

Xin Luật sư hãy nhận ở chúng tôi, những người giáo dân Việt Nam lòng biết ơn bằng lời cầu nguyện. Chúng tôi luôn bên cạnh anh và gia đình anh dù tương lai có thể anh sẽ còn phải chịu nhiều gian nan trong nghề nghiệp Bảo Vệ Công Lý của mình.”

Những ngày này, tại Hà Nội, câu chuyện đầu tiên mà các giáo dân hỏi nhau không phải chuyện giá vàng lên xuống, chuyện chính quyền Hà Nội xây dựng cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam …mà ở đâu người ta cũng hỏi nhau xem tình hình của luật sư Lê Trần Luật bây giờ thế nào. Nhiều nơi, nhiều người đã bắt đầu tổ chức các buổi cầu nguyện cho ông và các công sự viên của ông để bày tỏ sự hiệp thông, chia sẻ.

Tối 7/3/2009, giáo xứ Thái Hà đã tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện đầu tiên cho Luật sư Lê Trần Luật. Mấy nghìn con người, với ngọn nến sáng trong tay, đã cùng nhau cất cao lời kêu xin cho đất nước Hoà bình, cho dân oan, cho những người vì công lý mà bị đàn áp bất công, nhất là cho luật sư Lê Trần Luật, luật sư Hoàng Cao Sang, luật sư Huỳnh Văn Đông và các cộng sự luôn vững tin vào công lý, vào sự thật và lẽ công bình.

Mọi người không ai bảo ai, nhất tề nâng cao ngọn nến mỗi khi ca từ lên tới lúc cao trào: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời … Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí: ơn an bình”.

Nhiều bạn trẻ đã thổn thức khi cầm ngọn nến trên tay. Nhiều cụ già đã không cầm được nước mắt. Các cháu nhỏ cũng tích cực nâng cao ngọn nến lên cao khỏi đình đầu. Tất cả đều có chung một nguyện ước: “Mong sao Công lý, sự thật đến trên quê hương đất nước này”.

Trong tiết trời tháng ba gió lạnh, cái ước mong của mấy ngàn con người dưới ngọn nến sao đẹp và nồng ấm. Nó gửi đi vào thế giới, vào xã hội, vào tâm lòng những người yêu công lý, những luật sư, các nhà báo một thông điệp:

“Chỉ có sự thật mới giải phóng anh em”.

Nó cũng gửi tới các nhà lãnh đạo, những người đang lần mò trong bóng tối sự dữ, một lời cật vấn của lương tri:

“Tất cả sẽ là gì khi lịch sử sang trang? Chỉ có ánh sáng, sự thật là vĩnh cửu. Hãy bước đi trong ánh sáng để được cứu thoát”.

Mấy ngàn ngọn nến được thắp lên tại giáo xứ Thái Hà hôm nay, và những cánh thư tâm tình gửi đến luật sư Lê Trần Luật và các cộng sự của ông, cũng là những lời trần tình gửi tới các luật sư, các nhà báo:

“Các bạn hãy can đảm lên, chúng tôi luôn ở bên các bạn. Đừng sợ! Ánh sáng sẽ đẩy lui bóng tối! Chân lý và tình thương sẽ chiến thắng sự dối trá và tâm địa gian tà”.

Như ngọn nến tiêu hao trong ngọn lửa, đời người chỉ thực sự chiếu sáng khi chấp nhận hy sinh chính bản thân mình.

8/3/2009