LẠI BÀY TRÒ GÌ ĐÂY ?

Ngày 20 tháng 3 năm 2009, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội cử hai cán bộ toà tới tận nhà 8 giáo dân là bị cáo trong phiên toà phúc thẩm sắp tới để đặt giả thiết với các giáo dân rằng: “giả thiết trong phiên toà phúc thẩm sắp tới vì một lý do nào đó luật sư Lê Trần Luật không thể có mặt tại phiên toà thì các bị cáo nghĩ gì?” và “ các bị cáo đã có hai luật sư Hoàng Cao Sang và Huỳnh Văn Đông bào chữa thì đâu có cần ông Luật nữa?”.

Sau khi không thể thuyết phục được các giáo dân, hai nhân viên Toà án đã rút từ trong cặp ra thư mời các giáo dân có mặt tại Toà án vào sáng thứ hai, ngày 23 tháng 3 năm 2009, để “bàn về vấn đề luật sư cho Toà Phúc Thẩm”.

Thật nực cười khi Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội lại triệu giáo dân tới để bàn về vấn đề luật sư bào chữa???

Nếu ông luật sư có vấn đề gì về pháp luật thì cứ việc rút giấy phép hành nghề, tuyên bố ông không đủ tư cách luật sư để bào chữa cho các bị cáo trong phiên toà phúc thẩm sắp tới, có gì đâu phải bàn với cãi, nhất là phải đưa cán bộ tới tận nhà để đặt giả thiết với các giáo dân “nếu ông không có mặt”.

Bên cạnh đó, ngày 15 tháng 3 năm 2009, các bị cáo là giáo dân Thái Hà đã gửi Đơn Kiến Nghị tới Bộ Công an, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội… về việc “bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo” và đề nghị các cơ quan Nhà nước “tạo điều kiện giúp đỡ Luật sư Lê Trần Luật được thuận lợi ra Hà Nội bào chữa trong phiên toà phúc thẩm sắp tới”. Lập trường đã rõ ràng thế mà Toà án Nhân dân Hà Nội còn cử người tới thuyết phục và khi không thuyết phục được thì lại gửi giấy mời tới toà để “bàn về vấn đề luật sư bào chữa”.

Không biết chính quyền Hà Nội đang bày trò gì đây, nhưng có điều chắc chắn, nếu họ cứ tiếp tục ngăn cản luật sư Luật ra Hà Nội bào chữa cho các bị cáo là giáo dân Thái Hà trong phiên toà phúc thẩm sắp tới, thì họ đang ngang nhiên chà đạp lên Hiến Pháp và pháp luật được qui định tại điều 132, Hiến Pháp 1992: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình”; và vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về Quyền Con người mà Việt Nam đã long trọng ký kết, được qui định tại điều 14, khoản 3:

“Trong các vụ hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những bảo đảm tối thiểu sau đây:

a. Được tức thì thông báo tội trạng với đầy đủ chi tiết bằng ngôn ngữ mà họ thông hiểu.

b. Quyền có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị sự biện hộ và được quyền liên lạc với luật sư do mình lựa chọn.

c. Được xét xử mau chóng, không diên trì quá đáng.

d. Được hiện diện trong phiên xử để tự biện hộ hay nhờ luật sư biện hộ do mình lựa chọn; được thông báo về quyền này trong trường hợp tự biện hộ; và được quyền có luật sư biện hộ miễn phí vì nhu cầu công lý nếu bị cáo không có phương tiện mướn luật sư.

e. Được đối chất với các nhân chứng buộc tội và được quyền đòi nhân chứng và chất vấn các nhân chứng gỡ tội cho mình, theo cùng một thủ tục.

f. Được quyền có thông dịch viên miễn phí, nếu bị cáo không nói hay không hiểu ngôn ngữ của toà.

g. Được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng.”

Luật sư Lê Trần Luật và hai luật sư đã được tám giáo dân Thái Hà chọn, ký hợp đồng và đã được Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận bào chữa số 01/HS-GCNBC ngày 29/1/2009, thì không vì lý do gì mà họ không thể có mặt tại phiên toà phúc thẩm săp tới. Do đó, Toà án cũng chẳng có lý do gì để “bàn với các giáo dân về vấn đề luật sư nữa”. Cách giải quyết đúng đắn nhất là tôn trọng Hiến Pháp và pháp luật, cũng như tôn trọng các điều khỏan được qui định trong Công ước Quốc tế về quyền con người. Chính quyền không thể ngang nhiên vi phạm pháp luật.

Việc để cho luật sư Lê Trần Luật có mặt tại phiên toà phúc thẩm sắp tới sẽ là một quyết định khôn ngoan của nhà cầm quyền. Trái lại, nếu cứ cố tình giữ luật sư không cho ra Hà Nội sẽ chỉ làm cho người dân và người giáo dân thêm bức xúc và điều ấy cũng chứng tỏ rằng phiên toà phúc thẩm ngày 27 tháng 3 tới đây vẫn chỉ là một “phiên toà của ma quỷ và bóng tối”.

Việc Luật sư Luật có được ra Hà Nội tham gia bào chữa cho các giáo dân trong phiên toà phúc thẩm sắp tới vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Trong thực tế, những ngày qua, an ninh thành phố Hồ Chí Minh được triển khai dày đặc, công khai trước Văn phòng Luật sư Pháp quyền; đồng thời mỗi ngày, luật sư đều phải trình diện tại cơ quan an ninh Gò Vấp để giải trình các vấn đề chẳng liên quan gì tới vụ án. Nghe đâu, trong các cuộc nói chuyện với luật sư Luật, các cán bộ an ninh cho biết: “Anh Luật thông cảm, cái này là chỉ thị từ trung ương”; hỏi trung ương là ai thì được cho biết: “Bí mật quốc gia”.

Vụ xử phúc thẩm tám giáo dân Thái Hà đang rất gần. Dù người ta có bày trò gì, thì không có gì là không bị bóc trần dưới ánh sáng và lương tri con người.

21/3/2009