Vụ phúc thẩm 8 giáo oan Thái Hà đã khép lại. Bản án được giữ nguyên. Nhiều người đã tiên liệu trước và biết trước. Nhiều người còn biết trước cả những dự liệu mà chính quyền Hà Nội cố rắp tâm thực hiện nhưng đã không thành.

Trước phiên xử phúc thẩm 8 giáo oan Thái Hà, luật sư Lê Trần Luật, người đã đồng hành với tám giáo oan ngay từ ban đầu, đã bị chính quyền toa rập đánh hội đồng bằng những trò hèn hạ, từ việc ngăn cản ông ra Hà Nội tiếp cận các giáo dân, đọc hồ sơ, tới việc rút giấy phép kinh doanh, đóng cửa Văn phòng Luật sư Pháp quyền. Chiến dịch nhục mạ luật sư ngoài công an các loại còn có sự tiếp tay của các cơ quan truyền thông trong nước và các cấp lãnh đạo chóp bu. Việc ngăn cản và đánh chặn luật sư Lê Trần Luật có một mục đích gần là không cho ông tham gia bào chữa trong phiên toà phúc thẩm; nhưng mục đích xa là muốn tách ông ra khỏi phong trào cầu nguyện của người công giáo.

Chính quyền đã thành công trong mục đích thứ nhất, nhưng với mục tiêu thứ hai - mục tiêu quan trọng, thì chính quyền Hà Nội đã nhầm. Sự vắng mặt của luật sư Lê Trần Luật tại phiên toà phúc thẩm không những cho thấy sự sợ hãi của chính quyền trước phong trào cầu nguyện đang lên, mà còn làm cho người giáo dân yêu mến và kính trọng luật sư hơn. Từ đây, trong các buổi cầu nguyện của giáo dân cho công lý và hoà bình, thì luôn kèm theo ý nguyện cầu cho luật sư Lê Trần Luật và các cộng sự. Bên cạnh đó, sự vắng mặt của luật sư cũng cho thấy, phiên toà xứ phúc thẩm 8 giáo dân ngay từ ban đầu đã là một phiên toà thiếu công minh, không tôn trọng pháp luật.

Khi ngăn cản luật sư Lê Trần Luật tham gia bào chữa phiên toà, chắc hẳn chính quyền Hà Nội cũng nghĩ rằng sự vắng mặt của luật sư Luật tại phiên toà sẽ dễ dàng hơn cho các vị thẩm phán trong việc phán xử, kết tội các giáo oan, nhưng họ cũng đã nhầm. Hai vị luật sư trẻ tuổi do luật sư Luật giới thiệu đã không phụ lòng người đã giới thiệu mình, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà luật sư Luật đã uỷ thác.

Một sự việc khác cũng đã được chính quyền Hà Nội trù tính nhưng cũng đã bị phá sản, đó là việc toà án nhân dân thành phố Hà Nội chọn địa điểm xét xử các giáo dân tại cơ sở II, Nguyễn Trãi, Hà Đông. Họ nghĩ rằng đưa vụ án ra xa trung tâm thành phố sẽ giảm được số người tới dự phiên toà và từ Thái Hà giáo dân sẽ không thể diễu hành như tại phiên toà sơ thẩm. Trù tính là thế, nhưng với những cái đầu chỉ chuyên toan tính âm mưu hại người, chính quyền Hà Nội không thể nghĩ được rằng Hà Đông lại gần các giáo xứ đông dân Công giáo của tỉnh Hà Tây (cũ), nhất là từ khi sát nhập Hà Tây vào Hà Nội, chính sách thu hồi đất đai mấy tháng gần đây tại Hà Tây đang gây nên sự bức xúc cao độ nơi những dân oan, dân nghèo. Chính vì thế mà hôm phiên toà xét xử tám giáo dân tại Hà Đông, rất nhiều dân oan không phải là người Công giáo cũng đã có mặt tại phiên toà để hiệp thông với những người Công giáo. Họ cũng cầm lá thiên tuế, cũng hô to “vô tội”, chỉ khác là họ không biết hát Kinh Hoà Bình - lời kinh mà những Cảnh sát Cơ động có mặt hôm đó gọi là “Kinh đòi đất”. Điều mà chính quyền Hà Nội không bao giờ mong là sự liên kết giữa người Công giáo và dân oan thì nay đã xảy ra.

Cuộc diễu hành hơn 7km từ nhà thờ Thái Hà tới Hà Đông chắc sẽ mãi là bài học cho chính quyền Hà Nội trong việc đánh giá quá thấp sự kiên cường của các giáo dân Thái Hà. Họ không thể ngờ được rằng họ đã tạo cho các giáo dân một cơ hội ngàn vàng để được diễu hành trên phố, nhất là không ngờ được rằng, đối với các giáo dân, việc được diễu hành 7km vẫn còn ít, nên trong suốt buổi sáng ngày 27/3, các giáo dân đã diễu hành nhiều vòng quanh thị xã Hà Đông để biểu dương lực lượng. Đó là một cảnh tượng chưa từng thấy kể từ năm 1945 của thế kỷ trước, gây nhức mắt cho các quan chức chính quyền.

Ngoài những sự trù liệu đã bị phá sản đó, những ngày trước khi diễn ra phiên toà, chính quyền Hà Nội đã tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn về nội dung phiên toà, về cách ứng xử với giáo dân và nhất là chỉ đạo báo chí dọn đường để tìm ra người nào cầm đầu trong vụ việc Thái Hà. Tất cả các phiên họp đều xoay quanh vấn đề: “Phải tìm ra ai là người đứng đầu?” Báo chí những ngày này thi nhau đấu tố các linh mục giáo xứ Thái Hà, tuyệt nhiên không hề có dòng nào nhắc tới tám giáo dân bị oan.

Thế nhưng, khi tìm ra được người cầm đầu, thì chính quyền Hà Nội lại rất đau đầu vì không tìm được cách ứng xử. Tại phiên toà phúc thẩm, tám giáo dân đều được hỏi một câu: “Ai là người xúi giục bị cáo?” Bị cáo Nguyễn Đắc Hùng, khi được vị thẩm phán phiên toà xét hỏi: “Có ai xúi giục bị cáo không?”, thì anh Nguyễn Đắc Hùng đã đủng đỉnh trả lời: “Dạ, thưa có”. “Vậy người đó là ai?” Trả lời: “Chúa”. Chúa là người xúi giục các bị cáo làm theo sự mách bảo của lương tâm và con tim mình. Chắc chính quyền Hà Nội, những người không có công lý và sự thật, những kẻ vô thần, thì không bao giờ có thể hiểu được chuyện đó và sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu được rằng, người Công giáo một khi đã xác tín vào Chúa thì họ có thể chấp nhận chết để bảo vệ đức tin của mình.

Cổ nhân nói: “Người tính thì không bằng trời tính”. Chính quyền Hà Nội dù có tính bằng cách nào, nếu những dự tính ấy không đi trong sự thật, không vì công lý, không hợp lòng dân và ý trời, thì luôn bị phá sản.

Bài học ấy sao họ mãi không hiểu?

1/4/2009