CẦN GIỜ - Một trong những nét đẹp của mùa Chay là Chia Sẻ. Không phải có dư thừa ta mới có thể chia sẻ được nhưng miễn sao có tấm lòng là có thể sẻ chia được ngay. Với những người dù giàu có, du dư giả nhưng lòng khép lại thì cũng chẳng bao giờ có thể đến với người nghèo được. Giáo lý viên giáo điểm truyền giáo An Thới Đông chẳng có gì cả ngoài tấm lòng của những con người nghèo vùng biển mặn đã chia sẻ chút tấm lòng với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Các bạn giáo lý viên có nhiều hoàn cảnh khác nhau: người còn đi học, người đã đi làm và cũng có cả người thất nghiệp. Vì hoàn cảnh khác nhau nên kinh tế cũng eo hẹp theo mỗi kiểu mỗi cách khác nhau. Dù hoàn cảnh còn hạn chế nhưng trong dịp mùa Chay các bạn đã nảy sinh ra sáng kiến giúp người nghèo. Đã nghèo rồi còn giúp người nghèo nữa thì cũng là điều lạ ! Thế là trong mùa Chay, sự hy sinh nhỏ bé của các bạn hết sức thiết thực đã được các bạn vào ngày họp giáo lý viên định kỳ hàng tuần vào Chúa nhật IV Mùa Chay.

Chúa nhật V Mùa Chay, sau Thánh Lễ sáng, lót dạ bằng mấy gói mì Hảo Hảo từ tấm lòng hảo tâm của những ân nhân trên Sài Thành, các bạn đã lên đường. Buổi lên đường chia sẻ với người nghèo sáng nay có sự “tháp tùng” với 2 thầy Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế.

Điểm đến đầu của các bạn là gia đình ông Nguyễn Văn Kính. Ông ở khu Rạch Lá – An Thới Đông – Cần Giờ. Ông Kính năm nay 61 tuổi, gia đình ông theo đạo Cao Đài. Ông thuộc hoàn cảnh gia đình nghèo và neo đơn. Ông sống nhờ vào tấm lòng thơm thảo của bà con láng giềng quanh nhà ông cũng như những đợt cứu trợ của các ban ngành đoàn thể từ Sài Thành xuống. Sáng hôm nay, ông vui hơn khi thấy các bạn trẻ “của nhà thờ” đến thăm ông. Qua những câu hỏi chân tình, các bạn giáo lý viên biết thêm một chút về đạo Cao Đài của ông. Tự do tín ngưỡng, chia sẻ là chia sẻ chứ không phân biệt tôn giáo, không phân biệt màu da !

Cái nghèo hình như cứ muốn ôm chầm lấy xã nghèo An Thới Đông. Chỉ có những ai xuống thực tế vào những khu nghèo như Rạch Lá, Tắc Ráng, Bầu Thơ – Hốc Quả mới thấy được tận mắt cái nghèo. Có nhà không có tiền lát nổi cái nền xi măng cho cái gia đình nhỏ bé của mình. Có nhà không đủ ghế để ngồi cho khách và khách chỉ còn một cách duy nhất là tìm 1 chỗ bên cái giường ngủ ọp ẹp của gia đình.

Giáo lý viên đến thăm bệnh nhân dị tật bẩm sinh (chân bị tật, người co rút) là anh Phạm Văn Tròn (40 tuổi). Hiện anh Tròn đang sống nương nhờ vào người anh trai nghèo của mình. Người anh trai dấy phải vất vả tìm kế mưu sinh nay lại phải “đèo” thêm người em tật nguyền. Tật thì tật, nguyền thì nguyền, lẽ nào người anh đành tâm bỏ đứa em kém may mắn hơn mình.

Nghèo vì đơn chiếc, nghèo vì bệnh tật và cũng có cái nghèo vì “con đàn cháu đống”. Giáo lý viên rời gia đình cụ bà nghèo khổ ấy đến gia đình anh Mạnh – chị Thu. Phúc đức ơn trời để lại hay sao mà anh chị đông con quá ! Dù cố gắng mò cua bắt ốc mỗi ngày nhưng làm sao có cua và ốc để bắt mỗi ngày. Thế là bữa no bữa đói nó cứ đeo bám gia đình anh Mạnh – chị Thu từ ngày hai anh chị thành vợ thành chồng.

Rời khu Rạch Lá nghèo, giáo lý viên ngược ra xã An Thới Đông để đi vào Bầu Thơ – Hốc Quả. Tên Bầu Thơ – Hốc Quả nghe qua thật là nên thơ và dễ thương nhưng khi vào Bầu Thơ – Hốc Quả chẳng còn cảm hứng để làm thơ nữa vì lẽ vào được Bầu Thơ – Hốc Quả quả là một “kỳ công”. Muốn vào đó chỉ đi xe đạp và có những đoạn phải vác con “ngựa sắt” của mình mới có thể vào đó được. Thật ra thì Bầu Thơ – Hốc Quả nay đã khá hơn trước nhiều.

Vào Bầu Thơ, giáo lý viên đến với cụ bà Võ Thị Nghiêm năm nay 79 tuổi. Bước vào tuổi bát tuần nhưng cái nghèo nó đã đeo bám cụ bà Nghiêm từ thuở còn thơ. Hiện giờ bà đang sống với người con trai út 39 tuổi bị dị tật ở mắt. Tưởng chừng đó là khó khăn cho cụ bà nhưng còn nữa, chung mái mà lá của bà là đứa cháu trai 14 tuổi bị bệnh Down. Hiện bà được người con trai Võ Văn Kéo hàng ngày mò cua bắt ốc đắp đổi qua ngày.

“Người nghèo lúc nào cũng ở bên cạnh các ngươi”. Lời Chúa Giêsu nói chẳng sai mà còn quá đúng nữa với cái xã hội mà ngày nay phân cách giàu nghèo quá lớn. Với một thành phố phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn bên nách của mình những vùng quá nghèo. Ở An Thới Đông này người dân không chỉ nghèo về vật chất mà còn nghèo cả tri thức, nghèo cả tinh thần nữa.

Thời gian trôi qua thật nhanh, chẳng có gì cả so với những đoàn cứu trợ này nọ từ Sài Thành xuống, chỉ có tấm lòng, tấm lòng ấy lại nhỏ bé và đơn sơ.

Buổi thăm viếng đã để lại trong lòng kẻ thăm và người được viếng tấm lòng của những người nghèo. Giáo lý viên đa phần sinh ra ở những gia đình nghèo, thậm chí có bạn còn ở trong hoàn cảnh bữa no bữa đói nhưng nhờ những hy sinh, những chuyến thăm viếng như thế này như là chút “lửa” giữ lại lòng yêu mến người nghèo của những người nghèo. Đẹp thay những tấm lòng “lá rách đùm lá nát”.