Với Chúa Nhật Lễ Lá, Giáo Hội bước vào Tuần Thánh. Tam Nhật Vượt Qua là trọng tâm của đời sống đức tin ở đó Kitô hữu được mời gọi tưởng niệm cuộc thương khó, cái chết trên thập giá và hướng đến niềm vui phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu. Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội hướng về Tiệc Ly nơi đó Đức Giêsu cử hành với các Tông Đồ bữa tiệc Thánh Thể đầu tiên. Chính Ngài đã truyền dậy Giáo Hội tiếp tục cử hành màu nhiệm thánh này. Trên đường tiến về Thiên quốc mà Đức Giêsu đã khai mở, Thánh Thể là lương thực không thể thiếu cho mọi Ki tô hữu.

Sứ mạng của Đức Giêsu

Đức Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian với sứ mệnh cứu chữa những người tội lỗi. Người là vị Mục Tử nhân lành đến để hiến mạng sống mình vì đàn chiên (xem Ga10,14-15). Giáo Hội với tư cách là Nhiệm Thể của Chúa Kitô luôn trung thành với sứ mạng trình bày khuân mặt vị Hôn Phu của mình cho nhân loại khắp nơi thuộc mọi thời đại. Giáo Hội nhấn mạnh đến chiều kích của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, nguồn mạch và trung tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Chính vì thế, Bí Tích này không ngừng được Giáo Hội cử hành cho đến ngày Đức Giêsu trở lại thế gian trong vinh quang.

Bữa Tiệc Ly thứ Năm Tuần Thánh

Bí tích Thánh Thể được thiết lập trong bữa ăn. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu dùng bữa ăn cuối cùng với các Tông Đồ. Bữa ăn thường diễn ra trong bầu khí gia đình và cộng đoàn. Người đồng bàn có những mối liên hệ gần gũi và có chung những dự phóng. Sẽ không còn là một bữa ăn đúng nghĩa nếu không có chiều kích xã hội, cộng đoàn hay những người đồng bàn. Chia sẻ bữa ăn với ai đó đồng nghĩa với việc nói với họ rằng chúng ta không những muốn người ấy được sống mà còn muốn nói rằng họ được mời dự tiệc hay họ được nhìn nhận. Cùng nhau quây quần bên bàn tiệc với các món ăn trên đó còn mang ý nghĩa chia sẻ « sản phẩm từ ruộng đất và công lao của con người » (xem sách lễ Rôma). Điều đó giúp chúng ta cùng nhau ý thức về khả năng lãnh nhận và chia sẻ.

Trình thuật Thánh Thể và công thức truyền phép

Đức Giêsu trao ban máu thịt mình làm của ăn mang lại sự sống đời đời cho con người. Ngài muốn giới răn yêu thương, cử chỉ phục vụ qua việc rửa chân cho các môn đệ và việc trao ban chính mình Ngài phải được thực hiện ngày qua ngày: « Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy » (1Cor 11,24). Làm, ăn, uống là những hành động được lặp lại trong cuộc sống thường nhật. Chúng quy tụ con người với con người và với các loại thụ tạo. Ăn uống không đơn thuần nhằm thỏa mãn cơn đói khát mà còn bao hàm hành vi trao ban và lãnh nhận. Qua đó giúp chúng ta kiện toàn một cách viên mãn sự rộng mở tấm lòng quảng đại cho tha nhân (xem: responsabilité, partage, Eucharistie, trang 173-Anselme Sanon).

Cụm từ « bẻ bánh » (Cv 2,42) gợi nhớ một chuỗi hành động của Đức Giêsu: chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho nhấn mạnh đến khía cạnh chia sẻ trong hiệp nhất. Khía cạnh này càng phải được lặp đi lặp lại trong cuộc sống thường nhật.

Hiệp lễ và sứ mạng đi kèm

Khi cùng nhận một thân thể Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi xây dựng cộng đoàn do chính Đức Kitô quy tụ. Trong cùng một thân thể đó các chi thể có sự tương hỗ lẫn nhau. Theo đó, chúng ta được mời gọi trở nên nhạy bén trong việc chia sẻ của ăn áo mặc với những người túng thiếu. Vào ngày chung thẩm, Đức Giêsu phán xét về những điều mà chúng ta đã không làm cho tha nhân (xem Mt 25).

Cộng đồng cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng luôn nhớ đến những người vắng mặt, đặc biệt những người vì bệnh tật mà không đến tham dự được. Thánh Thể cất giữ trong Nhà Tạm là vì lý do này.

Việc ăn cùng một tấm bánh được bẻ ra tự nó đã khẳng định sứ mạng dấn thân. Cuộc đấu tranh chống lại sự xấu giúp chúng ta kết hợp với cuộc đấu tranh của Đức Giêsu, Người đã hiến mạng sống mình để đem lại sự sống đến cho nhân loại. Được quy tụ bởi cùng một bàn tiệc và chia sẻ cùng một tấm bánh, chúng ta được kêu mời cùng nhau dấn thân để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô qua từng biến cố của Ngài: sự sống, sứ mạng, sự chết, sự phục sinh, cuộc chiến đấu và chiến thắng của Người (xem: Jésus-Christ pain rompu pour un monde nouveau).

Nghi thức được sai đi hay phần kết thúc thánh lễ

Cuối thánh lễ, sau khi ban phép lành cho cộng đoàn, vị chủ tế hoặc phó tế nói: « Thánh lễ đã xong chúc anh chị em ra đi bình an ». Theo đó người tham dự được sai đi để chia sẻ và loan báo Tin mừng mà họ vừa mới cùng nhau cử hành (xem: Théo, trang 963). Chúng ta không những cần phải chia sẻ với người nghèo túng thiếu mà còn phải vừa đấu tranh chống lại bất công, vừa xây dựng nền hòa bình và tình huynh đệ theo chiều kích phổ quát (xem: l’Eucharistie, pain nouveau pour un monde rompu,trang192).