Biến cố Notre Dame và vấn đề bản sắc Công Giáo

Dù tới tận ngày 17 tháng Năm, Ông Obama mới tới Đại Học Notre Dame để đọc diễn văn và nhận bằng danh dự, nhưng việc mời ông ta đến đó mỗi ngày một lôi kéo nhiều thức giả hơn vào cuộc tranh luận gay gắt.

Thái độ của Hội Đồng Giám Mục Mỹ

Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Mỹ liên quan đến căn tính Công Giáo của các trường đại học đã được công bố từ năm 2004 trong đó có điều khoản không được cấp phát bất cứ danh dự hay dành bất cứ bục giảng nào cho những người công khai đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội. Vì vậy vụ Đại Học Notre Dame cho mời ông Obama, một người tích cực thi hành các chính sách công khai đi ngược lại giáo huấn kia, tới nói truyện và nhận lãnh văn bằng danh dự không cần phải có tiếng nói chính thức của Hội Đồng Giám Mục Mỹ nữa. Tuy thế, trong tư cách chủ tịch Hội Đồng này, ĐHY Francis George, TGM Chicago, vừa lên tiếng cho rằng quyết định của đại học Notre Dame đã khiến người Công Giáo hết sức bối rối. Tuần trước, tại một hội nghị bàn về các vấn đề đạo đức sinh học, dựa trên tài liệu năm 2008 của Vatican tựa là “Dignitas Personae” (Phẩm Giá Con Người), vị HY này nói thêm rằng: “Dù sao, điều rõ ràng là Đại Học Notre Dame, khi đưa ra lời mời trên, đã không hiểu làm người Công Giáo phải như thế nào, và đã không dự liệu được sự phản đối to tiếng tiếp theo sau lời mời ấy, ít nhất cũng theo mức độ như đã xẩy ra”.

ĐHY George cho rằng chắc chắn đại học này sẽ không rút lại lời mời trên, vì chức vụ tổng thống Hoa Kỳ xứng đáng được mọi người kính trọng, bất kể người đang nắm giữ nó là ai. Vả lại, theo ĐHY, lời yêu cầu rút lại việc mời trên chắc chắn cũng không được ai lắng nghe. Tuy nhiên, ngài cho hay: người ta có quyền tổ chức một hình thức phản đối nào đó đối với việc ấy. Trong khi ấy, chủ tịch đại học Notre Dame là linh mục Jenkins đã chính thức bác bỏ các yêu cầu như trên, vì cho rằng việc ngài mời ông Obama tới nói truyện không có nghĩa là ngài ủng hộ mọi chính sách của vị tổng thống phò phá thai này. Ngài mời tổng thống Hoa Kỳ, chứ không phải cá nhân ông Obama.

Đức HY George không phải là vị giáo chủ Mỹ duy nhất lên tiếng chỉ trích quyết định của ĐH Notre Dame. Đức TGM Timothy Dolan, người sắp sửa đảm nhiệm tổng giáo phận New York, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, cũng gọi quyết định ấy là “lỗi lầm lớn”. Còn ĐHY Daniel DiNardo, TGM Galveston-Houston và là chủ tịch sắp đến của ủy ban phò sự sống của Hội ĐGM Hoa Kỳ, thì tỏ bày sự “thất vọng sâu xa” và nói rằng quyết định ấy đòi người ta phải chỉ trích một cách tuy bác ái nhưng phải cương quyết.

Cũng nên nhớ: Đức Cha John D'Arcy, Giám Mục giáo phận Fort Wayne-South Bend, nơi toạ lạc của ĐH Notre Dame, đã chính thức tuyên bố không tham dự cuộc nói truyện của Obama tại đó, không phải vì khinh miệt chức vụ tổng thống, mà chỉ vì lương tâm mục tử của mình. Trong khi đó, Hội ĐHY Newman đã thu thập được hơn 215,000 chữ ký phản đối cuộc nói truyện này. Và một cuộc thăm dò trên tờ The Observer của sinh viên cho thấy 70% các cựu sinh viên của Trường (hiện lên tới 120,000 người) phản đối quyết định mời Obama tới nói truyện

Giọng nói khác

Cựu chủ tịch Hội ĐGM Hoa Kỳ lại không nghĩ như thế. Trong một bài trên tờ America của các cha Dòng Tên, ngày 30 tháng Ba vừa qua, tựa là “A Critical Moment”, Đức TGM John R. Quinn nhận định rằng không nên phản đối cuộc nói truyện và trao tặng văn bằng danh dự nói trên dù người nói truyện và lãnh nhận văn bằng danh dự ấy có tiếng là phò phá thai, đi ngược hẳn lại giáo huấn của Giáo Hội. Dựa vào lời của Thánh Augustinô được “Sách Chỉ Đạo Thừa Tác Vụ Giám Mục” trích dẫn, Đức TGM Quinn cho hay: nhiều hoàn cảnh ta không thể giải quyết bằng khắt khe hay ác nghiệt. Theo Đức Cha, vì phạm vi đưa ra quyết định của vị giám mục rất rộng, nên phạm vi sai lầm của ngài cũng rất lớn dù ngài có ý ngay lành đến đâu; điều này buộc ngài phải mở cửa đối thoại với người khác, luôn luôn sẵn sàng học hỏi, tìm kiếm và chấp nhận lời khuyên của họ.

Chắc nhiều người còn nhớ Đức Cha John R. Quinn hiện là Tổng Giám Mục về hưu của San Francisco, một giáo phận do ngài chăm sóc trong các năm 1977 tới 1995. Ngài cũng từng là chủ tịch cả Hội Đồng Toàn Quốc Các Giám Mục Hoa Kỳ (USNCCB) lẫn Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ (USCC) từ 1977 tới 1980. Lúc giữ hai chức vụ này, ngài hướng dẫn dư luận Công Giáo toàn quốc trong khá nhiều vấn đề hết sức đa dạng, từ tính hợp luân của vũ khí hạch nhân, nơi nương náu cho các người tị nạn Trung Mỹ, đến các cố gắng nhằm hủy bỏ phán quyết Roe vs Wade và tái lập việc bảo vệ của luật pháp đối với trẻ em chưa sinh ra…

Tiếng nói của ngài trong cuộc tranh luận hiện nay, vì thế, khá có đồng cân vì nó đụng đến chính vấn đề ấy: quyền sống của trẻ chưa sinh. Đức TGM Quinn, nhân cơ hội có tính quá độ này, đã đặt ra 3 câu hỏi, được ngài mô tả là khó nhá nhưng đâm rất sâu (penetrating), để mọi người cùng suy nghĩ trước khi “trận chiến trở thành nặng nề khó khăn hơn”.

1. Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu tổng thống bị buộc không xuất hiện tại Notre Dame, bất kể vì ông tự ý rút lui hay vì Trường này rút lại lời mời? Liệu có vì thế mà phong trào phò sự sống thăng tiến hơn tại Mỹ không? Nếu tổng thống bị buộc phải rút lui, liệu việc ấy có gia tăng sự hợp tác giữa Giáo hội Công Giáo và Chính Phủ hay không, hay nó sẽ tạo thêm căng thẳng và làm sâu thêm sự thù nghịch? Nếu tổng thống bị buộc phải rút lui, liệu có vì thế mà nạn phá thai ở Mỹ sẽ giảm thiểu đi hay không? Liệu việc ông rút lui vì bị áp lực như thế có dẫn nhiều người hơn vào phong trào ủng hộ sự sống hay không?

2. Nếu tổng thống bị buộc phải rút lui, việc ấy sẽ tác động ra sao tới hình ảnh về Giáo Hội? Liệu nó có tăng tiến sứ mệnh của Giáo Hội không? Liệu nó có tạo nên được một thái độ tích cực hơn đối với Giáo Hội Công Giáo hay không?

3. Nếu tổng thống bị buộc phải rút lui, sự kiện ấy sẽ được (bị) sử dụng ra sao? Liệu nó có bị sử dụng để liên kết Giáo Hội với các phần tử kỳ thị chủng tộc hay cực đoan tại xứ sở này hay không? Liệu việc trục xuất vị tổng thống Mỹ gốc Da Đen đầu tiên ra khỏi khuôn viên một trường đại học Công Giáo có bị coi là thiếu nhậy cảm một cách thô thiển đối với cái gia tài kỳ thị sắc tộc từng đè nặng lên nước Mỹ từ rất lâu nay hay không? Liệu nó có bị sử dụng để minh họa các giám mục như những người ủng hộ đảng phái chính trị này hơn đảng phái chính trị kia hay không? Liệu hành động ấy có bị coi là bằng chứng kết tội các giám mục Hoa Kỳ không chịu thành thực tìm kiếm đối thoại trong các vấn đề chính sách quan trọng, mà chỉ tìm kiếm sự nhu thuận của người khác hay không?

Đặt xối xả một tràng câu hỏi theo một hướng khá tiêu cực như thế cũng đủ cho thấy vị giám mục về hưu này bức xúc, bực dọc như thế nào trước các phản ứng gần đây của nhiều tín hữu và các chủ chăn Công Giáo đối với việc đại học Notre Dame mời ông Obama tới nói truyện và lãnh bằng danh dự.

Người ta sợ vì vậy các câu giải đáp của ngài không được khách quan bao nhiêu. Theo Đức Cha Quinn, các câu hỏi trên không phải là những câu hỏi có thể coi thường. Ngài viết: trong suốt hơn 200 năm lịch sử, các giám mục Mỹ chỉ đưa ra các phán quyết về chính sách chứ chưa bao giờ đưa ra các phán quyết về những con người hoạt động chính trị. Vì các ngài luôn nghĩ rằng chủ trương ấy mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn cho sứ mạng của Giáo Hội. Điều ấy không hẳn là cơ hội chủ nghĩa mà là đức khôn ngoan (prudence). Theo Đức Cha Quinn, các thánh đã dùng nhiều từ ngữ để gọi nhân đức khôn ngoan này: minh biện (discretion), biện biệt (discernment), khôn ngoan thực tiễn (practical wisdom). Thầy dạy vĩ đại nhất về đức khôn ngoan biện biệt là Thánh Inhã thành Loyola. Về điểm này, Thánh Inhã nhắc tới cơn cám dỗ của điều tốt. Không phải mọi điều xem ra tốt đều tốt cả. Cân nhắc, biện biệt và minh biện là điều không thể không có ngay cả trong những sự việc bề ngoài xem ra rất tốt. Luôn luôn có vấn đề kép trong chính mục tiêu và phương tiện đạt mục tiêu ấy. Cái này có thể tốt, nhưng cái kia rất có thể xấu.

Đức Cha bảo: người Công Giáo Mỹ rất biết ơn đối với chính sách tách biệt (separation) giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Nhưng sự tách biệt ấy không phải là sự tách biệt giữa Giáo Hội và xã hội. Nhà Nước đâu phải là xã hội. Trong khi ấy, Giáo Hội có một vai trò chính đáng trong xã hội và được quyền tự do tôn giáo do hiến pháp bảo đảm. Các vị giám mục, vì thế, có quyền và có nhiệm vụ phải lên tiếng trong các vấn đề luân lý liên hệ đến các chủ đề công cộng. Nhưng không vì vậy mà chúng ta quên rằng có nhiều giới hạn, do khôn ngoan, do luân lý và do chính trị, đối với vai trò của các giám mục trong các vấn đề công cộng.

Từ nhận định tổng quát rất đúng trên đây, Đức Cha Quinn cho rằng: “Ta phải hết sức nghiêm chỉnh cân nhắc các hậu quả nếu các giám mục Mỹ bị coi là tác nhân gây bối rối công cộng cho vị tổng thống tân cử bằng cách buộc ông phải rút lui không xuất hiện tại một đại học Công Giáo nổi tiếng. Các giám mục và tổng thống đều phục vụ cùng một đoàn ngũ công dân của cùng một quốc gia này. Ích lợi của cả Giáo Hội lẫn quốc gia sẽ được phục vụ, nếu hai bên biết làm việc với nhau một cách hợp tính công dân (civility), trung thực và thân ái vì ích chung, ngay cả lúc có những chia rẽ sâu sắc, như trong vấn đề phá thai chẳng hạn”.

Theo Đức Cha, phương thức “nắm đấm” (clenched fist) chắc chắn không tạo được bất cứ tiến bộ nào cho vấn đề trên cũng như nhiều vấn đề quan tâm chung khác. Ngài bảo: ông Obama đã chứng tỏ là người có thiện chí, thông minh, muốn lắng nghe và có khả năng biết nghiêm chỉnh cân nhắc quan điểm của người khác. Do đó, ngài khuyên các đồng nhiệm giám mục của mình phải đối thoại với ông ta như lời Thánh Augustinô đã được “Sách Chỉ Đạo Thừa Tác Vụ Giám Mục” trích dẫn trên đây.

Lạc đề

Bài viết của Đức Cha Quinn kết thúc ở đấy và liền được 58 độc giả góp ý. Đại đa số các độc giả này không đồng quan điểm với Đức Cha. Teresa Collett chẳng hạn cho rằng các luận điểm của Đức Cha làm người ta quên khuấy vấn đề chủ yếu liên quan tới lời mời của ĐH Notre Dame và việc ĐH này cấp bằng danh dự cho ông Obama. Vấn đề đó là: phải chăng Giáo Hội chủ trương bảo vệ mọi hữu thể nhân bản, dù đó chỉ là những con người nhỏ bé tí hon, hay là trân qúi việc “hợp tác” trong các vấn đề kém giá trị hơn so với sự sống của các anh chị em chưa sinh của chúng ta? Mà việc Đức Cha sử dụng từ ngữ “hợp tác” cũng rất đáng chú ý. Vì thành tích “hợp tác” với Giáo Hội của tân tổng thống trong việc bảo vệ mọi mạng sống nhân bản ai ai cũng rõ đã thảm hại như thế nào rồi. Khó có thể tưởng tượng ra một thành tích nào kém hợp tác hơn thế trong một thời gian ngắn ngủi kỷ lục vừa mới nhậm chức.

Collett cũng bác bỏ việc coi hành vi chống đối lời mời ông Obama tới nói truyện và nhận bằng danh dự là một hành vi kỳ thị sắc tộc. Theo Tom Farrelly, quan điểm này không đúng chút nào. Vì không thể dùng sắc tộc của Obama để miễn trừ ông khỏi mọi chỉ trích. Ông làm sai, thì dù ông là người da trắng hay người da đen, ông vẫn bị chỉ trích như thường. Mà ai cũng biết Obama là người cực đoan ủng hộ nạn phá thai vì bất cứ hoàn cảnh nào, cho nên coi việc ông tới Notre Dame như một “đối thoại” quả là đi ngược lại sự thật.

Còn John McCarthy thì nhận định rõ hơn, cho rằng Đức Cha Quinn đã không bàn tới vấn đề chủ yếu. Vấn đề ở đây là liệu hành động mời ông Obama tới nói truyện và nhận bằng danh dự tại ĐH Notre Dame là đúng hay sai, chứ đâu phải là vấn đề ĐH ấy có nên rút lại lời mời này hay không. Bernie Tracey đồng ý không nên rút lại lời mời, vì điều đó có hại hơn có lợi, tuy nhiên, cái thiếu sót của Đức Cha Quinn là không nhận định chút nào về sự khôn ngoan của ĐH Notre Dame khi đặt lời mời ông Obama.

Biện giải

Cha Joseph, Dòng Tên, một cựu sinh viên của Notre Dame, thì cho rằng thay vì minh biện, biện biệt, Đức Cha Quinn chỉ muốn biện giải, chỉ muốn lý giải (rationalizing). Giáo huấn của Giáo Hội không phải đem ra thị trường để mặc tình thao túng. Nó thế nào thì nó thế ấy, một là chấp nhận nó hai là bác bỏ nó. Nếu vị chủ tịch một đại học Công Giáo bác bỏ giáo huấn này, thì tốt nhất nên bỏ cái tước Công Giáo khỏi nhãn hiệu của Đại Học. Theo cha, ta nên “ngưng cái việc biện giải và xin lỗi về điều ta giảng dạy trong Giáo Hội Công Giáo. Ta cần các vị giám mục như Đức Cha Chaput, người không sợ nói đúng sự thật. Tại sao một vị giám mục lại sợ không dám nói sự thật của Giáo Hội”.

Dale Price thì tin là Obama rất thông minh nhưng nhận định của ông ta khi cho phép hủy hoại tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu chứng tỏ ông ta hết sức khinh miệt phía “đối thoại”. Một thứ khinh miệt hết sức hoa mỹ, nhưng vẫn là một khinh miệt. Ngoài cái tài hùng biện ấy ra, không điều gì trong thành tích của người đàn ông này chứng tỏ ông ta kính trọng người phò sự sống, hoàn toàn chỉ coi họ là các địch thủ cần loại bỏ và đẩy qua bên lề.

Vấn đề nguyên tắc

Đối với J Cole, vấn đề ở đây là vấn đề nguyên tắc. Và người ta chỉ trọng những người có nguyên tắc: ngoài đời cũng như trong Giáo Hội. Lịch sử đầy những con người như thế, Giáo Hội cũng đầy những anh hùng của nguyên tắc (các thánh), chứ không cần những con người ngả nghiêng trước công luận. Giáo hội vốn chủ trương và hiện vẫn tin rằng sự sống có tính thánh thiêng và sự sống ấy bắt đầu ở lúc thụ thai. Có còn gì để đối thoại về vấn đề ấy hay không? Một là chấp nhận giáo huấn ấy hai là bác bỏ nó. Trong đời sống Chúa Kitô và trong lịch sử Giáo Hội, công luận đã bao giờ thay đổi được nguyên tắc chưa? Đức Thánh Cha đã lên tiếng phê phán các chính trị gia Công Giáo phò phá thai. Vậy phải nói gì về các nguyên tắc của Giáo Hội khi một đại học Công Giáo cổ vũ cho một ai đó còn đi xa hơn những người bị Đức Thánh Cha phê phán? Còn về việc người ta nhìn Giáo Hội ra sao, thì “tòa án” công luận có bao giờ thân thiện với Giáo Hội đâu!

Dave Cullison gọi việc mời Obama đến nói truyện và nhận bằng danh dự là một “gương mù hết sức ngu xuẩn”, nhưng đã không được Đức Cha Quinn nhắc gì tới khía cạnh đó. Theo Laura, thái độ của ngài có tính chính trị hơn là linh đạo. Một thứ chính trị, theo Terry, đã thất bại. Theo ông, những người Công Giáo xã hội đã bỏ phiếu cho Obama và giúp ông ta thành công, nhưng ông ta đã cám ơn họ ra sao? Đã khởi đầu chính phủ ông ta bằng cách ban hành pháp lệnh tài trợ việc phá thai ở ngoại quốc, bãi bỏ các hạn chế hủy hoại tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu và bãi bỏ quyền tự do lương tâm. Maureen thì cho hay: Đại Học Notre Dame và giáo hội Công Giáo không mất gì khi chống đối Obama, trái lại họ được rất nhiều trong việc cho thế giới thấy họ thực sự tranh đấu cho một nguyên tắc: đó là quyền sống của mọi con người nhân bản.

Michael Talbot gọi luận điểm của Đức Cha Quinn là “chính xác về chính trị” (politically correct), một chủ trương chỉ nhằm làm loãng Lời Chúa, coi thường giáo huấn của Chúa Kitô. Thiên Chúa làm người có bao giờ trịnh trọng giới thiệu ‘địch thủ’ của Người và mời ‘địch thủ’ ấy chia sẻ bục giảng với Người trong tư cách ngang hàng hay không? Người cũng đã không chọn con đường chính xác về chính trị khi mọi người từ bỏ Người. Người bằng lòng chấp nhận chết vì tội lỗi ta.

Trong khi ấy, Jim, một người thuộc giáo hội Luthêrô, thì khôi hài cho rằng cách đặt vấn đề của Đức Cha Quinn hình như trái khoáy với khẩu hiệu hiện nay thường được gán cho đạo Công Giáo là “Cầu Nguyện, Góp Tiền, và Vâng Lời” (Pray, Pay, and Obey). Nhưng hình như chỉ vâng lời những gì tòa giám mục nói, chứ không hẳn vâng theo Thánh Kinh và Giáo Hội. Thánh Kinh và Giáo Hội dạy: phá thai là sai lầm, nhưng khi giáo huấn ấy du mình vào một hoàn cảnh khó xử, thì Đức Cha lại tìm cách “khôn ngoan” để rút chân ra! Giáo hội Luthêrô có chung rất nhiều điều với Đạo Công Giáo, nên ông mong người Công Giáo hãy vâng phục chính niềm tin của mình, dù có gặp khó khăn. Hãy đi con đường hẹp. Trước khi yêu cầu con chiên vâng phục, hãy cố gắng vâng phục trước đã.

Bà Winifred Fugowski, một giáo dân ở New York, thì nhắc nhở mọi người rằng: là người Công Giáo, ta không nên lo lắng về chính phủ, mà là lo phục vụ Chúa. Giáo Hội Công Giáo luôn bị bách hại, cả ở đất nước Hoa Kỳ này, thì có chi khác nhau nếu ta làm phật lòng chính phủ hiện nay.

Cấp bằng danh dự là một chuyện khác hẳn

Một số người cũng nhân dịp này tách biệt hai vấn đề mời tổng thống nói truyện nhân lễ tốt nghiệp và cấp phát văn bằng danh dự cho ông ta. Mary Fitzgerald chẳng hạn thì cho rằng Cha Jenkins đáng lẽ không nên mời ông Obama tới nói truyện tại Trường mình. Bà nhớ rằng các tiên tri trong Cựu Ước cũng như các thánh thời Tân Ước luôn luôn lên tiếng nhắc các nhà cầm quyền trong giáo hội và xã hội nhớ tới các giá trị luân lý thánh thiêng của Thiên Chúa. Chứ chưa có vị nào lên tiếng bênh vực những nhà cầm quyền ngỗ nghịch. Thái độ của họ đòi một cái giá khá cao cho bản thân họ. Nhưng họ vẫn làm. Chuyện đã rồi, bà chỉ còn biết đưa ra đề nghị: cứ để ông Obama nói truyện trong buổi lễ tốt nghiệp vì chức vụ tổng thống và công lao ông leo lên được chức vụ ấy xứng đáng để ông tiếp nhận danh dự này, nhưng việc cấp phát văn bằng danh dự thì không thích đáng chút nào trong hoàn cảnh hiện nay.

Bà Fitzgerald không khai triển thêm lý do tại sao. Điều này được Robert bổ túc. Ông này đồng ý với Đức Cha Quinn rằng không nên rút lại lời mời nói truyện vì điều ấy không đem lại lợi bằng hại. Tuy nhiên, ông không đồng ý với các luận điểm của Đức Cha. Ông cho rằng hoặc ta tin giáo huấn của Giáo Hội hoặc ta không tin, có thế thôi, mà đã tin thì phải cố kết với niềm tin ấy, phải tranh đấu cho niềm tin ấy. Ông chấp nhận việc ông Obama nói truyện tại Notre Dame, vì ông ta đã được mời rồi và xét trong căn bản, thì ĐH Notre Dame mời ‘ông tổng thống” tới nói truyện, chứ không hẳn mời cá nhân ông Obama. Tuy nhiên, việc cấp phát văn bằng tiến sĩ luật danh dự lại là một việc khác hẳn, nó nhằm vinh danh cá nhân, chứ không phải chức vụ. Và việc ấy hoàn toàn sai lầm, không nên xẩy ra.

Quay lưng

Nhiều người không ủng hộ việc hủy bỏ lời mời ông Obama tới ĐH Notre Dame. Michael Rangitsch cho việc hủy bỏ ấy là một ý niệm tệ hại, không đem lại hiệu quả tích cực nào. Thay vào đó, có lẽ hạ bệ linh mục chủ tịch ĐH Notre Dame sẽ thích đáng hơn. Rangitsch cho rằng điều nên xẩy ra là các diễn giả trước và sau Obama phải được lựa ra sao để có thể đại biểu cho quan điểm phò sự sống của Công Giáo, một quan điểm được mọi con người văn minh, biết quan tâm ủng hộ. Ông nghĩ: đúng lúc Obama lên tiếng, điều tốt nhất là mọi người quay lưng lại ông ta, hoặc bịt tai lại hoặc bỏ ra ngoài.

Peter Murphy tích cực hơn và có lẽ là người duy nhất ủng hộ quan điểm của Đức Cha Quinn. Theo ông, đây không phải là lúc dùng nắm đấm và la ó, nhưng là thời điểm đối thoại trí thức. Khán đài đã được dọn sẵn, xin mời tổng thống Obama và Đại Học Notre Dame bước vào cuộc tranh luận cởi mở và hữu hiệu. Cuộc đối thoại này nên bắt đầu bằng việc ĐH Notre Dame công bố chính sách của mình cho thấy những đường nét tổng quát của Giáo Hội Công Giáo về phá thai, nghiên cứu tế bào gốc phôi thai, an tử (euthanasia) và các vấn đề phò sự sống khác. Sau đó, trong lời giới thiệu Tổng Thống Obama lãnh nhận văn bằng tiến sĩ danh dự, vị chủ tịch của ĐH Notre Dame sẽ đề cập thẳng tới các vấn đề trên. Tùy theo cách thế ông Obama đáp ứng lời mời đối thoại cởi mở và trung thực trên, mà người ta sẽ xác định được tính sâu sắc hay nông cạn trong cam kết làm giảm con số phá thai như lời ông thường rêu rao. ĐH Notre Dame nhờ thế có dịp điều khiển cuộc tranh luận này. Mong sao ĐH Notre Dame tạo được cơ hội tốt đẹp ấy với một cái nhìn hoàn toàn Công Giáo, đầy biện biệt và ơn thánh Chúa!

Đối thoại

Rất có thể đây cũng là phương thức của Cha Hugh Cleary, bề trên cả các cha Dòng Thánh Giá, là Dòng sáng lập và hiện đang quản trị Đại Học Notre Dame. Trong một bức thư ngỏ gửi Tổng Thống Obama và được phổ biến trên tờ tuần san America của các cha Dòng Tên, ngài cho Obama hay ngài đã không tham dự cuộc tổng tuyển cử vừa qua và do đó không bầu ông ta làm tổng thống, chỉ vì quan điểm phò phá thai của ông ta, và ngài yêu cầu ông hãy “hãy nhờ cầu nguyện, vật lộn với lương tâm ngài mà suy nghĩ lại các quan điểm từng được phát biểu trước đây về các vấn đề thuộc sự sống ngày nay”, nhất là phá thai và nghiên cứu tế bào gốc phôi thai.

Nguyên văn bức thư trên như sau:

Kính thưa tổng thống

Trong tư cách Bề Trên Cả Hội Dòng Thánh Giá và là một cựu sinh viên của Đại Học Notre Dame, tôi xin trình bày với ngài một vài suy nghĩ bản thân của tôi về quyết định của Đại Học này mời ngài tới đọc diễn văn tốt nghiệp năm nay và vinh danh ngài với văn bằng Tiến Sĩ Luật.

Nghĩ đến sự hiện diện sắp tới của ngài tại Notre Dame, tôi nhớ lại cách ngài nắm lấy cơ hội lúc đang tranh cử tổng thống của mình để đề cập tới vấn đề kỳ thị chủng tộc trong nền văn hóa Mỹ của chúng ta. Ngài đã sử dụng dịp ấy làm giây phút để giảng dạy cả quốc gia.

Cũng thế, việc hiện diện của ngài tại Notre Dame cũng đem lại cho tất cả chúng ta, trong đó có ngài, một cơ hội để giảng dạy. Kính thưa tổng thống Obama, ngài thành thạo các vấn đề của thời đại ta một cách tuyệt vời. Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng các xác tín chính sách của ngài đã được đặt cơ sở trên nghiên cứu nghiêm chỉnh và mọi quyết định quan trọng của ngài đều được lương tâm của ngài hỗ trợ. Tôi tin chắc ngài cũng hiểu rõ như thế về xác tín của niềm tin Công Giáo, một xác tín cho rằng sự sống con người bắt đầu có từ lúc được thụ thai. Cho nên, qua lá thư ngỏ này, tôi muốn lợi dụng dịp ngài xuất hiện tại Notre Dame để yêu cầu ngài dùng cầu nguyện, vật lộn với lương tâm ngài mà suy nghĩ lại các chủ trương đã công bố về các vấn đề hiện hết sức sinh tử về sự sống, nhất là những vấn đề liên quan tới phá thai, nghiên cứu tế bào gốc phôi thai và chủ trương riêng của ngài về Đạo Luật Tự Do Chọn Lựa hiện vẫn còn tại Quốc Hội.

Lời yêu cầu này nghe ra có vẻ hỗn xược. Dù vậy, tôi không cố ý bất kính đối với ngài. Nhưng tại sao không nắm lấy giây phút này làm cơ hội để suy niệm về các chân lý thánh thiêng mà chúng ta vốn coi là hiển nhiên, như “mọi con người đều được tạo dựng bình đẳng nhau, tất cả đều được Thiên Chúa phú bẩm những quyền lợi bất khả nhượng, trong đó có quyền sống…”

Kính thưa tổng thống, trong các nhận định nhân buổi Cả Nước Ăn Sáng Cầu Nguyện vào ngày 5 tháng Hai vừa qua, ngài từng phát biểu một xác tín rất chủ yếu đối với đức tin của chúng ta, khi ngài nói rằng “Không hề có một Thiên Chúa nào lại bỏ qua việc lấy đi mạng sống nhân bản của một con người vô tội. Điều này, chúng tôi biết rõ”.

Điều này chúng tôi biết rõ, kính thưa tổng thống Obama, lời tuyên bố của ngài về việc vô ý lấy đi một mạng người vô tội quả đúng là niềm tin của chúng tôi. Chính kiểu nói rõ ràng và dễ hiểu phát xuất từ xác tín lương tâm của ngài ấy làm chúng tôi phấn chấn. Nhưng quả là buồn cho người Công Giáo chúng tôi, lời lẽ của ngài không diễn tả cái hiểu của chúng tôi.

Mạng sống nhân bản vô tội được tượng hình qua giao hợp tính dục vốn có nghĩa như một phát biểu thân mật nhất của tình yêu, ngoài việc hiến mạng sống mình vì người khác. Thảm hại thay, đôi lúc, sự sống ấy được tượng hình qua cái tàn bạo của hiếp dâm hay loạn luân. Cũng thế, đôi lúc sự sống ấy cũng được tượng hình một cách không có ý, chỉ để hưởng khoái cảm tính dục. Một em bé “không được ước muốn” đã ra đời dưới nhiều hình thức bị coi như hiện hữu không đúng lúc; một tạo vật mang khuyết tật hay dị hình; một phôi thai mang giới tính không đúng; một hài nhi hoang thai…

Càng thảm họa hơn nữa, vì trong văn hóa Hoa Kỳ, chúng ta đang có truyền thống cho phép xác định được các thông số cho sự sống nhân bản sao cho phù hợp với ý muốn vị kỷ của mình. Há chúng ta đã không biện minh cái truyền thống nô lệ của chúng ta bằng cách bác bỏ rằng người da đen gốc Phi Châu không hoàn toàn là người đó sao? Như tôi được biết, tổng thống Lincoln đã có một quan điểm ngược lại và đã đưa chúng ta vào một cuộc nội chiến với mục đích thống nhất hóa lương tâm của cả nước. Và ngày nay, chúng ta cũng đang bước vào một cuộc nội chiến lớn lao khác về việc đào luyện lương tâm. Bảo vệ sự sống con người là một bổn phận của toàn bộ nhân loại, chứ không riêng gì của người Công Giáo.

Thưa tổng thống Obama, tôi hối tiếc nhìn nhận rằng tôi đã không thể tham dự vòng bầu cử vừa qua. Tôi muốn bỏ phiếu cho ngài, nhưng tôi không thể làm được việc ấy vì chủ trương của ngài về phá thai. Thực tế, mỗi ngày tôi càng thấy mình khó có thể bầu cho bất cứ ứng cử viên của các đảng chính trị lớn nào. Bằng hữu bảo tôi dù sao cũng phải đi bầu, bầu cho cái xấu nhỏ hơn. Bất hạnh thay, cái xấu ngày nay xem ra quá lớn khiến lương tâm tôi chịu không thấu, bất kể đó là cái xấu liên quan tới phá thai, tới án tử, tới an tử, tới di trú, tới kinh tế, tới chổ ở cho người nghèo, tới việc kiểm soát súng ống, tới chăm sóc y tế cho người không có bảo hiểm, tới môi trường, tới chiến tranh dành dầu hỏa hay tới vũ khí giết người hàng loạt. Tôi yêu quê hương tôi và tôi rất muốn đầu phiếu. Tôi chỉ không biết phải đầu phiếu ra sao trong khi phải trung thực với lương tâm mình, một lương tâm vốn được xác tín của niềm tin đào luyện.

Khi còn là một thanh niên, tôi rất cảm kích trước lời lẽ đầy phấn chấn của mục sư tiến sĩ Martin Luther King Jr khi ông kêu gọi chúng ta đến trước cánh cửa chân lý vĩ đại và hãy mở toang cánh cửa ấy ra: “Hãy đứng lên vì điều đúng và điều ngay…Ta sẽ chết khi không chịu đứng lên vì điều đúng ấy. Ta sẽ chết khi không chịu đứng lên vì điều chân thật. Cho nên, ta hãy đứng lên ngay tại đây”.

Kính thưa tổng thống, có lẽ tại Đại Học Notre Dame, ngài sẽ đứng lên bảo vệ chân lý vĩ đại của sự sống, bước qua cánh cửa đó và đem theo cả chúng tôi, cả quốc gia này, đi với ngài. Nếu ngài làm thế, tôi chắc chắn sự vĩ đại của ngài sẽ được thể hiện.

Kính thưa tổng thống, xin ngài hãy tin chắc vào lời cầu nguyện của tôi cho ngài và cho gia đình đầy tốt lành và tươi vui của ngài. Gia đình ngài quả là một ơn phúc cho cả quốc gia. Xin ơn Chúa mở rộng tình yêu trong trái tim mọi người trong gia đình ngài hết ngày này qua ngày nọ.

Kính chào ngài,

Linh Mục Hugh W. Cleary, C.S.C.