Mặt trận chống văn hóa sự chết

Rất mừng khi thấy nhiều dấu chỉ cho thấy mặt trận chống văn hóa sự chết vẫn tiếp diễn một cách kiên trì và cương quyết ở nhiều trận tuyến khác nhau. Tuần này, người ta lưu ý tới một vài biến cố quan trọng.

Từ chối nhận vinh dự tại Đại Học Notre Dame

Theo tin Zenit, cựu đại sứ Mỹ tại Tòa Thánh, Mary Ann Glendon, ngày 27 tháng Tư vừa qua, đã gửi tới chủ tịch Đại Học Notre Dame, linh mục John Jenkins, một lá thư để từ khước không nhận huy chương Laetare của Trường này.

Hiện là Giáo Sư Luật tại ĐH Harvard và là chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học Xã Hội, Glendon nói với linh mục John Jenkins rằng: bà “cảm kích sâu sắc” khi được thông báo về quyết định của Trường trao tặng bà danh dự trên vào buổi lễ tốt nghiệp năm nay. Bà vui mừng trước tin ấy đến nỗi đã soạn thảo bài diễn văn chấp nhận danh dự trên từ hồi tháng Mười Hai năm ngoái. Bà viết: “Con trân quý kỷ niệm về buổi tiếp nhận văn bằng tiến sĩ danh dự của Notre Dame vào năm 1996, và con luôn cảm thấy vinh hạnh khi thấy bài diễn văn vào buổi lễ tốt nghiệp năm đó của con được đăng vào tuyển tập những bài diễn văn tốt nghiệp đáng ghi nhớ nhất của Notre Dame”

Bà cho biết thêm: nhưng mấy tháng sau, bà được tin Notre Dame cũng đã mời Tổng Thống Obama tới Notre Dame để không những tham dự buổi lễ tốt nghiệp mà còn đọc diễn văn tốt nghiệp và tiếp nhận văn bằng tiến sĩ danh dự tại đó nữa. Trước sự kiện ấy, bà dự tính sẽ phải sửa lại bài diễn văn đã soạn vì “trách vụ trước đây vốn vui thích là thế nay đã trở thành phức tạp vì nhiều yếu tố khác nhau”. Bà nói, “trước nhất, trong tư cách là cố vấn thâm niên của Hội Đồng Giám Mục Mỹ, con không thể không thất vọng về tin Notre Dame cũng dự định sẽ trao tặng Tổng Thống Obama văn bằng tiến sĩ danh dự”. Theo bà, điều ấy đi ngược hẳn lại “yêu cầu minh nhiên của các vị giám mục Mỹ vào năm 2004 đòi các định chế Công Giáo không được vinh danh những người hành động bất chấp các nguyên tắc luân lý căn bản” và những người như thế “không được trao tặng các huy chương, các danh dự hay diễn đàn vì việc ấy hàm ý (ta) ủng hộ các hành động của họ”.

Đối với Glendon, “lời yêu cầu trên, một lời yêu cầu không hề tìm cách kiểm soát hay can thiệp vào quyền tự do của một định chế trong việc mời cũng như tham dự tranh luận một cách nghiêm chỉnh với bất cứ ai mà định chế này muốn, lời yêu cầu này đối với con hợp lý đến độ con không thể nào hiểu được tại sao một đại học Công Giáo lại có thể coi thường nó”.

Đề tài tranh cãi (talking points)

Glendon thừa nhận rằng trong các luận điểm mà Notre Dame đưa ra gần đây để trả lời các chỉ trích chống lại quyết định của họ, quả có những điểm có thể tranh cãi được. Theo bà, các điểm này hàm ý rằng bài diễn văn tiếp nhận huy chương của bà “phần nào sẽ thăng bằng hóa được biến cố” tại Notre Dame, vì nhờ thế, “Tổng Thống Obama không phải là người duy nhất lên tiếng tại buổi lễ tốt nghiệp, và ông sẽ có diễm phúc được nghe bài nói truyện của vị cựu đại sứ”.

Nhưng theo Glendon, lễ tốt nghiệp “không phải là nơi thích hợp, mà bài diễn văn ngắn để tiếp nhận huy chương cũng không là phương thế thích hợp để có thể bàn tới các vấn đề hết sức nghiêm trọng do quyết định của Notre Dame tạo ra, tức việc coi thường quan điểm dứt khoát của các vị giám mục Mỹ, đối với việc vinh danh một người chống đối nổi danh và không khoan nhượng các chủ trương của Giáo Hội trong các vấn đề có liên hệ tới các nguyên tắc căn bản của công lý”.

Glendon viết thêm: “Sau cùng, trước các phúc trình tin tức gần đây cho thấy nhiều trường Công Giáo khác đang có quyết định chống lại các hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục, con sợ rằng gương (mù) của Notre Dame sẽ có hiệu quả lan tỏa (ripple effect) đầy bất hạnh”. Do đó, “với một nỗi buồn lớn lao, con đành phải kết luận không thể tiếp nhận Huy Chương Laetare hay tham dự buổi lễ tốt nghiệp vào ngày 17 tháng Năm”. Laetare có nghĩa hãy hân hoan vui mừng, nhưng phản ứng của Glendon đối với Notre Dame quả chẳng vui vẻ hân hoan chút nào.

Các tuyên bố của hàng giáo phẩm

Cho đến nay, 46 vị giám mục Mỹ đã cho công bố các lời phản đối công khai đối với quyết định của Notre Dame nhằm vinh danh Tổng Thống Obama.

Trong bản tuyên bố công khai của mình, Đức cha John D'Arcy, giám mục giáo phận Fort Wayne-South Bend, nơi đặt bản doanh ĐH Notre Dame, cho hay tuần vừa qua, ngài có gửi cho linh mục Jenkins một lá thư, trong đó, ngài cho hay: “một tham khảo thích đáng có lẽ đã tránh được một hành động hiện đang mang lại một chia sẽ đau đớn giữa Notre Dame và nhiều giám mục, cũng như đại bộ phận giáo dân”. Ngài viết tiếp: “Sự chia rẽ ấy cần phải được giải quyết bằng cầu nguyện và việc làm, và tôi cam kết sẽ cùng cha Jenkins và mọi người tại Notre Dame cố gắng hàn gắn sự chia rẽ khủng khiếp này, một chia rẽ xẩy ra giữa Notre Dame và Giáo Hội. Việc chia rẽ ấy không thể tiếp diễn được nữa”.

Trong phần kết luận, Đức Cha D’Arcy viết rằng: “Tôi xin mọi người cầu nguyện để việc hàn gắn trên xẩy ra một cách đáng kể và chân thật, chứ không phải chỉ là ảo giác. Notre Dame và Cha Jenkins phải góp phần của họ nếu họ muốn việc hàn gắn này thực sự xẩy ra. Tôi cũng sẽ đóng góp phần của mình”.

Không đóng góp 8.2 triệu mỹ kim cho Notre Dame

Một liên minh cựu sinh viên Notre Dame tại Dearborn, Michigan, cho hay các nhà hảo tâm đã giữ lại một ngân khoản 8.2 triệu mỹ kim, không trao cho Notre Dame, để phản đối Trường này dự tính vinh danh Tổng Thống Obama vào ngày 17 tháng Năm.

Liên minh sinh viên trên đã phát động một chiến dịch toàn quốc vào tuần trước, kêu gọi các cựu sinh viên và ân nhân của Trường ngưng không tặng dữ cho đến khi linh mục Jenkins bị thay thế. Trong một thông cáo báo chí vào ngày hôm nay, 27 tháng Tư, nhóm mệnh danh là “Hãy thay thế Jenkins” này cho hay hơn 900 lời tuyên bố đăng trên liên mạng đã cam đoan sẽ hủy bỏ không gửi số tiền trên tới Trường nữa. Số người này còn cam kết sẽ thay đổi di chúc, để loại khỏi đó những hiến tặng lớn lao về bất động sản cho Notre Dame.

Liên minh cũng cho hay những người tổ chức chiến dịch này “đã đích thân xác nhận được một đa số các tặng dữ lớn nhất, và tiếp tục kiểm chứng hàng triệu các tặng dữ phụ trội khác” Phát ngôn viên của nhóm, là David DiFranco, tuyên bố: “Chúng tôi biết nhiều ân nhân và cựu sinh viên rất bất bình với quyết định vinh danh vị tổng thống phò phá thai, nhưng chưa bao giờ ngờ lại có một đáp ứng lớn lao như thế này”. Ông quả quyết rằng: “diễn trình kiểm chứng các ân nhân lớn nhất đã được tiến hành một cách thận trọng”. Ông giải thích: “Chúng tôi loại bỏ các trả lời rõ ràng có tính ngụy tạo, và chưa tính con số các tặng dữ lớn chưa kiểm chứng xong. Chúng tôi trực tiếp nói truyện với các ân nhân, và trong một số trường hợp, còn nói truyện với quản trị viên các tài sản quá cố để loại những người quá cố này ra khỏi danh sách ân nhân nữa. Chúng tôi tiến hành diễn trình này với một con mắt phê phán để con số do chúng tôi tường trình là con số chính xác. Chính vì thế, số tiền 8.2 triệu mỹ kim mà chúng tôi tường trình hôm nay thực ra là con số rất dè dặt”.

Ông cũng tiên đoán rằng: “cùng với đà này diễn tiến, chúng tôi chắc chắn hình phạt tài chánh phát sinh do quyết định vinh danh vị tổng thống phò thai bậc nhất trong lịch sử đất nước ta sẽ hết sứ to lớn”.

Liên minh này kêu gọi Notre Dame đề cử vị chủ tịch mới, “một người biết cam kết đối với căn tính chân chính của Notre Dame, đặt cơ sở trên các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo”. Ông DiFranco quả quyết rằng: “sự kiện phải đưa ra cố gắng này là một điều bất hạnh. Tuy nhiên, các cựu sinh viên và người yểm trợ của Notre Dame không còn phương tiện nào khác hơn là phản đối bằng túi tiền. Chúng tôi sẽ tiếp tục các cố gắng của mình bao lâu còn cần thiết để đem lại một thay đổi tích cực tại Notre Dame, một thay đổi làm vinh danh ‘Đại Học của Đức Mẹ’”.

Ủng hộ đạo luật trợ giúp phụ nữ mang thai

Trong khi đó, chủ tịch Uỷ Ban Các Hoạt Động Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, là ĐHY Justin Rigali, đưa ra lời kêu gọi các dân biểu quốc hội ủng hộ một dự luật nhằm cung cấp yểm trợ tức khắc cho các phụ nữ mang thai và gia đình họ.

Trong lá thư gửi các dân biểu Mỹ vào ngày thứ Sáu vừa qua, Đức Hồng Y thúc giục họ ủng hộ và đồng bảo trợ dự luật Yểm Trợ Các Phụ Nữ Mang Thai (Pregnant Women Support Act), vừa được dân biểu Lincoln Davis tái đệ trình tại Hạ Viện vào hôm thứ Tư vừa qua.

Trong lá thư trên, Đức HY viết rằng: “Trong một xã hội mà các bất đồng về phá thai và quyền của trẻ chưa sinh xem ra dai dẳng và nan giải, vẫn có những lời tuyên bố mà hầu như ai ai cũng có thể ủng hộ… Trước nhất, sự kiện hơn một triệu vụ phá thai xẩy ra hàng năm tại xứ sở này là một thảm kịch, và ít nhất ta cũng phải đưa ra các biện pháp nào đó để giảm thiểu con số phá thai ấy. Thứ hai, không người phụ nữ nào buộc phải kinh qua phá thai chỉ vì bà ta không có một chọn lựa nào khác, hay vì biện pháp thay thế không có sẵn hoặc không làm cho bà ấy biết tới. Một vụ phá thai thực hiện trong cảnh ức chế như thế về phương diện xã hội và kinh tế không hề thoả mãn tiêu chuẩn ‘tự do chọn lựa’ của người ta”

Lá thư đề cập tới một số các yểm trợ có tính phò sự sống của dự luật này dành cho các phụ nữ mang thai, như loại bỏ “việc coi mang thai là điều kiện tiên quyết để từ chối bảo hiểm sức khỏe cho phụ nữ; cấp ngân khoản cho các trung tâm trợ giúp để họ cung cấp các biện pháp thay thế cho việc phá thai; giúp ngân khoản để các cao đẳng và đại học giúp đỡ các nữ sinh viên đang mang thai và nuôi con”.

Dự luật này cũng gia tăng trợ giúp cho các chương trình nhận con nuôi và các dịch vụ dành cho các phụ nữ đang mang thai có nguy cơ bị bạo lực gia đình.

Đức Hồng Y Rigali cũng ghi nhận việc dự luật này giúp các tiểu bang chịu cung cấp bảo hiểm cho các trẻ chưa sinh và các bà mẹ của các em, mà nếu không có sự trợ giúp này, thì họ không hề được bảo hiểm. Ngài cho hay: dự luật này vươn bàn tay cứu giúp tới các phụ nữ lúc họ dễ bị thương tổn hơn cả, nhưng đã dấn thân hơn hết trong các quyết định liên quan tới sự sống hay cái chết của đứa trẻ chưa sinh của họ.

Căn bản chung

Bức thư của Đức HY Rigali còn cho rằng dự luật kia thực sự mang lại một căn bản chung, một phương thức mà người ta có thể ủng hộ bất chấp họ nghĩ sao về vấn đề này. Nó không đặt vấn đề “tìm cách giảm thiểu việc mang thai qua việc chính phủ cổ vũ thuốc ngừa thai, một việc mà gần đây vốn gây ra nhiều tranh cãi khi có người dám đề nghị cho nó vào kế hoạch kích thích kinh tế. Vấn đề ấy tạo ra nhiều câu hỏi nghiêm trọng liên quan đến các ưu tiên trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như quyền lương tâm của bệnh nhân và những người cung cấp việc chăm sóc kia”. Ngài quả quyết rằng “nhiều cuộc nghiên cứu đã kết luận rằng các chương trình phân phối thuốc ngừa thai đã không làm giảm tỷ xuất phá thai”. Dĩ nhiên, những vấn đề ấy còn được người ta bàn cãi hoài hoài. Tuy nhiên, theo ngài, trong khi đó, các phụ nữ mang thai cần được chúng ta hỗ trợ để phá thai không còn được cổ vũ như là phương thế duy nhất đối với họ nữa.

Thuốc viên Buổi Sáng Hôm Sau không có tính điều trị

Cơ quan Quản Trị Thực Phẩm và Thuốc Men Hoa Kỳ vừa quyết định cho phép các vị thành niên được mua thuốc viên “Buổi Sáng Hôm Sau” (morning-after pill) ở tiệm mà không cần phải có toa bác sĩ. Việc này, theo Deirdre McQuade, phụ tá giám đốc phụ trách chính sách và truyền thông của Văn Phòng Thư Ký Các Hoạt Động Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, là một cú tát “vào mặt lương tri”.

Theo vị này, thuốc viên Buổi Sáng Hôm Sau, tên chính thức là Levonorgestrel, là một thứ thuốc cực mạnh, mạnh hơn thuốc ngừa thai bình thường như Ovrette chẳng hạn tới 40 lần. Thế mà Ovrette thì đòi phải có toa bác sĩ. Sử dụng loại thuốc này một cách rộng rãi sẽ nguy hại đến sinh mạng của các thai nhi vừa được thụ thai và chắc chắn đem lại cho các vị thành niên nhiều biến chứng phụ không cần thiết, phá hoại quyền làm cha mẹ, gia tăng các bệnh do làm tình đem lại. Các biến chứng phụ thì có nhiều, chỉ đơn cử một vài như: ói mửa, đau dạ dầy, mệt mỏi, tiêu chẩy, chóng mặt, đau ngực, đau đầu, và thay đổi kinh nguyệt. Nguy cơ mang thai ngoài dạ con (ectopic pregnancy) cũng cao hơn bình thường tới năm lần.

Điều quan trọng, theo McQuade, là mang thai không phải là một chứng bệnh và thai nghén không phải là một tình trạng bệnh hoạn, cho nên thuốc viên Buổi Sáng Hôm Sau không hề có mục đích điều trị và thực tế có thể gây hại cho phụ nữ và đứa con vừa thụ thai của họ, trong khi ấy cơ quan quản trị kia lại mô tả loại thuốc viên này là “thuốc ngừa thai” (contraceptive drug). Mặc dù loại thuốc này có thể ngăn cản việc thụ tinh, nhưng các nhà chế tạo từng thú nhận nó có thể ngăn cản một phôi thai không bám được vào thành tử cung, điều hết sức chủ yếu để nó sinh tồn. Vì một phôi thai cần vài ngày mới có thể tiến tới màng tử cung và bám được vào dạ mẹ, nên một thai nhi lúc mới được 2 tuần có thể sẽ chết do hiệu quả trực tiếp của Buổi Sáng Hôm Sau. Điều ấy không thể gọi gì khác hơn là phá thai ở giai đoạn đầu.

McQuade lo ngại rằng không có sự giám sát của một bác sĩ, nhiều thiếu niên sẽ không biết gì về tác dụng trục thai cũng như các nguy cơ khác của Levonorgestrel, nhất là khi dùng tới dùng lui loại thuốc này. Các người ủng hộ loại thuốc này đâu có để ý chi tới kết quả các khảo cứu trong năm năm ở Âu Châu và ở Mỹ cho thấy việc khẩn cấp dùng thuốc ngừa thai đã không làm giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và phá thai. Ngừa thai kiểu này chỉ làm gia tăng việc bất cẩn về tình dục nơi thanh thiếu niên và do đó gia tăng các bệnh do việc làm tình đem lại. Thực ra, nếu chịu khó đọc từ đầu đến cuối các chỉ dẫn ở ngoài bao thuốc Buổi Sáng Hôm Sau, các thiếu niên sẽ thấy rằng “Lẽ dĩ nhiên, không làm tình là cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa thai nghén và các bệnh do việc làm tình lây lan ra”.

Lời tuyên bố vào năm 2000 của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống cho hay: Việc chống không để phôi thai bám vào thành tử cung của thuốc viên Buổi Sáng Hôm Sau làm cho nó thực sự trở thành thuốc phá thai bằng hóa chất. Hàn Lâm Viện này kêu gọi những ai đang làm việc trong lãnh vực này hãy cương quyết chống đối nó bằng một lương tâm luân lý, một lương tâm sẵn sàng làm chứng nhân can trường và thực tiễn cho giá trị bất khả nhượng của sự sống con người.