Theo nữ ký giả Inés San Martin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng vốn quyết định ít lên tiếng hơn các vị tiền nhiệm về các vấn đề thuộc “chiến tranh văn hóa”. Tuy nhiên, khi đề cập tới việc phá thai, ngài đôi khi còn thẳng thừng hơn cả Đức Gioan Phaolô II hoặc Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI.

Thực vậy, tuy có lần chính ngài nói rằng ngài không cần phải nói nhiều tới phá thai, hôn nhân đồng tính, v.v… vì người ta đã “biết rất rõ đâu là chủ trương của Giáo Hội”.

Và do đó, nếu tính trung bình các lần mỗi vị giáo hoàng nói về phá thai trong một năm, thì Đức Phanxicô hiển nhiên thua xa hai vị tiền nhiệm. Nhưng khi nói về nó, ngài hết sức bộc trực hơn các vị tiền nhiệm nhiều.

Vào một ngày thứ Tư, trong buổi triều yết chung hàng tuần, có lần ngài nhận định, bằng một ngôn từ không êm tai bao nhiêu đối với một số giới: “quả là đau lòng” khi nghĩ tới một phụ nữ trẻ đẹp kia thưa với ngài rằng nàng phá thai để bảo vệ thân hình của mình.

Cả ba vị giáo hoàng đều nói đến việc bảo vệ trẻ chưa sinh như là một vấn đề “nhân quyền”.

Vị giáo hoàng người Ba Lan từng nói rằng “Nếu quyền sống mà không được cương quyết bảo vệ như là một điều kiện cho mọi quyền lợi khác của con người, thì mọi việc nhắc đến các nhân quyền khác chỉ là lừa đảo và ảo tưởng mà thôi”.

Mặt khác, Đức Bênêđíctô XVI định nghĩa quyền sống là “nhân quyền nền tảng, là tiền giả thuyết của mọi quyền khác”.
Điều này, ngài nói tiếp, “đúng đối với sự sống từ lúc thụ thai cho tới lúc kết thúc cách tự nhiên. Phá thai, do đó, không thể là một nhân quyền, hoàn toàn ngược lại mới đúng. Nó là vết thương sâu hoắm trong xã hội”.

Đức Phanxicô cũng có một ngôn từ tương tự như thế, nhưng đây là cách ngài phát biểu nó: “Quyền sống là nhân quyền thứ nhất. Phá thai là giết một con người vốn không thể bảo vệ được chính mình”.

Trong nhiều dịp, Đức Phanxicô thậm chí còn dùng một ngôn ngữ mạnh hơn nữa. Nói với phong trào phò sự sống của Ý tên là Movimento per la Vita vào năm 2014, Đức Phanxicô nói rằng một khi đã được thụ thai, sự sống phải được bảo vệ vì “phá thai và sát nhi là các tội ác kinh tởm”.

Nói với các phương tiện truyền thông Ý TV2000 và Blue Radio vào tháng Mười Một năm ngoái, ngài gọi phá thai là “tội trọng” và là “tội ác khủng khiếp”.

Năm 2015, khi nói chuyện với Hiệp Hội Khoa Học và Sự Sống ở Vatican, ngài liệt kê một số cuộc tấn công hiện đại đối với sự sống, trong đó, phá thai đứng đầu: “Thảm họa phá thai là một cuộc tấn công vào sự sống. Để mặc anh em ta trên những con thuyền ở eo biển Sicily là một cuộc tấn công vào sự sống. Chết ở chỗ làm việc là một cuộc tấn công vào sự sống vì đã không tôn trọng các điều kiện an ninh tối thiểu”.

Ở một khung cảnh khác, ngài bỏ dùng kiểu nói “thảm họa”, nhưng vẫn mạnh mẽ không kém. Thí dụ, nói chuyện với các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh hồi tháng Giêng, năm 2014, ngài tuyên bố không phải chỉ có thực phẩm và các vật có thể vứt đi “bị vứt bỏ”, mà đôi khi “cả những con người nhân bản bị vứt bỏ vì ‘không cần thiết’”.

Dịp này, ngài cho hay: “Thật là kinh hoàng khi nghĩ tới việc có những trẻ em, nạn nhân của phá thai, chưa bao giờ được thấy ánh sáng mặt trời; có những trẻ em bị sử dụng làm lính tráng, bị lạm dụng và bị giết trong các tranh chấp có vũ trang; và có những trẻ em bị mua và bán dưới hình thức nô lệ tân thời khủng khiếp, tức nạn buôn người, đây là một tội ác chống lại nhân loại”.

Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của ngài năm 2013, Đức Phanxico viết rằng các trẻ em chưa sinh ra thuộc số những người Giáo Hội muốn chăm sóc một cách đặc biệt; ngài tố cáo việc hiện đang có các cố gắng nhằm “bác bỏ nhân phẩm của các em và người ta muốn làm gì các em tùy thích, tước đoạt mạng sống các em và ban hành các luật lệ không để ai đứng án ngữ việc này”.

Ngài còn nói thêm rằng người ta không nên chở đợi Giáo Hội thay đổi quan điểm về vấn đề này vì đâu có gì là “tiến bộ khi mưu toan giải quyết vấn đề bằng cách loại trừ một mạng sống của con người”.

Thông điệp của ngài về môi trường, Laudato Si, ban hành năm 2015 và được nhiều giới tiến bộ ca ngợi vì lời kêu gọi của ngài nhằm giảm việc thải khí cácbon, cũng có một sứ điệp phò sự sống như thế và một lời cảnh cáo rõ ràng cho những ai lấy việc hâm nóng hoàn cầu làm cớ để biện minh cho việc cắt giảm dân số thế giới.

Bằng những lời lẽ khá thẳng thừng, Đức Phanxicô lý luận rằng quan tâm tới việc bảo vệ thiên nhiên hoàn toàn “bất tương hợp với việc biện minh cho phá thai”.

Tuy nhiên, dù có dùng những lời lẽ nghiêm khắc như trên, nhưng ngài vẫn xứng danh là vị giáo hoàng thương xót cả trong vấn đề phá thai. Ngài đã ban cho mọi linh mục được năng quyền tha tội phá thai, điều vốn đã thành lệ tại Hoa Kỳ, nhưng chưa thành lệ tại các nơi khác.

Đức Phanxicô cũng kêu gọi Giáo Hội đồng hành với các phụ nữ đang có ý nghĩ phá thai và trợ giúp các phụ nữ, tuy có cơ hội phá thai, nhưng đã quyết định tiếp tục mang thai bất chấp mọi khó khăn có thể có.

Ấy thế nhưng, khi đến lúc phải bảo vệ sự sống, ngài sẵn sàng bỏ qua một bên các ngôn từ thương xót để làm rõ sứ điệp của mình, sẵn sàng so sánh các nhà tranh đấu phá thai với Mafia Ý Đại Lợi, đặt hành vi sát hại trẻ thơ của Hêrốt song song với hành vi phá thai. Ngài thắc mắc không hiểu tại sao các xã hội hiện đại lại có thể nhất tề đứng lên chống lại các cha mẹ khi họ “phét đít” con cái họ trong khi lại ban hành luật lệ “cho phép họ sát hại con cái họ trước khi chúng sinh ra”.