Diễn biến hoà bình

Nhà báo Roger Cohen
Viết từ thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc anh em, đã xác định được kẻ thù số một của họ. Đấy là “diễn biến hoà bình”.

Điều này mới nghe thật chẳng khác nào nhân viên dự báo thời tiết cảnh báo vể mối đe doạ của trời quang, mây tạnh. Nhưng những kiến trúc sư của chủ nghĩa Lenin định hướng thị trường, những người đã đưa chủ nghĩa tư bản phát triển như vũ bão vào các nước độc đảng ở Á châu, không nói đùa. Cơn ác mộng của họ không phải là sự trỗi dậy của cách mạng mà là lún sâu, lún sâu mãi vào thể chế dân chủ tự do.

Hai mươi năm trước, sau vụ tắm máu ở quảng trường Thiên An Môn, phản kháng đi vào thoái trào, sinh viên từ Bắc Kinh đến Hà Nội đều trở nên dễ bảo. Họ hưởng lợi từ quá trình phát triển mà bỏ qua dân chủ trong một tương lai có thể nhìn thấy được. Có thể là họ muốn có nhiều tự do hơn, nhưng không đến mức phải đối đầu với hệ thống như thế hệ Thiên An Môn đã làm.

“Nhiệm vụ chủ yếu của Trung Quốc bây giờ là phát triển”, Song Chao, sinh viên khoa sinh thái học của trường Đại học Bắc Kinh đã nói với Sharon LaFraniere, một đồng nghiệp của tôi như thế. Đấy cũng là tâm trạng ở Việt Nam hiện nay, tại đây, chuyển từ xe máy lên xe hơi có lẽ được giới trẻ quan tâm hơn là thúc đẩy chế độ dân chủ đa đảng.

Ở Trung Quốc thái độ thực dụng như thế được cho là do chấn thương tâm lí. Nửa sau thế kỉ XX nội chiến xảy ra ở cả hai nước, gây ra rất nhiều thiệt hại. Cho nên ổn định được coi trọng, đặc biệt là khi nó đem lại một mức sống cao hơn.

Nhưng bóng ma của “diễn biến hoà bình” đã tạo ra nhiểu thay đổi làm cho Bộ Chính trị ở nước Á châu này phải giật mình tỉnh giấc giữa đêm đen.

Công nghệ đã tước mất của chế độ toàn trị chữ “toàn”. Đêm trường tư tưởng của chế độ Stalinist hay Maoist đã bị các xã hội nối mạng vất vào đống rác của lịch sử. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không phải là những nước tự do. Đồng thời cả hai nước đều không mất tự do đến mức nhân dân phải đứng lên đòi tự do.

Shi Guoliang, người đang nghiên cứu qua điểm của giới trẻ ở Trường Chính trị học Thanh niên Bắc Kinh, nói với tờ Financial Times rằng: “Sinh viên không biểu tình ngồi nữa, họ viết blog và sử dụng Twitter.”

Dĩ nhiên là chính quyền Trung Quốc có ngăn chặn một số Web sites thù nghịch. Internet không được hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam, mọi thứ nói chung là lỏng lẻo hơn phương Bắc, cho nên cũng được tự do nhiều hơn. (Sự kình địch giữa Việt Nam và Trung Quốc bao giờ cũng được che đậy bởi tình hữu nghị anh em theo đúng thể thức.)

Ở cả hai nước, thông tin liên lạc và thế giới mạng đã trở thành những chiếc van an toàn cho chế độ độc đảng, nơi chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là cái mác để người ta nắm giữ quyền lực mà thôi.

Về đại thể, tôi có thể nói rằng thời đại cách mạng đã qua rồi. Google đã ăn tươi nuốt sống tinh thần bạo loạn. Đấy là khác biệt chủ yếu giữa thế hệ Thiên An Môn và “Thế hệ toàn cầu” đang nổi lên ở châu Á. Sức nóng chỉ gia tăng trong không gian chật hẹp. Khi các bức tường và những đường biên giới đã bị thủng lỗ chỗ thì nó sẽ tiêu tán đi.

Bộ máy của Đảng, đã học thuộc bài của Bác Mao và Bác Hồ, còn phải lo gì nếu không có “diễn biến hoà bình”?

Sự sụp đổ của hệ thống Xô-viết mà hầu như không gây ra một tiếng động nào và những cuộc cách mạng nhung ở Trung Âu đã cho những kiến trúc sư chế độ đàn áp tinh vi của thế kỉ XXI ấn tượng không thể phai mờ. Họ dỏng tai nghe không phải những tiếng nổ lớn mà là những lời chửi thầm.

Hệ thống của họ không ồn ào. Họ không dựa vào khủng bố hay quần đảo ngục tù (GULAG) mà dựa vào việc thiết lập các lằn ranh giới hạn tự do, khi tự do có nghĩa là quyền phủ nhận hoặc quyền tổ chức chống lại chính quyền.

Cho nên điều những người bảo vệ chủ nghĩa cộng sản bạo ngược đã hoá đá sợ không phải là các đơn vị cách mạng với súng AK-47 lăm lăm trong tay mà là các tổ chức phi chính phủ (NGO) có vẻ vô hại. Họ luôn cảnh giác với những người phương Tây đầy lí tưởng, có học, mặt búng ra sữa, những người mà đằng sau câu chuyện về nhân quyền và chế độ pháp quyền, có thể xoá nhoà làn ranh không thể vượt qua nói trên và làm lung lạc tinh thần của cán bộ Đảng.

“Công ty thì anh có thể đăng kí trong vòng một ngày, nhưng xin hãy quên NGO và các hội từ thiện đi”, Jonathan Pincus, người đang lãnh đạo chi nhánh mang tên Kennedy của Đại học Harvard ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nói với tôi như thế. Một đoàn đại biểu Nga mới tới thăm Việt Nam gần đây đã chỉ cho họ cách đối phó với những mối đe doạ của NGO.

Đấy là điều đáng tiếc nhưng không phải là tai hoạ. Cái tốt nhất không nhất thiết phải là kẻ thù của điều lành. Việc phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và Việt Nam, chiếm khoảng 20% dân số thế giới, đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo kể từ ngày chế độ cộng sản toàn trị sụp đổ. Phương Tây không thể nói rằng họ giỏi hơn được nữa.

Xin nói thêm một chút về cái học thuyết đã dẫn dắt nhân loại vào con đường sai lầm. Trong một giai đoạn ngắn ngay sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, thị trường tự do và chế độ tự do đa đảng tưởng như sẽ quét sạch mọi thứ trên bước đường vinh quang của nó. Nhưng từ Moskva đến Bắc Kinh và Hà Nội, phản động đã quay trở lại. Thị trường và chủ nghĩa dân tộc đã chà đạp tự do và lá phiếu của người dân, tinh thần cao quí của Thiên An Môn và Berlin phai nhạt dần.

Nước Mĩ, vốn được sinh ra từ tư tưởng tự do, phải trung thành với những giá trị của tư tưởng này. Nhưng tỉnh táo và đang trong tình trạng nghèo túng, Mĩ phải biết kiên nhẫn. Khi giới trung lưu đang lên của Việt Nam và Trung Quốc trở thành khó tính hơn đối với hàng hoá họ dùng hàng ngày thì họ cũng sẽ trở thành những khách hàng khó tính hơn của chính phủ.

Họ sẽ đòi hỏi minh bạch hơn, luật pháp ổn định hơn, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, ít tham nhũng hơn, giáo dục mở rộng hơn, nhiều tự do ngôn luận hơn và ít giới hạn không thể vượt qua hơn.

Chế độ độc đảng khó mà làm được chuyện đó. Tôi xin đánh cược rằng trong một phần tư thế kỉ nữa, thông qua diễn biến hoà bình, ở cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều sẽ có nhiều dân chủ và tự do hơn, chứ không ít hơn.

Nguồn: http://www.nytimes.com/2009/05/25/opinion/25iht-edcohen.html?_r=2