CANH TÂN SƯ PHẠM GIÁO LÝ (BÀI 4):

GIÚP CÁC EM SỐNG ĐẠO VÀ ĐÀO TẠO NHÂN CÁCH CÁC EM

Ở nhiều giáo xứ, hoạt động giáo lý được chú trọng và giáo lý viên để tâm đến cách sống hàng ngày của từng em học sinh của mình. Đó là điều lý tưởng mà mọi giáo lý viên cần hướng đến. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có những cản trở về thời gian và hoàn cảnh xã hội, ở nhiều nơi, giáo lý chỉ đơn giản là đến lớp nghe cắt nghĩa bài có trong sách và khi hết giờ thì hoạt động giáo lý chấm dứt. Nếu giáo lý chỉ cần như thế thôi thì Giáo Hội đã không thao thức tìm những đường hướng thích hợp và ân cần nhắc bảo như Giáo Hội đã làm. Vậy, dạy giáo lý còn phải được hiều sâu xa hơn và thực hành thật chu đáo.

I. DẠY GIÁO LÝ: GIÚP CÁC EM SỐNG ĐẠO

Tông Huấn Catechesi Tradendae dạy: « Bản chất của việc dạy Giáo Lý gắn liền với tất cả các hoạt động Phụng Vụ và các Bí Tích, vì chính các Bí Tích và nhất là Bí Tích Thánh Thể là nơi Đức Ki-tô hoạt động một cách sung mãn để biến đổi nhân loại. Việc dạy Giáo Lý sửa soạn cho việc lãnh nhận các Bí Tích ». (số 23).

1. Giúp các em cảm được các mầu nhiệm và trung thành sống các mầu nhiệm.

Đức tin, các bí tích, việc cầu nguyện… phải là chính cuộc sống người Kytô hữu. Giáo lý giúp các em cảm nghiệm và sống các mầu nhiệm. Việc dạy giáo lý không chỉ là cung cấp kiến thức tôn giáo mà hơn nữa, là huấn luyện đời sống thân tình với Đức Giêsu là Đấng đang sống và hoạt động giữa loài người hôm nay. Nói thế nào cho các em cảm được và sống được như vậy không phải dễ dàng. Chắc chắn phải có sự hướng dẫn và nâng đỡ của Chúa Thánh Linh. Và mỗi giáo lý viên phải làm sao, bằng lời nói và gương sáng của mình, cho các em thấy các mầu nhiệm thánh gắn bó với đời mình còn hơn không khí để thở từng ngày, từng giờ.

2. Giúp các em thực hành Lời Chúa một cách hồn nhiên và trọn vẹn.

Học giáo lý là học và sống Lời Chúa. Các em phải được thấm nhuần Lời Chúa, để Lời Chúa gắn bó với các em như hơi các em thở, hoà nhập vào cuộc đời các em để các em sống và lớn lên hàng ngày với Lời Chúa. Do đó giáo lý viên phải trình bày Lời Chúa sao cho sống động, dễ nhớ, dễ cảm; và biến Lời ấy thành quyết tâm sống, những quyết tâm cá nhân được gợi lên nhờ lòng mến chứ không phải vì áp đặt chung chung. Muốn như thế, thái độ của giáo lý viên đối với Lời Chúa và cách anh chị nói về Lời Chúa quả thật có một tầm quan trọng lớn lao.

3. Giúp các em chiếu toả Tin Mừng cho thế giới hàng ngày.

Ý thức truyền giáo cũng phải được gieo vào lòng các em thật sớm, vì đó là sứ mạng cao cả gắn liền với bản chất Giáo Hội Chúa Kytô. Các em yêu mến Chúa và Giáo Hội thì các em cũng sẽ góp phần làm cho người chung quanh nhận biết Chúa. Phải tập cho các em biết hãnh diện khi tuyên xưng đức tin dưới bất cứ hình thức nào, làm dấu Thánh Giá khi ăn cơm trước mặt mọi người chẳng hạn. Nếu muốn các em hăng say với bổn phận truyền giáo, các anh chị phải cho các em thấy đức tin của các em là ân huệ siêu nhiên cao cả, cần thiết cho cuộc đời, và các em phải quảng đại chia sẻ ân huệ ấy. Phải làm cho các em thấm nhuần điều mà Học Thuyết Xã Hội Công Giáo dạy: « Sứ mạng của Giáo Hội là công bố và truyền đạt sự cứu độ đã có được trong Đức Giêsu Kitô, mà Người gọi là “Nước Chúa” (Mc 1,15)

II. DẠY GIÁO LÝ: ĐÀO TẠO NHÂN CÁCH CHO CÁC EM

1. Giáo lý đào tạo con người toàn diện

Hội Thánh vẫn luôn trình bày mầu nhiệm cứu độ một cách toàn diện cho con người mọi thời. Giáo lý cũng nằm trong viễn cảnh đó. Có một thời người ta hiểu giáo lý như là dạy các em thuộc vài câu hỏi thưa rồi lãnh nhận các bí tích, thế là đủ. Nhưng một Kytô hữu chỉ được coi là trưởng thành trong đời sống đạo khi người ấy gắn bó đời mình với Đức Giêsu và đổi mới từ tâm hồn, nhân cách đến từng cách sống mỗi ngày theo đòi hỏi của Tin Mừng. Vì thế mà việc dạy giáo lý không thể tách rời con người phần xác, phần xã hội ra khỏi con người của niềm tin thiêng liêng.

2. Giáo dục Việt nam ngày nay không giúp đào tạo nhân cách

Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người. Nhưng để phục vụ cho nhiều mục tiêu khác nhau, giáo dục Việt nam bây giờ không góp phần đào tạo con người. Những mớ kiến thức được nhồi nhét cùng với những chiếc cặp oằn vai các em, những bữa ăn vội vã trên yên xe ngoài đường phố khói bụi cho kịp giờ học thêm… có rèn luyện nhân cách các em hay không ? Đó là chưa kể đến sự gian dối tràn lan ở học đường. Ngay cả thầy cô một vài môn học cũng thừa nhận « Chúng tôi nói dối ăn lương ! ». Ở trong môi trường giáo dục đó, các em sẽ hình thành nhân cách theo hướng nào ? Rõ ràng chúng ta chỉ còn trông chờ vào các lớp giáo lý, nơi đó việc đào tạo nhân cách các em phải được nhấn mạnh cùng với đời sống tâm linh.

3. Giáo lý viên nên làm gì ?

Giữa một xã hội mà việc giáo dục có nhiều vấn đề như thế, lớp giáo lý càng có thêm trách nhiệm đào tạo nhân bản, dưới ánh sáng của Lời Chúa. Dĩ nhiên chúng ta trình bày về Giêsu là trình bày về các mầu nhiệm thánh, nhưng không chỉ là lý thuyết thần học, mà là chính mầu nhiệm Giêsu đi vào cuộc đời để cứu độ con người cả hồn lẫn xác: nâng cao nhân vị (x. Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, chương III).

Khi dạy lối sống, rèn nhân cách cho các em, chúng ta cần hướng các em về việc bắt chước trẻ Giêsu ở Nagiarét. Các em cần tập các đức tính nhân bản như: Trung thực, cao thượng, dũng cảm, trách nhiệm, nhân hậu v.v…

Để đào tạo nhân cách các em, giáo lý viên phải kiên trì giảng dạy, uốn nắn và nhất là cầu nguyện cho các em. Gương Chúa Giêsu va mẫu gương các thánh rất cần thiết trong tiến trình đào tạo này.

Giáo lý viên cần chìm sâu vào, ngập lặn trong Giêsu khi soạn bài, khi giảng bài và khi đối xử với các em. Anh chị hãy nói về Giêsu say sưa như chưa bao giờ được nói. Anh chị nên nói sao cho các em cảm được cuộc sống có hai con đường rõ rệt: con đường của Giêsu và con đường thế gian. Con đường Giêsu là con đường thế nào? Tác động của bài giáo lý là giúp các em hiểu về Giêsu hơn – yêu mến Giêsu hơn và quyết định sống như Giêsu.

Nếu chúng ta gào lên: các em hãy trung thực, đừng nói dối, đừng ăn cắp, các em sẽ nghe theo không? Vậy chúng ta hãy cùng

a/ Giúp các em yêu mến và bắt chước Giêsu ấu thơ bằng cách kể chuyện về Chúa Giêsu và lặp lại lời Người dạy.

b/ Kể cho các em gương các thánh, những người chọn Giêsu làm mẫu mực cho đời mình.

c/ Thời đại hôm nay có rất nhiều bạn trẻ theo gương Giêsu. Ở trường học, người ta đưa ra nhiều “tấm gương” rất kỳ cục, lạ đời, không nhân bản. Chúng ta cần đưa những mẫu gương của các bạn cùng trang lứa với các em, đang sống đời sống tốt đẹp, nhân ái v.v…

d/ Tập cho các em sống đẹp, cao thượng bằng những hoạt động cụ thể.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ trẻ đã thành công rực rỡ trong việc đào tạo Giêsu thơ ấu, chúc lành cho chúng con và giúp chúng con đào tạo các em có hiệu quả. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ”.