Bài “Vatican II và tự do tôn giáo” (Vietcatholic.net 4-7-2009) chủ yếu trình bày quan điểm của linh mục John Courtney Murray, Dòng Tên, một trong các chuyên viên hàng đầu của Vatican II, người cổ động và soạn thảo ra Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae. Muốn hiểu rõ hơn quan điểm của nhà thần học này về tự do tôn giáo, tưởng nên đọc lại bài Enduring Problems of Religious Liberty, đăng trong tuần báo The America, số ngày 30 tháng Mười Một năm 1985 bởi người được ông hướng dẫn là linh mục Charles M. Whelan, cũng thuộc Dòng Tên.

Linh mục Whelan cho rằng các vấn đề tự do tôn giáo ngày nay vẫn được xếp vào hàng đầu trong các vấn đề nghiêm trọng nhất của thế giới, giống như lúc Murray còn sống. Các chính phủ tiếp tục bách hại tôn giáo nhiều hơn là khoan nhượng. Một số tôn giáo quan trọng đang đổ dầu vào lửa chiến tranh; nhiều tôn giáo khác biến chính phủ thành công cụ tín ngưỡng của họ. Cho nên, nếu còn sống đến ngày nay, hẳn Murray vẫn phải loay hoay với vấn đề tự do tôn giáo.

Như đã nói, đóng góp lớn nhất của Murray là góp phần thai nghén và hạ sinh Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo của Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên, ông cũng đã thực hiện hai đóng góp quan trọng khác về cái hiểu của người Mỹ đối với tự do tôn giáo. Trong cuốn We Hold These Truths, công bố 5 năm trước Tuyên Ngôn Tự Do Tôn Giáo của Vatican II, Murray đã dùng luận điểm có tính triết học và thần học bênh vực chủ trương cho rằng giữa cái hiểu của người Mỹ về tự do tôn giáo và tín lý truyền thống của Công Giáo có một sự tương đồng về cấu trúc. Nhân cơ hội này, ông đã giải thích ý định lịch sử và năng động tính lập hiến của các điều khoản về tôn giáo trong Tu Chính Án Thứ Nhất. Các giải thích của ông, theo linh mục Whelan, vẫn còn giá trị và phù hợp với thời nay.

Trong We Hold These Truths, Murray biện luận một cách đầy thuyết phục rằng các điều khoản về tôn giáo trong Tu Chính Án Thứ Nhất đã được đưa ra và chấp thuận như là một cành lá hòa bình trong một xã hội đa nguyên về tôn giáo, trong đó không hề có bất cứ một thứ ý thức hệ nào, dù là tôn giáo hay chính trị. Chúng đơn thuần chỉ là một nhất trí (agreement) bởi “Chúng tôi, Nhân Dân Hiệp Chúng Quốc” rằng tại đất nước này, chính phủ không có năng quyền quyết định các vấn đề thuộc tín lý tôn giáo. Đàng khác, chính phủ không được trừng phạt bất cứ ai thực hành tôn giáo của họ một cách hòa bình.

Một tất yếu xã hội

Murray đi vào chi tiết bằng cách cho thấy đã có những người đọc sai lịch sử khi mưu toan bơm ý thức hệ (tôn giáo hay duy thế tục) về tôn giáo vào hai mệnh đề đầu của Tu Chính Án Thứ Nhất. Thực ra, không phải Roger Williams (1) cũng như phái Jacobins (2) đã cung cấp căn bản hay nội dung luật pháp cho hai điều đầu tiên của Tu Chính Án Thứ Nhất về tự do tôn giáo. Murray cho rằng chính tính tất yếu xã hội, chứ không phải chủ nghĩa duy thế tục hay nền thần học Baptist đã đẻ ra Tu Chính Án đó. Nhất trí với hầu hết các sử gia, ông kể ra bốn lý do góp phần vào tính tất yếu xã hội tại Mỹ đòi có tự do tôn giáo và sự tách biệt giữa chính phủ và tôn giáo. Thứ nhất, Mỹ có một quần chúng lớn lao những người không thuộc tôn giáo định chế (unchurched). Thứ hai, Mỹ có rất nhiều hệ phái tôn giáo khác nhau. Thứ ba, yếu tố kinh tế là yếu tố quan trọng: “bách hại và kỳ thị cũng xấu cho việc làm ăn như là xấu cho việc linh hồn”. Sau cùng, việc nới rộng tự do tôn giáo tại Anh khiến Mỹ bị áp lực cũng phải nới rộng theo. Bốn yếu tố này khiến các nhà lập quốc Hoa Kỳ thấy rõ: trong các điều kiện của Mỹ, bất cứ con đường nào khác ngoài tự do tôn giáo và sự tách biệt giữa giáo hội và nhà nước đều là “rối loạn, thiếu khôn ngoan, và không thể thực hiện được”.

Dĩ nhiên Murray hiểu rõ và nhấn mạnh tới sự nhất trí về chính trrị và tinh thần nằm sau các điều khoản của Tu Chính Án Thứ Nhất. Phần lớn các nhà lãnh đạo Mỹ thuộc hậu bán thế kỷ 18 đều đồng quan điểm về phẩm giá, tự do và sự bình đẳng nội tại, do Thiên Chúa phú ban cho con người. Họ cũng đồng quan điểm về việc phải đặt mọi sự có tính nhân bản dưới thẩm quyền Thiên Chúa và thiên luật. Không có sự đồng thuận trên, toàn bộ thể nghiệm của Mỹ trong việc hạn chế năng quyền của chính phủ cũng như sự tách biệt giữa xã hội và nhà nước sẽ không thể xấy ra.

Đàng khác, như chính Murray đã nói rõ, sự tham dự của Công Giáo vào sự đồng thuận trên là “trọn vẹn và tự do, không dè dặt và lúng túng” vì các nội dung của sự đồng thuận ấy (các nguyên tắc đạo đức và chính trị rút từ truyền thống luật tự nhiên) “tự chúng đã được trí hiểu và lương tâm Công Giáo chấp nhận”

Sự đồng thuận trên đã giúp các nhà lập quốc có thể nhất trí với nhau về tính tất yếu xã hội đòi phải có hai điều khoản Không Thiết Lập và Tự Do Thực Hành (3)của Tu Chính Án Thứ Nhất, hai điều khoản đã tạo thành điều người ta thường gọi là “các điều khoản về tôn giáo”. Điều được Murray nhấn mạnh, và nhấn mạnh rất đúng, là: tính tất yếu xã hội không phải chỉ đòi hai điều ấy mà thôi, mà còn đòi hai điều không có tính ý thức hệ nữa. Gán một ý thức hệ tôn giáo hay chính trị vào Tu Chính Án Thứ Nhất là một mâu thuẫn ngay trong ngôn từ.

Không phải việc riêng tư

Điều cần để ý là ở đây, cũng như ở mọi chỗ khác, tư duy của Murray luôn tế vi. Ông luôn luôn biện bác chống lại ý niệm, thường được các ý kiến tại Tối Cao Pháp Viện trưng dẫn rải rác, và được các trước tác duy thế tục trưng dẫn nhiều hơn, cho rằng Hiến Pháp Mỹ đã biến tôn giáo thành một việc riêng tư. Ông cũng cực lực phản bác đề nghị cho rằng các điều khoản về tôn giáo không phải chỉ là các khoản luật có tính thuần lý và hữu ích cao độ, mà chúng thật sự còn có nội dung, chân lý và tính thánh thiêng của một tín điều.

Murray xác tín rằng những nhà soạn thảo và những nhà phê chuẩn không bao giờ có ý định viết ra tất cả các áp dụng thực tiễn của các điều khoản về tôn giáo lên đá. Giống các điều khoản vĩ đại khác của Hiến Pháp, những điều khoản này chỉ đặt ra một số nguyên tắc lớn. Các nguyên tắc ấy tự nội tại phải lệ thuộc vào tính năng động của lịch sử, một năng động tính đòi phải được tái giải thích và tái áp dụng không ngừng dưới ánh sáng các khai triển xã hội, chính trị và tôn giáo.

Murray từng viết: “Luật hiến pháp của ta là một luật sống động. Bởi thế, nó có hai đặc tính. Thứ nhất, nó phải luôn trung thực với cái tinh thần nội tại vốn là linh hồn cho mọi điều khoản của nó. Tôi muốn nói tới ý niệm này là: người Mỹ là người tự do dưới một chính phủ có giới hạn mà các hành động phải lệ thuộc một luật cao hơn vốn phát sinh từ Lý Trí Trường Cửu của Đấng tạo ra muôn loài và được thể hiện trong chính bản nhiên con người, một con người vốn là tạo vật và là hình ảnh của Thiên Chúa. Thứ hai, muốn chân thực với ý niệm và tinh thần nội tại của mình, luật hiến pháp của ta phải đếm xỉa tới các thực tại luôn thay đổi của cuộc sống Mỹ, bất luận đó là các thực tại xã hội, kinh tế hay tôn giáo. Một khai triển hiến pháp chỉ thực sự năng động khi nó cho thấy cả hai đặc tính này”.

Murray phê phán Tối Cao Pháp Viện đã bóp méo tính năng động kia trong phán quyết về mối liên hệ giữa chính phủ, tôn giáo và giáo dục. Thực vậy, ông không do dự gọi một trong các phán quyết ấy, tức phán quyết McCollum năm 1948, “đi ngược hẳn lại với tinh thần khai triển năng động của truyền thống Mỹ đích thực”. Trong phán quyết McCollum, Tối Cao Pháp Viện cho rằng các điều khoản về tôn giáo ngăn cấm các trường công lập không được để các thầy cô thuộc các hệ phái tôn giáo tới trường trong những ngày trường sinh hoạt bình thường để dạy các môn về tôn giáo.

Theo Murray, phán quyết ấy sai vì nó tôn vinh việc tách rời mà hạ giá quyền tự do thực hành, và ghép thứ triết lý ghét tôn giáo vào quan niệm tách biệt giữa giáo hội và nhà nước. Phán quyết ấy cũng phản động vì đã không lưu tâm tới các thực tại giáo dục, xã hội và tôn giáo hiện thời. Chính phủ ngày nay không còn phải là “sự việc thẳng thừng, đơn giản, khả niệm, hoàn toàn có thể dùng lương tri mà thấu hiểu được” như thời của John Adams (4) nữa. Thực vậy, chính phủ đã trở nên một “sự việc hết sức phức tạp và tràn lan đang sắp xếp phần lớn cuộc sống ta, đang xử lý hầu hết nền giáo dục và phúc lợi xã hội của ta”.

Truyền thống Mỹ đích thực buộc chính phủ phải thích ứng sự tự do thực hành tôn giáo trong những lãnh vực được chính phủ đảm nhận trách nhiệm. Murray nhấn mạnh rằng chính trong lãnh vực giáo dục, chính phủ đã đảm nhận trách nhiệm và người tôn giáo cảm thấy sâu sắc có nhu cầu thiêng liêng. “Chính phủ không thể làm ngơ các nhu cầu đó, nếu không sẽ liều mình bị nguy hiểm; vì vận may của một chính phủ tự do có liên hệ mật thiết với sự kiện có được một đoàn công dân hiểu biết về tôn giáo và đạo hạnh”.

Sau khi nhìn nhận có sự khó khăn trong việc vạch được đường ranh giữa sự thích ứng có thể cho phép và sự thiết lập không thể nào cho phép được, Murray nhấn mạnh rằng giáp mặt với nỗi khó khăn ấy chính là mô hình của tính “mạo hiểm hiến pháp” mà bản chất liên bang Mỹ đòi phải có. “Đó là vấn đề hiểu biết và can đảm dám sử dụng một cách hoà hợp các nguyên tắc có sẵn. Truyền thống Mỹ là một kho tàng. Trách nhiệm của ta là từ kho tàng này rút ra được những điều mới và cũ”.

Về một vấn đề có liên hệ, tức vấn đề chính phủ trợ giúp về giáo dục cho các trường giáo xứ, Murray một lần nữa nhấn mạnh rằng từ khước một sự trợ giúp như thế là hoàn toàn xa rời các thực tại xã hội hiện thời. Cả nguyên tắc công bình phân phối và các thay đổi trong vị thế xã hội học của cộng đồng Công Giáo Mỹ đòi phải có “một cung cách thay đổi nào đó” trong các chính sách tài trợ giáo dục vốn đã được chấp nhận trong hậu bán thế kỷ thứ 19. Murray không nói rõ bản chất của sự thay đổi cần thiết này. Ông nhìn nhận có nhiều yếu tố phức tạp cần phải đưa vào phán đoán chính trị. Ông chỉ nhấn mạnh rằng “luật lệ của thế kỷ 19 không giải quyết được các vấn đề xuất hiện giữa thế kỷ 20”.

Tính thế tục lành mạnh

Theo linh mục Whelan, nếu còn sống đến ngày nay, đối với quyền và bổn phận của các cơ cấu tôn giáo được tham gia cuộc tranh luận công cộng về các vấn đề có ảnh hưởng tới ích chung, Murray có thể sẽ mạnh mẽ nhấn mạnh hai đề xuất sau đây. Thứ nhất, Mỹ hiện nay còn đa nguyên về tôn giáo hơn là lúc người ta chấp nhận Tu Chính Án Thứ Nhất vào năm 1791. Cho nên, cùng một tính tất yếu xã hội ấy, có khi còn lớn hơn nữa, vẫn còn đó đối với việc tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo và đối với việc hiến pháp bảo vệ việc thực thi tự do. Bất cứ mưu toan nào nhằm tháo bỏ việc sắp xếp này của hiến pháp đều vi phạm phẩm giá con người. Nó cũng đe dọa chính nền hòa bình công cộng.

Cẩn thận đọc lại các trước tác của Murray ta sẽ khám phá ra một thay đổi quan trọng về nhấn mạnh trong tư duy của ông. Ông bắt đầu biện luận cho việc có thể dùng hệ thống Mỹ để bảo vệ các mối liên hệ giữa giáo hội và nhà nước. Nhưng kết cục, ông lại biện luận cho tính tất yếu của nó đối với phẩm giá con người.

Bởi đó, Murray chắc chắn chống đối tính chính đáng của bất cứ mưu toan nào nhằm biến Hiệp Chúng Quốc thành một nhà nước Kitô Giáo. Ông không thấy khó khăn nào đối với câu “Chúng tôi tin cậy Thiên Chúa” (In God we trust), nhưng nhất định sẽ ngần ngại đối với câu “chúng tôi tin cậy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Phân biệt trên rất chủ yếu. Đối với Murray, sự hiện hữu và quyền tối cao của Thiên Chúa là những điều ta có thể dùng lý trí mà biết được. Thực vậy, sự hiện hữu và quyền tối cao của Thiên Chúa đã hiện diện ngay tại cốt lõi sự đồng thuận mà thể nghiệm Mỹ từng dựa vào và còn cần phải tiếp tục dựa vào nếu nó muốn tồn tại.

“Không có tôn giáo, xã hội không thể tiến tới tính thế tục lành mạnh mà ngược lại chắc chắn sẽ thoái hóa theo dòng lịch sử mà tuột từ chủ nghĩa toàn trị duy tục của ý thức hệ Jacobin xuống chủ nghĩa toàn trị còn đen tối và phi nhân hơn nữa của thời nay, trong đó, các giá trị như chân lý, công bình, tình yêu và tự do đã đạt tới giai đoạn cao nhất của thoái hóa mà lịch sử từng biết tới”.

Chính phủ có thể đại biểu cho chân lý tối cao có tính tôn giáo về sự hiện hữu và quyền tối cao của Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi nói tới các tín ngưỡng rõ ràng có tính hệ phái, thì chính phủ phải đại biểu cho chân lý của xã hội trong thực chất của nó. Sự thật là xã hội Mỹ là một xã hội đa nguyên tôn giáo. “Sự thật ấy đáng phàn nàn; nhưng nó vẫn là sự thật”.

Cho nên, nếu mục tiêu thực của Đa Số Tinh Thần (Moral Majority) hay bất cứ nhóm tôn giáo nào là muốn Kitô hóa cả nhà nước lẫn xã hội, thì chắc chắn Murray sẽ bác bỏ mục tiêu bất hợp pháp đó của chính phủ. Mà cho rằng có ai đó đã thành công trong việc Kitô hóa đa phần xã hội Mỹ, thì vì phẩm giá con người, chắc chắn Murray cũng sẽ biện luận để thiểu số còn lại vẫn có quyền đòi cho được việc phải tách biệt chính phủ và tôn giáo và phải dùng luật pháp bảo vệ việc tự do thực thi tôn giáo của họ (bao gồm cả việc tự do không thực thi).

Đề xuất thứ hai mà Murray có thể sẽ nhấn mạnh khi thảo luận về mối liên hệ thích đáng giữa chính trị và tôn giáo là đề xuất “lịch thiệp dân sự” (civility). Dưới tiêu đề này, có thể ông muốn bao gồm các đặc tính sau: hợp lý, chính xác, chú tâm và lịch sự.

Theo linh mục Whelan, mặc dù Murray thích và có khiếu tranh luận dữ dằn, nhưng ông thường rất tự chế (ít nhất cũng ở nơi công cộng). Ông cuồng nhiệt tin vào truyền thống biện luận lịch thiệp, và không ngừng nhắc lại xác tín của ông rằng không thể nào có được sự đoàn kết chính trị nếu không có lời nói hợp lý, lịch sự và có chú tâm.

Sau khi Vatican II chấm dứt và Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo đã có chỗ đứng vững vàng, linh mục Whelan có hỏi Murray xem nếu phải làm lại một lần nữa, ông có làm gì khác không. Ông hơi ngần ngại, rồi cương quyết trả lời: “Tôi sẽ chịu ‘ngu một cách hân hoan hơn’”. Rồi lại hơi ngần ngại một lần nữa và nói: “Tôi chưa bao giờ đạt được điều chi từ sự nóng ruột hay cười nhạo”.

Tuy nhiên tính lịch thiệp trong cuộc tranh luận công khai không phải chỉ là vấn đề động cơ cá nhân, như Murray nhiều lần nhấn mạnh trong các trước tác của ông. Lịch thiệp là vấn đề tôn trọng phẩm giá con người, và đó chính là chất xi măng của xã hội.

Theo linh mục Whelan, nếu Murray được phép thăm Giáo Hội Chiến Đấu tại Hiệp Chúng Quốc ngày nay, chắc chắn ông sẽ nhấn mạnh tới lịch thiệp. Quá nhiều người Công Giáo Mỹ dường như đã quên khuấy rằng duy trì tính chính thống không thể biện minh cho việc mình lãng quên lời khuyên của Chúa Kitô “nhờ dấu này mọi người sẽ nhận ra các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13:35).

Người ta cũng có thể nhận xét như thế về một số tranh luận gần đây giữa các chi thể khác nhau thuộc Giáo Hội Việt Nam. Các tranh luận ấy mang đầy giọng điệu chua cay, độc địa khiến đôi lúc, người lạc quan nhất cũng phải nghĩ đó là cuộc ẩu đả bằng lời giữa hai địch thủ không đội trời chung. Hay là tại những người đó tự nghĩ họ không còn là chi thể thuộc giáo hội ấy nữa? Điều ấy rất có thể đúng nhưng chắc chẫn vẫn không cho phép họ quên lời khuyên của Chúa Giêsu trên đây từng nói với toàn thể những ai bước chân theo Người.

Luôn hành động vì tự do

Ở tâm điểm các quan điểm của Murray về tự do tôn giáo, là việc ông nắm vững một cách phi thường ý nghĩa của tự do trong hành vi đức tin. Tự do đó là khía cạnh chủ chốt trong luận án tiến sĩ của ông. Những người dưới sự dìu dắt của ông như linh mục Whelan đều cho rằng thứ tự do đó đã là kim chỉ nam cho ông trong việc đối xứ với người khác. Họ kể lại, trong những lúc khủng hoảng đức tin hay ơn gọi, Murray không hề gây áp lực đối với bất cứ ai. Ông lắng nghe chăm chú, trả lời họ bao nhiêu có thể và luôn coi người mình hướng dẫn như người ngang hàng. Lời ông khuyên họ thường là: tiếp tục cầu nguyện và “hãy Do Thái hơn, và ít Hy Lạp đi”. Ông cũng hay khuyên họ can đảm, “can đảm cần hơn trí hiểu”, lòng can đảm mà chính ông đã nắm vững trong nhiều năm tháng khi Rôma cấm cản ông không được dạy về mối liên hệ nhà nước và giáo hội, lòng can đảm đã đưa ông tới chỗ thai nghén ra Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Tuyên Ngôn trên được 2,308 phiếu thuận, 70 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Công Đồng Vatican II, một ngày trước khi Công Đồng này bế mạc. Theo một chuyên viên khác của Công Đồng là Gregory Baume, việc chấp nhận Tuyên Ngôn trên chỉ xẩy ra sau một cuộc tranh luận gay gắt và lâu dài, với nhiều chống đối dữ dội từ một vài vị giáo phẩm thuộc Giáo Triều và các vị giám mục thuộc các quốc gia đa số là Công Giáo như Tây Ban Nha và Ý. Baume lúc đó là một linh mục thuộc Dòng Thánh Augustino, nhưng năm 1976 đã bỏ chức linh mục, tuy vẫn dạy thần học tại Gia Nã Đại, cho tới ngày nay. Tác phẩm mới nhất của ông về thần học là cuốn Signs of the Times: Religious Pluralism and Economic Injustice, Novalis, 2008. Theo Baume, trong thế kỷ 19, Giáo Hội Công Giáo không hẳn thừa nhận tự do tôn giáo, với chủ trương “chân lý có đủ mọi quyền còn sai lạc thì không có quyền gì cả”. Áp dụng vào thực tế, nguyên tắc trên có nghĩa là vì theo các tôn giáo sai lạc, nên những người không phải là Công Giáo không có quyền tự do tôn giáo, cùng lắm chỉ nên khoan thứ cho họ trong xã hội mà thôi. Baume bảo điều ấy sai, vì chân lý là một quan niệm trừu tượng, trong khi con người cụ thể có những quyền lợi của họ. Baume cũng cho rằng vì Tuyên Ngôn này, Vatican phải duyệt lại các hiệp ước của mình với nhiều quốc gia đa số là Công Giáo để họ hết còn coi Công Giáo là quốc giáo nữa.

Những người chống đối Tuyên Ngôn sợ rằng nếu chấp nhận nguyên tắc tự do tôn giáo, Giáo Hội sẽ tự mâu thuẫn với chính mình. Nhưng các thần học gia như Murray và Baume lúc đó thì cho rằng không có gì là mâu thuẫn cả, vì giáo huấn của Giáo Hội có thể uyển chuyển biến hóa theo hoàn cảnh, một diễn trình được họ gọi là “phát triển học lý”. Trong một nhận định vào năm 1966, Murray nói rằng chống đối ý niệm phát triển học lý mới thực sự là lý do chính của phe chống đối Tuyên Ngôn.

Khi Tuyên Ngôn được chấp nhận, một thú nhận lầm lẫn trong quá khứ của Giáo Hội đối với tự do tôn giáo đã được thêm vào. Câu ấy như sau: “Mặc dầu đời sống của Dân Thiên Chúa, trải qua những cuộc thăng trầm của lịch sử nhân loại lữ thứ, một đôi khi cũng có những phương cách hành động ít thích hợp, hay hơn nữa, trái với tinh thần Phúc Âm” (số 12). Sự thú nhận này là do gợi ý của Đức Hồng Y Josef Beran của Prague lúc ấy thuộc chế độ Cộng Sản Czechoslovakia. Ghi nhận rằng trong lịch sử xứ sở của ngài từng có việc thiêu sống người ly giáo và buộc người ta trở lại Đạo Công Giáo, ngài kêu gọi công đồng chấp nhận bản tuyên ngôn “trong tinh thần xám hối vì các tội lỗi quá khứ của mình”.

Khỏi nói, ai cũng biết Đức Hồng Y Beran và các nghị phụ khác thuộc các xứ do cộng sản cai trị hết lòng ủng hộ Tuyên Ngôn này vì nó không phải chỉ thiết lập ra nguyên tắc tự do tôn giáo mà thôi, nó còn là lời kêu gọi để cho giáo hội được độc lập đối với nhà nước và được bảo vệ chống lại sự xâm phạm của nhà nước đối với các tôn giáo có tổ chức.

Tuyên Ngôn nói rằng: “Nếu thẩm quyền dân sự có ý kiểm soát hay hạn chế các hoạt động tôn giáo, thì phải nói là họ đã đi quá quyền hạn của mình”. Một trong những người nhiệt liệt ủng hộ Tuyên Ngôn chính là Tổng Giám Mục Karol Wojtyla của Krakow, Poland, lúc ấy còn do khối Xô Viết kiểm soát. Tại phòng công đồng vào năm 1965, vị tổng giám mục 45 tuổi này đã lên tiếng biện luận rằng không nhà nước nào có quyền khống chế tôn giáo. Theo Baume, vị tổng giám mục này hết sức chú ý tới bản văn và bản văn ấy đã làm ngài ‘quay về’ với các nhân quyền. “Ngài trở thành một nhà quán quân của nhân quyền trên khắp thế giới, không phải chỉ là các quyền của tôn giáo, các nhân quyền vốn đặt căn bản trên nhân phẩm của con người”.

_______________________________________________________________

(1) Roger Williams (21/12/1603 – 18/4/1683) là nhà thần học người Anh, nổi tiếng bênh vực sự khoan dung tôn giáo và tách biệt giữa giáo hội và nhà nước và là người cổ xúy cho việc phải đối xử tử tế với người Thổ Dân Mỹ.

(2) Trong ngữ cảnh cuộc Cách Mạng Pháp, Nhóm Jacobin (1789-1794) thường chỉ những người có tư tưởng cách mạng.

(3) Hai điều đầu trong Tu Chính Án Thứ Nhất nói rằng: Quốc Hội sẽ không ban hành bất cứ đạo luật nào liên quan tới việc thiết lập một tôn giáo (gọi là Điều Thiết Lập) hay ngăn cấm việc tự do thực thi tôn giáo (gọi là Điều Tự Do Thực Thi).

(4) John Adams (30/10/1735 –4/7/1826) là một chính trị gia Mỹ và là tổng thống thứ hai của Hiệp Chúng Quốc (1797–1801), sau khi làm phó tổng thống (1789–1797) hai nhiệm kỳ. Ông được coi là một trong những vị lập quốc nhiều ảnh hưởng nhất của Mỹ.