HOÀNG SA: HAI BIẾN CỐ

I. NGƯ DÂN BỊ CẦM GIỮ.

Thượng tuần tháng 05.2009, chính phủ Trung quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt hải sản kể từ ngày 16.05 đến 01.08.2009, tại vùng biển Đông mà họ tự nhận là vùng đặc quyền kinh tế của mình, bất chấp nằm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt-Nam.

Đầu tháng 06.2009, Bộ Ngoại giao Việt-Nam đã tới Đại sứ quán Trung quốc tại Hà nội để ‘đề nghị Trung quốc không có các hoạt động cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt-Nam’. Vài hôm sau, ông Tần Cương, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung quốc nói: ‘Trung quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Đông, gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa’. Lệnh cấm trên phải được coi là ‘biện pháp thông thường để bảo vệ nguồn lợi biển của Trung quốc trong lãnh hải của Trung quốc’.

Lập tức, tàu tuần tra Trung quốc đã bắt và phạt những tàu đánh cá Việt-Nam. Do đó, báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 09.06.2009, đã viết: « Hai tháng gần đây, có khoảng 30.000 người thi nhau quần nát bờ biển Quảng ngãi. Không ít người là ngư dân bị nước ngoài tịch thu tàu dẫn đến phá sản, bên cạnh đó là những ngư dân không dám ra khơi do lệnh cấm biển. »

Ngày 16.06.2009, ba tàu đánh cá của ngư dân Quảng ngãi đang tìm nơi tránh bão thì bị Trung quốc bắt và kéo về giam tại đảo Phú Lâm. Sau đó, 25 người được thả về để báo cho gia đình phải đóng phạt 210000 nhân dân tệ hầu chuộc lại ba chiếc tàu và 12 người còn bị bắt giữ được về. Các ngư dân cho rằng họ không thể nộp tiền phạt vì họ không vi phạm khu vực lãnh hải Trung quốc.

Đến nay, gần sáu tuần đã trôi qua… rất ít tin tức về 12 ngư dân này và hai chiếc tàu của họ vẫn bị Trung quốc giam trên đảo Phú Lâm, chưa về với gia đình.

Ngày 09.07.2009, 15 ngư dân trên hai tàu đánh cá thuộc huyện Quỳnh lưu, tỉnh Nghệ an bị cảnh sát biển Trung quốc giam giữ 45 ngày vừa trở về nhà, nhờ 2 chủ tàu và thân nhân các ngư dân đã phải nộp cho cảnh sát Trung quốc 180 triệu đồng.

Sáng ngày 15.07.2009, tàu đánh cá mang số hiệu QNg 2203 TS đã bị một tàu Trung quốc đâm thẳng vào đuôi tàu của họ và làm chìm trong Biển Đông. Tàu vỡ, nước biển tràn vào và chín ngư dân trên tàu chỉ còn kịp vơ phao và can nhựa rồi thoát ra khỏi tàu. Họ đã về đến bến Cổ lũy, thuộc xã Nghĩa an, huyện Tư nghĩa, tỉnh Quảng ngãi, ngày hôm sau, nhờ một tàu đánh cá khác ở cùng quê tiếp cứu. Ba người bị thương rất nặng cần cấp cứu, do kiệt sức, và sáu người khác cũng được đưa vào bệnh viện để chăm sóc sức khoẻ.

Trong những năm qua, nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt bị tàu Trung quốc đâm chìm và người Việt còn bị bắn. Tháng 01.2005, cảnh sát biển Trung quốc đã xả súng vào bốn tàu đánh cá Việt-Nam, khiến 9 ngư dân ở huyện Hậu lộc, tỉnh Thanh hóa thiệt mạng, năm người bị trọng thương, tám người khác và một con tàu bị bắt giữ.

Ngoài ra, ngư dân Việt-Nam cũng đang là đối tượng thường xuyên bị đuổi bắt, bị tịch thu tàu, ngư cụ, hải sản, bị giam giữ và tống tiền. Việt-Nam cũng có hải quân, có cảnh sát biển, có bộ đội biên phòng, những lực lượng này làm gì khi ngư dân thường bị săn đuổi, bị bắt, bị bắn và gặp những tai nạn trên biển?

Đồng bào đã gọi điện thoại nêu thắc mắc này với Đồn 248 thuộc lực lượng Biên phòng Đà nẵng và được một sĩ quan tại đây trả lời: “Có việc chi thì anh phải làm việc cụ thể chứ không thể thông qua điện thoại nhá! Chúng tôi chỉ làm trực tiếp thôi nhá! “

Trong năm 2005, Quảng ngãi có 7 tàu với 75 ngư dân bị bắt giữ. Năm 2006 có đến 10 tàu với 104 ngư dân bị bắt giữ. Năm 2007, con số này tăng lên 23 tàu với 215 ngư dân. Năm 2008 là 26 tàu với 227 ngư dân. Trong sáu tháng đầu năm 2009 đã có 11 tàu với 120 ngư dân bị bắt giữ. Cũng theo báo cáo này, hiện còn tới 18 tàu và 58 ngư dân đang bị Trung quốc giam giữ. Trong số đó, có những ngư dân và tàu bị giam giữ từ năm 2006 đến nay. Số liệu chung về tình trạng này trên toàn quốc rất ít người biết.

Ngày 22.07.2009, ông Lê Dũng, phát ngôn viên bộ Ngoại giao, cho biết là chính quyền Việt-Nam đã và đang mở điều tra, khẩn trương xác minh, làm rõ vụ ‘tàu lạ’, đâm chìm một tàu đánh cá Việt-Nam, ngày 15.07.2009, làm 9 ngư dân bị thương, trong có hai người bị thương nặng.

Sau khi khẳng định lại là vụ việc xẩy ra khi chiếc tàu đánh cá QNg 2203 đang hoạt động trong vùng biển Việt-Nam, cụ thể là tại 13 độ 45 phút Vĩ Bắc, 110 độ 32 phút Kinh Đông, đại diện bộ Ngoại giao cho biết: « Chính phủ Việt-Nam hết sức quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho ngư dân Việt-Nam đánh cá trên biển. »

Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm thông báo vụ việc tới một số nước láng giềng và đề nghị hợp tác điều tra tìm chiếc ‘tàu lạ’ nói trên, nhưng không nói đó là những nước nào.

Về vấn đề Trung quốc đòi phải nộp tiền phạt để chuộc lại 12 ngư dân Việt-Nam, ngày 23.07.2009, ông Chu Tiến Vĩnh, cục trưởng cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, chủ tịch Ủy Ban Liên Hiệp Nghề Cá Việt-Trung, cho biết là ông lại gửi thư lần thứ hai tới đồng nghiệp Trung quốc yêu cầu can thiệp, giải quyết vì thư gửi lần đầu không nhận được trả lời. Ông cũng cho biết nếu Trung quốc không trả tự do cho các ngư dân, thì Việt-Nam sẽ không tham dự cuộc họp trù bị của Ủy Ban này, dự trù tổ chức trong tháng 8 tới tại Đà Nẵng.

II. HẢI CHIẾN NĂM 1974.

Ngày 11.01.1974 khi Trung cộng (TC, tức Trung quốc) ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang nằm trong tay Việt-Nam Cộng hòa (VNCH), là một phần lãnh thổ của họ. Để hậu thuẫn cho lời tuyên bố vô căn cứ, TC phái nhiều tầu đánh cá võ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ quân giả dạng ngư phủ lên các đảo không có quân lực VNCH trấn giữ.

Lập tức, hôm sau, ngày 12.01.1974, Ngoại Trưởng VNCH Vương Văn Bắc đã bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động xâm lăng gây hấn của TC. Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH cho tăng cường chiến hạm tuần tiễu tại vùng biển Hoàng Sa. Lúc đó, chỉ có một trung đội Địa Phương Quân thuộc chi khu Hòa vang thuộc tiểu khu Quảng nam gồm 24 người đóng tại đảo Hoàng Sa cùng với 4 nhân viên thuộc đài khí tượng. Các đảo khác trong nhóm Nguyệt Thiềm không có quân VNCH trú đóng.

Trong các ngày kế tiếp, TC tiếp tục đổ người lên các đảo khác. Tính cho đến ngày 15.01.1974, quân TC đã chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond).

Sáng 15.01.1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16 rời bến Tiên Sa, dưới những tia nắng yếu ớt của một ngày cuối đông... đang xuôi Nam kết thúc một chuyến công tác như lịch trình... những người lính biển ước mơ những chiều dạo phố Sài Gòn bên người yêu... Nhưng, buổi tối, lại nhận lệnh mới: sáng mai, HQ 16 phải chở ra Hoàng Sa một phái đoàn (gồm 1 thiếu tá trưởng đoàn, 1 cố vấn dân sự Mỹ, 2 trung úy và 2 trung sĩ công binh) của Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Chiến Thuật, nhằm khảo sát để thiết lập một phi trường có khả năng tiếp nhận các vận tải cơ hạng nặng C-7 Caribou và chuyến hải hành phụ trội này được dự trù kéo dài không quá 5 ngày.

HQ 16 đến vùng Hoàng Sa khi trời đã tối. Len lỏi giữa những đảo nhỏ đầy những bãi san hô ngầm bao bọc chung quanh, với tầm nhìn hạn chế, HQ 16 rất thận trọng tiến đến đảo Hoàng sa (Pattle), thả trôi cách đảo 1 hải lý về phía Nam.

Sáng ngày 16.01.1974, sau khi đưa phái đoàn Quân lực VNCH lên đảo để thi hành công tác của họ, HQ 16 trở ra biển khơi để chờ ngày vào đón họ về đất liền. Chiến hạm được thả trôi trong vùng biển yên lặng. Lúc quá trưa, sĩ quan trực phiên 12g-16g, từ đài chỉ huy chiến hạm, khi đưa ống nhòm lên quan sát thì nhìn thấy một chiếc tàu đang lửng lơ đậu bên cạnh đảo Cam tuyền (Robert) và ra lịnh giám lộ viên đánh đèn hỏi và, đồng thời, cho nổ máy tàu, quay mũi, trực chỉ phía Nam. Không nhận được trả lời. Sĩ quan trực phiên, sau khi hội ý với Hạm trưởng, đã cho lịnh khai hỏa khẩu đại liên 30 ly, vừa để gây sự chú ý, vừa có ý đuổi nó đi khỏi đảo.

Tiếng súng nổ làm cả tàu địch thức giấc, nhưng vẫn không nhúc nhích. HQ 16 đã đến gần mục tiêu hơn, các ống nhòm nhìn thấy: ‘nền cờ đỏ và 5 ngôi sao vàng ở phía góc: tàu Trung cộng’. Lập tức, Hạm trưởng khẩn báo về Trung tâm Hành quân Hải Quân Đà nẵng và xin chỉ thị, đồng thời cho nhân viên dùng tay, dùng cờ, dùng máy phóng thanh phát bằng tiếng Tàu để yêu cầu nó ra khỏi hải phận Việt-Nam. Nhưng tàu địch không trả lời. Một lúc sau, họ cũng dùng loa phóng thanh cầm tay để yêu cầu ngược lại: ‘HQ 16 phải rời khỏi hải phận Trung quốc’.

Sáng ngày 17.01.1974, thêm một tàu khác xuất hiện cạnh đảo Vĩnh Lạc và cả trăm cờ TC đã được cắm dọc bờ biển trên vùng cát trắng, trừ đảo Cam Tuyền. Đó là hai tàu chiến loại Liệp tiềm đĩnh số 274 và số 271 của Hải quân TC.

Lối 14 giờ cùng ngày, Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 nhập vùng tranh chấp với một trung đội người nhái và hành động ngay. HQ 4 từ phía Nam đảo Vĩnh Lạc chạy lên, HQ 16 từ đảo Hoàng sa xuống như hai gọng kềm kẹp chặt hai chiếc tàu TC vào giữa. Hai tàu TQ đành nhượng bộ, mở máy chạy về phía Nam hai đảo Duy Mộng và Quang Hòa. Sau đó, HQ 4 cho đổ bộ các người nhái lên đảo Vĩnh Lạc, nhổ cờ TC và cắm cờ VNCH. HQ 16 cho đổ bộ 15 nhân viên cơ hữu lên đảo Quang Hòa. Chiều hôm đó, hai chiến hạm TC loại Konstrat (Tảo lôi hạm) số 389 và số 391 do Liên Sô chế tạo, xuất hiện, lẩn quẩn ở hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng.

Ngay tối hôm đó, các đài truyền thanh và truyền hình phát đi Bản tuyên cáo của chính phủ VNCH: ề Bộ Ngoại giao thay mặt chính phủ và nhân dân Việt-Nam tuyên bố Hoàng Sa là vùng lãnh thổ không thể chuyển nhượng của mình, căn cứ trên thực tại và các chứng cứ trong lịch sử. Đồng thời, tố cáo trước dư luận quốc tế việc lấn chiếm hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng của TC. Để giải quyết vấn đề, chính phủ VNCH đề nghị cả hai cùng đưa vấn đề ra xét xử trước tòa án quốc tế La Haye. Dĩ nhiên, phía TC giữ im lặng, không hồi đáp.

Sáng ngày 18.01.1974, Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5 nhập vùng và trở thành soái hạm vì, trên đó, có sự hiện diện của Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Hoàng Sa. Nhập vùng sau cùng là Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10. Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ10 tham chiến với một trên hai máy còn hoạt động.

Lệnh hành quân do tư lệnh LLDN/Hoàng Sa gởi cho các chiến hạm vào những giây phút đầu tiên ngày 19.01.1974. Mục đích: tái chiếm hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng. Mọi sự chuẩn bị phải hoàn tất để sẵn sàng tác chiến trước 6 giờ. Nhiệm vụ chính HQ 4 và HQ 5 là đổ bộ khoảng một trung đội người nhái lên đảo và nhiệm vụ của HQ 16 và HQ 10 là yểm trợ hỏa lực cuộc đổ bộ.

Đúng 7 giờ, trên các chiến hạm VNCH, còi nhiệm sở tác chiến vang lên và tiếng loa phóng thanh mời: ‘Tất cả vào nhiệm sở tác chiến’. Mọi người liền mang áo phao, đội nón sắt chạy đến nhiệm sở tác chiến. HQ 16 và HQ 10 mở máy tiến theo đội hình hàng dọc. Trong vòng một giờ rưỡi sau đó, mọi chuẩn bị diễn tiến tốt đẹp có thể có trên các chiến hạm này. Những báo cáo, chỉ thị và những tiếng nói của các sĩ quan thẩm quyền từ các chiến hạm bạn liên tục được truyền đến từ máy truyền tin PCR 25.

9 giờ, hai nhóm Biệt Hải VNCH được HQ 4 đổ quân lên đảo Quang Hòa, dưới sự yểm trợ hỏa lực của HQ 16 và HQ 10.

10 giờ 22, hai tàu chiến HQ 16 và HQ 10 tiến vào lòng chảo Hoàng Sa theo thế gọng kìm. Khẩu đại bác 20 ly đôi, trên Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16, với hai nồi đạn đang nằm trên giá và nòng súng thì lúc nào cũng chĩa thẳng vào tàu địch đang tiến về phía HQ 16. Khi còn cách nhau khoảng 20 mét, Hạm trưởng HQ 16 ra lệnh: ‘Lấy hết tay lái bên trái’ và tàu địch cũng đang lấy hết tay lái bên phải, khiến hai chiến hạm chạm vào nhau, mũi tàu địch đâm vào một góc nhỏ, quệt dài theo hông bên phải cho đến cuối HQ 16. Mũi nhọn chiếc neo hữu hạm HQ 16 móc vào và làm rơi bè đào thoát của tàu địch xuống biển.

Sau đó, HQ 16 và HQ 10 quay mũi trở về hướng bắc vì nhận được tin báo từ một toán Biệt Hải đổ bộ đã đột nhập đảo qua máy truyền tin CR 25. Họ cho biết TC đã xây dựng những công sự phòng thủ kiên cố và một đài quan sát, được bảo vệ bởi khoảng một tiểu đoàn quân trú đóng. Chừng 10 phút sau đó, HQ 16 nhận được lệnh của Tư lệnh/LLĐN yêu cầu HQ 16 và HQ 10 chuẩn bị để tác xạ lên đảo để yểm trợ cho toán người nhái đang bắt đầu tiến vào.

Khi được tin toán Biệt Hải bị một đại đội hải quân TC tấn công, cuộc giao tranh trên bộ làm 2 người chết và 2 bị thương, nhóm Biệt Hải được lệnh rút về HQ 5, Hạm trưởng HQ 16 đề nghị Tư lệnh/LLĐN cần làm bất khiển dụng các tàu địch hầu sẽ dể dàng hơn trong việc tái chiếm hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng. Sau khi thảo luận, đề nghị được chấp thuận, HQ 16 yêu cầu HQ 10 khai hỏa. Sau tiếng nổ từ khẩu 76.2 ly của HQ10, Hạm trưởng HQ 16 ra lệnh ‘tác xạ’, cả HQ 16 bị giật lùi vì tiếng khai hỏa của đại pháo 127 ly. Các khẩu đại bác 40 ly đôi trước mũi và 40 ly đơn sau lái hữu hạm và 20 ly nhả đạn liên hồi, làm mờ cả một vùng trời trên chiến hạm. Các tàu TC này di chuyển nhanh và phản kích dữ dội. Hai chiến hạm HQ 4 và HQ 5 tiến vào lòng chảo, tham chiến từ phía tây nam.

Sau khi bắn viên vài đạn đầu, đại bác 127 ly được điều chỉnh để tác xạ chính xác hơn. Bổng cả đài chỉ huy ồ lên như ong vỡ tổ ‘Trúng rồi’. Từ HQ 16, mọi người nhìn về bên phải mũi tàu, một chiến hạm địch đang bốc khói. HQ 16 cũng đã loang lỗ với hàng trăm viên đạn nổ khắp chiến hạm.

Các tàu TC di chuyển thật nhanh và phản kích dữ dội. Sau 30 phút hải chiến, HQ 10 bốc cháy và chìm, HQ16 bị trúng đạn pháo phải rút về phía tây. Hai chiếc HQ 4 và HQ 5 thương tích nhẹ, rút về hướng đông nam. Các tàu phía TC bị hư hại nặng, một tàu phải ủi bãi, một tàu bốc cháy, không đủ sức đuổi theo.

Tối đó, hai chiến hạm HQ 4 và HQ 5 bị hư hại nhẹ lần hồi về Hải Quân công xưởng Đà nẵng. Sáng sớm 20.01.1974, HQ 16 vào vịnh Tiên sa, nhưng không vận chuyển cặp cầu được, phải xin tàu dòng từ Ty Thương cảng Đà nẵng, kẹp ngang hông mà cặp cầu quân cảng Đà nẵng.Tại đây, khi kiểm tra thì được biết HQ 16 bị chính hỏa lực bạn là HQ 5 bắn và làm trọng thương, nghiêng 15 độ.

Ngày 20 tháng 1, tàu dầu Hòa lan ‘Kopionella’ vớt được 23 người thuộc HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Ngày 29.01.2009, ngư dân Việt-Nam đã vớt được một toán Hải quân VNCH gần Mũi yến (Qui nhơn), gồm 15 chiến sĩ HQ 16 đổ bộ lên đảo Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến.

TC đã bắt giữ 48 tù binh Việt-Nam và, sau đó, có trao trả tại Hồng Kông qua Hội Hồng thập đỏ.

Để được đầy đủ, chúng tôi xin ghi những chi tiết sau đây tìm được trong bài ‘Hải chiến Hoàng Sa 1974’ của Wikipedia:

- Trong thời gian xảy ra chiến sự, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số tàu chiến và chiến đấu cơ từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa sau đó yêu cầu Đệ thất Hạm đội trợ giúp, nhưng phía Mỹ từ chối. Các chiến hạm Việt Nam Cộng hòa được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa.

- Hôm sau, 20 tháng 1, 4 phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, và Hoàng Sa. Tiếp đó, quân Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của VNCH trên các đảo này. Sau 20 phút, lực lượng của VNCH trên các đảo bị mất liên lạc.