Cách đây ít lâu, tổng thống Hoa Kỳ, ông Barack Obama đọc bài diễn văn tại trường đại học Notre Dame, bang Indiana, Hoa Kỳ, ngày 17.05.2009 và một bài phát biểu tại trường đại học Hồi Giáo Al-Azhar ở Cai-rô, ngày 04.06.2009. Hai bài diễn văn này đã đánh động rất nhiều bậc trí thức trong xã hội và Giáo hội. Chúng tôi muốn lược dịch để cống hiến cho mọi thành phần Dân Chúa ở Việt Nam và cả xã hội đương thời, nhất là trong hoàn cảnh xã hội hiện nay đang xôn xao tìm hiểu vai trò của người tín hữu Ki-tô trong thế giới đa dạng và xã hội đa nguyên (không nói tới đa nguyên chính trị). Những người xác tín đi “lề bên phải” có vai trò gì trong xã hội hiện nay, chứ không phải sống mãi với lô-gíc, khinh thường và hí hoạ về người khác. Cả những ai tự hào “đi lề bên trái” đôi khi cũng đi vào vết xe đó, biến người khác thành “ma quỷ” (diaboliser) khi nguời khác không nghĩ, không làm, hoặc chưa làm như TA mong muốn và làm như trường hợp Đức Tổng Kiệt, Đức cha Nhơn và một số vị lãnh đạo khác.

Ước mong hai bài diễn văn này giúp chúng ta có những suy tư sắc sảo để đưa đến những hành động có ích lợi và đúng đắn.

Thực ra, đây không phải là nguyên văn hai bài diễn văn đó, song được trình bày và có chú thích bởi một nhân vật sáng giá trong giáo triều Vatican. Đó là Đức Hồng Y Gogerces Cottier OP, nguyên là chuyên viên thần học của nhà Đức Giáo Hoàng tại Rô-ma.

Sau đây là bản dịch được đăng trên báo “30 ngày” (số 05, năm 2009). Gọi là nguyên văn song cũng có lúc phải lược dịch để rõ ý theo lối nói Việt Nam cho dễ hiểu:

Những tuần mới đây, ông Barack Obama đã đọc hai bài diễn văn chính thức rất quan trọng trong hai môi trường đại học rất khác biệt. Ngày 17.05.2009, ông đã nói ở đại học Norte Dame, là đại học Công giáo ở bang Indiana, Hoa Kỳ, nơi ông ta được mời để lãnh nhận bằng tiến sỹ danh dự vào dịp cổ truyền trao văn bằng tiến sỹ cho 2900 sinh viên. Vào ngày 04.06 mới đây tại Cai-rô, trường đại học Al-Azhar được coi như trung tâm chính thức giảng huấn tôn giáo về Hồi giáo Sunnites, ông cũng đã đọc một bài diễn văn dài đặc biệt gửi tới thế giới Hồi giáo.

Tôi không có ý làm một bài chú giải chính trị vì tôi không đủ thẩm quyền, nhưng tôi rất chú ý đến nhiều điểm mà vị tổng thống Hoa Kỳ đã nhấn mạnh tới trong cả 2 bài phát biểu. Vượt ra ngoài những đầu đề riêng biệt mà ông đề cập, nó làm chứng có một cái nhìn về sự kiện chính trị mà người ta có thể đối chất với những yếu tố căn bản trong học thuyết xã hội của Giáo hội Công Giáo.

* Trong bài diễn văn tại trường đại học Notre Dame, tôi chú trọng đến những lời của ngài Obama ngay từ đầu gửi đến giới trẻ. Vị tổng thống cảnh báo chúng ta rằng, chúng ta đang trải qua thời kỳ lịch sử đặc biệt và ông ta coi hoàn cảnh này như một đặc quyền và một trách nhiệm đối với giới trẻ. Có một vài đoạn tích cực liên quan tới người Ki-tô, những bổn phận của mỗi thế hệ đều là những bổn phận mà sự quan phòng của Thiên Chúa không vắng bóng. Để đánh giá đúng tầm mức của hai bài phát biểu đó, trước hết phải nhớ lại hai điểm chính yếu. Đầu tiên phải nhớ rằng, bài diễn văn của tổng thống Obama liên hệ đến xã hội thế trần và Giáo Hội cũng đã công nhận trong nhiều thông điệp khác nhau cũng như trong các bản tuyên bố của giáo quyền rằng: các xã hội thế trần có sự độc lập. Sự độc lập đó không có nghĩa là cách biệt, đối kháng, cô đơn hay thù hận giữa xã hội thế trần và Giáo Hội, đơn giản Giáo Hội công nhận xã hội thế trần có sự tồn tại và mục đích riêng biệt. Trong việc đối thoại với thực tại đó, Giáo Hội muốn đóng góp phần mình - biểu dương cho Tin Mừng và những giá trị của ân sủng - không chối bỏ cũng không che giấu mà trái lại làm nổi bật lên giá trị của sự độc lập của thế giới thế trần.

Điểm thứ 2 mà tổng thống Obama nói đề cập là nói tới một thế giới như hiện nay. Những lời của ông ám chỉ đến Hoa Kỳ, nhưng với tất cả những phong trào của các dân tộc đã diễn ra trong những thiên niên kỷ mới đây thì những lời nói của ông cũng được áp dụng cho tất cả các miền trên thế giới, nhất là Âu Châu hiện đang bị các xã hội đa nguyên thống trị. Ông Obama là một lãnh đạo chính trị được kêu gọi để nhận thức một xã hội đa nguyên - đây là một tiền đề phải nhớ tới nếu muốn hiểu biết đích thực những lời nói của ông.

Thực ra, bài diễn văn ở trường đại học đầy rẫy những quy chiếu lấy từ truyền thống Ki-tô, ví dụ một biểu thức (cách nói) thường được láy đi láy lại đó là chữ “mảnh đất chung”, tương đương với ý niệm căn bản của học thuyết xã hội của Giáo Hội, đó là “ích chung”.

Trong tâm tưởng thông thường ngày nay có khuynh hướng nghĩ rằng, nền luân lý chỉ liên hệ tới phạm vi cuộc sống và những tương quan thiêng thánh mà thôi, nhưng thực tế việc tìm kiếm ích chung đã giả định sự quy chiếu về các tiêu chuẩn và quy tắc luân lý (xem thông điệp Hoà bình trên trái đất, số 80). Luân lý tồn tại và y nguyên, nó không thay đổi để phù hợp với môi trường công hay tư nhưng nền luân lý cần phải luôn luôn lưu ý tới đối tượng mà nền luân lý được áp dụng. Trong trường hợp này cần phải tìm tòi ích chung trong một xã hội đa nguyên.

Vấn đề là người ta không có thể làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn: làm thế nào để cùng tìm kiếm ích chung trong một xã hội có những tư tưởng khác biệt, đôi khi xung đột nhau về điều gì là sự thiện, điều gì là sự ác? Và làm thế nào để cùng nhau tiến lên trong việc truy tìm ấy, mà không ai bị bó buộc phải hy sinh bất cứ điều gì cho những xác tín chính yếu của họ. Đối với tôi, hình như chúng ta không đồng ý với nhau về cách thức mà ông Obama đưa ra để giải quyết các vấn đề. Phải chăng bởi vì trong bài trình bày này, ông Obama đã khởi đi từ những dữ kiện được công nhận và chú trọng tới trong truyền thống Ki-tô: những hậu quả của tội tổ tông truyền “Một phần của vấn đề ở tại những bất toàn của con người, trong sự ích kỷ của chúng ta, trong sự kiêu căng của chúng ta, trong sự cố chấp của chúng ta, trong sự ham muốn của chúng ta, trong những bất định của chúng ta, trong những ích kỷ của chúng ta: đó là tất cả những tàn ác lớn nhỏ của chúng ta mà trong truyền thống Ki-tô được đâm rễ trong tội tổ tông truyền”. Ông Obama đưa ra một vài điểm trong bài diễn văn lời cảnh báo sau đây “sự diễu cợt cuối cùng của đức tin đó là đức tin cần thiết phải chú trọng đến sự nghi ngờ. Nhận biết một cách chắc chắn điều mà Thiên Chúa đã dự liệu cho chúng ta hay là đòi hỏi chúng ta, thì vượt xa những khả năng nhân loại, và những ai tin thì đều phải tín thác vào sự kiện là sự khôn ngoan của Thiên Chúa cao trọng hơn sự khôn ngoan của chúng ta”. Trong đoạn này có một vài chữ có vẻ bất đồng với huấn giáo của Giáo Hội. Như thánh Tô-ma đã viết: Đức tin là ân ban của Thiên Chúa thì vô ngộ (không sai lầm), không có hồ nghi trong đức tin, đức tin không sai lầm nhưng người tin có thể sai lầm khi sự phán đoán của họ không xuất phát từ đức tin. Hơn nữa, có một dữ kiện là người tin - nhất là đứng trước một số chọn lựa thực hành, tự đặt cho mình những câu hỏi phải hành động ra sao và những tiêu chuẩn nào đức tin gợi ý cho họ, và trong những trường hợp cụ thể của cuộc sống, những tiêu chuẩn đó hình như không phải luôn luôn sáng tỏ và rõ rệt: những nố giải lương tâm có thể xuất hiện.

Phần thứ hai của câu nói làm sáng tỏ cái nghĩa mà Obama muốn cho mọi người hiểu về lời nói của mình: một nhận thức chắc chắn về điều Chúa muốn chúng ta phải làm “Vượt khỏi những khả năng nhân loại của chúng ta”, nhưng chúng ta vẫn phải tin tưởng “vì sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì cao cả hơn của chúng ta”. Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo chủ trương và dạy bảo rằng: Thiên Chúa là nguyên lý và là cùng đích của mọi sự, có thể được nhận biết cách chắc chắn nhờ vào ánh sáng thiên nhiên của lý trí nhân loại dựa vào những sự vật đã được tạo dựng. Nhưng trong những điều kiện lịch sử mà con người sinh sống, họ vẫn cảm thấy khó khăn để sử dụng có hiệu quả cái khả năng thiên nhiên để đi tới, nhờ sức riêng mình, một nhận thức chân thật và chắc chắn về Thiên Chúa bản vị cũng như về lòng tin tự nhiên mà Đấng Tạo Hoá đặt để trong tâm hồn mỗi người. Như đã được cắt nghĩa trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, chương 37-38, nơi đây cũng trích thông điệp Humani Generis, con người cần phải được chiếu sáng nhờ mạc khải của Thiên Chúa không những về những gì vượt khỏi sự hiểu biết của họ, mà cũng còn về “những chân lý tôn giáo và luân lý” mà tự thân lý trí không phải là không đạt tới được. Bởi vì trong tình trạng hiện hữu của nhân loại “do những ước vọng xấu nảy sinh từ tội tổ tông truyền, những chân lý này có thể không được nhận biết mà không có những khó khăn hoặc với sự chính xác bền vững không vương lầm lỗi”. Trong tín lý Ki-tô, chú trọng tới những hậu quả của tội tổ tông truyền, không có nghĩa là trở nên đồng loã với tội lỗi hoặc từ bỏ việc hiến tặng cho tất cả mọi người những chân lý luân lý, mà trong những điều kiện lịch sử cụ thể con người đang sống trên trái đất này, thì đối với nhiều người sự nhận biết đó coi như u tối.

Obama trong bài diễn văn của ông, cả chính ông nữa, cũng không che giấu những xác quyết riêng tư của ông về luân lý, như người ta thường coi là bất thể hay là ít thuận tiện việc chủ trương có những chân lý khách quan trong hoàn cảnh của một xã hội đa nguyên. Ông chỉ nhận xét rằng, do chúng ta có kinh nghiệm về giới hạn, về sự dòn mỏng, về sự khốn cùng của chúng ta “không được làm cho chúng ta xa lìa đức tin”, nhưng đơn giản phải “làm cho chúng ta trở nên khiêm tốn” và kích thích chúng ta “cởi mở và tò mò”, ngay cả khi ở trong tình huống tranh đấu và đối lập về những vấn đề luân lý nhạy cảm.

Vậy thì rõ rệt là vấn đề huấn giáo tông truyền về tội tổ tông gợi ý cho chúng ta tiến đến cái thực tại của nhân loại, có thể trở nên hữu ích trong những tình huống lịch sử tồn tại trong những xã hội đa nguyên.

* Tất cả những xã hội đa nguyên đều sống trong trong những căng thẳng, mâu thuẫn, chia rẽ về điều công chính cũng như bất công nhưng cũng có một cách dân chủ để sống tình trạng đó - cách mà ông Obama đã tả vẽ trong bài diễn văn của ông và có thể đồng thuận với một quan niệm Ki-tô về những tương quan giữa con người. Ông Obama nói, chúng ta cần phải nhận thức vì đó là tiền kiến (nơi đây ông ta chấp nhận một ý nghĩa tích cực của chữ này) rằng NGƯỜI KHÁC có thành tâm, ngay cả người không nghĩ tưởng như chúng ta. Chúng ta không nên hí hoạ về người khác, phải tôn trọng người khác, đừng biến họ thành quỷ. Nền dân chủ sống còn nhờ vào yếu tố tinh thần tự nhiên mang tính chất Ki-tô một cách thẳm sâu. Khi tôi đọc những bài diễn văn này, tôi đã nghĩ tới những trang rất đẹp của thông điệp Ecclesia của Đức thánh cha Phao-lô VI, trong đó Đức Giáo Hoàng viết rằng: con đường vạch ra cho những liên hệ nhân loại trong xã hội đó là con đường đối thoại, ngay cả khi đề cập tới những chân lý sống còn mà vì thế người ta có thể hy sinh cả cuộc sống.

Không phải chúng ta “vơ vào mình” những bài diễn văn đó, nhưng là để tìm những điểm gặp gỡ. Bài diễn văn ở đại học Norte Dame đã nhắc tôi nhớ tới thông điệp Dignitatis Humanae - một thông điệp vĩ đại về giáo huấn xã hội của Giáo Hội, nơi đây dạy ta có bổn phận tìm tòi chân lý là bổn phận trước mặt Chúa và cũng bắt nguồn từ bản tính nhân loại. Vậy nên, khi tôi kính trọng người khác thì tôi cũng kính trọng trong họ khả năng chân lý.

Một vấn đề khác thường gây ra căng thẳng trong những xã hội đa nguyên, đó là sự đòi hỏi tự do tôn giáo của cá nhân trước nhà nước. Sự đòi hỏi đó không nhất thiết buộc về phía nhà nước phải chọn lựa sự lãnh đạm tôn giáo, nhưng cái ý thức về những giới hạn quyền năng của mình.

Tôi đã bị đánh động bởi sự kiện ông Obama không né tránh vấn đề gai góc nhất đó là việc phá thai, một vấn đề mà ông đã bị nhiều chỉ trích từ hết mọi nơi, trong đó có cả các giám mục Hoa Kỳ. Một phần thì những phản ứng đó là đúng đắn: trong những quyết định chính trị tương đối về việc phá thai thì hàm chứa những gía trị không thể thương lượng được. Còn đối với chúng ta, sự việc liên can là phải bảo vệ nhân vị, những quyền lợi tuyệt đối mà đầu tiên và rõ rệt là quyền được sống. Vậy, trong xã hội đa nguyên có những khác biệt căn bản về vấn đề này. Giống như chúng ta, cũng có những người coi việc phá thai là một việc căn bản xấu đối với những ai đón nhận và đấu tranh nó như một quyền lợi. Vị tổng thống không bao giờ chấp nhận cái lập trường cuối cùng này; trái lại, hình như ông gợi ra những giải pháp tích cực - đó là điều báo L’Osservatore Romano (người quan sát Rô-ma) trong số ra ngày 19 - 05 đã nhấn mạnh, và đề nghị trong trường hợp này nên tìm một “Mảnh Đất Chung”. Trong cuộc tìm tòi này, ông Obama cảnh báo không đời nào được phép thẩm định những xác tín của riêng mình nhưng mỗi người trái lại phải được trình bày trước mọi người và bảo vệ chúng. Lập trường của ông không phải theo thuyết tương đối như bị nhiều người hiểu lầm, cốt tại ở điều phát biểu những ý kiến trái nghịch là: tất cả những ý kiến tư riêng đều không chắc chắn và chủ quan, vậy nên để chúng bên cạnh nhau khi nói tới những vấn đề trên. Ông Obama công nhận đằng khác vấn đề có tầm mức trầm trọng thê thảm, có nghĩa là quyết định phá thai “xé rách trái tim” của tất cả các phụ nữ. Mảnh đất chung mà ông ta đề nghị như sau: cùng nhau làm việc để hạn chế con số phụ nữ tìm cách phá thai; ông thêm, tất cả những luật lệ trong vấn đề này phải bảo đảm tuyệt đối sự phản đối lương tâm đối với tất cả những người làm công tác y tế không muốn cộng tác vào công việc phá thai. Những lời nói của ông có ý nghĩa làm giảm bớt sự dữ. Những chính phủ và các quốc gia phải làm tất cả để các vụ phá thai có thể ngày càng bớt đi, một SỰ TỐI THIỂU phải được bảo đảm nhưng là sự tối thiểu đáng quý. Điều này làm tôi nhớ lại cử chỉ của các nhà lập pháp Ki-tô đầu tiên, không bãi bỏ ngay lập tức những luật lệ Rô-ma mà khoan dung với những thực hành không phù hợp, đôi khi chống đối với luật tự nhiên, như sống chung chưa cưới xin và sự nô lệ. Việc biến đổi phải đi con đường từ từ, đôi khi nhờ vào những việc tháo lui dần dần ở trong dân chúng khi con số những người Ki-tô gia tăng, và cùng với họ ý nghĩa về nhân phẩm con người được lớn lên. Lúc đầu, để bảo đảm sự hoà hợp của những người công dân mà vẫn duy trì các giá trị, điều người ta gọi là “những luật lệ bất toàn”, như vậy tránh được những hành động, xử sự trái nghịch với luật tự nhiên. Thánh Tô-ma, chính ngài cũng đã xác tín về luật phải có tính cách luân lý, đã nói rằng: nhà nước không nên ra những luật nghiêm ngặt quá, ở “tầm cao” quá, bởi vì những luật đó sẽ bị khinh thường bởi những con người không có khả năng áp dụng chúng.

Con người chính trị phải có thực tế để nhận ra sự ác và gọi nó bằng tên chính thức, họ phải nhận biết mình khiêm tốn, kiên nhẫn và phải chiến đấu chống sự ác, mà không tự phụ có thể tiêu diệt nó ra khỏi lịch sử con người bằng những phương tiện dùng luật pháp mà đàn áp. Đó chính là dụ ngôn cỏ lồng vực cũng có giá trị trong phạm vi chính trị, nhưng không được dùng nó để biện minh cho thuyết vô liêm sỉ và lãnh đạm. Muốn giảm bớt hết sức sự ác thì luôn luôn hiện hữu sự căng thẳng - đó là một đòi buộc. Giáo Hội cũng đã nhận thấy một hoài bão mơ hồ và nguy hiểm khi muốn loại trừ tận gốc rễ sự ác trong lịch sử bằng con đường dùng luật pháp, chính trị hay tôn giáo. Lịch sử - ngay cả mới đây, thường đầy rẫy những tai hại do những con người cuồng tín, tự phụ, muốn làm cho nguồn suối sự ác khô cạn đi trong lịch sử nhân loại và cuối cùng đã biến tất cả thành một nghĩa địa mênh mông. Những chế độ cộng sản đã hoàn toàn đi theo luận điệu đó. Và trong các cuộc khủng bố tôn giáo người ta chém giết cũng nhân danh Thiên Chúa. Và khi một thầy thuốc ủng hộ việc phá thai đã bị những chiến sỹ chống phá thai ám sát - hiện nay vẫn xảy ra mới đây tại Hoa Kỳ - thì phải công nhận rằng những tư tưởng này được đẩy lên rất cao như là việc bảo vệ sự sống, bảo vệ giá trị thiêng thánh, giá trị tuyệt đối của sự sống nhân loại, cũng có thể huỷ hoại và biến thành những huấn lệnh cho những lý tưởng sai trái khác. Những người Ki-tô mang vào thế giới một niềm hy vọng thế trần thực tế, chứ không phải một giấc mơ mơ hồ hoài bão, ngay cả khi họ chứng tỏ sự trung thành với những giá trị tuyệt đối như sự sống. Thánh nữ Gianna Beretta Molla - một nữ y sỹ đã phải chết vì từ chối không muốn làm hại đến đứa trẻ mà bà đang mang trong dạ, thì đạt tới sự anh hùng thường thấy và âm thầm trong các tâm hồn, không phải chỉ nguyên của những người Ki-tô. Bà đã nhắc cho mọi người về định mệnh chung mà chúng ta vươn tới. Sự anh hùng của bà là một hình thức ngôn sứ theo cung cách Phúc Âm và chứng từ Ki-tô.

Trong diễn văn ở trường đại học về khía cạnh này, ông Obama đã đưa ra một vấn đề hết sức quan trọng. Ông gợi nhớ tới thời kỳ trong cuộc đời mà ông đã tham gia vào việc cứu trợ xã hội, do chính những xứ đạo Công giáo tài trợ về kinh tế, trong những khu phố nghèo nàn ở Chi-ca-go, những dự án mà có cả những người tình nguyện của Tin lành và Do thái. Trong hoàn cảnh đó, ông đã gặp gỡ những người vừa cởi mở vừa thông cảm, ông đã nhận thấy ở nơi họ những sự nghiệp tuyệt hảo do chính Thiên Chúa khơi nguồn và nuôi dưỡng. Và trước quang cảnh này, ông đã bị thu hút bởi ý tưởng gia nhập Giáo Hội, và cũng nhờ việc phục vụ này, như ông kết luận: “tôi đã được dẫn đưa tới Chúa Kitô”. Ông cũng có lời ngợi khen cảm động tới vị hồng y vĩ đại Joseph Bernadin, lúc đó làm Tổng giám mục Chi-ca-go. Ông gọi ngài là một ngọn hải đăng và một ngã tư được yêu chuộng, và ngài thường khuyên bảo với gương sáng bền vững của chính ngài, khuyên mọi người hướng đến tìm kiếm một mảnh đất chung. Trong kinh nghiệm đó, ông Obama đã nói: nhờ lời nói và những việc làm của các nhân vật mà tôi từng cộng tác trong các xứ đạo Chi-ca-go, đã làm rung động trái tim và tinh thần của tôi. Cái quang cảnh của đức ái đến từ Thiên Chúa có sức mạnh cảm hoá và lôi cuốn tinh thần cũng như trái tim của những con người, và đấy chính là mầm mống duy nhất của sự biến đổi thực tế trong lịch sử đời sống con người. Ông Obama cũng trích lời nói của ông Martin Luther King mà ông cảm thấy là một môn đệ.

Rằng Obama thực tế là tổng thống Hoa Kỳ sau 41 năm ngày mục sư Luther King bị ám sát, là dấu chỉ và bằng chứng về sự hiệu quả lịch sử của đức tin trong sức mạnh của chân lý. Ngay trong những thập niên mới đây, chúng ta thấy có nhiều lý tưởng tự phụ thay đổi về bạo lực, những chương trình cách mạng với hoài bão: tất cả nền dân chủ nhờ vào sức mạnh quân sự; và chúng ta đã ghi nhận những thất bại thảm thương và những bước giật lùi. Điểm thực tế khiêm tốn của Obama mở cửa cho chúng ta thấy những dàn cảnh mới giữa những địa dư - chính trị khác nhau, như bài phát biểu của ông tại trường đại học Hồi giáo ở Cai-rô.

Trong bài phát biểu đó, ông Obama đã tìm cách liên hệ tới nước Mỹ để tìm một mảnh đất chung, giúp cho những quan hệ rắc rối được tiến triển giữa đạo Hồi và thế giới Âu châu. Trong việc tìm tòi đó - theo tổng thống - mỗi bên được mời gọi nhìn vào bên trong truyền thống của mình để tìm ra những giá trị căn bản, những lợi ích chung, để từ đó xây dựng sự hoà bình và tôn trọng lẫn nhau. Sự đề cập như vậy làm nên một yếu tố căn bản về những chủ thuyết gây chấn động mạnh cho các nền văn minh, là một phản đề cho khuynh hướng áp dụng những mẫu mực tiêu cực đối với người khác. Ông Obama trong bài diễn văn của mình, được hàng trăm triệu người Hồi giáo lắng nghe, đã chọn một con đường hoàn toàn khác biệt, đồng thuận với một sự tín nhiệm đầy đủ nơi những người chân thành và khả năng luận đoán của thính giả. Chính vì vậy mà ông đề cập cách cam đảm và rõ rệt những điểm cần được tranh luận: sự bạo lực thái quá đã phương hại tới thế giới, bắt đầu ngay từ những người Hồi giáo, những cuộc viễn chinh của các nước Phương tây tới Ap-ga-nis-tan và I-rắc, việc sử dụng tra tấn, vấn đề Is-ra-en và Pa-les-tin. Về vấn đề này, ông nhắc tới quyền của cả hai dân tộc phải được sống trong an ninh, trong tổ quốc của họ, phù hợp với điều mà Đức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm mới đây tới đất nước của Chúa Giêsu đã đánh giá rằng: tình cảnh không thể chấp nhận của dân tộc Pa-les-tin. Về vấn đề hạt nhân, ông đã cắt nghĩa bằng cách liên hệ tới Iran và ông quả quyết rằng không được từ chối bất cứ ai quyền sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hoà bình. Ông cũng nhắc lại rằng cần phải tiến tới một tình trạng mà không có bất cứ một nước nào - bắt đầu từ nước ông - nung nấu một dự án dùng tới vũ khí hạt nhân trong lãnh vực quân sự. Trong bài diễn văn ở Cai-rô, vị tổng thống Mỹ đã nhắc tới nền dân chủ không thể bị áp đặt từ bên ngoài, trong con đường đưa tới nền dân chủ thì mỗi dân tộc đều tìm được một con đường riêng của mình; ông cũng nhấn mạnh đến sự tự do tôn giáo là nền tảng cho hoà bình. Trong đất nước Hồi giáo, ông cũng nói tới quyền lợi của những phụ nữ. Trong số những câu trích lấy ở trong sách thánh - sách Tô-ra, sách Cô-ran và Kinh Thánh, tôi bị đánh động do sự kiện ông đã trích Kinh Thánh lấy bài giảng trên núi, bài giảng này trực tiếp nói tới các môn đệ của Chúa Kitô và như vậy thực tế không nói với xã hội thế trần, chính trị và công dân ngày nay. Nhưng tổng thống Obama đã nhìn thấy cái ảnh hưởng tích cực đến đời sống của Đô Thành và khả năng linh ứng cho họ. Điều này làm tôi nhớ đến trực giác của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II về ảnh hưởng tới chính trị của việc thứ tha và những ơn xin thanh tẩy trí nhớ con người.

Đối với những ai sống trong những tình huống cùng cực như thời Trung cổ: bị đau khổ, tàn bạo, là nạn nhân của những sai trái thì liệu đòi hỏi họ dựa vào sức mạnh có thể hoà giải của lòng tha thứ mà chịu đựng, quên hết đi chăng.

Tôi hình dung là tổng thống Obama đã phải cảm thấy tất cả những điều này khi ông chuẩn bị 2 bài diễn văn. Điều này làm tôi sửng sốt và thích thú, nhất là khi đề cập tới sự dấn thân chính trị của người Ki-tô trong một thế giới toàn cầu hoá và đa nguyên ngày nay.

(Nguyên Giám Mục Thái Bình lược dịch)