SAIGÒN - Ai có dịp đến giáo xứ Ninh Phát, gặp cha xứ trẻ Dominicô Nguyễn Văn Minh ở đây sẽ thấy cuộc sống lạc quan, yêu đời vì giữa cái chói chang mà vẫn thấy mát, cảnh nhà thờ quê vắng vẻ mà vẫn thấy vui. Không phải dáng người đậm đà và nụ cười thoải mái làm cho nhà thờ này trẻ lên mà chính là sự nhiệt thành, năng nổ của cha.

Xem hình ảnh

Giáo xứ Ninh Phát ở cuối huyện Bình Chánh, chỉ cách 6 km nữa là đến nhà thờ Lương Hòa (Long An); thuộc vùng kinh tế mới của thành phố Sài Gòn với bốn nông trường: An Hạ, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Láng Le. Đây là vùng đất trũng, nhiễm mặn và phèn, hợp với cây lác để làm chiếu. Vì thế, trong khu vực vẫn còn những khoảnh đất trồng cây lác, những căn nhà đan chiếu bằng cách truyền thống, khung đan bằng gỗ thô sơ. Trồng cây lác cũng phải bón phân vất vả, chân phải dầm nước khi cắt nhưng bán lại rất rẻ: 1 Usd mua được 3 kg, người đan chiếu mua lác về đan còng xương sống mới bán được 10 Usd một cặp; nếu làm nông thì một năm cũng chỉ có một vụ. Thế nên người dân kỳ cựu ở đây cũng khó giàu lên được. Hiện nay, có một số người đi vào lòng thành phố làm mướn và những công việc lao động phổ thông khác.

Trước khi cha Đa Minh đổi về đây thì giáo xứ Ninh Phát được cha xứ tiền nhiệm Anrê đã có những đổi mới như: làm lại tháp chuông bằng cách gia cố sắt và nâng cao; qui hoạch đất giáo xứ và nghĩa trang; chỉnh trang lại khuôn viên giáo xứ. Tuy vậy, khi về đây cha chánh xứ trẻ vẫn làm cho giáo xứ tươm tất hơn. Nói chuyện với cha, tôi muốn “phỏng vấn nghiêm túc” nhưng vẫn không thể nhịn được cười vì cha quá vui:

- Giáo xứ Ninh Phát có cách quan tâm đến người nghèo như thế nào ạ?

- Mỗi tháng cho 140 người nghèo, mỗi người 5 kg gạo, tháng nào ít tiền thì “cân non non” đi một chút. Vào dịp lễ Tết thì có quà cho bệnh nhân nghèo.

- Cha đi giúp kẻ liệt như thế nào?

- Địa bàn giáo xứ có hình bán nguyệt, giáp tỉnh Long An 1 km, bán kính 10 km nên hằng năm có hai lần tụ họp người già yếu bệnh tật lại xức dầu chung, rồi họ có được Chúa gọi bất ngờ thì…xin cứ tự nhiên! Xức dầu sẵn rồi mà! Có lần, gia đình bệnh nhân gọi điện, tôi vội vàng đi ngay, vừa đến nơi thì bệnh nhân đã tắt thở, tôi đi về nhà vừa buồn vừa …thở!

- Ao cá, lều vườn của cha khá đẹp, cha lãng mạn quá!

- Làm kinh tế đấy! Có khách đến cứ đãi món cá là đỡ hao. Món cá rô kho tộ của Ninh Phát nổi tiếng khắp giáo phận Sài Gòn, tôi còn mang cá rô kho tộ đi biếu các Đức Cha nữa đấy!

- Khu nghĩa trang của cha cũng đẹp nữa!

- Tôi làm cho ngay hàng thẳng lối, đầu tư hơn một trăm triệu đồng mà từ mấy năm nay chẳng có ai…chết! Sao họ nghèo mà sống dai quá!

Dù cười vui nhưng lòng tôi vẫn khâm phục cha vì địa bàn rộng mà cha thu hút được gần 400 thiếu nhi, chăm sóc cho chúng học giáo lý, sinh hoạt và các mặt khác. Cứ nhìn các em thiếu nhi đầy nhà thờ hôm các cháu lãnh nhận bí tích thêm sức, rước lễ lần đầu và dàn huynh trưởng khăn đỏ rực là thấy được sự thành công của linh mục trẻ ở giáo xứ nửa thôn quê nửa thị thành này.

Hằng tuần, còn có các cha dòng, cha thuộc tu hội đến phụ giúp mục vụ giáo xứ ở đây, được cha xứ gọi đùa đó là “các cha phó không bài sai”, làm cho nhà thờ thêm rộn rã tiếng cười, tiếng chào hỏi.

Hôm thứ Bảy 12/9/2009, tôi đến thăm nhà thờ Ninh Phát, Sài Gòn lần thứ hai, theo lời mời của cha chánh xứ. Sở dĩ có lời mời đột xuất này vì có một bác sĩ và một mục sư người Hàn Quốc đến chữa bệnh cho nhiều người bằng một cách đặc biệt: châm cứu bằng vòi con ong mật. Và cũng dịp này, xin giới thiệu một xứ đạo tuy có tiếng là ở Sài Gòn nhưng cách trung tâm thành phố hơn 30 km, là một vùng quê đang dần đô thị hóa.

Cách chữa bệnh bằng ong mật

Khi tôi đến thì bà con quanh khu vực đã khám gần xong. Quang cảnh thật đơn sơ: có hai ông trùm xứ đạo ngồi ở một cái bàn dài để viết cái phiếu nhỏ, ghi các chứng bệnh của người đến chữa; còn bà con thì ngồi trật tự trên mấy hàng ghế để chờ đến lượt. Tôi quan sát và thấy cách chữa bệnh của vị bác sĩ này đơn sơ, nhanh chóng đến không ngờ.

Vị bác sĩ lấy một con ong mật đựng trong cái hộp nhỏ, lấy một cái nhíp bẻ cái kim (vòi) chích của ong rồi ấn lên một số vị trí trên người muốn chữa bệnh. Tùy theo bệnh mà bác sĩ chọn điểm để ấn. Ông chữa cho một người chỉ khoảng hơn 1 phút. Những con ong mật này được mấy ông trùm của nhà thờ Ninh Phát đi gần 60 km để mua ở thị trấn Tân Thạnh, Long An. Khi đã bị ngắt cái vòi chích, con ong bị bỏ vào cái bát nước để khỏi bay lung tung. Thật là ngộ!

Cha xứ cho biết, có một linh mục ở trung tâm giáo phận giới thiệu với cha về hai vị này; đây là cách chữa bệnh dựa vào nghiên cứu khoa học đàng hoàng, được thực hiện đầu tiên ở Trung Quốc, rồi có hai người thực hành ở Việt Nam, nhưng được biết vị bác sĩ Chang này thì nổi tiếng hơn cả. Đồ nghề của ông chỉ gói gọn trong chiếc hộp vuông. Ông đi nhiều nước nghèo, đang phát triển để chữa bệnh theo cách này. Gia đình ông đang kinh doanh và dành một khoản tiền đủ để ông đến nhiều đất nước làm việc thiện này.

Ngày đầu tiên chỉ có khoảng sáu, bảy chục người đến vì người ta tưởng rằng châm cứu bằng kim thường sẽ đau; hôm sau lên đến gần 200 người khi họ biết rằng chỉ châm cứu bằng kim ong mật sẽ không đau và ngày sau cùng là gần 150 người. Có người phải đi đến ba lần mới được chữa.

Không biết kết quả chữa bệnh được kiểm chứng ra sao nhưng tôi thấy cha xứ và vị mục sư nói chuyện rất thân tình, còn bác sĩ hoạt bát khi được bạn trẻ thông dịch tiếng Hàn về nội dung, câu hỏi của bệnh nhân, còn ông chỉ cười khi được nghe thông dịch những lời trao đổi với chúng tôi. Chỉ có một điều tôi chắc chắn rằng, nhu cầu chữa bệnh của người dân quanh khu vực nhà thờ Ninh Phát là nhiều; thái độ nhiệt tình của cha xứ đối với vị bác sĩ và ông mục sư là một cách giới thiệu chân dung một linh mục cho người đạo Tin Lành. Cũng có thể nghĩ rằng cha xứ tạo điều kiện cho mọi người được chữa bệnh là một việc quan tâm tốt đến người dân quanh khu vực giáo xứ.

Trước khi ra về, cha xứ và tôi hẹn cộng tác một ngày Trung Thu “hoành tráng”cho tất cả thiếu nhi ở khu vực này. Trên đường về, chiếc xe con chạy qua con đường đang xây xây, đắp đắp; xe dừng lại để tôi mua một loại rau đặc sản của vùng này, đó là rau Chạy – loại rau sống ở dưới nước, hình dáng trông giống cây gậy của Đức giám mục, hiền lành và nhơn nhớt như rau mùng tơi, chưa tới 1 Usd 1 kg, người ta ăn với lẩu, luộc chấm nước mắm tỏi ớt cũng được. Tôi thấy vui vui khi được làm quen với giáo xứ nửa miền quê, nửa tỉnh thành này.