Ta thực sự biết được gì về người phụ nữ được chúng ta gọi là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, đệ nhất thánh nhân, người tín hữu mẫu mực? Các nghiên cứu Thánh Kinh, các tìm tòi khảo cổ cũng như các phân tích văn học hiện nay về thời của ngài đã phát hiện được gì về Đức Maria? Ta hãy cùng nhau khảo sát đôi điều về một Đức Maria lịch sử mà đời sống quá gắn bó với mầu nhiệm Chúa Giêsu. Nghiên cứu gốc gác Do Thái của Đức Mẹ, các tác giả như Raymond E. Brown, S.S., trong The Birth of the Messiah, John P. Meier trong A Marginal Jew và Elizabeth A. Johnson trong Truly Our Sister đã cẩn thận khảo sát các hoàn cảnh tôn giáo, kinh tế, văn hóa và chính trị trong cuộc sống hàng ngày của ngài.

Đức Maria thực sự đã được đặt tên là Miriam, theo tên người chị của Môsê. Chắc chắn, ngài sinh tại Nadarét, một thị trấn nhỏ thuộc miền Galilê có chừng 1,600 người, dưới thời Hêrốt Đại Vương, một ông vua bù nhìn đầy bạo lực được quyền lực quân sự Rôma hỗ trợ. Đối với phần đông người Do Thái, Nadarét không quan trọng bao nhiêu: “Có gì tốt phát sinh từ Nadaret đâu?” (Ga 1:46). Thị trấn ấy chưa bao giờ được nhắc tới trong Thánh Kinh Do Thái. Đức Maria nói tiếng Aram với giọng Galilê (xem Mt 26:73), nhưng ngài cũng có nhiều tiếp xúc với thế giới đa ngôn ngữ. Ngài từng nghe tiếng Latinh từ cửa miệng binh lính Rôma, tiếng Hy Lạp từ cửa miệng thương nhân và giới có học cũng như tiếng Hy-bá-lai từ những buổi giảng kinh Tôra tại hội đường.

Đức Mẹ thuộc giai cấp nông dân, chạy vạy với nông nghiệp và những việc làm ăn nhỏ như nghề mộc, vốn là nghề của Thánh Giuse và Chúa Giêsu. Giai cấp này chiếm tới 90% dân số, với gánh nặng phải nuôi sống cả nước và giai cấp ưu quyền nhỏ nhoi. Cuộc sống của họ khá cùng cực, chịu tới ba thứ thuế: thuế Rôma, thuế cho Hêrốt Đại Vương và thuế cho đền thờ (mà theo truyền thống vốn là 10% vụ mùa). Các thợ thủ công, chiếm 5% dân số, còn có thu nhập trung bình thấp hơn những người làm nghề nông toàn thời gian. Thành thử, để có đủ sinh sống, họ thường phải phối hợp việc làm ăn của mình với việc trồng cấy.

Bức tranh Thánh Gia về một tiểu gia đình gồm ba người sống trong một cửa tiệm thợ mộc yên tĩnh, giống như một đan viện hình như không được chính xác lắm. Bởi vì, vào thời ấy, giống phần lớn dân cư khác, các ngài thường sống trong một đơn vị đại gia đình, nơi 3 hay 4 căn nhà, mỗi căn 1 hay 2 phòng, được xây quanh một chiếc sân rộng, các thân nhân dùng chung một lò nấu, một bể nước và một cối say, với đủ loại gia súc bên cạnh. Tính trung bình, Đức Mẹ phải làm việc nhà 10 tiếng một ngày, như lấy nước từ một chiếc giếng hay một dòng suối gần đó, kiếm củi đun, nấu các bữa ăn và rửa vật dụng cũng như giặt quần áo.

Các thành viên của đại gia đình này là những ai? Phúc âm Máccô nói đến Chúa Giêsu “làm nghề thợ mộc, con trai bà Maria, anh của Giacôbê và Giôxét, Giuđa và Simôn và chị em ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6:3). Phải chăng “các anh và chị em” này là con của người dì Chúa Giêsu (xem Ga 19:25)? Hay đó là con đời vợ trước của Thánh Giuse? Ta không biết chắc mối liên hệ của họ với Chúa Giêsu và Đức Mẹ, nhưng rất có thể họ cư ngụ cận kề nhau trong một nhóm gia hộ chung với nhau.

Tại Palestine vào thời ấy, phụ nữ thường kết hôn lúc 13 tuổi để tối đa hóa thời gian có thể có con hay để đảm bảo người con gái còn trinh tiết, do đó, chắc Đức Mẹ đính hôn với Thánh Giuse (Mt 1:18) và sinh hạ Chúa Giêsu khi còn rất trẻ. Thánh Luca chỉ cho ta thấy: Đức Mẹ sinh hạ Chúa Giêsu trong khi có kiểm tra dân số theo lệnh người Rô Ma khoảng năm 6 B.C., trong một cái động hay cái hang chứa súc vật. Một cái máng sức vật đã được dùng làm nôi cho Chúa, giống người tị nạn khốn khổ ngày nay dùng thùng giấy và các vật dụng gia dụng khác làm giường “dã chiến” cho các trẻ sơ sinh.

Người ta sẽ lầm lẫn nếu nghĩ Đức Mẹ mảnh mai, dù là một cô gái 13 tuổi. Là một phụ nữ nông dân, có khả năng lội suối lên đèo vùng Giuđêa trong lúc mang thai, sinh con trong một chuồng chiên, cuốc bộ cả 4 hay 5 ngày đường để lên Giêrusalem mỗi năm một lần hay gần như thế, ngủ ở ngoài trời như các khách hành hương khác và làm việc quần quật trong nhà hàng ngày, chắc chắn Đức Mẹ phải có một thân mình khỏe mạnh lúc còn con gái và cả sau này nữa. Chúng ta chắc chắn cũng lầm lẫn khi hình dung Đức Mẹ ăn mặc lộng lẫy, mắt xanh, tóc bạch kim như trong các tranh trên thiệp Giáng Sinh. Bất kể là đẹp hay không, chắc chắn Đức Mẹ có các nét giống những người đàn bà Do Thái và Palestine ngày nay, với tóc và mắt đen.

Việc ngài biết đọc biết viết cũng đáng hồ nghi, vì biết chữ là chuyện rất hiếm nơi các phụ nữ thời ấy. Văn hóa có tính truyền khẩu cao độ, với việc đọc Sách Thánh nơi công cộng, kể truyện, đọc thơ văn và ca hát.

Nền văn hóa Do Thái thấm nhiễm trọn cuộc sống Đức Mẹ. Cho nên chắc chắn ngài giữ luật ăn uống theo lối kiêng cữ cổ truyền và trên thành cửa ra vào căn nhà khiêm nhường của ngài tại Nadarét thế nào cũng có tấm kinh mezuzah (xem Đnl 6:4-9).

Phu quân của ngài, tức Thánh Giuse, dường như đã qua đời trước khi Chúa Giêsu ra hoạt động công khai. Tuy nhiên, ta biết Đức Mẹ còn sống qua hết thừa tác vụ của Chúa Giêsu (Mc 3:31, Ga 2:1-12). Việc ngài phải xa cách Chúa Giêsu khi Chúa đi rao giảng hiển nhiên làm ngài đau buồn. Trong một đoạn văn có thể khiến các nhà thánh mẫu học không vui, Thánh Máccô kể lại rằng gia đình Người nghĩ Người điên (Mc 3:21); nhưng làm thế nào, một người mẹ vốn được chứng kiến con mình thách thức nhà cầm quyền Rôma một cách không hề biết sợ, lại có thể nói với con: “con có điên không vậy?”

Thánh Gioan kể cho ta nghe Đức Mẹ có mặt lúc đóng đinh Chúa Giêsu (Ga 19:25-27), dù các phúc âm gia khác im lặng về việc này. Lúc đó, có lẽ Đức Mẹ đã gần 50 tuổi, quá tuổi mà phần đông phụ nữ thời ấy đã qua đời. Ngài sống ít nhất cũng tới những ngày đầu của Giáo Hội sơ khai. Thánh Luca nói rằng ngài có mặt tại Thượng Lầu ở Giêrusalem với 11 tông đồ còn lại “chuyên chăm cầu nguyện cùng các phụ nữ… và các anh em của Người” (Cv 1:14). Các bức tranh và bức ảnh đáng yêu về Lễ Ngũ Tuần vẽ hình Chúa Thánh Thần hiện xuống trên đầu Đức Mẹ và 11 tông đồ hình như không đúng với văn bản của Thánh Luca, là văn bản xác nhận rằng Đức Mẹ ở đó với một cộng đoàn lên tới 120 người.

Sau Lễ Ngũ Tuần, Đức Mẹ biến khỏi lịch sử. Phần còn lại của đời ngài chìm trong màn sương dã sử. Như Elizabeth Johnson từng nói, một trí tưởng tượng tích cực chắc chắn sẽ thắc mắc: Đức Mẹ đã chia sẻ những ký ức nào, những niềm hy vọng nào và cả những chiến thuật nào với những người đàn ông và đàn bà của cộng đồng đầy Chúa Thánh Thần tại Giêrusalem? Liệu ngài có tiếp tục sống bình yên tại Giêrusalem như một mệnh phụ cao tuổi, và được mọi người tôn kính như là mẹ Đấng Mêxia hay không? Ngài kín tiếng hay ưa lên tiếng? Những người khác có đến xin ý kiến của ngài không? Liệu ngài có phát biểu quan điểm về việc chấp nhận người ngoại giáo hay không? Ta không biết. Hình như ngài đã qua đời như một thành viên của cộng đồng Giêrusalem, dù có truyền thống sau này cho rằng ngài đã qua Êphêsô đề sống gần Thánh Gioan

Tại sao lại phải quan tâm tới Đức Maria lịch sử? Có ba lý do. Thứ nhất, lịch sử về ngài đem ngài lại gần với chúng ta hơn. Dù các Đức Bà lộng lẫy do các nghệ sĩ Trung Cổ vẽ có đặc tính lôi cuốn, nhưng người phụ nữ Do Thái của thế kỷ thứ nhất sống tại một làng nông thôn giống với hàng tỉ người ngày nay hơn các bức tranh đẹp đẽ đó. Dù nền văn hóa của ngài rất khác với nền văn hóa của xã hội hậu kỹ nghệ trong thế kỷ 21, nó vẫn không khác mấy với nền văn hóa tại hàng ngàn thôn làng ngày nay ở Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu Latinh. Cuộc sống và lao công hàng ngày của ngài khá khó khăn. Với Thánh Giuse, ngài đã dưỡng nuôi Chúa Giêsu trong nhiều hoàn cảnh áp chế, phải vật lộn với việc nộp thuế mà nhờ đó người giầu càng giầu thêm và người nghèo càng nghèo đi. Cũng như tuyệt đại đa số con người trong lịch sử thế giới, phần lớn cuộc đời khó khăn của Đức Mẹ đã không được ghi chép.

Thứ hai, sự thánh thiện của Đức Mẹ hệ ở chỗ trì chí, trung thành lắng nghe lời Thiên Chúa. Dù khi phong hiển thánh cho các vị thánh, Giáo Hội có thói quen nhấn mạnh đến sự tử đạo, đời sống nhiệm nhặt, từ bỏ gia đình và của cải thế gian, hay suốt đời tận tụy với người nghèo, nhưng ngày nay càng ngày ta càng nhìn nhận rằng thánh thiện chủ yếu hệ ở việc trì chí trung thành trong khung cảnh đời sống hàng ngày. Đó chính là điều “Đức Maria lịch sử” nêu gương. Như các biến cố quanh ngài đã chứng tỏ, ngài thường vẫn ngạc nhiên và liên tiếp tự hỏi Chúa muốn gì ở nơi ngài. Ngài đi tìm lời Chúa trong con người và các biến cố, lắng nghe lời ấy, suy gẫm và rồi đem nó ra hành động. Hẳn ngài liên tiếp nhắc tới nhắc lui lời ngài đã thưa với với sứ thần Gabrien: “xin hãy làm cho tôi điều ngài vừa nói” (Lc 1:38). Ngày qua ngày, ngài sống “hành trình niềm tin” như lời Công Đồng Vatican II. Ngài tìm thấy năng lực trong lòng tin cậy Thiên Chúa của Israel và trong tình liên đới của mình với cộng đồng Kitô hữu đang lớn mạnh, những người từng cảm nhận được lời hứa ban sự sống trong cái chết và sự phục sinh của con trai mình.

Thứ ba, ngày nay ta nhận ra kinh Magnificat của Đức Mẹ là bài ca tự do hùng tráng của người nghèo. Đức Maria, người ca sĩ dẫn đầu, đã là hình ảnh thu nhỏ của những người thấp hèn tại Israel, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, những người “không có phòng cho họ tại lữ quán” (Lc 2:7). Thiên Chúa là niềm hy vọng duy nhất của ngài, và ngài hát bài ca khen Thiên Chúa với một cung giọng tin tưởng hân hoan. Nếu khó mà tưởng tượng được một bài ca cách mạng như thế có thể thoát ra từ miệng lưỡi một Đức Bà trong tranh Caravaggio, thì quả là dễ khi thấy nó thoát ra từ miệng lưỡi một Đức Maria lịch sử. Galilê vốn là đất dụng võ của những cuộc bạo loạn trong thế kỷ thứ nhất chống lại thế lực chiếm đóng và thuế khóa của nó. Các Kitô hữu tại Giêrusalem, những người cùng với Đức Maria, vốn là hạch nhân của Giáo Hội hậu phục sinh, từng chịu đói khát và nghèo khổ thực sự (xem Gl 2:10; 1Cor 16:1-4; Rm 15:25-26). Với các thành viên của cộng đồng này, Đức Maria tin rằng Thiên Chúa có thể đảo lộn thế giới; người đứng chót sẽ thành người đứng nhất và người đứng nhất sẽ thành người đứng chót; người khiêm hạ sẽ được đề cao; kẻ được đề cao sẽ bị hạ xuống; ai cứu mạng mình sẽ mất nó, ai mất mạng mình sẽ cứu được nó; ai khóc than sẽ hân hoan, ai cười sẽ khóc; kẻ quyền uy sẽ bị truất khỏi ngôi, người thấp hèn sẽ được nâng dậy. Ngài cũng như họ xác tín rằng trong Nước Thiên Chúa, người nghèo đứng nhất, đĩ điếm, người thu thuế và những kẻ bị xã hội ruồng bỏ sẽ ăn cùng bàn với Chúa.

Đức Maria lịch sử từng cảm nghiệm nghèo khổ, áp bức, bạo lực và con mình bị xử tử. Đức tin của ngài đâm rễ trong bối cảnh ấy. Trước Thiên Chúa toàn năng, ngài nhìn nhận “phận hèn” của chính mình. Ngài không thuộc giới quyền uy của thế giới. Ngài chỉ là “nữ tỳ” Thiên Chúa. Nhưng ngài tin rằng đối với Chúa, không gì lại không làm được. Trong kinh Magnificat, ngài tin tưởng hát rằng Thiên Chúa cứu sống khỏi chết, cứu vui khỏi buồn, cứu ánh sáng khỏi bóng tối.

Dietrich Bonhoeffer, nhà thần học và tử đạo bị Quốc Xã xử tử, đã nói những lời này trong một bài giảng nhân Mùa Vọng năm 1933: "Bài ca của Đức Mẹ là bài ca Mùa Vọng xưa nhất. Nó cùng một lúc là ca khúc Mùa Vọng say sưa nhất, kích động nhất, và người ta còn dám nói là cách mạng nhất chưa bao giờ được hát lên. Đây quả không phải là một Đức Maria dịu hiền, ngọt ngào, mơ mộng mà ta thường thấy trong các tranh ảnh; đây quả là Đức Maria say sưa,hoàn toàn dấn thân, tự hào, hào hứng đang lên tiếng. Bài ca này không có cái giọng dịu dàng, hoài nhớ và cả nghịch ngợm trong một số ca khúc Giáng Sinh. Thay vào đó, nó là một bài ca gay gắt, mạnh bạo, không nao núng đề cập tới việc lật đổ ngai vàng và vua chúa đời này, tới quyền lực Thiên Chúa và sự bất lực của nhân loại".

Viết theo linh mục Robert P. Maloney, C.M, Tạp chí The America, số ngày 19 tháng 12 năm 2005