Tuần qua, sự kiện làm hao tốn giấy mực nhiều nhất ở VN ta có lẽ là vụ “trao nhầm” giải “Sản phẩm An toàn vì Sức khỏe Cộng đồng Năm 2009” cho Vedan làm cho tên tuổi công ty này một lần nữa lại ‘nổi đình nổi đám’ do sự bất bình của nhiều người vì sao một tên ‘tội đồ’ mới bị bắt quả tang lén lút xả nước thải thẳng từ nhà máy không qua xử lý gây ô nhiễm nặng cho con sông Thị Vải đến nay vẫn chưa khắc phục hết hậu quả, mà lại có kẻ dám vinh danh sản phẩm của họ làm ra là ‘vì sức khỏe cộng đồng’!?

Chuyện trớ trêu như vậy mà có kẻ dám làm thì ắt phải vì động lực gì ghê gớm lắm!? Khi nhìn vào sự bất cân xứng giữa sự ‘vô danh’ của nhà tổ chức là Trung tâm Tư vấn Phát triển Thương hiệu và Chất lượng (NATUSI) và hoàn cảnh ‘tội đồ’ của Vedan sau vụ nước thải, không khó lắm để chúng ta nhận ra đã có một sự câu kết giữa nhà tổ chức và công ty này để hai bên cùng được hưởng lợi: ‘kẻ được tiền – người được tiếng’. Và trong thực tế đã xảy ra đúng như vậy. Vedan đã phải chi ra hàng trăm triệu đồng từ thiện cứu trợ bão lụt Miền Trung, vài chục triệu cho nhà tổ chức và tất nhiên đây mới chỉ là khoản chi có tên tuổi chưa tính các khoản chi ‘trà nước’, boa biếc…để ‘bôi trơn’ giải. Bởi nếu không vì lợi lộc, chắc chắn chẳng quan chức nào lại dại dột đi làm cái việc dễ bị hiểu là thách thức lại chủ trương chống tiêu cực, tham nhũng của nhà nước.

Bằng khen hay mớ ‘giấy lộn’?

Với thâm niên gần 20 năm làm ăn ở VN (bắt đầu từ 1991) chắn chắn đây không phải là lần đầu Vedan được trao giải thưởng. Quí vị nào từng có dịp đến các công ty, nhà máy trong các khu công nghiệp chắc hẳn đều thấy trong phòng khách, phòng họp của họ treo lủ khủ ‘kính thưa’ các kiểu bằng khen giấy khen, thậm chí xuống nhà bếp cũng thấy treo!

Cơ quan nào muốn khen ai thì cứ việc bỏ chút tiền ra mua mẫu bằng khen bán sẵn ngoài nhà sách hoặc tự thiết kế lấy rồi đem in, đem về điền tên ‘ân nhân, đối tác’ của mình vào cứ thế ban phát thoải mái mà chẳng hề bị chi phối bởi qui chế khen thưởng nào cả. Chính sự lạm dụng tâng bốc nhau như vậy đã biến giá trị của những mảnh giấy khen, chứng nhận ở VN bây giờ chỉ còn ngang ngửa cỡ mấy mảnh… ‘giấy lộn’!

Trong thực tế bây giờ người dân cũng chẳng còn ai thiết tha gì đến các ‘danh hiệu XHCN cao quí’ do nhà nước ban tặng nữa. Vì sao ư? Cứ xem các bác dân oan lôi đến cả ‘bửu bối’ của gia đình là những tấm bằng “Tổ quốc Ghi công” đủ các kiểu mà ông bà, chồng con họ phải đổ máu ra mới có được, vậy mà khi ‘đụng chuyện’ chúng cũng chẳng thể cứu gia đình họ khỏi nạn bị cướp nhà mất đất thì thử hỏi ba cái bằng khen, giấy chứng nhận vớ vẩn kia là ‘cái đinh rỉ’ gì?

Bởi vậy, mối bận tâm duy nhất của hầu hết người được lĩnh thưởng bây giờ chỉ còn là cái phong bì đi kèm dày mỏng ra sao mà thôi. Còn bằng khen ư? xin quên đi! sau khi ‘lột ruột’ chúng nhiều người đã lạnh lùng “bỏ quên” luôn lại chỗ ngồi, mặc dù hơi ‘khó coi’ nhưng xem ra vẫn còn ‘tử tế’ hơn là làm theo câu mà dân chúng thường bảo đem về “lộng kiếng” tức đem ‘liệng cống’ !!!

Thời bao cấp chuyện khen thưởng là để tuyên truyền chính trị theo kiểu “nhờ sự lãnh đạo tài ba của đảng bộ mà đơn vị ta đã đạt được thành tích này nọ…” sang thời ‘đổi mới’ việc này đã được ‘định hướng’ sang mục đích thương mại. Các show trao giải được truyền hình live khắp cả nước, và nhất là có thêm mục làm từ thiện đã trở thành những cơ hội béo bở giúp các đại gia khoe khoang, đánh bóng tên tuổi mình. Tiền không biết đến với người lĩnh thưởng và dân nghèo được bao nhiêu nhưng các nhà tổ chức, các đài truyền hình chắc chắn không bao giờ biết lỗ là gì cả!

Vedan và NATUSI, ai là “nạn nhân” của ai?

Trở lại vụ trao giải, ngay sau vụ việc ‘vỡ lở’ đại diện nhà tổ chức, bà Nguyễn Thị Sinh- Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Thương hiệu và Chất lượng (NATUSI) vội vã thanh minh với báo giới vào chiều 27/10 rằng họ đã “trao nhầm” giải thưởng cho Vedan chứ không hề có chuyện họ muốn vinh danh công ty này !!! (bà này chắc hòi nhỏ từng ăn mật cua nên mới ăn nói ngang dữ vậy?)

Bởi một lời tuyên bố như vậy có khác nào họ tặng cho Vedan ‘cái tát’ vào giữa mặt “các anh không xứng đáng” trong khi trên thực tế thì ai cũng biết một công ty tầm vóc quốc tế như Vedan họ đâu cần gì tới cái giải thưởng ‘bèo nhèo’ không tên tuổi của NATUSI, mà khi tham gia họ chẳng những không được gì mà còn phải tốn kém tiền ủng hộ từ thiện, lo lót thủ tục đủ thứ v.v…

Ai từng lăn lộn làm ăn ở VN đều có thể hiểu chính cái tâm lý cả nể, sợ làm mất lòng các quan chức địa phương và các sở ngành dọc đã khiến Vedan muốn ‘qua sông mà phải lụy đò’ miễn cưỡng tham gia giải, thế thôi! Hoặc nếu họ nhiệt tình thì chẳng qua cũng chỉ vì cái ‘phốt’ vụ xả nước thải năm ngoái mà đành phải “lập công chuộc tội”.

Nếu không vì lý do này, chắc chắn NATUSI đã phải ‘lạy lục’ Vedan tham gia để còn ké tên tuổi họ chứ không thể có chuyện tuyên bố ‘kẻ cả’ như trên được. Rõ ràng! Nếu không có vụ lùm xùm này mấy ai torng chúng ta biết có NATUSI trên cõi đời này?

Bởi vậy, việc Vedan ấm ức ‘tự phong’ cho mình là “nạn nhân” chắc chắn không phải vì lý do lãnh hụt mảnh ‘giấy lộn’ ấy. Thiếu nó, một đại gia tầm cỡ Vedan sẽ chẳng bao giờ chết vì bột ngọt ở VN chưa bao giờ bán ế cả. Mà đó có thể do công ty này bất bình trước lối hành xử hèn mọn của các quan chức qua việc họ trắng trợn ‘phủi tay’ tên tuổi Vedan khi thấy không còn có lợi cho họ nữa. Và để cho ra vẻ công bằng họ đã lôi hai chú ‘dê con’ ra làm vật tế thần: Hoàng Thủy Tiến, Phó cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế bị “tạm đình chỉ công tác” (nhưng mà cũng chỉ ‘tạm’ thôi à nghen!) và cô thư ký của NATUSI là Nguyễn Thị Hiền Vân bị buộc thôi việc và không được hưởng bất cứ chính sách gì. Thế là xong! (Số cô ta sao mà cũng đen đủi giống “cậu đánh máy” của bác Quát thế nhỉ? các trường đào tạo nghiệp vụ thư ký ai nhanh chân gấp rút biên soạn ngay giáo trình ‘kỹ thuật phòng ngừa tai bay vạ gió từ… sếp’ chắc nay mai sẽ ăn nên làm ra đấy!).

Dẫu sao thì lời khẳng định của ông thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân rằng “Vedan vô tội” điều này có nghĩa Vedan đúng là ‘nạn nhân’. Vấnđề là một khi đã có “nạn nhân” ắt phải có “thủ phạm” gây ra vụ việc. Vậy thủ phạm ấy gồm những ai, chúng đang ẩn nấp ở đâu?

Cái lý lẽ mà bà giám đốc NATUSI Nguyễn Thị Sinh đưa ra “dùng nhầm danh sách đơn vị có sản phẩm đạt tiêu chí đề cử xét chọn” quả là loại nhầm lẫn độc nhất vô nhị trước nay. Tên tuổi của Vedan ‘bự’ là thế mà bà Sinh lại bảo “nhầm” có khác nào khi hỏi bà có tin là con lạc đà chui qua cái lỗ kim không, bà trả lời “không thấy, không biết” thay vì phải khẳng định ngược lại.

Việc dám cả gan lấp liếm sự việc bằng khẳng định “Vedan Việt Nam lên sân khấu chỉ để nhận chứng nhận ủng hộ 100 triệu đồng cho đồng bào bị bão lụt” hôm 27/10 trong lúc hình chụp ba tấm bằng tuyên dương mà họ đã trao cho Vedan đã được phát tán khắp các trang mạng, rốt cuộc bà ta chỉ làm chuyện phơi bày sự ngu dốt của mình ra trước công luận, tiêu biểu cho lối ứng xử hết sức hèn hạ thường thấy ở phần lớn quan chức VN ta mỗi khi việc làm sai trái nào đó của họ bị phanh phui.

Nếu thực sự vì sự “nhầm lẫn” của một cô thư ký quèn NATUSI mà gây ra bao nhiêu phiền lụy cho hàng loạt quan chức từ trung ương đến Tp.HCM như vậy, lẽ ra, vì tương lai của chính bản thân mình, bà giám đốc Sinh không nên vội đuổi việc cô ta mà phải cám ơn là đằng khác. Bởi nếu không có sự ‘nhầm lẫn’ bà ta đâu có cơ hội ‘vá’ lại cái lỗ hổng kém cỏi về quản lý, sự bất cẩn khi ra quyết định. Còn nếu vì xét về trình độ nhầm lẫn, bà ta cũng đáng “xách dép” cho cô ta nốt, bởi phải có chuyên môn rất cao nên mới có thể qua mặt hàng loạt ông bà quan chức khiến để xảy ra chuyện ‘trao nhầm’ hi hữu như vậy.

Tệ ngôn, bởi đâu?

Không hiểu thời vận đất nước mình nay đang ở vào ‘cung’ gì, ‘quẻ’ gì mà càng lúc dân chúng càng phải chứng kiến nhiều sự ‘khác thường’ mà không phải ‘phi thường’ đã như xảy ra với kiều bào của mình trên đất khách quên người, như chuyện ‘thuyền nhân’ Joshep Cao Quang Ánh (sinh 1967 tại VN) trở thành dân biểu Mỹ gốc Việt đầu tiên, hay mới gần đây nhất là chuyện một đứa bé người Việt mồ côi cả cha lẫn mẹ tên Philipp Roesler được ‘bốc’ ra khỏi VN từ năm 1973 nay đã leo lên làm bộ trưởng của một cường quốc thuộc vào hạng nhất nhì Châu Âu trước sự thán phục của nhiều người khắp nơi

Chỉ riêng trong chuyện phát ngôn thời gian gần đây quan chức khắp ba miền xứ ta đã khiến người dân đi hết ngạc nhiên này sang xấu hổ khác.

Đó là vụ ‘bác’ Quát copy nguyên con một bài báo hải quân TQ ‘dương oai diễu võ’ ngoài biển Đông đem dán vào báo đảng như muốn tiếp tay họ uy hiếp dân mình, đến khi bị thiên hạ phát hiện liền chối leo lẻo bảo… “quên” ngọt sớt !!! Vụ ông chủ tịch Triết với phát biểu ở La Havana gây sốc thiên hạ năm châu khi bảo “hai anh em sinh đôi VN-Cuba, đứa Đông đứa Tây cùng nhau canh giữ hòa bình cho thế giới” !!! trong lúc dân mình bị TQ bắt nạt ngoài khơi thì về nhà lại nín khe chẳng dám bảo thằng anh Cuba sang lập lại trị an dùm ??? … và nay là đến lượt ‘quan bà’ Nguyễn Thị Sinh Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng (NATUSI). Hai chữ “trao nhầm” mà bà này phân bua cùng báo chí hôm 27/10 đã khiến nhiều người ‘ngẩn ngơ’ vì cứ nghĩ bà ta đang nói về chuyện ‘lầm lỡ’ yêu đương của bà ngày xưa chứ chẳng phải vụ trao giải thưởng “Sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009” v.v...

Suy cho cùng việc gì cũng có cội nguồn của nó. Sở dĩ thỉnh thoảng chúng ta vẫn còn nghe đâu đó những lời phát biểu hớ hênh ‘khác thường’ là vì đang còn có quá nhiều những cái đầu ‘không bình thường’ nắm giữ các trọng trách trong xã hội.

Điển hình như trong số khoảng chục vị giám đốc sở của Tp.HCM hiện nay có một người mà tôi cùng một số bạn bè biết rõ anh ta từ khi còn làm ‘lon ton’ cấp phường của một quận ven khoảng hơn 20 năm trước. Anh này có cái tên khá là ‘nhà quê’ bắt đầu bằng một phụ âm nặng nằm gần cuối bảng alphabet. Phong cách làm việc bây giờ thì không biết anh ta có tiến bộ gì chưa nhưng hồi ấy ‘rặt’ chất nông dân (xin mấp mé thế thôi kẻo anh ta lại ‘thất thu’ khi chưa kịp thu hồi vốn, tội nghiệp!).

Đó là khoảng đầu những năm 80s sau khi ra trường tôi được điều về làm công việc kỹ thuật tại một sở của thành phố, và do sự phân công nên thỉnh thoảng phải xuống nắm tình hình sản xuất của một số quận huyện ven, trong đó có phường điểm do anh này phụ trách.

Những lần xuống công tác tại địa bàn như vậy, mặc dù chỉ là nhân viên bình thường nhưng nhờ mang cái ‘mác’ cán bộ thành phố, thỉnh thoảng lại có sếp đi cùng, nên chuyện cơm bưng nước rót, mời mọc café thuốc lá đối với chúng tôi anh ta chẳng nề hà.

Sau đó vì không còn làm việc trong nhà nước nữa nên tôi cũng chẳng còn dịp gặp anh ta… bẵng đi hơn chục năm, một hôm tình cờ đọc báo thấy tên anh này đi kèm với chức danh giám đốc một sở quan trọng của thành phố mà đâm ra… ‘giật mình’!

Cái tên thuộc vào loại ‘hàng hiếm’ như anh với dân thành thị như anh chắc khó có thể trùng với ai khác, ngẫm nghĩ vậy nhưng để cho chắc tôi gọi điện hỏi thử anh bạn xem sao, thì quả nhiên được xác nhận: “đúng là hắn đấy! nhưng bây giờ thì nó khác rồi, hách lắm! nhiều lúc tớ gọi điện nó chẳng buồn nghe” và còn cho chua thêm “nghe nói nó bây giờ đi đâu cũng giắt cạp quần tới hai cái bằng tiến sĩ!”.

Tôi ‘giật mình’ không phải vì chuyện anh ta ‘làm nhớn’ hay có bao nhiêu tấm bằng tiến sĩ, mà vì không hiểu nổi làm cách nào, đi kiểu nào, bò kiểu nào mà một anh lính quèn cấp phường, ngày ấy có lần bảo với tôi tối tối còn phải đi học bổ túc văn hóa, vậy mà mới chỉ sau mươi mười lăm năm đã có thể leo đến chức giám đốc một trong vài sở quan trọng nhất của thành phố lớn nhất nước, có tầm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn chục triệu cư dân?

Việc nỗ lực để tiến thân bằng học vấn, kể cả khi tuổi tác đã cao ở một đất nước có truyền thống trọng thị bằng cấp như VN ta không phải là chuyện hiếm và những tấm gương siêng năng sách đèn như thế đều rất xứng đáng được trân trọng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải phân biệt rạch ròi trình độ tư duy, khả năng làm việc sáng tạo trong công việc của một người lấy được bằng tiến sĩ ở lứa tuổi U40-50-60 và một em sinh viên mới ở lứa tuổi dưới 30 chắc chắn không thể cùng ‘tiến sĩ’ như nhau được. Nhất là một khi não trạng của những loại ‘tiến sĩ cụ’ ấy đã bị xơ cứng bởi những giáo điều cứng ngắt, sai lầm, giả dối của hệ thống giáo dục XHCN. Và đó là còn chưa nói đến nạn ‘học dùm thi hộ’ lộng hành khắp nơi ở nước ta.

Ấy vậy mà theo chúng tôi biết phần lớn các quan đương chức ở Tp.HCM đã tiến thân bằng con đường sách đèn như thế đó !!!

Bởi vậy, nếu một ngày ‘đẹp giời’ nào đó đọc báo quí nghe anh giám đốc sở nói trên có ‘lỡ’ buông ra những lời lẽ nghe ‘ngồ ngộ’ như bao bậc đàn anh đàn chị khác như ông Quát, như bà Sinh v.v… chúng ta cũng đừng ngạc nhiên.

Tp.HCM là trung tâm văn hóa khoa học kỹ thuật lớn nhất nước mà vẫn còn đang có nhiều quan chức ‘tầm cỡ’ đi lên chỉ nhờ ngày xưa từng là ‘kiện tướng’ đào kênh làm thủy lợi trong lực lượng thanh niên xung phong như ông quan Huỳnh Ngọc Sỹ vừa phải vào tù vì vụ ODA Nhật Bản, hay nhờ “phấn đấu” siêng học bổ túc văn hóa như anh lính phường kể trên v.v… thì chuyện làm sai, sửa sai, khắc phục hậu quả… chắc chắn sẽ còn bộ phim dài nhiều tập chiếu dần cho dân chúng ta ‘thưởng lãm’.

Như mấy hôm triều cường hiện nay chiều chiều đi làm về dọc theo kênh Nhiêu Lộc thấy các quan ta điều lính lác hì hụi bơm nước từ trong xóm xuống kênh, trong khi hai đầu vào ra chỉ cách nhau khoảng một hai chục mét, thấy mà ngao ngán vì không hiểu cái ‘đỉnh cao trí tuệ’ nào đã nghĩ ra cách ‘lo cho dân’ một cách ‘thật thà như đếm’ khi cho tát nước qua lại giữa hai cái thùng thông đáy như thế nhỉ?

Nhớ hồi trước 1975 thỉnh thoảng tôi nghe mấy anh lớn tuổi hay nói “Nhân bất học bất tri lý / Nhỏ không học lớn làm đại úy!” tưởng chỉ là nói đùa để chọc ghẹo số ít nhà giàu học dở thi rớt tú tài, sợ đi lính nên phải chạy chọt vào trường sĩ quan Thủ Đức làm lính kiểng có giá trị cho thời chiến. Nhưng nay mới thấy câu này đã diễn tả hết sức chính xác tình trạng ‘bất học’ của các ông quan XHCN ngày nay, khi mà học hành kiến thức đối với nhiều người đơn giản chỉ còn là phương tiện để tiến thân.

Bởi vậy, ngày nào mà sự nghiệp của những loại quan chức này còn ‘tỏa sáng’ thì ngày ấy tương lai dân tộc này sẽ còn đen đủi dài dài…

Sàigòn, 04/11/2009