Rome (Reuters) - Một học giả của Tòa thánh Vatican cho biết đã giải mã được “chứng tử” in trên Khăn liệm Turin, còn gọi là Khăn liệm Thánh. Đó là một tấm vải được người theo Kitô giáo tôn kính và nhiều người cho rằng trên đó có hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh.

Tiến sĩ Barbara Frale, một nhà nghiên cứu tại viện lưu trữ tài liệu mật của Tòa thánh, cho biết: “Tôi thiết tưởng là tôi đã tìm thấy cách đọc được giấy chứng chôn cất của Giêsu người Nazareth, hay là Giêsu thuộc xứ Nazareth.” Theo lời bà, bà đã tái tạo được nó từ những đoạn chữ viết bằng tiếng Hy lạp, Do thái và Latinh in trên khăn liệm có hình ảnh một người bị đóng đinh.

Tấm khăn liệm (dài 4m4 rộng 1m2 – hay 14.5ft x 3.9ft) hiện lưu giữ tại một nhà nguyện trong Nhà thờ chính tòa Turin và sẽ được đem trưng bầy vào mùa xuân năm tới, đã bị một số nhà học giả coi là chuyện giả mạo của thời Trung cổ. Năm 1988 một thử nghiệm dùng carbon để xác lập niên đại trên một mảnh lấy từ khăn liệm cho biết thời đại của khăn là vào Thời Trung cổ, nhưng thử nghiệm gần đây hơn cho biết khăn xuất phát từ Jerusalem và có trước thế kỷ thứ 8. Theo một bài báo của Robert Moynihan đăng trên Zenith.org hồi đầu tháng 11 thì những thử nghiệm nói trên có thể không chính xác vì miếng vải dùng trong thử nghiệm bị ô nhiễm.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Frale, người sẽ công bố những điều bà phát hiện được trong một cuốn sách mới nhan đề La Sindone di Gesu Nazareno (Khăn liệm Giêsu người xứ Nazareth) thì những chữ ghi chép đó cung cấp “thời gian lịch sử phù hợp với truyện kể trong các sách Tin Mừng”. Những chữ viết, mắt thường khó thấy, lần đầu tiên được phát hiện trong một cuộc khảo sát khăn liệm vào năm 1978, và từ đó những chữ khác được đưa ra ánh sáng.

Một số học giả đã gợi ý rằng hàng chữ viết này là từ một di vật được đính vào tấm vải vào thời gian Trung cổ. Nhưng Tiến sĩ Frale nói rằng bản văn này không thể do một người theo Kitô giáo thời Trung cổ viết ra, bởi vì đã không đề cập đến Chúa Giêsu là đấng Kitô, mà là “người Nazareth.” Chuyện xác định Giêsu “chỉ là một con người” chứ không phải là Con Thiên Chúa ở thời đại Trung cổ bị coi là lạc giáo.

Giống như hình ảnh con người, những chữ viết này đều đảo ngược và chỉ đọc ra ý nghĩa trong âm bản của những tấm hình chụp. Tiến sĩ Frale phát biểu với báo La Repubblica rằng theo tục lệ mai táng của người Do thái vào thời đại Chúa Kitô trong một thuộc địa của người Roma như Palestine chẳng hạn, thì xác người chôn trong một huyệt mộ chung sau khi bị tử hình chỉ được trả về cho gia đình sau một năm.

Do đó, một giấy chứng tử được dán vào vải liệm để xác định hầu sau này dễ nhận xác, và thường đính vào vải liệm ở phía chung quanh mặt. Điều đó rõ rệt đã được thực hiện trong trường hợp Chúa Giêsu tuy Người không được chôn cất trong huyệt mộ chung nhưng trong ngôi mộ được ông Joseph người xứ Arimathea hiến tặng.

Tiến sĩ Frale cho biết có nhiều chữ đã bị mất, chẳng hạn Chúa Giêsu được nói đến là "(I)esou(s) Nnazarennos" và trong từ “Tiberiou” chỉ còn thấy được là “iber”. Tuy nhiên, theo công trình phục hồi của bà, thì giấy chứng tử có thể đọc như sau: “Năm thứ 16 triều đại Hoàng đế Tiberius, Giêsu người Nazareth, được tháo xuống vào buổi chiều sau khi bị một thẩm phán Roma kết án tử vì một thẩm quyền Do thái thấy là có tội, nay được cho đem đi chôn cất với thể lệ chỉ được trao về gia đình sau một năm tròn”. Cuối cùng là những từ ngữ “ký bởi” nhưng chữ ký đã không còn.

Tiến sĩ Frale nói rằng việc sử dụng ba ngôn ngữ là điều phù uợp với tính cách đa ngôn ngữ của cộng đồng Do thái nói tiếng Hy lạp trong một thuộc địa của Roma. Bà được biết đến nhiều nhất trong công trình nghiên cứu về Knights Templar là cơ sở bà coi là đã có một giai đoạn bảo tồn khăn liệm này. Bà nói: “Những gì tôi giải mã được, đó là án tử hình của một người tên là Giêsu người Nazareth. Nếu người đó cũng là Đấng Kitô con Thiên Chúa thì đó là ngoài công việc xác định của tôi. Tôi không tiến hành việc chứng minh chân lý của đức tin. Tôi là người Công giáo nhưng tất cả mọi giáo sư của tôi đều là người vô thần hoặc theo thuyết bất khả tri, chỉ có một vị là người Do thái. Tôi buộc mình làm công tác này cũng như tôi đã thực hiện trên bất cứ phát hiện nào khác về khảo cổ học.”

Giáo hội Công giáo không hề công nhận Khăn liệm Turin là chính xác hay bác bỏ. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cho trưng bầy khăn trước công chúng vào những năm 1998 và 2000. Ngài nói: “Khăn liệm là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa cũng đồng thời của tội lỗi con người. Hình ảnh để lại trên khăn là thân xác bị hành hạ của Đấng bị Đóng đinh, chứng tỏ khả năng ghê gớm của con người có thể gây đau thương và chết chóc cho một người đồng loại, cũng còn như một biểu tượng về nỗi khổ đau của người vô tội trong mỗi thời đại.”

Đức giáo hoàng Benedict XVI sẽ đến cầu nguyện trước Khăn liệm được trưng bầy lần nữa vào mùa xuân năm tới tại Turin.