Đức Maria Qua Các Thời Đại
(Vị Thế Của Ngài Trong Lịch Sử Văn Hóa)
Nguyên tác: Mary Through The Centuries (Her Place in The History of Culture) của Jaroslav Pelikan, 1996
Bản Tiếng Việt: Vũ Văn An, Sydney 2007
Giới Thiệu
Soạn giả sách này, Jaroslav Pelikan, là một giáo sư sử học nổi tiếng của Đại Học Yale. Ông sinh năm 1923 và mới qua đời tháng 5 năm 2006, cha là người Slovak và mẹ người Serbian. Cha ông vốn là một mục sư Luthêrô và ông nội làm giám mục trong Giáo Hội này tại Mỹ.
Khả năng ngôn ngữ ngoại thường đã giúp ông rất nhiều trong sự nghiệp một sử gia sáng chói của thế kỷ 20 chuyên nghiên cứu học lý Kitô Giáo, không phải chỉ trong lãnh vực lịch sử thần học của Công giáo và Thệ phản, mà cả của Chính Thống Giáo Đông Phương nữa.
Ông lãnh một lúc hai văn bằng cử nhân của Chủng Viện Concordia ở St Louis và văn bằng tiến sĩ tại Đại Học Chicago năm 1946, lúc 22 tuổi, và nhờ một khởi đầu sớm sủa như thế, ông đã viết trên 30 tác phẩm, bao gồm bộ nghiên cứu lớn gồm 5 cuốn tựa là The Christian Tradition: A History of the Development of Doctrine (Truyền Thống Kitô Giáo: Lịch sử Phát triển Học lý, 1971-1989). Một số công trình sau này đạt được sự tán thưởng của mọi giới Kitô Giáo, vượt quá cả lãnh vực khoa bảng mà bước vào lãnh vực độc giả quần chúng nói chung (nhất là các cuốn: Mary Through the Centuries, Jesus Through the Centuries và Whose Bible Is It?).
Trong hai năm 1992-1993, Pelikan dạy các khóa giảng tựa là Gifford Lectures tại Đại Học Aberdeen, một vinh dự được coi tương đương như giải Nobel, sau đó được in thành cuốn Christianity and Classical Culture (Kitô Giáo và Văn hóa Cổ điển). Bộ giảng khóa này thực ra là bộ thứ hai trong tư cách giảng sư Gifford; trước đó ông đã có một bộ khác giữa thập niên 1980.
Pelikan tham gia Đại Học Yale từ năm 1962 với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng môn Lịch sử Giáo Hội. Và năm 1972, được đề cử làm Giáo Sư Sterling ngành Sử Học, một chức vụ ông nắm giữ cho tới lúc hưu trí vào năm 1996. Ông từng làm quyền khoa trưởng rồi khoa trưởng Trường Cao Đẳng từ năm 1973 tới năm 1978, và là giảng sư ghế William Clyde DeVane lần đầu trong các năm 1984-1986 và lần sau vào mùa thu năm 1995. Ông được trao tặng Huân Chương Wilburn Cross năm 1979 của trường Cao Đẳng và Huy Chương Haskins năm 1985 của Hội Medieval Academy of America.
Năng lực và khả năng phi thường của Pelikan đã đem lại cho ông nhiều vai trò lãnh đạo trong sinh hoạt trí thức của Mỹ. Mới gần đây Ông là chủ tịch của American Academy of Arts and Sciences (Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật và Khoa Học Mỹ). Năm 1983, cơ quan National Endowment for the Humanities (Qũy Quốc Gia Yểm Trơ Khoa Học Nhân Văn) chọn ông giảng khóa giảng lần thứ 12 tựa là Jefferson Lecture in the Humanities (Giảng Khóa Jefferson về Nhân Văn), một danh dự cao qúy nhất do chính phủ liên bang dành cho những thành tựu trổi vượt về khoa học nhân văn. Ông cũng là biên tập viên ngành tôn giáo của Encyclopedia Britannica (Bách Khoa Tứ Điển Anh, đặc biệt mục nói về Đức Mẹ), và năm 1980, ông thành lập ra Council of Scholars (Hội Đồng Học Giả) tại Thư Viện Quốc Hội.
Tổng thống Bill Clinton cử ông vào Ủy Ban của Tổng thống đặc trách Nghệ thuật và Khoa học. Ông được 42 trường đại học khắp thế giới cấp phát tiến sĩ danh dự. Lúc 80 tuổi, ông được cử nhiệm làm giám đốc Dự án Các Định chế Dân chủ của Cơ quan Annenberg.
Năm 2004, lúc nhận giải thưởng John W. Kluge về Thành Tích Cả Đời Trong Lãnh Vực Khoa Học Nhân Văn, một vinh dự ông cùng lãnh với triết gia Pháp Paul Ricoeur, ông đã trao phần thưởng trị giá nửa triệu mỹ kim cho Trường Thần Học Chính Thống Giáo Thánh Vladimir mà ông vốn là một quản trị viên. Trong buổi lễ, ông trích làm chủ đề câu của Goethe từng đánh động cả đời ông: "Was du ererbt von deinen Vaetern hast, Erwirb es um es zu besitzen" (Hãy lấy điều anh thừa tự từ các bậc cha anh và biến nó thành của riêng anh).
Gần suốt đời người, Pelikan vốn là thành viên của Giáo Hội Luthêrô trong đó ông được thụ phong làm mục sư. Nhưng năm 1998, ông cùng vợ là Sylvia gia nhập Giáo Hội Chính Thống Mỹ tại Nhà Nguyện của Chủng Viện Thánh Vladimir. Gia đình ông nhớ rất rõ ông từng nói không hẳn ông trở lại Chính Thống giáo cho bằng “quay về đó, bóc bỏ các lớp vỏ niềm tin của riêng mình để lộ ra tầng Chính Thống vốn nằm sẵn ở đấy.”
Pelikan chết tại Hamden, Tiểu bang Connecticut lúc 82 tuổi sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư phổi. Ông được Đại Học Yale tổ chức lễ tưởng niệm vào ngày 10 tháng 10 năm 2006 với nhiều diễn văn của các học giả tên tuổi và được danh cầm Yo-Yo Ma đệm nhạc. Người ta thuật rằng trước khi ông chết ông có phát biểu một câu để đời như sau: “Nếu Chúa Kitô đã sống lại, chả còn chi phải quan ngại. Và nếu Chúa Kitô không sống lại, thì chả có chi là quan trọng hết”.
Chúng tôi cho chuyển ngữ cuốn sách này không ngoài mục đích tìm học những đóng góp khác nhau của thế giới Kitô Giáo vào việc phổ biến lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa.
Dẫn Nhập: Kính Mừng Maria, Đầy Ơn Phúc
Kính Mừng Maria, đầy ơn phúc: Đức Chúa Trời ở cùng Bà (Luca 1:28).
Trong phần Dẫn Nhập cuốn Chúa Giêsu Qua Các Thế Kỷ, cuốn sách đi đôi với sách này, ngay câu thứ hai đã là câu hỏi sau đây: “Nếu có thể dùng một siêu nam châm để hút hết các mảnh kim khí có mang ít là một dấu vết tên của Ngài từ lịch sử gần hai mươi thế kỷ qua, không hiểu còn sót lại bao nhiêu?” (1). Có lẽ cũng cần đặt câu hỏi như thế về Đức Maria. Một đàng, những mảnh kim khí mang tên Đức Maria chắc chắn ít hơn nhiều. Nhưng mặt khác, Ngài lại cung cấp nội dung cho câu định nghĩa thế nào là nữ tính một cách không giống như cách Chúa Giêsu cung cấp cho câu định nghĩa về nam tính; vì căn cứ vào cách dùng ngôn ngữ khác nhau, điều mà ta cần phải nhắc nhớ các độc giả thời nay, người ta chủ yếu cho rằng Chúa Giêsu thực ra đã chỉ định nghĩa người “đàn ông” theo nghĩa con người hơn là theo nghĩa “nam giới/nam tính”, đến độ một số nhà tư tưởng suy lý đã mô tả Ngài như là á nam á nữ. Và dù thiếu các dữ kiện thống kê đáng tin cậy, ta vẫn có thể ước lượng rằng trong gần hai ngàn năm nay, Maria là tên người ta thường dùng nhất để đặt tên con gái lúc Rửa Tội, và qua câu tán thán “Giêsu, Maria, Giuse” (hay vắn tắt hơn: Giêsu Maria - như tôi thường được nghe người giáo dân Luthêrô người Slovak của Cha tôi quen đọc hồi tôi còn thơ ấu), và nhất là qua các kinh Kính mừng Maria, được lặp đi lặp lại cả hàng triệu lần mỗi ngày, tên ấy quả là tên nữ giới được đọc lên thông thường nhất trong Thế Giới Phương Tây. Gần như chắc một điều là Ngài được nghệ thuật và âm nhạc mô tả nhiều hơn bất cứ người đàn bà nào trong lịch sử. Lúc này đây chỉ cần đơn cử một thí dụ, không những Giuseppe Verdi sáng tác một bản Ave Maria vào năm 1889 (và cả bản Stabat Mater vào năm 1897); nhưng bản Othello do Arrigo Boito phóng tác Shakespeare dùng cho nhạc kịch của Verdi năm 1887 cũng đã theo gương nhạc kịch Othello của Gioacchino Rossini năm 1816 mà thêm bản Ave Maria vào văn bản của Shakespeare để Desdemona hát trước khi cô chết (2). Nó là một giáo đầu cho câu Othello hỏi Desdemona trong kịch bản của Shakespeare trước khi xiết cổ cô ta: “Này Desdemona, đêm nay em đã cầu nguyện chưa?”(3)
Đức Trinh Nữ Maria gợi hứng nhiều hơn và cho nhiều người hơn bất cứ người đàn bà nào từng sống trên cõi đời này. Và Ngài vẫn còn như thế trong thế kỷ 20, mặc dù theo quy ước, thế kỷ này được coi là duy tục, ngược với những thời đại trước vốn tự mệnh danh là những thời đại của niềm tin. Alexandra, nữ hoàng sau cùng của Nga, khi kết hôn với Nga Hoàng đã từ Đạo Thệ Phản vùng Hessia trở lại Chính Thống Giáo Nga, mấy tuần sau Cách Mạng Tháng Mười đã viết như sau: “một dân tộc không văn hóa, dã man, nhưng Chúa sẽ không bỏ rơi họ, và Mẹ Thiên Chúa sẽ đứng lên bênh đỡ dân nghèo Nga” (4). Chỉ là tình cờ, nhưng là một tình cờ đầy ngạc nhiên, hai năm sau, tức năm 1919, một bức ảnh đầy uy lực tựa là Đức Trinh NữVùng Đại Panagia được tìm thấy tại Tu Viện Biến Hình (Preobrazenie) ở Jaroslavl. Rose Fitgerald Kennedy, gần cuối đời, khi nhắc lại mọi thảm kịch bà phải chịu trong suốt cuộc sống lâu dài của mình, đã cho rằng bà luôn tìm được linh hứng và ủi an trước hết nơi “Mẹ Phúc Đức”, Đấng đã không bao giờ mất niềm tin nơi Thiên Chúa ngay cả lúc Con Một mình “bị đóng đinh và nhạo cười”(5). Một trong các bình luận gia nhậy cảm nhất của ta trong lãnh vực thời sự, nhà văn Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha là Richard Rodriguez, đã gợi ý rằng “Đức Trinh Nữ Guadalupe biểu tượng cho sự gắn bó toàn diện của Mễ Tây Cơ, cả hồn lẫn xác… Hình Đức Bà Guadalupe (mà người Mễ âu yếm gọi là La Morenita – Bà Đen Nhỏ Bé ) đã trở thành lá cờ không chính thức và tư riêng của người Mễ Tây Cơ” (6). Vì, như một văn sĩ thế kỷ 20 khác đã nhận xét, chân dung Đức Trinh Nữ Maria trong bức hình Mễ Tây Cơ này “chứa đựng …đủ các chủ đề căn bản của giải phóng” (7).
Duy tục hay không thì thế kỷ này cũng đã được mục kích sự tiếp diễn, và có lẽ sự gia tốc các hiện tượng Đức Maria hiện ra, một hiện tượng từng biến thế kỷ mười chín gần thành một hoàng kim thời đại (8). Học giả thánh mẫu René Laurentin mấy năm trước ước lượng rằng từ thập niên 1930, đã có chừng hơn hai trăm biến cố hiện ra, và chúng vẫn còn đang tiếp diễn không ngừng. Các phóng viên truyền hình và các nhà báo in, những người đôi khi chỉ quan tâm đến các kinh nghiệm và phát biểu tôn giáo nếu chúng được chính trị hóa hay kỳ cục hóa hay cả hai, cũng đã cố gắng lo liệu để công chúng được thông tin đầy đủ về những lần hiện ra này. Tại Bosnia-Herzegovina, nơi mà năm 1914 đã thành ngòi nổ gây nên Thế Chiến Thứ Nhất và là nơi suốt một thế kỷ qua vẫn tiếp tục là tụ điểm của hận thù tôn giáo và trả thù sắc tộc, Đức Trinh Nữ đã hiện ra năm 1981, ở Medjugorje, một ngôi làng gồm 250 gia đình nói tiếng Crôát (9). Từ năm đó, hơn 20 triệu khách hành hương đã kéo tới thăm viếng, bất chấp mìn bẫy còn nằm dưới chân và bắn xẻ ngang qua đầu. Những thẩm quyền tối cao như Franjo Tudjman, tổng thống Croatia, cũng không ngần ngại xưng tụng Ngài là “đã đánh thức toàn bộ dân tộc Croatia” (10). Biến cố ấy không phải chỉ giới hạn trong các xứ miền theo Công Giáo La Mã; tại Hy Lạp theo Chính Thống Giáo, chẳng hạn, các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ trong thế kỷ 20 cũng đã trở nên nguồn sức mạnh lớn lao (11).
Bởi vì, như từng được nói vào đầu thế kỷ 20, tuy truyền thống cho rằng “Nơi Đức Maria, người ta ít thấy trong những điều nói về Ngài, có điều nào cho thấy người đàn bà chân thực phải ra sao” (12), nhưng việc thế kỷ 20 gia tăng đáng kể cái quan tâm của mình đối với câu hỏi “người đàn bà chân thực phải như thế nào” vẫn không bỏ qua được Đức Mẹ (13). Ngày nay, về phương diện lịch sử, nhiều người nhất trí rằng “thần học về Đức Trinh Nữ Maria chưa thay đổi được vị thế thấp kém của người phụ nữ trong Giáo Hội” (14). Thực vậy, một phát ngôn viên rành mạch nhất của phái cho rằng người phụ nữ hiện đại chỉ có thể hoàn toàn tự do khi triệt để phá bỏ truyền thống, nhất là truyền thống tôn giáo, đã phẩm bình như sau về các tranh ảnh cổ truyền của Đức Trinh Nữ Maria: “Lần đầu tiên trong lịch sử, người mẹ qùy gối trước mặt con mình; bà tự ý chấp nhận thân phận hèn kém của mình. Đó là chiến thắng tối hậu của nam giới, được hoàn tất trong việc tôn kính Đức Trinh Nữ- một cuộc phục hồi người đàn bà qua việc hoàn tất sự thất bại của bà” (15). Còn hàm hồ hơn nữa khi những người ủng hộ phong trào bên trong tư duy Kitô Giáo hậu bán thế kỷ 20 mà người ta quen gọi là “nền thần học duy nữ” cũng đang hết sức cố gắng [có người trong bọn họ còn cho là “tuyệt vọng tìm cách” (16)] giải quyết ổn thỏa việc coi Đức Maria như biểu tượng cho “nữ tính tối hậu” (17). Một người khác trong phong trào này cho hay: “huyền thoại Maria có gốc rễ và được phát triển trong một nền văn hóa và thần học nam giới, giáo sĩ và khổ hạnh… Huyền thoại là một nền thần học về đàn bà, được đàn ông giảng dạy cho đàn bà, và là một nền thần học dùng để can gián người đàn bà đừng trở nên những con người hoàn toàn độc lập và hoàn toàn nhân bản” (18). Trái lại, Đức Maria vẫn được những người theo Chính Thống Giáo Phương Đông coi như nguồn tài nguyên tích cực cho việc tái giải thích chỗ đứng của người đàn bà trong tư duy Kitô Giáo (19).
Một trong các diễn tiến quan trọng nhất của thế kỷ 20 là và vẫn là sự ra đời của phong trào đại kết. Nó khởi đầu phần lớn như một hiện tượng của Thệ Phản, trong đó, các kẻ thừa kế của Cải Cách muốn xem sét lại các vấn đề từng lái họ tách ly gần như từ thuở ban đầu. Vào giai đoạn ấy, vấn đề về Đức Maria không nổi bật bao nhiêu, ngoại trừ các cuộc tranh luận giữa hai phe cấp tiến và bảo thủ liên quan đến sự chính xác của các trình thuật Thánh Kinh về việc Sinh Hạ Đồng Trinh (20). Nhưng với sự tham gia đối thoại của Giáo Hội Chính Thống Phương Đông và sau đó của Giáo Hội Công Giáo La Mã, vấn đề trên không thể nào không được đem ra thảo luận, và cuối cùng đã được coi trọng như tóm kết được nhiều vấn đề tổng quát từng phân rẽ các Giáo Hội: Đâu là vai trò chính đáng của truyền thống hậu Thánh Kinh trong giáo huấn Kitô Giáo? Đâu là vai trò của các thánh, nhất là của Đấng Thánh này, trong việc thờ phượng và tôn sùng của Kitô Giáo? Và ai có thẩm quyền quyết định các vấn đề giáo huấn của Kitô Giáo? Như thế, các thăm dò trong thế kỷ 20 đã làm cho lịch sử Đức Maria trở thành một vấn đề lớn cho cả các cuộc gặp gỡ đại kết, và việc các Giáo Hội Công Giáo La Mã, Chính Thống Phương Đông, Thệ Phản và cả Do Thái Giáo nữa chịu thận trọng và thẳng thắn duyệt xét lại vấn đề này cùng các hệ lụy của nó đã không những soi sáng nhiều cho vấn đề đại kết mà cả vấn đề Thánh mẫu học nữa (21).
Trong các chương sau, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày theo phương diện lịch sử Đức Maria có ý nghĩa gì, bằng cách theo thứ tự thời gian mà bàn tới một số lãnh vực về đời sống và thực tại trong đó Ngài được coi là sức mạnh trổi vượt trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Như Hans Urs von Balthasar từng nói, đó là một diễn trình “lắc qua lắc lại (từ Nàng Dâu Trinh Nguyên qua Mẹ Giáo Hội, từ người xin vâng tới Nguồn Nòi Giống)” (22).
__________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
Chú Thích
1. Jaroslav Pelikan, Jesus Through the Centuries: His Place in the History of Culture (New Haven and London: Yale University Press, 1985), 1.
2. James Arnold Hepokoski, Otello (Cambridge: Cambridge University Press, 1987), 71-75. Nhờ Philip Gossett mà có được tham chiếu này.
3. William Shakespeare, Othello, V.ii.2.5
4. Alexandra to Alekxndr Syroboiarsky, 29/11/1917, trong Mark D. Steinberg và Vladimir M. Krustalev, chủ biên. The Fall of he Romanovs (New Haven and London: Yale University Press, 1995), 206. Các thư của bà cũng như các thư của Nga hoàng, đầy rẫy những lời nhắc đến Trinh Nữ Maria.
5. CBS News, 23/1/1995 (ngày sau khi bà qua đời, thọ 104 tuổi).
6. Richard Rodriguez, Days of Obligation: An Argument with My Mexican Father (New York: Penguin Books, 1993), 16-20.
7. William F. Maestri, Mary Model of Justice: Reflections on the Magnificat (New York: Alba House, 1987), xi.
8. Xem Isabel Betwy, I Am the Guardian of the Faith: Reported Apparitions of the Mother of God in Ecuador (Steubenville, Ohio: FranciscanUniversity Press, 1991); xem thêm chương 13 dưới đây.
9. Richard Foley, The Drama of Medjugorje (Dublin: Veritas, 1992); Medjugorje nằm trong bối cảnh những cuộc hiện ra trong thế kỷ 19 do Sandra L.Zimdars-Swartz trình bày trong Encountering Mary:From La Salette to Medjugorje (Princeton, NJ.: Princeton University Press, 1991).
10. Elizabeth Rubin, “Souvenir Miracles: Going to See the Virgin in Western Herzegovina”, Harper’s, tháng 2 1995, 63-70.
11. Xem nghiên cứu mới đây của Jill Dubisch, In a Different Place: Pilgrimage, Gender, and Politics at a Greek Island Shrine (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1995).
12. F. Adeney Walpole, Women of the New Testament (London: James Nisbet, 1901),835.
13. Wolhart Schlichting, Maria: Die MutterJesu in Bibel, Tradition und Feminismus (Wuppertal: R. Brockhaus, 1989).
14. Alvin John Schmidt, Veiled and Silenced: How Culture Shaped Sexist Theology (Macon, Ga.: Mercer University Press, 1989), 95.
15. Simone de Beauvoir, The Second Sex, H.M. Parshley dịch (New York: Alfred A. Knopf, 1971) 171.
16. Els Maeckelberghe, Desperately Seeking Mary: A Feminist Appropriation of a Traditional Religious Symbol (Kampen, The Netherlands: Pharos, 1991)
17. Maurice Hamington, Hail Mary? The Struggle for Ultimate Womanhood in Catholicism (New York: Routledge, 1995)
18. Elizabeth Schussler Fiorenza, “Feminist Theology as a Critical Theology of Liberation” trong Churches in Struggle: Liberation Theologies and Social Change in North America do William K. Tabb chủ biên (New York: Monthly Review Press, 1986), 57,59.
19. Paul Evdokimov, Woman and Salvation of the World: A Christain Anthropology on the Charisms of Women, bản dịch của Anthony P. Gythiel (Crestwood, N.Y.: St Vladimir’s Seminary Press, 1994).
20. J. Gresham Machen, The Virgin Birth of Christ (New York: Harper and Brothers, 1930).
21. Xem Pelikan, Flusser and Lang, Mary; Hans Kung and Jurgen Moltmann chủ biên, Mary in the Churches (New York: Concilium, 1983).
22. Hans Urs von Balthasar, Theodrama: Theological Dramatic Theory, bản dịch của Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1992), 3:293.
(Vị Thế Của Ngài Trong Lịch Sử Văn Hóa)
Nguyên tác: Mary Through The Centuries (Her Place in The History of Culture) của Jaroslav Pelikan, 1996
Bản Tiếng Việt: Vũ Văn An, Sydney 2007
Giới Thiệu
Soạn giả sách này, Jaroslav Pelikan, là một giáo sư sử học nổi tiếng của Đại Học Yale. Ông sinh năm 1923 và mới qua đời tháng 5 năm 2006, cha là người Slovak và mẹ người Serbian. Cha ông vốn là một mục sư Luthêrô và ông nội làm giám mục trong Giáo Hội này tại Mỹ.
Khả năng ngôn ngữ ngoại thường đã giúp ông rất nhiều trong sự nghiệp một sử gia sáng chói của thế kỷ 20 chuyên nghiên cứu học lý Kitô Giáo, không phải chỉ trong lãnh vực lịch sử thần học của Công giáo và Thệ phản, mà cả của Chính Thống Giáo Đông Phương nữa.
Ông lãnh một lúc hai văn bằng cử nhân của Chủng Viện Concordia ở St Louis và văn bằng tiến sĩ tại Đại Học Chicago năm 1946, lúc 22 tuổi, và nhờ một khởi đầu sớm sủa như thế, ông đã viết trên 30 tác phẩm, bao gồm bộ nghiên cứu lớn gồm 5 cuốn tựa là The Christian Tradition: A History of the Development of Doctrine (Truyền Thống Kitô Giáo: Lịch sử Phát triển Học lý, 1971-1989). Một số công trình sau này đạt được sự tán thưởng của mọi giới Kitô Giáo, vượt quá cả lãnh vực khoa bảng mà bước vào lãnh vực độc giả quần chúng nói chung (nhất là các cuốn: Mary Through the Centuries, Jesus Through the Centuries và Whose Bible Is It?).
Trong hai năm 1992-1993, Pelikan dạy các khóa giảng tựa là Gifford Lectures tại Đại Học Aberdeen, một vinh dự được coi tương đương như giải Nobel, sau đó được in thành cuốn Christianity and Classical Culture (Kitô Giáo và Văn hóa Cổ điển). Bộ giảng khóa này thực ra là bộ thứ hai trong tư cách giảng sư Gifford; trước đó ông đã có một bộ khác giữa thập niên 1980.
Pelikan tham gia Đại Học Yale từ năm 1962 với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng môn Lịch sử Giáo Hội. Và năm 1972, được đề cử làm Giáo Sư Sterling ngành Sử Học, một chức vụ ông nắm giữ cho tới lúc hưu trí vào năm 1996. Ông từng làm quyền khoa trưởng rồi khoa trưởng Trường Cao Đẳng từ năm 1973 tới năm 1978, và là giảng sư ghế William Clyde DeVane lần đầu trong các năm 1984-1986 và lần sau vào mùa thu năm 1995. Ông được trao tặng Huân Chương Wilburn Cross năm 1979 của trường Cao Đẳng và Huy Chương Haskins năm 1985 của Hội Medieval Academy of America.
Năng lực và khả năng phi thường của Pelikan đã đem lại cho ông nhiều vai trò lãnh đạo trong sinh hoạt trí thức của Mỹ. Mới gần đây Ông là chủ tịch của American Academy of Arts and Sciences (Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật và Khoa Học Mỹ). Năm 1983, cơ quan National Endowment for the Humanities (Qũy Quốc Gia Yểm Trơ Khoa Học Nhân Văn) chọn ông giảng khóa giảng lần thứ 12 tựa là Jefferson Lecture in the Humanities (Giảng Khóa Jefferson về Nhân Văn), một danh dự cao qúy nhất do chính phủ liên bang dành cho những thành tựu trổi vượt về khoa học nhân văn. Ông cũng là biên tập viên ngành tôn giáo của Encyclopedia Britannica (Bách Khoa Tứ Điển Anh, đặc biệt mục nói về Đức Mẹ), và năm 1980, ông thành lập ra Council of Scholars (Hội Đồng Học Giả) tại Thư Viện Quốc Hội.
Tổng thống Bill Clinton cử ông vào Ủy Ban của Tổng thống đặc trách Nghệ thuật và Khoa học. Ông được 42 trường đại học khắp thế giới cấp phát tiến sĩ danh dự. Lúc 80 tuổi, ông được cử nhiệm làm giám đốc Dự án Các Định chế Dân chủ của Cơ quan Annenberg.
Năm 2004, lúc nhận giải thưởng John W. Kluge về Thành Tích Cả Đời Trong Lãnh Vực Khoa Học Nhân Văn, một vinh dự ông cùng lãnh với triết gia Pháp Paul Ricoeur, ông đã trao phần thưởng trị giá nửa triệu mỹ kim cho Trường Thần Học Chính Thống Giáo Thánh Vladimir mà ông vốn là một quản trị viên. Trong buổi lễ, ông trích làm chủ đề câu của Goethe từng đánh động cả đời ông: "Was du ererbt von deinen Vaetern hast, Erwirb es um es zu besitzen" (Hãy lấy điều anh thừa tự từ các bậc cha anh và biến nó thành của riêng anh).
Gần suốt đời người, Pelikan vốn là thành viên của Giáo Hội Luthêrô trong đó ông được thụ phong làm mục sư. Nhưng năm 1998, ông cùng vợ là Sylvia gia nhập Giáo Hội Chính Thống Mỹ tại Nhà Nguyện của Chủng Viện Thánh Vladimir. Gia đình ông nhớ rất rõ ông từng nói không hẳn ông trở lại Chính Thống giáo cho bằng “quay về đó, bóc bỏ các lớp vỏ niềm tin của riêng mình để lộ ra tầng Chính Thống vốn nằm sẵn ở đấy.”
Pelikan chết tại Hamden, Tiểu bang Connecticut lúc 82 tuổi sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư phổi. Ông được Đại Học Yale tổ chức lễ tưởng niệm vào ngày 10 tháng 10 năm 2006 với nhiều diễn văn của các học giả tên tuổi và được danh cầm Yo-Yo Ma đệm nhạc. Người ta thuật rằng trước khi ông chết ông có phát biểu một câu để đời như sau: “Nếu Chúa Kitô đã sống lại, chả còn chi phải quan ngại. Và nếu Chúa Kitô không sống lại, thì chả có chi là quan trọng hết”.
Chúng tôi cho chuyển ngữ cuốn sách này không ngoài mục đích tìm học những đóng góp khác nhau của thế giới Kitô Giáo vào việc phổ biến lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa.
Dẫn Nhập: Kính Mừng Maria, Đầy Ơn Phúc
Kính Mừng Maria, đầy ơn phúc: Đức Chúa Trời ở cùng Bà (Luca 1:28).
Trong phần Dẫn Nhập cuốn Chúa Giêsu Qua Các Thế Kỷ, cuốn sách đi đôi với sách này, ngay câu thứ hai đã là câu hỏi sau đây: “Nếu có thể dùng một siêu nam châm để hút hết các mảnh kim khí có mang ít là một dấu vết tên của Ngài từ lịch sử gần hai mươi thế kỷ qua, không hiểu còn sót lại bao nhiêu?” (1). Có lẽ cũng cần đặt câu hỏi như thế về Đức Maria. Một đàng, những mảnh kim khí mang tên Đức Maria chắc chắn ít hơn nhiều. Nhưng mặt khác, Ngài lại cung cấp nội dung cho câu định nghĩa thế nào là nữ tính một cách không giống như cách Chúa Giêsu cung cấp cho câu định nghĩa về nam tính; vì căn cứ vào cách dùng ngôn ngữ khác nhau, điều mà ta cần phải nhắc nhớ các độc giả thời nay, người ta chủ yếu cho rằng Chúa Giêsu thực ra đã chỉ định nghĩa người “đàn ông” theo nghĩa con người hơn là theo nghĩa “nam giới/nam tính”, đến độ một số nhà tư tưởng suy lý đã mô tả Ngài như là á nam á nữ. Và dù thiếu các dữ kiện thống kê đáng tin cậy, ta vẫn có thể ước lượng rằng trong gần hai ngàn năm nay, Maria là tên người ta thường dùng nhất để đặt tên con gái lúc Rửa Tội, và qua câu tán thán “Giêsu, Maria, Giuse” (hay vắn tắt hơn: Giêsu Maria - như tôi thường được nghe người giáo dân Luthêrô người Slovak của Cha tôi quen đọc hồi tôi còn thơ ấu), và nhất là qua các kinh Kính mừng Maria, được lặp đi lặp lại cả hàng triệu lần mỗi ngày, tên ấy quả là tên nữ giới được đọc lên thông thường nhất trong Thế Giới Phương Tây. Gần như chắc một điều là Ngài được nghệ thuật và âm nhạc mô tả nhiều hơn bất cứ người đàn bà nào trong lịch sử. Lúc này đây chỉ cần đơn cử một thí dụ, không những Giuseppe Verdi sáng tác một bản Ave Maria vào năm 1889 (và cả bản Stabat Mater vào năm 1897); nhưng bản Othello do Arrigo Boito phóng tác Shakespeare dùng cho nhạc kịch của Verdi năm 1887 cũng đã theo gương nhạc kịch Othello của Gioacchino Rossini năm 1816 mà thêm bản Ave Maria vào văn bản của Shakespeare để Desdemona hát trước khi cô chết (2). Nó là một giáo đầu cho câu Othello hỏi Desdemona trong kịch bản của Shakespeare trước khi xiết cổ cô ta: “Này Desdemona, đêm nay em đã cầu nguyện chưa?”(3)
Đức Trinh Nữ Maria gợi hứng nhiều hơn và cho nhiều người hơn bất cứ người đàn bà nào từng sống trên cõi đời này. Và Ngài vẫn còn như thế trong thế kỷ 20, mặc dù theo quy ước, thế kỷ này được coi là duy tục, ngược với những thời đại trước vốn tự mệnh danh là những thời đại của niềm tin. Alexandra, nữ hoàng sau cùng của Nga, khi kết hôn với Nga Hoàng đã từ Đạo Thệ Phản vùng Hessia trở lại Chính Thống Giáo Nga, mấy tuần sau Cách Mạng Tháng Mười đã viết như sau: “một dân tộc không văn hóa, dã man, nhưng Chúa sẽ không bỏ rơi họ, và Mẹ Thiên Chúa sẽ đứng lên bênh đỡ dân nghèo Nga” (4). Chỉ là tình cờ, nhưng là một tình cờ đầy ngạc nhiên, hai năm sau, tức năm 1919, một bức ảnh đầy uy lực tựa là Đức Trinh NữVùng Đại Panagia được tìm thấy tại Tu Viện Biến Hình (Preobrazenie) ở Jaroslavl. Rose Fitgerald Kennedy, gần cuối đời, khi nhắc lại mọi thảm kịch bà phải chịu trong suốt cuộc sống lâu dài của mình, đã cho rằng bà luôn tìm được linh hứng và ủi an trước hết nơi “Mẹ Phúc Đức”, Đấng đã không bao giờ mất niềm tin nơi Thiên Chúa ngay cả lúc Con Một mình “bị đóng đinh và nhạo cười”(5). Một trong các bình luận gia nhậy cảm nhất của ta trong lãnh vực thời sự, nhà văn Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha là Richard Rodriguez, đã gợi ý rằng “Đức Trinh Nữ Guadalupe biểu tượng cho sự gắn bó toàn diện của Mễ Tây Cơ, cả hồn lẫn xác… Hình Đức Bà Guadalupe (mà người Mễ âu yếm gọi là La Morenita – Bà Đen Nhỏ Bé ) đã trở thành lá cờ không chính thức và tư riêng của người Mễ Tây Cơ” (6). Vì, như một văn sĩ thế kỷ 20 khác đã nhận xét, chân dung Đức Trinh Nữ Maria trong bức hình Mễ Tây Cơ này “chứa đựng …đủ các chủ đề căn bản của giải phóng” (7).
Duy tục hay không thì thế kỷ này cũng đã được mục kích sự tiếp diễn, và có lẽ sự gia tốc các hiện tượng Đức Maria hiện ra, một hiện tượng từng biến thế kỷ mười chín gần thành một hoàng kim thời đại (8). Học giả thánh mẫu René Laurentin mấy năm trước ước lượng rằng từ thập niên 1930, đã có chừng hơn hai trăm biến cố hiện ra, và chúng vẫn còn đang tiếp diễn không ngừng. Các phóng viên truyền hình và các nhà báo in, những người đôi khi chỉ quan tâm đến các kinh nghiệm và phát biểu tôn giáo nếu chúng được chính trị hóa hay kỳ cục hóa hay cả hai, cũng đã cố gắng lo liệu để công chúng được thông tin đầy đủ về những lần hiện ra này. Tại Bosnia-Herzegovina, nơi mà năm 1914 đã thành ngòi nổ gây nên Thế Chiến Thứ Nhất và là nơi suốt một thế kỷ qua vẫn tiếp tục là tụ điểm của hận thù tôn giáo và trả thù sắc tộc, Đức Trinh Nữ đã hiện ra năm 1981, ở Medjugorje, một ngôi làng gồm 250 gia đình nói tiếng Crôát (9). Từ năm đó, hơn 20 triệu khách hành hương đã kéo tới thăm viếng, bất chấp mìn bẫy còn nằm dưới chân và bắn xẻ ngang qua đầu. Những thẩm quyền tối cao như Franjo Tudjman, tổng thống Croatia, cũng không ngần ngại xưng tụng Ngài là “đã đánh thức toàn bộ dân tộc Croatia” (10). Biến cố ấy không phải chỉ giới hạn trong các xứ miền theo Công Giáo La Mã; tại Hy Lạp theo Chính Thống Giáo, chẳng hạn, các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ trong thế kỷ 20 cũng đã trở nên nguồn sức mạnh lớn lao (11).
Bởi vì, như từng được nói vào đầu thế kỷ 20, tuy truyền thống cho rằng “Nơi Đức Maria, người ta ít thấy trong những điều nói về Ngài, có điều nào cho thấy người đàn bà chân thực phải ra sao” (12), nhưng việc thế kỷ 20 gia tăng đáng kể cái quan tâm của mình đối với câu hỏi “người đàn bà chân thực phải như thế nào” vẫn không bỏ qua được Đức Mẹ (13). Ngày nay, về phương diện lịch sử, nhiều người nhất trí rằng “thần học về Đức Trinh Nữ Maria chưa thay đổi được vị thế thấp kém của người phụ nữ trong Giáo Hội” (14). Thực vậy, một phát ngôn viên rành mạch nhất của phái cho rằng người phụ nữ hiện đại chỉ có thể hoàn toàn tự do khi triệt để phá bỏ truyền thống, nhất là truyền thống tôn giáo, đã phẩm bình như sau về các tranh ảnh cổ truyền của Đức Trinh Nữ Maria: “Lần đầu tiên trong lịch sử, người mẹ qùy gối trước mặt con mình; bà tự ý chấp nhận thân phận hèn kém của mình. Đó là chiến thắng tối hậu của nam giới, được hoàn tất trong việc tôn kính Đức Trinh Nữ- một cuộc phục hồi người đàn bà qua việc hoàn tất sự thất bại của bà” (15). Còn hàm hồ hơn nữa khi những người ủng hộ phong trào bên trong tư duy Kitô Giáo hậu bán thế kỷ 20 mà người ta quen gọi là “nền thần học duy nữ” cũng đang hết sức cố gắng [có người trong bọn họ còn cho là “tuyệt vọng tìm cách” (16)] giải quyết ổn thỏa việc coi Đức Maria như biểu tượng cho “nữ tính tối hậu” (17). Một người khác trong phong trào này cho hay: “huyền thoại Maria có gốc rễ và được phát triển trong một nền văn hóa và thần học nam giới, giáo sĩ và khổ hạnh… Huyền thoại là một nền thần học về đàn bà, được đàn ông giảng dạy cho đàn bà, và là một nền thần học dùng để can gián người đàn bà đừng trở nên những con người hoàn toàn độc lập và hoàn toàn nhân bản” (18). Trái lại, Đức Maria vẫn được những người theo Chính Thống Giáo Phương Đông coi như nguồn tài nguyên tích cực cho việc tái giải thích chỗ đứng của người đàn bà trong tư duy Kitô Giáo (19).
Một trong các diễn tiến quan trọng nhất của thế kỷ 20 là và vẫn là sự ra đời của phong trào đại kết. Nó khởi đầu phần lớn như một hiện tượng của Thệ Phản, trong đó, các kẻ thừa kế của Cải Cách muốn xem sét lại các vấn đề từng lái họ tách ly gần như từ thuở ban đầu. Vào giai đoạn ấy, vấn đề về Đức Maria không nổi bật bao nhiêu, ngoại trừ các cuộc tranh luận giữa hai phe cấp tiến và bảo thủ liên quan đến sự chính xác của các trình thuật Thánh Kinh về việc Sinh Hạ Đồng Trinh (20). Nhưng với sự tham gia đối thoại của Giáo Hội Chính Thống Phương Đông và sau đó của Giáo Hội Công Giáo La Mã, vấn đề trên không thể nào không được đem ra thảo luận, và cuối cùng đã được coi trọng như tóm kết được nhiều vấn đề tổng quát từng phân rẽ các Giáo Hội: Đâu là vai trò chính đáng của truyền thống hậu Thánh Kinh trong giáo huấn Kitô Giáo? Đâu là vai trò của các thánh, nhất là của Đấng Thánh này, trong việc thờ phượng và tôn sùng của Kitô Giáo? Và ai có thẩm quyền quyết định các vấn đề giáo huấn của Kitô Giáo? Như thế, các thăm dò trong thế kỷ 20 đã làm cho lịch sử Đức Maria trở thành một vấn đề lớn cho cả các cuộc gặp gỡ đại kết, và việc các Giáo Hội Công Giáo La Mã, Chính Thống Phương Đông, Thệ Phản và cả Do Thái Giáo nữa chịu thận trọng và thẳng thắn duyệt xét lại vấn đề này cùng các hệ lụy của nó đã không những soi sáng nhiều cho vấn đề đại kết mà cả vấn đề Thánh mẫu học nữa (21).
Trong các chương sau, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày theo phương diện lịch sử Đức Maria có ý nghĩa gì, bằng cách theo thứ tự thời gian mà bàn tới một số lãnh vực về đời sống và thực tại trong đó Ngài được coi là sức mạnh trổi vượt trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Như Hans Urs von Balthasar từng nói, đó là một diễn trình “lắc qua lắc lại (từ Nàng Dâu Trinh Nguyên qua Mẹ Giáo Hội, từ người xin vâng tới Nguồn Nòi Giống)” (22).
__________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
Chú Thích
1. Jaroslav Pelikan, Jesus Through the Centuries: His Place in the History of Culture (New Haven and London: Yale University Press, 1985), 1.
2. James Arnold Hepokoski, Otello (Cambridge: Cambridge University Press, 1987), 71-75. Nhờ Philip Gossett mà có được tham chiếu này.
3. William Shakespeare, Othello, V.ii.2.5
4. Alexandra to Alekxndr Syroboiarsky, 29/11/1917, trong Mark D. Steinberg và Vladimir M. Krustalev, chủ biên. The Fall of he Romanovs (New Haven and London: Yale University Press, 1995), 206. Các thư của bà cũng như các thư của Nga hoàng, đầy rẫy những lời nhắc đến Trinh Nữ Maria.
5. CBS News, 23/1/1995 (ngày sau khi bà qua đời, thọ 104 tuổi).
6. Richard Rodriguez, Days of Obligation: An Argument with My Mexican Father (New York: Penguin Books, 1993), 16-20.
7. William F. Maestri, Mary Model of Justice: Reflections on the Magnificat (New York: Alba House, 1987), xi.
8. Xem Isabel Betwy, I Am the Guardian of the Faith: Reported Apparitions of the Mother of God in Ecuador (Steubenville, Ohio: FranciscanUniversity Press, 1991); xem thêm chương 13 dưới đây.
9. Richard Foley, The Drama of Medjugorje (Dublin: Veritas, 1992); Medjugorje nằm trong bối cảnh những cuộc hiện ra trong thế kỷ 19 do Sandra L.Zimdars-Swartz trình bày trong Encountering Mary:From La Salette to Medjugorje (Princeton, NJ.: Princeton University Press, 1991).
10. Elizabeth Rubin, “Souvenir Miracles: Going to See the Virgin in Western Herzegovina”, Harper’s, tháng 2 1995, 63-70.
11. Xem nghiên cứu mới đây của Jill Dubisch, In a Different Place: Pilgrimage, Gender, and Politics at a Greek Island Shrine (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1995).
12. F. Adeney Walpole, Women of the New Testament (London: James Nisbet, 1901),835.
13. Wolhart Schlichting, Maria: Die MutterJesu in Bibel, Tradition und Feminismus (Wuppertal: R. Brockhaus, 1989).
14. Alvin John Schmidt, Veiled and Silenced: How Culture Shaped Sexist Theology (Macon, Ga.: Mercer University Press, 1989), 95.
15. Simone de Beauvoir, The Second Sex, H.M. Parshley dịch (New York: Alfred A. Knopf, 1971) 171.
16. Els Maeckelberghe, Desperately Seeking Mary: A Feminist Appropriation of a Traditional Religious Symbol (Kampen, The Netherlands: Pharos, 1991)
17. Maurice Hamington, Hail Mary? The Struggle for Ultimate Womanhood in Catholicism (New York: Routledge, 1995)
18. Elizabeth Schussler Fiorenza, “Feminist Theology as a Critical Theology of Liberation” trong Churches in Struggle: Liberation Theologies and Social Change in North America do William K. Tabb chủ biên (New York: Monthly Review Press, 1986), 57,59.
19. Paul Evdokimov, Woman and Salvation of the World: A Christain Anthropology on the Charisms of Women, bản dịch của Anthony P. Gythiel (Crestwood, N.Y.: St Vladimir’s Seminary Press, 1994).
20. J. Gresham Machen, The Virgin Birth of Christ (New York: Harper and Brothers, 1930).
21. Xem Pelikan, Flusser and Lang, Mary; Hans Kung and Jurgen Moltmann chủ biên, Mary in the Churches (New York: Concilium, 1983).
22. Hans Urs von Balthasar, Theodrama: Theological Dramatic Theory, bản dịch của Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1992), 3:293.