MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM

Bài 4: LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM THỜI KỲ BẢO TRỢ, 1533-1659

Lời mở

Trong lịch sử truyền giáo dài gần 500 năm của mình, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã tiếp nhận hai sắc chỉ rất quan trọng mà Tòa Thánh đã ban hành.

Sắc chỉ thứ nhất tên là « Super Cathedram » do Đức Giáo Hoàng Alexandre VII ban hành ngày 09.09.1659, bổ nhiệm hai đức cha François PALLU và Pierre LAMBERT DE LA MOTTE làm giám mục Đại Diện Tông Tòa và thiết lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên ĐÀNG TRONG và ĐÀNG NGOÀI tại Việt Nam.

Sắc chỉ thứ hai tên là « Venerabilium Nostrorum », do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban hành ngày 24 tháng 11 năm 1960 để Thiết lập PHẨM TRẬT GIÁO HỘI tại VIỆT NAM, với việc thành lập 20 giáo phận chính tòa, qui tụ trong BA GIÁO TỈNH HÀ NỘI, HUẾ và SÀI GÒN.

Sắc chỉ Super Cathedram xác định thời điểm phân chia thời kỳ BẢO HỘ, 1533-1659 với thời kỳ TÔNG TÒA, 1659-1960. Sắc chỉ Venerabilium đánh dấu thời điểm phân chia thời kỳ tông tòa, 1659-1960 với thời kỳ CHÍNH TÒA, 1960 đến nay.

NĂM THÁNH 2010, vừa được Giáo Hội Công Giáo Việt Nam khai mạc ngày 24/11/2009 tại Sở Kiện, thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội là để kỷ niệm hai thời điểm này: 350 năm thành lập hai địa phận tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài vào ngày 09/09/1659 và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam vào ngày 24/11/1960.

Đó là lý do khiến trong phần thứ nhất của loạt bài « Mừng Năm Thánh 2010, xem lịch sử truyền giáo Việt Nam » chúng ta đã dành hai bài đầu tiên để xem lại nguyên bản của hai sắc chỉ định hình của lịch sử Giáo Hội Việt Nam: Sắc chỉ Super Cathedram và sắc chỉ Venerabilium Nostrorum.

Kỷ niệm hai thời điểm trên, Năm Thánh 2010 nhằm 3 mục đích mà Nội qui cử hành Năm Thánh xác định rõ rệt như sau:

1. Nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), 300 năm Tông Toà (1659-1960), đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010). Nhìn lại lịch sử nhằm mời gọi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cùng chung lòng tạ ơn Chúa đã thương ban cho Dân Người được hình thành, tồn tại và phát triển qua những thăng trầm của lịch sử, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Toà Thánh và các bậc tiền nhân đã góp phần tích cực vào việc loan Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội trên đất nước Việt Nam.

2. Nhìn lại lịch sử cùng với những thẩm định về đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

3. Đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III, nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công đồng Vatican II 1965 đã phác hoạ như sau: Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội tham gia và Giáo Hội vì loài người (1).


Bám vào những mục đích này, một cách tổng quát, tiếp tục phần thứ nhất « Mừng Năm Thánh 2010, xem lịch sử truyền giáo Việt Nam », chúng ta sẽ xem lại trang sử truyền giáo Việt Nam ở mức độ ba thời kỳ: Bảo Trợ, Tông Tòa và Chính Tòa. Cho mỗi thời kỳ, chúng ta sẽ làm ba việc: xem lại lịch sử, thẩm định rút ra bài học lịch sử và phóng nhìn về tương lai dựa vào bài học lịch sử vừa rút ra. Chúng ta sẽ khởi sự với việc xem lịch sử thời kỳ Bảo Trợ, 1533-1659.

Thời kỳ Bảo trợ trải dài trên hai giai đoạn lịch sử việt nam: giai đoạn Nam Bắc Triều Lê Mạc (1527-1592) và một phần giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh (1570-1786). Ba sự kiện quan trọng đáng ghi nhớ về thời kỳ Bảo Trợ 1533-1659:

1. Thế kỷ XVI, Công giáo vào Việt Nam loan báo Tin Mừng. Bốn địa điểm đã được đón nhận Tin Mừng.

Trong thế kỷ XVI, lịch sử Việt Nam loạn lạc với những tranh chấp giữa nhà Mạc và nhà Lê (1527-1592). Bắc triều nhà Mạc, cũng như Nam triều nhà Lê đều mời đón người Âu châu vào buôn bán với mình. Làm tuyên úy cho các thương thuyền người Âu, các giáo sĩ theo thương gia người Âu bắt đầu đến và truyền giáo ở Việt Nam. Năm 1533, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, trong quyển XXXIII, đã ghi « Lời chua » để cắt nghĩa lệnh cấm đạo Tây dương, Hoa lang, Gia tô. Trong lời chua thứ ba về « Gia tô » chép rằng: « Gia - tô: Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô » (2). Những nho sĩ chép sử có quan niệm chính sử, coi nhà Lê là chính tông, còn nhà Mạc là phản nghịch, nên ghi niên hiệu Nguyên Hòa Lê Trang Tông. Thực ra, vào năm 1533, các xã Ninh Cường, Quần Anh và Trà Lũ (thuộc Nam Định ngày nay) đều thuộc trấn Sơn Nam, vùng đất Bắc Triều do Nhà Mạc cai trị, đời Thái Tông Mặc Đăng Doanh, niên hiệu Đại Chính (1530-1540). Nhà Lê vẫn còn ở Sầm Châu, Ai Lao (3).

Địa điểm thứ hai đã được tiếp nhận Tin Mừng là Thanh Hóa, với việc tòng giáo của công tử Đỗ Hưng Viễn, con quan đại thần triều Lê trung hưng, vào khoảng những năm 1560-1570, rồi với việc đến Việt Nam truyền đạo của hai cha triều Alphonso de Costa và Juan Gonsalves vào năm 1590 và rửa tội cho công chúa Mai Hoa.

Cũng trong thế kỷ XVI, địa điểm thứ ba đã được đón Tin Mừng là Quảng Nam - Thuận Hóa, với việc hai linh mục dòng Daminh là cha Luis de Fonseca và Grégoire de la Motte đến Quảng Nam năm 1580-1586, và sau đó, việc ba nhà truyền giáo khác, thuộc dòng Đa Minh, là cha Alfonso Jímenez, cha Diego và thầy trợ sĩ Juan Bautista Deza đến Cửa Hàn vào năm 1595 và đã khuyên được 2 tù nhân bị án tử hình ở Thuận Hóa theo đạo và an táng theo lễ nghi công giáo.

Địa điểm thứ bốn được đón tin mừng là Thăng Long. Theo lời mời của Mạc Mậu Hợp, một phái đoàn các cha dòng Phanxicõ, gồm 4 linh mục là D. Operosa, B. Ruiz, P. Ortis, Fr. Montila và 4 thầy trợ sĩ cập bến An Quảng (Quảng Yên), ngày 01.05.1583. Nhưng khi vừa rời bến để lên Thăng Long, thì tầu bị bão đánh dạt sang đảo Hải Nam. Hai năm sau, cha Ruiz, đã 61 tuổi, trở lại được Thăng Long, được vua tôi Nhà Mạc đối xử tử tế và được tự do giảng đạo, nhưng không có ai theo đạo. Ngài chỉ rửa tội được cho một em bé sắp chết.

2. Thế kỷ XVII, Công giáo hội nhập vào xã hội việt nam và thành lập nhiều cộng đoàn.

Sang thế kỷ XVII, với phân tranh Trịnh Nguyễn (1570-1786), xã hội Việt Nam vẫn còn loạn lạc với bảy trận đánh Bắc Nam: 1627, 1630, 1635, 1648, 1655, 1661, và 1672. Chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn, ai cũng muốn tiếp xúc với người Âu Châu để võ trang cho mình.

Tiếp nối công việc tìm đường truyền giáo của các cha Đaminh và Phanxicô đã thực hiện trong thế kỷ XVI, sang thế kỷ XVII, các cha dòng Tên đã đến gieo vãi Tin Mừng rộng rãi hơn trên khắp các miền Việt Nam. Từ năm 1615 đến 1643 ở Đàng Trong và từ năm 1627 đến 1663 ở Đàng Ngoài, trên dưới 30 thừa sai dòng Tên đã đến truyền giáo ở Việt Nam. Nhiều vị giảng đạo bằng tiếng việt và qua những giáo dân việt nam ưu tú, gọi là thầy giảng. Tầt cả đều thích ứng Tin Mừng vào phong tục việt nam, đặc biệt là tinh thần gia đình, làng xóm. Đây là cử chỉ hội nhập văn hoá đầu tiên: dùng tiếng việt để nói về giáo lý, dùng phong tục để diễn tả niềm tin, dùng người việt để truyền đạo cho người việt, dùng gia đình và xóm làng làm môi trường sống đạo.

Nhờ vậy, hạt giống Tin Mừng đã được dễ dàng đón nhận: nhiều cộng đoàn đã được thành lập. Ở Đàng trong, cha François Buzomi và các đồng bạn đã mang Tin Mừng đến 5 cộng đoàn: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Thuận Hóa. Ở Đàng Ngoài, cha Đắc Lộ và đồng bạn đã mang tin mừng đến 7 cộng đoàn: Thanh Hóa, Nghệ An, Thăng long, Kẻ Bắc, Kẻ Đông, Kẻ Nam, Kẻ Tây.

3. Thế kỷ XVII, Công giáo đã khai sinh ra chữ quốc ngữ cho văn học việt nam.

Để loan báo Tin Mừng, tất cả các linh mục dòng Tên đến Việt Nam, từ 1615 đến 1663, đều đã học tiếng Việt. Nhiều vị rất thông thạo. Cha Francois de Pina là người ngoại quốc thứ nhất rất thông thạo tiếng việt, người thứ nhất giảng mà không cần thông dịch viên. Cha Gaspar d’Amaral đã sáng tác từ điển Việt Bồ và cha Antonio Barbosa đã sáng tác từ điển Bồ Việt. Cả ba đều là người Bồ Đào Nha.

Lưu lại và đi về, tiếp cận với người Việt Nam dòng dã 12 năm, cha Đắc Lộ đã học tiếng việt với cha François de Pina và với một cậu bé Việt Nam. Ngài lại được thừa hưởng công trình nghiên cứu viết tay, một Từ điển Việt Bồ của Gaspar d’Amaral và một Từ điển Bồ Việt của Barbosa. Nhờ bốn yếu tố đó, cha Đắc Lộ đã sáng tác và cho in, năm 1651, hai tác phẩm quốc ngũ đầu tiên: cuốn Tự điển việt bồ latinh và cuốn giáo lý công giáo Phép giảng tám ngày. Đấy là hai cuốn sách quốc ngữ đầu tiên đã được in ra, phổ biến và lưu truyến; có thể được coi như tờ giáy khai sinh của chữ quốc ngữ vậy.

Chữ quốc ngữ đã được người công giáo việt nam tiếp nhận, học tập, xử dụng và phổ biến, mở đường cho nền văn học quốc ngữ việt nam. Ba tài liệu đầu tiên của người việt nam đã được viết bằng chữ quốc ngữ còn lưu lại được là: bức thư hai trang của thầy giảng Igesico Văn Tín viết tại Đàng Ngoài ngày 12-9-1659 cho linh mục dòng Tên G.F.de Marini; bức thư hai trang của thầy giảng Biển Đức Thiện (Bento Thiện) viết tại Đàng Ngoài (ở Thăng Long) ngày 25-10-1659 cũng gởi cho linh mục G.F.de Marini; và tập Lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ mới, có lẽ cũng do thầy giảng Biển Đức Thiện viết, dài 12 trang, soạn vào năm 1659 để gởi cho linh mục G.F.de Marini, lúc đó đi La Mã (4).

Lời kết

THỜI KỲ BẢO TRỢ là thời kỳ đầu tiên trong lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Gọi là bảo trợ, vỉ trong thời kỳ này công việc truyền giáo được Giáo Hội ký thác cho hai quốc gia bảo trợ thực hiện. Đó là nước Bồ Đào Nha và nước Tây Ban Nha. Nước Việt Nam thuộc khu vực nước Bồ Đào Nha bảo trợ.

Trong suốt thời gian dài 126 năm này, 82 năm đầu, từ 1533 đến 1615, kết quả truyền giáo rất khiêm tốn. Nhưng 44 năm sau, từ 1615 đến 1659, các cha Dòng Tên đã mang lại một kết quả truyền giáo tuyệt vời quan trọng. Vào năm 1659, người công giáo Việt Nam, chưa có giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, nhưng có khoảng 100.000 tín hữu. 20.000 trong Nam; 80.000 ngoài Bắc (5), qui tụ quanh 340 nhà thờ (6). Cùng với các thừa sai khác, cha Đắc Lộ đã khai sinh ra Chữ Quốc Ngữ.

Như vậy, cho thời kỳ 126 năm Bảo Trợ (1533-1659), ba sự việc quan trọng đã được thực hiện: 1- Công Giáo vào Việt Nam loan báo Tin Mừng; 2- Công Giáo hội nhập vào xã hội Việt Nam và 12 cộng đoàn đầu tiên đã đón nhận và sống Tin Mừng, 3- Công giáo khai sinh chữ quốc ngữ và văn học công giáo việt nam.

Hôm nay, lễ khai mạc NĂM THÁNH 2010 đã hoàn thành, người công giáo việt nam nên làm gì ? Trong Thư chung ngày 25.11.2009, gửỉ Dân Chúa Hà Nội nhân dịp Năm Thánh, Đức TGM Ngô Quang Kiệt, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã chia sẻ định hướng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mà nhắc đến những việc tổng thể nên làm như sau: « Lễ Khai mạc đã hoàn thành nhiệm vụ mở đầu. Nhưng để Năm Thánh đem lại kết quả thiêng liêng mong muốn chúng ta cần phải sống tinh thần Năm Thánh với ba phương diện: tâm tình, học hỏi và cử hành ». Tâm tình với những tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân các bậc tiền nhân và sám hối. Học hỏi với việc học hỏi lịch sử Giáo hội, học hỏi gương mẫu tiền nhân để xây dựng giáo hội. Thực hành với việc tham dự những cử hành phụng vụ, tích cực thực thi công bình bác ái và dấn thân lên đường truyền giáo.

Riêng về Thời Kỳ Bảo Trợ, Đức Tổng đã xa gần nhắc đến, qua ba đoạn thơ, khi nói đến tâm tình tri ân các tiền nhân thừa sai, đến việc soi mình vào lịch sử để học tấm gương sáng ngời của các vị thừa sai và đến việc hành hương Nhà Thờ Chính Tòa, nơi cha Đắc Lộ đã đến rao giảng Tin Mừng lần đầu tiên vào ngày 02.07.1627. Ngài viết:

« Một tâm tình không thể thiếu đó là tri ân các bậc tiền nhân. Tri ân các vị thừa sai đã quảng đại hi sinh, từ bỏ quê hương, gia đình, chấp nhận cuộc sống vất vả thiếu thốn, gian nan thử thách và chấp nhận dâng hiến cả mạng sống để gieo vãi hạt giống Tin mừng khắp nơi. Tri ân tổ tiên chúng ta đã quảng đại đón nhận đức tin, kiêu hùng bảo vệ đức tin và dũng cảm đổ máu đào minh chứng đức tin, để lại cho chúng ta gia sản đức tin vô giá và một Giáo hội mạnh mẽ phát triển không ngừng.

Soi mình vào lịch sử, ta học được gương mẫu tiền nhân, nhất là của các vị thừa sai và các thánh Tử đạo. Giáo hội phát triển như ngày nay nhờ sự quảng đại, hi sinh của các ngài. Tấm gương sáng ngời của các ngài sẽ khơi dậy lòng phấn khởi. Ơn phúc của các ngài sẽ giúp ta thêm hăng hái quên mình xây dựng Nước Chúa. Sống theo gương các ngài ta sẽ góp phần đưa Giáo hội vào một thời kỳ phát triển mới.

Riêng tại Tổng giáo phận Hà nội, chúng ta có 4 điểm hành hương. Điểm thứ nhất là Nhà thờ Chính tòa, nơi cha Đắc Lộ đã đến rao giảng Tin mừng lần đầu tiên vào ngày 02-07-1627, có pháp trường Ô Cầu Giấy nơi cha thánh Dũng Lạc chịu xử tử, có thành Cửa Bắc, nơi giam giữ và xử trảm thánh Ven, có Kẻ Sét nơi thánh Thịnh sinh ra, có ngôi nhà nguyện đầu tiên, có nhà đức cha Puginier Phước tức là nhà nguyện Fatima hiện tại » (7).

Paris, ngày 10 tháng 12 năm 2009

Trần Văn Cảnh

Ghi chú:

(1). Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, «Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành NĂM THÁNH 2010: Nội qui », trong

http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=6&Act=Detail&ID=72&CateID=83

(2). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển XXXIII, trang 720, trong

http://www.viethoc.org/eholdings/sach/kdvstgcm.pdf

(3). (Trần Trọng Kim, VNSL, Q 2, tr. 18)

(4). Đỗ Quang Chính, Tập lịch sử nước Annam, trong

http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=64&ia=528

(5). HĐGMVN, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2004, tr. 189

(6). Bentô Thiện viết trong « Lịch sử nước Anam (năm 1659) rằng: “Nghệ an Xứ những nhà thánh thờ đức Chúa trời được bẩy mươi lăm nhà thánh. Sơn nam Xứ được một trăm tám mươi ba nhà thánh. Hải dương Xứ được ba mươi bẩy nhà thánh. Kinh bắc Xứ được mười lăm nhà thánh. Thanh hoá xứ được hai mươi nhà Thánh. Sơn tây xứ được mười nhà thánh”. Trích trong Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn: Đường mới, 1972, tr. 129

(7). TGM Giuse Ngô Quang Kiệt: Thư chung ngày 25.11.2009, gửi Cộng Đồng Dân Chúa Hà nội nhân dịp Năm Thánh 2010, trong

http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=74002