LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 3/2010

Tháng Ba là tháng đặc biệt kính Thánh Giuse. Ngày 19/3 là ngày Lễ Trọng kính Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria. Thánh Giuse là Bổn Mạng của Giáo hội toàn cầu, bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam. Thánh Giuse cũng là bổn mạng của các vị Gia Trưởng và của giới Lao Động (ngày 01/05 Lễ Kính Thánh Giuse Thợ).

Ngoài ra ngày 25 tháng 3 là ngày Lễ Truyền Tin, Lễ Trọng (Trong Thánh lễ khi đọc Kinh Tin Kính đến câu “Bởi Phép Chúa Thánh Thần…và đã làm người” chúng ta cùng bái quỳ, để đặc biệt tưởng niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể).

Trong Tháng Ba này, chúng ta sẽ mừng Chúa Nhật III, IV,V Mùa Chay và Lễ Lá.

CHÚA NHẬT III Mùa Chay (Năm C; có thể lấy các bài đọc Năm A): Bài Đọc I (Sách Xuất Hành 3:1-8,13-15) nhắc nhở chúng ta về biến cố Thiên Chúa đã hiện ra với ông Moisê tại núi Horeb và trao cho ông nhiệm vụ lãnh đạo Dân Chúa ra khỏi Ai Cập để trở về Đất Hứa. Bài Đọc II (1 Côrintô 10:1-6,10-12), Thánh Phaolô cũng nhắc đến biến cố Dân Chúa vượt qua sa mạc và nhắn nhủ chúng ta hãy kiên tâm vững chí trong mọi gian nan thử thách trong cuộc hành trình về quê hương Nước Trời. Bài Phúc Âm (Luca 13:1-9), Chúa Giêsu nói đến việc Philatô giết mấy người Galilê, và việc Tháp Siloe đổ xuống đè chết 18 người. Qua hai sự kiện bi thảm đó, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta những nạn nhân ấy không phải là những người tội lỗi hơn những người khác mà bị tai nạn như vậy; nhưng mọi người chúng ta cũng đều là những con người yếu đuối dễ sa ngã phạm tội, chúng ta luôn phải sám hối tội lỗi và ăn năn trở về với Chúa là Cha Nhân Từ, Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta cải thiện đời sống để được ơn tha thứ.

CHÚA NHẬT IV Mùa Chay (Năm C; có thể lấy các bài đọc Năm A): (Chúa Nhật này thường được gọi là “Chúa Nhật Hãy Vui Lên” “Laetare Sunday”, chủ tế có thể mặc áo màu Hồng thay màu Tím): Bài Đọc I (Giosuê 5:9,10-12) ghi lại những ngày cuối cùng của cuộc hành trình về quê hương và Dân Chúa tiến vào Đất Hứa để mừng Lễ Vượt Qua, không còn ăn Manna nữa, nhưng bắt đầu ăn thổ sản địa phương, lúa mạch và bánh không men. Bài Đọc II (2 Côrintô 5:17-21), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta là chúng ta đã trở nên “những con người được đổi mới” vì chúng ta đã được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ công nghiệp cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu; vậy chúng ta hãy thật lòng từ bỏ tội lỗi và trở về “làm hòa với Chúa và với nhau.” Bài Phúc Âm (Luca 15:1-3,11-32) ghi lại Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu (thường được gọi là dụ ngôn Người Con Phung Phá): Đây là một Dụ Ngôn thật cảm động nói đến Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn chờ đợi những người tội lỗi “ăn năn trở về” và sẵn sàng tha thứ tất cả, lại còn “ cho mặc y phục mới và mở tiệc ăn mừng” vì “em con đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy!” Chúng ta hãy tuyệt đối tin tưởng vào lòng nhân hậu của Chúa là Cha chúng ta, và ăn năn sám hối trở về, đừng bao giờ nản lòng thối chí. Chúng ta cũng đừng bao giờ nổi giận lên án những người trót sa chân lỡ bước; đừng bắt chước thái độ nổi giận của người anh Cả, nhưng hãy khoan dung và yêu thương giúp đỡ những người tội lỗi trở về với Chúa.

CHÚA NHẬT V Mùa Chay (Năm C; có thể lấy các bài đọc Năm A): Bài Đọc I (Isaia 43:16-21) đem lại niềm hy vọng trong Mùa Chay: “Hãy quên đi những việc đã qua và đừng quan tâm đến các việc xa xưa nữa…Thiên Chúa hứa sẽ đổi mới mọi sự, khai mở đường đi và cho dân Chúa có nước uống…” Bài Đọc II (Philiphê 3: 8-14) Thánh Phaolô cũng nói Ngài quên hẳn những gì ở đàng sau và chỉ hướng về phía trước “để chạy đến đích cuối cùng là phần thưởng Nước Trời, trong sự hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Giêsu và sự Phục Sinh của Người. Bài Phúc Âm (Gioan 8:1-11) ghi lại một câu chuyện rất cảm động về người phụ nữ bị kết án là phạm tội ngoại tình đáng phải ném đá cho đến chết theo luật thời đó; nhưng chẳng ai dám ném đá chị, vì Chúa bảo “ai hoàn toàn sạch tội hãy ném đá chị đó đi!” Mọi người đều sợ hãi bỏ đi, vì nhận thấy chính mình cũng đầy tội lỗi. Chúa Giêsu đã tha thứ cho chị và bảo: “Ta cũng không kết án chị. Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa!” Chúng ta hãy lo ăn năn sám hối và “đấm ngực mình, đừng lo đấm ngực người khác” để xin Chúa thứ tha tội lỗi và giúp chúng ta chừa bỏ tội lỗi.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ, kính nhớ cuộc Khổ Nạn của Chúa, và mở đầu Tuần Thánh. Trước Thánh Lễ có nghi thức làm Phép Lá và Rước Lá để kỷ niệm việc Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem và dân chúng nồng nhiệt đón rước. Trước phần Rước Lá có đọc Bài Phúc Âm (Luca 19: 28-40) nhắc đến biến cố trọng đại này. Tiếp theo long trọng cử hành Thánh lễ. Bài Đọc I (Isaia 50:4-7: Bài Ca thứ Ba về người tôi tớ Chúa) diễn tả sự nhẫn nhục “người Tôi tớ Chúa” phải chịu đựng trong cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại. Bài Đọc II (Philiphê 2:6-11) diễn tả sự hy sinh của Chúa để trở nên như một người phàm và vâng lời chịu khổ nạn, chịu chết để cứu chuộc tội lỗi nhân loại và sau đó Ngài đã được tôn vinh. Bài Phúc Âm là Bài Thương khó của Chúa Giêsu Kitô (Luca 22:14 - 23:56) từ Bữa Tiệc Ly đến cuộc khổ nạn và chết của Chúa trên Thánh giá, tháo xác Chúa xuống và an táng trong mồ.

Xin cùng cầu nguyện chung cho nhau để trong những ngày trọng đại này, chúng ta biết hy sinh dành nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện, dự các cuộc Tĩnh Tâm Mùa Chay, hy sinh hãm mình thắng vượt những đam mê tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn qua Bí Tích Hòa Giải (Xưng Tội) và dành dụm tiền bạc giúp người nghèo khó trên thế giới. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được chết đi với tội lỗi, cải thiện đời sống để được cùng sống lại thật với Chúa trong đời sống trong sạch, hòa hợp yêu thương và nhiệt thành phụng sụ Chúa và mọi người trong cuộc sống hàng ngày.