Người ta vốn nghĩ rằng Công đồng Êphêsô (năm 431) là điểm bật sáng chói ngời khai sinh ra lòng sùng kính chính thức trong Giáo Hội tiên khởi đối với Mẹ Chúa Giêsu. Tiếp theo lời Công Đồng công bố Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Thetokos), tại các đô thị lớn trong thế giới cổ thời chắc chắn đã có cả một phong trào say sưa dâng kính các thánh đường cho Đức Mẹ dưới danh hiệu Đấng Cưu Mang Thiên Chúa (God-Bearer). Các ngày lễ kính Đức Mẹ bắt đầu phát triển nhiều hơn và các bài giảng được tô điểm bằng nhiều hình ảnh lấy từ Cựu Ước, tạo ra cả một thể loại văn chương ngợi khen Maria là Mẹ Thiên Chúa (Bên Đông gọi là Theotokos, bên Tây gọi là Mater Dei) (1).

Mục đích của chúng tôi ở đây là muốn khảo sát vai trò của lòng sùng kính Đức Mẹ trước thời Công đồng Êphêsô; để gọi là thăm dò xem ký ức về Đức Maria đã được gìn giữ ra sao trong nền văn hóa Kitô Giáo đang triển khai lúc đó; cái ký ức ấy đã lớn mạnh như thế nào để trở thành cả một làn sóng nhồi trồi lên tại Êphêsô; và quan trọng hơn cả, lòng sùng kính đức Maria của người Kitô hữu đã luôn luôn phát sinh ra sao từ cảm thức sâu xa của niềm tin (sensus fidelium) vào học thuyết nhập thể theo đó “Ngôi Lời đã thành huyết nhục và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14).

Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong Kinh Thánh

Dù cho lòng sùng kính đức Maria khởi đầu có được kích thích bởi một truyền khẩu rõ rệt hay, như một số người đoán định, bởi việc Kitô hóa những tục thờ cúng đối với các nữ thần mẹ thuở xưa (2), việc nhìn nhận từ sớm vai trò của đức Maria trong lịch sử cứu chuộc chỉ có thể phát sinh từ Sách Thánh mà thôi. Sự hiện diện của đức Maria trong Kinh Thánh thuộc ý niệm rộng rãi về tính bí tích qua đó, Thiên Chúa xử dụng các ngôi vị nhân bản và chứng tá của họ để chuyển thông sức mạnh và ơn thánh cứu độ của Ngài (3). Từ đầu, Mẹ Chúa Giêsu, dù không có tính cách chủ đề, đã được tiếp nhận vào ý thức sùng kính theo cùng một cách thế như cách thế một vật được biểu hiệu đã sẵn được chứa đựng ngay trong chính biểu hiệu (4).

Như chúng ta đã biết, Tân Ước hầu như không tỏ lộ điều gì về người mẹ lịch sử của Chúa Giêsu. Trong tư cách là những văn bản nói về đức Kitô và Giáo Hội được trước tác sau biến cố phục sinh, quan tâm hàng đầu của các sách này là khích lệ lòng tin vào Chúa Giêsu như là Đức Kitô. Lý do hiện hữu (raison d’être) của chúng là làm chứng cho nhiệm cục của Thiên Chúa (economia divina) từng được diễn tả trong các giao ước của Giavê Thiên Chúa với Israel và được thực hiện đầy đủ như đã hứa trong mầu nhiệm nhập thể, nghĩa là bao gồm sứ mệnh của Chúa Giêsu, cơn khổ nạn và cái chết của Ngài, sự phục sinh và tôn vinh ‘bên hữu Thiên Chúa’ từ đó Thánh Linh đã được ‘thả ra’ và Giáo Hội được khai sinh.

Điều Tân ước thực sự làm và đã làm song song với ‘thửa đất mẹ’ mầu mỡ của mạc khải Cựu ứơc (5) là tiệm tiến chứng tỏ, qua truyền thống nhất lãm và truyền thống Gioan, rằng đức Maria đã can dự một cách hết sức gắn bó vào toàn bộ mầu nhiệm Nhập Thể và vào việc khai sinh ra Giáo Hội.

Những đoạn Tân Ước liên hệ tự nhiên xuất hiện trong đầu ta chính là các đoạn Matthêu nói về gia phả đức Giêsu (Mt 1:1-17), nói về việc dựng thai trinh khiết của Ngài (Mt 1: 18- 25) và đoạn nói về Mẹ và Hài Nhi-Kitô khi Ba Vua đến viếng thăm (Mt 2:11).

Truyền thống Luca khích lệ người ta suy niệm thêm về ý nghĩa của đức Maria đối với mầu nhiệm Nhập Thể. Ở đây ta thấy người mẹ-môn đệ mà tiếng xin vâng đã cho phép việc dựng thai trinh khiết của đức Giêsu diễn tiến được (Lc 1:26- 38); mà việc đi thăm Êlizabet đã tạo nên khúc ca hân hoan và ca tụng vô tiền khoáng hậu nhân danh vô vàn những ‘con người bé nhỏ’, là những người luôn được Thiên Chúa đổ đầy muôn vàn ơn phúc cứu độ (Lc 1:39-45); người đã sinh đức Giêsu vào lịch sử nhân loại (Lc 2: 1-7); người đã đón tiếp các mục đồng đến thờ lạy (Lc 2:8- 20) và dâng Ngài vào Đền Thờ theo nghi lễ Do Thái (Lc 2: 21- 40); người đã cảm nghiệm Ngài lớn lên trong tuổi thiếu niên (Lc 2: 41-52); người đã đi theo Ngài như một môn đệ sáng chói nhất trong suốt hành trình mục vụ công khai của Ngài (Lc 8: 19- 21); và người, sau cùng, đã có mặt trong Lễ Hiện Xuống, là lễ trong đó tháp Babel được đảo ngược đến muôn đời (Cv 1: 12-14).

Phúc âm Gioan còn đưa ta vào sâu hơn ý nghĩa yêu thương và tin kính nơi Mẹ Chúa Giêsu. Chỉ có hai trích đoạn (pericopes) thôi - một tại Cana (Ga 2:1-12) trong đó Người Đàn Bà trở thành dụng cụ tác động ra việc khởi đầu Giờ Của Chúa Giêsu và một tại Đồi Calvary (Ga 19: 25-28a) nơi cũng Người Đàn Bà ấy đã cùng đứng với Người Môn Đệ Yêu Qúi cạnh Thập Giá - nhưng cũng đủ để làm nổi rõ vai trò biểu tượng của Mẹ Chúa Giêsu. Phúc âm này đã nhận ra hướng đi bắt đầu từ những lớp sơ khởi nhất của truyền thống tức việc đức Maria phải được tìm thấy ngay giữa lòng gia đình cánh chung của Chúa Giêsu, là Giáo Hội. Sự hiểu biết này, như chúng tôi đã nhắc đến, cũng nằm gần ngay giữa lòng sùng kính tiên khởi đối với đức Maria.

Từ Truyền Thống Kinh Thánh Đến Các Phát Biểu Lòng Tôn Kính Đức Maria

Từ đầu, việc Kitô hữu tôn kính đức Maria đã được phát biểu hoàn toàn trong bối cảnh Kitô học được truyền thống Thánh Kinh linh ứng. Hai luồng tôn kính đức Maria đã xuất hiện trong Giáo Hội sơ khai. Trước nhất, những lời cầu nguyện và các tranh ảnh hồi xưa phần lớn là những lời ca ngợi Đức Mẹ vì đã cộng tác vào mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Kitô. Từ những kinh cầu ca ngợi ấy, dần dần mới phát triển ra các lời cầu khẩn xin ơn (invocations).

Ca Ngợi Đức Maria

Tư cách là mẹ mà vẫn trinh khiết của Đức Maria mau chóng trở thành chú điểm của suy tư thần học trong Giáo Hội hậu tông đồ. Các nhà thần học có ảnh hưởng đã có thể lên ‘tiếng’ và ra lệnh cho những hình thức sùng kính Đức Maria đang thịnh hành lúc đó trong cộng đoàn của họ; đổi lại, tư tưởng thần học liên quan đến Đức Maria đã giúp các tín hữu cơ hội để diễn tả lòng ca ngợi của họ đối với Đấng đã được Chúa chọn để sinh hạ ra Đức Kitô.

Thánh Inhaxiô thành An-ti-ô-ki-a khẳng quyết về sự đồng trinh của Đức Maria và minh nhiên nhìn nhận vị trí của Ngài trong mầu nhiệm cứu chuộc: "Vì Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã được Đức Maria mang thai theo đúng chương trình Thiên Chúa: bởi giòng giống Đavit đã đành, mà cũng bởi Chúa Thánh Thần nữa...Sự đồng trinh của Đức Maria, việc Ngài sinh con cũng như sự chết của Chúa, tất cả đều được dấu kín đối với thủ lãnh thế gian, ba mầu nhiệm được lớn tiếng công bố nhưng đã được thực hiện trong sự im lặng của Chúa" (6).

Thánh Jus-ti-nô (qua đời khoảng năm 165), Thánh I-rê-nê (qua đời khoảng năm 193), và Ter-tu-li-a-nô (qua đời khoảng năm 220) cả ba đều góp phần vào việc khai triển sự so sánh song hành của thánh Phaolô về Ađam Cũ/Ađam Mới (Rm 15: 12-21). Và trong khi khai triển như thế, họ cũng đã thúc đẩy sự so sánh tương tự giữa Evà và Evà Mới. Sự lưu ý của thần học về vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu chuộc tự nhiên dẫn đến việc Ngài được ca ngợi chính thức cũng như không chính thức trong Giáo Hội. Cái vinh dự mà Ngài được ban tặng nhờ việc nhập thể được liên tục nhắc lại trong Kinh Tin Kính lúc chịu phép rửa hồi xưa trong đó Giáo Hội công khai tin nhận Chúa Giêsu ‘sinh bởi bà Maria Đồng Trinh’.

Các trước tác ngoại kinh như Ca Khúc Solomon, Sấm Ký Sybylline và Phúc Âm Đầu Hết Của Giacôbê bắt đầu được lưu truyền từ cuối thế kỷ thứ nhất qua giữa thế kỷ thứ hai. Theo cách riêng, các văn bản này đưa ra những lời ca tụng rất bình dân đối với Đức Maria trong chiều hướng xây dựng của chúng và khi ‘thỏa mãn’ óc tò mò đạo đức, chúng cũng đã thoả mãn một số nhu cầu thần học nhờ đã trám đầy một số chi tiết về đức Maria mà các Phúc Âm đã không nói đến. Chắc chắn các trước tác này đã nới rộng cái hào quang mầu nhiệm bao quanh việc Nhập Thể trong khi đồng thời cũng đưa ra được một số tìm hiểu đứng đắn (tuy hơi khuếch đại...) đối với ý nghĩa của khía cạnh ‘vì chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi’ trong nhân tính của Chúa Giêsu, nhân tính vốn từ Đức Maria mà ra.

Một lời kinh được khám phá trên các mảnh gốm tại một di tích lịch sử thuộc một tu viện Coptic thế kỷ thứ ba cho thấy rõ sự ca tụng thời xưa đối với đức Maria đã được linh ứng ra sao bởi trình thuật Truyền Tin của Luca:

Kính mừng Maria,

Đầy ơn phúc;

Chúa ở cùng Bà,

Cả Chúa Thánh Thần nữa. Thầy cả của Bà mặc đồ công chính

Những kẻ tôn kính Bà sẽ vui mừng hớn hở.

Lạy Chúa, vì Đavit tôi tớ Chúa, xin Chúa hãy cứu vớt dân Người;

Hãy chúc phúc phần dân Chúa chọn.

Kính mừng đấng Đồng Trinh vinh hiển,

Maria đầy phúc.

Chúa ở cùng Bà.

Bà có phúc hơn mọi người nữ;

Và phúc thay hoa quả lòng Bà;

Vì Đấng Bà thụ thai chính là Đấng Kitô,

Con Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc linh hồn chúng con
(7).

Ở đây việc nhắc đến các thầy cả (linh mục) là điều quan trọng về phương diện lịch sử vì được nhắc đến trong một bản văn thánh vịnh, hẳn nó ám chỉ đây là lời kinh phụng vụ đã có trước cả Kinh Kính Mừng đến vài trăm năm.

Niên biểu chính xác của các lời ca tụng trong phụng vụ thời sơ khai đối với tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa là điều khó ấn định. Tuy nhiên, ca khúc phụng vụ của Thánh Ephraem người Syria (sinh năm 306) chắc chắn không thua sút bất cứ ca khúc nào khác về vẻ đẹp và sự tinh tế trong lời ca tụng đấng đã cho Đấng Cứu Thế mặc xác phàm. Nếu chú ý lắng nghe, ta sẽ thấy nhiều âm hưởng Kinh Thánh trong trích đoạn dưới đây:

Hãy đến, hỡi tất cả những ai sáng suốt, hãy chiêm ngắm

Người Mẹ đồng trinh, dòng vua Đavit.

Người đẹp mỹ miều, đã sinh hạ Đấng Tuyệt Diệu;

Người là giòng suối tạo nên Giếng Khơi,

Người là con tầu mang niềm vui Chúa Cha,

Chở tin mừng trong lòng trinh khiết;

Người mang theo và hộ tống

Vị Thuyền Trưởng vĩ đại sáng thế

Đấng mà qua Ngài hòa bình sẽ

Thống trị trên mặt đất và trên trời....

Người mang chim bồ câu non

Chim Ưng, Kỳ Lão muôn Đời

Luôn ca ngợi vì người mang Ngài

Bằng những lời ca yêu dấu:

‘Ôi Con yêu, con giầu có, Con đã chọn

Lớn lên trong chiếc tổ tí hon; là cây đàn muôn điệu,

Con lặng thinh như đứa bé thơ, hãy để mẹ ru Con

bằng cây đàn rung động cả vệ thần Thiên Chúa..
. (8).

Ca khúc Ephraem dùng trong khi cử hành Ngày Sinh của Đức Kitô cũng đồng thời cử hành (như đoạn sau đây chứng tõ) sự vui mừng của Giáo Hội trước sự tham dự của đức Maria vào mầu nhiệm ấy:

Hôm nay đức Maria đã nên cho chúng con

Tầng trời mang Thiên Chúa;

Vì trong ngài, Thiên Chúa vinh quang

Đã xuống lòng cư ngụ;

Trong ngài, Người đã ra bé nhỏ,

Để chúng con nên lớn

Nhưng bản tính Người không suy giảm;

Trong ngài, Người đã dệt cho chúng con

chiếc áo cứu chuộc...
(9).

Sự tuyệt vời trong tư tưởng của Thánh Ephraem khi liên kết Chúa Thánh Linh, Giáo Hội, đức Maria và sự hiện diện của đức Kitô trong Thánh Thể với nhau đã được diễn tả một cách tuyệt diệu trong Ca Khúc Niềm Tin thứ mười của ngài:

Lửa và Thần Khí trong lòng Maria;

Lửa và Thần Khí trong giòng sông Rửa Tội,

Lửa và Thần khí trong Phép Rửa ta,

Lửa và Thần Khí trong bánh, trong rượu
(10).

Đến ngay cả việc nhắc đến phương cách theo đó lòng tôn sùng Đức Mẹ đã được lồng vào phụng vụ thánh thể ngày xưa chúng ta cũng không đủ khả năng. Ghi chép đầu tiên cho thấy Đức Mẹ có mặt trong cách lặp đi lặp lại như trên (anaphora) đã được tìm thấy trong bản văn Truyền Thống Tông Đồ (Apostolic Tradition) của Thánh Hip-pô-li-tô viết vào khoảng năm 215 CN - mặc dù bản văn này có thể đã phản ảnh một lời cầu nguyện đã được khai triển tại Rôma vào khoảng năm 180 CN:

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, nhờ Con yêu dấu Chúa là Đức Giêsu Kitô... Đấng Chúa đã từ trời sai xuống lòng người Trinh Nữ và Đấng được tượng thai trong Bà đã trở nên xác thân và đã được minh chứng là Con Chúa sinh bởi Chúa Thánh Thần và Trinh Nữ... (11).

Vì đã xem xét lòng sùng kính đức Maria thời tiền Êphêsô dưới dạng tụng ca, nên cần phải nhắc sơ qua đến giáo huấn của thánh A-na-tha-si-ô thành Alexandria và thánh Au-gus-ti-nô thành Hippo. Một lần nữa ta lại phải nhắc đến tác động qua lại giữa cách phát biểu bình dân và cách phát biểu có tính cách chải chuốt của thần học về lòng sùng kính đức Maria (12). Ở đây, Pelikan nhận thật rằng thánh A-na-tha-si-ô ‘đã làm vang lại ngôn ngữ tôn sùng bình dân’ trong khi đưa ra lý chứng thần học của mình.

Thánh A-na-tha-si-ô (sinh khoảng năm 295) quan trọng đối với sự xem xét của ta vì cách ngài bênh vực đức tin chống lại nhóm tân-Ariô là nhóm chối bỏ nhân tính hoàn toàn của Chúa Giêsu. Thánh nhân nhấn mạnh rằng Ngôi Lời Thiên Chúa được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) - một tước hiệu vốn đã được xử dụng trong các kinh nguyện công cộng của Kitô hữu chính thống vùng Alexandria. Thánh A-na-tha-si-ô biện luận rằng tư cách làm mẹ của đức Maria bảo đảm nhân tính của Chúa Giêsu và, do đó, là chuẩn thức cho sự cứu rỗi của con người. Ngài nhấn mạnh rằng việc mừng kính lễ Maria Làm Mẹ được ấn định (rất có lẽ) vào Chúa nhật trước Lễ Giáng Sinh (13), là điều quan trọng đối với việc giáo hội không ngừng làm chứng cho công việc cứu rỗi. Trong Thư Gửi Epictetus của thánh A-na-tha-si-ô, ta đọc thấy rằng: ‘Nếu Ngôi Lời cùng một yếu tính với thân xác, thì việc mừng kính và chức vị của đức Maria chỉ là hời hợt’ (14). Nói cách khác, sẽ vô nghĩa khi đi mừng kính một lễ phụng vụ Mẹ Thiên Chúa đã trở thành phổ thông nếu đức Maria không tham dự như một phần yếu tính vào mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Kitô, mà lễ sinh nhật được cử hành còn long trọng hơn vào tuần kế tiếp.

Thánh Au-gus-ti-nô (sinh khỏang năm 354) đã đóng góp một cách đặc biệt bằng cách chú trọng đến đức tin của Đức Mẹ. Các bài giảng của thánh nhân (như ta đã biết, được sưu tập từ những ghi chép của các ‘thư ký’ riêng khác nhau) về lễ Giáng Sinh đã nhấn mạnh rằng chính nhờ đức tin vâng phục của đức Maria mà Chúa Giêsu đã được dựng thai về phương diện thể lý. Đức Mẹ được ca ngợi vì đã biết lắng nghe và thực hiện Lời Chúa:

”Khi thần sứ loan báo sự giáng sinh của Đức Kitô, thì đức Maria mang thai Người. Tin vào sứ điệp giáng sinh, đức Maria đã chịu thai Người bằng đức tin. Sự xuất hiện đức tin trong trái tim đức Maria được tiếp nối bằng hoa trái trong dạ mẹ” (15).

Đối với thánh Au-gus-ti-nô, phúc lộc của đức Maria là một mầu nhiệm vừa có tính giáo hội vừa có tính Kitô học sâu sắc; hai mầu nhiệm ấy không tách biệt nhau. Người được ca ngợi như một thành viên trổi vượt nhất của giáo hội, như người đã được hưởng hoa trái cứu chuộc rồi. Dựa vào trích đoạn trong Luca 11:27, trong đó, một phụ nữ vô danh lớn tiếng ca tụng mẹ Chúa Giêsu, thánh Au-gus-ti-nô dạy rằng:... Maria có phúc. Thế nhưng Giáo Hội còn có phúc hơn nữa. Lý do nào khiến tôi nói như vậy? (Lý do vì) đức Maria là thành phần của Giáo Hội; ngài là chi thể thánh thiện; ngài là chi thể trên hết mọi chi thể... Hỡi giáo dân của tôi, hãy lắng nghe cho kỹ điều này: anh em là chi thể của thân thể Đức Kitô, anh em là thân thể của Người. Và anh em là như thế xiết bao khi Người nói: ’Đó chính là mẹ tôi và là anh em tôi...’ (16).

Các Hình Ảnh Diễn Tả Việc Ca Ngợi Đức Maria

Nghệ thuật toại đạo từ đầu thế kỷ thứ ba cho thấy rõ ký ức về đức Maria đã được gìn giữ và mừng kính như thế nào trong biến cố về Đức Kitô. Hang toại đạo Priscilla có ba bức bích họa nổi tiếng. Bức sớm nhất, vốn là một phần của bức bích hoạ lớn hơn về Đức Kitô dưới danh hiệu Chúa Chiên Lành, vẽ đức Maria ẵm Chúa Hài Nhi. Như thể nghe thấy một giọng nói, nên Hài Nhi đã quay đầu về phía một tiên tri tay trái đang cầm một sách cuộn (scroll) trong khi tay phải chỉ lên ngôi sao trên đầu Hài Nhi. Mọi người đều nhất trí rằng vị tiên tri ấy chính là Balaam mà lời tiên đóan đã ứng nghiệm hoàn toàn: ‘Một ngôi sao sẽ mọc lên từ nhà Giacóp và một vương trượng sẽ xuất hiện từ Israel’ (Ds 24:17) (17).

Bức thứ hai diễn tả cảnh Ba Vua đến thờ lạy đã vẽ đức Maria đang trình diện đức Kitô cho Dân Ngoại (18). Bức thứ ba cho thấy một người đàn bà vùng Orans được mang đến trước ngai Mẹ và Hài Nhi; người nữ đồng trinh vừa được thánh hiến, đứng giữa giám mục Velatio và người phụ tá của ngài, đang được ‘giới thiệu’ cho những đấng mẫu mực trong lối sống mới bà đã chọn lựa (19).

Các hang toại đạo thánh Phêrô và thánh Marcellinô có tranh vẽ đức Maria mặc y phục như một mệnh phụ phu nhân La-Mã đang ngự giữa các Nhà Chiêm Tinh (20). Còn tại hang toại đạo Maiô, người ta tìm thấy di tích hình bán thân đức Maria với hai bàn tay ở tư thế bán nguyệt (21).

Nghệ thuật tống táng cũng thường thấy mô thức (motif) Đức Mẹ trình diện Chúa Hài Nhi cho các Nhà Chiêm Tinh. Người ta thấy một thí dụ điển hình được lưu giữ nguyên vẹn trên quan tài bằng đá của Clipêô (khoảng năm 315). Thí dụ này đặc biệt đáng lưu ý ở chỗ nó thoát ra ngoài khuôn mẫu thường thấy trong thế giới cổ đại. Theo khuôn mẫu này, quan tài các hoàng đế thường miêu tả hoàng đế đang tiếp nhận vòng hoa tang bằng vàng từ các dân mọi rợ như dấu hiệu tùng phục sau khi họ bại trận. Thay vào đó, người ta lại miêu tả đức Maria đang ngự trên ngai cùng với Hai Nhi Giêsu thay chỗ hoàng đế; và chính Hài Nhi đang tiếp nhận cống phẩm từ tay các Dân Ngoại (22).

Việc ca ngợi đức Maria bằng tranh ảnh cũng được tìm thấy qua các công trình khảo cổ tại Nazareth bên Đất Thánh. Toán làm việc dưới sự điều khiển của các cha Bagatti và Testa trong các năm 1955-1960, đã tìm thấy dưới chân cột nhiều chữ viết nghuệch ngoạc khoảng cuối thế kỷ thứ hai đầu thế kỷ thứ ba. Trong số ấy mấy chữ XE PAPIA (kaire Maria) trích từ lời sứ thần chào đức Maria (Lc 1:26) còn đọc được rõ nét. Trước tất cả các thí dụ tôn kính đức Maria trong tư cách là Mẹ Thiên Chúa trên đây, ta thấy có bức tranh cho đến nay vẫn còn được tôn kính tại thánh đường Syriac thuộc thế kỷ thứ nhất (tương truyền là nơi tọa lạc căn nhà của Gio-an Mac-cô xưa) trong Cổ Thành Giêrusalem. Kỹ thuật định niên kỷ theo lối dùng than (carbon-dating) cũng đã xác nhận bức tranh này có từ thời thế kỷ thứ nhất. Lòng sùng kính bình dân vẫn cho rằng bức tranh ấy do Thánh Luca minh hoạ.

Việc Khẩn Cầu Đức Maria

Có đủ bằng chứng cho thấy trước thời Công Đồng Êphêsô, Kitô hữu đã từng cầu nguyện cùng Mẹ Chúa Giêsu dưới tước hiệu Bầu Chữa (Advocate). Lời cầu nguyện cầu bầu, vì được khai triển từ lời cầu nguyện ca ngợi, nên cũng hàm nghĩa rằng phúc đức của đức Maria được người ta chạy đến vì ơn cứu rỗi trong đức Kitô. ‘Sức mạnh mệnh phụ’ (matronal force) vốn rất hiển nhiên trong đế quốc Rô-ma giúp ta hiểu rõ hơn cái chiều kích Kitô học trong lối cầu nguyện cầu bầu này. Mẹ của hoàng đế là nhân vật có thế lực mạnh nhất giúp người ta dễ dàng gặp mặt được chính hoàng đế và nhờ thế làm hoàng đế lưu tâm đến những vấn đề họ kêu nài.

Thí dụ lâu đời nhất còn tồn tại đến nay (một bản viết thế kỷ thứ ba) về việc kêu cầu Mẹ Thiên Chúa hiện được lưu giữ tại Thư Viện John Rylands ở Manchester. Bản dịch bản viết này có đoạn như sau: "Hỡi Mẹ thánh Thiên Chúa, nép dưới lòng từ bi mẹ, chúng con xin ẩn mình; xin mẹ đừng để những ai cầu xin mẹ phải sa chước cám dỗ, nhưng xin mẹ hãy cứu chúng con khỏi hiểm nguy, chỉ có mẹ là thanh sạch và có phúc" (23).

Những cuộc khai quật tại Nazareth của các cha Bagatti và Testa đã khám phá ra một ngôi nhà thờ trước đây là hội đường ngay bên dưới Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin hiện nay. Một bản khắc, dù chỉ còn một phần, nhưng đã được tái tạo như sau:

Quỳ dưới đền thánh Maria con xin ghi (tên...)

Con đã làm tròn mọi bổn phận đối với ngài (hoặc: con đã trang trí ảnh thánh ngài với hết khả năng con)
(24).

Nghĩa thực sự của bản khắc này khá mơ hồ. Cha Testa suy đoán rằng nó đã được một nữ khách hành hương viết vào khoảng thế kỷ thứ hai hoặc thứ ba; một người nào đó đến đền thánh tại Nazareth để đặt trọn gia đình mình cho sự che chở của đức Maria. Bản văn Hy Lạp có thể hàm nghĩa rằng hành vi tôn sùng này có ý nói về một lời cầu nguyện mà cũng có thể nói về việc tô điểm một ảnh thánh. Đối với các khách hành hương trong thế giới cổ thời, thói quen khắc tên những người hiện diện để xin phép lành tại các đền thánh là thói quen rất thịnh hành. Vần M đầu tiên của tên vị thánh nữ được khẩn cầu ngay trong một địa điểm có liên hệ mạnh mẽ với biến cố Truyền Tin gợi cho người ta thấy rằng vị thánh nữ ấy chính là đức Maria.

Cuốn ‘Sách An Nghỉ’ (book of rest) của người Ethiopia (thế kỷ thứ ba) có chứa đựng điều xem ra như là tiêu bản tiên khởi của ngoại thư về việc Mông Triệu của Mẹ Thiên Chúa. Sách này ghi lại một bài kinh cầu bầu từ miệng những người tương truyền đã phá bĩnh đám đưa tang đức Maria và bị phạt đứt tay vì đã cả gan định xúc phạm đến thân xác Ngài: "Hỡi Maria, chúng con nài xin bà, hỡi Maria, ánh sáng và mẹ của mọi ánh sáng, hỡi Maria, sự sống và mẹ các tông đồ, hỡi Maria, ánh sáng vàng tươi, đấng mang ngọn đèn chân thật, hỡi Maria, bà chúa và là Mẹ Chúa chúng con, hỡi Maria, Nữ vương chúng con, xin hãy khẩn cầu cùng Chúa cho chúng con được an nghỉ thảnh thơi" (25).

Trong một bài giảng của thánh Au-gus-ti-nô về Lễ Giáng Sinh, người ta thấy có lời khẩn cầu ngắn ngủi mà tinh tế sau đây: "Hỡi Mẹ, xin nuôi dưỡng chúng con bằng của nuôi dưỡng chúng con. Xin nuôi dưỡng chúng con bằng bánh đã xuống bởi Trời, nằm trong máng cỏ, như phần thù lao bé nhỏ dành cho các con vật còn được nhớ đến..." (26).

Một thí dụ cuối cùng về lòng sùng kính đức Maria dưới tước hiệu người cầu bầu cùng Con của ngài cho chúng ta là bức bích họa tìm thấy tại một cung thánh ngầm dưới đất ở Alexandria (27). Được kể đã có từ thế kỷ thứ ba, bức bích họa này diễn tả tiệc cưới tại Cana (Ga 2:1-11). Mẹ Chúa Giêsu được nhận dạng là Hagia Maria đang nói với các gia nhân. Phải chăng người nghệ sĩ cổ thời đã hiểu được sự linh nghiệm của lời cầu bầu của đức Maria nhân danh cô dâu và chú rể lúc đó đang bối rối và, khi thi hành công trình này, đã biểu lộ chính các nhu cầu của mình? Và phải chăng lúc đó người ta đã trực giác thấy ra ý nghĩa về Giờ của Chúa Giêsu?

Công Đồng Êphêsô

Dù những ‘thăm dò’ trên đây khá hạn chế lựa lọc, nhưng cũng cho thấy khá rõ rằng danh dự mà Công Đồng Êphêso đã dâng tặng đức Maria không hẳn tự nhiên mà có; người ta cũng không thể nghĩ rằng trước thời Công Đồng, lòng tôn kính đức Maria chỉ là sơ sài không đáng kể. Thực thế, Êphêso chỉ là kết quả của cảm thức lòng tin vốn có tính Kitô học thời xưa mà thôi. Các học giả ngày nay vẫn còn tranh luận về tác giả một ca khúc dùng trong việc cử hành chính thức lễ nhìn nhận đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Ca khúc này, như đoạn trích sau đây chứng tỏ, cho ta thấy rằng tác giả của nó đã thu nhận tất cả những gì vốn đang được trân quí gìn giữ trong một truyền thống trong đó việc ca ngợi đức Maria trong bối cảnh kế hoạch cứu rỗi đã sản sinh ra lòng sùng kính sốt sắng:

Kính mừng Ba Ngôi, thánh thiện và nhiệm mầu, chính để đáp lại tiếng Người kêu gọi mà chúng con tụ tập nơi đây trong ngôi thánh đường dâng kính đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, này.

Kính mừng Maria, Mẹ Thiên Chúa

Kho tàng quí giá của hoàn cầu, khiến cả hoàn cầu tôn kính,

Đèn không bao giờ tắt,

Vinh quang chói lọi bậc đồng trinh,

Rường cột đức tin chính thống,

Đền thờ không ai phá đổ,

Nơi chứa Đấng không nơi nào chứa được,

Làm mẹ mà vẫn còn đồng trinh.

Cảm tạ Chúa, Đấng nhân danh Chúa mà đến và được gọi là Đấng đầy phúc trong Phúc âm...

Cảm tạ Chúa, Ba Ngôi được vinh danh và Thánh giá được xưng là vô giá và được tôn kính khắp thế gian...

Cảm tạ Chúa, các ngôn sứ nói tiên tri và các tông đồ rao giảng ơn cứu độ cho Dân Ngoại...

Được ca ngợi nhiều nơi đức Maria, nhưng miệng lưỡi nào nói hết được phẩm giá của ngài: ngài là mẹ mà vẫn còn đồng trinh. Sự kỳ diệu ấy làm chúng con sửng sốt lạ lùng... Vì thế cả duơng trần thẩy đều hân hoan..
.(28).

Kết Luận

Sau Công đồng Vaticanô 2, thần học về Mẹ Thiên Chúa đã chuyển từ cái nhìn ‘trên cao’ của Êphêsô xuống cái nhìn ‘từ dưới’ trong việc giải thích ý nghĩa vừa là mẹ vừa là đồng trinh của người trong bối cảnh Kitô học. Các trường phái Kitô học có tính Thánh Linh hiện đại đều quan tâm đến việc khẳng định rằng mọi tín điều về đức Maria phải làm nổi bật chân lý chính yếu về nhập thể; tư cách vừa là mẹ vừa là đồng trinh phải được hiểu trong bối cảnh những gì Thiên Chúa đã làm nơi người (29). Như thế, tín điều Mẹ Thiên Chúa khiến ta phải chú ý đến nhân tính đích thực của Đức Kitô qua biến cố theo đó Ngôi Lời, tức Ngôi Thứ Hai của Ba Ngôi Chí Thánh đã đi vào lịch sử con người chúng ta. Những khía cạnh liên hệ khiến ta phải quan tâm về phương diện thần học như việc giải thích xem điều gì sẽ xẩy đến cho chính đức Maria, một khía cạnh còn đang được thần học nghiên cứu, chỉ quan trọng nếu chúng có liên quan đến mầu nhiệm cứu chuộc mà thôi. Chẳng may, những lo lắng không thích đáng về các vấn đề sinh học hơn là thiêng liêng thần học trong qúa khứ (như bản chất việc thụ thai Đức Giêsu qua quyền lực Chúa Thánh Thần mà vẫn còn đồng trinh chẳng hạn) đã làm các Kitô hữu sao lãng phần nào trọng điểm đức tin của họ. Theo yếu tính, mọi việc tôn kính đức Maria, dù cổ xưa hay hiện đại, cũng phải vì đức tin vào Đức Kitô, Đấng sau cùng sẽ làm ‘mọi sự nên mới’ khi Nước Thiên Chúa được hoàn thành.

Viết Theo Nữ Tu Marie T. Farrell RMS, Ancient Marian Piety, Testimony to The Doctrine of The Incarnation, The Australasian Catholic Record, October 1999

Chú thích

(1)Xem Hilda Graef, Mary: A History of Doctrine and Devotion (Lịch Sử Các Học Thuyết Và Lòng Tôn Sùng), London, Sheed & Ward, 1990

(2) Xem Alix Pirani, The Absent Mother: Restoring the Goddess to Judaism and Christianity (Người Mẹ Khuyết Diện: Tái Lập Thần Nữ Trong Do Thái Và Kitô Giáo), London, Mandala, 1991, Chương 3

(3)Xem On The Way to Fuller Koinonia: Official Report of the Fifth World Conference on Faith & Order (Trên Đường Tiến Đến Hiệp Thông Đầy Đủ Hơn: Báo Cáo Chính Thức Của Hội Nghị Thế Giới Lần Thứ Năm Về Đức Tin & Trật Tự), Geneva WCC, 1994, tr.246.

(4) P. Edward D. O’Connor, “The Function of Signs in the Biblical Doctrine on Mary” (Chức Năng Dấu Chỉ Trong Học Thuyết Thánh Kinh Về Đức Maria), Acta Cogressus Mariologici-Mariani Lisbon-Fatima (Văn Kiện Hội Nghị Về Đức Maria Và Thánh Mẫu Học Tại Lisbon Bồ Đào Nha) MCMLXVII, Tập 2, Rome, 1970, tr.70

(5) Bertrand Buby, Mary of Galilee (Maria Miền Galilê): tập 1, Mary in the New Testament (Maria Trong Tân Ước), New York, Alba House, 1994, xiii

(6) Eph. 18:2; 19:1 trích trong William A. Jungens, The Faith of the Early Fathers (Đức Tin Của Các Giáo Phụ Tiên Khởi), Collegville, Liturgical Press, 1970, tr.18)

(7) Adalbert Hamman, Early Christian Prayers (Những Bài Kinh Kitô Giáo Tiên Khởi),London, Longmans, Green, 1961, tr,76

(8) Sebastian Brock, The Harp of the Spirit (Cây Đàn Của Chúa Thánh Linh), California, The Borgo Press, 1984, tr.58

(9) Sách vừa dẫn, tr.65

(10) Trích trong Yves Congar, I Believe in the Holy Spirit (Tôi Tin Kính Đức Chúa Thánh Thần), Tập 3, London, Geoffrey Chapman, 1983, tr.262

(11) Xem Gregory Dix, The Treatise on The Apostolic Tradition of St. Hippolytus of Rome (Khảo Luận Về Truyền Thống Tông Đồ Của Thánh Hippolytus Thành Rome), London, SPCK, 1968, tr.7

(12) Jaroslav Pelikan, Mary Through The Centuries (Maria Qua Các Thế Kỷ. New Haven, Yale University Press, 1996, tr.59. Xin xem bản dịch Việt Ngữ Đức Maria Qua Các Thời Đại của Vũ Văn An, trong Tủ Sách Dũng Lạc http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=489).

(13) Xem Hilda Graef, Mary (Đức Maria), tr.133

(14) Jaroslav Pelikan, Development of Christian Doctrine: Some Historical Prolegomena (Sự Phát Triển Học Thuyết Về Đức Kitô: Một Số Lời Phi Lộ Có Tính Lịch Sử), New Haven, Yale University Press, 1969, tr,101

(15) Bài Giảng 293, PL 38, 1327-28

(16) Bài Giảng Denis 25:7 trong Miscellania Augustianiana (Tạp Lục Về Thánh Augustinô) 1, 162

(17) Hans-Ruedi Weber, Immanuel, Geneva, WCC Publications, 1984, tr.11

(18) Pierre du Bourguet, Early Christian Art (Nghệ Thuật Kitô Giáo Tiên Khởi), London, Weidenfeld & Nicolson, 1972. tr.46

(19) Pierre du Bourguet, Early Christian Painting (Hội Họa Kitô Giáo Tiên Khởi), London, Weidenfeld & Nicolson, 1965. tr.69

(20) Sách vừa dẫn, tr.88

(21) du Bourguet, Early Christian Art (Nghệ Thuật Kitô Giáo Tiên Khởi), London, Weidenfeld & Nicolson, 1972. tr. 149

(22) Weber, Immanuel tr.69

(23) du Bourguet, Early Christian Art (Nghệ Thuật Kitô Giáo Tiên Khởi), London, Weidenfeld & Nicolson, 1972. tr. 46

(24) Jean Briand, The Judaeo-Christian Church of Nazareth (Giáo Hội Kitô Giáo Của Người Do Thái Tại Nazareth), Jerusalem, Franciscan Printing Press, 1982, tr.27

(25) Xem Michael O’Carroll, Theotokos (Mẹ Thiên Chúa), Collegeville, Liturgical Press, 1982, tr.186

(26) Trích trong Adalbert Hamman, Ancient Prayers to Mary (Những Bài Kinh Cổ Ngỏ Với Đức Maria), Chicago, Franciscan Herald Press, 1973 tr.86

(27) Xem Henri Daniels-Rops, The Book of Mary (Sách Đức Maria), New York, Hawthorn Books, 1960, tr.91

(28) Xem Hamman, Early Christian Prayers (Những Bài Kinh Kitô Giáo Tiên Khởi), tr.175-176

(29) Xem Ralph Del Colle, Christ and the Spirit: Spirit-Christology in Trinitarian Perspective (Đức Kitô và Thánh Linh: Kitô học có tính Thánh Linh trong viễn ảnh Ba Ngôi), New York, Oxford University Press, 1994; và David Coffey, Deus Trinitas: The Doctrine of the Triune God (Thiên Chúa Ba Ngôi: Học Thuyết Một Chúa Ba Ngôi), New York, Oxford University Press, 1999