LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC
Hội ngộ Linh Mục Xuân Lộc 26/05/2010

Để cho ý tưởng được mạch lạc, bài trình bày sẽ lần theo 4 đề mục chính:
- Dẫn vào: một thoáng nhìn thực tế để định hướng cho suy tư
- Tầm quan trọng của tư tưởng trong cuộc sống: Tư tưởng điều khiển hành động
- Đặc tính của tư tưởng trong thế giới hôm nay và sự quan trọng của Lời Chúa
- Khởi điểm: linh mục, người của Lời Chúa

I. Dẫn vào: Một thoáng nhìn vào thực tế để định hướng cho suy tư

Đề tài “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của linh mục” con có nhiệm vụ trình bày bây giờ, thú thực con thấy khó. Khó không phải vì không có gì để nói, nhưng vì không biết phải nói gì và nói thế nào để bài trình bày không phải là một bài nguyên tắc thần học cho các chủng sinh và đồng thời cũng đáp ứng được một vài băn khoăn của cuộc đời linh mục. Còn đang miên man suy nghĩ thì con nhớ tới một mẩu truyện Đức Cố Hồng Y Nguyễn văn Thuận kể hồi xưa:

Một chuyến bay liên lục địa, máy bay đang bay ngon trớn thì gặp trục trặc kỹ thuật và có nguy hiểm sẽ rớt. Hệ thống báo động loan tin và phi công trưởng ra lệnh mọi người phải mặc áo an toàn. Ai cũng sợ hãi và lo lắng. Bỗng một mục sư có mặt trên máy bay đứng lên, móc trong túi ra cuốn Thánh Kinh và lên tiếng đọc một đoạn rồi giải thích đoạn sách thánh và khích lệ hành khách phải chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng nếu Chúa gọi về. Trên máy bay cũng có một vị linh mục. Thấy máy bay sắp rớt, vị linh mục đứng lên, đi tìm một cái mũ và kêu gọi hành khách: ‘Tiền bạc bây giờ quí ông bà không cần nữa vì sắp được lên chầu Chúa rồi. Xin quí ông bà rộng tay quyên góp để tôi xây nhà thờ’.”

Câu truyện có tính cách hài hước, nhưng xem ra diễn tả một vấn đề. Đó là vấn đề vị trí hay tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của linh mục.

Qua các môn học trong chủng viện, rồi các khóa bồi dưỡng sau khi đã chịu chức Linh Mục, ai cũng biết và nói là Lời Chúa quan trọng và thiết yếu cho đời sống và sứ vụ của linh mục. Đúng là Lời Chúa quan trọng cho linh mục vì nhiều lý do:

1. Linh mục có 3 nhiệm vụ chính yếu: 1) Giảng Dạy (rao truyền và giảng giải Lời Chúa); 2) Thánh Hóa (cử hành các Bí Tích) và 3) Cai quản (điều hành và phục vụ trong Đức Ái). Như vậy, Lời Chúa là một trong 3 cột trụ chính yếu của đời sống và sứ vụ linh mục. Ba cột trụ này gắn liền và dựa vào nhau. Nếu một cột trụ bị quên lãng, không những tòa nhà sẽ lung lay, mà chính hai cột trụ còn lại cũng yếu ớt và èo oặt.

2. Trong thực tế, mỗi linh mục tiếp cận hằng ngày với Lời Chúa qua các giờ kinh phụng vụ, phần phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ, các bài giảng sau Tin Mừng và việc giảng dạy trong các giờ giáo lý hay huấn giáo và cả những lần tiếp xúc riêng tư cá nhân.

3. Trong những năm gần đây nhiều văn kiện lớn của Giáo Hội liên quan đến chức linh mục như sắc lệnh Presbyterorum Ordinis của công đồng Vaticanô II, tông huấn Pastores dabo vobis của ĐTC Gioan Phaolô II, và rất nhiều sứ điệp và bải giảng của các Đức Thánh Cha sau công đồng Vaticano II liên quan đến chức linh mục, nhất là trong những lần gặp gỡ các linh mục, tất cả đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của linh mục.

Như một nghịch lý, khi một khía cạnh của đời sống và công tác mục vụ được nói đến nhiều, thì thường có nghĩa đó là điều còn thiếu hay ít nữa chưa được thực hiện xứng đáng với tầm quan trọng của nó. Xem ra đây chính là trường hợp của Lời Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của linh mục hiện nay. Chỉ cần nghĩ đến thời gian và tâm tình, ý nghĩ và sự chú ý dành cho những giờ kinh phụng vụ, cho việc dọn bài giảng và những giờ dạy giáo lý so sánh với thời gian và sự chú ý dành cho hai nhiệm vụ khác là việc cử hành các bí tích và công tác cai quản giáo xứ, chắc chúng ta cũng có thể nhận ra điều nói trên đây không xa sự thật bao nhiêu, nếu không phải đối với tất cả, ít nữa cũng đối với nhiều anh em linh mục.

Do đó, việc đầu tiên cần phải làm là xác nhận lại tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống và trong chương trình mục vụ của mình. Dĩ nhiên, việc xác nhận ở đây không đơn giản chỉ là một lời xác quyết, nhưng là tìm ra những lý do có thể làm cho chúng ta thực sự xác tín là Lời Chúa hết sức quan trọng. Lúc đó, chúng ta mới để tâm trí, cố gắng hết sức để thực hiện và nếu cần thì tổ chức lại cuộc sống và công tác mục vụ.

II. Tầm quan trọng của tư tưởng trong cuộc sống: Tư tưởng điều khiển hành động

Quí cha làm việc tông đồ, nhất là những ai có trách nhiệm trong việc giáo huấn và đào tạo, hay chỉ cần nghĩ đến kinh nghiệm sống chung và cộng tác thực hiện một chương trình chung, chắc sẽ dễ dàng nhận thấy ngay sự khác biệt giữa việc thay đổi chương trình hay dụng cụ và việc thay đổi con người. Giữa hai công tác có một khoảng cách mênh mông. Thay đổi chương trình hay hệ thống dụng cụ, chỉ cần ít phút suy nghĩ để sắp xếp hoặc tiền bạc để đi mua làm xong. Làm cho một người thay đổi thái độ hay cách sống và cách hành động, thực là truyện vô cùng khó khắn, có thể ví như truyện leo núi hay bơi ngược dòng nước. Tại sao vậy? Thưa vì đó mới chỉ là bề nổi. Nguồn gốc của vấn đề là tư tưởng. Nếu không thay đổi tư tuởng mà muốn thay đổi thái độ và hành động thì có khác chi truyện cắt cỏ mà để rễ. Muốn khu vườn không còn cỏ thì phải nhổ cỏ và nhổ tận rễ kia, chứ cắt cỏ thì không xong truyện được.

Nhưng thay đổi được ý kiến của một người quả là truyện đội đá vá trời. Trong dân gian, có một số câu nói hay cách ví bình dân xem ra tầm thường, nhưng lại biểu lộ một sự hiểu biết sâu sắc về ảnh hưởng của tư tưởng đối với thái độ hay cách xử sự của một người. Đó là những câu ví von: “cứng đầu cứng cổ”, “rắn mặt”, “nước đổ đầu vịt”.

Các cha thừa sai đi truyền giáo, nhất là bên Phi châu thường kêu rêu thế này: “Dân Phi châu không thành thực; không có tinh thần trách nhiệm. Đã hẹn rõ ràng như vậy rồi, chúng nó vâng vâng dạ dạ liên hồi, thế mà khi đến giờ chúng biến hết ráo trọi, chẳng đứa nào vác mặt đến cả. Không tin tưởng được bọn nó”.

Nói cho trúng thì thái độ của dân chúng mà mấy cha thừa sai trách móc chưa chắc đã phải là không thành thực hay thiếu tinh thần trách nhiệm. Đàng sau thái độ này có thể có những ý tưởng (lý do) không ăn nhập gì đến vấn đề thành thực hay tinh thần trách nhiệm chi cả. Lý do có thể là điều các cha thừa sai nói họ thấy không thể thực hiện được, nhưng họ vẫn vâng vâng dạ dạ vì đối với văn hóa của họ nói “không” với bề trên là bất kính, hoặc vì nói “không” thì làm phật ý cha. Vì thế, nói “có” rồi lại “không” chưa hẳn đã phải là không thành thực hay thiếu tinh thần trách nhiệm.

Tại Roma, con gặp một vài trường hợp tạm coi là lạ đối với cách suy nghĩ chung của xã hội ngày nay, nhất là xã hội Âu Mỹ. Trung Tâm CIAM nơi con phục vụ nhiều năm, hay tổ chức những khóa bồi dưỡng cho các linh mục và mỗi khóa thường là một tháng hay một tháng rưỡi. Trong khóa như thế, anh em linh mục cũng chia nhau thành những tổ nhỏ để luôn phiên làm việc phục vụ, trong đó, có việc lau chén bát giúp các Sơ phục vụ trong nhà. Có lần khóa bồi dưỡng được tổ chức cho các cha thuộc Mỹ Châu Latinh, ở đó cũng có nhiều bộ lạc người bản xứ. Một linh mục đến phiên tổ nhỏ của ngài lau bát đĩa không bao giờ thấy ngài tới làm việc chung với anh em trong tổ. Người thì nói cha này lười, người khác nói là không có tinh thần trách nhiệm. Nhưng khi con gặp nói truyện thì thấy là không có vấn đề lười, cũng không có vấn đề trách nhiệm. Thái độ của linh mục này có nguồn gốc ở một ý tưởng văn hóa. Trong bộ lạc của ngài, đàn ông không bao giờ rửa hay lau bát. Thà ăn bát bẩn chứ không rửa bát. Đó là việc của đàn bà. Trong các văn hóa truyền thống, có sự phân chia công việc rõ ràng: việc đàn ông và việc đàn bà, chứ không như trong văn hóa hiện nay khi hầu hết các việc, đàn ông, đàn bà cùng làm như nhau..

Như vậy, căn nguyên là ý tưởng. Nên chi, để thay đổi được thái độ, cách sống và những lựa chọn, cần phải đi vào chiều sâu để hiểu được các lý do ẩn tàng sai khiến các hành động để biến hóa chúng. Nếu chúng ta không đi vào chiều sâu của tư tưởng thì đúng là “dã tràng xây cát biển đông”. Bao nhiêu lễ lạy tưng bừng, tốn công tốn sức tổ chức; bao nhiêu cố gắng thay đổi cơ cấu; bao nhiêu tiền bạc tốn phí vào việc trang bị dụng cụ tân tiến cho hợp thời hơn... nhưng rồi đâu cũng hoàn đấy; cuộc sống đức tin không tăng tiến hơn, mà có khi chính vì những thay đổi, những tổ chức lễ lạy, người ta lại khục khặc nhau nhiều hơn.

Dĩ nhiên, chúng ta không coi thường việc tổ chức lễ lạy hay tân thời hóa các cơ cấu, dụng cụ, vì đó cũng là những điều cần thiết, nhưng chúng ta chỉ muốn đi vào tận căn cơ để điểm mặt yếu tố nền tảng, mà lại hay dấu mặt. Phải chú ý lắm để tìm tòi mới nhận ra được nó và nhận diện ra nó rồi còn phải biết cách ứng sử nữa mới được. Không phải hễ bảo điều đó sai là người ta tin và chấp nhận ngay đâu, và không phải hễ người ta đồng ý chấp nhận là người ta bỏ ngay được đâu vì tư tưởng nằm trong một hệ thống hết sức phức tạp như chúng ta có thể thấy trong biểu đồ dưới đây và ví dụ tượng hình ta có thể dùng để diễn tả cách rõ ràng nhất có lẽ là hình ảnh mối bòng bong hay hình ảnh bụi rậm.



Nhìn biểu đồ trên ta thấy thánh I Nhã (Ignacio) đã hiểu rất thấu đáo cơ cấu nội tâm của con người và đã đưa ra một phương thức mục vụ Lời Chúa hiệu quả và hết sức hợp thời. Để dẫn dắt con cái trên bước đường đức tin và ơn gọi, ngài để nghị hành trình Linh Thao và trong hành trình Linh Thao, ngài hướng dẫn luyện tập theo một tiến trình tiệm tiến như sau:

1. Suy tưởng như Chúa Giêsu suy tưởng;
2. Phán đoán như Chúa Giêsu phán đoán;
3. Cảm nghiệm như Chúa Giêsu cảm nghiệm;

4. Hành động và phản ứng như Chúa Giêsu hành động và phản ứng.

Trong quá trình này, tư tưởng là nồng cốt. Tất cả tùy thuộc vào tư tưởng. Tư tưởng điều khiển hành động. Tư tưởng có một sức mạnh mãnh liệt đối với hành động của con người vì nó được hỗ trợ bởi tình cảm và ý chí. Chính vì thế, người ta nói: “Nếu Bạn muốn cho cuộc đời Bạn tươi sáng, Bạn hãy tập suy nghĩ các tích cực, hãy nuôi dưỡng trong tâm hồn những ý tưởng trong sáng. Nếu chất chứa trong lòng những ý tưởng tiêu cực, cuộc đời của Bạn sẽ sầu héo như hoa tàn.” và “Tư tưởng hướng dẫn thế giới”. Không lạ gì, ngay các công ty và xí nghiệp kinh tế lớn thường cũng có một vài tờ báo và họ còn mua nhiều cổ phần của những tờ báo lớn có ảnh hưởng nhiều trong dư luận. Để bán được hàng hóa sản xuất, cần phải thuyết phục dân chúng và tạo ra được một nếp sống đòi phải có thứ hàng hóa họ sản xuất. Khi quảng cáo món hàng, người ta không chỉ dùng mầu sắc, hình ảnh và chỉ nói là đồ tốt, đồ đẹp, nhưng đưa ra những ý nghĩa, giá trị trên bình diện nhân bản, đạo đức và thiêng liêng. Chẳng hạn: “Dùng đồ này mới xứng đáng là người văn minh”; “Dùng đồ này sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn và gia đình bạn”; “Đồ dùng sẽ làm tăng giá trị của cuộc đời”.

Hèn chi, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mệnh công khai với sứ điệp: “Thời gian đã mãn hạn, Nước Thiên Chúa đã gần. Anh em hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Dịch là "ăn năn thống hối" thì cũng trúng, nhưng không lột được tất cả ý nghĩa của nguyên tự hy lạp metanoéite nên chi không đi tới tận căn nguyên gốc rễ của vấn đề. Metanoéite là một động từ kép gồm hai từ metanóesis. Meta là vượt ra khỏi, vượt lên trên; Nóesis là cách nhận thức, cách hiểu biết theo khả năng của con người. Vì vậy, nếu muốn nói cho trúng thì phải dịch là "Thời gian đã mãn hạn, Nước Thiên Chúa đã gần kề. Vậy anh em hãy thay đổi cách nhận thức, vượt lên khỏi cách nhìn thường tình của nhân loại mà nhìn theo nhãn quan của Tin Mừng". Tại sao vậy? Thưa vì hiện đang nhìn trật nên mới làm bậy. Vì vậy, điều quan trọng là phải đổi cách nhìn. Nếu chỉ đổi cách làm mà vẫn nhìn trật thì chỉ là quyét lớp sơn bên ngoài. Hãy đổi cách nhìn ở đây có nghĩa là hãy dùng mắt Chúa mà nhìn, chứ đừng nhìn với mắt thịt của mình. Thì đây chính là ý nghĩa và lý do vì sao Chúa quở trách thánh Phêrô khi thánh Phêrô can ngăn Ngài đừng chấp nhận đau khổ. Chúa Giêsu trách mắng Ngài cách nghiêm khắc, không phải vì thánh Phêrô nói những điều ngu dại, hay bất nhân vô lý, cũng không phải vì ngài không có ý tốt hay không yêu thầy mình. Không, không thể trách thánh Phêrô về bất cứ điểm nào ở trên. Lý do làm cho Chúa khiển trách nặng nề là vì Ngài đã “không nghĩ tưởng theo cái nhìn của Chúa, mà theo tiêu chuẩn phàm trần của con người” (Mc 8,33).

III. Đặc tính của tư tưởng trong thế giới hôm nay và sự quan trọng của Lời Chúa

Về đặc tính của các luồng tư tưởng và của tâm thức trong thế giới hiện nay nhiều học giả đã và đang học hỏi và bàn cãi chung quanh hiện tượng “tân thời” (modernité) và “hậu tân thời” (post-modernité). Trong cuộc tranh cãi này, một khía cạnh quan trọng chưa được học hỏi tường tận. Đó là những tư tưởng phát xuất từ cuộc gặp gỡ giữa nền văn hóa tây phương và các nền văn hóa các nước Á-Phi. Để đơn giản hoá vấn đề, chúng ta có thể tóm lược trong mấy điểm chính yếu như sau:

a) Bắt nguồn từ trào lưu “tân thời”, người ta gán cho lý trí một giá trị tuyệt đối và một khả năng vô song, có sức hiểu biết và giải quyết mọi vấn đề của con người. Vì vậy, đâm ra hoài nghi tất cả những gì là linh thiêng, xem ra xa lạ với lý trí, hoặc lý trí không thể kiểm chứng được. Ngay cả những hình thức biểu lộ có tính cách tình cảm một chút cũng bị khinh dể, coi là ấu trĩ. Cũng chính vì chỉ coi trọng lý trí, con người trở nên khô cằn; cuộc sống và các mối liên lạc trở nên tẻ nhạt. Nói đến đây, chắc không thể bỏ qua được câu nói trứ danh của Blaise Pascal: “Con tim có cái lý mà lý trí không hiểu được”.

Ngày nay, sau những sai lầm đau thương và rùng rợn của lý trí, tâm thức chuyển sang khuynh hướng “hậu tân thời” và người ta không mấy tin tưởng vào khả năng của lý trí nữa. Từ đó, nảy ra thái độ hoài nghi và coi tất cả là tương đối. Thái độ này tiềm tàng trong dân chúng là môi trường thích hợp làm phát sinh những trào lưu triết lý bất khả tri (agnosticisme) và tương đối (rélativisme), nhất là trong lãnh vực tôn giáo và luân lý.

Dĩ nhiên, hai tâm thức này cũng có những điểm tích cực, nhưng những khó khăn chúng gây ra cho đời sống đức tin và cho công tác tông đồ mục vụ thì vô số, nhất là khi phải trình bày giáo lý về những giá trị tuyệt đối (Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất; các qui luật luân lý tuyệt đối...) hay những yếu tố linh thiêng (sự sống lại của Chúa; Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, các phép lạ, các sự kiện lịch sử...). Tâm thức và các trào lưu triết lý này đưa đến thái độ coi thường hay loại bỏ niềm tin tôn giáo, coi như điều không thể xác quyết được và trong chiều hướng đó, người ta chối bỏ mọi giáo điều và coi mọi tôn giáo như nhau.

b) Gắn liền với trào lưu “tân thời” là sự phát triển của các khoa học nhân văn và thực nghiệm. Nhờ những tiến triển của các khoa học này, người hiểu nhiều hơn về các bí mật của cuộc sống và điều kiện sống cũng được cải tiến rất nhiều. Tuy nhiên, đứng trên phương diện liên lạc người với người, đời sống đức tin và công tác tông đồ mục vụ, có bốn đặc tính hay khuynh hướng đang gây ra rất nhiều khó khăn cần được để ý:

- Đặc tính đầu tiên của tâm thức khoa học là chuyên môn, mục đích là để hiểu biết sâu sa hơn ngành của mình. Khốn nỗi tâm thức chuyên môn lại chở theo khuynh hướng chú mục và loại trừ. Chỉ biết chuyên môn của mình, ngoài ra không còn biết gì hơn nữa. Từ cái biết chuyển sang thái độ qúi trọng, nên làm ngơ, bỏ qua những gì không phải chuyên môn của mình và trong những trường hợp quá khích thì khinh thường tất cả và coi cái biết của mình như chân lý tuyệt đối. Vì vậy, kiến thức chuyên môn xem ra sâu mà lại nông vì bị cắt đứt khỏi tất cả liên hệ với toàn thể. Trên phương diện tôn giáo và luân lý thì tâm thức này gây ra những khó khăn khôn lường. Đầu óc trở thành khép kín hẹp hòi, coi cái biết phiếm diện, hạn hẹp của mình như viễn tượng của toàn thể;

- Cũng trong tâm thức khoa học thực nghiệm, cái biết của con người ngưng đọng lại ở thế giới hiện tượng và chỉ chấp nhận những gì có thể đo lường được qua phương tiện vật chất và giác quan; chạy theo chiều hướng này, nhiều nền triết lý hiện đại đã quên sứ mệnh của mình là tìm kiếm ý nghĩa và bản tính của cuộc đời.

Tình trạng này đã gây ra những hậu quả nguy hại trầm trọng cho đời sống con người hôm nay, trong lãnh vực đời sống cá nhân cũng như trong lãnh vực xã hội, ngay cả trên bình diện tâm linh và tôn giáo. Những hậu quả đó là, chẳng hạn, tâm thức thực dụng, coi thường hay chối bỏ mọi ý nghĩa và các nguyên lý tinh thần, tôn giáo và luân lý, cần thiết để hướng dẫn cuộc sống cá nhân và sự chung sống trong xã hội. Tâm thức này đưa đến những áp dụng thực tiễn trong thái độ và cách giải quyết những vấn đề của cuộc sống, lắm khi đi ngược với nguyên tắc sống của đức tin. Lấy hai tỉ dụ: Những biểu hiệu phụng vụ và những trường hợp hôn nhân gặp khó khắn.

- Các kiến thức khoa học thực nghiệm được cống hiến cách đa tạp và dồn dập. Ngày nay, người ta biết nhiều, nhưng biết nông cạn và vụn vặt, và không có khả năng phối kết các kiến thức thành một mối. Hậu quả là tâm thức của người thời đại là một mớ kiến thức hỗn độn, vàng thau lẫn lộn và gây ra bất ổn tiềm tàng trong nội tâm.

- Đi liền với tâm thức khoa học thực nghiệm, ngày nay cuộc sống con người được kỹ thuật hóa tối đa. Máy móc thay thế con người. Vì thế cuộc sống đang từ từ mất hay ít chất người. Đời sống vật chất có dễ dãi hơn, nhưng lòng con người khô cằn hơn. Dư thừa cơm ăn, nhưng đói tình người.

b) Trong những thập niên gần đây, đã có rất nhiều thay đổi trên hầu hết các lãnh vực có liên quan đến cuộc sống, như văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, luân lý, phong tục, v.v. Và những thay đổi đó đã và đang ảnh hưởng rất nhiều tới người đương thời và ngay cả đời sống đức tin của người tín hữu. Mặc dù, đối với một số tín hữu, hoàn cảnh này đã làm cho đức tin được trưởng thành và sâu đậm hơn, nhưng đối với một số rất lớn, hoàn cảnh mới của xã hội nhiều khi làm cho đức tin bị lu mờ và lung lay và cuộc sống xa cách các tiêu chuẩn của Tin Mừng.

Những thay đổi đó không những chỉ đặt ra nhiều vấn đề mới, nhưng còn thay đổi cả cách nhìn vấn đề của người đương thời. Vấn đề cũ, nhưng cách nhìn mới và cách nhìn mới không luôn phù hợp với Tin Mừng. Lấy tỉ dụ vấn đề phá thai. Đây không phải là vấn đề mới. Cái mới là cách nhìn vấn đề và do đó, thái độ trước vấn đề cũng thay đổi theo đó. Trước đây, người ta phá thai, nhưng người ta biết và nhận đó là sai, là tội. Vì vậy, người ta cố gắng tránh. Khi lỡ mà có phá thai thì mắc cở và hối hận. Ngày nay người ta phá thai, nhưng không mắc cở, không hối hận chi hết. Trái lại, còn viện ra muôn vàn lý lẽ để biện hộ việc phá thai, cho nó là việc tốt, là quyền lợi, hay ít nữa, cũng là điều có thể làm được.

Tình trạng xem ra còn trầm trọng hơn nhiều vì vấn đề không chỉ giới hạn nơi một đôi giá trị, nhưng động chạm đến tận nguồn gốc là chính Tin Mừng. Nhiều người coi sứ điệp Tin Mừng như truyện hoang đường, xa lắc xa lơ, và chính Chúa Giêsu xem ra cũng chẳng ăn nhập chi đến cuộc sống. Tình trạng này lay động tận gốc rễ của đức tin.

c) Tiềm tàng những cảm nghĩ và tâm tình thù địch với Giáo Hội. Hiện tượng và tâm thức “tân thời” được phát sinh từ những luồng tư tưởng gọi chung dưới danh từ chủ nghĩa tân thời (modernisme) chủ trương đòi hỏi cho lý trí một sự độc lập tuyệt đối trên mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực tôn giáo và phải được giải phóng khỏi mọi cơ cấu và mọi thứ quyền bính, kể cả quyền bính thần linh. Có lẽ tất cả chúng ta còn nhớ câu xác quyết của Nietzsche, triết gia của “Siêu Nhân” có thể làm lạnh người đối với chúng ta là những người tin tưởng vào Thiên Chúa. Ông nói: “Không có Thiên Chúa chi ráo trọi. Nhưng giả sử nếu có một Thiên Chúa thì chúng ta phải làm thịt ông vì sự hiện diện của Thiên Chúa cản bước tiến của con người”.

Không phải ai cũng cả gan hô toáng lên như thế, nhưng không thiếu người sống trong tâm trạng chối bỏ và có khi thù nghịch với các cơ cấu và quyền bính và trong bối cảnh của các luồng gió phát sinh từ Âu Châu tâm trạng này áp dụng cách cụ thể vào Giáo Hội và trong Giáo Hội, hàng giáo sĩ. Dĩ nhiên, đây không phải là lý do duy nhất của thái độ thù nghịch Giáo Hội. Còn những lý do khác, nhưng nếu thiếu lý do này làm nền tảng thì các lý do khác cũng mất sức mạnh.

d) Khao khát và tìm kiếm yếu tố tâm linh và tâm tình nhân loại: như một nghịch lý của những yếu tố trên, con người thời đại tỏ ra khao khát những gì là linh thiêng, xem ra có thiện cảm hơn đối với tôn giáo và tìm kiếm, quí trọng những tâm tình giữa người với người.

Khao khát thiêng liêng và thiện cảm của dân chúng đối với tôn giáo là những yếu tố rất đáng khích lệ cho đời sống đức tin và công tác tông đồ, nhưng lồng trong bối cảnh toàn diện, những tâm tình này cũng có hai đặc tính không mấy tích cực. Đặc tính đầu tiên là thái độ hướng về kinh nghiệm và chối bỏ hay không chấp nhận giáo lý và nguyên tắc; đặc tính thứ hai là thái độ nhìn tôn giáo trong phạm trù riêng tư, cá nhân nên không chấp nhận sự hiện diện của tôn giáo trong lãnh vực xã hội.

Tầm quan trọng của tư tưởng và những đặc tính của tư tưởng mà chúng ta vừa kê khai khái quát, trong thực chất, giúp chúng ta ý thức tầm quan trọng của việc rao truyền Lời Chúa và khám phá lại hai ý nghĩa nền tảng của Lời Chúa và do đó, chúng ta có thể thấy Lời Chúa đúng là lời đáp trả thích hợp nhất cho hoàn cảnh thế giới hôm nay.

1. Trước tiên, Lời Chúa là Sự Thật, “là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119,105). Những hoang mang và chao đảo của con người thời đại đứng trước những kiến thức, những lý thuyết mâu thuẫn nhau là một thách đố đối với các linh mục, có khả năng kín múc ánh sáng và sự khôn ngoan từ Lời Chúa để chiếu soi và hướng dẫn.

2. Lời Chúa là chính Chúa Kitô, là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Theo thánh Giêrônimô, khi chúng ta đọc Sách Thánh, chúng ta không chỉ tìm được giáo huấn khôn ngoan, nhưng chúng ta gặp được chính Đáng là tác giả của các giáo huấn khôn ngoan. Sứ điệp độc đáo và cao trọng nhất mà Giáo Hội được sai đi để loan truyền cho thế giới không phải là một giáo điều, một hệ thống tư tưởng cao siêu và tốt lành, nhưng là một Người có tên là Giêsu, Thiên Chúa làm người vì thương yêu nhân loại để mời gọi nhân loại đi vào hành trình tình yêu với Người. Chính đặc tính này của Lời Chúa là một đáp trả cho lòng người thời đại khô cằn, đang tìm liên hệ tình thương. “Thế giới hôm nay, mặc dù có vô số dấu hiệu khước từ Thiên Chúa, thực ra đang tìm kiếm Thiên Chúa trên những nẻo đường chúng ta không ngờ và đang đau đớn cần Chúa. Thế giới van nài những người rao giảng Tin Mừng hãy nói cho thế giới về một Thiên Chúa mà họ biết và với Ngài họ có một mối giây liên hệ thân tình như thể họ đã nhìn thấy Đấng Vô Hình” (EN 76).

Đây là những thách đố cho linh mục có trách nhiệm loan truyền Lời Chúa. Năm 1919, khi ĐTC Benedicto XV gửi Giáo Hội thông điệp truyền giáo Maximum Illud ngài yêu cầu các nhà thừa sai truyền giáo phải học biết thông thạo tiếng người bản xứ vì đó là phương tiện cần thiết để truyền đạt Tin Mừng và giáo lý là điều một nhà thừa sai đích thực không thể bỏ qua và không được khoán trắng cho người khác (MI 20). Xem ra điều ĐTC Benedictô XV nói trên đây không phải chỉ là truyện của quá khứ, nhưng vẫn còn rất hiện thực cho các linh mục hôm nay. Để hỗ trợ cho nhận xét này, chúng ta có thể trích dẫn lời khuyên của cán bộ một đảng chính trị bên Ấn Độ cho các linh mục xứ đó:

“Theo chúng tôi, các linh mục ấn độ các anh chậm tiến ít nữa là 200 năm. Các anh mù tịt về tất cả các hệ thống tân thời để quảng bá tư tưởng. Các anh dùng tiền để xây nhà cửa, còn chúng tôi thì dùng tiền để in sách và báo chí. Các anh mở trường và dạy con nít biết đọc biết viết, rồi các anh không cho chúng nó cái gì để đọc. Chúng tôi cho tất cả, từ những chữ viết trên tường tới báo chí, từ những sách lớn tới sách nhỏ thích hợp cho mỗi lứa tuổi và hoàn cảnh. Các anh có rất nhiều báo chí đạo đức, nhưng rất ít báo chí tư tưởng.

Các anh lập các nhà in, nhưng chỉ để kiếm tiền, chúng tôi lập nhà in để tuyên truyền. Các anh phân phát sữa bột cho dân nghèo, chúng tôi phân phát tư tưởng. Các anh bận tâm lo lắng nuôi cái bụng, chúng tôi nuôi tâm trí. Các anh nói là tư tưởng hướng dẫn thế giới, nhưng các anh không quảng bá tư tưởng. Trong cuộc đọ sức tư tưởng các anh đã thua trên khắp thế giới và cả trên đất Ấn Độ này.

Trên bình diện tư tưởng, các anh đã bại trận vì chúng tôi tạo được dư luận, còn các anh thì bất lực. Các anh phải tiêu hơn ít nữa trăm lần cho báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình để in sách, quảng cáo, báo chí đủ loại, để giúp những ai muốn học và những ai có khả năng tạo dư luận.

Lời khuyên của tôi đáng giá ngàn vàng. Và vì đã cho các anh lời khuyên này, tôi đáng bị loại khỏi đảng.”

Lời khuyên này được đăng trên Vidyajotim, Nguyệt San cho các Linh mục bên Ấn Độ và được đăng lại trên “Mondo e Missione”, Agosto-Settembre 1975, p. 430.

Lời khuyên trên đây rất quí báu vì nó giúp cho nhiều anh em linh mục nhìn ra được cái thiếu xót của mình. Nhưng may ra nó chỉ trúng được 1/3 vì còn 2 yếu tố vô cùng quan trọng chưa được đề cập. Yếu tố thứ nhất là cái phẩm của tư tưởng, tức là vấn đề về loại tư tưởng và tư tưởng đó có xây đắp cuộc đời và có phản ảnh Sự Thật hay không. Yếu tố thứ hai là chiều kích nhân bản và thiêng liêng của tư tưởng, tức là tình người và tình Chúa. Điều này thì lời khuyên trên đây hoàn toàn mù tịt. Các linh mục có trong tay cả hai yếu tố còn thiếu đó, nhưng lại thiếu yếu tố đầu tiên được nói trong lời khuyên. Có nghĩa là mình có mà không cho, mà có lẽ cũng không dùng nữa!

IV. Khởi điểm: linh mục, người của Lời Chúa

Vấn đề cuối cùng chúng ta muốn tìm hiểu là vấn đề khởi điểm: Để canh tân sứ vụ phục vụ Lời Chúa, có rất nhiều điểm cần phải suy nghĩ và thực hiện. Thử kể ra mấy điều hay được nói đến: Nghệ thuật giảng thuyết, thời gian của một bài giảng, cơ cấu của một bài giảng, nghệ thuật đứng lớp giáo lý, nội dung một bài giáo lý, tổ chức và điều hành chương trình giáo lý, thủ bản giáo lý, v.v. Câu hỏi đặt ra ở đây là điều nào là điều căn bản và phải bắt đầu từ đâu?

1. Linh mục, người của Lời Chúa

Khi nói về việc canh tân công tác truyền giáo, ĐTC Gioan Phaolô II, trong thông điệp Redemptoris Missio (Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế) nói như sau: “Để khơi dậy đà dấn thân mới trong việc truyền giáo cần phải có các nhà thừa sai thánh thiện. Chỉ đổi mới các phương pháp mục vụ không thôi chưa đủ; tổ chức hoặc điều hành lại các lực lượng tông đồ cũng không đủ; ngay cả nỗ lực suy tư tìm kiếm các lý do thần học, kinh thánh không cũng không đủ. Cần phải huy động một nhiệt tâm lên thánh nơi các nhà truyền giáo và trong tất cả cộng đoàn tín hữu" (RMi 90). Nói như thế là nhấn mạnh đến con người nhà thừa sai và trong con người của nhà thừa sai, điểm chính là cái hồn.

Bộ Giáo Sĩ cũng nói theo cùng một hướng khi áp dụng vào công tác giáo lý khi nói trong văn kiện Chỉ Dẫn Tổng Quát về Giáo Lý: “Bất cứ công tác mục vụ nào mà không có nhân sự được đào tạo kỹ lưỡng thì thế nào cũng thất bại. Các dụng cụ giáo lý sẽ vô hiệu nếu chúng không được dùng bởi những giáo lý viên đã được chuẩn bị thích hợp. Việc đào tạo các giáo lý viên phải là công tác ưu tiên hàng đầu đối với việc canh tân thủ bản và cơ cấu tổ chức giáo lý” (DCG 108).

Áp dụng dấu nhấn đó vào đề tài đang suy tư, chúng ta có thể nói yếu tố căn bản và cũng là khởi điểm của việc rao truyền Lời Chúa là chính con người linh mục trong tương quan với Lời Chúa.

Về mối tương quan giữa linh mục và Lời Chúa, sắc lệnh Presbyterorum Ordinis của công đồng Vaticano II nói là Lời Chúa phải ở trên môi trên miệng của linh mục (PO 4); tông huấn Pastores dabo vobis của ĐTC Gioan Phaolô II nói “linh mục được tận hiến để loan báo Tin Mừng Nước Trời” (PDV 26). Trong cuốn “Quà tặng và Mầu nhiệm” kỷ niệm 50 năm Linh Mục của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: “Linh mục là người của Lời Chúa”. Sau cùng, Đức Thánh Cha Benedictô XVI, trong thông điệp gửi các linh mục từ khắp nơi về Ars tĩnh tâm trong Năm Linh Mục cũng nói “linh mục chắc chắn phải là người của Lời Chúa”.

Xem như thế thì từ Presbyterorum Ordinis đến Đức Thánh Cha Benedictô XVI, tương quan giữa linh mục và Lời Chúa từ từ hiện ra rõ ràng: linh mục không phải chỉ là Thừa Tác Viên phục vụ Lời Chúa mà là Người của Lời Chúa. Khi nói linh mục là thừa tác viên phục vụ Lời Chúa thì Lời Chúa còn là một thực tại khách quan ở ngoài con người linh mục. Khi nói linh mục là người của Lời Chúa thì Lời Chúa là một yếu tố định nghĩa con người của linh mục, thấm nhuần vào da thịt, vào xương tủy và tim óc của linh mục. Đây là kết quả của hành trình lâu dài thực hiện qua việc suy ngắm và chiêm niệm Lời Chúa để chiếu soi và hướng dẫn cuộc sống trong mọi hoàn cảnh cụ thể.

2. Một vài mẫu gương

Thay vì tiếp tục suy tư trên nguyên tắc về hành trình suy ngắm và chiêm niệm Lời Chúa, chúng ta chiêm ngắm một vài mẫu gương.

- Thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại: “Tôi biết Đấng tôi tin tưởng” (2Tm 1,12).

- Thánh Gioan tông đồ: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.” (1 Ga 1,1-4).

- Ngôn sứ Edekiel: Cũng có những hoàn cảnh đã rơi vào tuyệt vọng, nhưng lại được Chúa cứu thoát, do đó tìm lại được niềm tin, tìm lại được hy vọng và sức sống. Đó là hoàn cảnh của dân Israel thời ngôn sứ Ezechiel: “Ngài bảo tôi: Hỡi con người, các xương đó chính là toàn thể nhà Israel. Chúng đang đi than vãn rằng: xương cốt của chúng tôi đã khô cằn, niềm hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, cuộc đời chúng tôi đã ra mây khói. Chính vì thế, ngươi hãy tuyên sấm và hãy công bố: Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta sẽ mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các người ra khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các nguơi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. Ta sẽ thở thần khí của Ta vào trong các ngươi, và các nguơơi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán và Ta sẽ làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa” (Ed 37:11-14).

Mấy lời của ngôn sứ Ezechiel đã đem lại sức sống không những cho dân Israel mà còn cho mọi tín hữu, từ thế hệ này qua thế hệ khác và cho chính chúng ta. Tại sao lời của ngôn sứ Edekiel lại có sức mạnh đó? Bí quyết chúng ta phải tìm trong chương 3 nói về cuộc đời của ngôn sứ và chúng ta có thể tóm tắt trong mấy câu sau: “Đức Chúa phán với tôi: Hỡi con người, thấy gì, cứ việc ăn. Hãy ăn cuộn sách này rồi hãy đi nói với nhà Israel. Tôi mở miệng ra và Người cho tôi ăn cuộn sách ấy. Người lại phán với tôi: Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây. Tôi đã ăn cuộn sách và nó ngọt như mật trong miệng tôi. Bấy giờ Người phán với tôi: Hỡi con người hãy đi đến với nhà Israel và nói với chúng những lời của Ta” (Ed 3:1-4; Jer 15:16).

Ăn Lời Chúa là lắng nghe trong bầu khí cầu nguyện và vâng phục để Lời Chúa trở thành sức sống nuôi dưỡng cuộc đời. Do đó, trong con người của ngôn sứ có chất Chúa và lời của ngài chở theo Lời Chúa. Có thể nói là Lời Chúa được truyền đạt qua lời của ngôn sứ. Chính đó là bí quyết vì sao lời của ngôn sứ đã có sức mạnh nâng dậy một đoàn lũ là dân Israel đã thất đảm và thất vọng.