SAIGÒN - Sáng ngày thứ bảy, 12/6/2010, giáo xứ Tân Dân hạt Chí Hòa có một ngày vui như ngày hội vì có gần 100 em thiếu nhi rước lễ lần đầu và lãnh nhận bí tích Thêm sức.

Hình ảnh lễ Thâm Sức

Thánh lễ ban phép Thêm sức

Đã nhiều năm qua, mùa hè là thời điểm thuận lợi cho việc các cháu thiếu nhi lãnh nhận các bí tích. Nhưng giáo xứ Tân Dân là một cộng đoàn nhỏ bé, âm thầm với số giáo dân là 2.000 người, các cháu thiếu nhi là 200 kể cả những cháu còn đang bế trên tay mẹ; thế nên hai năm nay mới có một ngày hội vui khi Đức giám mục Pet. Nguyễn Văn Khảm đến chủ sự thánh lễ hôm nay.

Sân nhà thờ Tân Dân thường ngày thanh vắng với bóng cây cảnh chạy dài hai bên sân. Nhà xứ và các phòng học giáo lý bên cánh phải nhà thờ cũng ít bóng người nếu không phải đó là ngày Chúa nhật. Nhưng hôm nay, cả người lớn và trẻ em đều đứng làm hàng chào với vẻ mặt hón hở của những giáo dân trong một cộng đoàn giáo xứ ít khi tổ chức những thánh lễ đặc biệt.

Cha chánh xứ Tôma Hoàng Ngọc Công còn trẻ, năng động, tiến ra đón Đức giám mục một cách điềm đạm, giống hệt như phong cách hằng ngày của cha trên bục giảng. Đoàn rước tiến vào thánh đường trang nghiêm trong tiếng hát của ca đoàn mà các thành viên khá hùng hậu.

Một Đức giám phụ tá nếu phải dâng thánh lễ ban phép bí tích Thêm sức một tuần đến ba, bốn lần thì bài giảng về Chúa Thánh Thần còn mang đến nhiều sinh động cho trẻ em và có giảm bớt cảm xúc cho người giảng hay không? Hẳn là không vì những câu hỏi ngắn gọn của Đức Cha Phêrô vẫn làm cho các cháu vui, dễ hiểu và dễ trả lời và việc lãnh nhận bí tích này xảy ra trong đời các cháu một lần nên cảm xúc của mỗi cháu vẫn là vô tận. Hơn nữa, một sự việc dù được lập lại nhiều lần thì không có chuyện nhàm chán, tất cả những gì xuất phát từ Chúa Thánh Thần bao giờ cũng là mới đối với con người.

Thánh lễ kết thúc. Các em và cha mẹ đỡ đầu vui vẻ chụp hình. Món quà mà giáo xứ trao tặng mỗi em chắc chắn không mang giá trị vật chất mà như một quà tặng chúc mừng ngày vui.

Nhìn ngôi nhà thờ thầm lặng giữa khu vực dân cư, có ai biết rằng quá trình hình thành giáo xứ là cả một chặng đường dài gian khổ với nhiều hồng ân.

Giới thiệu lược sử giáo xứ Tân Dân

Giáo họ Đức Mẹ Fatima của Liên Khu Thương Phế Binh Bảy Hiền được thành lập vào năm 1971 với 700 giáo dân. Sau đó gọi là giáo xứ Thương Binh (1972) và nay là giáo xứ Tân Dân. Giáo xứ luôn góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển Hội Thánh Chúa, đã vượt qua những chặng đường đầy gian khó, nhờ ơn Chúa soi sáng phù trì, sự đoàn kết nhiệt thành của giáo dân, những tấm lòng sốt sắng của quý vị ân nhân xa gần, đã hình thành nên một xứ đạo trên vùng đất đã từng bị hoang phế là khu Trung tâm chăn nuôi – với nhiều con chiên kém may mắn, với những giai đoạn sau:

Giai đoạn hình thành:

Khu đất Trung tâm chăn nuôi nằm ở hướng tây nam thành phố Sài Gòn. Là khu đất đẹp cao ráo mát mẻ với nhiều cây cối, có kinh rạch chảy qua, thuận lợi về giao thông gần phi trường Tân Sơn Nhất, có ngã tư Bảy Hiền … Có lẽ vì thế nên trước đây người Pháp đã chọn làm nơi để thực nghiệm chăn nuôi các loại động vật trong ngành canh nông như heo, bò, ngựa, gà … cho cả toàn khu vực các nước thuộc địa Đông Nam Á. Sau năm 1954, Trung tâm này di dời về Thủ đức, chỉ còn lại đơn vị chủng ngừa và kho thuốc thú y. Từ đó vắng người nên khu đất trở nên hoang sơ, lau sậy cỏ dại mọc um tùm …

Khoảng tháng 4/1970, theo phong trào “ người cày có ruộng, phế binh có nhà” một số thương phế binh, cô nhi quả phụ, hoàn cảnh khó khăn … từ các nơi khác chạy về đây cắm cọc chiếm đất cắm dùi, sang nhượng nền nhà hình thành khu dân cư. Trong số này, người công giáo không phải là ít. Lúc đó, tuỳ theo sự thuận tiện, họ đi dự lễ tại các nhà thờ gần đó như Mẫu Tâm, Đắc Lộ, Chí Hoà, Thái Hòa … Dần dần, mọi người nhận nhau là tín hữu, cùng nhau tổ chức các cuộc thăm viếng, đọc kinh Tôn Vương từng gia đình, cùng nhau liên kết thành Liên Khu Thương Phế Binh Bảy Hiền. Liên khu gồm 5 khu hợp lại là: Khu Bảy hiền A, Khu Bảy hiền B, Khu chăn nuôi A, Khu chăn nuôi B và khu Phạm Hồng Thái.

Sau một thời gian, mọi người cảm thấy không thể sinh hoạt riêng lẻ, đơn độc về mặt tâm linh, tất cả đều mong ước có một ngôi nhà nguyện, có linh mục về dâng lễ …

Qua các tiếp xúc chuyện trò của các giáo dân các khu, nội dung bàn về việc xúc tiến xây dựng nhà nguyện. Kết quả mọi người đều đồng tâm nhất trí xây dựng họ đạo có thánh đường và trường học.

Một Uỷ ban vận động xây dựng thánh đường được thành lập, sản nghiệp là hai bàn tay trắng với một khối giáo hữu nghèo nàn, “chín người mười làng” từ các nơi đổ về chưa hiều nhau lắm, lại không có tiếng nói của linh mục, giáo quyền nhưng vẫn cương quyết bắt tay tìm địa điểm lập nhà thờ, lập dự án kinh phí, đặt kế hoạch kiếm tiền, vận động các cha ủng hộ tinh thần, ý kiến xin được Đức giám mục giúp đỡ và gặp gỡ chính quyền… để xây dựng một nhà thờ.

Sau nhiều nỗ lực, ngày chúa nhật 13-09-1971 được chọn làm ngày khởi công dựng ngôi Thánh đường. Cha chánh xứ nhà thờ Thái Hoà là Vũ Gia Đệ đã đến dâng lễ đầu tiên tại ngôi Thánh đường này. Tiếp đến Ủy ban xây dựng thánh đường lên Toà Giám Mục xin linh mục về coi sóc họ đạo. Việc này rất khó giải quyết vì điều kiện về tình trạng đất đai chưa hợp lệ. Kiên trì đến xin lần thứ ba, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đồng ý cử cha GB. Trần Học Hiệu coi sóc đoàn chiên tại đây bằng việc đến dâng lễ ngày Chúa nhật và thứ năm.

Ngày 23/01/1972, là NGÀY KHÁNH HẠ THÁNH ĐƯỜNG XỨ THƯƠNG BINH, tức ngày thánh đường hoàn thành, dâng kính Đức Mẹ Fatima. Có hơn 1000 giáo hữu thương binh cùng hân hoan quy tụ về ngôi thánh đường mới với một thánh lễ tạ ơn do cha quản hạt Chí Hòa chủ sự.

Cha sở tiên khởi Gioan B. Trần Học Hiệu hiện diện cùng giáo dân và làm tất cả những việc như thành lập các ban ngành đoàn thể, các giáo khu… để hình thành nên một cộng đoàn giáo xứ với một ngôi nhà thờ mới

Trong ký ức của người giáo dân ở đây, rõ ràng là ân huệ Chúa ban vì từ một cộng đồng nghèo nàn tại khu đất hoang phế nay đã có một ngôi Thánh đường để quy tụ giáo dân dâng lễ, đọc kinh cầu nguyện thờ phượng Chúa, một nhà xứ để cha sở làm việc, nghỉ ngơi; một ngôi trường học để giáo dục con em chúng ta, một khu đất rộng rãi quang đãng, lý tưởng để kiến thiết sau này.

Giai đoạn phát triển:

Đầu năm 1973, cha sở J.B Trần Học Hiệu cho triệu tập toàn thể giáo dân tại khuôn viên nhà thờ để bầu Hội đồng giáo xứ. Các hoạt động tông đồ giáo dân được cha xứ quan tâm và thành lập thêm hội Các Bà Mẹ Công giáo, Legio Mariae, Dòng ba Đa Minh, hội Thánh giá gỗ….và nhiều hoạt động đáng chú ý khác.

Năm 1975, do biến động thời cuộc, cha sở GB. Trần Học Hiệu rời khỏi giáo xứ và mất năm 1979. Hội đồng Giáo xứ cũng tan rã. Việc duy trì các nghi thức phụng vụ, điều hành các công việc do thầy Giuse Nguyễn Thái Hòa, dòng Tận Hiến giúp cùng một ít quý chức còn ở lại đảm nhận. Không có linh mục làm lễ, hằng ngày thầy Hòa đến nhà thờ Mẫu Tâm hoặc Chí Hòa nhận Mình Thánh Chúa về nhà thờ, cử hành nghi thức phụng vụ Lời Chúa và trao Mình Thánh cho giáo dân tham dự. Chỉ còn 1 hội đoàn duy nhất còn hoạt động lúc đó là Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Gabriel.

Năm 1976, Cha Lêô Nguyễn Văn Hiền trở thành linh mục chánh xứ sau một thời gian trợ giúp. Tên gọi giáo xứ Thương binh được đổi thành giáo xứ Tân Dân.

Khoảng thời gian sau, do đời sống khó khăn nên một số giáo dân đi kinh tế mới, một số vượt biên ra nước ngoài, các đoàn thể hoạt động cầm chừng …hoặc tan rã. Sau đó, nhờ sự cố gắng cha xứ và một số người, mọi sinh hoạt dần đi vào ổn định và bộ mặt giáo xứ thay đổi nhiều. Năm 2005 cha Lêô Nguyễn Văn Hiền về nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Chí Hoà và cha Giuse Nguyễn Đức Vũ được cử về làm cha sở xứ Tân Dân. Cha sở Giuse rất quan tâm đến giới trẻ và thiếu nhi.

Tháng 12/2006 cha Tôma Aquino Hoàng Ngọc Công về làm cha sở giáo xứ Tân Dân. Cha tái lập lại đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, cha ủng hộ, nâng đỡ, khuyến khích các ca đoàn đồng thời chăm lo bằng cách mở những lớp huấn luyện, bồi dưỡng về thanh nhạc, nhạc lý, cử anh em đi dự những khoá thánh nhạc trong phụng vụ tại giáo phận, lớp đệm đàn nhà thờ cũng được khai giảng từ mùa hè năm 2008 đến nay. Nhìn chung, các đoàn thể công giáo trong xứ cũng được cha quan tâm cách riêng hầu cho giáo xứ trở thành một gia đình.

Thời gian đang trôi qua, bàn tay Thiên Chúa vẫn đang chở che, dẫn dắt giáo xứ nhỏ bé này thông qua cha xứ Toma Aquino Hoàng Ngọc Công hiện nay, cụ thể qua ngày hội vui hôm nay.