HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN CARITAS VIỆT NAM 2010

Ngày 29/6-2/7/2010, Caritas Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên tại TGM Xuân Lộc.

Tham dự Hội nghị năm nay được xem là đông đủ nhất của gia đình Caritas Việt Nam. Sự hiện diện của 5 Giám mục: Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Gm. Gp. Xuân Lộc, Chủ tịch UBBAXH - Caritas VN; Đức cha Toma Vũ Đình Hiệu, Gm Phụ tá. Gp. Xuân lộc; Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Gm. Gp. Kontum - Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng; Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, đặc trách Caritas Giaó Tỉnh miền Bắc. Đức cha FX Lê Văn Hồng, Gm phụ tá TGP Huế, đặc trách Caritas Giáo Tỉnh miền Trung; có đại diện Caritas Hoa kỳ, Catholic Relief Services (CRS); cùng tham dự có 94 đại biểu Caritas của 26 giáo phận và đại biểu của 9 Dòng Tu Nam, 12 Dòng Tu Nữ.

Xem hình hội nghị thường niên 2010

Qua 4 ngày, các tham dự viên đã lắng nghe các bài tham luận về Thông điệp “ Bác ái trong Chân lý”; các báo cáo về hoạt động Caritas của 26 Giáo phận, 13 Dòng Tu Nam Nữ và 2 tổ chức giáo dân; tổng kết hoạt động của Caritas trung ương; học hỏi và tập huấn về kỹ năng lãnh đạo cộng tác và tầm nhìn chiến lược; thảo luận và góp ý cho chương trình hoạt động Caritas trong thời gian tới. Mỗi ngày mới đều khởi đầu bằng Kinh sáng, Thánh Lễ, sinh hoạt buổi chiều bắt đầu bằng Kinh chiều. Ban tối có giờ Chầu Thánh Thể và Kinh tối.

Từ chiều ngày 28/6, ban tổ chức đón tiếp ân cần các đại biểu từ các giáo phận miền Bắc, miền Trung, vùng Cao nguyên, miền Tây. TGM Xuân Lộc với cơ sở rộng rãi, khang trang, thiết bị máy móc hiện đại, các tham dự viên được phục vụ hết sức tận tình chu đáo. Tivi màn hình lớn đặt tại nhà cơm phục vụ cho các đại biểu thích xem World Cup.

Ngày 29/6.

10g30 ngày đầu tiên, diễn văn khai mạc của Đức cha Chủ tịch và giới thiệu chương trình làm việc của Cha Tổng Thư Ký Cariats Việt nam. Hội nghị được đánh dấu bằng Thánh lễ đồng tế mừng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô tại nhà nguyện của Toà Giám mục. Đức cha Đaminh chủ tế, cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn giảng lễ.

Ban chiều: Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, Đức Cha Toma Vũ Đình Hiệu, lần lượt trình bày Thông điệp “Bác ái trong chân lý” dưới lăng kính xã hội, tu đức và tổ chức cộng đồng. Những bài trình bày này giúp cho các tham dự viên hiểu sâu xa hơn nhiều góc cạnh Thông điệp của ĐTC Bênêđictô XVI. Sau đó, Cha Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB, Phó chủ tịch Ủy ban Di dân HĐGMVN trình bày sự cộng tác giữa hai Ủy ban: Di dân và Bác ái trong việc phục vụ những người di dân nghèo. Tiếp theo Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh nói chuyện đề tài “Hoạt động bác ái và hồn tông đồ”. Thời gian còn lại dành cho các tham dự viên trao đổi và góp ý cho câu hỏi “Cần phải làm gì để người tín hữu nhận thức đúng về hoạt động bác ái là bản chất Kitô giáo?”.

Ngày 30-6

Caritas 26 Giáo phận và 21 Dòng Tu lần lượt báo cáo những nét đặc sắc trong hoạt động một năm qua, mỗi đơn vị chỉ được trình bày trong 6 phút. Cha tổng Thư Ký Caritas tổng kết hoạt động Caritas Việt nam trong năm từ tháng 6.2009 đến tháng 6.2010; dự thảo ngân sách 2010-2011; quy trình thực hiện để Caritas Việt nam hội nhập vào Caritas Quốc tế; thực hiện việc làm thẻ hội viên Caritas Việt nam trên toàn quốc. Hội nghị dành thời giờ để tất cả các đại biểu góp ý xây dựng Caritas Việt nam. Ban tối Hội đồng quản trị Caritas Việt nam họp thường kỳ.

Ngày 1.7

Ban giảng huấn gồm: Lm Mic Trương Thanh Tâm SJ, Lm Pet Ngô Phan Đình Phục, SJ, Sr Maria Nguyễn Thị Lệ Minh, MTG Chợ Quán, giới thiệu và tập huấn đề tài “Lãnh đạo cộng tác và tầm nhìn chiến lược”. Hai Lm SJ thuyết trình viên trẻ trung năng động có chuyên môn cao, trình bày theo lối hiện đại nên lôi cuốn hấp dẫn với nhiều minh họa cụ thể. Sau mỗi phần trình bày, tham dự viên thảo luận và góp ý rất sôi nổi.

Ngày 2.7

Tiếp tục đề tài tập huấn.

Tóm lược nội dung tập huấn như sau:

Trong khoa học về lãnh đạo ngày nay, có sự phân biệt giữa hai thuật ngữ “hợp tác” (cooperation) và “cộng tác” (collaboration). “Cộng tác” được nhấn mạnh và sử dụng nhiều hơn vào lúc này. Lý do, thuật ngữ này nhấn mạnh tới chiều ngang (horizontal) trong tương quan lãnh đạo - cộng sự và tới chức năng của lãnh đạo – cộng sự trong công việc. Thuật ngữ “cộng tác” đề cao “tính tham gia” của cộng sự và cộng đồng; từ đó, tính dân chủ có điều kiện xuất hiện cho việc phát triển bền vững (sustainable development) trong bất cứ hoạt động xã hội nào.

Lãnh đạo cộng tác dựa trên định nghĩa “lãnh đạo 3 P” vốn đưa ra 3 chức năng của lãnh đạo: 1. đạt mục tiêu, 2. giúp nhóm cộng tác của mình phát triển và 3. giúp từng cá nhân cộng sự của mình phát triển và trưởng thành. Như vậy, “lãnh đạo 3 P” có thể đạt được hai mục đích chính: thành công (chức năng 1) và “thành nhân” (chức năng 2 và 3). Để được điều này, hình thức lãnh đạo cộng tác hữu hiệu nhất là hình thức lãnh đạo ủy quyền (lãnh đạo D = delegate).

Vậy đâu là các kỹ năng giúp cho người lãnh đạo có thể thực hiện lãnh đạo cộng tác với tầm nhìn chiến lược? Khoá tập huấn sẽ đưa giới thiệu một số kỹ năng giúp tạo nên hoặc củng cố hành vi lãnh đạo thích hợp. Trong 2 ngày tập huấn (1-2.7.2010) của Caritas Việt Nam với 8 buổi học, các tham dự viên sẽ “cộng tác” với nhóm tập huấn trong việc đào sâu các khái niệm và thực hành các kỹ năng về lãnh đạo cộng tác.

Ý tưởng chủ đạo xuyên suốt tập huấn sẽ là lãnh đạo cộng tác có tâm và tầm (nhìn) và bắt tay vào hành động (lãnh đạo 3 H: Heart – Head – Hand), vốn được trình bày qua một số kỹ năng.

Lãnh đạo có Tâm sẽ là người có “7 thói quen của những người thành đạt”, trong đó, thói quen “win-win” sẽ được đào sâu hơn. Một người lãnh đạo cần có “ngôn từ lãnh đạo”, đặc biệt trong những lúc phản hồi có tính tiêu cực biết sử dụng “phản hồi Sandwich” và “phản hồi FISC”. Lãnh đạo cần phải có kỹ năng “lắng nghe thấu cảm”. Cuối cùng, một nhà lãnh đạo Kitô giáo có tâm phải là một người luôn sống theo mẫu gương lãnh đạo của Chúa Giêsu. Dựa trên các kỹ năng và khuôn mẫu này, nhà lãnh đạo tiến hành xây dựng “tính tham gia” với các cộng sự và cộng đồng.

Lãnh đạo có tầm nhìn phải biết rõ nhu cầu của cộng đồng. Một tổ chức xã hội sẽ có tính vững bền khi đáp ứng chính xác và có hiệu quả những nhu cầu của xã hội. Bảng “Coffing-Hutchinson” sẽ giúp việc chọn lựa các nhu cầu ưu tiên. Muốn có tầm nhìn bao quát, nhìn xa trông rộng; nhà lãnh đạo cần có kỹ năng tổng hợp về bối cảnh mình đang sống trên mức độ vĩ mô và vi mô. Đây là lúc áp dụng kỹ năng tổng hợp “PESTLE”. Kỹ năng tổng hợp phải đi theo kỹ năng phân tích “SWOT” để “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Hai kỹ năng tổng hợp và phân tích này sẽ được đúc kết trong chiến lược “USED”.

Sau tiến trình tổng hợp và phân tích, nhà lãnh đạo sẽ tiến hành việc xây dựng tầm nhìn (vision, V). Để thực hiện “tầm nhìn”, nhà lãnh đạo “đặt ra sứ mạng”. Sứ mạng (mission, M) được thể hiện qua các mục tiêu (goal, G) được thiết lập cụ thể một cách “SMART”(thông minh) và “SMARTER”(thông minh hơn). Cuối cùng “qui trình ra quyết định SAID” là bước cân nhắc thận trọng cuối cùng trước khi nhà lãnh đạo bắt tay hành động. Chú ý, lãnh đạo không cần thiết phải quản trị trực tiếp, nhưng có thể hành động qua các nhà quản trị và điều hành (đây là lý do tại sao lãnh đạo vừa giống vừa khác với quản trị, management. Nhưng làm lãnh đạo phải biết nghệ thuật quản trị để … lãnh đạo người khác trong việc thực hiện VMG).

Lãnh đạo bắt tay hành động, hoặc chính mình hoặc qua các cộng sự của mình. 10 bước tiến hành “Kế hoạch chiến lược” với VMG, thể hiện cái nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo. “Kế hoạch chiến lược” (strategic planning) là một kế hoạch có mục tiêu chiến lược lâu dài (goal) được thể hiện trên lý thuyết và được thực hiện qua các “kế hoạch hành động” (action plan) với những mục tiêu cụ thể (objectives).

Việc kiểm tra, đôn đốc và giám sát kế hoạch chiến lược và kế hoạch hành động luôn là những công việc cần thiết để giúp các kế hoạch đạt được mục tiêu theo đúng tiến độ thực hiện. Các kỹ năng về “ma trận thời gian”, “PULSE check”, “biểu đồ Gantt”, “nguyên tắc giám sát 8 M” là một số kỹ năng có tính thực dụng và cần thiết cho tiến trình kiểm tra, đôn đốc và giám sát này. Cuối cùng, “phương pháp duyệt xét LENS” giúp vị lãnh đạo lượng giá hiệu quả các kế hoạch để điều chỉnh thậm chí thay đổi những gỉ đã đề xuất, nhưng không thích hợp.

Như vậy, “cộng tác” là một khuynh hướng nổi bật của thời đại hiện nay. Phong cách lãnh đạo thích hợp với thời đại hẳn phải là một sự lãnh đạo cộng tác. Sự cộng tác này được thể hiện qua hành vi cộng tác của vị lãnh đạo với các cộng sự và cộng đồng của mình trong việc tạo nên “tính tham gia” cho mọi người. Nhờ đó, việc đáp ứng các nhu cầu xã hội sẽ là một sự phát triển sẽ có tính bền vững. Việc tông đồ xã hội sẽ góp phần tạo nên một “nền văn minh tình yêu” cho nhân loại. Đây chính là mong ước nho nhỏ của nhóm tập huấn muốn chia sẻ với các vị lãnh đạo Caritas của Giáo Hội Việt Nam trong khóa tập huấn của Caritas Việt Nam.(x. web: Caritasvn.org)

11 giờ trưa nghi thức bế mạc.

Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn tổng kết hội nghị.

Kính thưa anh chị em!

UBBA Caritas Việt Nam đã tổ chức hội nghị thường niên 2010 từ ngày 29 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7, tại TGM Xuân Lộc - Long Khánh - Đồng Nai. Tham dự đại hội lần này có đại biểu của 26 giáo phận, 9 Dòng tu nam, 12 Dòng tu nữ, và một vài tổ chức giáo dân. Tất cả gồm 94 tham dự viên, trong đó có 5 Giám mục, 54 Linh mục, 20 Tu sĩ, 14 tín hữu giáo dân.

Đây là một dịp đầu tiên có mặt đông đủ của tất cả các Caritas giáo phận trên toàn quốc. Chủ đề của hội nghị là “Đồng Hành Năm Hoạt Động Bác Ái” như muốn xác tín rằng mọi thành phần của cộng đồng Dân Chúa đều tham gia vào việc thể hiện tình yêu bao la và bác ái của Thiên Chúa cho mọi người mọi vật quanh mình. Đúng như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã xác định trong thông điệp Caritas Deus Est là bản chất của Giáo hội và cũng là của từng tín hữu Kitô là đời sống phụng tự, hoạt động bác ái và loan báo Tin mừng. Như thế, mọi thành phần Dân Chúa gồm các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ và tín hữu giáo dân cần phải đồng hành với nhau trên con đường tình yêu này. Hội nghị dành thời gian để học hỏi về thông điệp Caritas in Veritate dưới các khía cạnh: xã hội, tổ chức cộng đồng và tu đức của. Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã cử Cha Gioan Nguyễn Văn, phó chủ tịch ủy ban Di Dân đến dự và phát biểu thay ngài về đề tài “Sự cộng tác giữa hai ủy ban Di Dân và Bác Ái Xã Hội Caritas Việt Nam trong việc phục vụ các di dân”, như muốn diễn tả sự đồng hành của các ủy ban trong HĐGM Việt Nam. Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, chủ tịch ủy ban Truyền Giáo cũng đến chia sẻ với hội nghị về mối liên kết giữa hoạt động bác ái xã hội và hồn tông đồ.

Ngày thứ hai, 30 tháng 6 năm 2010, hội nghị dành thời gian cho việc lắng nghe hoạt động bác ái của các giáo phận, dòng tu và tổ chức tín hữu giáo dân, mỗi đơn vị chỉ có 6 phút để trình bày tóm tắt các hoạt động đặc sắc, những thách đố, hay vấn đề xã hội đang biến động. 26 bài báo cáo của các giáo phận, 13 Dòng tu nam nữ và 2 tổ chức giáo dân đã cho thấy hoạt động phong phú, sáng tạo và năng động trong lãnh vực xã hội của Giáo hội Việt Nam. Tổ chức Têrêsa Charities do Thầy Phó Tế Gioan Maria Têrêsa Vũ Thành An sáng lập, với các hoạt động bác ái ở Việt Nam và một vài nước khác đang muốn hòa nhập vào đường hướng hoạt động bác ái xã hội chung của HĐGM Việt Nam như một dấu hiệu mời gọi các tổ chức bác ái của tín hữu giáo dân khác cùng đồng hành với Giáo hội Việt Nam trong việc diễn tả tình yêu Thiên Chúa.

Trong khóa học thứ 6, văn phòng Caritas Việt Nam đã tổng kết hoạt động của văn phòng trong 6 tháng đầu năm, dự trù cho năm 2011, trong đó có thêm các mục: bảo vệ sự sống, giúp đỡ bệnh nhân phong cùi và việc tái hòa nhập vào Caritas Quốc tế của Caritas Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc tái hòa nhập này, Caritas Việt Nam sắp đặt lại cơ cấu điều hành ở trung ương và việc xác định lại chức danh Giám mục, đại diện cho HĐGM Việt Nam tại 2 giáo tỉnh, đó là Đức Cha Giuse Nguyễn Văn tại giáo tỉnh Hà Nội và Đức Cha Fx. Lê Văn Hồng tại giáo tỉnh Huế với chức danh phó chủ tịch Caritas Việt Nam. Cũng như xác định lại chức danh Giám đốc dành cho các vị đứng đầu Caritas Việt Nam ở trung ương hay ở các giáo phận thay cho chức danh trưởng ban như đang sử dụng hiện nay. Hội nghị cũng xác định lại Hội dòng nữ trong Caritas Việt Nam là nữ tu Maria Nguyễn Tấn Sinh dòng Thánh Phaolô, và nữ tu Lucia Nguyễn Thị Hồng Vân dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn. Sr Vân cũng được bầu làm đại biểu trong Hội đồng quản trị Caritas Việt Nam. Ông Phaolô Lê Phúc Thiện được chỉ định làm đại diện giáo dân cho các hội viên trong hội đồng quản trị. Văn phòng Caritas Việt Nam cũng thông báo về việc làm thẻ hội viên cho những người gia nhập vào Caritas Việt Nam.

Tối 30 tháng 6 năm 2010, Hội đồng quản trị Caritas Việt Nam đã họp phiên thường lệ từ 20g-22g, tham dự cuộc họp này có Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh - chủ tịch Caritas Việt Nam, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến - phó chủ tịch Caritas Việt Nam tại giáo tỉnh Hà Nội, Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu - Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn - Tổng thư ký, Cha Bruno Phạm Bá Quế - đại diện giáo tỉnh Hà Nội, Cha Phêrô Nguyễn Văn Đông - đại diện giáo tỉnh Huế, Cha Giuse Nguyễn Văn Uy (Caritas Xuân Lộc)- đại diện giáo tỉnh Sài gòn, Cha GB. Phương Đình Toại - đại diện Dòng nam, Sr Lucia Nguyễn Thị Hồng Vân - đại diện Dòng nữ, ông Phaolô Lê Phúc Thiện - đại diện giáo dân. Các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề và đã nhất trí xây dựng trụ sở trung ương Caritas Việt Nam tại Sài gòn.

Trong hội nghị lần này, văn phòng Caritas trung ương cũng giới thiệu dự án “Con Đường Sáng” để giúp đỡ các học sinh nghèo vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có phương tiện học tập. Ngoài ra Caritas Việt Nam cũng dành 500 suất học bổng cho các học sinh khuyết tật, và 1500 suất học bổng cho các học sinh sinh viên nghèo thuộc diện gia đình có người mắc bệnh phong hay nhiễm HIV/AIDS. Hy vọng những chương trình này sẽ được nhiều ân nhân đóng góp thêm.

Trong 2 ngày 1 & 2 tháng 7 năm 2010, các tham dự viên đã được các chuyên viên về xã hội là các cha Dòng Tên hướng dẫn đề tài “Lãnh đạo cộng tác và tầm nhìn chiến lược”, các bài trình bày rất hấp dẫn, năng động, thu hút sự chú ý cao độ và rất cần thiết cho các vị lãnh đạo Caritas Việt Nam trong hoạt động bác ái xã hội tại địa phương và trung ương.

Điều đáng quan tâm là các tham dự viên trong suốt kỳ họp đã dành nhiều thời giờ để kết hiệp với Chúa qua Thánh lễ, Giờ kinh Phụng vụ, chầu Thánh Thể, suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày. Chính khi tìm về nguồn tình yêu là Chúa, các thành viên gia đình Caritas Việt Nam cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu, liên kết tất cả trong nhiệm thể Chúa Kitô và kín múc được sự mạnh cho những hoạt động diễn tả tình yêu này.

Cha Nguyễn Vân Đông – Giáo phận Kontum, đại diện các tham dự diên bày tỏ tâm tình tri ân đến ban tổ chức, đặc biệt là sự đón tiếp ân cần, giúp đỡ tận tình của hai Đức Cha Xuân Lộc.

Đức Cha Chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam ban huấn từ bế mạc. Ngài trao chứng thư bổ nhiệm chức danh Giám đốc Carias Giáo phận cho 26 linh mục trưởng ban Caritas 26 Giáo phận.

Bữa tiệc trưa liên hoan chia tay trong niềm vui. Các đại biểu ra về với nhiều hành trang cho sứ vụ lãnh đạo của mình.

Sau 32 năm gián đoạn, Caritas Việt Nam nay đã hồi phục và nhanh chóng đi vào hoạt động thiết thực trên mọi miền đất nước.

Đầu năm 1965, Hội đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam (HĐGMVN) thành lập Caritas Việt Nam. Sau đó năm 1966, Caritas của 14 giáo phận tại Miền Nam Việt Nam được hình thành.

Tháng 6 năm 1976, Caritas Việt Nam và Caritas các giáo phận được Nhà nước yêu cầu tạm ngưng hoạt động.

Ngày 19/9/2001, HĐGM Việt Nam thành lập ủy Ban Bác Ái Xã Hội. Ủy Ban BAXH chính thức làm việc từ ngày 16/9/2002. Sau thời gian này, các ban BAXH tại các Giáo phận bắt đầu được thành lập.

Ngày 2/7/2008, Nhà nước chấp nhận cho tái lập CARITAS việt Nam và Caritas các Giáo phận.

Hiện tại, Caritas Việt Nam đã thiết lập 26 văn phòng làm việc của Caritas giáo phận và trợ giúp phương tiện làm việc cho 26 văn phòng này. Caritas Giáo phận đã và đang phổ biến hoạt động Caritas tại các xứ đạo và thiết lập mạng lưới Caritas đến các hội viên. Caritas Trung ương đã soạn các tài liệu, cẩm nang, hoàn thành bản nội quy và quy chế của Caritas Việt Nam, đồng thời xác định những vấn đề xã hội ưu tiên, những đối tượng cần sự trợ giúp thật sự, xây dựng sơ sở Caritas Việt nam tại Sài gòn, lên chương trình hoạt động trong tương lai gần. Sự phối hợp và liên kết giữa các dòng tu, giữa các các tổ chức bác ái xã hội đã khởi sắc nhịp nhàng giúp cho những hoạt động bác ái của Caritas có được hiệu quả và trở thành một hành động loan báo Tin Mừng.

Ngoài nhiệm vụ gây ý thức về việc đào luyện con tim và nghĩa vụ thực hành bác ái nơi cộng đồng Dân Chúa nhằm phục vụ con người, thì nhiệm vụ quan trọng nữa mà Caritas Việt Nam phải hoàn thành là tích cực thực hiện vai trò làm cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái và những người nghèo khổ, khuyết tật, kém may mắn, những thành phần bị bỏ rơi trong xã hội. Vì sự sống con người, vì quyền lợi của những người nghèo khổ, kém may mắn, khuyết tật tinh thần hoặc thể chất, vì lợi ích các linh hồn, Caritas Việt Nam cần sự hiệp thông, cộng tác của mọi người, mọi thành phần Dân Chúa để với Ơn Chúa giúp, tất cả cùng nhau với cái Tâm cái Hồn của người làm việc bác ái thực hiện sứ mạng yêu thương loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Caritas Phan thiết