Lễ Khấn Trọn Đời là ngày đẹp nhất, ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời người Nữ tu. Như Mẹ Maria, Tân Khấn Sinh được Chúa yêu thương tuyển chọn nên đầy tràn niềm vui và hạnh phúc đáp lời Xin Vâng.

Hình ảnh lễ khấn

Trong Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, năm hồng phúc, Chúa ban cho nhiều ân lộc, nhiều ân huệ từ một Giáo Hội Việt Nam sinh ra và lớn lên do dòng máu các Thánh Tử Đạo. Biết bao ơn lành phúc lộc mà Chúa đã ban cho Giáo hội. Đọc trên internet, trong Năm Thánh 2010, liên tiếp những lễ khấn dòng, lễ phong chức, từ Bắc chí Nam, từ trong nước đến ngoài nước.

Sáng 23.8.2010, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục Nha Trang đã chủ sự lễ Khấn Trọn Đời cho 21 Nữ Tu Lớp Huệ Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang. Cùng đồng tế có khoảng 100 linh mục trong và ngoài Giáo phận, lời cầu nguyện sốt mến của đông đảo các tu sĩ nam nữ và thân nhân ân nhân các tân khấn sinh.

Đức Giám Mục thẩm vấn các Khấn sinh:

- Qua bí tích thánh tẩy, các con đã chết cho tội và được thánh hiến cho Thiên Chúa, các con có muốn cho hiến thân cho Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn, bằng một hành vi phụng tự đặc biệt, đó là việc công khai tuyên khấn trọn đời không?
- Thưa con muốn.

- Nhờ ơn Chúa phù trợ, các con muốn theo sát dấu chân Đức Kitô, tuân giữ trọn đời Đức Khiết Tịnh Thánh Hiến, Đức Khó Nghèo Phúc Âm và Đức Vâng Phục Nghĩa Tử không ?
- Thưa con muốn.

- Các con có muốn sống đoàn sủng của hội dòng qua linh đạo Khiết Tâm, kiện toàn các điều luật hiến pháp và nội quy để kiên trì đạt tới đức ái hoàn hảo đối với Thiên Chúa và tha nhân không?
- Thưa con muốn.

- Các con có muốn sống sứ mạng ơn gọi của của mình, trong việc phục vụ ưu tiên Giáo phận Nha trang bằng những công tác do Đấng sáng lập chỉ định và những công tác mục vụ khác do Đức Giám Mục Giáo phận giao phó không?
- Thưa con muốn.

Từng Khấn Sinh quỳ gối đặt tay trong tay Chị Tổng Phụ trách đọc lời tuyên khấn: Nhân danh Cha và Con và Thành Thần. Con là Nữ Tu…. nhờ sức mạnh Chúa Thánh Linh, con quyết tâm theo sát dấu chân Chúa Kitô, sống đức ái hoàn hảo.

Trước mặt Đức Giám Mục Giuse Võ Đức Minh và cộng đoàn dân Chúa đang hiện diện, con khấn với Thiên Chúa toàn năng trong tay chị Tổng Phụ Trách Imelda Thanh Bình, tuân giữ trọn đời các lời khuyên phúc âm Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục theo hiến pháp của Hội Dòng Khiết Tâm. Con tận tình ký thác đời sống con cho Thiên Chúa trong hội dòng thân yêu này là gia đình thiêng liêng của con.

Các Tân Khấn Sinh đã trải qua 6 năm chính thức sống giao ước thánh hiến, quyết định tương thân tương ái của chị em và sự nâng đỡ khích lệ của bao người thân, đã vượt qua bao thử thách đời sống bản thân và cộng đoàn, đã cảm nghiệm được lời mời gọi liên lỉ của Chúa Kitô, nên quyết tâm dấn thân trọn vẹn cho Chúa và Giáo hội, trong tác động của Chúa Thánh Linh, các Khấn Sinh được tuyên khấn trọn đời theo hiến pháp Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang.

Theo mẫu gương Mẹ Maria, Nữ tu đáp tiếng Xin Vâng, cuộc đời dâng hiến hạnh phúc đầy tràn. Tiếng Xin Vâng đơn sơ nhưng đòi buộc phải từ bỏ rất nhiều. Từ bỏ ý riêng, từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ nhiều lắm trong cả hành trình hiến dâng cho Chúa và tha nhân.

Người Nữ Khiết Tâm Đức Mẹ, bước theo Đức Kitô Vâng Phục, theo gương Mẹ Maria sống đời “Xin Vâng”.

I. Đức Giêsu, con người vâng phục:

Nơi Đức Giêsu, vâng phục hoàn toàn là yêu thương. Vâng phục là đón nhận tất cả từ nơi Chúa Cha, đón nhận bản thân Cha, đón nhận tình yêu của Cha, sự sống của Cha; đón nhận chương trình của Chúa Cha, lời của Cha, giáo lý của Cha, công việc của Cha, ý muốn của Cha. Yêu ai, ta sẵn sàng thực hiện ý muốn của người ấy, sung sướng thực hiện, luôn bận tâm thực hiện ý muốn ấy. Người yêu chỉ thích mỗi một điều là làm đẹp lòng người mình yêu. Yêu thương là linh hồn của sự vâng phục và làm cho vâng phục trở thành tự do. Đối với Đức Giêsu, vâng phục Chúa Cha là hoàn toàn làm theo ý muốn của Chúa Cha, và vui sướng vì được làm đẹp lòng Cha. Đó là điều làm cho Đức Giêsu bận tâm hơn cả, là lẽ sống, là niềm vui của Người: Lương thực của Thầy là làm theo ý muốn Đấng đã sai Thầy (Ga, 34). Sự vâng phục của Đức Giêsu biểu lộ tình yêu sâu thẳm nhất: yêu cho đến cùng, yêu cho đến chết. Đức Giêsu tự coi mình là tôi tớ trung thành nhất của Thiên Chúa, không bao giờ phản bội Thiên Chúa, không bao giờ đi ngược với đường lối của Thiên Chúa.

II. Thách đố cho đức vâng phục:

Quan niệm về tự do của thế giới hôm nay đã mất đi yếu tố khách quan, chỉ còn giữ lại yếu tố chủ quan. Nhiều người có khuynh hướng tách rời tự do khỏi chân lý và quy luật luân lý. Người ta không còn muốn tôn trọng kỷ luật, coi kỷ luật như là sự ràng buộc làm mất tự do của con người. Nhiều người không tôn trọng trật tự, coi thường công lý. Sự sống không được bảo vệ, đặc biệt là những thai nhi vô tội trong lòng người mẹ và còn có khuynh hướng coi đó là quyền tự do của chị em phụ nữ. Thế giới đầy những bất công và bạo động, vì thiếu tôn trọng những quy luật đạo đức khách quan. Giới trẻ muốn thoát mọi ràng buộc của người lớn, của cha mẹ ông bà, vì thấy người lớn không hơn gì họ, hoặc không đáng tin cậy. Khủng hoảng quyền bính kéo dài trong xã hội và Giáo Hội. Liệu nhân đức vâng phục còn có ý nghĩa gì trong một thế giới đầy những sáng tạo, và luôn chờ đợi những sáng kiến mới ? Sự rập khuôn theo kiểu cũ ngăn chặn đà tiến của xã hội, và làm cho xã hội phải tụt hậu? Dám nghĩ, dám làm là dấu chỉ sự trưởng thành, không lệ thuộc cách ấu trĩ vào người khác. Liệu những ai chỉ quen làm theo ý người khác, có cơ hội để trưởng thành hay không?

III. Giải đáp của đời sống thánh hiến:

Thế giới hôm nay hơn bao giờ hết cần tìm lại ý nghĩa của nhân đức vâng phục, để có thể ra khỏi khủng hoảng quyền bính hiện nay rất tai hại cho cá nhân, gia đình cũng như xã hội. Nhiều gia đình bị tan nát, nhiều xã hội bị băng hoại. Vâng phục ngày hôm nay không còn là sự lệ thuộc như thời nô lệ, không còn là sự rập khuôn làm mất hết tính người, mà là tự nguyện chấp nhận chân lý, chấp nhận trật tự cần thiết cho mọi sinh hoạt, chấp nhận kỷ luật vì ích lợi chung của mọi người. Vâng phục hôm nay là sáng suốt chấp nhận quyền bính, nhận ra ý nghĩa phục vụ của quyền bính. Vâng phục không đi ngược hay mâu thuẫn với tự do, mà là dấu chỉ của tự do,vì trong vâng phục luôn có yếu tố tự nguyện. Không có tự nguyện, thực sự không có vâng phục. Sự tự nguyện luôn phát xuất từ chiều sâu của tự do, vì thế trong vâng phục luôn luôn có tự do. Trong trường hợp vâng phục Thiên Chúa, rõ ràng và chắc chắn là con người càng vâng phục Thiên Chúa bao nhiêu thì càng tự do bấy nhiêu. Thiên Chúa là Đấng Cứu Thoát. Ngài không bao giờ trói buộc con người, nhưng luôn giải phóng con người. Những thánh nhân là những con người tự do nhất. Càng đạo đức thánh thiện bao nhiêu, con người càng tự do bấy nhiêu. Trường hợp của Đức Giêsu là điển hình. Trên trần gian này, không con người nào tự do bằng Đức Giêsu, không con người nào đạo đức thánh thiện như Ngài, không có ai vâng theo thánh ý Thiên Chúa như Ngài. Không ai tri Thiên Mệnh bằng Ngài. Biết Chúa Cha hay tri Thiên Mệnh là niềm vui, là lẽ sống, là hạnh phúc của Đức Giêsu. Và đó cũng là nền tảng của sự vâng phục trong Hội Thánh. Lời khấn vâng phục trong đời sống thánh hiến cũng xây dựng trên nền tảng ấy, nên là niềm vui, là lẽ sống, là hạnh phúc của đời tu. Chính vì thế, những tu sĩ không vui tươi không yêu thương trong vâng phục, là những phản chứng từ. Sự vâng phục ngày hôm nay còn có chiều kích cộng đoàn: mọi người cùng nhau đi tìm thánh ý Thiên Chúa, cùng nhau đón nhận và cùng nhau thi hành; mọi người nỗ lực tiến tới đồng tâm nhất trí bằng đối thoại. Sự vâng phục liên kết các thành viên trong cùng một sứ mạng, cùng một tình yêu, dù nhiều người có những đoàn sủng khác nhau...Quyền bính trong cộng đoàn nhằm biện biệt và hiệp thông. Sự đoàn kết, ý chí chung, tình huynh đệ chị em, sự cởi mở với nhau là dấu chỉ triển nở của đời sống vâng phục trong cộng đoàn. Sống vâng phục theo Tin Mừng, các tu sĩ kinh nghiệm được hạnh phúc của việc cùng nhau lắng nghe là thực thi Lời Chúa ( Lc 11, 28 ). Khi vâng phục, người tu sĩ chắc chắn mình đang thi hành sứ mạng, vì không theo ý muốn riêng

IV. Mẹ Maria, Người Nữ Tự Do

Trong thế giới loài người từ ngàn xưa đến ngàn sau, không ai có được diễm phúc như Mẹ Maria.Thiên Chúa luôn ở cùng Mẹ. Mẹ được vinh dự cưu mang, sinh hạ và dưỡng nuôi Con Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng công bố Tín Điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội ngày 8-12-1854. Với ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria là Người Nữ Tự Do nhất trên trần gian nầy.

Mẹ Maria, người nữ tự do, luôn luôn thuộc về Thiên Chúa, và sống theo chương trình của Thiên Chúa. Sức mạnh trong thân phận “Nữ tỳ hèn mọn” là sức mạnh của Thiên Chúa. Chỉ với hai từ nhẹ nhàng “Xin Vâng” mà rung chuyển cả địa cầu, làm xôn xao muôn dân nước, làm khiếp kinh bao thế lực quỷ thần. Mẹ “xin vâng” là “xin vâng một lần cho một đời”. Cả lý trí, tài năng, con người và tất cả cuộc đời Mẹ thuộc về Thiên Chúa. Mẹ Maria hoàn toàn tự do cho một lần xin vâng và hoàn toàn tự do trong suốt cuộc đời.

Với thân phận “Nữ tỳ hèn mọn” Đức Mẹ là một người nghèo, thanh khiết, chỉ biết phó thác vào Chúa, chỉ biết sẵn sàng thực hành bất cứ sự gì là thánh ý Chúa. Với thái độ trút bỏ tuyệt đối cái tôi của mình, Đức Mẹ tạ ơn Chúa vì được Chúa đoái thương nhìn đến, để thuộc về Chúa một cách trọn vẹn. Từ đó, Đức Mẹ sống trọn vẹn cuộc đời dâng hiến “Xin Vâng” theo thánh ý Chúa.

Người Nữ Tu được Chúa đoái thương tuyển chọn để thuộc về Chúa hoàn toàn. Từ nay theo gương Đức Mẹ, các Nữ tu sống Đức Vâng Phục để toả hương thánh thiện cho cuộc đời phục vụ yêu thương.

Theo Chúa Giêsu, người Nữ tu nhìn cuộc đời thênh thang trên trời cao mà tìm hạnh phúc. Con đường hẹp của Phúc Âm, con đường thánh giá là con đường “chiến đấu để vào” chứ không miễn cưỡng hay cưỡng chế. Con đường hẹp dẫn đến sự sống và ngập tràn niềm vui dâng hiến. Hương thơm của đời sống tu trì mang đến cho cuộc đời này một mùa xuân dịu mát trong những vẻ đẹp thanh cao nhất,biến đổi thế giới trong những ích kỷ chiếm đoạt của tình yêu đam mê, hướng nhân loại nhìn về Nước Trời mai sau trong hạnh hạnh phúc vĩnh cửu tuyệt mỹ.

Theo Chúa Giêsu, người Nữ tu từ bỏ tất cả để chỉ dâng tình yêu cho Thiên Chúa mà thôi. Chỉ yêu một mình Đức Kitô. Đó là động lức cơ bản khiến họ chỉ đi tìm Thiên Chúa và sống với Ngài, cảm nếm sự ngọt ngào vô biên, hạnh phúc diệu kỳ của tình yêu tuyệt đối họ đang tôn thờ. Hoàn toàn tự do để sống lời xin vâng.

Cuộc đời “Xin Vâng” của Đức Maria phần nào khắc họa đời “Xin Vâng” của Chúa Giêsu, Đấng đã “Vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá”.

Đức Maria đã đi trọn con đường “Xin Vâng”. Cầu chúc các Tân Khấn Sinh theo gương Mẹ Khiết Tâm, luôn sống trọn vẹn Đức Vâng Phục với tất cả tự do và hạnh phúc của đời dâng hiến.