Thấm thoát, đã 5 năm trôi qua, nhưng những vết tích tàn phá của trận cuồng phong Katrtina 2005 vẫn còn để lại nhiều dấu ấn cũng như vẫn còn ghi đậm nét những hình ảnh kinh hoàng trong tâm khảm người dân Châu thành Ngọc Lân (New Orleans, Louisiana) và hai thành phố lân cận miền biển Gulfport, Biloxi của Mississippi. Các địa danh mà Katrina thăm viếng, mới tạm hồi sinh. Những vùng như Lakeview, UNO, New Orleans East, Chalmette… thuộc Louisiana, dân cư vẫn còn thưa thớt. Gulfport, Biloxi của Mississippi cũng còn xơ xác…

Năm nay (2010) Chính quyền địa phương sẽ tổ chức những buổi lễ Tưởng niệm hàng ngàn nạn nhân của Katrina. Nhân dịp này, chúng tôi xin ghi lại một vài nét kinh hoàng về biến cố Katrina và nhất là giới thiệu những nét đặc thù của Châu thành Ngọc Lân, nơi đã mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận hàng chục ngàn người Việt tị nạn Cộng sản tái lập cuộc sống sau biến cố 30.4.1975...


NHÌN LẠI TRẬN CUỒNG PHONG CỦA THẾ KỈ

Vào trưa thứ Hai, ngày 29 tháng 8, 2005, trận bão Katrina được coi là trận cuồng phong khủng khiếp của Thế kỷ đã tàn phá bờ biển ba Tiểu bang Louisiana, Mississippi và Alabama với sức gió lên tới 160 miles. Tính riêng về vật chất như: Các sơ sở thương mại, công sở, tư gia, cầu cống, đường xá, đê điều bị thiệt hại, ước tính lên tới hàng trăm tỉ đôla. Số nhân mạng tại New Orleans lên tới trên một ngàn người và vùng bờ biển Mississippi khoảng ba trăm người vĩnh viễn không bao giờ gặp lại người thân. Cả một công trình xây dựng trong nhiều thập niên, bỗng chốc, chỉ trong mấy tiếng phù du, tất cả chỉ còn là những đống vụn đổ nát hoang tàn. Cả một thành phố hoàn toàn tê liệt, tiêu điều, hoang vắng với mùi tử khí nồng nặc xông lên... khiến lòng người trào dâng một nỗi nghẹn ngào, uất hận. Ngay sau trận cuồng phong - đại hồng thủy - nếu có phương tiện về nhìn lại cả một thành phố bị đè bẹp dưới sự cuồng nộ của bão tố mới nhận chân được rằng: Các công trình xây dựng của con người dù vĩ đại kiên cố cách mấy, đối với thiên nhiên cũng chỉ là cát bụi…

Hồi tưởng lại, ngày 26 tháng 12 năm 2004, do các tầng nham thạch dưới đáy Ấn Độ dương chuyển động mạnh với cường độ địa chấn lên tới 8.9, tạo nên một đợt sóng thần khủng khiếp cao tới 30 feet, tàn phá cả một vùng rộng lớn Ấn Độ dương, cuốn trôi cả mấy trăm ngàn nhân mạng vùng bờ biển Thái Lan, Sri Lanka, Bangladesh, Indonesia... tràn tới cả Somalia (miền Đông Africa). Rồi, ngày 8 tháng 10, 2005, một trận động đất với cường độ 7.6 xảy ra tại Pakistan cũng đã chôn vùi gần trăm ngàn sinh mạng. Khi thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ, lúc đó, mới thấy thân phận con người thật mỏng manh, như Pascal đã nhận định: ‘Con người chỉ là một cây sậy biết nói’. Trở lại biến cố Katrina 2005, người dân New Orleans cả hai vùng East và West Bank cũng như vùng bờ biển Mississippi không nhiều thí ít cũng đã chịu chung một thảm kịch đau thương và mất mát quá nhiều từ tinh thần lẫn vật chất. Bên Algiers cũng như khu vực West Bank cũng bị thiệt hại không ít. Họ Thánh Giuse (Woodlawn), rồi đến Gretna, Harvey, Marrero, Westwego, Avondale cũng cùng chia sẻ chung số phận.

Ngoài ra, sức tàn phá bi thảm nhất trải dài từ khu vực giầu có vùng Lakeview, xuyên qua vùng bờ hồ Pontchartrain và đại học UNO (nơi có Đền Thánh Đức Mẹ La Vang) tới New Orleans East, trong đó có cả chục ngàn người Việt thân yêu của chúng ta mà Giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam là điểm hội tụ. Nơi đây cũng có Trung tâm Phật giáo Vạn Hạnh đang được chỉnh trang và khu đất được dành để xây cất Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam.

Nhưng còn một nỗi đau thương hơn nữa là khu vực Chalmette thuộc quận St Bernard. Chính nơi đây, có cả trăm gia đình bà con người Việt cư ngụ với những dịch vụ thương mại lớn nhỏ, bị nước dâng cao trên 9 feet, chỉ còn là một vũng bùn lầy nhơ nhớp. Có tới để chứng kiến tận mắt mới cảm thấy lòng quặn thắt và thấm thía nỗi đau thương mất mát của bà con ruột thịt đồng hương cũng như tất cả các nạn nhân không phân biệt chủng tộc, mầu da…

VÀI NÉT VỀ CHÂU THÀNH NGỌC LÂN

QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ:

Lịch sử New Orleans, tất nhiên, gắn liền với những thăng trầm lịch sử của bang Louisiana. Ngược dòng lịch sử: Ngày 7 tháng 4 năm 1682 hai nhà thám hiểm Sieur de la Salle (người Pháp) và Henri de Tonti (người Ý) cùng với đoàn tuỳ tùng xuôi dòng và đặt chân tới cửa sông Mississippi. Cái nôi New Orleans của bang Louisiana bắt nguồn từ đây. Trong khi đó, một viên chức quan trọng trong Chánh phủ Pháp là Bá Tước Pontchartrain quyết tâm mở rộng lãnh thổ Pháp tại các lục địa xa xôi để chận đứng tham vọng bành trướng của Đế quốc Anh và Tây Ban Nha. Chính Bá Tước Pontchartrain là linh hồn của công trình đưa dân định cư tại New Orleans cũng như toàn vùng Louisiana. Kể từ năm 1699, vùng Louisiana chính thức thành thuộc địa của Pháp Hoàng, do công lao khổ cực của hai nhà thám hiểm Iberville và Bienville. Nhưng thành phố New Orleans được thành hình và có cơ cấu tổ chức kể từ năm 1717. Các công trình xây dựng mang dáng dấp kiến trúc kiểu Pháp như khu vực French Quarter với quán Café Du Monde nổi tiếng vẫn còn tồn tại đến hôm nay. Ngoài ra, cũng phải kể đến các biệt thự và công thự cổ kính trải dài trên đường St Charles và vùng phụ cận, vẫn là chứng tích của một quá trình lịch sử trên dưới ba trăm năm và thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Trở lại những trang sử của New Orleans có một sự kiện trớ trêu: Năm 1762, Pháp Hoàng là Vua Louis XIV âm thầm trao tặng lãnh thổ Louisiana cho người em bà con là Hoàng đế Charles II của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, mãi đến năm 1766, Tây Ban Nha mới cử quan chức đến tiếp nhận thuộc địa Louisiana. Chính quyền Tây Ban Nha cai quản Louisiana đến năm 1803 thì vì nhiều yếu tố, nhưng yếu tố chính là kiệt quệ về tài chánh, nên Tây Ban Nha trả lại cho Pháp lãnh thổ rộng lớn Louisiana gồm gần 900,000 sq. miles, nghĩa là gấp 20 lần diện tích Tiểu bang Louisiana hiện giờ. Nếu du khách có dịp ghé thăm các Bảo tàng viện New Orleans sẽ thấy lãnh thổ Louisiana vào năm 1803 hiện trên tấm bản đồ thật lớn. Tại New Orleans, ngoài những công trình kiến trúc kiểu Pháp, du khách còn được thưởng lãm những công trình kiến trúc mang dáng dấp Tây Ban Nha được xây dựng trong khoảng thời gian 1766-1803.

Một trong những kiến trúc lịch sử còn lưu dấu, điển hình là Nhà thờ St. Joseph trên đường Tulane, thuộc khu Trung tâm thành phố. Năm 1803 Pháp nhận lại chủ quyền Louisiana từ Tây Ban Nha và rồi sau nhiều tháng thương lượng, Hoàng đế Napoléon thoả thuận bán lãnh thổ Louisiana cho Hoa Kỳ vào cuối năm 1803.

NEW ORLEANS HIỆN NAY

Xuyên suốt chiều dài dòng lịch sử trên 300 năm (1699-2010) thành phố New Orleans cũng như lãnh thổ Louisiana sống dưới quyền cai trị của Pháp và Tây Ban Nha trong thời gian đầu khai phá quá dài, nên ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo khá sâu đậm.

Louisiana là Tiểu bang duy nhất trong số 50 Tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà đơn vị hành chánh Quận hạt (County) lại được gọi bằng danh xưng Parish (Xứ đạo). Tên của các Quận hạt toàn bang Louisiana đều là tên các Vị Thánh Công giáo như: St. Charles, St. John The Baptist, St. Bernard, St. James, St. Tammany, Assumption, St. Martin, St. Mary... Thành phố New Orleans là một thành phố nhỏ. Tính cả những Quận hạt phụ cận thì dân số khoảng một triệu người. Tuy nhiên, New Orleans lại là hải cảng quan trọng vào bậc nhất của miền Đông Nam Hoa Kỳ. Với các di tích lịch sử trên 300 năm, New Orleans còn là thành phố du lịch hấp dẫn. Hàng năm, thu hút nhiều triệu du khách, nhất là vào dịp Lễ Hội Mardi Gras trong Mùa Phục sinh. Mùa Hè là thời điểm đón nhận nhiều du khách nhất.

KHU FRENCH QUARTER:

Du khách có dịp thăm Châu thành Ngọc Lân (New Orleans) nếu chưa đặt chân tới khu Pháp (French Quarter) còn được gọi là Jackson Square thì kể như chưa tới thành “Ngọc”. Điểm đặc thù của New Orleans là nhộn nhịp cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày, “người khách du” ghé các tiệm mua sắm hàng hoá, kỷ vật... giá rẻ hơn nhiều so với New York, San Francisco, Los Angeles… Muốn thưởng thức đặc sản vùng biển, vừa rẻ vừa ngon, đậm đà, cay cay... không một thành phố nào có thể so với New Orleans. Tôm cá cua biển, sò, crawfish... chỉ có New Orleans mới đậm đà hương vị. Mấy năm gần đây, crawfish nhập cảng từ một vài nước như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan... khác thủy thổ và do nuôi trong hồ ao nhân tạo, nên hương vị không còn thơm ngon như vùng biển thiên nhiên New Orleans.

Mấy tháng vừa qua (May - August, 2010) do ảnh hưởng vụ dàn khoan dầu của Hãng BP bị nổ, hàng triệu gallons dầu tràn lan các vùng biển Louisiana, Mississippi, Alabama, Florida… khiến ngành Ngư nghiệp bị tê liệt. Bờ biển các Tiểu bang này lại là vùng sinh thái của một số động vật quí hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng…

Trở lại Châu thành Ngọc Lân: New Orleans by Night thì thật tuyệt vời. Cả thế giới không đâu có. Chỉ một con phố nhỏ Bourbon, mỗi buổi tối, nhất là vào cuối tuần, cả ngàn người tản bộ hoặc vào các quán nhâm nhi một vài ly rượu cho ấm áp lòng người cô quạnh, rồi ngắm các người đẹp đi vài đường lả lướt trên sàn nhẩy thật mát mắt. Nếu du khách quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” thì những màn biểu diễn của những người đẹp miền Nam Hoa Kỳ, cũng xin được nhìn với con mắt bao dung của nghệ thuật. Xin nhớ điểm đặc thù của New Orleans là rượu pha cocktail brandy là nghệ thuật tuyệt vời của giới ăn chơi sành điệu. Đại lộ Canal với những hàng cột điện cổ kính trên hai trăm năm chiếu ánh quang huy hoàng giữa lòng trung tâm thành phố, khiến các sử gia khoác cho một danh xưng đầy quyến rũ: “Con đường sáng nhất thế giới”.

Như đã giới thiệu ở phần trên, trải qua dòng lịch sử ba trăm năm có lẻ, New Orleans đã thấm nhuần ảnh hưởng Đạo Chúa tận gốc rễ, nên ngay trung tâm của khu French Quarter là Ngôi Giáo đường Saint Louis, King of France, kiến trúc với đường nét thanh thoát, ba ngọn tháp nhọn hoắt cao vút vươn lên nền trời xanh thẳm. Đây là Nhà thờ Chánh Toà của Tổng Giáo phận New Orleans, được hoàn thành năm 1794. “Cửa Thiền rộng mở”, nghĩa là Nhà thờ Chánh Tòa mở cửa ban ngày để du khách tự do chiêm ngắm. Bên trong Nhà thờ có treo một số cờ, vương vất di tích lịch sử từ thời khai phá đến nay. Các nhà Sử học đều thẩm định: New Orleans là cái nôi của Giáo hội Công giáo miền Nam Hoa Kỳ. Tháng 10, 1987, sau chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại các Giáo tỉnh miền Nam, giới chức có thẩm quyền tiên đoán Tòa Thánh Roma sẽ nâng Tổng Giáo phận New Orleans (LA) và San Antonio (Tx) lên Toà Hồng Y. Nhưng vì một lý do nào đó, trải qua trên hai thập niên (1987-2010) niềm hy vọng vẫn chưa trở thành hiện thực.

Sau khi chiêm ngắm Ngôi Giáo đường cổ kính nhưng đường nét kiến trúc thanh thoát nhẹ nhàng, xin người khách lạ bước vào hai toà nhà kế cận. Đó là The Cabildo, trụ sở đầu tiên của giới chức Chánh quyền làm việc, hội họp được xây cất thời Tây Ban Nha quản trị lãnh thổ Louisiana. Ngày nay là Viện Bảo tàng cổ tích, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Đối diện với Nhà thờ và Viện Bảo tàng là tiệm Café Du Monde nổi tiếng. Quán Café Du Monde đã hiện diện tại Old Jackson Square này từ năm 1862. Rẻ, thơm, ngon. Du khách chỉ phải chi ra 2 (hai) đôla là đã có một ly café hoặc ly cam tươi nguyên chất chính hiệu con nai vàng và một đĩa 3 cái bánh tiêu (Beignet = French Doughnut) đã phủ đầy bột đường. Thật thú vị khi ngồi dưới mái hiên của Quán, vừa thưởng thức hương vị nửa Pháp (café) nửa Việt (bánh tiêu), người khách lạ phương xa còn được chiêm ngưỡng cảnh: “Dập dìu tài tử giai nhân - Ngựa xe như nước áo quần như nêm”.

Đúng thế đấy bạn ạ. Bến xe ngựa đậu trước tiền đường Café Du Monde. Tiếng xe ngựa kêu lộp cộp, lộp cộp đã khiến bạn giật mình, hồi tưởng mấy thập niên trước đây, tại Hòn Ngọc Viễn Đông, tức là Sàigòn hoa lệ, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, vẫn âm thanh lộp cộp như vậy, chở khách đi từ trung tâm thành phố về vùng ngoại ô như Lăng Ông (Bà Chiểu), Tân Định, Phú Nhuận, Lăng Cha Cả, Bảy Hiền, Chợ Bình Tây, Hoà Hưng, Khánh Hội... có khi tới cả Bà Điểm nữa. Chỉ cần móc ví lấy ra khoảng mươi mười lăm đô, là bạn có thể ngồi ung dung trên xe ngựa thật thoải mái, chiêm ngắm cảnh trí nhộn nhịp về đêm của khu phố ăn chơi French Quarter, để hồi tưởng lại “cảnh cũ người xưa”của Sàigòn năm nào...

Đến đây, không thể không nói tới chợ Pháp (French Market) y chang chợ Cầu Ông Lãnh (Sàigòn) nhưng có phần sạch sẽ vệ sinh hơn nhiều. Hoa quả, hành tỏi, thực phẩm và đồ gia vị chỉ bằng nửa giá so với các Siêu thị bên ngoài. Vì cùng là thuộc địa của người Pháp - nên dù cách xa nhau quá nửa trái cầu với cả ngàn vạn dặm, qua nhiều lục địa và đại dương thăm thẳm - New Orleans và Sàigòn có nhiều điểm tương đồng. Lối kiến trúc của khu phố cổ French Quarter cũng hao hao giống như khu Chợ Cũ với những con đường Phạm Ngũ Lão, Hàm Nghi, Tôn Thất Thiệp... Ngồi thưởng thức hương vị ở Café Du Monde cũng giống như ngồi dưới mái hiên của Givral, Pagoda… cũng như nhà hàng Continental (những lầu trên là khách sạn sang trọng) trên đường Tự Do của Sàigòn năm nào. Cả hai khu phố cổ French Quarter và Sàigòn đều mang dáng dấp phần nào khu La-tinh (Latin) của Kinh thành Ánh sáng Paris, Pháp Quốc.

Còn một màn thích thú nữa là ở French Quarter, bạn có thể ngồi để các hoạ sĩ phác hoạ chân dung bạn. Không phải chờ lâu mà giá cả nhẹ nhàng. Những hoạ sĩ chuyên nghiệp sẽ phác hoạ chân dung bạn tươi tắn hơn, sáng sủa hơn, yêu kiều duyên dáng hay đẹp trai hơn nhiều - nếu nhan sắc của bạn có phần khiêm tốn - tuy nhiên, vẫn giữ được những nét trung thực của dung nhan bẩm sinh của bạn. Đây là kỷ vật ghi nhớ mãi trong lòng khách viễn du trong chuyến tham quan Châu thành Ngọc Lân. Ghé New Orleans, bạn cũng nên thăm Aquarium of the Americas nổi tiếng với hàng chục ngàn loại cá trên thế giới. Vượt xa hẳn các hồ cá ở các thành phố lớn khác tại Mỹ. Nhân tiện, cũng nên ghé thăm Audubon Zoo, sở thú cũng nổi tiếng giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Bạn cũng nên biết, giá sinh hoạt tại New Orleans như khách sạn, nhà hàng, phương tiện di chuyển, các trung tâm giải trí... đều rất nhẹ nhàng.

NHẠC JAZZ

Nói đến New Orleans, phải nói đến nhạc Jazz. Con đường Bourbon là cái nôi của nhạc Jazz tại New Orleans. Để hiểu và đạt tới trình độ thích thú âm thanh của nhạc Jazz không phải là chuyện dễ dàng trong một sớm một chiều. Theo lời kể và sách vở để lại thì New Orleans thời khai phá cũng hầm-ba-lằng đủ sắc dân Tây-ba-lô như: Anh, Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Ý và thổ dân Da Đỏ... Thời đó, có một anh chàng với cái tên cúng cơm là Buddy Bolden thường đến góp vui tại Funky Butts với tính cách hoàn toàn tài tử. Chính chàng nghệ sĩ tài tử Buddy Bolden cũng không ngờ rằng những điệu nhạc anh trình diễn mua vui cho người dân New Orleans sẽ mang cái tên bất hủ “JAZZ”. Theo lời kể thì anh chàng da trắng Nick La Rocca đưa toàn ban Original Dixieland Jazz Band lên Chicago trình diễn với những điệu nhạc của Buddy Bolden. Báo chí Chicago liền đặt cho thứ nhạc điệu lạ tai này là Jass. Từ Jass, người dân New Orleans vui vẻ, vô tư chuyển sang Jazz cũng thế thôi. Nhạc Jazz đã đi sâu vào huyết quản, vào mạch máu buồng tim của cư dân New Orleans; đến nỗi, mỗi khi nhìn màn ảnh truyền hình, có những đám tang của giới quyền quý, dư tiền thừa bạc, đều có thuê những ban nhạc Jazz với âm điệu lâm ly bi đát theo sau quan tài để đưa tiễn người quá cố về miền cực lạc.

Hằng năm, vào đầu tháng 5, thành phố New Orleans vẫn tổ chức tuần lễ JAZZFEST tại trường đua ngựa Fair Grounds, quy tụ hàng mấy trăm ngàn khán thính giả hâm mộ nhạc Jazz khắp nơi và đem lại lợi nhuận cho thành phố nhiều triệu đôla. Những ai thích sưu tầm nhạc Jazz có thể mua những soạn phẩm của Benny Goodman, Gene Krupa, Duke Ellington, Harry James, Louis Armstrong, Chet Baker, Thelonius Monk, Ornette Coleman, Charlie Parker, Miles Davis, Art Blakey, Dizzy Gillespie. Mỗi nhạc sĩ đều tiềm ẩn một phong thái âm hưởng riêng biệt. Tiếng kèn Trumpet của Gillespie thanh thoát, nhẹ nhàng, chơi vơi, du lòng người vào cõi mộng lâng lâng... còn tiếng kèn của Louis Armstrong thì ai oán, tức tưởi, ngậm ngùi, nức nở... tưởng chừng như đưa lòng người hồi tưởng lại một thời xa xưa với một dĩ vãng buồn đau của kiếp đời nô lệ, dầy đặc đêm đen thời khai phá.

Đối với người dân New Orleans thì tên tuổi nhà nhạc sĩ trứ danh Louis Armstrong được tôn vinh như thần tượng có một không hai. Phi trường Quốc tế của New Orleans đã mang tên ông (Louis Armstrong International Airport). Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, đã có những nhạc sĩ đi sâu vào nhạc Jazz để nghiên cứu về những khuynh hướng nhạc Jazz cổ điển và những âm hưởng của thể điệu nhạc Jazz như: Blues, Ballads, Bebop... Âm thanh của nhạc Jazz là hồn sống của thành phố New Orleans. Bạn tới các quán rượu, nhà hàng, café, các cửa hàng bán đồ kỷ niệm, nhà quay Top Mart (World Trade Center)... đâu đâu cũng đều nghe thấy những tiếng kèn Trumpet hoặc Clarinet dìu dặt vang vọng.

DU THUYỀN - BẾN PHÀ – XE ĐIỆN

Giữa trưa nắng chói chang nồng nực của mùa Hạ (tháng 6,7,8) du khách phương xa về Châu thành Ngọc Lân còn được hưởng cái thú ngồi trên du thuyền Natchez, Cajun Queen hoặc Creole Queen chạy bằng bánh xe nước. Lênh đênh giữa dòng để tận hưởng làn khí hiu hiu mát mẻ trong lành cùng với tiếng kèn lúc dồn dập, lúc thanh thoát như du hồn người khách lạ vào cõi mộng viễn du. Dòng Mississippi mà các Sử gia đặt cho một cái tên kiều diễm: “dòng sữa mật của nước Mỹ” được đại văn hào Mark Twain động cập tới đã mê hoặc hàng triệu độc giả. Đêm đêm, ngồi trên hàng ghế ở bờ sông Mississippi ngắm Trời Trăng mây nước và thưởng thức âm thanh của nhạc Jazz cũng là một cái thú của người khách lạ phương xa.

Nếu bạn phóng khoáng và hâm mộ giới nghệ sĩ, bạn có thể tặng người nghệ sĩ lang thang đang ru hồn bạn chơi vơi trong tiếng kèn Trumpet một vài đôla, cũng là một điều nên làm. Ngoài cái thú ngồi trên du thuyền Natchez, Cajun Queen hay Creole Queen, nếu muốn, du khách có thể ngồi trên chuyến phà vận chuyển qua lại hai bờ của dòng Mississippi. Có ba bến phà: Chalmette, Canal (Downtown) và Gretna. Lênh đênh trên sóng nước, bạn có cảm tưởng đang ở trên phà “bắc” Mỹ Thuận hoặc “bắc” Cần Thơ năm xưa (bây giờ Nhà Nước CSVN đã xây cầu). Tuy nhiên, ở đây, không có cái thú chờ phà để thưởng thức cơm tấm bì sườn chả, cơm sườn nướng, nem nướng, chả giò, bún ốc, bún riêu, nem chua Cái Răng, mía ghim, ổi xá lị, chôm chôm, mận hồng đào, xoài cát, xoài tượng… chấm muối ớt, sầu riêng, dừa xiêm, mãng cầu, măng cụt... ôi thôi, đủ thứ, mùa nào thức ấy, của miệt vườn vùng Cửu Long giang ngọt ngào.

Về New Orleans, bạn còn được hưởng cái thú đi xe điện từ Downtown trải suốt dọc con đường St Charles dài hun hút dưới bóng mát tàng cây Oak cổ thụ với những lâu đài cổ kính hai ba trăm năm, tới tận vườn Bách thú Audubon Zoo. Con đường St Charles với khu Uptown là dấu tích của trung tâm thành phố New Orleans cổ kính ngày xưa. Các biệt thự, dinh thự có một quá trình lịch sử lâu dài này cũng là nơi tham quan thích thú của người khách lạ phương xa. Nguyên thủy, đường xe điện được hình thành từ năm 1835 rồi được chỉnh trang hoàn bị hơn vào năm 1893 và nhiều giai đoạn cải tiến cho tới ngày hôm nay. Cách đây không lâu, thành phố đã khánh thành tuyến đường xe điện nối từ Downtown tới City Park với những cột đèn mang dáng dấp cổ kính hấp dẫn du khách.

HẢI SẢN & THÚ ĐI CÂU

Tuy là một thành phố nhỏ nhưng lại là một thành phố du lịch và bến cảng New Orleans là cửa ngõ thông thương từ con sông Mississippi - phát nguyên từ thượng nguồn vùng núi đồi cao nguyên, không xa Ngũ đại hồ, miền cực Bắc giáp ranh biên giới giữa Canada và Hoa Kỳ - trải dài hàng mấy ngàn dặm, xuôi dòng tới tận vùng vịnh Mexico và vùng biển Caribbean; để từ đó phân phối hàng hoá xuyên qua Đại Tây dương (Atlantic) tới Âu Á Phi Châu và Nam Mỹ. 50% nông sản toàn nước Mỹ vận chuyển qua cửa khẩu New Orleans. Cũng vậy, mỗi ngày hàng ngàn sà-lan ngược dòng Mississippi, vận chuyển dầu lửa, hàng hoá nhập cảng khắp nơi, phân phối cho các Tiểu bang miền Trung-Bắc nước Mỹ. Chuyên chở hàng hoá ra vô trên dòng Mississippi là phương cách vận chuyển rẻ tiền nhất. Suốt dọc bờ biển Nam Hoa Kỳ như Arizona, Texas, Mississippi, Alabama, Florida đều mịn màng với những bãi cát trắng phau và tạo thành những bãi tắm lý tưởng cho mỗi độ Hè về.

Riêng chỉ có bờ biển Louisiana toàn là bùn sình lầy. Vì thế, cửa sông không bị cát lấn chiếm và tầu bè lớn nhỏ của Quốc tế tha hồ ra vô thoải mái. Bùn lầy là môi trường sinh thái thích hợp nhất cho rùa, cua biển, crawfish, sò và cá thủ (red fish). Đi câu ở những vùng như Empire, Buras, Venice, Golden Meadow... là một cái thú tuyệt vời của hàng ngàn người đủ mọi sắc tộc, đủ mọi mầu da. Chỉ vài ba tiếng là có đủ mọi thứ cá: thủ đen, thủ đường, cá hánh, cá đù, cá đối, catfish... Người Mỹ thích nướng than, người Việt thích ăn gỏi cá đù, cá hánh, nhưng cá thủ vẫn là ưu tiên hàng đầu của món gỏi cá độc đáo, vì thịt cá trắng, thơm, ngon và dai hết ý.

SUPERDOME

Vì là trung tâm giao thương hàng hải quan trọng bậc nhất của miền Nam nước Mỹ và muốn phát triển ngành du lịch cũng như thu hút giới hâm mộ thể thao, giới chức thành phố New Orleans quyết định xây nhà vòm thể thao Louisiana Superdome. Ngôi nhà này được khánh thành ngày 3 tháng 8, 1975. Cuối năm 1975, Tổng Giáo phận New Orleans tổ chức Mừng Năm Thánh tại nhà vòm Superdome mới mẻ này. Cộng đồng Công giáo Việt Nam, chân ướt chân ráo đã tích cực tham dự buổi lễ long trọng này. Tháng 10, 1987, Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II đã gặp gỡ Giới Trẻ Công giáo Hoa Kỳ tại đây. Được biết, kinh phí xây cất Superdome lên tới 500 (năm trăm) triệu đô thời bấy giờ. Có sức chứa 90,000 (chín mươi ngàn) chỗ ngồi thoải mái để tham dự những trận đấu bóng với bất cứ thời tiết nào. Ngoài ra, còn có những phòng họp dung nạp từ ba đến sáu ngàn người tham dự. Bãi đậu xe có thể dung nạp 40 (bốn mươi) ngàn chiếc. Ngôi nhà này cũng là nơi trú ngụ cho hàng chục ngàn người không có phương tiện di chuyển mỗi khi có bão. Hiện Louisiana Superdome vẫn còn là ngôi nhà vòm thể thao lớn nhất thế giới.

LAKE PONTCHARTRAIN CAUSEWAY

Cây cầu Lake Pontchartrain Causeway bắc qua biển hồ cùng tên (từ bờ khu thương mại sầm uất giầu có Metairie qua bờ dân cư trưởng giả Covington). Đây là hai cây cầu song song nhau, cả hai dài tới 23 miles 830 (dân chúng thường gọi là cầu 24 miles cho tiện việc sổ sách). Tính ra, cây cầu dài xấp xỉ 40 cây số (km) dài hơn xa lộ Sàigòn-Biên Hoà. Lái xe qua cầu phải mất ba mươi phút và dễ buồn ngủ, nhất là vào buổi trưa. Lake Pontchartrain Causeway hiện vẫn giữ quán quân là cây cầu dài nhất thế giới. Mỗi cầu có 2 lanes và một lane nhỏ phòng hờ xe cộ bị trục trặc (xin mở dấu ngoặc một chút cho vui: mỗi khi máy móc, xe cộ, máy truyền hình... bị trục trặc thì các đỉnh cao trí tuệ loài người (cán ngố) ở Bắc Bộ phủ Hà Nội gọi là “sự cố”).

Năm 1956, khánh thành cây cầu thứ nhất và mấy năm sau, hoàn thành cây cầu thứ hai. May mắn, trận bão Katrina 2005, cây cầu 24 miles không hề hấn gì, trong khi cây cầu Twin Span (dài gần 6 miles) từ New Orleans East qua Slidell, trên trục lộ huyết mạch I-IO bị hư hại và đã cho lưu thông sau 2 tháng sửa chữa. Hiện nay (2010), cây cầu Twin Span đã được xây cất hoàn toàn mới, tất nhiên rộng hơn, đẹp hơn, an toàn hơn… Nước biển ở vịnh Mexico đổ vào biển hồ Pontchartrain, rồi từ đó, chuyển vào các sông rạch khắp vùng New Orleans. Cũng cần ghi lại: Thành phố New Orleans thấp hơn mực nước biển từ 6 đến 12 ft, vì thế, hệ thống đê điều là một vấn đề sinh tử của người dân cư ngụ tại thành phố lòng chảo này - cũng giống như Hoà Lan (Netherlands = Holland), đất chật người nhiều, Chánh phủ phải xây dựng những công trình đắp đê ngăn nước. Trận bão Katrina 2005, sức nước và gió bão dồn vào hồ Pontchartrain như thác lũ, khiến một số đoạn đê, lâu ngày, không bảo quản đúng mức, bị bể, gây nên trận lụt thảm khốc. Thiệt hại hàng trăm tỉ Mỹ kim.

THE GREATER NEW ORLEANS BRIDGE (CẦU CON CÒ)

Thành phố New Orleans cũng như bang Louisiana sông rạch chằng chịt nên hệ thống cầu cống là một nhu cầu bức thiết nhất của thành phố. Nói đến cầu Mississippi hay The Greater New Orleans Bridge, bà con người Việt mình không ai để ý. Nhưng nói đến “Cầu Con Cò” thì nam phụ lão ấu, ai ai cũng biết và chấp nhận tên gọi. Sở dĩ có danh xưng này là vì mặt tiền của cầu có hình con Pelican (biểu tượng của bang Louisiana), thấy hao hao giống một loại cò thường bay lượn trên những cánh đồng luá vàng bát ngát miền Tây Nam Việt Nam, nên bà con ta đặt tên luôn là cầu con Cò cho dễ nhớ. Các cụ bảo: Chim hay cò cũng thế thôi.

Đây là chiếc cầu sắt bắc qua sông dài nhất nước Mỹ với 1,575 ft được nối liền hệ thống cao tốc khá tân kỳ. Đỉnh cao nhất của cây cầu cách mặt nước 350 ft. Cây cầu được hoàn thành năm 1958 với kinh phí 65 triệu đô thời bấy giờ. Cách đây không lâu, vì nhu cầu lưu thông từ trung tâm thành phố qua vùng thị tứ sầm uất Westbank, Chính quyền địa phương đã khánh thành cây cầu thứ hai, bắc song song với cầu Con Cò. Tổ hợp Kiến trúc sư vẽ đồ án thiết kế cũng hao hao gần giống như cây cầu cũ cho phù hợp nét thẩm mỹ của nghệ thuật kiến trúc. Mỗi đêm, hệ thống đèn trên đỉnh hai cây cầu được thắp sáng tăng thêm vẻ mỹ quan cho thành phố. Cách cầu Con Cò chừng mười dặm (theo đường chim bay), nhìn về hướng Tây, một cây cầu cũng đẹp và bề thế. Đó là cầu xe lửa mang tên Huey P. Long, (Thống đốc Louisiana 1928-1932). Đây cũng là hệ thống cầu xe lửa cao của nước Mỹ. Chính giữa cầu là hai đường rày xe lửa chạy song song. Hai bên bìa cầu dành cho đủ loại xe lưu thông, mỗi chiều hai lane chật hẹp. Những ai mới tập lái xe, chắc chắn vừa lái vừa run. Trong hai năm qua, hàng trăm nhân công đang ngày đêm thực hiện kế hoạch mở rộng thêm “lane” hầu đáp ứng nhu cầu vận chuyển của người dân. Từ đỉnh cầu cách mặt nước cũng tầm cỡ như cầu Con Cò, để các tầu lớn Quốc tế có thể lưu thông bên dưới cầu các dễ dàng. Tuy nhiên, đã từng có những thương thuyền lớn, vì thuyền trưởng, tài công bất cẩn đã chạm vào chân cầu, gây hư hại và nguy hiểm không ít.

LỄ HỘI MARDI GRAS

Ngoài những chứng tích lịch sử đã ghi ở những dòng trên, nói tới châu thành Ngọc Lân, phải nói tới dịp Lễ hội MARDI GRAS (tạm hiểu là Thứ Ba Béo). Ngược dòng lịch sử, Lễ hội Mardi Gras bắt đầu từ ngày 6 tháng Giêng hằng năm tới nửa đêm Thứ Ba, trước Thứ Tư Lễ Tro, mở đầu Mùa Chay Thánh của Giáo hội Công giáo. Từ Lễ Tro đến Lễ Lá – (gọi là Lễ Lá là để kỷ niệm các thiếu nhi Do Thái cầm lá dừa và lá vạn tuế đón mừng Chúa khải hoàn vào Thành Thánh Jerusalem) - trọn vẹn 40 ngày để ghi dấu Chúa dùng 40 ngày chay tịnh trước khi bước vào con đường khổ giá. Sau Lễ Lá là tuần Thương khó, tức Tuần Thánh: Chúa chịu khổ hình, chết trên Thập giá và Phục sinh khải hoàn.

Theo Cựu Ước Thiên Chúa giáo thì dân tộc Israel (Do Thái) được chọn là dân riêng của Chúa, còn tất cả đều là dân ngoại. Sau khi Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập thể Giáng trần được một tuần lễ, có ba nhà Đạo sĩ Phương Đông (dân ngoại) được linh ứng, quyết tới thành Bethlehem (Israel) để dâng Vua Hài Nhi: Vàng, Nhũ hương và Mộc dược. Giáo hội Công giáo thẩm định biến cố này là Ngôi Hai Thiên Chúa đón tiếp và mời gọi dân ngoại. Danh từ “Lễ Hiển linh” bắt nguồn từ đó. Đó cũng là lý do để những người tổ chức Lễ hội tha hồ ăn uống, vui chơi thoả thích. Nhưng họ cũng biết chấm dứt khi Mùa Chay Thánh tiến tới và các nhà tổ chức Lễ hội buổi ban đầu quyết định chấm dứt các cuộc ăn chơi vui đùa diễn hành... vào nửa đêm Thứ Ba, để Thứ Tư Lễ Tro mở màn Mùa chay. Tại châu thành New Orleans, Mardi Gras là ngày lễ lớn, tất cả trường học, công sở được nghỉ luôn ba ngày: Thứ Hai, Ba, Tư. Trong suốt hơn 200 năm qua, kể từ ngày lập quốc, người dân New Orleans hầu như liên tục tổ chức Lễ hội hằng năm, trừ những năm có Thế chiến.

Có những hội thiết kế xe diễn hành lâu đời như Comus xuất hiện ngay từ năm 1857, hội Rex từ năm 1872, rồi xuất hiện tuần tự như: Momus, Proteus. Zulu của người da mầu cũng bắt đầu xuất hiện từ năm 1916. Mỗi mùa Lễ hội, có tới trên dưới 150 xe diễn hành, đủ mọi mầu sắc, đủ mọi hình hài, nghiêm chỉnh cũng như quái dị. Lễ hội Mardi Gras hằng năm tại New Orleans thu hút hàng triệu du khách từ các Tiểu bang Hoa Kỳ và cũng có cả khách ngoại quốc nữa. Những tuần lễ trước Thứ Ba Béo (Mardi Gras), các đoàn diễn hành lẻ tẻ xuất hiện các vùng Westbank, Kenner, Metairie, Uptown, Chalmette... Nhưng đúng Thứ Ba Béo là cao điểm của Lễ hội, tất cả các xe đều tập trung về các con đường như St Charles, Claiborne... để tiến về đại lộ chính Canal là trung tâm điểm của Lễ hội. Rồi như còn tiếc rẻ, các đoàn xe lại tản mát về các vùng phụ cận như Covington, Slidel, Baton Rouge… diễn hành để vớt vát thêm cho thoả thích. Trước ngày diễn hành, Ban Tổ chức Trung ương còn lo bầu chọn King (Vua) Queen (Hoàng hậu) cho Lễ hội với tiệc tùng linh đình tốn kém. Trừ những người vai vế con ông cháu cha, còn bần dân, ai muốn được một chỗ ngồi trên xe diễn hành cũng phải nộp cả ngàn đô mới được vinh dự đó. Những người ngồi trên xe diễn hành được vinh dự ném những chuỗi hạt bằng plastic đủ loại, đủ kiểu, đủ mầu sắc gọi là “beads hoặc đồng tiền “doubloons”. Thẩy chuỗi hạt và tiền cũng như ly nhựa... là một truyền thống bắt buộc mà nếu không có “throws” là không có “Carnival”.

Những năm sau này, các chuỗi hạt và tiền được các nhà sản xuất làm rất đẹp để hấp dẫn du khách. Những chuỗi hạt dổm không ai thèm để ý tới. Liên tục các tối thứ Sáu, Bảy, Chủ Nhật, thứ Hai, thứ Ba Béo tại đường Bourbon, hàng trăm ngàn du khách tuốn về đây để uống rượu, bia thả giàn... và ngắm những bông hoa biết nói. Những năm sau này, một số thanh niên nam nữ đã tục hoá ngày Mardi Gras và đi quá xa. Nhiều cô gái con nhà lành chính hiệu, với dáng đẹp quyến rũ, lại thích phơi bầy thân thể một cách lộ liễu, khiến nhân viên công lực phải vất vả ngăn ngừa và chấm dứt tệ nạn quái đản này. Lễ hội chấm dứt lúc 12 giờ đêm Thứ Ba Béo để sáng Thư Tư Lễ Tro, những tín đồ Công giáo ngoan đạo tiến vào Giáo đường nhận tro, biểu lộ một nghi thức sám hối vì những ngày qua, ăn chơi trác táng. Nghi thức xức tro trên trán của Giáo hội Công giáo nhằm nhắc nhở người tín hữu: Con người từ bụi tro rồi sau cuộc sống dương thế, sẽ trở về tro bụi. Chỉ có cuộc sống vĩnh hằng trên Thiên quốc là trường cửu dành cho những linh hồn công chính..

GIÁO DỤC

Nói đến vấn đề Giáo dục, ai cũng nghĩ rằng Louisiana luôn luôn cầm đèn đỏ, vì được Liên bang xếp hạng thứ 49 trên 50 Tiểu bang (hơn được bang Mississippi). Thực ra, không hẳn như vậy. Chỉ riêng Quận Orleans với số dân da mầu chiếm đại đa số mà vấn đề Giáo dục chưa được coi trọng đúng mức, nên khả năng học vấn so với các Quận hạt khác có phần thua sút nhiều. Đại đa số người Mỹ trắng tại Quận Orleans lo lắng cho con em thụ giáo ở những trường tư nổi tiếng như Brother Martin, Jesuit, La Salle, Cabrini, Archbishop Shaw, Archbishop Blenk, St Mary Dominican, Mc Gehee, Mercy Academy, Sacred Heart, Mount Carmel Academy, The St. Paul’s School...

Tiểu bang Louisiana có trường Trung học kiểu mẫu (nội trú) tại Natchitoches dành cho những học sinh ưu tú. Về Đại học, ngay tại New Orleans cũng có những trường nổi tiếng như Loyola, Xavier, LSU (Louisiana State University), UNO (University of New Orleans). Trường Đại học Y khoa Tulane đứng hàng thứ 6 của toàn quốc. Đã có nhiều Bác sĩ trẻ người Việt tốt nghiệp tại trung tâm giáo dục này...

ĐỘI BANH NEW ORLEANS SAINTS

New Orleans Saints là một đội banh Bóng đá chuyên nghiệp của người Mỹ có trụ sở tại New Orleans, Louisiana. Đội banh hiện tại đang giữ danh dự “Vô Địch” của Liên đoàn Bóng đá Quốc gia (National Football League=NFL) và thuộc khu vực phía Nam của Liên đoàn.

New Orleans Saints (Saints có nghĩa là “Các Vị Thánh” của Giáo hội Công giáo trên Hoàn vũ, được kính trọng thể vào ngày 1.11 hàng năm) thành lập ngày 01 Tháng 11 năm 1966 và liên tục phát triển. New Orleans Saints bắt đầu giao đấu tại sân vận động nhà là Tulane cho tới qua mùa banh năm 1974. Từ năm 1975, sân vận động nhà của New Orleans Saints là Louisiana Superdome, ngoại trừ năm 2005 bị gián đoạn do trận Bão Katrina.

Đội bóng đạt được thành công kể từ năm 1987-1992, khi đội vào được playoffs bốn lần. Sau đó, vào năm 2000, New Orleans Saints đã đánh bại đội vô địch lúc đó là St. Louis Rams, giành chiến thắng để vào playoff.

Sau đó, New Orleans Saints đạt đến NFC Championship Game vào năm 2006 nhưng bị thảm bại trước đội Chicago Bears với tỉ số quá cách biệt 39-14. Mãi đến mùa bóng 2009, sau nhiều chiến thắng vòng loại liên tiếp, New Orleans Saints đã vào được chung kết vào chiều tối Chủ Nhật, 7.2.2010.

Trong trận thư hùng này diễn ra tại Miami, Florida để giành SUPER BOWL CUP 44, New Orleans Saints đã đạt vinh quang trước đội Indianapolis Colts với tỉ số cách biệt 31-17. Đây là chiến thắng huy hoàng nhất sau 43 năm mong mỏi, chờ đợi. Cả thành phố New Orleans bừng lên cơn sốt vỡ da. Và Thứ Ba, 9.2.2010, Châu thành Ngọc Lân tổ chức SAINTS VICTORY PARADE thật hoành tráng tại trung tâm thành phố để vinh danh nhà dìu dắt cũng như các cầu thủ đã tận lực giành vinh quang. Đây là niềm tự hào chẳng những của gần một triệu người dân New Orleans mà còn là niềm hãnh diện chung của người dân Louisiana cũng như Mississippi, Alabama...

Coach Sean Payton là nhà dìu dắt đội New Orleans Saints trong những năm qua. Năm 2006, ông được bình chọn là Nhà dìu dắt xuất sắc nhất trong làng bóng đá Hoa Kỳ. Chủ của đội banh là gia đình Tom Benson và Rita Benson LeBlanc. Giám đốc điều hành là Mickey Loomis.

Trên đây chỉ là một vài nét giản lược của người viết, giới thiệu đôi nét về thành phố tuy nhỏ bé nhưng thân thương. Đối với tập thể người Việt tị nạn, thì mảnh đất New Orleans này đã mở rộng vòng tay nhân ái đón tiếp, hỗ trợ và đại đa số từng bước, tập thể người Việt chúng ta đã tích cực đóng góp xây dựng và phát triển thành phố theo khả năng từng cá nhân, từng gia đình. Tập thể người Việt tại Châu thành thân thương này hãnh diện và hiên ngang cùng sánh vai với các chủng tộc, cộng đồng bạn.

Biến cố đau thương do thiên tai Katrina 2005 đổ xuống, bao phủ một mầu đen ảm đạm chết chóc tàn phá, tập thể người Việt tại đây cũng cùng chung phần số. Nhà cửa tài sản tan hoang, có cả những người Việt thiệt mạng tại Chalmette. Cách đây 5 năm, đi qua những vùng như Lakeview, New Orleans East, Chalmette... lòng quặn thắt niềm đau. Trong biến cố bi thương này, không nhiều thì ít, mỗi người đều cảm thấy mất mát từ tinh thần lẫn vật chất. Tuy nhiên, với thời gian 5 năm qua đi - mặc dầu những khó khăn - với quyết tâm, tập thể người Việt sát cánh với các sắc tộc bạn, cùng chung tay hướng tới một tương lai tươi sáng hơn…

Châu thành Ngọc Lân, giữa mùa biển động 2010