LỄ MỪNG KIM KHÁNH XÂY DỰNG NHÀ THỜ TUY HÒA

Tại nhà thờ Tuy Hòa, ngày 27 tháng 08 năm 2010

Hôm nay chúng ta long trọng mừng Kim Khánh xây dựng nhà thờ giáo xứ Tuy Hòa, (1960-2010), đồng thời cũng là Lễ Trạm mừng Năm Thánh tại giáo hạt Phú Yên. Đây là một biến cố trọng đại đối với giáo phận Qui Nhơn nói chung và đối với giáo xứ Tuy Hòa nói riêng, vì biến cố này diễn ra trong bối cảnh Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, là thời gian mà mọi người được mời gọi nhìn về quá khứ với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì bao ân sủng Ngài đã ban, và nhìn về tương lai để cùng nhau xây dựng và canh tân Giáo Hội, giáo xứ và cuộc sống mỗi người theo định hướng Tin Mừng.

Nhưng tại sao phải tổ chức một cuộc lễ hoành tráng như thế này để mừng kỷ niệm ngày xây dựng một công trình vật chất? Ngày nay các dân tộc muốn khám phá và khẳng định bản sắc của mình bằng cách tìm về với những công trình văn hóa. Người ta phân biệt hai loại hình văn hóa: vật thể và phi vật thể. Có những loại hình văn hóa phi vật thể như phong tục, lễ hội, truyện tích, tục ngữ, ca dao, v.v; cũng có những loại hình văn hóa mang tính vật thể như các công trình kiến trúc, điêu khắc, vật dụng dân gian, v.v. Không ai có thể chối cãi được rằng trong các loại hình văn hóa dù là vật thể hay phi vật thể của một dân tộc, yếu tố tôn giáo chiếm một phần rất đáng kể.

Trải qua dòng thời gian nửa thế kỷ, trải qua bao cảnh vật đổi sao dời, nhà thờ Tuy Hòa với dáng đứng sừng sững hiên ngang như trơ gan cùng tuế nguyệt, đối với cư dân thành phố này quả thực là một công trình văn hóa. Tháp chuông cao vút lên trời tựa như cây bút ghi chép lên trang giấy trời xanh những sự kiện đang diễn ra trên mặt đất. Mỗi sáng khi thành phố còn chìm trong bóng tối muộn màng, ngọn tháp hình bó đuốc là nơi đầu tiên đón nhận ánh bình minh như để báo hiệu một ngày tươi sáng. Cả những lúc mây mù sấm chớp, giông tố cuồng phong, tòa tháp vẫn cứ đứng yên vững vàng, như để khẳng định với mọi người rằng khó khăn thử thách nào rồi cũng qua.

Văn hào người Nga, ông Aleksandr Solzhenitsyn, đã ca tụng các ngôi nhà thờ bằng những lời lẽ như sau: “Từ thuở nào con người vẫn ích kỷ nhỏ nhen. Nhưng chiều về, khi tiếng chuông đổ hồi trên thôn xóm, trên đồng ruộng, trên núi rừng, người người dừng lại, ngẩng nhìn và ra khỏi cuộc sống thấp hèn của họ. Cha ông chúng ta đã để lại phần cao quí nhất của các ngài, tâm tình của các ngài vẫn còn ghi khắc trong những viên đá này, trong những tháp chuông này”. Không chỉ là một công trình văn hóa, nhà thờ Tuy Hòa cũng như bao nhà thờ khác trên toàn thế giới còn là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian và là biểu hiệu của Hội Thánh.

Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và con người có thể gặp gỡ Ngài trong vũ trụ thiên nhiên. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng hiện diện cách đặc biệt tại những nơi thánh, cụ thể như đền thờ Giêrusalem của người Do-thái hay các nhà thờ Kitô giáo, nhất là những nhà thờ có đặt Mình Thánh Chúa. Khi vua Đavit ngỏ ý muốn xây cho Chúa một ngôi đền thờ xứng đáng, Chúa cho ông biết rằng Ngài không đòi hỏi điều đó, vì từ trước đến nay Ngài vẫn hiện diện và đồng hành với dân trong lều tạm. Tuy nhiên Ngài sẵn sàng chấp nhận dự án và chúc phúc cho ngôi đền thờ do Salômôn xây cất, để đền thờ trở thành nơi hiện diện đặc biệt của Ngài ở giữa dân Ngài, thành nơi thờ phượng tôn nghiêm và xứng đáng, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa trong kinh nguyện, lắng nghe lời Chúa dạy bảo và nhận được phúc lành của Ngài, như chúng ta vừa nghe trong đoạn sách Các Vua quyển thứ nhất (1V 8,55-61) ở bài đọc I.

Tạ ơn Chúa nhân ngày kỷ niệm 50 năm nhà thờ được xây dựng cũng có nghĩa là tạ ơn Chúa vì sự hiện diện đặc biệt của Chúa giữa cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tuy Hòa trong suốt 50 năm qua. 50 năm Chúa cùng đồng hành với các tín hữu, chia vui sẻ buồn với họ, chấp nhận lời cầu nguyện của họ và ban nhiều ơn lành xuống trên họ. Chính tại nơi đây trong suốt 50 năm qua, Chúa đã đón nhận biết bao nhiêu người và biến họ thành con cái Chúa qua bí tích rửa tội; Chúa đã ban dồi dào Thánh Thần xuống trên họ qua bí tích thêm sức; Chúa đã ban ơn tha thứ và thanh tẩy lương tâm cho biết bao nhiêu tội nhân qua bí tích giải tội; Chúa đã chứng nhận, kết hợp và chúc phúc cho biết bao đôi tân hôn qua bí tích hôn phối; Chúa đã đón nhận và dẫn đưa các linh hồn lìa trần về với Chúa qua các thánh lễ an táng. Đặc biêt, hằng ngày Chúa vẫn giảng dạy qua lời Thánh Kinh để củng cố đức tin của các tín hữu, cũng như nuôi dưỡng họ bằng bí tích Thánh Thể được cử hành do các thừa tác viên của Hội Thánh.

Ngoài ra, nhà thờ còn là biểu hiệu hữu hình của Hội Thánh Chúa trên trần gian. Trong phần lớn ngôn ngữ các nước Tây Phương, người ta sử dụng cùng một từ vừa để chỉ Hội Thánh, vừa để chỉ nhà thờ. Ngôi nhà thờ được xây lên từ những viên đá là hình ảnh Hội Thánh như một cộng đoàn hiệp thông gồm những người tuyên xưng cùng một niềm tin vào Đức Kitô. Và để nói lên tính sống động của Hội Thánh cũng như sự liên kết chặt chẽ giữa các tín hữu trong Hội Thánh với Đức Kitô, hình ảnh cây nho và cành nho mà Chúa Giêsu nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 15,1-11) được áp dụng hết sức chính xác cho Hội Thánh. Hội Thánh không chỉ là một ngôi nhà bằng đá, nhưng còn là một thân thể sống động đang lớn lên mỗi ngày. Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhà thờ vẫn luôn là biểu tượng của một Hội Thánh sống động. Còn gì buồn thảm cho bằng một ngôi nhà thờ bị biến thành bảo tàng viện hoặc không còn người lui tới.

Có những người lý luận rằng Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi nên không cần đến nhà thờ. Họ nên nhớ rằng con người cần đến những biểu hiệu bên ngoài để khơi dậy những tâm tình bên trong. Con người cũng cần những biểu hiệu tôn giáo để được dẫn đưa vào thế giới thần linh và để khơi dậy những tâm tình thiêng liêng. Do đó người chủ trương giữ đạo tại tâm, không cần đến nhà thờ, là tự lừa dối mình. Đến nhà thờ, đức tin của người tín hữu được nâng đỡ một cách tối đa. Khi tham dự việc thờ phượng công cộng tại nhà thờ, người có đức tin mạnh có thể giúp củng cố đức tin của người yếu đức tin. Đến nhà thờ, người tín hữu được bổ dưỡng và tăng sức bằng Lời Chúa và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.

Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chỉ có 11 câu mà Chúa Giêsu đã lặp đi lặp lại đến 11 lần hai chữ “ở lại”. Chúa tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta ở lại trong Ngài như cành nho dính liền với thân nho. Hai chữ “ở lại” diễn tả cách sâu sắc bản chất của tình yêu, vì tình yêu khiến người ta kết hiệp với nhau mãi mãi không hề rời xa nhau. Yếu tố khiến cho Hội Thánh thực sự trở thành một cộng đoàn hiệp nhất và hiệp thông là chính tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nhà thờ là nơi qui tụ cộng đoàn hiệp thông ấy để cùng nhau dâng lời cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu và hiệp nhất, nhờ đó cộng đoàn ngày càng lớn lên trong đức tin và đức ái.

Tạ ơn Chúa nhân ngày kỷ niệm 50 năm nhà thờ được xây dựng cũng có nghĩa là tạ ơn Chúa vì sự trưởng thành, lớn mạnh, của cộng đoàn giáo xứ Tuy Hòa; tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho giáo xứ các vị tiền nhân công đức cao dày, các vị mục tử nhiệt thành tận tụy, các vị ân nhân tốt lành quảng đại, trong suốt 50 năm qua, khiến cho giáo xứ có được như ngày hôm nay. Trong phần mở đầu bức thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô mà chúng ta vừa nghe ở bài đọc II (1Cr 1,3-9), thánh Phaolô đã cho biết ngài hằng cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu ân huệ Chúa đã ban xuống cho các tín hữu trong Đức Giêsu Kitô, để họ được nên phong phú về mọi phương diện. Và ngài khẳng định rằng chính Thiên Chúa sẽ làm cho các tín hữu nên vững chắc đến cùng. Nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục gìn giữ cộng đoàn giáo xứ Tuy Hòa của chúng ta trong tình yêu thương của Ngài.

ĐÔI LỜI DẪN NHẬP TRƯỚC THÁNH LỄ

Trọng kính Đức Cha Vinh Sơn, Giám mục chính tòa Ban Mê Thuột,

Kính thưa Cha Hạt Trưởng Phú Yên và cũng là Cha sở giáo xứ Tuy Hòa,

Kính thưa quí Cha Hạt Trưởng, quí Cha trong và ngoài giáo phận, quí Bề trên các Hội Dòng, quí thầy phó tế, quí tu sĩ nam nữ, chủng sinh, quí ân nhân, quí khách và toàn thể quí ông bà anh chị em rất thân mến,

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các vị tiền nhân, ân nhân, hôm nay chúng ta cùng họp nhau đây để long trọng cử hành thánh lễ tạ ơn mừng Kim Khánh nhà thờ Tuy Hòa (1960-2010), đồng thời cũng là Lễ Trạm mừng Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam tại giáo hạt Phú Yên.

Kết hợp lễ mừng Kim Khánh với Lễ Trạm mừng Năm Thánh, chúng ta như những khách hành hương muốn dừng chân chốc lát, để nhìn lại quãng đường đã qua trong niềm tri ân cảm tạ và hướng về phía trước để canh tân và dấn thân cho Thiên Chúa và tha nhân, trở thành chứng nhân giữa dòng đời.

Đây là biến cố rất quan trọng không những đối với giáo xứ Tuy Hòa, giáo hạt Phú Yên, mà còn đối với toàn thể giáo phận Qui Nhơn, biến cố đánh dấu một trang sử ghi lại quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng dân Chúa tại miền đất thân yêu này. Chính bối cảnh Năm Thánh càng đem lại cho ngày lễ hôm nay thật nhiều ý nghĩa, vì sự trưởng thành của giáo xứ Tuy Hòa được khẳng định trong sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam, dưới ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.

Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho các vị tiền nhân, các vị ân nhân, đã góp công góp của để xây dựng, gìn giữ, tô bồi ngôi thánh đường này. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho toàn thể cộng đoàn mà ngôi thánh đường này là điểm qui tụ và là biểu tượng.

Giờ đây, cùng với tâm tình tri ân, chúng ta hãy thành tâm sám hối mọi tội lỗi, để của lễ tạ ơn chúng ta dâng lên trước tôn nhan Chúa hôm nay đáng được Chúa thương chấp nhận.