Tôi yêu thích văn thơ từ bé. Cũng vì sự yêu thích này mà mắt tôi mới bị cận thị rất sớm. tôi đọc bất cứ gì có trong tầm tay. Thượng vàng hạ cám. Nhưng đặc biệt đối với Thơ, tôi có năng khiếu rất sớm nên hồi tiểu học tôi luôn được điểm cao khi phải trả bài những bài học thuộc lòng là những bài thơ trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Và theo tôi, đây là khởi đầu của những chất liệu và giai điệu của các ca khúc tôi viết sau này.

Ca khúc đầu tay của tôi là một bài hát phổ thơ của một thi sĩ học trò ở Sóc Trăng, tác giả một tập thơ tôi quên cả tên tập thơ và tác giả. Năm đó tôi khoảng 16 tuổi. Sau này những ca khúc của tôi hầu hết là những bài thơ, hay ca từ thật thơ.

Những ca khúc đầu tay bởi thế là những bài tình ca chứ không phải thánh ca. Có hai bài làm tôi được anh em trong lớp biết đến là bài “Trầm Khúc” và “Tâm Sự Chiếc Áo Dòng”

Sau 30 tháng 4 năm 1975 Chủng Viện đóng cửa tôi nằm nhà cả năm trời nên tôi tiếp tục sáng tác tình ca. Và với sự giúp đỡ của một tên bạn lúc đó ra làm việc tại văn phòng xã giúp tôi giấy, mực in và stencil với bàn in tự đóng, tôi in được khoảng 50 cuốn nhạc gồm khoảng 20 bản nhạc tôi viết trong vòng mấy năm. Tôi không biết có ai còn giữ được tập nhạc này không. Riêng tôi thì chẳng giữ được một bản thảo nào của các sáng tác đầu tay ấy. Hiện giờ tôi chỉ còn nhớ được có 3 bản nhạc của thời ấy thôi.

Cũng thời gian nằm nhà và giúp xứ nhà, tôi phụ trách ca đoàn, từ đó tôi mới bắt đầu viết thánh ca. Bản thánh ca đầu tay tôi viết là một bản dâng lễ. Và cũng thật thú vị, sau này, những bản thánh ca nổi tiếng của tôi cũng là những bài dâng lễ. Khuynh hướng viết các bài hát dâng lễ của tôi là do hoàn cảnh lúc đó và sau này khi tôi đi giúp xứ là các bài hát cho phần dâng lễ rất ít và nghèo nàn. Nên khi tìm không được trong các sách hát, tôi viết lấy để cho ca đoàn hát.

Hai bài dâng lễ nổi tiếng của tôi là bài “Một Niềm Phó Thác” và bài “Con Dâng Chúa” được viết trong thời gian tôi đi giúp xứ từ 1978-1981. Hai bài hát này ngay từ khi chào đời đã được mọi người đón nhận thật ưu ái. Và nó theo đoàn người vượt biên ra khỏi Việtnam đi khắp nơi trên thế giới nhưng hầu như không ai biết mặt mũi tác giả nó là ai. Đây cũng là thời gian tôi sáng tác mạnh nhất. Đa số các bài hát của giai đoạn này vẫn còn được nhiều người yêu mến.

Từ năm 1981 -1985 là thời gian lao đao nhất của tôi. Chỉ khoảng 4 tháng ngắn ngủi được ở ngoài trại giam, còn số tháng ngày còn lại của 4 năm này tôi nằm trong hàng rào nhà tù và trại cải tạo.

Lần tù đầu 14 tháng tôi viết được 10 bài ngục ca. Tôi chép vào trong một tập vở trong ngày nghỉ và đem được về nhà lần tôi được thả vào tháng 9 năm 1982. Sau đó tôi đi vượt biên và bị bắt lần thứ hai thì tập nhạc này tôi để ở nhà và nó đã biến mất không tìm ra tung tích.

Trong khi chuẩn bị cho chuyến vượt biên lần thứ hai, tôi sống lén lút ở Sàigòn, và tôi viết được một tập thơ và 2 bài hát. Cả hai bài này đều có dấu ấn đặc biệc nhưng bài “Thành Phố Nỗi Buồn” là bài được nhiều người thích nhất ngay từ khi nó được tôi hát cho các bạn tôi nghe. Mới đây, cha Nguyễn Sang và Ca Sĩ Khánh Ly hát trong buổi tiệc gây quỹ làm nhiều người xúc động vì nó gợi lại một thời gian khổ đã qua.

Thời gian này tôi chỉ viết được hai bài thánh ca là bài “Chuỗi Đời Lời Kinh” và một bài hát về Lễ Giáng Sinh mà hiện thời tôi chưa có giờ viết lại. Sau đó tôi tạm ngưng viết thánh ca cho đến khi tôi đến được trại tị nạn Pulau Bidong. Trong buổi tham dự thánh lễ trên đồi tôn giáo, tôi nhìn ngang hông nhà thờ, thấy một hàng chữ trên một tấm áp phích dán ở tường nhà xứ “Jesus was a refugee”. Tự nhiên dòng nhạc ‘Chúa đã là một người dân viễn xứ…’ nảy ra trong đầu tôi. Lúc đó tôi không có giấy bút nên tôi mới hỏi anh bạn bên cạnh ‘cậu có giấy bút không?’ Hắn lục túi được một mẩu bút chì và một miếng giấy bằng bàn tay đưa tôi. Tôi vội ghi xuống giấy dòng nhạc này. Và sau lễ tôi về ngay chỗ ở, kẻ nhạc và viết một mạch bài “Chúa Đã Là Người Tị Nạn”, bản thảo tôi ghi ngày viết bài hát này là 15/5/1986, 5 ngày sau khi tới Pulau Bidong. Sau đó ít lâu khi tôi phụ trách ca đoàn thiếu nhi trong trại tôi đã tập bài hát này cho các em hát trong các thánh lễ. Tôi cũng viết một số bài hát khác để các em hát trong thánh lễ vì tài liệu bài hát rất hiếm ở trại tị nạn. Một trong những bài hát ấy là bài “Lời Kinh Trên Dòng Đời” (30/9/1986) mà bây giờ được rất nhiều người ưa thích.

Qua định cư tại Brisbane, tôi có sáng tác một hai bài tình ca. Sau đó ngưng không viết gì nữa. Khoảng tháng 7 năm 1986, tôi qua Perth, lúc đầu với ý định thăm chú em họ đang ung thư giai đoạn cuối, rồi sẽ trở lại Brisbane. Nhưng Chúa có ý định của Ngài nên dun dủi cho tôi gặp được Đức Cố Tổng Giám Mục Foley. Cuộc gặp gỡ này đã làm tôi quyết định ở lại Perth, và trở lại chủng viện một năm sau đó. Trong thời gian này, tôi đi làm trong tuần và cuối tuần đi sinh hoạt thiếu nhi và tập hát chung với ca đoàn Cecilia. Giai đoạn này được dánh dấu bằng bài “Nơi Tha Hương”, mà lúc viết tôi lấy tựa là Kinh Tị Nạn, khoảng tháng 9 năm 1987.

Bài Chúa Đã Là Người Tị Nạn là bài hát làm chủ đề cho CD thứ hai cùng với bài Nơi Tha Hương và một số bài viết sau này và trước kia của tôi gom lại để thành album nhạc Chúa Đã Là Người Tị Nạn.

Trước khi qua Adelaide học, tôi viết hai bài hát cho đám cưới của một huynh trưởng thiếu nhi vào cuối năm 1988, đó là bài “Tân Hôn” và bài “Khúc Hát Mùa Xuân”. Bài Tân Hôn cũng trở thành bài hát được nhiều người ưa thích. Còn bài Khúc Hát Mùa Xuân là bài tôi thích trình diễn trong các đám cưới với điệu Cha Cha Cha, cũng được nhiều người thích, nhưng lại không thích hợp hát trong thánh lễ hôn phối vì “nhộn” qúa.

Tôi ngưng viết nhạc một thời gian dài khi nhập chủng viện Thánh Phanxicô ở Rostrevor, thành phố Adelaide vì phải lo học và làm bài túi bụi không còn cảm hứng để viết nữa. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn làm thơ để giữ lửa. Nhờ vậy niềm cảm hứng vẫn dễ khơi dậy khi gặp cơ duyên.

Sau khi chịu chức tôi được bài sai về làm cha phó tại giáo xứ Greenwood. Thời gian này là thời gian tuyệt vời của những năm đầu đời linh mục. Đây là thời gian tập làm mục vụ và học hỏi. Công việc không qúa bận rộn và vì làm cha phó nên không có trách nhiệm nhiều, nên tôi có giờ thảnh thơi thăm viếng giáo dân, và mỗi chiều đi bộ chung quanh giáo xứ. Thời gian này tôi lai rai viết thêm một số bài hát đám cưới, sau này gom lại thực hiện album “Ngợi Ca Tình Yêu” là CD đầu tay của tôi do cha Đồng Văn Vinh phát hành vào khoảng giữa năm 1999 lúc tôi đang làm cha phó ở xứ Mirrabooka cho cha chính xứ Don Sproxton, người sau này trở thành giám mục phụ tá của Tổng Giáo Phận Perth. Thời gian ở Mirrabooka này tôi cũng viết được hai bài hát là bài “Tình Trời Cơn Mưa” và bài “Xin Chở Che Con” sau này được bỏ vào trong CD “Chúa Đã Là Người Tị Nạn”.

Tôi xin Đức Tổng Hickey cho tôi ra coi xứ ở miền quê để học hỏi về đời sống của nông dân Úc. Và đầu năm 2000 tôi được bài sai đi coi xứ Corrigin-Kulin là xứ nằm ở miền trung tâm vành đai lúa mì (The Central of Wheatbelt) của Tây Úc. Đây là giáo xứ có diện tích lớn nhất của vùng này với 7 nhà thờ. Nhà thờ gần nhất là 50 cây số và xa nhất là 110 cây số. Vì phải lái xe đi dâng lễ các nơi trung bình khoảng 500 cây số mỗi cuối tuần, nên tôi được hòa trộn với bao la của đất trời trên những chuyến đi ngang dọc giáo xứ này. Những buổi chiều Hè trời ửng một màu hồng trên những tàn cây bên đường, hay những bóng mây che mặt trời, rọi xuống những tia nắng như những vầng hào quang rực rỡ trên nền trời, là những hình ảnh nên thơ và tuyệt đẹp. Rồi khi Xuân về, những cánh đồng trồng Lupin toàn một màu trắng như một thảm tuyết trong sương sớm, nối tiếp là những cánh đồng vàng rực rỡ của hoa Canola xen kẽ với màu xanh của những cánh đồng lúa mì đang kỳ trổ bông ngậm hạt. Bức hoạ thiên nhiên hùng vĩ này sẽ mãi nằm trong tâm tưởng tôi mỗi khi nhớ lại.

Thời gian này tôi viết ít nhưng nghe nhạc nhiều trên những chuyến xe xuôi ngược cũng như những buổi chiều ở nhà. Nhờ vậy tôi sáng tác được một số bài hát có giá trị cao trong số đó ba bài “Ngọt Ngào Tình Yêu”, “Lênh Đênh Phận Người”, và “Tình Chúa Yêu Con”, được nhiều người yêu thích. Tôi gom những bài này và một hai bài viết trước đây lại thực hiện album “Một Niềm Phó Thác” phát hành năm 2002 và buổi ra mắt CD này được dành để gây quỹ xây Nhà Thờ Chính Tòa Lạng Sơn. Đây là album nhạc tôi ưng ý nhất.

Tôi tiếp tục sáng tác với nội lực dồi dào và do sự gợi ý của cha Nguyễn Hùng Cường tôi thực hiện chung một album với những sáng tác của hai anh em. Đó là CD “Yên Vui Một Đời” phát hành năm 2004 tại Mỹ và Úc, khi tôi đã về làm cha xứ tại Bayswater được một năm. Các bài hát của tôi trong CD này tôi viết với âm hưởng dân ca Việtnam, hay đúng hơn là với âm hưởng dân ca Nam Bộ, đặc biệt bài “Ngài Là Bến Đợi”.

Năm 2006, Cha Đồng Văn Vinh có đề nghị xin những sáng tác của tôi để làm một CD để kỷ niệm 10 năm linh mục. Tôi trích những sáng tác mới và cũ hợp với chủ đề đưa cho cha ấy để thực hiện CD “Trong Tình Yêu Chúa”. Sau khi cha Vinh phát hành CD này ở Úc, tôi nhờ cha Nguyễn Hùng Cường làm lại bià và giao cho Trung Tâm Thánh Ca Mới phát hành bên Mỹ. Bià của CD phát hành bên Mỹ này là hình bià đẹp và có nét nghệ thuật nhất trong các CD của tôi đã phát hành.

Thời gian làm cha xứ ở Bayswater là thời gian tôi sáng tác khá đều tay nên năm 2008 khi cha Châu Hoàng Ngọc nhờ tôi giúp tài chánh để xây nhà thờ Họ Đạo Lacua của Giáo Xứ Thới Bình, Càmau, tôi thực hiện CD “Ngài Mãi yêu Con” với 3 bài tôi dành riêng để cha Ngọc hát. CD này tôi nhờ nhóm ‘Ngô Music’ phụ trách phần hoà âm và thu âm nên có nét hoà âm khác tất cả những CD trước do nhóm Ngọc Linh & Phanxicô phụ trách.

Và năm nay, 2010, do gợi ý của Ban Thường Vụ Hội Đồng Mục Vụ Cộng Đoàn Công Giáo Việtnam Tây Úc, tôi thực hiện CD mới nhất “Xin Dâng Lên Cha”, để gây quỹ xây nhà xứ và Trường Việt Ngữ. Các bài hát trong CD này là những sáng tác mới nhất của tôi và phần hoà âm của nhóm Ngô Music rất thích hợp với những sáng tác này.

40 năm kể từ ngày tôi bập bẹ viết nhạc đến nay là một đoạn đường dài. Trên từng chặng đường, các bài hát là những đứa con tinh thần được sinh ra ghi dấu từng giai đoạn sống đã trải nghiệm qua. Riêng những bài thánh ca, chiếm khoảng ¾ của các tác phẩm, còn là những tâm tình, những trăn trở và những lời cầu nguyện của một Kitô Hữu dâng lên Thiên Chúa, xuất phát từ những xúc cảm thật sự khi cọ xát với cuộc sống cùng những vui, buồn, sướng, khổ nó tạo ra.

Xin được chia sẻ và cống hiến cho mọi người những đứa con tinh thần này. Mong rằng chúng sẽ được nằm trong mớ hành trang của quý vị dong duổi trên đường đời.

Video phần I: VietCatholic phỏng vấn Linh Mục Nhạc Sĩ Mộng Huỳnh.

Perth 2010