GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM SAU 30 NĂM HỘI NHẬP VÀ ĐỒNG HÀNH

Khi học Triết năm 1967 và 1968, tôi đã học về Các Mác, Ông Tổ của Chủ Nghĩa Duy Vật, từ đó phát sinh Chủ nghĩa Xã Hội và Chủ nghĩa Cộng Sản.

Lúc bấy giờ, tôi chỉ biết Chủ nghĩa Duy vật, hay Chủ nghĩa Xã hội và Cộng sản trên lý thuyết. Nhưng từ Năm 1975, tôi biết Chủ nghĩa Xã hội và Cộng sản cụ thể hơn. Vì tứ lúc bấy giờ Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu nắm quyền cai trị Việt Nam với quyết tâm: “Tiến mạnh, tiến nhanh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội”. Nhưng sau đó khoảng 10 năm, có lẽ vì nhận ra sự thật là không thể đốt giai đoạn, không thể hủy bỏ thời kỳ quá độ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải chủ trương “HIỆN ĐẠI HOÁ VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ ĐẤT NƯỚC” với Nền Kinh tế Thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa” đa thành phần, trong đó không chỉ có Xã hội và Cộng sản, nhưng còn có Tư bản.

Nhờ sự đổi mới đó, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Đời sống người dân “dễ thở” hơn, sung túc hơn, tiện nghi hơn, nhưng vẫn còn đó những khó khăn.

Còn vấn đề tôn giáo thì sao?

THÁI ĐỘ CỦA CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI CÁC TÔN GIÁO

Ai cũng biết, chủ trương căn bản của Chủ nghĩa Duy vật, từ đó phát sinh Chủ nghĩa Xã hội và Cộng sản là đề cao vật chất và con người. Do đó Chủ nghĩa Duy vật hay Xã hội và Cộng sản không chấp nhận sự hiện hữu và can thiệp của thần linh. Chính vì thế Chủ nghĩa Duy vật hay Xã hội và Cộng sản là chủ nghĩa vô thần, coi tôn giáo là thuốc phiện, là lực cản đối với sự tiến bộ của xã hội loài người.

Xuất phát từ quan niệm đó, theo Ông Phạm Việt Anh, Ông Ăngghen xác quyết rằng: “Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội không thể nào không xoá bỏ tôn giáo, như là xoá bỏ một thành luỹ của sự trì trệ, bảo thủ, lỗi thời, lạc hậu, của nguồn gốc cho những sai lầm trong nhận thức và tư duy của con người” (Trong Bài “Quan điểm Chủ Nghĩa Mác – Lênin về Tôn giáo và Giải quyết vấn đề Tôn giáo trong Chủ nghĩa Xã Hội” của Phạm Việt Anh, 12-12-2007, truy cập qua www.google.com.vn: “Quan điểm của Mác – Lênin về Tôn giáo).

Cũng theo Ông Phạm Việt Anh, Ông Ăngghen đã cực lực phê phán thái độ bài tôn giáo cực đoan của Đuy-rinh, vì làm như vậy là "giúp cho tôn giáo đạt tới chỗ thực hiện tinh thần tử vì đạo và kéo dài thêm sự tồn tại của nó”, đồng thời đề ra sáu nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề tôn giáo trong Chủ nghĩa xã hội. Tôi xin mạn phép chỉ nêu lên bốn nguyên tắc cơ bản: (3) không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó có cả mối liên hệ giữa người theo đạo và những người không theo đạo; (4) không ngừng thực hiện công tác giáo dục tuyên truyền, giúp quần chúng nhân dân hiểu nắm được những lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin; (5) kết hợp nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân theo đạo với nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống những thế lực phản động lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, để tuyên truyền chống phá cách mạng; (6) giải quyết vấn đề tôn giáo trên lập trường quan điểm lịch sử, tức là phải nhìn nhận vai trò, tác động của tôn giáo tới đời sống xã hội trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau là có thể rất khác nhau, bởi vậy mối quan hệ với tôn giáo cũng cần phải rất linh hoạt và mềm dẻo: có những thời điểm phải biết sử dụng tôn giáo như một thứ vũ khí lợi hại để chống lại những kẻ thù chung của cả dân tộc, nhưng trong thời điểm khác phải đẩy mạnh công cuộc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa vô thần khoa học, đưa tôn giáo tới " cái chết tự nhiên của nó ".

Tuy nhiên, theo Ông Minh Thuận, Chủ Tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Tôn giáo là một yếu tố cấu thành và là di sản văn hoá của nhân loại”. Cũng theo Ông Minh Thuận, Đảng Cộng Sản Việt Nam chấp nhận “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam“ (Minh Thuận (Theo Tạp chí Tuyên giáo ngày 8/7/2009) (Mạng của Sở Nội Vụ Thành Phố Đà Nẵng, ngày 07-07-2010, 06:56).

Thực vậy, Tôn giáo là một thực tại đã có từ khi có loài người và tồn tại cho tới ngày nay. Quan niệm của Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam là một quan niệm tích cực. Mong sao quan niệm đó thực sự tích cực, chớ không phải đành chấp nhận, vì không dẹp bỏ được.

Mặc dù vậy, vì không muốn cho Tôn giáo phát triển, Chủ nghĩa Duy Vật hay Xã Hội và Cộng Sản Vô Thần tìm cách hạn chế Tôn giáo. Ngoài ra, vì cho rằng Tôn giáo là “thế lực chống đối”, là sức mạnh đế quốc muốn dùng để chống phá Cách mạng, Chủ nghĩa Duy Vật hay Xã Hội và Cộng Sản Vô Thần muốn chi phối và “nắm” các tổ chức Tôn giáo nói chung và “Thiên Chúa giáo” nói riêng.

Để thực hiện chủ trương đó, Chính Phủ Cộng Sản Trung Quốc đã thành lập Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước và họ đã thành công khi tách một phần của Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc thành Giáo Hội Công Giáo Nhân Dân.

Chính Phủ Cộng Sản Việt Nam cũng đã thành lập Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước. Nhưng họ đã không thành công trong việc làm cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thành Giáo Hội Nhân Dân và “tự trị”.

Còn để nắm các Tôn giáo nói chung, Thiên Chúa giáo nói riêng, Chính Phủ Cộng Sản Việt Nam bắt một số giáo dân, tu sĩ và linh mục làm “ăn-ten” để thường xuyên báo cáo cho họ.

Và việc hạn chế tôn giáo thì như thế nào? Trong thập niên 70, đã xảy ra một số sự kiện như sau:

• “Việc tách nhà trường ra khỏi nhà thờ” để lấy tất cả các Trường Công giáo;

• “Vụ án 5 nhà dòng ở Thủ Đức”: tạo ra những “vụ án” để có thể tịch thu và giải tán 5 dòng tu ở Thủ Đức;

• Việc đóng cửa và giải tán Giáo Hoàng Học viện Thánh Piô X ở Đà Lạt;

• Hạn chế việc mở các Đại Chủng viện, chiêu sinh và truyền chức Linh mục trong các Giáo phận. …

Tuy nhiên, về phương diện Tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo, thì Hiến Pháp Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa ở Điều 70 đã minh định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật... . Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.”

Việc áp dụng Điều 70 này có nhiều khác biệt tại các địa phương và trong các giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay đã có những tiến triển tích cực, “phạm vi” tự do được mở rộng hơn, chẳng hạn: việc chiêu sinh của các Đại Chủng viện, việc truyền chức Linh mục, cũng như việc thuyên chuyển các Cha xứ được dễ dàng và thuận lợi hơn.

THÁI ĐỘ CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Là người Công giáo, tôi không rõ thái độ của các Tôn giáo khác. Cho nên tôi chỉ xin đề cập đến Thái độ của Giáo Hội Công giáo đối với Chính Phủ Cộng Sản.

Trước Công đồng Vatican Đệ nhị, Chủ nghĩa Duy vật hay Xã Hội và Cộng Sản và Giáo Hội Công Giáo không đội trời chung, vì Chủ nghĩa Duy vật chủ trương VÔ THẦN, còn Giáo Hội Công Giáo thì chủ trương HỮU THẦN.

Có lẽ chính vì thế mà năm 1951, các Đức Giám Mục Việt Nam đã viết một Thư Chung trong đó các ngài cảnh giác các Kitô hữu về Chủ Nghĩa Cộng Sản Vô Thần. Sau đó, Năm 1954, khi Cộng Sản chiếm lấy Miền Bắc, Giáo Hội Công Giáo Miền Bắc đã tổ chức di cư ào ạt vào Miền Nam để thoát khỏi “nạn” Cộng Sản Vô Thần.

Khi đề cập tới thái độ cứng rắn của các Đức Giám mục Việt Nam trong thập niên 50 và sau đó, một Linh mục đã kết án thái độ cứng rắn đó và quy lỗi cho các Đức Giám mục. Thật đáng tiếc, Linh mục đó đã không đề cập đến chủ trương bài bác và hạn chế, nếu không muốn nói là bách hại tôn giáo của Đảng và Chính Phủ Cộng Sản Việt Nam, là nguyên nhân gây nên thái độ cứng rắn của các Đức Giám mục Việt Nam lúc bấy giờ.

Nhưng với tinh thần cởi mở và đối thoại của Công Đồng Vatican Đệ nhị, Giáo Hội Công Giáo chấp nhận “sống chung” với Cộng Sản. Chính vì thế, vào năm 1975, khi Cộng Sản chiếm lấy Miền Nam, Giáo Hội Công Giáo Miền Nam đã quyết định ở lại và ở lại cách tích cực.

Thực vậy, năm 1980, cùng với các Đức Giám mục Miền Bắc, các Đức Giám mục Miền Nam đã khẳng định: “Chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng Dân tộc Việt Nam. … Là Hội Thánh trong lòng Dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê hương, noi theo truyền thống Dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của Đất Nước. … Sống Phúc Âm trong lòng Dân Tộc để phục vụ hạnh phúc của Đồng Bào” (Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Năm 1980, số 8, số 9, số 14).

Định hướng này không chỉ phù hợp với Giáo huấn của Công Đồng Vatican Đệ nhị, nhưng nhất là phù hợp với những lời dạy dỗ và lệnh truyền của Chúa Giêsu, Đấng Sáng Lập Giáo Hội: “Chính anh em là muối cho đời. … Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 13.14), là men trong bột (xem Mt 13, 33; Lc 13, 20-21). Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã sai các tông đồ của Ngài đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo, từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất, làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài (xem Mt 28, 19; Mc 16, 15; Cv 1, 8). Và sau khi lãnh nhận lệnh truyền của Chúa Giêsu, các tông đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông (xem Mc 16, 20).

Sự hội nhập này là đặc tính thiết yếu của Giáo Hội, nhưng đồng thời cũng là một thách đố cho Giáo Hội, vì khi hội nhập, nếu Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không trung thành với Đức Tin Tông Truyền, không kiên vững trong Bản Chất của mình, thì Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không còn thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô nữa. Chính vì thế, trước khi chọn hướng đi hội nhập, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tái khẳng định rằng: “Chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là gắn bó với Chúa Kitô và hiệp nhất với Hội Thánh toàn cầu; là gắn bó với Đức Giáo Hoàng, vị đại diện của Chúa Kitô” (Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Năm 1980, số 8). Khi khẳng định như vậy, các Đức Giám mục Việt Nam cũng khẳng định rằng: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không phải là một tổ chức chính trị, nhưng là một tổ chức tôn giáo.

Đành rằng sự hội nhập và đồng hành có nguy cơ làm cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không còn là Giáo Hội Công Giáo nữa. Do đó, sự lo sợ và nghi ngại của một số người về nguy cơ này cũng có lý do (hy vọng chỉ lo sợ và nghi ngại, chớ không phải là chống đối).

Nhưng nếu nhìn vào tình trạng của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện nay, sau hơn 30 năm hội nhập và đồng hành, chúng ta phải vỗ tay khen ngợi và cảm phục các Đức Giám Mục của Thập niên 70 và 80, cũng như các Đức Giám mục hiện nay, vì Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta vẫn là Giáo Hội Công giáo, vì vẫn gắn bó với Chúa Kitô, vẫn hiệp nhất với Hội Thánh toàn cầu và gắn bó với Đức Giáo Hoàng.

Về Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước, chắc hẳn các Đức Giám mục Việt Nam biết rõ ý định của Chính Quyền khi thành lập Ủy Ban đó. Nhưng một đàng các ngài tạm chấp nhận cho một số Giáo dân, Tu sĩ và Linh mục tham gia, nhưng đàng khác các ngài tìm cách làm việc trực tiếp với Chính Quyền. Và hiện nay, nếu có vấn đề gì liên quan tới Giáo Hội Công giáo Việt Nam, Nhà Nước làm việc trực tiếp với các Đức Giám mục Việt Nam, chớ không qua sự trung gian của Ủy Ban Đào Kết nữa. Đây cũng là một điểm son trong quá trình hội nhập và đồng hành.

Điều chúng ta lo sợ đã không xảy ra. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta vẫn là “Giáo Hội Công Giáo”, đã không trở thành “Giáo Hội Nhân Dân”, đã không trở thành “Giáo Hội Xã Hội Chủ Nghĩa”. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta vẫn hiệp thông với Giáo Hội Rôma, vẫn hiệp thông với “Vatican”.

Ý đồ tách Giáo Hội Công Giáo Việt Nam khỏi Vatican là một ý đồ có thực, nhưng đã không thành công. Trái lại, hiện nay việc bang giao giữa Việt Nam và Vatican là một sự thật đang tiến triển thuận lợi.

Bởi thế, là Người Công Giáo Việt Nam, chúng ta không có gì phải lo sợ, khi thấy các Đức Giám mục, Linh mục và Tu sĩ tiếp xúc, làm việc với các Cấp Chính quyền, vì chúng ta tin có sự hiện của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần: “Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!” (Ga 14, 27c). “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 13).

HƯỚNG ĐI MỚI ĐANG MỞ RA

Cách nay không lâu, vào ngày 25-09-2008, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã biểu lộ quan điểm của mình về vấn đề đất đai và tài sản, về việc thông tin trung thực và về việc dùng bạo lực khi giải quyết vấn đề tranh chấp.

Thiết nghĩ đã tới lúc các Tôn giáo nói chung, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói riêng, không được thoả hiệp, nhưng phải lên tiếng chống tham nhũng và những bất công trong xã hội. Tin Mừng của Chúa Giêsu truyền dạy người Công giáo phải đứng về phía người nghèo, phải đứng về phía người cô thế cô thân, phải đứng về phía người bị áp bức. Hơn nữa, Tin Mừng của Chúa Giêsu truyền dạy người Công giáo phải bênh vực người nghèo, phải bênh vực người cô thế cô thân, phải bênh vực người bị áp bức. Sự liên đới với người nghèo, với người cô thế cô thân, cũng như với người bị áp bức, không chỉ được mô tả tuyệt vời trong Hiến Chế Mục vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” (xem GS, số 1), nhưng còn phải đi vào cuộc sống Tin Mừng của người Công Giáo.

Thần Khí của Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài luôn đồng hành với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại, nhất là trong Giai đoạn Lịch sử đang mở ra này.

08-09-2010