BÁO CÁO TỔNG KẾT NĂM 2010 VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG NĂM 2011
CỦA UỶ BAN BÁC ÁI XÃ HỘI – CARITAS VN


Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam chúng con, trong ánh sáng tình yêu và chân lý (Caritas in Veritate), xin trình bày tóm tắt những hoạt động của Văn phòng Trung ương trong 1 năm, từ ngày 01-10-2009 đến 30-9-2010 và định hướng cho thời gian tới qua vài điểm chính sau đây (xin xem phần phụ lục với các chi tiết ở những trang cuối) để tường trình cho Đức Hồng y và Quý Đức cha của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Đại Hội XI, vào tháng 10-2010, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Còn những hoạt động bác ái xã hội trực thuộc Văn phòng Caritas giáo phận, chúng con xin để mỗi giáo phận trình bày phần báo cáo của mình.

1. Thiết lập hệ thống và cơ cấu tổ chức Caritas Việt Nam

Kể từ ngày Lễ Ra mắt vào tháng 10-2008 đến nay, Caritas Việt Nam mới tròn 2 tuổi khi được phép hoạt động trở lại. Dù rằng tất cả 26 giáo phận đã báo cáo thiết lập được Văn phòng Caritas giáo phận, nhưng chúng con nhận thấy mình còn nhiều thiếu sót, một số giáo phận chưa hiểu đúng bản chất của Caritas là diễn tả tình yêu Thiên Chúa thành những hành động cụ thể (x. Thông điệp ĐTC Bênêđictô 16, Thiên Chúa là Tình yêu, số 22,25,32) mà chỉ nghĩ đến việc trợ cấp vật chất, còn nhân sự chưa có hoặc chưa được đào tạo kỹ lưỡng nên chưa vận động được tín hữu và quần chúng tham gia xây dựng con người và xã hội. Xin thông cảm, tha thứ cho chúng con và trợ giúp chúng con để hoàn thành nhiệm vụ mà HĐGM đã trao phó, vì Caritas Việt Nam là của HĐGMVN.

Vì thế, chúng con tập trung vào việc thiết lập hệ thống tổ chức, cơ cấu hoạt động, đào tạo nhân sự cho Caritas Việt Nam. Văn phòng Trung ương đã cử người đến các giáo phận: Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Mỹ Tho, Đà Lạt, Phan Thiết, Xuân Lộc, Bà Rịa, Phú Cường, Đà Nẵng, Vinh, Hưng Hoá, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Phòng, Huế và Kontum để giới thiệu về bản chất, sứ mạng, mục đích, mục tiêu của Caritas Việt Nam.

Trong năm qua, Văn phòng Caritas Trung ương đã tổ chức 9 khoá đào tạo nhân sự dài ngày về các lĩnh vực chuyên môn như: phòng chống nghiện ngập, cai nghiện ma tuý, HIV-AIDS, các giá trị sống và kỹ năng sống, bảo vệ sự sống cho 741 tham dự viên gồm giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Để nối kết với Caritas khu vực và thế giới chúng con cũng gửi người đi dự 5 hội nghị quốc tế và cử 5 đoàn đại biểu đến các giáo phận để trợ giúp về các lĩnh vực chuyên môn.

2. Phát triển con người toàn diện để đổi mới xã hội

Rút ra bài học từ kinh nghiệm của các Anh hùng Tử đạo Việt Nam thời trước và người Kitô giáo Hàn Quốc thời nay, chúng con tập trung vào việc giúp các tín hữu Việt Nam phát triển con người toàn diện (x. TĐ. Caritas in Veritate) bằng cách gây ý thức về các giá trị sống, đào tạo kỹ năng sống mới để nhờ các tín hữu Công giáo, GHCGVN đóng góp vào việc đổi mới dân tộc Việt Nam và sự phát triển bền vững cho đất nước Việt Nam.

Để thực hiện công trình này chúng con đã nghiên cứu cấu trúc tâm lý xã hội con người Việt Nam, phân tích ra những đức tính và tật xấu để gây ý thức xã hội, giới thiệu các kỹ năng mới để sửa đổi và đào tạo thành các tính tốt và hy vọng sau 1 vài thế hệ sẽ đổi mới được cả dân tộc. Người Công giáo Việt Nam thời trước đã đổi mới xã hội từ nền quân chủ chuyên chế độc tài, đa thê, bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ, lạc hậu về khoa học kỹ thuật, học theo chữ Hán, chữ Nôm sang 1 xã hội dân chủ, bình đẳng nam nữ, hôn nhân 1 vợ, 1 chồng, tiến bộ khoa học và học theo chữ Việt trong vòng 200 năm. Chúng con cũng dùng các phương tiện truyền thông như là Internet, sách báo để phổ biến chương trình này. Ngày 25-3-2010, chúng con đã lập trang web Caritas Việt Nam (www.caritasvn.org), dù số người truy cập còn rất khiêm tốn (khoảng 1000 lượt/ngày).

3. Thực hiện các chương trình bác ái xã hội

Do nhân sự còn yếu kém chúng con chỉ dám thực hiện một số chương trình theo khả năng còn giới hạn của mình hoặc theo tính cấp thiết của vấn đề xã hội hoặc theo số đông nạn nhân cần được giúp đỡ. Sau đây là 1 vài chương trình nổi bật:

3.1. Cứu trợ nạn nhân thiên tai

Những nạn nhân này, do tính nghiêm trọng của thiên tai, cần được cứu giúp khẩn cấp để tránh đói khát, dịch bệnh, đồng thời giúp họ phục hồi đời sống. Trong năm nay Caritas Việt Nam giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão số 9, Ketsana (tháng 10-2009), số 11, cơn bão Mirinae (11-2009) và cơn bão số 3-2010.

3.2. Trợ giúp người khuyết tật, bệnh tật và phòng chống nghiện ngập

Ba lĩnh vực này thường liên quan với nhau. Việt Nam hiện nay có 5,4 triệu người khuyết tật thuộc 13 dạng tật khác nhau. Rất nhiều bệnh tật, khuyết tật bắt nguồn từ việc cha mẹ hay chính đương sự nghiện rượu bia (5 triệu người), nghiện thuốc lá (5 triệu người), nghiện trò chơi trực tuyến (5,3 triệu), nghiện phim sex (vài triệu trong số 24 triệu người dùng internet), nghiện ma tuý (khoảng 200.000). Số người mắc bệnh tâm thần (khoảng 8,5 triệu người chiếm 10 % dân số) do phá thai (mỗi năm 2 triệu/ca), do sinh nở (6 % phụ nữ sinh con mắc bệnh tâm thần), do đời sống căng thẳng (cứ 150 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị bệnh tự kỷ), do các chứng nghiện ngập ở trên. Chúng con chưa kể số người mắc bệnh đủ loại vì thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường và thực phẩm độc hại.

Nước Việt Nam hiện nay có khoảng 87 triệu dân, nhưng có đến hơn 30 triệu người bệnh tật, khuyết tật và nghiện ngập là hình ảnh của những con chiên cần được các mục tử quan tâm. Vì thế, chúng con đào tạo cho hội viên Caritas đón nhận và chia sẻ trách nhiệm “Mục tử cộng đồng” của Đức Kitô. Caritas Việt Nam đã tổ chức nhiều khoá và có nhiều hành động trợ giúp các nạn nhân này.

3.3. Chương trình trợ giúp các học sinh, sinh viên nghèo và các người mẹ đơn hành.

Các em học sinh và giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và đất nước, nên cần được khuyến khích học hành. Caritas Việt Nam dành 2.600 học bổng cho các học sinh nghèo, khuyết tật và bệnh tật (mỗi giáo phận 100 người) qua các dự án như: Con Đường Sáng, dự án của Caritas Slovakia cho Đồng Bằng Sông Cửu long, chương trình học chữ và học nghề cho các bà mẹ đơn hành.

4. Nguồn lực vật chất và tinh thần

Caritas Việt Nam chúng con hoàn toàn trông cậy vào nguồn lực vật chất và tinh thần là chính Chúa cũng như hy vọng vào nội lực của chính đồng bào Việt Nam để giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam. Nhờ lòng hảo tâm và quảng đại của các tổ chức, các ân nhân xa gần, chúng con đã thực hiện gần hết các mục trong chương trình 2010.

Năm 2010 chúng con đã chi cho các mục sau đây:
* Nạn nhân thiên tai: 7.140.887.530 đồng
* Người nghèo: 144.355.200 đồng
* Trợ giúp khám bệnh, mổ khuyết tật: 319.960.018 đồng
* Y tế Cộng đồng: 941.333.315 đồng
* Khám sức khoẻ cho các linh mục: 525.434.800 đồng
* Giáo dục đào tạo: 648.973.913 đồng
* Học phí cho học sinh nghèo, tật bệnh: 1.529.500.000 đồng
* Truyền thông và nghiên cứu: 35.742.000 đồng
* Thiết lập Văn phòng Caritas giáo phận: 3.360.014.832 đồng
* Văn phòng Trung ương: 464.698.529 đồng
Tổng cộng: 15.110.900.137 đồng

Ngoài tiền bạc vật chất, các hội viên Caritas Việt Nam đã đón nhận biết bao ân sủng và quyền năng của Chúa để chia sẻ với những người cùng khổ trong xã hội hôm nay. Chúng con xin chân thành cảm tạ và tri ân tất cả mọi người, mọi tổ chức đã giúp đỡ chúng con thực hiện các chương trình và dự án trong năm nay. Xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả theo lòng từ bi của Ngài.

5. Định hướng hoạt động của Caritas trong tương lai

Đại hội Thường niên 2010 của Caritas Việt Nam vào cuối tháng 6 năm 2010 đã quyết định đường hướng hoạt động năm 2011 và 1 vài năm tiếp theo.

Theo đó, Caritas Việt Nam tiếp tục thực hiện các chương trình như năm 2010, mỗi chương trình có nhiều dự án, với 1 vài điểm mới thêm như sau:

1. Cứu trợ đồng bào bị thiên tai (CT 01/CTTT)
2. Trợ giúp người khuyết tật (CT 02/TGKT)
3. Phòng chống nghiện ngập (CT 03/PCNN)
4. Y tế cộng đồng (CT 04/YTCĐ)
5. Giáo dục đào tạo (CT 05/GDĐT)
6. Truyền thông và nghiên cứu (CT 06/TTNC)
7. Củng cố các Văn phòng Caritas Giáo phận (CT 07/VPGP)
8. Xây dựng và củng cố Văn phòng Caritas Trung ương (CT 08/VPTU)
9. Bảo vệ sự sống (CT 09/BVSS)
10. Nông nghiệp bền vững (CT 10/NNBV)

+ Trong chương trình trợ giúp người khuyết tật, bệnh tật, Caritas Việt Nam có dự án xây dựng một vài cơ sở để đào tạo chuyên môn cho các hội viên theo chương trình (CBR): Phục hồi Người Khuyết tật dựa vào Cộng đồng.

+ Trong chương trình Y tế cộng đồng: Caritas Việt Nam sẽ có thêm các dự án cứu chữa, chăm sóc các người bị bệnh phong cùi và những bà mẹ đơn hành.

+ Trong chương trình Bảo vệ sự sống: Caritas Việt Nam sẽ cổ vũ đời sống lành mạnh về tình yêu và tình dục cho các bạn trẻ, hô hào các nông dân, ngư dân bán các sản phẩm an toàn, các người làm văn hoá có các sản phẩm lành mạnh, bảo vệ môi trường sống và chôn táng các thai nhi.

+ Trong chương trình nông nghiệp bền vững: Các chuyên viên sẽ giúp đỡ dân chúng bảo vệ môi trường sống, thăng tiến và phát triển ngành nghề của mình theo đề nghị của Caritas Á Châu và Caritas Đông Nam Á.

Kết luận

UBBAXH-Caritas Việt Nam chúng con dâng mọi hoạt động lên Chúa và hoà nhập với các Uỷ ban khác của Hội đồng Giám mục Việt Nam để làm sáng danh Chúa và mang lại hạnh phúc cho đồng bào. Xin Đức Hồng y và Quý Đức cha chúc lành cho chúng con.

+ Gm. Đa Minh Nguyễn Chu Trinh
Chủ tịch UBBAXH-Caritas VN
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tổng Thư ký UBBAXH
Giám đốc Caritas Việt Nam



PHẦN PHỤ LỤC
I. TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG


1. Đào tạo nhân sự

UBBAXH-Caritas Việt Nam đã tổ chức 9 khoá đào tạo nhân sự cho các giáo phận về những lĩnh vực chuyên môn như: phòng chống nghiện ngập (rượu bia, thuốc lá, internet, trò chơi trực tuyến, phim ảnh đồi truỵ), cai nghiện ma tuý, HIV-AIDS, bản chất và sứ mạng Caritas cũng như về các giá trị sống cho việc xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới, bảo vệ sự sống.

1.1. Khoá đào tạo Những giá trị sống và kỹ năng cần thiết để xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới (khoá cơ bản 1) cho Giáo tỉnh Hà Nội, từ ngày 5-10 đến 9-10-2009, tại Toà Giám mục Bùi Chu, Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định, gồm 31 học viên.

1.2. Khoá đào tạo Những giá trị sống và kỹ năng cần thiết để xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới (khoá cơ bản 1) cho Giáo tỉnh Huế, từ ngày 19-10 đến 23-10-2009, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế, 6 Nguyễn Trường Tộ, gồm 41 học viên.

1.3. Khoá đào tạo Xây dựng đội ngũ nhân viên Caritas Việt Nam, tổ chức tại Toà Giám mục Xuân Lộc, từ ngày 2-11-2009 đến 05-11-2009, gồm 18 vị đại biểu, để nhìn lại và đánh giá những hoạt động của Caritas trong một năm qua cũng như định hướng và lập kế hoạch cho năm 2010.

1.4. Khoá đào tạo Ứng phó với thảm hoạ thiên tai, tổ chức tại Dòng Phanxicô, số 42 Đình Phong Phú, xã Tăng Nhân Phú, Q. 9, Sài Gòn, từ ngày 07-12 đến 9-12-2009, gồm 36 học viên. Nội dung hướng dẫn tham dự viên lập kế hoạch ứng phó với thiên tai như: sơ tán, tìm nơi trú ẩn an toàn cho người dân, che chắn nhà cửa, cung cấp nước sạch, lương thực, thuốc men, đánh giá mức độ thiệt hại và cách làm dự án xin trợ cấp.

1.5. Khoá đào tạo về Đường hướng mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam và một số kiến thức y khoa cần thiết để dự phòng, điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, tổ chức tại Dòng Phanxicô, số 42 Đình Phong Phú, xã Tăng Nhân Phú, Q. 9, Sài Gòn, từ ngày 14-12 đến 16-12-2009, gồm 42 học viên.

1.6. Khoá tập huấn Phòng chống nghiện ngập (rượu bia, thuốc lá, internet, trò chơi trực tuyến, phim ảnh đồi truỵ), tổ chức tại hội trường dòng Thánh Phaolô thành Chartres, tỉnh dòng Sài Gòn, từ ngày 06 đến 09-4-2010. Tổng số tham dự viên gồm 126 người trong đó 12 linh mục, 2 phó tế, 84 tu sĩ nam nữ và 28 giáo dân đến từ 19 giáo phận trên toàn quốc.

1.7. Khoá Phục hồi Chức năng dựa vào cộng đồng, tổ chức tại hội trường dòng Đa Minh, số 190 Lê Văn Sỹ, P.10, Q. Phú Nhuận, từ 24 đến 27-5-2010 cho 160 linh mục tu sĩ nam nữ và tín hữu giáo dân đến từ 21 giáo phận và 29 dòng tu trong cả nước để học hỏi về cách phục hồi Người Khuyết tật dựa vào Cộng đồng.

1.8. Khoá Lãnh đạo Cộng tác và Tầm nhìn Chiến lược, tổ chức tại Toà Giám mục Xuân Lộc, Long Khánh, Đồng Nai, từ ngày 29-6 đến 2-7-2010 cho 94 linh mục, tu sĩ và tín hữu giáo dân đến từ 26 giáo phận, 21 dòng tu trong cả nước.

1.9. Khoá Bảo vệ Sự sống để Phát triển Toàn diện Con người. Khoá tập huấn diễn ra tại hội trường Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, tỉnh dòng Sài Gòn, số 4 Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, Sài Gòn, từ ngày 26 đến 29-8-2010 cho 193 tham dự viên đến từ 25 giáo phận, 38 dòng tu, 11 tổ chức tín hữu giáo dân và 9 Mái Ấm trong cả nước.

Tổng số tiền: 648.973.913 đồng.

2. Tham dự các hội nghị và hội thảo

2.1. Khoá Hội thảo của Liên tỉnh dòng Thánh Phaolô tại Việt Nam với chủ đề “Học tập và hành động để canh tân sứ mạng và phục vụ những người khuyết tật”, diễn ra tại Tu viện Thánh Phaolô, số 44 Lê Thánh Tôn, Pleiku, từ ngày 26-10 đến 30-10-2009. Thành phần tham dự gồm 49 người, trong đó có 36 nữ tu thuộc ba tỉnh dòng Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Nẵng; 9 chuyên gia, trong đó có Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Caritas Việt Nam đã trình bày đề tài “Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới để giải quyết một số vấn đề nhân sinh, đặc biệt để giúp đỡ những người khuyết tật ở Việt Nam”.

2.2. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc UBBAXH-Caritas Việt Nam, tham dự cuộc họp mặt của Ban điều hành Catholic Relief Services (CRS) thuộc miền châu Á, từ ngày 3-2 đến 5-2-2010, tại Trung tâm Đào tạo Mục vụ Baan Phu Waan, Bangkok, Thái Lan. Số tham dự viên gồm 43 người, trong đó có 11 giám đốc Caritas quốc gia (Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Cambodia, Việt Nam, Pakistan, Srilanka, Indonesia, Nepal, Australia, Bangladesh). Mục đích cuộc họp mặt là để hiểu biết và chia sẻ những hoạt động, thành công và cả những thách đố cho nhau; định hướng hoạt động cho 5 năm sắp tới và những đường hướng hợp tác chung. Hội nghị cũng mời tiến sĩ Matt Bloom để trình bày về phương cách lãnh đạo và quản lý nhân sự. Cuộc họp mặt tổ chức rất chu đáo và làm việc rất hiệu quả.

2.3. Ông Đỗ Văn Lộc đã tham dự Hội thảo Quốc tế về HIV/AIDS (ICAAP-9) khu vực Châu Á, Thái Bình Dương tại Bali, Indonesia, với chủ đề: Nâng cao năng lực cho người dân và tăng cường sức mạnh cho mạng lưới (Empowering People and Strengthening Networks).

2.4. Ông Đỗ Văn Lộc và Bác sĩ Bùi Duy Luật tham dự cuộc Hội thảo đầu tiên về HIV/AIDS, tổ chức tại Trung tâm Mục vụ tỉnh dòng Camilo Bangkok Thái Lan, từ ngày 15-5 đến 16-5-2010 với chủ đề: “Những thách đố về HIV/AIDS đối với Giáo hội Công giáo tại châu Á, Thái Bình Dương.

2.5. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc UBBAXH-Caritas Việt Nam, tham dự cuộc họp mặt Caritas miền Đông Nam Á, tổ chức tại trụ sở Caritas Singapore vào ngày 20-8-2010, nhằm mục đích: tạo mối liên kết giữa các thành viên của miền Đông Nam Á để trao đổi kinh nghiệm và đối phó với những vấn đề xã hội của miền châu Á và toàn thế giới, khai triển một chương trình nền tảng nhắm đến việc phát triển toàn diện con người. Tham dự khoá họp này có 2 giám mục, 7 linh mục, còn lại là 16 thành viên giáo dân đến từ 8 quốc gia trong miền, trừ Lào và Đông Timor. Về phía Caritas Quốc tế, có tiến sĩ Lesley-Anne Knight, cha Sanny Sanedrin, Caritas Asia có cha Bonnie Mendes. Hai giám mục là Đức cha Kike Figaredo, Chủ tịch Caritas Cambodia và Đức cha Raymond Samlut Gam, Chủ tịch Caritas Myanmar.

- Ngày 5-12 đến 18-12-2010, ông Đỗ Văn Lộc cùng với Bác sĩ Ochel đi thăm các Văn phòng HIV/AIDS và tìm hiểu hoạt động HIV của các giáo phận Xuân Lộc, Cần Thơ, Long Xuyên và Hà Nội.

- Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc UBBAXH-Caritas Việt Nam cùng với Đức ông Vitillô và Lm. Phương Đình Toại đến các giáo phận Xuân Lộc, Bà Rịa và Cần Thơ để tìm hiểu về hoạt động mục vụ HIV/AIDS.

- Ngày 16-3 đến 18-03-2010, Caritas Trung ương cử Lm. Nguyễn Quốc Hoàng, phụ trách trang web Caritas Việt Nam; ông Đỗ Văn Lộc, phụ trách dự án; cô Nguyễn Thị Liên Phương; kế toán đi thăm và tìm hiểu hoạt động của 5 giáo phận Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bà Rịa và Xuân Lộc.

- Ngày 14-4 đến 23-4-2010, Caritas Trung ương cử Lm. Nguyễn Quốc Hoàng, phụ trách trang web Caritas Việt Nam; ông Đỗ Văn Lộc, phụ trách dự án; cô Nguyễn Thị Liên Phương; kế toán và ông Ngô Xuân Ngọc đi thăm và tìm hiểu hoạt động HIV của 5 giáo phận Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang và Phan Thiết.

- Ngày 24-3-2010, ông Đỗ Văn Lộc được cử đến Giáo phận Bà Rịa để tổ chức khoá đào tạo cơ bản về HIV/AIDS và nghiện ma tuý tại xứ Hải Xuân, hạt Vũng Tàu.

3. Cứu trợ các nạn nhân thiên tai

3.1. Cứu trợ nạn nhân Cơn bão Ketsana (bão số 9) tháng 10-2009

UBBAXH-Caritas Việt Nam cứu trợ phục hồi cho 5 giáo phận: Huế 905.413.000 đồng, Đà Nẵng 438.500.000 đồng, Qui Nhơn 1.138.120.000 đồng, Kontum 1.672.000.000 đồng và Ban Mê Thuột 238.250.000 đồng để mua 111 tấn gạo; 400 thùng mì, mỗi thùng 100 gói; 400 mền; xây 113 căn nhà bị sập; sửa 401 căn nhà bị hư hỏng; 3 nhà thờ và 1 nhà hưu dưỡng của các nữ tu bị hư hại; mua lúa giống cho 700 gia đình; sửa lại ghe thuyền cho 18 gia đình và giúp vốn cho 151 gia đình khác; cấp học bổng cho 146 em và dạy tiếng Việt cho 500 em người dân tộc trong 1 năm để hội nhập với các bạn người Kinh. Tổng số tiền: 4.392,283,000 đồng.

3.2. Cứu trợ nạn nhân Cơn bão Mirinae (bão số 11) tháng 11-2009

UBBAXH-Caritas Việt Nam cứu trợ phục hồi cho 3 giáo phận: Qui Nhơn 773.775.000 đồng, 810.000.000 đồng, Nha Trang 100.000.000 đồng để sửa nhà ở cho 100 gia đình, 57 căn nhà bị sập hoàn toàn cho các gia đình nghèo nhất, phục hồi đàn bò cho 100 gia đình khó khăn nhất (mỗi gia đình 1 con) và cung cấp giống trồng trọt cho các gia đình, phục hồi đồng ruộng cho 368 hộ gồm 2.018 người ở 4 buôn Êa Kmar, Êa Khít, Êa Kmong và Êa Knao. Tổng số tiền: 1.683.775.000 đồng.

- Ngày 9-11-2009, đoàn cứu trợ của UBBAXH-Caritas Việt Nam phối hợp với đoàn của HĐGMVN gồm Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận Thanh Hoá, Phó Chủ tịch HĐGMVN; Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, phụ trách công tác bác ái của Giáo tỉnh Hà Nội; Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng và đoàn cứu trợ của giáo phận Xuân Lộc do cha Giuse Nguyễn Văn Uy, Trưởng ban Caritas Xuân Lộc, đã đến thăm và uỷ lạo các nạn nhân lũ lụt ở xóm Trường và ở xứ Mằng Lăng, Phú Yên, quê hương của Chân phước Anrê Phú Yên. Số tiền gồm: 416.000.000 đồng, 6 tấn gạo, 300 thùng mì mỗi thùng 100 gói, 6 tấn quần áo cũ, mới (100 bao) kèm theo 240 phần quà (mỗi phần gồm: 2 mền, 2 mùng, 2 chiếc chiếu, nồi niêu, xoong, chảo, chén bát, nước mắm, nước tương, tập vở cho các em học sinh và thuốc chữa bệnh).

3.3. Cơn bão số 3 năm 2010

Sau khi nhận được tin từ Caritas Vinh báo tin về tình hình bão lụt tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Văn phòng Trung ương Caritas Việt Nam đã quyết định gửi ngay 200.000.000 đồng vào ngày 29-8-2010 để giúp đỡ khẩn cấp các nạn nhân: các gia đình có người chết, các gia đình nghèo có nhà bị sập đổ và các hộ nghèo cần phục hồi đời sống lao động sản xuất.

4. Cứu trợ người nghèo

UBBAXH-Caritas Việt Nam vẫn tiếp tục giúp đỡ những tổ chức xã hội và những cá nhân trong hoàn cảnh nghèo khổ cùng cực để thể hiện lòng bác ái của Đức Giêsu Kitô. Tổng số tiền: 144.355.200 đồng.

- Trợ giúp xây dựng nhà cho 19 gia đình nghèo ở tại hầm rác theo dự án của Giáo phận Phan Thiết, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Tổng số tiền: 242.000.000 đồng.

- Trợ giúp nạn nhân động đất vào ngày 12-1-2010 ở Haiti, Caritas Việt Nam gửi thư chia buồn và gửi số tiền 21.500 USD cho Caritas Haiti.

- Trợ giúp Giáo phận Hà Nội xây dựng Con đường Quèn Gianh. Tổng số tiền: 200.000.000 đồng.

5. Trợ giúp người khuyết tật

- Khám sức khoẻ cho 500 người khuyết tật tại Bệnh viện Thánh Mẫu, 118 Bành Văn Trân, Quận Tân Bình, Sài Gòn, từ ngày 12 đến 15-5-2010. Tổng số tiền 50.000.000 đồng.

- Cộng tác với đoàn Hope để thực hiện 88 ca giải phẫu cho người khuyết tật hở hàm ếch, sứt môi, chấn thương chỉnh hình, phỏng, sẹo mặt và tắt nghẽn mạch máu tứ chi, từ ngày 29-5 đến 2-6-2010. Tổng số tiền 269.960.018 đồng.

6. Y tế Cộng đồng

- UBBAXH-Caritas Việt Nam trợ giúp các giáo phận thực hiện Chương trình Hành động Toàn diện của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong việc Phòng chống Đại dịch HIV/AIDS tại 12 giáo phận ở Việt Nam và một vài giáo phận có số bệnh nhân AIDS cao, chương trình này do Caritas Đức và Secours Catholique-Caritas Pháp tài trợ. Tổng số tiền: 1.378.280.285 đồng.

- Khám sức khoẻ tổng quát cho các linh mục

- UBBAXH-Caritas Việt Nam cũng đã tổ chức khám sức khoẻ tổng quát cho 789 linh mục thuộc 18 giáo phận, 15 dòng tu và 19 các cha ở nhà hưu Chí Hoà và nhà hưu Long Xuyên, từ ngày 11-6-2010 đến 31-9-2010, các linh mục được đo điện tâm đồ, siêu âm bụng – tim, chụp X quang tim phổi, làm các xét nghiệm để kiểm soát bệnh ung thư, tiểu đường, cholesterol… tại phòng khám Thiên An, 69 Cao Thắng, Quận 3, Sài Gòn và Bệnh viện Thánh Mẫu, 118 Bành Văn Trân, P.14, Quận Tân Bình, Sài Gòn. Tổng số tiền: 466.141.800 đồng.

7. Dự án

- Dự án Thiết lập Mạng lưới Hoạt động của Caritas Việt Nam do Caritas Đức và Secours Catholique-Caritas Pháp tài trợ cho 26 giáo phận đã thiết lập được văn phòng Caritas. Tổng số tiền: 3.292.382.757 đồng.

- Dự án “Con Đường Sáng” nhằm hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo để các em tiếp tục đi học, không bỏ học nửa chừng. Chương trình này nhằm giúp các em tiền học hàng tháng. Chương trình có tham vọng là sẽ đồng hành cùng các em đến trường một thời gian dài, bao lâu các em còn đi học và hoàn cảnh kinh tế gia đình các em trong thời gian đi học chưa được cải thiện. Trong năm đầu thử nghiệm, UBBAXH-Caritas Việt Nam chọn 4 giáo phận thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long làm thí điểm, mỗi giáo phận 100 em, 1 tháng 100.000 đồng, vì học sinh ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Cửu Long bỏ học nhiều nhất nước, trình độ dân trí của người dân cũng thấp nhất nước. Chúng tôi mới nhận được hồ sơ đầy đủ của 2 giáo phận, Cần Thơ và Vĩnh Long, UBBAXH-Caritas đã hỗ trợ với tổng số tiền: 154.000.000 đồng.

- Dự án hỗ trợ học phí cho học sinh khuyết tật và học sinh nghèo bệnh tật: Chương trình này trợ cấp học bổng cho 1.500 học sinh và 100 sinh viên nghèo bị nhiễm HIV, bệnh phong cùi, và những chứng bênh mãn tính. Chương trình này chỉ phát tiền 01 lần duy nhất và dành cho 22 giáo phận trên toàn quốc, trừ 4 giáo phận thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. UBBAXH-Caritas Việt Nam đã nhận được hồ sơ của 10 giáo phận: Bắc Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Phát Diệm, Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa, Phan Thiết, Sài Gòn. Tổng số tiền: 847.000.000 đồng.

8. Truyền thông và nghiên cứu

- Trang Web của Caritas Việt Nam đã ra mắt độc giả ngày 25-3-2010 với sự đổi mới liên tục. Số người truy cập mỗi ngày từ 500 đến 600 lượt. Đây là phương tiện để nối kết với và thông tin cho các Caritas giáo phận, đồng thời cũng là phương tiện gây ý thức quần chúng về vấn đề xã hội.

- In 1.000 cuốn Cẩm nang Caritas bằng Anh ngữ, với số tiền 11.096.000 đồng.

- In 10.000 tờ bướm giới thiệu Caritas Việt Nam về tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu, với số tiền 4.400.000 đồng.

- Chi phí các khoản của Văn phòng Trung ương, với số tiền 464.698.529 đồng.